Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/06/2023

Điểm tuần báo Pháp - Dân Nga đã phải lo "tự cứu"

RFI tiếng Việt

Ukraine chưa phản công, dân Nga đã phải lo "tự cứu"

Nhiều người Nga tìm mua thiết bị chống drone sau vụ nhiều máy bay không người lái tấn công Moskva hôm 30/05. Kiev tiến hành chiến tranh tâm lý với lính Nga. Thượng đỉnh CPE tại Moldova là sự thách thức của 47 nước Châu Âu trước tham vọng Putin. Bên cạnh cuộc xâm lăng Ukraine, còn có một cuộc chiến khác : Nga và Trung Quốc can thiệp vào các nước dân chủ. Trên đây là một số nội dung đáng chú ý của các tuần báo kỳ này.

nga1

Các nhà điều tra bên ngoài một tòa nhà ở Moskva bị drone tấn công ngày 30/05/2023. Reuters – Maxim Shemetov

Dân Moskva đua nhau mua "súng chống drone"

Courrier International cho biết đang có tình trạng "đổ xô mua súng chống drone ở Moskva". Sau vụ nhiều máy bay không người lái tấn công hôm 30/05/2023, nhiều người dân thủ đô Nga bắt đầu tìm mua phương tiện tự vệ. Hãng tin Tass dẫn nguồn từ công ty Detector Systems xác nhận lượng súng chống drone bán ra bỗng tăng vọt ngay trong ngày hôm đó.

Hai nhật báo lớn là Komsomolskaïa Pravda Kommersant đã điều tra, nhận thấy lâu nay khách mua là các công ty trong ngành kỹ nghệ và vận tải, nay còn có các cá nhân. Nếu trước đây người ta mua để tặng cho quân đội, thì nay để tự trang bị cho mình. Thị trường đã có sẵn : các công ty vệ sĩ phụ trách an ninh cho những khu nhà sang trọng là khách hàng thường xuyên, nhưng để tránh cho khách VIP khỏi những cặp mắt tò mò. Nay mục đích là để bảo vệ trước drone tác chiến.

Thực ra đó không phải là "súng" như tên gọi, mà là thiết bị gây nhiễu điện tử cơ động, đôi khi trang bị thêm ống ngắm. Giá cả tùy thuộc vào tầm hoạt động và khả năng gây nhiễu, từ 130.000 rúp (1.500 euro) cho đến nhiều triệu rúp. Những thiết bị mắc nhất phải mua nơi các công ty chuyên dụng, nhưng nhìn chung tất cả sàn thương mại điện tử Nga Internet (Avito, Ozon, Wildberries, Yandex Market…) đều có bán với đủ loại giá. Không có quy định nào về việc mua và sử dụng các "súng chống drone", đại đa số do Trung Quốc sản xuất.

Về hiệu quả, tất cả các chuyên gia được hỏi đều cho rằng các thiết bị trên đều vô dụng so với các drone đã đánh vào Moskva hôm 30/05. "Súng chống drone" dùng để chống lại những drone được điều khiển từ xa, các drone này mất phương hướng sẽ bị rơi. Nhưng loại drone trang bị hệ thống tự hành không thể bị gây nhiễu, chúng bay không tiếng động. Chỉ có lực lượng phòng không mới tiêu diệt được. Thực ra "súng chống drone" có thể hiệu quả với những loại drone nhỏ thủ công được gắn lựu đạn hoặc mìn, có vô số trên mặt trận Ukraine ; nhưng nguy cơ là có thể tự gây thương tích khi drone nổ tung. Và tờ Komsomolskaïa Pravda kết luận : "Tốt nhất nên gọi số 112 nếu thấy một drone khả nghi".

Syrsky, vị tướng Ukraine chuẩn bị cuộc phản công

Về phía Ukraine, L'Express giới thiệu "Syrsky, nhân vật của cuộc phản công". Tướng Oleksandr Syrsky, chỉ huy trưởng lục quân Ukraine là người hùng lãnh đạo cuộc tổng phản công rất được chờ đợi, và Nga rất muốn tiêu diệt chiến lược gia này. Sinh năm 1965, Syrsky biết rất rõ các đồng nhiệm Nga vì từng học ở Moskva trước khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng cũng như tổng tham mưu trưởng Valeri Zaloujny, ông hoàn toàn khác với họ, không hề quan cách mà biết lắng nghe.

Nhờ vậy từ 2013 quân đội Ukraine có thể chuyển sang áp dụng quan điểm của NATO, linh hoạt hơn trong các quyết định. Tháng 3/2022, ông bảo vệ được thủ đô Kiev trước quân xâm lăng hùng hậu, trong khi đa số lực lượng đang đóng ở Donbass. Oleksandr Syrsky gom góp phương tiện và nhân lực từ các trường quân sự, thu lượm thông tin từ người dân và rốt cuộc dù đông gấp 10 lần, quân Nga phải rút khỏi Kiev. Năm tháng sau, vị tướng tặng thêm một thất bại đau đớn cho quân đội Nga với cuộc đột phá bất ngờ ở Kharkiv.

Thách thức lớn cho Syrsky là trong những tháng qua, Nga đã tăng cường phòng thủ rất mạnh. Nhà chiến lược Ukraine tung hỏa mù để gây bất ổn, đánh vào hậu cần, giao lộ, có sự tiếp sức của các binh đoàn người Nga chống Putin khiến Kremlin phải điều quân bảo vệ biên giới. Về vũ khí, The Economist nhận xét, lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên sẽ đến nơi vào cuối tháng 9, quá muộn để đóng một vai trò trong cuộc phản công có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên muộn còn hơn không, và quyết định của tổng thống Joe Biden trước hội nghị G7 ở Hiroshima rất có ý nghĩa. Có thể coi những chiếc F-16 này là biểu tượng cho sự cam kết của phương Tây.

Tâm lý chiến của Kiev để làm quân Nga xuống tinh thần

Trả lời L'Express, chuyên gia chiến tranh thông tin người Thụy Điển Johan Rodensjö nhận xét đang diễn ra một cuộc chiến tranh tâm lý, "Mục tiêu của Kiev là làm cho lính Nga mất tinh thần". Từ đầu cuộc chiến, thông tin của Kiev chỉ nhắm vào nhân dân, quân đội Ukraine và phương Tây, để giữ vững tinh thần thường dân cũng như chiến binh, duy trì sự ủng hộ của các đối tác. Nhưng từ một tháng qua, Ukraine hướng về lính Nga, những người chỉ huy và rộng hơn nữa là nhân dân Nga. Những video đăng lên mạng xã hội cho thấy thắng lợi của Ukraine, lính Nga bỏ chạy hoặc bị bắt, những người lính đào ngũ được đối xử nhân đạo theo Công ước Genève về tù binh. Đó là để gieo vào đầu đối thủ ý nghĩ họ đang thua, chiến đấu chỉ vô ích.

Song song đó, các nhà lãnh đạo Ukraine, nhất là Zelensky, nói rằng cuộc phản công vẫn chưa bắt đầu, tạo ấn tượng là sẽ tái chiếm dễ dàng. Những hình ảnh chiến binh Ukraine vui vẻ, năng động, Zelensky tươi cười được phổ biến rộng rãi. Thông điệp là : chiến thắng đang trong tầm tay. Trong tất cả các cuộc xung đột vũ trang, tâm lý rất quan trọng, quyết tâm của quân dân là nhân tố chính. Các chiến binh biết rằng có thể tử trận nhưng họ sẵn sàng, vì việc bảo vệ tổ quốc, bảo vệ gia đình mang ý nghĩa tối thượng.

Giới trẻ Nga bị tước đoạt tương lai

Đối với người dân Nga, thông tín viên L'Express nói về giới trẻ đầy tuyệt vọng trong bài "Chúng tôi không được chào đón ở bất cứ nơi nào". Cuộc xâm lăng Ukraine đã phá hủy tương lai của một thế hệ người Nga, dù lưu vong hay ở lại đất nước.

Khi tấn công Ukraine hôm 24/02/2022, Vladimir Putin đã khiến cho một phần xã hội Nga phải gánh chịu nỗi đau tâm lý. Muốn hòa nhập với thế giới, họ bỗng lọt vào cái bẫy chiến tranh, dân tộc chủ nghĩa, khép kín, phải trả giá cho ý đồ đen tối của Kremlin. Không dám nhìn thắng vào thực tế cuộc chiến, không ít người phải nhờ đến sự trợ lực của dược phẩm. Theo một nhà phân phối quốc gia, từ tháng Giêng đến tháng 6/2022, số thuốc chống trầm cảm bán ra tăng 66% so với cùng kỳ năm trước, số người đi gặp bác sĩ tâm lý tăng 63%. Đối với những người Nga lưu vong, càng nặng nề thêm vì họ khó thể than vãn. Người trong nước không dám nghĩ đến tương lai trước tình trạng bất thường này.

Sức khỏe tâm thần của cựu chiến binh : Quả bom nổ chậm cho Moskva

Trong quân đội, The Economist cho rằng Nga đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép. Theo nhà phân tích Dara Massicot, sẽ khó giữ chân các chiến sĩ và chữa trị cho những cựu binh bị chấn thương tâm lý. Bị điều động liên tục, không được luân phiên hợp lý do thiếu quân, lính Nga thường trong trạng thái tinh thần căng thẳng. Chính quyền trả lương quân nhân cao gấp ba lương trung bình, cộng thêm ưu đãi xã hội như nhà ở, vào đại học… nhưng số huy động vẫn không đủ.

Một điều đáng lo nữa là quả bom nổ chậm, khi đoàn quân quay về thành phố, làng mạc của mình. Hội chứng Ukraine sẽ sâu sắc hơn nhiều so với những cuộc chiến trước. Có đến 97% nhân viên quân sự và lính dù bị huy động, cao hơn nhiều so với Afghanistan, Chechnya, và cường độ chiến đấu rất mãnh liệt. Những con số thương vong rất khác nhau, từ con số chính thức 6.000 lính thiệt mạng cho đến 23.000 đám tang lính được xác nhận, và phương Tây cho rằng 40.000 – 60.000 quân Nga tử trận. Hệ thống y tế Nga đã quá tải, trong khi ước tính hơn 100.000 cựu chiến binh cần được trợ giúp để đối phó với rối loạn sức khỏe tâm thần. Hơn nữa, luật còn trừng phạt những ai "nói xấu" quân đội khiến họ khó thể thổ lộ. Hậu quả rất nặng nề cho sức mạnh quân sự và xã hội Nga.

Nga và Trung Quốc lũng đoạn phương Tây : Một cuộc chiến khác 

Bên cạnh đó, L'Obs cảnh báo ngay trên trang bìa về "Một cuộc chiến khác : Sự can thiệp của Nga và Trung Quốc". Gián điệp, lũng đoạn thông tin, hối lộ... hai chế độ độc tài liên tục tấn công vào Pháp bằng nhiều hình thức, với mức độ cao chưa từng thấy kể từ thời chiến tranh lạnh. Hiện chỉ có 9 trong số trên 700 hồ sơ về các chính khách tiếp tay cho nước ngoài can thiệp được Viện Công tố Tài chánh theo dõi có thể đưa ra trước tòa. Con số ít ỏi này cho thấy sự khó khăn của tư pháp, vì chỉ có tham nhũng, hối mại quyền thế mới có thể bị khởi tố. Cáo buộc "làm tay trong cho một thế lực ngoại quốc", tức tội phản quốc, vô cùng hiếm hoi trong thời bình. Nhất là chính quyền Pháp quá chậm chạp, phải đến khi các email trong nội bộ ê-kíp tranh cử của Emmanuel Macron bị tiết lộ mới bắt đầu nhận thấy nguy cơ.

Những dấu hiệu cảnh báo xuất hiện khắp nơi : tin tặc tấn công Quốc hội Đức và văn phòng bà Angela Merkel năm 2015, nghi vấn Nga can thiệp vào chiến dịch Brexit và bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016… Pháp cũng như các nước phương Tây khác ngỡ rằng sự sụp đổ của bức tường Berlin đánh dấu chiến tranh kết thúc, sự cạnh tranh giữa các nước chỉ còn trên lãnh vực kinh tế. Trên thực tế, chiến tranh chưa bao giờ ngưng : Putin từ hai mươi năm qua âm thầm chuẩn bị cho "cuộc đối đầu lớn" với phương Tây. Trao đổi với L'Obs, nghị sĩ Raphaël Glucksmann, chủ tịch ủy ban về tình trạng nước ngoài xâm nhập lấy làm tiếc vì "Chúng ta cứ ngỡ rằng không bị Nga đe dọa". 

Các nhà lãnh đạo Châu Âu trong nhiều năm trời để yên cho Nga và Trung Quốc mua chuộc giới tinh hoa, đầu tư vào những lãnh vực chiến lược để tạo sự lệ thuộc, đàn áp thậm chí ám sát các nhà đối lập ngay trên lãnh thổ phương Tây, can thiệp vào bầu cử, tài trợ cho các phong trào chính trị thù địch với Liên Hiệp Châu Âu mà chưa bao giờ phải trả giá cho các vụ tấn công này. Riêng về cuộc chiến thông tin, Nga dành đến 400 triệu euro một năm cho hai kênh tuyên truyền quốc tế là RT và Sputnik. Để so sánh, ngân sách dành cho France 24 chỉ là 70 triệu euro. Sau khi hai kênh trên bị cấm hoạt động, cuộc chiến ẩn danh diễn ra trên mạng xã hội với những danh khoản giả của các đội quân dư luận viên đông đảo.

CPE, tập thể 47 nước Châu Âu thách đố Putin

Trên phương diện ngoại giao, La Croix số cuối tuần vui mừng nhận thấy "Đối mặt với Nga là một Châu Âu 47 nước !". Sự hiện diện của 47 tổng thống, thủ tướng Châu Âu tại thủ đô Moldova sát bên Ukraine đang trong chiến tranh, cho thấy tính đa dạng và sự đoàn kết của châu lục.

Ý tưởng về Cộng đồng Chính trị Châu Âu (European Political Community – EPC / Communauté politique européenne - CPE) bắt đầu nhen nhóm sau cuộc xâm lăng, được tổng thống Emmanuel Macron đưa ra trước Nghị Viện Châu Âu và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ. Mục tiêu là tập hợp châu lục, chứng tỏ sự đối kháng giữa hai tầm nhìn : một bên dựa trên hợp tác và tôn trọng luật pháp, bên kia là luật của kẻ mạnh. Bên cạnh đó còn giúp ổn định những nước bị tác động bởi cú sốc từ Nga. Các quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu (EU) có thể trông cậy vào cộng đồng, trong khi những nước khác phải tự lực. Các nước ứng cử viên EU cũng có thể làm quen với các tiêu chuẩn cao hơn.

Cho dù là một định chế linh hoạt, không có ban thư ký, nhưng EPC/CPE có thể là phác họa cho một Châu Âu tương lai. Trừ phi có sự thay đổi chế độ ở Moskva, sẽ có sự đối địch lâu dài giữa Nga và NATO. Các nền kinh tế sẽ tách biệt, trao đối văn hóa hạn chế, dấu ấn in đậm lên cả một thế hệ. EU sẽ là động lực chính của một Châu Âu mới nhưng với những thay đổi sâu sắc. Việc mở rộng cho hơn một chục nước nữa để Nga không còn đất tung hoành, dẫn đến những cải cách trong tổ chức EU. CPE là cánh cửa mở ra viễn cảnh này, hướng về sự ổn định của châu lục.

Nghịch lý EU : Nương nhẹ Thổ Nhĩ Kỳ, gắt gao với Ukraine

Ngược lại, Le Point tỏ ra bất bình khi cho rằng Châu Âu "Xét nét với Zelensky nhưng lại khom lưng trước Erdogan". Có vẻ như là chuyện đùa, nhưng về mặt chính thức Châu Âu vẫn đang thương lượng với Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập, tuy nước này dường như không còn nghĩ tới, trong khi đó lại đòi hỏi nhiều thứ nơi Ukraine. Recep Tayyip Erdogan cầm quyền từ 20 năm qua và sẽ còn trị vì không biết đến bao giờ, nhưng EU tiếp tục tìm kiếm tương lai chung với một chế độ thù ghét người Kurdistan và người Armenia.

"Ứng cử viên" này không ngần ngại gởi hải quân đến biển Aegean để đe dọa một thành viên EU là Hy Lạp, hỗ trợ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, có những hành động thù địch với phương Tây tại Châu Phi, Trung Đông và ngay tại Châu Âu. Sự hung hăng sẽ không giảm xuống với xu hướng dân tộc chủ nghĩa, một Erdogan có thể còn tệ hại hơn trước, mà Châu Âu vẫn như con đà điểu vùi đầu trong cát. Nguyên do trước hết là bị bắt bí : Erdogan dọa sẽ đẩy hàng triệu di dân sang Tây Âu, tiếp theo là vị trí địa lý chiến lược. Nhưng màn kịch đã kéo quá dài, nên chấm dứt thương thảo.

Ngược lại, EU có vẻ khó khăn một cách quá đáng trước việc tiếp nhận Ukraine. Tất nhiên Kiev chưa thể đáp ứng được các tiêu chí đòi hỏi, nhưng quốc gia này đang bị xâm lược. Năm 1990 khi thống nhất nước Đức, thủ tướng Helmut Kohl đã áp đặt một công thức bất hợp lý nhưng cần thiết về chính trị : một đồng mark Đông Đức tương đương với một đồng mark Tây Đức. Buộc Ukraine trước hết phải thực hiện một loạt cải cách – và Kiev cũng đang rất cố gắng – trong lúc nước này đang phải chiến đấu để sống còn, là vô nghĩa và thảm hại. Theo tờ báo, EU nên chính thức mở đàm phán, dù sao đi nữa thủ tục gia nhập còn phải kéo dài nhiều năm.

Belarus, số phận của một đất nước bị mất chủ quyền

Bên cạnh đó L'Obs không quên nghĩ đến "Số phận đáng buồn của Belarus". Phía đông Liên hiệp Châu Âu, không chỉ có Ukraine đang lâm chiến và Moldova đang bị đe dọa, mà còn có Belarus, đất nước kém may mắn nhất trong khu vực này.

Alexander Lukashenko sau cuộc bầu cử gian lận bị người dân biểu tình phản đối, đã quay sang Putin. Đây là nụ hôn tử thần cho chủ quyền đất nước. Tổng thống trở thành phát ngôn viên của Kremlin, loan báo rằng vũ khí nguyên tử Nga đang được chuyển sang Belarus. Lukashenko biết rằng sẽ không sống sót nếu ông chủ điện Kremlin bại trận, nhưng với người dân Belarus, chiến thắng của Ukraine cũng sẽ là của họ, cả về ngắn hạn lẫn trung hạn.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 277 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)