Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/06/2023

Điểm báo Pháp - Nga thổi phồng thiệt hại của Kiev

RFI tiếng Việt

Nga thổi phồng thiệt hại của Kiev, Ukraine tận dụng ưu thế vũ khí hồng ngoại

Báo chí Pháp hôm 12/06/2023 chú ý nhiều đến cuộc phản công của Ukraine. Bộ máy tuyên truyền của Nga phổ biến rộng rãi hình ảnh bốn chiến xa phương Tây bị hư hại trên chiến trường, để cố gắng tạo cảm giác là cuộc phản công của Kiev thất bại (Le Monde). Trong khi đó lực lượng Ukraine tiến đánh cùng lúc nhiều địa điểm, tái chiếm ít nhất ba ngôi làng, tấn công chủ yếu vào ban đêm nhờ vào lợi thế vũ khí hồng ngoại được viện trợ (Libération).

phancong0

Các chiến binh Ukraine khai hỏa đại bác tại Bakhmut thuộc Donetsk ngày 15/05/2023. AP - LIBKOS

Bên cạnh vấn đề di dân, sự sống sót kỳ diệu của bốn trẻ em trong rừng rậm Colombia, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phải ra tòa án liên bang vì cất giữ tài liệu mật tại tư gia, cuộc phản công của Ukraine là đề tài nóng nhất được các báo Pháp khai thác hôm nay. Le Monde chạy tựa "Kiev tung ra cuộc phản công trên nhiều mặt trận", Libération đăng ảnh trang nhất một chiến binh đang tung lên một drone trong màn đêm đen với dòng tít lớn "Ukraine phản công : Lợi thế của việc đánh ban đêm".

Ba hướng tiến công chính của Ukraine

Libération ghi nhận Kiev giữ kín như bưng chiến dịch phản công, bản tin trên đài phát thanh và truyền hình đều không nhắc đến. Tuy nhiên Les Echos  Le Monde đều nhận thấy cuộc phản công của Ukraine diễn ra dữ dội theo ba hướng chính. Lực lượng đôi bên đều tương đương với khoảng 200.000 quân. Do kiểm duyệt và bóp méo thông tin, cần phải nhiều tuần nữa mới đánh giá được cuộc chiến nghiêng về phía nào. Nhưng có thể nhận thấy hướng thứ nhất của quân đội Ukraine là nhằm bao vây Bakhmut, thành phố đã rơi vào tay Nga sau trận đánh kéo dài 10 tháng, lâu nhất trong lịch sử đương đại. Nếu bị tái chiếm, sẽ là một cái tát cho Moskva, thậm chí thanh trừng nội bộ ở Kremlin.

Hướng thứ hai thiên về phía nam, tiến đến các thành phố Velyka Novosilka, Vuledar và Novodonestsk. Hôm qua, Ukraine đã tái chiếm được ba ngôi làng Blagodatne, Neskushne, và Makarivka. Cách đó 100 kilomet là cảng chiến lược Mariupol mang tính biểu tượng cao. Hướng thứ ba về phía đông, thành phố Orikhiv-Tokmak nằm cách thượng nguồn của nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia 80 kilomet, từ đó có thể đe dọa Melitopol gần biển Azov. Tại đây quân đội Ukraine đã chọc thủng được phòng tuyến đầu tiên, nhưng sẽ phải đối đầu với đơn vị 58 tinh nhuệ của Nga.

Do không áp đảo về quân số, chiến dịch phản công không phải là một cuộc đối đầu trực diện quy mô như mọi người hình dung, mà là một loạt tấn công phối hợp thiết giáp, pháo binh và bộ binh với một ít yểm trợ của không quân, nhằm đạt được một sự đột phá. Mục tiêu là đến tháng Tám sẽ tiến đến duyên hải biển Azov, cắt quân Nga làm đôi và chận tiếp tế cho lực lượng địch đóng ở Kherson và Crimea, để "rụng dần như trái chín".

Cựu binh Azov quyết tái chiếm Mariupol

Tiếp xúc với các cựu chiến binh của trung đoàn Azov, Le Monde ghi nhận ý chí quyết tái chiếm Mariupol của họ. Được nâng lên cấp lữ đoàn, Azov lao vào cuộc chiến mới để giành lại thành phố miền nam Ukraine. Sau trận Mariupol, trung đoàn Azov vẫn còn 1.150 chiến sĩ bị bắt hoặc mất tích, và nay phải đối mặt với hai thách thức khác.

Trở thành lữ đoàn, quân số Azov từ 1.500 lên 7.000 người, trong vài tháng phải huấn luyện nhiều tân binh. Thứ hai là vấn đề hình ảnh : trung đoàn tình nguyện thành lập năm 2014 để chiến đấu tại Donbass dưới dạng phong trào dân quân cực hữu, bị Moskva lấy đó làm cái cớ để "phi quốc xã hóa" Ukraine. Sự kiện trung đoàn tham gia trong hàng ngũ vệ binh quốc gia, thu nhận những người tình nguyện đủ mọi khuynh hướng chính trị, và trận chiến ngoan cường ở Mariupol khiến Azov trở thành một trong những đơn vị nổi tiếng nhất thế giới, đồng thời trách nhiệm cũng nặng nề.

Chỉ huy trưởng Bohdan Krotevych tin chắc rằng "Ukraine sẽ chiến thắng vì lính Nga chẳng hiểu tại sao họ lại phải tiến hành cuộc chiến này, động cơ chiến đấu là rất quan trọng". Bên cạnh ông, chỉ huy phó Ilya Samoilenko, biệt danh "Gandalf" là bằng chứng sống động cho tinh thần hy sinh. Bị mất bàn tay trái và mắt phải trong một trận đánh, Gandalf cho biết : "Những chiến binh bị bắt được trao trả, và các thương binh đã hồi phục đều tiếp tục chiến đấu". Họ biết rằng cuộc sống là ngắn ngủi, nhưng thà chết vinh hơn sống nhục.

Phá được vài chiến xa phương Tây, Nga tuyên truyền ầm ĩ

Vẫn theo báo Le Monde, "Moskva cố gắng áp đặt câu chuyện Ukraine bị thua" trên chiến trường. Đưa rộng rãi những hình ảnh đầu tiên về các xe thiết giáp phương Tây bị phá hủy, hệ thống tuyên truyền của Nga hy vọng những người ủng hộ Ukraine sẽ nhụt chí. Sau hàng loạt tin giả tuôn ra trên mạng xã hội, lần này là những hình ảnh thật về những chiến xa Leopard-2 của Đức và một quân xa của Mỹ bị hư hại, có lẽ cán nhằm mìn trong một cuộc tấn công ban đêm.

Một kênh Telegram hạng nhì tên "Chiến binh Viễn Đông" đăng lên ngày 09/06, và lập tức được tất cả các mạng xã hội Nga đưa lại. Trên video chất lượng tốt do một drone Nga quay được từ xa, không thấy một xác lính nào. Phía Ukraine nếu có binh sĩ tử thương hoặc bị thương đều đã di chuyển đi nơi khác. Những chiếc loa tuyên truyền của Kremlin vô cùng hứng chí, cho rằng đó là "những hình ảnh không thể quên", "hãy thưởng thức vẻ đẹp này"… Vladimir Putin vốn hiếm khi nói về tin tức chiến trường đã nắm ngay cơ hội, tuyên bố rằng quân đội Ukraine không đạt được bất cứ mục tiêu nào trên chiến địa.

Được đà, những người bình luận Nga vội vã hòa giọng, trong bối cảnh truyền thông vô cùng bối rối trước những đả kích dữ dội quân đội Nga của thủ lãnh Wagner, Yevgeny Prigozhin. Tuy vậy Vatfor, một nhóm phân tích quân sự thân Kremlin bằng cấp đầy mình kêu gọi nên thận trọng. Trên kênh Telegram có 21.000 người theo dõi, Vatfor nhấn mạnh các blogger quân sự vui mừng có phần vội vã trước sự kiện bốn chiến xa phương Tây bị phá hủy, "địch đã nhiều lần chứng tỏ khả năng tìm ra những điểm yếu trong phòng vệ của chúng ta". Lời bình này được đăng trước khi tổng thống Putin có phát biểu chắc thắng.

Nhờ vũ khí hồng ngoại, Ukraine xuất kích ban đêm

Libération nhấn mạnh "Vũ khí phương Tây là sự hỗ trợ thiết yếu cho Kiev". Tấn công chủ yếu vào ban đêm, Ukraine có được những thiết bị quân sự của Châu Âu và Bắc Mỹ, giúp họ chiếm thế thượng phong trước quân Nga.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), lực lượng Ukraine có lợi thế chiến thuật là những trận đánh xuyên đêm, nhờ những hệ thống kính ngắm hồng ngoại chất lượng cao do phương Tây cung cấp. Le Monde cho biết thiết giáp của các đồng minh được trang bị hệ thống ngắm ban đêm trong khi chiến xa Nga không có. Khi màn đêm buông xuống, drone Nga không còn bay và pháo binh trở nên mù lòa.

Người lãnh đạo phía Nga ở Zaporijia là Vladimir Rogov cũng xác nhận trên Telegram là Kiev chọn đánh ban đêm để làm giảm hiệu quả của phi cơ Nga, tránh bị drone tấn công, tăng tối đa ưu thế về trang bị. Nhưng chuyên gia Stéphane Audrand lưu ý, những chiến binh Ukraine không thể tự giới hạn chiến đấu chỉ vào buổi tối, và họ hiếm khi được yểm trợ trên không. Thế nên nhiều nguy cơ vẫn rình rập, đặc biệt là các drone tự sát.

Cũng theo ISW, nhờ các thiết bị chính xác được phương Tây viện trợ, những ngày gần đây Ukraine đã phá hủy ít nhất hai hệ thống pháo TOS-1A của Nga. Đây là loại vũ khí dùng áp suất nhiệt có sức hủy diệt rất lớn mà quân Nga chủ yếu dựa vào để tấn công các vị trí của Ukraine. Moskva khó thể có đủ số TOS-1A để bố trí dọc theo chiến tuyến.

Xác người ở "phía Nga" trên dòng sông Dniepr

Về vụ vỡ đập Kakhovka, đặc phái viên Le Figaro mô tả thảm cảnh "Những xác chết trôi dạt trên bờ phía ‘Nga’ của sông Dniepr". Từ Olechky, ngôi làng đã trở thành hòn đảo ở phía tả ngạn do quân Nga kiểm soát, cư dân kể lại những nỗi truân chuyên : bị chiếm đóng, ngập lụt, oanh kích. Anna, một tình nguyện viên cho biết hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đang chờ đợi trên nóc nhà để được cứu. Nhóm tình nguyện gồm 50 người của Yaroslav Vasiliev, một người dân Olechky nay định cư ở Munich (Đức) đã sơ tán được hơn 1.000 người, nhưng vẫn còn 2.000 lời kêu cứu.

Thống đốc do Nga dựng lên ở Kherson, Vladimir Saldo hôm 10/06 nói rằng đã giải cứu 7.000 người, tuyên bố này gây bất bình cho người dân địa phương. Anna giải thích, Nga chỉ cho sơ tán từ địa điểm Skadovsk cách đó 20 kilomet ở phía nam, đưa đi Crimea. Đa số không muốn đi vì hầu như không có hy vọng trở về. Một phụ nữ kể lại câu chuyện của người bạn, xếp hàng suốt ngày 06/06 nhưng do không chịu qua máy kiểm tra nói dối và không trả lời câu hỏi có biết ai trong quân đội Ukraine hay không, bà đã bị đuổi trở về ngôi nhà đang bị ngập. Hôm 09/06, quân Nga bắn cả vào hàng dài 200 người đang chờ lãnh bánh mì, may mà quả đạn không nổ, nếu không chẳng biết sẽ có bao nhiêu nạn nhân.

Olha, một cư dân Olechky bày tỏ lo lắng về nguy cơ dịch tả. Sau nhiều ngày chìm trong nước, một số căn nhà cũ đã bị sập và chủ nhân chết đuối trong dòng nước ngầu đục của sông Dniepr. Bà rơi nước mắt cho biết : "Có rất nhiều xác từ nghĩa địa trồi lên, và thi thể của những người bị chết đuối. Chẳng hạn những láng giềng của tôi không sơ tán được, đã phải để cho xác người thân trôi theo dòng nước, vì họ không thể chờ mãi trên nóc nhà bên cạnh những xác này".

Phá đập Kakhovka : Putin "ăn không được thì đạp đổ"

Nhìn chung, Les Echos nhận thấy cuộc phản công vừa khởi động, đất nước Ukraine đã phải đối mặt với thảm họa sinh thái, cho thấy Vladimir Putin cố chấp như thế nào. Không có gì nguy hiểm hơn cho phương Tây nếu để Ukraine rơi vào tay Nga. Hồi năm 1672, Hà Lan từng mở van đập nước, tự làm ngập lụt để chận quân Pháp, nhằm bảo vệ lãnh thổ. Nhưng chọn lựa của Putin - nhấn chìm vùng đất chiếm được của Ukraine - là kiểu "ăn không được thì đạp đổ". Đặc biệt trong bối cảnh khí hậu nóng lên, đó là hủy diệt sinh thái, chống lại thiên nhiên, để lại hậu quả lâu dài.

Nếu Putin không ngần ngại cho nổ tung Kakhovka bất chấp con đập quan trọng này nằm gần nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, thì ông ta còn có thể dấn tới đâu nữa để tránh bại trận ? Đến chỗ phá vỡ cấm kỵ về sử dụng vũ khí nguyên tử chăng ? Có thể rút ra hai kết luận trái ngược. Thứ nhất là cho rằng cần chấm dứt ngay việc leo thang có nguy cơ dẫn đến thảm họa, áp đặt ngưng bắn trước khi quá muộn. Thứ hai, tái khẳng định phải làm mọi cách để chống lại những khiêu khích, bắt chẹt một cách vô trách nhiệm của ông chủ điện Kremlin. Không coi thường nhưng cũng không sợ hãi - một thái độ không dễ dàng. Nhưng kiên quyết ủng hộ Ukraine là chọn lựa duy nhất của niềm tin và trách nhiệm, cần có sự sáng suốt và thực tế.

Khả năng khó xảy ra nhất là Nga chiến thắng, dù là đất nước rộng gấp 16 lần và dân số đông gấp ba Ukraine. Tuy Moskva đã rút được kinh nghiệm từ những thất bại cay đắng vào đầu cuộc xâm lăng, nhưng quân đội Ukraine có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ hơn và vũ khí ngày càng tân tiến hơn. Người Ukraine biết rằng nếu thua trong cuộc chiến này sẽ bị mất nước, còn với người Nga, bại trận có nghĩa là hồi kết của Putin chứ không phải của nước Nga.

Dân chủ thế kỷ 21 tùy thuộc vào kết cuộc chiến tranh Ukraine

Nhưng liệu Kiev có thể thắng lớn, giành lại tất cả những vùng đất bị Nga chiếm từ 2022, nếu không phải từ 2014 ? Trước một đối thủ đã có rất nhiều thời gian chuẩn bị phòng thủ kiên cố, bên tấn công phải áp đảo về cả số lượng lẫn chất lượng, có thể đây không phải là trường hợp Ukraine. Trừ phi có được đột phá lớn tại một mặt trận dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt phòng tuyến khác.

Putin sẽ làm mọi cách để tránh việc bại trận nhục nhã làm mất đi quyền lực và thậm chí cả mạng sống. Ông chủ điện Kremlin chỉ còn có thể trông cậy vào Trung Quốc. Một chế độ độc tài bị dân chủ đánh bại không phải là điều tốt lành cho Bắc Kinh vốn đang lăm le chiếm Đài Loan. Nhưng Trung Quốc cũng không thể để cho Putin đi quá trớn, sử dụng cả vũ khí nguyên tử chiến thuật. Không đánh bại được Nga, nhưng Ukraine cũng không thắng rõ rệt, phải chăng về lâu về dài là hòa bình vì cả hai đều kiệt lực ? Nói cách khác, tình hình hiện nay gần giống với thời điểm 1915, khi Đệ nhất Thế chiến mới khởi đầu ; hay năm 1953, ngưng bắn ở Triều Tiên ?

Les Echos đặt vấn đề : Làm thế nào giải thích cho Kiev là phải chấp nhận nhượng bộ về lãnh thổ, trong khi Ukraine không chỉ bị tấn công mà kẻ xâm lược còn gây ra một loạt tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại ? Ngay cả việc bảo đảm an ninh trước mắt cho Ukraine, trong khi chuẩn bị hội nhập và Liên Hiệp Châu Âu và NATO trong tương lai, kể cả với viện trợ tái thiết đất nước tầm cỡ kế hoạch Marshall, vẫn không thể đủ. Có nên giơ ra cho Kiev củ cà rốt an ninh và kinh tế, đồng thời là một cây gậy dưới dạng đe dọa phe Cộng hòa – có xu hướng co cụm - chiến thắng ở Mỹ năm 2024 ? Theo Le Figaro, hồi kết của chiến tranh Ukraine đóng vai trò quyết định cho định mệnh của dân chủ trong thế kỷ 21. Ngược với trường hợp Afghanistan, Syria, Iraq hay Sahel, không thể thua trong cuộc chiến này, Hoa Kỳ và Châu Âu phải cam kết hỗ trợ Kiev lâu dài.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 185 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)