Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/06/2023

Cuộc phản công của Ukraine gặp kháng cự mạnh của quân Nga

RFI tổng hợp

Chiến dịch phản công : Vì sao Ukraine khó chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga ?

Thu Hằng, RFI, 14/06/2023

Trong chiến dịch phản công hiện nay, quân Ukraine tiến rất chậm, thậm chí là "khó khăn", theo phát biểu tối 12/06/2023 của tổng thống Volodymyr Zelensky. Hiện tại mới chỉ có 7 ngôi làng ở vùng Donetsk miền đông và vùng Zaporijjia miền nam được giải phóng. Một số nhà phân tích cho rằng Kiev mới chỉ trắc nghiệm khả năng phản ứng của Nga, nhưng có một điều chắc chắn, Ukraine sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vì quân Nga đã có thời gian củng cố các tuyến phòng thủ. 

phancong1

Binh sĩ Ukraine trên xe bọc thép BMP-1 tại ngôi làng được giải phóng, thuộc tỉnh Donetsk, ngày 13/06/2023 © Oleksandr Ratushniak / Reuters

Nga có thời gian củng cố các tuyến phòng thủ 

Sau thành công chớp nhoáng của Ukraine ở Kherson, quân Nga đã dựng tuyến phòng thủ kiên cố, được đặt tên là "Fabergé", thợ kim hoàn của các sa hoàng Nga. Tuyến phòng thủ này rất khó vượt qua theo giải thích với RFI ngày 11/06 của đại tá Frédéric Jordan (thuộc Trung tâm học thuyết quân sự và đào tạo chỉ huy) : 

"Tuyến phòng thủ này rất dày đặc, sâu khoảng 30 km với 6 lớp nối tiếp nhau, trước tiên là giúp quân Nga theo dõi một cuộc tấn công của Ukraine, tiếp theo là cố đánh chặn. Toàn tuyến phòng thủ này phần lớn được củng cố bằng các phương tiện công binh, đặc biệt là mìn, các hầm trú ẩn kiên cố và một số chiến hào. Những vị trí đó không hoàn toàn liên tục, có nhiều khoảng trống, nhưng được bố trí ở những nơi được coi là hành lang cơ động, có thể bảo vệ các khu vực, điểm giao nhau và các vùng có tầm quan trọng chiến lược". 

Ngoài ra, quân đội Ukraine còn phải vượt qua được đội "pháo binh đặc biệt" gồm các xe tăng cổ lỗ T54 được Nga xuất kho hồi mùa đông. Thân xe tăng được chôn dưới đất, chỉ để pháo và tháp pháo nhô lên, nhằm gây tối đa thiệt hại cho đối phương. Thông báo mở phản công được Kiev liên tục nhắc đến từ nhiều tháng qua buộc phía Nga phải củng cố lực lượng. Do đó, tình hình trở nên phức tạp cho Ukraine, theo nhận định với RFI ngày 13/06 của cựu đại tá Peer de Jong, hiện là phó chủ tịch Viện Themiis : 

"Đối mặt với quân Ukraine là các đoàn quân Nga được cắm chốt từ nhiều tháng qua. Người ta gọi đó là "bố trí thực địa". Thêm vào đó là việc đập thủy điện Kakhovka bị phá khiến toàn bộ miền nam, có nghĩa là khoảng 400-500 km ở miền nam bị chia cắt, bởi vì không ai vượt qua được cho nên toàn bộ mặt trận tập trung vào khoảng 500 km ở khu vực phía bắc vùng này". 

Lực lượng Ukraine không được trang bị đồng nhất 

Ngoài những khó khăn do Nga gây ra, liệu Ukraine có đủ lực để tấn công cùng lúc toàn bộ mặt trận ở miền đông và miền nam, trong khi các cuộc giao tranh hiện tập trung trên ba trục chính : Bakhmut, vùng Vugledar (đông nam) và vùng Orikhiv (miền nam) ? Cựu đại tá Peer de Jong cho là rất khó "bởi vì Ukraine có khoảng 15 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có từ 3.000 đến 4.000 quân và lại được trang bị khác nhau, lữ đoàn này dùng thiết bị của Pháp, lữ đoàn kia lại được trang bị vũ khí của Mỹ, của Đức…". Tuy nhiên, theo ông, tinh thần chiến đấu của quân và dân Ukraine mới là chìa khóa cho thành công của chiến dịch. 

Cùng chung nhận định với nhiều nhà phân tích quân sự, chuyên gia Peer de Jong nhận định, Ukraine đang trắc nghiệm phòng tuyến để tìm điểm yếu của Nga, với "mục tiêu là xác định một điểm gãy và từ điểm đó có thể đột phá và khai thác đột phá đó. Nên có thể nói rằng (Ukraine) vẫn đang trong giai đoạn đánh giá mặt trận chung". 

Theo nhà sử học quân sự Michel Goya, "nếu Ukraine chọc thủng được các tuyến phòng thủ Nga và tạo được đột phá, thì như trường hợp ở tỉnh Kharkiv vào tháng 09/2022, họ sẽ tung lực lượng cơ động để tìm cách tiến sâu nhất có thể về phía các vùng do Nga chiếm đóng và lúc đó chúng ta có thể chứng kiến những trận giao tranh thực sự. Đó sẽ là những trận chiến di động có vài trăm xe tăng của mỗi bên tham gia. Nếu Ukraine chọc thủng được phòng tuyến thì có lẽ chúng ta có thể sẽ thấy xe tăng trực tiếp đối đầu nhau". 

Tuy nhiên, một tuần sau khi tổ chức phản công, Kiev mới chiếm lại được 7 ngôi làng, một kết quả khá nhỏ nhưng cho thấy "đà tiến". Nhà báo Pierre Haski, phụ trách mục Địa Chính Trị trên đài Pháp France Inter, trích nhận định của giới phân tích cho rằng mối nguy thực sự cho Kiev là chỉ giành được một vài chiến thắng quân sự, nhưng không đủ để làm thay đổi cục diện thực địa. Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ cuộc chiến ác liệt hiện nay trở thành một "cuộc xung đột được đóng băng", kéo dài tình trạng mất lãnh thổ và khiến các nước phương Tây nản lòng.

Thu Hằng

************************

Quân Ukraine giành thêm được ba ngôi làng ở miền đông nam

Trọng Thành, RFI, 13/06/2023

Bộ quốc phòng Ukraine hôm 12/06/2023, thông báo đã giành thêm được "ba ngôi làng ở miền đông nam" tiếp theo các chiến thắng ở miền đông. Tổng cộng quân đội Ukraine đã chiếm được 7 làng kể từ đầu cuộc phản công. Bốn ngôi làng chiếm được trước đó thuộc tỉnh miền đông Donetsk.

phancong2

Lính Ukraine trước một tòa nhà có treo quốc kỳ Ukraine trong một chiến dịch nhằm giải phóng làng đầu tiên trong cuộc phản công tại Blahodatne, vùng Donetsk, Ukraine. Ảnh được công bố ngày 11/06/2023 via Reuters – 68th Separate Bunting Brigade 'O

Theo hãng tin Anh Reuters, trên mạng Telegram, thứ trưởng quốc phòng Ukraine Hanna Maliar hôm qua, 12/06/2023, cho biết ba làng mà họ mới chiếm lại nằm dọc chiến tuyến dài khoảng 100 cây số, phía nam thành phố Zaporijjia, thủ phủ tỉnh Zaporijjia. Trong phát biểu hàng ngày vào tối hôm qua, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định chiến dịch phản công đẩy lùi quân Nga là "khó khăn", nhưng "đang tiến triển".

Phóng sự của Julien Chavanne và Jad El Khoury từ Kiev :

Một người đàn ông tên Sacha nói : "Binh sĩ của chúng tôi đã sẵn sàng 100%". Sacha tin tưởng hoàn toàn là chiến dịch được bắt đầu từ mấy ngày nay để đẩy lùi quân Nga sẽ đạt kết quả. Người đàn ông về hưu này không thể hình dung một viễn cảnh nào khác hơn là chiến thắng. Ông nói : "Tôi tin tưởng 100%. Tôi đã nghe tổng thống Zelensky khẳng định là chiến dịch đã bắt đầu, và không có đường lui".

Trong khi đó, Yulia, phóng viên của một tờ báo mạng, cảnh báo về tâm lý tin tưởng quá mức. Nữ phóng viên này tỏ ra thận trọng : "Không nên ăn mừng chiến thắng quá sớm. Tất cả mọi người đều biết chiến dịch phản công sẽ diễn ra. Giờ đây chúng tôi chỉ biết chờ quân đội chính thức thông báo các chiến công. Như chúng ta đã thấy, khi Kherson được giải phóng, ai cũng đều trào nước mắt. Nhưng phải đợi thông báo chính thức của quân đội".

Đối đầu với cuộc phản công, quân đội Nga lần này đã có thời gian chuẩn bị và đây là điều khiến Arthur - một quân nhân tình nguyện thuộc binh đoàn quốc tế bảo vệ Ukraine - lo ngại. Súng lục đeo trên thắt lưng, trong bộ quân phục ngụy trang, Arthur cho biết : "Tại vùng Donestk, quân Nga đã chiếm được nhiều vị trí chiến lược và về phía Zaporijjia, họ đã có thời gian để củng cố chiến tuyến, đào giao thông hào. Họ đã có thời gian chuẩn bị, họ đã sử dụng tốt khoảng thời gian này. Họ cũng đã có một chiến lược tốt, nhưng tôi không nghĩ rằng điều này sẽ giúp họ".

Quân đội Ukraine đang tiến hành nhiều cuộc đột kích, đặc biệt là nhằm xác định được các điểm yếu của phía Nga. Về phần mình, Nga khẳng định đã "đẩy lùi" nhiều đợt tấn công của các lực lượng Ukraine". 

Trong khi đó, quân Nga đã oanh kích vào một khu chung cư ở Kryvyï Rig, tỉnh Dnipropetrovsk, miền trung Ukraine. Ít nhất 6 người chết, 25 người bị thương, và 7 người khác "có thể đang bị vùi trong các đống đổ nát", theo thông báo của chính quyền địa phương hôm nay, 13/06/2023. Kryvyï Rig, với khoảng 600 nghìn dân trước chiến tranh, là thành phố quê hương của tổng thống Ukraine Zelensky.

Pháp, Đức, Ba Lan họp bàn phối hợp tăng cường hỗ trợ Kiev

Lãnh đạo ba nước Pháp, Đức và Ba Lan đã có cuộc họp hôm qua, 12/06/2023, tại điện Elysée, bàn về việc "thúc đẩy sự phối hợp của Châu Âu" nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn Ukraine trong cuộc phản công và bàn về "các bảo đảm an ninh lâu dài" cho Ukraine.

Theo Reuters, trong cuộc họp báo chung với hai lãnh đạo Đức và Ba Lan, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh Paris "làm tất cả" để có thể trợ giúp Kiev trong cuộc phản công "dự kiến kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng này". Về phần mình thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Ukraine "sẽ được hậu thuẫn cho đến khi nào vẫn còn cần" về xe tăng, đại pháo, cũng như về hệ thống phòng không.

Riêng tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda, đòi hỏi các nước Châu Âu "gửi một thông điệp rõ ràng" về triển vọng của Ukraine gia nhập NATO tại thượng đỉnh ngày 11 và 12/07, ở Vilnius, Litva. 

Theo báo chí Pháp, cuộc họp theo công thức "Tam giác Weimar" – tức cơ chế hợp tác phi chính thức Pháp, Đức, Ba Lan - có mục tiêu chủ yếu là tìm cách thu hẹp các bất đồng, hiện đang còn rất lớn, giữa các nước Châu Âu trong vấn đề "bảo đảm an ninh lâu dài" cho Ukraine. Trong khi chờ đợi NATO kết nạp Ukraine, tổng thống Pháp hôm 31/05, trong một hội nghị tại Bratislava, Slovakia, đã đề xuất các bảo đảm an ninh "lâu dài" cho Kiev nhằm răn đe mọi mưu toan xâm lược mới của Nga. 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Trọng Thành
Read 197 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)