Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/07/2023

Điểm báo Pháp - Ukraine vẫn tin vào chiến thắng

RFI tiếng Việt

NATO còn xa vời, người dân Ukraine vẫn tin vào chiến thắng

Theo Le Monde ngày 13/07/2023, sau hơn 500 ngày chiến tranh tổng lực, 87% người dân Ukraine cho biết vẫn lạc quan. Niềm tin vào chiến thắng và vào Châu Âu tương phản với sự bực tức của giới tinh hoa trước tâm lý e sợ Nga của phương Tây.

nato1

Một quân nhân Ukraine sử dụng rốc-kết đa nòng Partyza tấn công quân Nga tại Zaporijia, Ukraine, ngày 13/07/2023. Reuters – Stringer

Vẫn phải chờ đợi NATO, Ukraine được G7 bù đắp bằng quân viện

Về hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bắc Đại Tây Dương vừa bế mạc, Le Monde cho rằng "Tại Vilnius, NATO không du di trước sức ép của Zelensky". "Zelensky tìm chỗ đứng trong số các đồng minh", theo Le Figaro, "G7 cam kết sát cánh với Ukraine cho đến khi nào còn cần thiết", theo Les Echos. La Croix nhận định "Thượng đỉnh NATO : Volodymyr Zelensky nửa thất vọng, nửa hàm ân". 

Tuy không mời tham gia Liên minh như mong muốn của Ukraine, nhưng các nước G7 đã cam kết quân viện lâu dài cho Kiev. Sau khi chỉ trích "sự phi lý" trong thông cáo Vilnius hứa hẹn "một tương lai trong NATO" "khi nào các đồng minh quyết định rằng các điều kiện đã hội đủ", Volodymyr Zelensky muốn bỏ lại phía sau những bất đồng về sự thiếu vắng một lịch trình cụ thể.

Tổng thống Ukraine liên tục họp song phương với các nhà lãnh đạo đồng minh, cơ hội để cảm ơn những người ủng hộ, trước khi tham dự buổi họp đầu tiên của Hội đồng NATO-Ukraine vừa được thành lập. Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh nhiệm vụ khẩn cấp là cung ứng cho Kiev các vũ khí đang cần, và G7 loan báo kế hoạch viện trợ quân sự dài hạn. Theo Les Echos, Putin có thể hài lòng về kết quả, Kremlin chỉ phản đối cho có lệ. Le Monde cũng cho rằng thỏa thuận ở Vilnius chỉ mạnh hơn Bucarest 2008 chút ít.

Riêng về việc Pháp chuyển giao hỏa tiễn Scalp cho Kiev thì Moskva thực sự giận dữ. Có tầm bắn trên 250 kilomet, Scalp, viết tắt của "Système de croisière conventionnel autonome à longue portée" (hệ thống hỏa tiễn hành trình quy ước tự động tầm xa) giá trên 2,2 triệu euro một quả, giúp tấn công chính xác các kho đạn, trung tâm hậu cần, sở chỉ huy ở rất xa của địch, có thể đe dọa quân Nga ở tận Crimea. Số lượng chi viện không được rõ, nhưng theo thông tin của Le Monde thì khoảng 50. Pháp coi gởi Scalp là việc đáp trả vô số vụ Nga bắn hỏa tiễn sang Ukraine làm nhiều thường dân thiệt mạng, tuy nhiên đã thỏa thuận với Kiev là không sử dụng ngoài đường biên giới đã được quốc tế nhìn nhận của Ukraine.

Thất vọng về hội nghị, nhưng Zelensky thắng cuộc chiến hình ảnh

Bên cạnh đó Les Echos cũng cho rằng được mời dự thượng đỉnh NATO, Zelensky đã thắng trong cuộc chiến hình ảnh, cho dù ông mong đợi những hành động cụ thể hơn. Những cam kết của G7 khiến Moskva càng bị cô lập. Đã quá xa xưa, những kỷ niệm của G8 với Nga ! Gia nhập nhóm vào năm 1998, Vladimir Putin bị đuổi ra năm 2014 sau khi chiếm Crimea.

Bước vào gian phòng họp, Volodymyr Zelensky được ông Stoltenberg hướng dẫn đến chỗ ngồi xếp theo mẫu tự tên nước, giữa thủ tướng Anh và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Một hình ảnh khác là Zelensky trên khán đài với các lãnh đạo G7, cạnh tổng thống Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Đây là biểu tượng mạnh mẽ về nhà lãnh đạo luôn trong màu áo kaki bên cạnh nguyên thủ các cường quốc, trong khi Vladimir Putin luôn xuất hiện trên màn hình như một kẻ cô độc. Jens Stoltenberg giải thích, Hội đồng NATO-Ukraine nhằm giúp xích lại gần hơn : "Hôm nay chúng ta gặp nhau như những người bình đẳng, và tôi nóng lòng chờ đợi ngày mà ta sẽ gặp với tư cách là đồng minh". 

Tại Kiev, thông tín viên Le Figaro ghi nhận ngày 11/07, vào đúng 15 giờ, trùng hợp chính xác đến từng phút một thời điểm khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, còi báo động phòng không rền vang trên toàn quốc Ukraine. Một chiếc MiG-31 từ Belarus bay đến, có thể mang theo hỏa tiễn siêu thanh Kinjal. Chiến đấu cơ này sau đó quay về căn cứ mà không oanh kích, nhưng rõ ràng Nga "chào mừng" hội nghị bằng cách đe dọa Ukraine.

Đêm 11 rạng sáng 12/07 lại có báo động mới, lần này là thật, nhưng cả 11 drone tấn công vào thủ đô Kiev đều bị bắn hạ. Trong khi NATO bàn bạc, người Ukraine tiếp tục hy sinh : 504 ngày chiến tranh, ít nhất 9.000 thường dân thiệt mạng và 78% người dân bị mất đi một người thân.

Sau hơn 500 ngày chiến tranh tổng lực, 87% người dân Ukraine cho biết vẫn lạc quan. Niềm tin vào chiến thắng và vào Châu Âu tương phản với sự bực tức của giới tinh hoa trước tâm lý sợ Nga của phương Tây.

Dân Ukraine luôn tin vào chiến thắng

Le Monde nêu ra hai con số tượng trưng cho tâm trạng của dân chúng Ukraine những ngày gần đây : 500 và 87. Số đầu tiên là thời gian kể từ khi Nga khởi đầu cuộc xâm lăng, và con số thứ hai là tỉ lệ người dân cho biết lạc quan về tương lai đất nước, lên đến 87%.

Làm thế nào có thể lạc quan khi hơn 500 ngày qua quốc gia này phải chịu đựng sự hủy diệt, những chuyến xe tang không ngừng đưa ra nghĩa trang những con người bị tước đoạt mạng sống một cách mù quáng, 8 triệu đồng bào phải di tản ra nước ngoài, khi màn hình trên xe lửa ngoài những hình ảnh tươi vui còn chiếu cảnh những người lính trẻ cụt cả hai chân đang tập vận động ? Trả lời Viện Xã hội Quốc tế ở Kiev, lý do đầu tiên được đưa ra rất đơn giản : "Chiến thắng".

Người Ukraine tin chắc sẽ thắng trận, nhưng cũng biết là còn cần nhiều thời gian. Vẻ vô tư nơi những quán cà phê Kiev chỉ là bề ngoài. Thủ đô ở xa mặt trận, nhưng chiến tranh ở trong đầu mọi người. Một nhà thiết kế áo đầm thêu nói : "Phụ nữ diện đẹp như vậy là để không bị rơi vào trầm cảm".

EU : Ánh sáng cuối đường hầm

Ngược lại trong các cơ quan chính phủ, với các hành lang chìm trong bóng tối và che chắn bằng bao cát, những viên chức cao cấp không giấu nỗi bất bình khi gặp nhóm chuyên gia của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR). Tác giả bài viết cho biết một trong số các viên chức này dường như đã già thêm 10 tuổi kể từ lần gặp tháng 9/2022, người khác vẻ vui tươi thường lệ đã biến mất. Họ mang trên mình sức nặng của 17 tháng chiến tranh tàn phá, một cuộc kháng chiến vệ quốc kéo dài phức tạp dù được người dân ủng hộ.

Lần này, quân Nga đã có thời gian để xây dựng phòng tuyến kiên cố, gài 2 triệu quả mìn, oanh kích dữ dội. Cuộc phản công tiến chậm, thiệt hại nhân mạng nhiều hơn, và không có những cuộc tháo chạy ồ ạt như năm ngoái. Sự do dự của Washington cũng gây bất mãn. Chính phủ Kiev hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phải trả giá cho sự hỗ trợ không đầy đủ trong khi họ tin rằng cũng chiến đấu cho an ninh Châu Âu. "Người Mỹ nói chính Ukraine quyết định chiến thắng, nhưng họ giới hạn các chọn lựa của chúng tôi khi giữ lại F-16 trong nhiều tháng".

Tổng thống Zelensky nói hôm 28/06 : "Các đối tác cần ngưng nhìn về phía Kremlin khi có những quyết định quan trọng". Một trong các bộ trưởng của ông so sánh với thời kỳ 1988-1989, khi phương Tây lo sợ trước ý tưởng Liên Xô sụp đổ. Giờ đây họ lại sợ Nga sụp đổ. "Mọi người đều sợ Putin, các vị đã nuôi dưỡng con thú, và đã nhận được gì ?". Thế thì vì sao lạc quan ? Đó là nhờ triển vọng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU), đã trở thành ánh sáng ở cuối đường hầm. EU tỏ ra hào phóng và dễ tiếp cận hơn NATO, với thủ tục rõ ràng hơn. Và vào lúc này, viễn cảnh ấy giúp xua đuổi đi ý nghĩ về một cuộc chiến không bao giờ kết thúc.

Trung Quốc lo sợ khi NATO hướng về Châu Á

Trung Quốc hôm qua cảnh báo NATO về mọi hành động gây phương hại đến "lợi ích" của mình trong khu vực. Bắc Kinh tố cáo Liên minh là "đạo đức giả", muốn mở rộng sang Châu Á-Thái Bình Dương với ý đồ "bá quyền", "cực lực phản đối phong trào hướng đông" của NATO.

Trung Quốc lo sợ trước việc Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh của Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương - xích lại gần NATO, dù việc mở văn phòng liên lạc tại Tokyo đã bị Pháp ngăn chặn vào phút chót. Vương Nghị kêu gọi hai nước láng giềng hợp tác với Bắc Kinh để "hồi sinh Châu Á", tố cáo "bè lũ" do "một đại cường nào đó ngoài khu vực" xúi giục gây chia rẽ.

Hoàn toàn không nao núng trước một Trung Quốc đầy đe dọa, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vẫn hướng sang Đại Tây Dương. Hai nhà lãnh đạo còn gặp song phương ở Litva để giải quyết các bất đồng lịch sử và vụ xả nước nhiễm phóng xạ từ Fukushima, nhằm thể hiện chân trời Châu Á mới của NATO. Nếu việc Nhật đứng về phía Mỹ không có gì lạ, thì thái độ xích lại gần Washington của tổng thống Yoon làm Bắc Kinh càng tăng thêm ám ảnh bị "bao vây".

Chèn ép Hàn Quốc, Bắc Kinh bị phản tác dụng

Nền kinh tế thứ tư Châu Á đã thỏa thuận hợp tác với Liên minh trong 11 lãnh vực, trong đó có chiến tranh mạng, công nghệ mới. Hoàn cầu Thời báo chỉ trích đây là hành động "nguy hiểm và thiển cận". Nhà nghiên cứu Go Myong Hyun của Asan Institute nhận thấy ông Yoon vẫn thản nhiên tiếp tục mục tiêu đứng về phía phương Tây với các "giá trị phổ quát". Một quan điểm đáp ứng với công luận : theo Pew Research Centre năm 2022, đến 80% người dân Hàn Quốc có ác cảm với Trung Quốc trong khi năm 2015 chỉ có 37%.

Đó là do Bắc Kinh trả đũa kinh tế sau khi Seoul bố trí hệ thống chống hỏa tiễn THAAD năm 2016, nhắm vào một số tập đoàn Hàn Quốc, không cho khách du lịch sang để "trừng phạt". Cũng theo ông Go, nay Trung Quốc không dám mạnh tay như trước vì sợ bị dân Hàn càng ghét thêm. Các đại tập đoàn Hàn Quốc đã bắt đầu thu hẹp quy mô ở Hoa lục, nhưng họ cần thêm thời gian. Một trong những dấu hiệu : Korean Air vừa hủy bỏ đường bay từ phi trường Gimpo ở Seoul đến Bắc Kinh vì vắng khách.

Modi, khách mời gây tranh cãi của Pháp

Cũng liên quan đến Châu Á, Libération tố cáo "Narendra Modi, người đàn áp các tổ chức phi chính phủ và là khách mời danh dự ngày 14 tháng Bảy", tức Quốc khánh Pháp. Tờ báo đưa ra một số ví dụ : Centre for Policy Research (CPR), một trung tâm nghiên cứu độc lập, bị cảnh sát bất thần khám xét, tịch thu các thiết bị. Oxfam India, chuyên giúp người nghèo và công bố các báo cáo về bất bình đẳng ở Ấn Độ, The Independent and Public-Spirited Media Foundation, chuyên tài trợ cho các cuộc điều tra độc lập của báo chí cũng cùng chung số phận. Hàng ngàn hiệp hội bị siết nguồn thu vì những hoạt động bị cho là không có lợi cho chính quyền.

La Croix lo ngại về dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ, về chính sách coi trọng Ấn Độ giáo và trấn áp người Hồi giáo, Công giáo, dù động cơ của việc mời dự cuộc duyệt binh rất rõ : hợp đồng vũ khí, thị trường 1,4 tỉ dân, ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc và đặt một chân vào Thái Bình Dương. Tờ báo cho rằng duy trì quan hệ ngoại giao với Ấn Độ vẫn là quan trọng, nhưng cũng không nên làm ngơ trước xu hướng dân túy và bất công về tôn giáo của chế độ. Ngược lại, tác giả Jacques Attali trên Les Echos tỏ ra hào hứng trước "Ấn Độ, hay thiên đường đánh mất" - một đất nước bị lãng quên trước Trung Quốc.

Milan Kundera, văn chương chống lại toàn trị

Sự kiện nhà văn Milan Kundera qua đời ở tuổi 94 chiếm trang nhất nhiều nhật báo Pháp hôm nay 13/07/2023. Ảnh chân dung hai màu đen trắng của ông được đăng trang trọng với tít lớn "Milan Kundera, một vĩ nhân văn chương chống lại chủ nghĩa toàn trị" (Le Figaro), "Milan Kundera, nhà thám hiểm sự hiện hữu" (La Croix), "Milan Kundera, cuộc đời ở nơi xa" (Libération). Điều hiếm hoi là mục xã luận của các báo thường thiên về chính trị, hôm nay được dành cho nhà văn Pháp gốc Tiệp nổi tiếng thế giới. La Croix cho rằng Châu Âu đã mất đi một bậc thầy về tiểu thuyết, Le Figaro gọi ông là "người lưu vong của thời đại", Libération dành hẳn 6 trang báo khổ lớn với nhiều bài viết về sự nghiệp của Milan Kundera.

Sinh năm 1929 tại thành phố xinh đẹp Brno thuộc Tiệp Khắc cũ, ông trước hết là nhà thơ. Cuộc sống văn chương của ông gắn với một thế kỷ mà chủ nghĩa cộng sản sụp đổ sau khi thống trị tinh thần phần lớn giới trí thức Châu Âu. Một bi kịch khiến Milan Kundera cho xuất bản tiểu thuyết đầu tay "Lời đùa cợt". Độc giả Pháp biết đến ông nhờ tác phẩm này năm 1968. Nhà văn có đôi mắt màu xanh nhạt vừa 39 tuổi, vào thời đó xe tăng Liên Xô vừa đè bẹp Mùa xuân Praha. Như nhiều đồng chí khác bị cuốn vào phong trào, ông bị khai trừ khỏi đảng, mất việc ở Viện hàn lâm Điện ảnh, bị tước quốc tịch.

Milan Kundera nhập tịch Pháp năm 1981 và từ 1993 ông chỉ viết bằng tiếng Pháp. Tiểu thuyết "Đời nhẹ khôn kham" xuất bản tại Paris năm 1984, được dịch sang tiếng Việt và gần 50 ngôn ngữ khác ; riêng tại Pháp đến nay đã bán được một triệu rưỡi bản. Là một trong số những nhà văn được đọc nhiều nhất thế giới, đoạt nhiều giải thưởng danh giá, Kundera sống lặng lẽ, từ chối mọi cuộc phỏng vấn kể từ 1985.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 232 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)