Do chiến tranh Ukraine, Nga tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng 2023
Thanh Hà, RFI, 05/08/2023
Moskva dành đến 1/3 ngân sách chung của cả nước để tài trợ chiến tranh Ukraine. Hãng tin Anh Reuters hôm 04/08/2023 tiết lộ một số thông tin từ chính phủ Nga cho thấy chiến tranh Ukraine càng lúc càng trở thành một gánh nặng. Ngân sách quốc phòng được nhân gấp đôi, đạt gần 100 tỷ đô la trong năm 2023. Trước mắt bộ Tài Chính Nga từ chối xác nhận các thông tin trên.
Ảnh minh họa : Lần đầu tiên, Nga giới thiệu hệ thống phòng không Pantsir SA và Tor-M tại lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, Moskva, Nga, ngày 09/05/2023. Reuters/Sergei Karpukhin
Theo một số tài liệu Reuters được biết, trong sáu tháng đầu 2023, chi tiêu quốc phòng của Nga tăng thêm 12% so với dự kiến. Trên cả năm, khoản phụ trội dự trù lên tới 600 tỷ rúp (gần 6 tỷ đô la Mỹ). Trong cùng thời kỳ, bộ Quốc Phòng đã dành ra tới 1.000 tỷ rúp để trả lương cho quân nhân. Con số này tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022.
Trong năm 2021, Nga giành 13,9% ngân sách chung cho các chi phí về quân sự nhưng do chiến tranh Ukraine, tỷ lệ này năm ngoái đã được đẩy lên thành 23%. Theo các số liệu Reuters thu thập được từ đầu năm đến nay, trong cả năm 2023, Moskva sẽ dành ra đến hơn 37% toàn bộ ngân sách của nhà nước để đài thọ phí tổn chiến tranh.
Nga chi ra gần 100 tỷ đô la chi phí quốc phòng cho năm 2023 và đây sẽ là mức cao nhất từ 10 năm qua. Song Reuters nhìn nhận, chính những khoản chi tiêu này là một động lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại Nga. Đây cũng là một đầu tàu tăng trưởng vào lúc GDP của Nga năm ngoái giảm 2,1%. Bội chi ngân sách của Nga năm 2022 lên tới 26 tỷ đô la.
Tình hình đã xấu đi do thu nhập từ xuất khẩu của Nga bắt đầu giảm sụt : xuất khẩu năng lượng giảm 47%, cán cân thương mại bị thâm hụt. Ngân Hàng Trung ương Nga dự phóng GDP tăng ở khoảng từ 1,5 đến 2,5% trong năm 2023. IMF ít lạc quan hơn với dự báo tăng trưởng của Nga sẽ ở mức 0,7%.
Reuters ghi nhận nếu như Moskva phải dành đến 1/3 ngân sách chung để tài trợ các chương trình quân sự, thì đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục, cũng như các khoản chi tiêu xã hội có nguy sẽ "lại bị hy sinh".
Thanh Hà
*************************
Lo ngại Trung Quốc, Mỹ nghiên cứu thuốc nổ tăng tầm bắn phi đạn
Reuters, VOA, 03/08/2023
Các quan chức Hoa Kỳ muốn sửa đổi hỗn hợp hóa chất cung cấp nhiên liệu cho phi đạn và rốc-két để giành lợi thế ở Thái Bình Dương bằng cách tăng tầm bắn của các loại vũ khí tiền tuyến để lực lượng Mỹ có thể hoạt động cách xa Trung Quốc hơn.
Phi đạn GEM-T, một biến thể của hệ thống Patriot do công ty Raytheon sản xuất dùng để ngăn chặn các phi đạn đạn đạo hay phi đạn hành trình.
Ngũ Giác Đài và Quốc hội đang xem xét việc trang bị thêm để có thể mở rộng tầm bắn của một số vũ khí hiện tại tăng lên tới 20% bằng cách sử dụng các loại nhiên liệu đẩy mạnh hơn và đầu đạn nhẹ hơn, hai phụ tá quốc hội và hai quan chức Mỹ nói với điều kiện ẩn danh vì không được phép phát biểu công khai.
Tuần trước, Thượng viện tiết lộ dự luật dành ít nhất 13 triệu đô la để lập kế hoạch, mở rộng và sản xuất các hợp chất hóa học có thể được sử dụng để đẩy phi đạn hoặc thay thế vật liệu nổ trong đầu đạn.
Mặc dù một phần nhỏ của dự luật quốc phòng trị giá 886 tỷ đô la đang được Quốc hội thông qua, nhưng khoản tài trợ này bắt đầu một quá trình mà cuối cùng có thể dẫn đến hàng tỷ đô la chi tiêu mới cho đạn dược.
Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát và Hạ viện do Đảng Cộng hòa nắm giữ vẫn cần đàm phán về mức tài trợ cuối cùng cho khái niệm này, nhưng có sự nhất trí chung về nỗ lực của lưỡng đảng nhằm ngăn chặn Trung Quốc.
Dân biểu Mike Gallagher nói với Reuters : "Khoảng cách ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quy mô lớn của Hải quân (Trung Quốc) có nghĩa là Mỹ cần nhiều phi đạn diệt hạm hơn có thể vươn tới các mục tiêu ở xa".
Trung Quốc coi Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương là một mối đe dọa và tăng cường sự hiện diện quân sự của mình để đáp trả.
Chương trình CL-20
Trong khi chờ Quốc hội thông qua lần cuối, dự luật sẽ khởi động một chương trình của Ngũ Giác Đài để cố gắng tăng thêm tầm bắn cho các vũ khí hiện tại sử dụng các hóa chất như CL-20, các phụ tá và những người quen thuộc với kế hoạch nói với Reuters .
Được phát triển bởi một phòng thí nghiệm của chính phủ ở California vào những năm 1980, CL-20 là một trong những hợp chất hóa học được thảo luận nhiều nhất đang được xem xét, một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết. Quốc hội đã tập trung vào các nghiên cứu, chẳng hạn như một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 nói rằng việc tái trang bị lực đẩy bằng CL-20 - cùng với những thay đổi khác - có thể mở rộng tầm bắn của phi đạn thêm khoảng 20%.
Một bài báo của Trung tâm Công nghệ Năng lượng cho biết các vật liệu năng lượng mới mang lại cho một quả bom 200 ký "sức sát thương tương tự như một quả bom 500 ký hiện tại" và nói thêm rằng Trung Quốc sản xuất "CL-20 ở quy mô công nghiệp và chế tạo nó thành các hệ thống vũ khí".
Ông Iain Overton, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Hành động về Bạo lực Vũ trang, cho biết cuộc chạy đua điều chỉnh vũ khí sát thương không là một sự tiến bộ.
Ông nói : "Lịch sử được cho là sẽ lặp lại, và theo nghĩa là các cuộc chạy đua vũ trang luôn có kết cục tồi tệ". "Vũ khí lớn hơn, nguy hiểm hơn có giúp chúng ta an toàn hơn không ? Câu trả lời rõ ràng là : Không. Trong thập niên qua, khi vũ khí nổ được sử dụng ở các khu vực đông dân cư, 90% số người được báo cáo thiệt mạng hoặc bị thương trên toàn cầu là dân thường".
Phiên bản của dự luật quốc phòng thường niên tại Hạ viện yêu cầu Ngũ Giác Đài xúc tiến chương trình thí điểm CL-20 để thay đổi chất nổ hoặc chất đẩy trong ba loại vũ khí hiện có.
Phiên bản của Hạ viện không nêu tên bất kỳ loại vũ khí nào, nhưng ông Bob Kavetsky thuộc Trung tâm Công nghệ Năng lượng cho biết các ứng viên cho các hóa chất mới bao gồm phi đạn chống hạm tầm xa do Lockheed Martin sản xuất và tên lửa không đối đất tầm xa. Các ứng viên khác bao gồm phi đạn chống hạm Harpoon do công ty Boeing sản xuất và vũ khí chống tăng Javelin do Lockheed và Raytheon sản xuất.