Chiến tranh Ukraine đang trở thành một cuộc chiến "lâu dài"
Chiến tranh Ukraine, tình trạng các nhà tù Pháp bị quá tải là hai trong số các chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm vào hôm nay 18/08/2023.
Lính Ukraine dỡ vũ khí khỏi xe ở miền đông Ukraine, 18/08/2023. AP - Bram Janssen
Nhật báo Le Monde dành trang nhất và bài xã luận chú ý đến việc chiến tranh Ukraine đang trở thành một cuộc chiến kéo dài. Một số quan chức phương Tây tỏ ra thất vọng về tiến độ chậm chạp của cuộc phản công mà quân đội Ukraine phát động vào cuối mùa xuân, và dường như hiểu ra rằng cuộc chiến tranh Ukraine có thể sẽ kéo dài.
Sự bất tài đáng kinh ngạc của các nhà chiến lược thuộc quân đội Nga trong giai đoạn đầu cuộc xâm lược, đi kèm với sự kháng cự kiên cường của Ukraine, sau đó là thành công của cuộc phản công đầu tiên vào cuối mùa hè năm 2022 xung quanh Kharkiv và Kherson đã khiến mọi người tưởng rằng đây sẽ là một cuộc chiến chóng vánh. Nhưng quân đội Nga đã tái tổ chức lực lượng trong suốt mùa đông trong khi Ukraine, ít hơn về quân số, đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi sau 18 tháng chiến tranh.
Theo Le Monde, phương Tây, đặc biệt là các nước Châu Âu, đã nhận định một cách sai lầm trong vấn đề này. Họ đã sai lầm khi không tin là tổng thống Vladimir Putin dám quyết định xâm lược Ukraine. Họ đã sai lầm khi ban đầu đánh giá quá cao năng lực của quân đội Nga và đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ tổ quốc của Ukraine. Họ đã sai lầm khi lần lữa không chịu cung cấp vũ khí cho Ukraine, và cuối cùng thường giao vũ khí muộn, khiến Kiev chịu nhiều tổn thất. Họ đã sai lầm khi không lên kế hoạch sản xuất đạn dược, gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Và nhất là họ đã sai lầm khi tưởng rằng cuộc phản công thứ hai này sẽ diễn ra nhanh chóng và khiến bộ chỉ huy quân sự Nga phải ngồi vào bàn đàm phán, khi đối mặt với đà tiến dữ dội của quân đội Ukraine.
Nhưng điện Kremlin không hề có ý định đàm phán. Cuộc phản công mùa hè ì ạch như vậy, bởi phần đông lực lượng Ukraine đang chờ đợi các thiết bị do phương Tây đã hứa sẽ cung cấp, trong khi quân đội Nga đã có nhiều thời gian để triển khai lực lượng mới và tinh nhuệ hơn, củng cố tuyến phòng thủ và bố trí hàng trăm ngàn bãi mìn.
Le Monde nhận định rằng các nước thuộc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không bao giờ tiến hành một cuộc phản công chống lại quân đội Nga mà không có lực lượng không quân đủ mạnh – Ukraine đang rất muốn nhận được các chiến đấu cơ của phương Tây.
Theo Le Monde, cuộc chiến này có thể kéo dài, và cách duy nhất để rút ngắn nó là tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cung cấp nhiều tên lửa tầm xa hơn (điều mà Berlin tiếp tục do dự), tìm những biện pháp chống lại việc Kremlin lách các lệnh trừng phạt, và bày tỏ lập trường cứng rắn với Nga.
Một mùa hè suôn sẻ của Vladimir Putin
Vẫn liên quan đến Ukraine, tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận nói về một "mùa hè suôn sẻ" của tổng thống Vladimir Putin. Vài tuần trước khi bước sang một mùa thu có nhiều mưa ở Ukraine, ông Putin có thể hả hê. Theo chủ nhân điện Kremlin, mùa hè trôi qua khá suôn sẻ. Hệ thống phòng thủ do Moskva bố trí ở Ukraine đã phát huy tác dụng, khiến cuộc phản công của Kiev không đạt hiệu quả như mong đợi (chỉ giành lại được dưới 300 km2 trên 100.000 km2 lãnh thổ bị chiếm đóng). Người dân Nga tỏ ra thờ ơ với các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của drone Ukraine. Xã hội đang quân sự hóa một cách tự nhiên, các tỷ phú thân cận với Putin tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến. Tóm lại, nhật báo thiên hữu nhận định rằng viễn cảnh một đất nước Nga bị sụp đổ về mặt quân sự và kinh tế mà một số người đã tưởng tượng vẫn còn rất xa vời.
"Chiến dịch quân sự đặc biệt" này hiển nhiên cũng không phải là nước cờ sáng suốt của Vladimir Putin. Chiến dịch này rất tốn kém, khiến ngân sách Nhà nước phải chịu rất nhiều áp lực. Đồng rúp giảm mạnh và lạm phát tăng vọt, có nguy cơ gây ra bất ổn xã hội. Le Figaro cho rằng điều này có thể có tác động về mặt chính trị, chỉ 7 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, mặc dù phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, đã cho biết rằng tổng thống Putin sẽ nhận được "hơn 90% phiếu bầu". Ngoài ra, Nga sẽ phải xác định tiến hành một cuộc xung đột kéo dài chống lại Ukraine nói riêng và phương Tây nói chung. Tuy nhiên, cho đến giờ, Le Figaro nhận thấy rằng chỉ có Ukraine là thực sự ăn thua đủ với Nga, trong khi Hoa Kỳ và Châu Âu, mặc dù hứa sẽ hỗ trợ Ukraine "đến cùng" hoặc "đến chừng nào còn cần", tỏ ra rụt rè hơn – điều khiến Kiev cảm thấy không yên tâm.
Vladimir Putin, người đã nhanh chóng biến những thất bại không đáng kể trên chiến trường thành một cuộc chiến kéo dài, dường như đã toại nguyện – một quân đội Ukraine dường như đã đạt đến giới hạn khi đối mặt với tuyến phòng thủ kiên cố của Nga, các nước phương Tây có thể sẽ cảm thấy chán nản và mệt mỏi – những điều có thể sẽ khiến Kiev phải xuống thang và thỏa hiệp. Ông Putin quả quyết rằng quyết tâm của ông lớn hơn quyết tâm và lòng nhẫn nại của quân địch. Trải qua một mùa hè tương đối suôn sẻ, giờ đây, ông sẽ tiếp tục "ung dung và chờ đợi".
Pháp-Mỹ bất đồng trong hồ sơ Niger
Nhìn sang Châu Phi, nhật báo công giáo La Croix có bài viết nói về việc Pháp và Mỹ bất đồng trong hồ sơ Niger, sau khi tổng thống Mohamed Bazoum bị quân đội làm đảo chính lật đổ. Bất chấp phản đối của Liên Hiệp Châu Phi (AU), tham mưu trưởng quân đội các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (CEDEAO) đã thảo luận vào hôm qua tại Accra (Ghana) về khả năng can thiệp quân sự sau cuộc đảo chính ở Niger. Về phần mình, Hoa Kỳ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngoại giao để tìm kiếm một thỏa thuận với chính quyền quân sự đã lật đổ tổng thống Bazoum, đi ngược lại với lập trường của Pháp là ủng hộ việc can thiệp quân sự.
Niger hiện là khu vực then chốt trong chiến lược của Mỹ ở Sahel trước sự trỗi dậy của tập đoàn lính đánh thuê Nga Wagner và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, đối tác thương mại đầu tiên của Châu Phi. Lầu Năm Góc có quan hệ mật thiết với một số thành viên của chính quyền quân sự Niger.
Michael Shurkin, giám đốc chương trình toàn cầu tại 14 North Strategies, một công ty phân tích các rủi ro ở Châu Phi, cho biết : "Mỹ đang ở trong tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’. Hoặc là họ kiên định với lập trường phải bảo vệ nền dân chủ, đồng thời có khả năng đẩy Niger vào vòng tay của Nga, hoặc họ hợp tác với chính quyền quân sự với hy vọng cứu vãn mối quan hệ đối tác giữa hai bên, nhưng lại chà đạp lên nguyên tắc của chính mình".
Các nhà tù Pháp bị quá tải
Trong lĩnh vực xã hội, tờ La Croix dành trang nhất quan tâm đến tình trạng quá tải của các nhà tù Pháp. Hôm 16/08, hai hiệp hội đã yêu cầu tòa án hành chính của Montpellier đình chỉ việc tiếp nhận tù nhân mới vào nhà tù Perpignan, nơi giường ngủ của tù nhân có rất nhiều rận rệp. Ngoài ra, quyền riêng tư của các tù nhân không được tôn trọng, và họ phải sống cùng với cái nóng ngột ngạt, bạo lực... Điều kiện sống của các tù nhân rất khắc nghiệt, "xâm hại đến các quyền cơ bản và nhân phẩm".
Một tù nhân trong trại giam Perpignan đã than phiền về điều kiện vệ sinh của nhà tù. Nhân vật này cho biết đã ngủ trên một tấm đệm có nhiều rệp được 8 tháng và nói rằng chân bị chảy máu do rệp cắn, đồng thời những ký sinh trùng này tiếp tục sinh sôi nảy nở trong phòng giam của anh ta. Bà Odile Macchi, người đứng đầu ban điều tra tại Đài quan sát Nhà tù Quốc tế (OIP) cho biết biết chiếc khăn trải giường của người tù nhân nói trên dính đầy máu, khiến tù nhân này phải giặt nó 5 lần trong tuần. Điều này cho thấy sự bất lực của các tù nhân trước những ký sinh trùng này. Một quản lý khác của trại giam thì cho biết rằng mỗi đêm, một số tù nhân đổ nước sôi vào các ngóc ngách, những người khác tìm cách đốt chúng bằng bật lửa…
Pierre Grousset, đại diện địa phương của hiệp hội cai ngục Ufap-Unsa lưu ý rằng nhà tù Perpignan có số tù nhân cao gấp 230% số lượng quy định, cụ thể là 321 người cho 132 chỗ. Theo ông Grousset, sẽ rất khó để loại bỏ những con bọ này với sự cẩu thả của nhà chức trách. Ban lãnh đạo đã chi 35.000 € để mời một công ty hóa học đến "làm sạch" một số phòng giam. Nhưng chừng ấy là không đủ. Vẫn theo ông Grosset, nhà tù cần phải được dọp dẹp đồ đạc, để trống rỗng trước khi các công ty nói trên đến "xử lý rận rệp". Nhưng đây là điều bất khả thi, vì chưa có nơi nào có thể tiếp đón được hơn 300 tù nhân này.
Nhà tù Perpignan không phải là trại giam duy nhất đối mặt với tình trạng bị quá tải. Mùa hè này, Pháp đã phá vỡ một kỷ lục đáng buồn khi đạt mức 74.513 người bị giam giữ tính đến 01/07, với chỉ 60.666 chỗ. Kết quả là 8 nhà tù có tỷ lệ tù nhân vượt mức 200% sức chứa, chẳng hạn như ở Perpignan, Mayotte (278%), Nîmes (212%), Rochefort (205,8%). Những con số chóng mặt này theo thời gian đã trở thành chuyện bình thường ở một đất nước mà tình trạng nhà tù bị quá tải là một loại bệnh kinh niên từ hơn 30 năm nay.
Pháp hứng chịu đợt nắng nóng mới
Vẫn tại Pháp, nhật báo thiên tả Libération chú ý đến việc xứ lục lăng chuẩn bị đối mặt với một đợt nắng nóng mới. Cho đến thời điểm hiện tại, miền bắc đất nước vẫn chưa hứng chịu đợt nắng nóng nào trong mùa hè năm nay. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi khi cơ quan khí tượng quốc gia (Météo-France) cảnh báo rằng ở vùng trung đông đất nước, nhiệt độ đã tăng chóng mặt kể từ cuối tuần trước, khiến thủ tướng Elisabeth Borne quyết định thành lập một ban xử lý khủng hoảng liên bộ vào hôm qua.
Christelle Robert, nhà dự báo thời tiết tại Météo-France, giải thích rằng hôm nay, nắng nóng sẽ tiến dần lên phía bắc. Nhiệt độ sẽ vượt quá 30°C ở Pháp lục địa, ngoại trừ khu vực tây bắc. Nhiệt kế có thể đạt tới 38°C ở một số khu vực Nam Địa Trung Hải và thung lũng sông Rhône. Ở những khu vực này, nhiệt độ có thể lên tới 41°C vào ngày 20/08. Cao hơn về phía bắc, từ Centre-Val-de-Loire đến lưu vực Paris, nhiệt độ có thể lên tới 35°C trong những ngày kế tiếp.
Dự kiến, tình trạng nắng nóng sẽ kéo dài đến giữa, thậm chí đến cuối tuần sau, đỉnh điểm có thể là thứ Ba 22/08 hoặc thứ Tư 23/08. Christelle Robert cho biết vào ban đêm, không khí cũng sẽ rất ngột ngạt : nhiệt độ sẽ không xuống dưới 20°C trên một phần lớn lãnh thổ nước Pháp.
Phan Minh