Tổng thống Biden tới thượng đỉnh G20, Putin và Tập dự kiến không dự
VOA, 07/09/2023
Tổng thống Joe Biden tới dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ với những mục tiêu lớn và hy vọng cao rằng Khối gồm 20 nước giàu và nước đang phát triển hàng đầu có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề lớn của toàn cầu, Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 5/9 – trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông sau khi đệ nhất phu nhân Jill Biden xét nghiệm dương tính với Covid một ngày trước đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Phòng phía Đông Tòa Bạch Ốc ngày 5/9/2023 trước ngày lên đường dự thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói : "Ông ấy không có triệu chứng", đồng thời cho biết thêm rằng ông Biden có kết quả xét nghiệm âm tính vào sáng ngày 5/9 và sẽ được xét nghiệm theo lịch trình do bác sĩ chỉ định. Bà không cho biết kế hoạch sẽ như thế nào nếu ông có kết quả xét nghiệm dương tính trước khi khởi hành đến New Delhi vào ngày 7/9.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết chính quyền sẽ tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nợ và cuộc chiến ở Ukraine. Cuộc họp bắt đầu vào ngày 9/9 tại thủ đô của Ấn Độ.
Ông Sullivan nói : "Chúng tôi hy vọng hội nghị thượng đỉnh G20 này sẽ cho thấy các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể hợp tác cùng nhau ngay cả trong những thời điểm đầy thử thách". "Vì vậy, khi chúng tôi đến New Delhi, trọng tâm của chúng tôi sẽ là cung cấp cho các nước đang phát triển, đạt được tiến bộ trong các ưu tiên chính của người dân Mỹ từ khí hậu đến công nghệ và thể hiện cam kết của chúng tôi với G20 như một diễn đàn thực sự có thể, như đã nói trước đây, trao gửi".
Các nhà phân tích cho rằng sự vắng mặt của hai nhà lãnh đạo chủ chốt – Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – sẽ ảnh hưởng đến các tiến trình, đặc biệt là xung quanh thách thức lớn nhất mà nước chủ nhà, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, phải đối mặt.
"Vấn đề lớn của hội nghị thượng đỉnh lần này ở Delhi là liệu các nước có thể đạt được một thông cáo chung đồng thuận hoàn toàn hay không, điều mà họ đã làm vào năm ngoái tại (hội nghị thượng đỉnh) cuối cùng ở Bali, trong đó có những đoạn mà Nga đã đồng ý, như thông cáo nêu rõ, rằng họ đã gây hấn ở Ukraine", giáo sư John Kirton, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu G20 tại Đại học Toronto, cho VOA biết.
"Liệu ông Modi có thể đưa ra một thông cáo chung đồng thuận đầy đủ như cách Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã làm năm ngoái hay không, chúng ta sẽ phải chờ xem. Nhưng tôi nghĩ tin tốt là ông Putin một lần nữa quyết định bỏ qua hội nghị thượng đỉnh, như ông đã làm ở Bali năm ngoái. Và thậm chí có vẻ như ông Tập Cận Bình của Trung Quốc có thể sẽ không xuất hiện. Điều đó sẽ giúp tất cả các quốc gia khác hành động dễ dàng hơn nhiều".
Ông Biden mới đây nói ông "thất vọng" khi nhà lãnh đạo quyền lực của Trung Quốc không có ý định tham dự.
Tuy nhiên, ông Biden nói, "Tôi rồi sẽ gặp ông ấy".
Ông Sullivan, ngày 5/9, không cho biết khi nào một cuộc họp như vậy có thể diễn ra.
Và các nhà phân tích nói họ hy vọng rằng New Delhi và Bắc Kinh có thể vượt qua sự bất đồng của họ về bản đồ mới của Trung Quốc mà Ấn Độ tranh cãi.
Bà Stephanie Segal, thành viên cấp cao của chương trình kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói : "Căng thẳng địa chính trị chắc chắn đã có từ trước năm mà Ấn Độ tổ chức G20".
Bà cho biết bà hy vọng các phái đoàn có thể nhìn xa hơn những khác biệt và tập trung vào cải cách các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới, một động thái mà các nhà phân tích cho rằng sẽ có tác động trên diện rộng.
Bà nói : "Những cải cách đó, nếu thực sự được thực hiện, sẽ đạt được mục tiêu là tập trung nhiều hơn vào cái mà chúng ta gọi là hàng hóa công toàn cầu – những thứ như khí hậu, sự chuẩn bị cho đại dịch, tình trạng mong manh, tình trạng mất an ninh lương thực".
"Và những cải cách sẽ cho phép các tổ chức này bao gồm Ngân hàng Thế giới cung cấp nguồn tài chính bổ sung cho thị trường mới nổi lẫn các nước thu nhập thấp và tài trợ với các điều khoản ưu đãi hơn nhiều".
Nguồn : VOA, 07/09/2023
**************************
Những giả thuyết về sự vắng mặt của chủ tịch Trung Quốc tại thượng đỉnh G20
Minh Anh, RFI, 06/09/2023
Ngày 04/09/2023, Trung Quốc thông báo thủ tướng Lý Cường sẽ đến Ấn Độ dự thượng đỉnh G20 trong hai ngày 09-10/09/2023. Sự vắng mặt của chủ tịch Tập Cận Bình tại thượng đỉnh quan trọng này nói lên nhiều điều về tình hình quốc tế, nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu có những "lục đục" trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh BRICS, Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/08/2023. AP - Alet Pretorius
Thông báo đưa ra ngắn gọn không lời giải thích khiến giới truyền thông quốc tế "cảm thấy khó hiểu", bởi vì từ khi lên nắm quyền cách nay một thập niên, ông Tập Cận Bình chưa bao giờ bỏ lỡ một cuộc hẹn nào của G20. Ngay cả trong mùa dịch năm 2021, vì không thể đến Roma, lãnh đạo Trung Quốc cũng tham gia họp trực tuyến.
Lần vắng mặt này của lãnh đạo họ Tập ở G20 có lẽ sẽ tương phản nhiều với sự hiện diện đáng chú ý của ông tại thượng đỉnh BRICS vừa diễn ra ở Nam Phi hồi tháng 8/2023. Trả lời AFP, nhà Trung Quốc học Steve Tsang, Viện SOAS China, Đại học Luân Đôn, cho rằng tại thượng đỉnh BRICS, chủ tịch Trung Quốc là trung tâm của mọi sự chú ý vì đã thúc đẩy một sự mở rộng "lịch sử" khối này, ngược lại, Trung Quốc "không thể thống trị" nhóm G20. Bắc Kinh muốn tăng cường các mối quan hệ với các nước mới trỗi dậy, trong đó có BRICS, để "hình thành một mô hình thay thế cho trật tự thế giới do Mỹ thống trị".
Bối cảnh quan hệ Trung - Ấn xuống cấp cũng có thể là một nguyên nhân khác của sự vắng mặt này. Nhà phân tích Tôn Vân (Yun Sun), chương trình Trung Quốc, thuộc Stimson Center, một trung tâm cố vấn của Mỹ, lưu ý, từ năm 2020, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đã trở nên tồi tệ, nhất là sau vụ lính biên phòng hai bên "ẩu đả" với nhau trên dãy Himalaya, làm 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Bắc Kinh nghi ngờ New Delhi sử dụng thượng đỉnh G20 để xác quyết những yêu sách về lãnh thổ. Trung Quốc cũng tỏ ra khó chịu về việc Ấn Độ là tham gia liên minh QUAD với Mỹ, Nhật Bản và Úc, nhằm chống lại ảnh hưởng quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Và nhất là Bắc Kinh cũng không hài lòng khi thấy New Delhi "phản đối mạnh mẽ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông", theo như quan sát của Thời Ân Hoằng ( Shi Yinhong ), giáo sư Quan hệ Quốc tế tại đại học Nhân dân ở Bắc Kinh.
Bị khiển trách
Tuy nhiên, ông Katsuji Nakazawa, một phóng viên kỳ cựu của Nikkei Asia, hiện là trưởng văn phòng đại diện của tòa báo ở Bắc Kinh tiết lộ, nguyên nhân của quyết định này có thể đến từ sau kỳ họp Bắc Đới Hà hồi mùa hè. Đây là cuộc họp thường niên giữa những nhân vật lão thành và các nhân vật tại chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Cuộc họp năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn chưa từng thấy kể từ khi nước này tiến hành "cải cách và mở cửa". Quân đội chìm trong hỗn loạn sau khi hai tướng hàng đầu của Lực lượng Tên lửa bị thanh trừng. Ngoại trưởng Tần Cương bị miễn nhiệm không rõ lý do khiến nghi ngờ lan rộng trong nội bộ đảng.
Tình trạng hỗn loạn này đã khiến những bậc cao niên điều hành đảng trong thời kỳ hưng thịnh nhất cảm thấy lo lắng. Nhiều nguồn tin tiết lộ, trước thềm cuộc họp Bắc Đới Hà, các vị trưởng lão đã thống nhất họp riêng, tổng kết và thống nhất các ý kiến, và có lời khiển trách nặng nề ông Tập Cận Bình cũng như nhiều lãnh đạo khác.
Trong một nền văn hóa bí mật, ít ai biết được sự thật đằng sau quyết định đó là gì. Nhiều chuyên gia được AFP trích dẫn cho rằng đó cũng thể là do vấn đề sức khỏe, vì ông Tập Cận Bình nay cũng đã 70 tuổi. Theo giả thuyết được Alfred Wu, nhà nghiên cứu về chính trị, chuyên gia về Trung Quốc, đưa ra với hãng Bloomberg, thì sự vắng mặt này cũng có thể là một chiến lược mới, nhằm tránh trả lời các câu hỏi gây phiền phức như vấn đề Đài Loan, sự hậu thuẫn của Trung Quốc dành cho Nga, hay tương lai nền kinh tế Trung Quốc.
Nhưng đây cũng có thể là biểu hiện của kiểu "tâm lý hoàng đế". Kể từ giờ, lãnh đạo Trung Quốc muốn để các đồng nhiệm nước ngoài đến gặp ông hơn là phải tự di chuyển, mà ví dụ điển hình các chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Đức và Pháp, cũng như của bốn quan chức cao cấp Mỹ gần đây.
Minh Anh