Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/09/2023

Liên Hiệp họp ba bên, Thượng đỉnh G77+Trung Quốc

RFI tổng hợp

Liên Hiệp Quốc họp ba bên với Liên Hiệp Châu Phi và Liên Hiệp Châu Âu

Minh Anh, RFI, 17/09/2023

Hôm 17/09/2023, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Phi và Liên Hiệp Châu Âu có cuộc họp đầu tiên từ bốn năm nay tại New York. Cuộc họp ba bên này diễn ra trong bối cảnh trong tuần tới Liên Hiệp Quốc bắt đầu tuần lễ các cuộc họp cấp cao từ ngày 19-23/09/2023.

hoinghi1

Logo của Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Châu Phi

Cuộc họp ba bên dự trù kéo dài 90 phút, với sự hiện diện của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, đại diện của Liên Hiệp Châu Phi là chủ tịch ủy ban Liên Hiệp Moussa Faki Mahamat cùng với ủy viên cho Hòa bình và An ninh Bankole Adeoye, đại diện của Liên Hiệp Châu Âu là chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu Joseph Borrell.  

Việc Liên Hiệp Châu Phi gia nhập nhóm G20, tình hình ở vùng Sahel, vùng Sừng Châu Phi hay vùng Đại Hồ Châu Phi cũng như là các vấn đề di dân, tình liên đới giữa Châu Phi và Châu Âu sẽ là những chủ đề thảo luận chính. 

Trả lời ban tiếng Pháp, giáo sư danh dự Bertrand Badie, trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris nhận định cuộc họp này cũng nằm trong nỗ lực khôi phục lại tầm ảnh hưởng bị suy giảm của Châu Âu tại Lục địa đen trước đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. 

"Ngay sau những phong trào giành độc lập trong những năm 1960, Liên Hiệp Châu Âu vốn đã đầu tư rất mạnh vào việc ký kết nhiều thỏa thuận với các quốc gia phương Nam, hiện đang nhận thấy ảnh hưởng của mình theo một cách nào đó đang bị suy giảm.

Sự thụt lùi này có thể được giải thích đồng thời bởi các thất bại và nỗi thất vọng mà sự hợp tác này đã gây ra trong nhiều thập kỷ. Nhưng đó cũng là một thất bại dẫn đến một mối quan hệ quốc tế mới, trong đó sự đoàn kết Nam – Nam nói riêng đã tước đi phần nào của Châu Âu một tầm ảnh hưởng mà họ tự cho là độc quyền.

Chính sách này đã thất bại và ngày càng thất bại nhiều hơn. Tỷ trọng đầu tư của Châu Âu vào Châu Phi và giao thương với Châu Phi có xu hướng giảm đáng kể. Vì vậy, Châu Âu đang cố theo đuổi thành tựu mà họ đặc biệt coi trọng để cố gắng khôi phục lại tầm ảnh hưởng này".

Minh Anh

***********************

Thượng đỉnh G77+Trung Quốc kêu gọi "đoàn kết" gây áp lực với các nước giầu

Trọng Thành, RFI, 17/09/2023

Ngày 16/09/2023, thượng đỉnh G77+Trung Quốc đã kết thúc ở La Habana, thủ đô Cuba, và đưa ra lời kêu gọi "đoàn kết" nhằm tạo một sức ép đối với các nước giàu. Tổng thống Brazil Lula De Silva, nhấn mạnh đến việc gia tăng các "đòi hỏi" liên quan đến vấn đề kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng.  

hoinghi2

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G77 + Trung Quốc ở La Habana, Cuba, ngày 16/09/2023. AP - Ramon Espinosa

Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, nhóm G77+Trung Quốc tái khẳng định "cam kết siết chặt đoàn kết"của nhóm để "củng cố vai trò của nhóm trên trường quốc tế". Văn bản nhắc lại "tính chất cấp thiết của việc cải tổ sâu rộng cơ cấu tài chính quốc tế" sao cho hệ thống này mang tính "bao trùm và có phối hợp" nhiều hơn. 

Nhóm G77+Trung Quốc bày tỏ "quan ngại sâu sắc rằng những vấn đề nghiêm trọng do trật tự kinh tế thế giới hiện nay gây ra một cách bất công cho các nước đang phát triển đã chạm đến cực điểm", khi liệt kê ra những hệ quả của đại dịch Covid/19, những căng thẳng địa chính trị, tình trạng lạm phát, sự diệt vong của đa dạng sinh thái, các cuộc khủng hoảng tài chính… Những vấn đề cho đến giờ vẫn chưa có những lộ trình rõ ràng cho phép các nước này có những biện pháp đối phó. 

AFP cho biết, trong phiên họp này, tổng thống Brazil lên án một nền "quản trị thế giới mất cân xứng", đồng thời cho rằng "Liên Hiệp Quốc, hệ thống tiền tệ Bretton Wood và Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, đang mất dần tính chính đáng". Ông Lula kêu gọi một sự đoàn kết, gia tăng các đòi hỏi về điều ông gọi là "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", hàm ý nói đến sự phát triển của kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học. 

Cũng theo tổng thống Lula, thế giới đang chứng kiến hai cuộc chuyển đổi quan trọng : "Sự phát triển kỹ thuật số" và "chuyển đổi năng lượng". Và hai quá trình này "không thể được kiến tạo bởi một nhóm nhỏ các nền kinh tế giầu có, qua việc cho điều chỉnh mối quan hệ phụ thuộc giữa tâm lõi và vùng phụ cận". 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Trọng Thành
Read 308 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)