Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/09/2023

Điểm báo Pháp - Bulgaria chuyển vũ khí cho Kiev

RFI tiếng Việt

Chiến tranh ở Ukraine : Bulgaria từ lâu đã bí mật chuyển vũ khí cho Kiev

Les Echos hôm 26/09/2023 có bài điều tra cho biết Bulgaria là nước ủng hộ Kiev một cách bí mật và thiết thực. Quốc gia này thừa hưởng một kho đạn dược lớn thời Liên Xô phù hợp với vũ khí của Ukraine, đồng thời còn là nhà cung cấp nhiên liệu.

bulgaria1

Các xe thiết giáp trong cuộc tập trận "Noble Blueprint 2023" của NATO tại căn cứ quân sự Novo Selo ở Bulgaria ngày 26/09/2023. Reuters – Stoyan Nenov

100 thiết giáp đầu tiên cho Ukraine

Hôm 21/07, một tuần sau chuyến thăm Sofia của tổng thống Volodymyr Zelensky, Quốc hội Bulgaria thông qua với số phiếu 148/52 việc gởi 100 xe thiết giáp BTR-60PB cho Kiev, mở đường cho việc chuyển giao trực tiếp thiết bị quân sự đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng. Thông cáo nói rằng số xe mua của Liên Xô trong thập niên 80 "không còn cần thiết", nhưng có thể giúp được Ukraine "trong cuộc chiến bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ".

Quyết định này được hầu hết các nhà quan sát hoan nghênh, coi đây là sự dứt khoát với chính sách của các chính phủ tiền nhiệm : cho đến lúc đó, chỉ có Bulgaria và Hungary từ chối giao thẳng vũ khí cho Ukraine. Phải đợi đến ngày 06/06, sau hai năm bất ổn và năm cuộc bầu cử Quốc hội, một chính quyền liên minh mới lên nắm quyền gồm hai đảng thân Châu Âu (GERB và PP-DB), Sofia mới có cùng lập trường với những nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu (EU). Nhà nghiên cứu Mark Voyger ở Washington nhận định đây là một thay đổi rất quan trọng.

Là thành viên cũ của Hiệp ước Warszawa, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, Bulgaria có được kho vũ khí dự trữ lớn và kỹ nghệ quốc phòng đáng kể. Tuy không phải là công nghệ cao, nhưng đủ để cung ứng đạn dược theo tiêu chí xô-viết mà Ukraine đang rất cần. Những loại súng và chiến xa của Kiev hầu hết từ thời Liên Xô, đạn dược đã gần cạn sau một năm rưỡi chiến tranh với cường độ cao.

Hai tỉ đô la vũ khí thông qua nước thứ ba

Việc gởi 100 chiến xa tuy mang tính biểu tượng cao, nhưng theo điều tra của nhật báo Đức Die Welt, chỉ là phần nổi của băng sơn. Ngoài mặt tỏ ra trung lập, nhưng thực ra chính phủ Bulgaria đã bí mật bán vũ khí cho một nước thứ ba là thành viên NATO để chuyển cho Ukraine. Trong số các trung gian chính, có Cộng hòa Czech, đã giao xe tăng, giàn phóng rốc-kết đa nòng và pháo cho quân đội Ukraine.

Tổng cộng trên hai tỉ đô la thiết bị đã được Bulgaria xuất khẩu bằng đường bộ hoặc đường hàng không qua Ba Lan, Romania và Hungary. Ông Kiril Petkov, cựu thủ tướng Bulgaria ước tính 1/3 số đạn mà quân đội của Kiev cần vào đầu cuộc chiến là từ Sofia, thông tin này được cựu ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba xác nhận.

Ngoài vũ khí, đạn dược, Bulgaria còn là một trong những nguồn cung cấp chính diesel, có thể lên đến 40% nhu cầu. Dầu thô nhập từ Nga nhờ một lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt, trước hết được lọc tại một trạm ở Hắc Hải của công ty Nga Lukoil rồi mới chuyển sang Ukraine. Thủ thuật này nhằm tránh né sự chống đối của đảng Xã hội và tổng thống Rumen Radev rất thân Nga. Ông Radev mới đây còn tố cáo Ukraine "ngoan cố tiếp tục chiến đấu", cho thấy lập trường trái hẳn với tân thủ tướng Nikolai Denkov, đã đáp trả "Những ai thúc đẩy cuộc chiến này chính là những người thân cận của Putin".

Nguy cơ bị "thế lực xấu" trả đũa

Cũng như chính quyền, xã hội Bulgaria cũng chia rẽ : đa số phản đối chuyển giao vũ khí tuy 76% ủng hộ viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Ông Voyger giải thích, Bulgaria luôn được coi là mắt xích yếu ở sườn phía đông NATO, do sự xâm nhập sâu sắc của Nga. Tuy nhiên ảnh hưởng này đã giảm xuống, cuộc xâm lăng đã làm cho nhiều người sáng mắt. Hôm Volodymyr Zelensky thăm Sofia, Quốc hội Bulgaria thông qua tuyên bố ủng hộ Ukraine gia nhập NATO một khi chiến tranh kết thúc.

Tuy không đạt được đồng thuận, nhưng hợp tác quân sự với Kiev rất có lợi cho Bulgaria, một trong những nước nghèo nhất Châu Âu. Ngoài thu nhập từ việc sản xuất và bán vũ khí, quân đội Bulgaria còn được hưởng chương trình hiện đại hóa như "Ringtausch" của Đức, giúp những nước gởi xe tăng, thiết giáp cho Kiev được nhận miễn phí các vũ khí hiện đại để đền bù. Tháng 12 năm ngoái Hoa Kỳ đã đề nghị một cơ chế tương tự về hệ thống phòng không.

Dù vậy, khi chính thức hóa việc ủng hộ Ukraine, Bulgaria có nguy cơ bị Moskva trả đũa, trong lúc quan hệ đôi bên đã nhạt dần. Theo chuyên gia Mark Voyger, có thể là phá hoại năng lực quốc phòng hay tấn công tin học. Hôm 25/06, vài ngày sau khi chính phủ Bulgaria loan báo ý định tham gia sáng kiến Châu Âu nhằm cung cấp đạn dược cho Kiev, một vụ nổ đã phá hủy các kho trữ đạn ở miền đông. Những kho này thuộc sở hữu của nhà buôn vũ khí Emilian Gebrev, từng bị mưu toan ám sát bằng chất độc Novitchok năm 2015. Thủ tướng Nikolai Denkov quy trách nhiệm cho những "thế lực xấu" nhưng không chỉ đích danh.

Cuộc chạy trốn ngậm ngùi của cả trăm ngàn dân Thượng Karabakh

Nhìn sang Thượng Karabakh (120.000 dân), các báo đều có những bài phóng sự và bình luận. La Croix đăng ảnh trang nhất một bà cụ đang ngồi ủ rũ, chạy tựa "Thượng Karabakh, cuộc chạy trốn". Le Figaro nhận thấy "Sau thất bại, người Armenia ở Thượng Karabakh lên đường lưu vong", Les Echos cho rằng "Azerbaijan bắt đầu nuốt chửng Thượng Karabakh". Đối với Le Monde, "Châu Âu bất đồng trước Azerbaijan".

Sau khi cắt đứt mọi nguồn tiếp tế suốt 9 tháng tại hành lang Latchine của Thượng Karabakh, Azerbaijan tấn công hôm 18/09 làm hơn 200 người chết, và đội quân Armenia nhỏ bé ở đây phải đầu hàng. Người dân lũ lượt chạy sang Armenia vì sợ bị đàn áp, bỏ lại nhà cửa, toàn bộ tài sản và mồ mả người thân, họ cay đắng và bất mãn vì bị bỏ rơi. Dòng xe hơi, xe tải bất tận trên mui chất đầy hành lý, nệm…

Từ 21/09, thủ tướng Nikol Pachinian loan báo chuẩn bị chỗ ở cho 40.000 người chạy loạn. Ở tuyến đầu là vùng Siunik sát với hành lang Latchin, cho biết có thể đón 10.000 người tạm cư tại sân vận động, trường học, nhà hát, khách sạn… Nhiều dân làng cũng sẵn lòng cho người tị nạn ở nhờ như hồi năm 2020. Dân biểu Châu Âu Nathalie Loiseau nói trước Nghị Viện hôm 20/09 : "Châu Âu đã bất lực không thể ngăn trở một cuộc tấn công diễn ra ngay trước mắt mình".

Thùng thuốc súng Nakhchivan

La Croix giải thích "Vì sao sau Thượng Karabakh, mọi cái nhìn hướng về Nakhchivan ?". Hôm qua tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev đã gặp gỡ đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại vùng đất hẻo lánh này, và Armenia lo ngại một cuộc chiến tranh mới. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối Chủ nhật 24/09, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo rất rõ ràng : "Pháp rất lưu tâm đến toàn vẹn lãnh thổ của Armenia". Đây là thông điệp gởi tới ông Aliev, vừa cùng với Erdogan khánh thành một căn cứ quân sự ở Nakhchivan.

Vùng núi non rộng 5.500 km2, tương đương một tỉnh của Pháp, năm 1921 được Stalin coi là một nước cộng hòa tự trị thuộc Liên Xô, rồi lại cho nhập vào Azerbaijan năm 1923, có khoảng 400.000 dân. Từ lâu Baku vẫn mơ có được một con đường bộ đi xuyên qua Armenia để đến đây, khoảng cách chỉ 35 kilomet đường chim bay. Trong thỏa thuận ngưng bắn năm 2020, Armenia chấp nhận trên nguyên tắc, nhưng tổng thống Azerbaijan đầy tham vọng còn muốn con đường này là một "hành lang" không đặt dưới pháp luật Armenia.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ chưa chi đã đặt tên là "hành lang Zangezur". Con đường chạy dọc theo biên giới Iran ở miền nam Armenia xuyên qua thành phố Meghri, mà 12.000 cư dân đã cảm thấy bị đe dọa. Nếu sáp nhập bằng vũ lực sẽ là thách thức cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên Teheran không muốn có hành lang này. Iran có một thiểu số người Armenia sinh sống, và có quan hệ thương mại với Yerevan.

Để có một chọn lựa khác, tháng 8 Tehran đã ký bản ghi nhớ với Baku cho mở một con đường giữa Azerbaijan và Nakhchivan, chạy qua lãnh thổ Iran khoảng 5 kilomet, phải xây nhiều chiếc cầu và đặt dưới sự kiểm soát của Iran. Những điều kiện như vậy chưa chắc thỏa mãn được Ilham Aliev, vốn đang cảm thấy mọc thêm đôi cánh sau khi chiếm Thượng Karabakh.

Vùng đất Công giáo từ thế kỷ V sắp bị xóa sổ

Le Figaro đặt câu hỏi "Liệu Phương Tây có hy sinh Armenia ?". Việc sử dụng vũ lực đã vi phạm thỏa thuận ngưng bắn ba bên ngày 10/11/2020 được các lãnh đạo Azerbaijan, Armenia và Nga ký kết : nhưng cả Armenia lẫn Nga đều không ra tay cứu giúp Thượng Karabakh. Thủ tướng Nikol Pachinian cho rằng đành phải hy sinh vùng đất anh em, còn Vladimir Putin đã cay nghiệt tính toán, ưu tiên cho quan hệ với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ hơn là Armenia đáng thương.

Thế là một vùng đất Công giáo từ thế kỷ thứ V sẽ bị xóa sổ trên bản đồ, trong sự thờ ơ hay nước mắt cá sấu của phương Tây. BBC cho biết một giáo đường ở một khu vực Thượng Karabakh bị Azerbaijan chiếm hồi năm 2020 đã hoàn toàn bị san bằng. Chiến lược của chính quyền Baku là xóa bỏ tất cả mọi dấu vết xưa cũ của Armenia trên những vùng đất chiếm được bằng vũ lực.

Armenia là một nước nghèo 2,5 triệu dân nằm ở vị trí hẻo lánh, Azerbaijan có số dân đông gấp bốn lần và giàu gấp mười lần nhờ dầu khí : được Thổ Nhĩ Kỳ 85 triệu dân hỗ trợ về quân sự và chính trị, có quan hệ hữu nghị với Israel. Nếu mai đây Armenia bị Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chưa bao giờ công nhận nạn diệt chủng Armenia năm 1915, tấn công : phương Tây sẽ phản ứng thế nào ? Khoanh tay đứng nhìn như đã để yên cho Thổ Nhĩ Kỳ chiếm phía bắc đảo Chypre vào mùa hè 1974 ? Trừng phạt kẻ xâm lăng như đối với Nga, chuyển giao vũ khí tân tiến cho Armenia như với Ukraine ?

Sự thờ ơ của phương Tây đối với số phận người Công giáo phương Đông là không có gì mới. Năm 1975, Pháp và Mỹ đã bỏ rơi người Công giáo Liban khi họ bị người Palestine tấn công. Năm 2003, tổng thống Bush đưa quân sang Iraq, tình trạng hỗn loạn sau đó khiến 4/5 cư dân thuộc một trong những cộng đồng Công giáo cổ xưa nhất ở phương Đông phải lưu vong. Với chủ nghĩa tiêu thụ, quên đi lịch sử, phương Tây hầu như không còn tự coi mình là Công giáo. Nhưng như vậy những kẻ thù lại hoan hỉ mỗi lần một vùng đất Công giáo truyền thống bị xóa đi trên bản đồ.

Niger : Thất bại và ảo tưởng

Về việc Pháp liên tiếp rút khỏi Châu Phi, xã luận của Le Figaro nói về "Cái giá của thất bại". Khi Paris can thiệp vào Mali tháng 1/2013 để chận đoàn quân thánh chiến tiến vào Bamako, ai có thể tưởng tượng rằng mười năm sau Pháp lại bị xua đuổi khỏi vùng Sahel ? Về quân sự, Pháp đã có một số thành công, bảo đảm an ninh cho một phần vùng sa mạc mênh mông, nhưng không diệt trừ được các nhóm vũ trang và ngăn cản những vụ đảo chánh (Mali, Ghinê, Burkina Faso, Niger, Gabon).

Bị đội ngũ dư luận viên của Wagner ra sức bôi lọ, hình ảnh của Pháp bị xấu hẳn đi. Trong khi đó Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ thủ lợi mà chẳng cần hỗ trợ để giữ an ninh cũng như giúp xóa đói giảm nghèo. Với ý đồ tốt, Paris lại thất bại ở Châu Phi. Mức độ trầm trọng sẽ ước lượng được theo với số di dân từ những nước này đổ vào, hay khi xuất hiện một tổ chức nhà nước Hồi giáo mới buộc Pháp phải quay trở lại.

Trong bài "Niger : Ảo ảnh", La Croix cay đắng đếm, như vậy đã là ba : sau Mali và Burkina Faso, Pháp lại bị đuổi khỏi Niger. Một nước Pháp thảm hại trước một Niger ca khúc khải hoàn, đó là hình ảnh mà những người đảo chánh muốn mang lại, tự khen ngợi "một giai đoạn mới hướng về chủ quyền". Nhưng tình trạng Niger vô cùng bấp bênh, phe đảo chánh bị cô lập, có được rất ít ủng hộ của quốc tế dù đã ký thỏa thuận phòng vệ với Mali, Burkina Faso - cũng là hai chính phủ nắm quyền nhờ đảo chánh. Liên Hiệp Châu Phi, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ… đều đòi hỏi quay lại với trật tự Hiến Pháp.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 184 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)