Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/09/2023

Điểm tuần báo Pháp - Crimea bị Ukraine oanh kích ác liệt

RFI tiếng Việt

Crimea bị Ukraine oanh kích ác liệt, dân Nga bắt đầu nếm mùi chiến tranh

The Economist nhận thấy một năm rưỡi sau khi khởi động, cuộc chiến tranh của Putin đã lan đến Crimea. Ukraine dần dà giảm thiểu hỏa lực Nga trên bán đảo bị chiếm đóng. Dùng những drone tự chế mới và hỏa tiễn hành trình, Ukraine liên tục oanh kích, tìm cách cắt đường tiếp tế cho quân Nga. Trên biển, Kiev cố phá thế độc quyền của Moskva ở Hắc Hải, tấn công chiến hạm Nga ở bất kỳ nơi nào có thể.

crimea1

Lính cứu hỏa Nga nói chuyện qua bộ đàm, phía sau là một kho chứa xăng dầu bốc cháy vì bị drone Ukraine tấn công. Ảnh chup tại Sevastopol, Crimea ngày 29/04/2023. AP

Vĩnh viễn mất đi mảnh đất quê hương từ 2.500 năm

Đặc phái viên L’Obs tả lại cuộc chạy trốn trong hoảng loạn và nước mắt của người dân Thượng Karabakh. Đó là hồi kết của bài kinh cầu hồn, phát súng ân huệ, phút cuối của quá trình hấp hối. Ngày 19/09, quân Azerbaijan tràn vào thủ phủ Stepanakert để "chống khủng bố" : 200 người chết, 400 người bị thương, trên 1.000 người mất tích. Hôm sau, nước cộng hòa độc lập Artsakh (tên chính thức của Thượng KaraBakhmut đầu hàng sau khi thương lượng trong tình thế dao kề cổ. Một người dân nói : "Cứ 6 người lính trang bị sơ sài của chúng tôi, có đến 300 ‘ninja’ trước mặt".

Những tràng súng bắn loạn xạ vào trường học, giáo đường, nhà cửa bị tịch thu, người bị thương không ai chăm sóc, người chết bị bỏ mặc, người sống sót câm lặng vì sợ hãi. Ani, 25 tuổi tóm tắt : "Ở đây, ngay cả hỗn loạn cũng diễn ra trong im lặng". Họ chỉ còn là những chiếc bóng âm thầm, từ nay phải chia lìa mảnh đất quê hương. Một người di tản nghẹn ngào : "Tất cả đều ở đó, cha mẹ, ông bà, nhà cửa, gia súc của chúng tôi, những đám cưới, những đám tang". Người Armenia đã sinh sống ở Thượng Karabakh suốt từ 2.500 năm qua. Nhưng họ đành hạ vũ khí trong nước mắt.

Thượng Karabakh, cuộc chiến tranh đơn côi nhất thế giới

Về số phận của Thượng Karabakh vừa bị Baku bức tử, sau cuộc chiến được Courrier International gọi là "trận chiến đơn côi nhất thế giới", Le Point bất bình "Những Churchill, những De Gaulle đâu rồi ?". Bi kịch Armenia cho thấy sự hèn nhát của những người đang lãnh đạo thế giới, đã nhắm mắt làm ngơ trước tội ác của Azerbaijan.

Trước hết, nhà độc tài Aliev với vô số tội ác chiến tranh, đồng đạo của một lãnh tụ Hồi giáo khác là Erdogan, đã biến nước cộng hòa tự trị nhỏ bé Artsakh thành một trại tử thần. Trong hơn 9 tháng trời, 120.000 dân Armenia bị phong tỏa không còn thực phẩm, thuốc men, nói chung chẳng có gì cả. Tiếp theo, bực tức trước sức chịu đựng của họ, ngày 19/09 ông ta quyết định tiến đánh lãnh thổ này, không quên bắt giam những người Armenia bị gọi là "khủng bố", nếu không tàn sát họ.

Sau vụ Azerbaijan thảm sát 20.000 người Armenia tại Shushi năm 1920, Stalin với trò chơi vẽ lại biên giới của ông ta, đã cắt Thượng Karabakh tức Artsakh, tỉnh thứ mười của Armenia cho nhập vào Azerbaijan ; rồi hai năm sau đó lại cho tự trị. Người Armenia còn bị sát hại hàng loạt ở Sumgait năm 1988 rồi Baku năm 1991. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, Artsakh tuyên bố độc lập. Câu chuyện có thể dừng lại ở đó nếu Erdogan gần đây không quyết định liên minh với Aliev, hai nước có cùng "nền văn minh Thổ Nhĩ Kỳ".

Quốc tế bênh vực Bosnia Hồi giáo, nhưng bỏ rơi Armenia Công giáo

Năm 2020 Azerbaijan (10 triệu dân) cộng với Thổ Nhĩ Kỳ (85 triệu dân) đã thắng chớp nhoáng khi Armenia (3 triệu dân) đến cứu người anh em Artsakh. Giờ đây Armenia có thể là nạn nhân sắp tới để hoàn tất công cuộc diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915. Hơn nữa đất nước nhỏ bé này không còn được Nga bảo hộ : Putin quá cần Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan trong cuộc chiến với Ukraine. Rõ ràng Sa hoàng đỏ đã bán đứng Armenia cho những tên đao phủ !

Trước mối đe dọa thanh lọc chủng tộc và tôn giáo, thế giới đã đứng sau lưng Bosnia Hồi giáo vào đầu thập niên 90. Thế nhưng tại sao lại bỏ rơi Armenia ? Là ốc đảo Công giáo giữa một biển Hồi giáo, không còn ai quan tâm đến xứ sở này kể cả Giáo hoàng Francis. Ngược với các nhà lãnh đạo khác, tổng thống Emmanuel Macron nhiệt tình bênh vực Armenia, nhưng khi ông quyết định hành động thì xung quanh chẳng còn ai.

Erdogan và Aliev ca khúc khải hoàn

Trong một bài viết khác, Le Point đặt câu hỏi "Ai sẽ chận lại cuộc diễn binh khải hoàn của Erdogan ?". Nhà độc tài gặt hái được nhiều thắng lợi để trưng ra nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/10. Từ Kazkav đến Cyprus, từ Libya đến Balkan, ông ta dấn lên những con cờ, tuyên bố khởi đầu "thế kỷ Thổ Nhĩ Kỳ". Ankara trang bị và huấn luyện cho quân đội Azerbaijan. Erdogan và Aliev đều biết lợi dụng tình thế.

Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đã phá vỡ điều cấm kỵ thay đổi biên giới bằng vũ lực, cho thấy sự hạn chế của quân đội Nga mà Armenia đang dựa vào. Thủ tướng Nikol Pachinian quay sang phương Tây nhưng đã trễ. Châu Âu chịu một phần trách nhiệm về bi kịch. Nhờ được hỗ trợ khai thác dầu khí, nền kinh tế Azerbaijan vốn tương đương với Armenia trước khi Liên Xô sụp đổ, đã tăng gấp mười. Châu Âu cho rằng khí đốt Azerbaijan dễ chấp nhận hơn Nga, trong khi đây cũng là một trong những nước tệ hại về nhân quyền. Liệu EU có sẵn sàng ngừng ve vãn Aliev, trừng phạt Baku và gởi quan sát viên đến Armenia hay không ?

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng, ai sẽ cứu Armenia ?

L’Express nhận thấy "Bị trói tay chân, Châu Âu không thể đến cứu Armenia". Nếu một ít xe hơi thoát được Thượng Karabakh để đến Armenia, hàng mấy chục ngàn người dân lo sợ bị chế độ Azerbaijan tàn sát. Tổng thống Pháp, thủ tướng Đức, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu đều bày tỏ nỗi lo "thanh lọc chủng tộc" tại vùng đất nay chuyển sang tay Baku. Sự quan ngại còn dành cho chính Armenia. Nếu Aliev thừa thắng xâm lăng luôn cả nước này, ai có thể ngăn cản ? Chẳng có mấy ai.

Theo ông Jean-Luc Théus, cựu tùy viên quân sự ở Kavkaz, Armenia là vùng đất hẻo lánh khó vào. Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này lại nằm giữa ba quốc gia độc tài (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan) đang tạo thành một liên minh không tuyên bố. Và quan hệ thương mại, quân sự giữa Erevan với Moskva, cho dù thủ tướng Pachinian đã đặt lại vấn đề, là trở ngại cho những ủng hộ từ phương Tây. Hơn nữa để thay thế khí đốt Nga, 27 nước EU đã ký thỏa thuận mua của Azerbaijan tháng 2/2023, trở thành khách hàng lớn nhất của chế độ Baku.

Crimea bắt đầu nếm mùi chiến tranh

Trên chiến trường Ukraine, The Economist nhận thấy "Chiến tranh đã lan sang Crimea". Chậm nhưng có phương pháp, Ukraine đã giảm thiểu hỏa lực Nga trên bán đảo bị chiếm đóng. Hôm 22/09, hai hỏa tiễn Ukraine đã phá hủy tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải, trong lúc các sĩ quan cao cấp Nga đang họp. Moskva cố gắng kiểm duyệt tin tức nhưng không xuể, cư dân mạng mỉa mai : "Ngày thứ 576 của cuộc chiến ba ngày để chiếm Kiev", "Những lằn ranh đỏ đâu rồi ?". Chính quyền bắt đầu cho kéo còi báo động oanh kích, một điều xưa nay vẫn né tránh.

Một năm rưỡi sau khi khởi động, cuộc chiến tranh của Vladimir Putin đã lan đến Crimea. Từ đầu mùa hè, Ukraine đã tăng cường mạnh mẽ những vụ oanh kích vào bán đảo. Dùng những drone tự chế mới và hỏa tiễn hành trình, Kiev tấn công vào các căn cứ quân sự và sở chỉ huy. Ngày 13/09, một tàu đổ bộ cùng với một trong số sáu tàu ngầm lớp Kilo có thể phóng hỏa tiễn vào duyên hải Ukraine đã bị phá hủy. Một ngày sau, hệ thống phòng không S-400 trị giá hơn 1 tỉ đô la cũng bị tiêu diệt. Và hôm 23/09 sau vụ tấn công tổng hành dinh, thêm một loạt hỏa tiễn hành trình khác đánh vào một bến cảng ở Sevastopol ; song song đó là cuộc phản công trên bộ ở Zaporijia, đông bắc Crimea.

Tất cả những thành công của Ukraine trong việc làm suy yếu sức mạnh không quân, tuyến đường sắt và hậu cần đều nhằm hạn chế tiếp tế cho quân Nga ở Crimea. Trên biển, Kiev cố phá thế độc quyền của Moskva ở Hắc Hải, tái kiểm soát những đường hàng hải quan trọng. Ukraine tiêu diệt chiến hạm Nga ở bất kỳ nơi nào có thể, hoặc đẩy lùi ra xa để khó thể tấn công các thành phố, tuyến giao thông. Bắt đầu từ tháng 4/2022 với việc dùng hỏa tiễn Neptune tự chế đưa soái hạm Moskva chìm sâu xuống đáy biển, và từ đó đến nay Kiev đã đánh đắm hoặc làm hư hại 19 chiến hạm Nga.

Kinh tế Ukraine trông cậy vào việc giữ an toàn cho hành lang hàng hải đi và về Odessa mở từ tháng 8 sau khi Nga từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Mới đầu các chiến hạm Nga đe dọa, nhưng nay chúng hiếm khi đi vào tây bắc Hắc Hải – một thành công lớn lao cho Hải quân Ukraine vốn chỉ có mỗi một chiến hạm hoạt động được. John Foreman, cựu tùy viên quân sự Anh cho rằng việc Kiev sử dụng đội ngũ drone hải chiến, hỏa tiễn và pháo binh là một chiến lược cổ điển để "cấm biển" như Hải quân Hoàng gia Anh đã vấp phải trong quá khứ.

Nhiều loại drone, hỏa tiễn nhắm vào "gót chân Achille" của Nga

Các nhà chiến lược Ukraine luôn coi Crimea là gót chân Achille của Nga : tuy thiết yếu nhưng dễ bị cắt đứt khỏi đất liền. Tổng tham mưu trưởng Ukraine Valery Zaluzhny nhấn mạnh cần làm cho cuộc sống ở Crimea trở nên khó chịu đựng hơn. Sắp tới sẽ có thêm nhiều drone mới, bên cạnh loại "Sea Baby" đã đánh vào cầu Kerch, gần đây còn xuất hiện "Marichka", một loại ngư lôi có sức công phá 450 ký. Hỏa tiễn hành trình có Storm Shadow, Scalp của Anh, Pháp, một phiên bản địa-địa khác của Neptune ; đồng thời chuẩn bị triển khai những loại mới tương đương Kalibr và Kh-101 của Nga.

Chuyên gia Hanna Shelest ở Odessa cho biết chẳng phải tìm đâu xa, vì Ukraine vốn là cường quốc hỏa tiễn. Có một số dự án trước 2014 bị xếp xó vì thiếu tiền và trong một số trường hợp do bị phá hoại, tài liệu biến mất. Chế tạo một hỏa tiễn mới thường mất mười năm, nhưng dùng các mẫu cũ sẽ nhanh hơn rất nhiều. Những hỏa tiễn ATACMS được tổng thống Joe Biden hứa hẹn tuần rồi sẽ giúp mở rộng phạm vi tấn công.

Nga đã dời một số tàu đến các cảng an toàn hơn như Novorossiysk ở phía bên kia Hắc Hải, nhưng tầm quan trọng về tâm lý của Crimea khiến Putin cố bám trụ. Ukraine đã thành công đáng kể trong việc làm thay đổi cán cân lực lượng hải quân, tuy Nga vẫn còn chiếm thế thượng phong. Từ tỉ lệ 12 trên 1 vào đầu cuộc xâm lăng, nay chỉ còn 4 trên 1.

Không chỉ ở Crimea, L’Express cho biết "Giữa Belgorod và Moskva, người Nga đối mặt với các drone". Khi ồ ạt cho máy bay không người lái xuất kích, Ukraine muốn dân Nga nhận ra thực tế chiến tranh. Vùng biên giới Belgorod thường xuyên bị tấn công, và cả thủ đô nước Nga, nhưng sau mỗi vụ oanh kích chính quyền vội vã xóa đi dấu vết.

Đồng rúp lao dốc

Về kinh tế, cái giá của chiến tranh bắt đầu cảm nhận được tại Nga. The Economist nhận xét trong năm qua, ít có đồng tiền nào tệ hại hơn đồng rúp của Nga.Tháng 9 năm ngoái, một đô la Mỹ đổi được 60 rúp, nay là gần 100 rúp. Sự mất giá liên tục này vừa mang tính biểu tượng đối với người dân bình thường, vừa là nguyên nhân gây căng thẳng trong bộ máy nhà nước. Sự đồng thuận giữa Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chánh không còn nữa.

Nga có thể dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường tiền tệ, nhưng phân nửa trong số 576 tỉ đô la đã bị phương Tây đóng băng, muốn sử dụng số còn lại cũng khó khăn vì hầu hết các định chế đều bị trừng phạt. Vả lại số dự trữ vốn đã giảm 20% trước chiến tranh cũng chỉ có thể cứu được đồng rúp trong một thời gian ngắn. Putin có thể cắt giảm chi tiêu quân sự, nhưng kế hoạch 2024 cho thấy ông ta không quan tâm đến việc này.

Trên hoang tàn đổ nát, Ukraine vẫn hy vọng gia nhập EU

Cuộc xâm lăng Ukraine còn là lý do thuyết phục để mở rộng và cải thiện Liên Hiệp Châu Âu, với 9 quốc gia đang là ứng cử viên, trong đó có Ukraine. Nỗi kinh hoàng của hai trận đại chiến thế giới đã thúc đẩy Pháp, Đức và phương Tây hợp sức, thành lập tổ chức bây giờ là Liên Hiệp Châu Âu. Bảy mươi năm sau, chiến tranh quay lại với châu lục. Những hoang tàn của Ukraine đã gây xúc động cho những quốc gia sáng lập EU. Tham gia câu lạc bộ của những nền dân chủ, hòa bình và thịnh vượng đặt đất nước bị chiến tranh tàn phá và các nước vùng Balkan, Georgia, Moldova vào một con đường mới đầy hứa hẹn.

Với bản thân EU còn là sự kiện lịch sử, đánh dấu hồi kết của một tiến trình được bắt đầu bằng chiến thắng trước phát-xít. Tuy nhiên cách vận hành sẽ phải thay đổi. Theo The Economist, EU nên đưa ra cam kết, nếu các ứng viên thực hiện đủ những cải cách cần thiết sẽ được gia nhập. Thứ hai, một khi từ 27 nước mở rộng lên 36, không thể tiếp tục để cho một chính phủ duy nhất phủ quyết một chủ trương của toàn khối. Cuối cùng, phải có cơ chế trừng phạt những nước vi phạm những thỏa thuận mà họ đã ký kết.

Đón nhận một loạt thành viên mới là rất khó khăn, nhưng từ 2004 đến 2007, EU đã kết nạp hàng chục nước đa số thuộc Liên Xô cũ, những gì tưởng chừng bất khả đã làm được. Nếu Châu Âu muốn được coi là thế lực quan trọng trên thế giới, cần chứng tỏ mình có khả năng hành động. Tương tự, L’Obs cũng đặt vấn đề "Liên Hiệp Châu Âu có nên tiếp nhận các quốc gia mới ?". Bà Laurence Boone, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Châu Âu cho bối cảnh thế giới đã thay đổi, và nay để chống lại ý đồ can thiệp của các chế độ độc tài như Nga, khi mở rộng, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tăng thêm sức mạnh.

Trung Quốc : Chính trị kìm hãm tăng trưởng

Hồ sơ Le Point tuần này dành cho "Những người Pháp mà thế giới muốn có", những khuôn mặt xuất sắc trong khoa học, công nghệ, kinh tế, y tế, ẩm thực, thời trang, nghệ thuật… L’Express nói về tỉ phú Kretinsky, người đã mua lại nhiều thương hiệu nổi tiếng của Pháp. L’Obs phân tích "Quyền lực thực sự của cảnh sát" qua lời kể của những cựu bộ trưởng Nội Vụ. Courrier International quan tâm đến giấc ngủ, đã trở thành nỗi ám ảnh trong các xã hội phương Tây phải đối mặt với nạn mất ngủ triền miên. The Economist chọn ảnh bìa là màu cờ xanh với những ngôi sao vàng của EU, chạy tựa "Vì sao Liên Hiệp Châu Âu cần phải mở rộng"

Nhìn sang Châu Á, The Economist cho rằng "Chính trị đã cản trở nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc". Cách đây mười năm, trên 200 ủy viên trung ương đảng họp đại hội ở Bắc Kinh đã quyết định trao cho thị trường vai trò chủ đạo trong việc phân bổ nguồn lực chứ không phải Nhà nước. Nhưng việc Tập Cận Bình không tôn trọng cam kết này là phần lớn nguyên nhân của sự thất vọng về kinh tế Trung Quốc trong thập niên qua.

Người tiêu dùng đã mất niềm tin sau thời kỳ bị phong tỏa trong đại dịch, không còn muốn vung tiền đầu tư mà đem gởi tiết kiệm. Họ đặc biệt thận trọng trong việc mua bất động sản, vốn là trụ cột của nền kinh tế, khiến nhiều nhà kinh doanh địa ốc vỡ nợ. Tại đa số quốc gia, Ngân hàng Trung ương là định chế phải can thiệp đầu tiên, nhưng ở Hoa lục chỉ có mỗi một "nhạc trưởng" là ông Tập. Theo truyền thống, trách nhiệm kinh tế dành cho thủ tướng. Thời kỳ khủng hoảng tài chánh Châu Á năm 1998, Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) đã vực dậy được lòng tin khi hứa giữ tăng trưởng ở mức 8%. Nhưng thủ tướng hiện nay là Lý Cường (Li Qiang) do Tập Cận Bình đưa lên hoàn toàn lệ thuộc vào hoàng đế đỏ.

Đi tìm giấc mộng Trung Hoa

Trên Le Monde Diplomatique số tháng 10, nhà nghiên cứu người Canada David Ownby cất công tìm hiểu giới trí thức Hoa lục cảm nhận như thế nào về ba năm bị phong tỏa khắc nghiệt. Trước đây bay thẳng từ Montréal đến Bắc Kinh chỉ mất 12 tiếng đồng hồ, nhưng nay đường bay này đã biến mất. Ông phải bay vòng Montréal-Toronto-Zurich-Hồng Kông mất hơn 30 giờ. Ownby gặp được tất cả những trí thức muốn gặp kể cả những người lâu nay chỉ liên lạc trên mạng. Họ không phải là bút nô của chế độ cũng không là nhà ly khai, chỉ là chủ trương đa chiều, tự do tư tưởng, mà họ cho là một phần của "giấc mơ Trung Hoa". Thế nhưng quan điểm của Tập Cận Bình ngược lại, không chấp nhận phản biện.

Nhìn bên ngoài, Trung Quốc vẫn bình thường, cuộc sống vẫn tấp nập. Nhưng phía sau bộ mặt có vẻ năng động này, ông phát hiện một Trung Quốc u ám hơn nhiều. Di chứng của chính sách "zero Covid" vô cùng sâu đậm. Năm đầu chừng như ngăn chặn được virus, năm thứ hai xuất hiện những nhược điểm nhưng vẫn tiếp tục, năm thứ ba kiểm soát ngặt nghèo chưa từng thấy rồi bỗng đột ngột mở tung cửa ngay trong mùa đông, bất chấp hàng trăm ngàn người bị chết oan ức...

Một hôm tại Bắc Kinh, Ownby gặp nhà báo X và biên tập viên Y đều ở độ tuổi ba mươi. Sau khi đóng cửa nhà cẩn thận, họ trút nỗi phẫn nộ : cứ ngỡ rằng chính quyền quan tâm, nhưng thực ra họ chẳng ngó ngàng đến việc dân sống hay chết. Hóa ra zero Covid chỉ để đánh bóng hình ảnh của ông Tập. Hôm sau, một giảng viên đại học xác nhận có cùng ý kiến, nói rằng mọi người đều bị chấn thương theo nhiều mức độ khác nhau, một vết thương đau đớn khó liền sẹo, nhất là với những người có tuổi. Hầu hết trí thức Hoa lục cho rằng đó là "ngày 4 tháng 6 của chúng tôi", hàm ý vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989. Một người bạn chủ trương tự do cho biết một số người cực đoan hơn còn ủng hộ ông Donald Trump, hy vọng một cuộc chiến tranh với Đài Loan sẽ làm đảng cộng sản sụp đổ.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 155 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)