Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/10/2023

Điểm báo Pháp – Ukraine : viễn cảnh trường kỳ kháng chiến

RFI tiếng Việt

Ukraine : Chiến tranh giao thông hào và viễn cảnh trường kỳ kháng chiến

Le Monde ngày 02/10/2023 cho biết "Trên mặt trận, chiến tranh giao thông hào đã quay lại". Để xuyên qua phòng tuyến Nga, lực lượng Ukraine bỏ lại các xe bọc thép, ưu tiên chiến đấu bằng bộ binh. Đứng trước thách thức của thời gian, không còn ảo tưởng đánh nhanh thắng nhanh, Kiev chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài.

uk1

Tổng thống Volodymyr Zelensky đặt hoa tại Bức tường tưởng nhớ những chiến binh Ukraine đã hy sinh, nhân Ngày của những người bảo vệ Ukraine, 01/10/2023 tại Kiev via Reuters – Ukrainian Presidential Press Ser

Không phi pháo hay xe tăng, chỉ có những trận xáp lá cà

Từ nhiều tuần qua, các video chiến trường do drone quay được, đăng trên mạng xã hội cho thấy những cảnh giống nhau trên chiến tuyến từ Zaporijia cho đến Donetsk, là những nơi đụng độ ác liệt nhất. Những toán quân Ukraine tiến gần các chiến hào Nga, những loạt súng giòn giã, những trận đánh gần như xáp lá cà. Không hề có yểm trợ của không lực hay thiết giáp. Một cách có phương pháp, những chiến binh của Kiev tiễu trừ thành lũy địch theo từng giao thông hào một, đồng thời cố tránh thiệt hại.

Trong khi chiến tranh hiện đại từ nhiều thập niên qua vẫn là những trận chiến từ xa với không quân và pháo binh, cuộc phản công của Kiev chú trọng dùng bộ binh để tiến lên. Thibault Fouillet, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng giải thích, người Ukraine áp dụng lại chiến tranh giao thông hào, với chiến thuật giống như Strumtruppen của quân Đức thời Đệ nhất Thế chiến, sử dụng những người lính tinh nhuệ làm xung kích.

Ban đầu, giới quân sự phương Tây đặt cược vào thiết giáp, chiến thuật mang lại thành công cho NATO trong những cuộc xung đột gần đây, nhất là ở Iraq năm 2003 ; nhưng rốt cuộc không hiệu quả trước chiến tuyến "Surovikin". Một nguồn tin quân sự Pháp lấy làm tiếc khi "Ukraine tiến lên theo từng đoàn mà không chuẩn bị pháo binh lẫn hỏa mù để giấu vị trí". Theo một ước lượng phương Tây, những đơn vị đợt đầu đã bị thiệt hại đến 20%.

Ukraine tái chiếm được một số nơi nhờ chủ động đổi chiến thuật

Kết quả là đến mùa hè bộ tham mưu Kiev đã từ bỏ những trận hiệp đồng tác chiến cần phối hợp giữa pháo binh, thiết giáp, công binh và bộ binh, quay lại với sở trường lâu nay. Giám đốc tình báo quân đội Kyrylo Budanov xác nhận hiện nay những trận đánh chủ yếu bằng bộ binh, xe thiết giáp chỉ dùng để sơ tán hay chuyển quân khẩn cấp đến một địa điểm cụ thể.

Họ không có chọn lựa nào khác, khi một số khu vực cứ mỗi mét vuông có đến năm quả mìn chống tăng, các drone Nga thường xuyên lượn trên đầu. Ông Fouillet cũng khẳng định khi địch thủ không chuẩn bị, có thể dựa vào tốc độ và tính cơ động của chiến xa, nhưng khi mặt trận đóng băng và được phòng thủ kiên cố thì rủi ro quá lớn. Không chỉ xe tăng hạng nặng bị tạm thời "nghỉ hưu" mà cả những model loại nhẹ.

Trước sự ngạc nhiên của phương Tây, chiến thuật này đã giúp Kiev tái chiếm nhiều vùng đất trong những tuần qua, từ Orikhiv cho tới Bakhmut. Đặc biệt tại Verbove, phòng tuyến thứ nhì của Nga đã bị chọc thủng. Theo đà này, Ukraine hy vọng mở đường đến Tokmak và nhất là Melitopol. Nhưng như vậy chỉ có bộ binh là chưa đủ, theo các chuyên gia. Đến một lúc nào đó, Ukraine phải đưa thiết giáp xung trận ở những trọng tâm để có thể tiến sâu.

Theo Thibault Fouillet, khuyết điểm của chiến thuật Kiev là gặm nhấm dần mà không khai thác những lỗ hổng đã phá được. Người Ukraine ý thức được điều này, nhưng vấn đề là nguồn nhân lực hạn chế : Nga có đến 146 triệu dân còn Ukraine chỉ 42 triệu. Vì vậy Kiev đề nghị các đồng minh cung cấp những vũ khí mãnh lực lớn hơn như tiêm kích F-16 hay hỏa tiễn tầm xa 300 kilomet ATACMS, để thay đổi thế trận. Ông Budanov nói : "Chúng tôi không thể tiếp tục một đấu một".

Thách thức của một cuộc chiến dài hơi

Le Monde cũng nhận thấy Ukraine đang đứng trước thử thách của thời gian. Giai đoạn đầu của cuộc chiến đầy những bất ngờ, che khuất nhịp độ chiến tranh quy ước cổ điển, với những trận đánh chiếm từng mét đất. Không còn ảo tưởng đánh nhanh thắng nhanh, nay Kiev chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài. Một trong những người sáng suốt nhất chính là tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Valeri Zalujny, từ lâu đã cảnh báo cuộc chiến có thể kéo dài, nhưng ít người chịu hiểu. Ông không loại trừ khả năng Putin có thể đánh chiếm thủ đô Kiev lần nữa. Và mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ như biên giới năm 1991, nếu không ngoài tầm với, thì cũng đòi hỏi nỗ lực vượt bực và cần thời gian.

Cuộc xâm lăng bắt đầu vào ngày 24/02/2022 nhưng trước đó quân đội Nga đã chuẩn bị từ 2014 với việc chiếm Crimea và tấn công Donbass, như vậy thật ra chiến tranh đã hiện diện từ 10 năm qua. Phía Ukraine, sau khi giải phóng Kiev đã ý thức được hai thực tế. Một mặt, vụ quân Nga thảm sát thường dân khiến không thể thương thảo được với Vladimir Putin. Mặt khác, Nga dù mạnh vẫn có thể bị đánh bại trên chiến trường. Niềm tin này được củng cố hôm 11/11/2022 khi giải phóng Kherson. Từ "hiệu ứng Bucha" đến "hiệu ứng Kherson", chiến tranh cho thấy sẽ còn kéo dài. Tờ báo nhắc nhở, những ai chỉ trích cuộc phản công là chậm chạp, đừng quên rằng trước khi có được chiến thắng Kherson, đã diễn ra nhiều tháng trời chiến đấu gian khổ, giành giựt từng ngôi làng một. Rốt cuộc quân Nga phải rút khỏi thành phố, đơn giản là nhờ đặc điểm địa lý : Kherson nằm bên dòng sông Dniepr, lính Nga có nguy cơ bị vây hãm.

Armenia, nạn nhân gián tiếp của cuộc xâm lăng Ukraine

Về sự kiện Thượng Karabakh phải đầu hàng trước quân Azerbaijan, Le Monde cho đây là "Một kết thúc bi thảm nhưng đã được báo trước". Việc phong tỏa hành lang Latchine, con đường duy nhất nối Thượng Karabakh với Armenia cho thấy quyết tâm của Baku ; còn 2.000 lính Nga đóng tại đây không hề động ngón tay để giải tỏa hay ít nhất là bảo vệ dân chúng. Les Echos nhận thấy "Armenia là nạn nhân liên đới của chiến tranh ở Ukraine". 

Đành rằng phương Tây phải tập trung cho mặt trận này, nhưng với cái giá là từ bỏ việc bảo vệ một sự thăng bằng "phải đạo" giữa Armenia và Azerbaijan. Làm thế nào giải thích sự khác biệt giữa việc can thiệp vào Kosovo cách đây gần 25 năm, và thái độ thụ động ở Nam Kavkaz ngày nay ? Dù những hình ảnh rất giống nhau, ngoại trừ người tị nạn Thượng Karabakh chen chúc trong những chiếc xe buýt và xe hơi còn người Kosovo trong xe lửa. Thêm một lần nữa, vũ lực đã đè bẹp mọi hy vọng thương thuyết.

Có thể nghĩ rằng Moskva đã bật đèn xanh cho Baku khi tổng thống Azerbaijan cho phong tỏa ngặt nghèo Thượng Karabakh. Với cuộc xâm lăng Ukraine, Azerbaijan trở thành con đường chính của Nga đi xuống phía nam. Tuy Moskva khoe khoang vai trò bảo vệ những người Công giáo phương đông và Chính thống giáo, về địa chính trị và địa kinh tế, Armenia Công giáo chẳng là gì so với Azerbaijan Hồi giáo.

Vận mệnh quốc gia và năng lực lãnh đạo

Ở Nam Kavkaz, phương Tây mơ một thỏa thuận theo mô hình Balkan, với lực lượng gìn giữ hòa bình trung lập, tòa án xét xử tội phạm chiến tranh, quyền tự quyết chính trị và chung sống hòa bình giữa đôi bên. Những gì vừa diễn ra trước mắt chúng ta đầy bi kịch, nhưng phải chăng đây là bước đầu tiên hướng về một thế giới hoang dã, hay là một thảm họa đã được báo trước ?

Làm thế nào có thể gọi người Armenia là "ly khai", khi họ sinh sống tại quê cha đất tổ từ nhiều đời, trên vùng đất được coi là "cái nôi của Armenia" ? Công giáo hiện diện tại đây ít nhất từ thế kỷ V, chỉ bấy nhiêu cũng đủ chứng tỏ quyền được tự trị của Thượng Karabakh. Những người bôn-sê-vich công nhận điều này, năm 1921 đã trao quy chế tự trị cho cộng đồng người Armenia trong Azerbaijan thuộc Liên Xô cũ.

Azerbaijan liệu có dừng ở đây, khi phía sau là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, còn phương Tây thì thờ ơ ? Armenia có thể là mục tiêu sắp tới, không có chọn lựa nào khác là xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu, cũng đang lệ thuộc Azerbaijan về khí đốt. Bị Nga phản bội, bị phương Tây bỏ rơi, chỉ là một con cờ trên ván cờ của Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia còn là nạn nhân của nhiều tính toán sai lầm từ các nhà lãnh đạo.

Có những quốc gia mà địa lý và lịch sử bi kịch hơn những nước khác, và không phải lúc nào cũng có những người lãnh đạo xứng tầm. Les Echos kết luận, Thượng Karabakh không còn hiện hữu, cần phải làm mọi cách để Armenia không cùng chung số phận. Cuộc xâm lăng Ukraine đã mở ra chiếc hộp Pandore về sử dụng bạo lực như một giải pháp tất nhiên.

Khủng hoảng địa ốc Trung Quốc : Đủ loại quà tặng để dẫn dụ người mua

Tại Châu Á, Le Monde cho biết người dân Hoa lục bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng địa ốc, các công ty kinh doanh bất động sản liên tục trưng ra những món quà giá trị để thu hút người mua nhà. Thông tín viên của tờ báo tại Thượng Hải mô tả, trong một sảnh bán hàng rộng mênh mông với những bức tường bằng cẩm thạch giả, chiếc xe hơi điện hiệu Wuling màu kem ngự trên nền lót đầy giấy óng ánh vàng, giữa hai băng-rôn đỏ chót. Bên cạnh là một nồi cơm điện, một máy lọc không khí, một tủ lạnh và một ấm điện lớn. Đó là những món quà dành cho khách mua căn hộ. Một nhân viên mặc đồ vét nói những món đồ trên trị giá 40.000 nhân dân tệ (5.175 euro) nhưng nếu không thích, có thể trả thẳng bằng tiền mặt.

Theo số liệu chính thức, các công ty địa ốc Trung Quốc trong tháng 8 còn tồn 313 triệu mét vuông nhà ở, tức khoảng 3,5 triệu căn hộ, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Khủng hoảng lan tới những vùng sâu vùng xa như ở ngoại ô Tây An, đặc phái viên Le Monde nhận thấy những công nhân xây dựng làm công nhật ngồi chờ người thuê với những tấm bảng ghi rõ chuyên môn của mình "thợ ống nước", "thợ điện", "khoan cắt"… Cạnh một khu nhà đang xây của Evergrande, một chủ tiệm hớt tóc đã sa thải 4/5 người thợ, một loạt cửa hàng trang trí nội thất đã đóng cửa. Một người bán hàng nói, ngay cả những người đã trả xong tiền mua nhà vẫn để trống, không trang bị đồ đạc.

Rệp, "personna non grata" ở Pháp

Nước Pháp và tình trạng bùng nổ lượng người xin tị nạn, Ukraine trước nguy cơ chiến tranh kéo dài, Covid câu chuyện không hồi kết, thương mại thế giới đứng trước vòng xoáy lịch sử là những chủ đề trên trang nhất báo Pháp hôm nay. Bên cạnh đó là cuộc biểu tình cả triệu người ở Ba Lan, nhân vật chống Ukraine có thể lên làm thủ tướng Slovakia, chính phủ Mỹ thoát "shutdown" vào phút chót.

Trên lãnh vực xã hội, loài rệp giường hôm nay được các báo chú ý, thậm chí chân dung còn ngự trên trang nhất của Libération với dòng tít lớn "Rệp, personna non grata" (nhân vật không được chào đón, từ ngữ dùng trong ngành ngoại giao).

Loài rệp đã tồn tại ít nhất 115 triệu năm. Người ta phát hiện rệp giường trong những ngôi mộ cổ Ai Cập đóng kín từ 3.500 năm qua, tìm thấy dấu vết của chúng ở Hy Lạp từ 400 năm trước Công nguyên, trong những bài viết của triết gia Aristote. Năm 2023 chuyển sang một giai đoạn mới : lũ rệp tràn ngập mạng xã hội. Từ mùa hè, cư dân mạng liên tục đăng những vụ bị rệp cắn trong rạp xi-nê, tàu cao tốc, métro ; với hình ảnh làm bằng chứng. Còn một năm nữa đến Thế vận hội Paris, rệp cũng chiếm những hàng tít lớn trên báo chí quốc tế.

Tòa đô chánh Paris kêu gọi Nhà nước coi đây là vấn đề nghiêm túc cho sức khỏe cộng đồng, có kế hoạch hành động thích đáng. Rệp đã lờn với thuốc trừ sâu, phát triển theo làn sóng du lịch quốc tế, cứ 10 gia đình thì có 1 bị rệp hoành hành. Các nạn nhân bị thương tổn kéo dài (mất ngủ, trầm cảm, phải dành một số tiền lớn để diệt rệp…). Trả lời Libération, nhà nghiên cứu về côn trùng Claudio Lazzari nhấn mạnh, loài rệp rất khó diệt trừ vì trốn rất kỹ và có thể nhịn đói từ 6 tháng đến 1 năm. Thật ra sự hiện diện của rệp không liên quan đến vấn đề vệ sinh. Le Figaro cho biết tại New York, trong số 24.000 vụ "báo động" nhà có rệp trong năm 2010 có hai nạn nhân : Bill và Hillary Clinton !

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 203 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)