Ukraine : Cuộc chiến sống còn khiến Châu Âu không thể mỏi gối chồn chân
Le Monde ngày 05/10/2023 nói về một khúc nhạc đang được dạo lên ở Châu Âu mà Kremlin nghe rất êm tai, đó là "sự mỏi mệt Ukraine". Sau 19 tháng chiến tranh đẫm máu và tốn kém mà chưa thấy lối ra, sự hỗ trợ của phương Tây có phần rạn nứt. Nhưng Châu Âu không thể hy sinh Ukraine như một số người ở Washington tự cho phép, vì cuộc chiến này mang tính tồn vong không chỉ với Kiev mà cả châu lục.
Các quân nhân Ukraine sử dụng pháo tự hành 2S1 Gvozdika tấn công quân Nga tại Donetsk, ngày 26/09/2023. Reuters - Springer
Tai nạn tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc : Dính bẫy của chính mình ?
Liên quan đến Châu Á, Les Echos dẫn nguồn tin từ Daily Mail nêu ra khả năng một tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc bị chìm xuống đáy biển cùng với toàn bộ thủy thủ đoàn, vì lọt vào chiếc bẫy cho chính Trung Quốc giăng ra. Tin đồn đã lan ra từ nhiều tuần qua, và nay tờ báo ở Luân Đôn tham khảo được một báo cáo của tình báo Anh, xác nhận sự kiện.
Tai nạn xảy ra ở Hoàng Hải, ngoài khơi Sơn Đông và gần Thượng Hải, vào lúc 8 giờ 12 phút địa phương ngày 01/08, khiến 55 người trên tàu tử nạn gồm 22 sĩ quan, 7 học viên sĩ quan, 9 hạ sĩ quan và 17 lính thủy. Chiếc tàu ngầm type 093 thuộc lớp Thương (Shang) bị kẹt vào một sợi xích và rào chắn bằng dây neo được hải quân Trung Quốc dùng để gài bẫy các tàu ngầm của Mỹ và đồng minh. Phải mất sáu tiếng đồng hồ mới đưa được lên mặt nước, nhưng đã quá trễ cho thủy thủ đoàn vì trong lúc bị chận lại, có thể hệ thống oxygen của chiếc tàu ngầm bị hư hỏng khiến họ bị chết ngạt.
Trung Quốc không xác nhận thông tin này, nhưng nếu là sự thật, đó là một đòn nặng cho Bắc Kinh. Bởi vì type 093 được đưa vào hoạt động năm 2006, là một trong những tàu ngầm nguyên tử tấn công mạnh nhất của hải quân Trung Quốc, hiện có sáu chiếc loại này. Dài 107 mét, rộng 11 mét, trọng tải 6.100 tấn, chúng có thể mang theo 22 ngư lôi và hỏa tiễn hành trình chống hạm.
"Mệt mỏi Ukraine" : Khúc nhạc êm tai cho Kremlin
Về cuộc chiến ở Ukraine, Le Monde nói về một khúc nhạc đang được dạo lên ở Châu Âu mà Kremlin nghe rất êm tai, đó là "sự mỏi mệt Ukraine". Sau 19 tháng chiến tranh đẫm máu và tốn kém mà chưa thấy lối ra, sự hỗ trợ của phương Tây có phần rạn nứt.
Cuộc phản công bắt đầu từ tháng 6 không mấy tiến triển, khác hẳn với hồi mùa thu năm 2022 đã gây bất ngờ cho quân Nga thiếu chuẩn bị. Những chiến binh Ukraine thực sự mỏi mệt và thiếu thốn vũ khí, đạn dược, trong khi phương Tây đã cạn kho. Mùa đông sắp tới xem chừng khó khăn. Về chính trị, "phép lạ Zelensky" bắt đầu suy giảm, những từ ngữ của tổng thống Ukraine đôi khi gây bất bình cho các đối tác.
Thêm vào đó là những trắc trở về ngoại giao từ tháng 9. Các nước phương Nam không lắng nghe phương Tây. Tại Washington, sự mặc cả giữa Cộng hòa và Dân chủ gây phương hại cho Kiev. Ở Châu Âu, đồng minh Ba Lan đang trong chiến dịch tranh cử, các bên không từ một thủ đoạn nào ; đảng dân túy thân Nga về đầu ở Slovakia. Người đứng đầu ngoại giao Châu Âu Josep Borrell đã thành công ngoạn mục khi tổ chức họp ngoại trưởng 27 nước lần đầu tiên tại Kiev hôm 02/10, nhưng có một nốt trầm nho nhỏ là Hungary và Ba Lan chỉ gởi thứ trưởng đi dự.
Châu Âu không thể nào bỏ rơi Kiev
Tuy nhiên dù diễn tiến ở Hoa Kỳ có như thế nào đi nữa, Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ phải mở rộng dù vô cùng phức tạp. Bởi vì nếu một số người ở Washington có thể tự cho phép hy sinh Ukraine, Châu Âu không thể có lựa chọn này. Ukraine nằm tại Châu Âu, bỏ rơi nước này cho Nga sẽ khiến phần còn lại của châu lục bị đe dọa. Cuộc chiến nay mang tính tồn vong cho cả Châu Âu lẫn Kiev. Chính vì vậy mà các nhà kỹ nghệ quốc phòng Châu Âu và kể cả Anh đã đến Kiev để bàn bạc về việc đặt nhà máy sản xuất vũ khí ngay trên lãnh thổ Ukraine, một sự đầu tư lâu dài.
Cũng vì vậy mà dù đang bất hòa, Warszawa thỏa thuận với Kiev về việc xuất khẩu ngũ cốc và vừa chuyển giao các xe tăng Leopard 2 bị hư hại trong các trận đánh và được sửa chữa tại Ba Lan. Và cũng chính vì thế mà ngày mai 06/10 các nhà lãnh đạo 27 nước họp tại Tây Ban Nha bàn về việc mở rộng EU.
Thế lưỡng nan có thể tóm tắt : "Không kết nạp Ukraine và các ứng viên khác là không thể chấp nhận được trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, nhưng những cải cách và hy sinh cũng khó thể chấp nhận". Mở rộng nhưng không làm tê liệt hay tan vỡ EU đòi hỏi rất nhiều sáng tạo và khôn khéo. Từ khi tung ra cuộc chiến tranh tổng lực, Vladimir Putin hy vọng phương Tây sẽ mệt mỏi trước mình ; nhưng nếu ông ta càng sa lầy ở Ukraine, thì Ukraine càng gắn chặt với Châu Âu.
Hòa bình không miễn phí
Xã luận của Les Echos phân tích "Châu Âu : Cái giá cho hòa bình". Mở rộng Liên Hiệp Châu Âu phải trả giá về chính trị và ngân sách rất lớn, nhưng lại là điều cần thiết. Liệu có nên kết nạp thêm khi hiện nay tranh cãi vốn đã nhiều ? Những lý lẽ để đóng cửa EU trước các ứng cử viên mới là nghiêm túc.
Chuyển từ 27 thành 36 thành viên có nguy cơ biến EU trở nên nặng nề và kém hiệu quả, trao quyền ngăn trở cho hơn một chục nước khiến không thể thông qua những cải cách thuế khóa, tài chánh. Kết nạp, là nhắm mắt trước những căng thẳng cố hữu giữa các nước Balkan, tham nhũng ở Ukraine và sự thân cận với Nga của Serbia.
Các nước Trung Âu sau khi được hưởng sự trợ giúp hào hiệp của EU, nay phải giúp lại những thành viên mới nghèo hơn để được thịnh vượng. Hiện nay 18 quốc gia thành viên nhận được nhiều hơn số tiền họ phải đóng góp, nhưng nếu mở rộng thành 36 nước, tất cả đều phải chi nhiều hơn thu. Vậy tại sao gánh lấy rủi ro bị nông dân biểu tình và phe dân túy lợi dụng ?
Cái giá cho an ninh châu lục
Câu trả lời là EU sẽ trở thành sức mạnh kinh tế hàng đầu thế giới, tương đương với Hoa Kỳ, tăng cường khả năng áp đặt các quy định lên quốc tế - như vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân cách đây vài năm. Cái giá khổng lồ phải trả chỉ có thể biện minh bằng một điều duy nhất : an ninh. Nếu lâu nay mục tiêu vẫn là thịnh vượng, thì việc mở rộng EU ngày nay được thúc đẩy bằng nỗi sợ.
Những nước ngoại vi EU đang bị Nga, Trung Quốc dòm ngó, và có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ. Việc gia nhập EU sẽ bảo đảm chủ quyền cho họ. Tuy tốn kém, nhưng chiến tranh còn tốn kém hơn : cuộc xâm lăng Ukraine đã làm EU phải chi ra nhiều trăm tỉ euro. Cộng đồng Châu Âu được thành lập năm 1957 để bảo vệ hòa bình giữa Pháp và Đức, và 80 năm sau cũng vì hòa bình mà phải mở rộng.
Một ví dụ cụ thể về chi phí : theo một nghiên cứu không chính thức, khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Ukraine sẽ nhận được 186 tỉ euro trong bảy năm. Thông tin này do Financial Times tiết lộ và Les Echos dẫn lại. Không được EU xác nhận, đây là ước lượng đầu tiên dựa theo quy định ngân sách hiện có của Liên hiệp. Tuy nhiên trong trường hợp mở rộng, các quy định sẽ được điều chỉnh.
Con quái vật chiến tranh 100 năm trước đang đe dọa thế giới hiện đại
Về mặt lịch sử, Libération đặt câu hỏi "Tòa án Nuremberg nào cho Ukraine ?". Liệu có sự tương đồng nào giữa Ukraine và hai trận đại chiến thế giới hay không ? Không chỉ vì Putin luôn bị ám ảnh bởi "Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại", mà những gì đang diễn ra với bộ binh, xe tăng, hầm trú ẩn… chẳng khác nào thời thế chiến. Theo nhà nghiên cứu Annette Wieviorka của CNRS, cần có một tòa án đặc biệt để xét xử Vladimir Putin và các cộng sự thân cận, ngoài tội ác chiến tranh đã bị Tòa án La Haye ra lệnh truy nã.
Một bài viết khác trên Libération nhận định cho dù không nên đánh giá thấp vai trò của vệ tinh và drone, rất nhiều yếu tố cho thấy cuộc chiến tranh ở Ukraine đưa chúng ta quay lại với 100 năm về trước. Cuộc xâm lăng đang diễn ra trước mắt thế giới gây kinh ngạc cho tất cả các chuyên gia về Đệ nhất Thế chiến. Sau vài tuần lễ chiến đấu dữ dội từ tháng 2 đến tháng 4/2022, một cuộc chiến tranh giao thông hào đã hình thành trên chiến tuyến 1.000 kilomet, mà không bên nào phá vỡ được thế trận của đối thủ.
Đó là cách chiến đấu mà người ta ngỡ đã biến mất : giành giựt từng mét đất, từng giao thông hào một, y như mặt trận phía tây vào mùa hè 1914 và cuối năm 1915. Ai có thể hình dung ra được một sự "phi hiện đại hóa" như vậy ? Trong khi một mùa đông khủng khiếp thứ hai sắp đến, dường như con quái vật chiến tranh đã sống dậy từ đống tro tàn, đe dọa thế giới hiện đại của chúng ta.
Slovakia : Trắc nghiệm thất bại đầu tiên của EU trong chống tin giả
Le Monde cho biết chưa đầy 48 giờ trước khi các phòng phiếu ở Slovakia mở cửa ngày 30/09, số cử tri đăng ký tăng vọt. Người ta nghe được đoạn đối thoại giữa thủ lãnh đảng cánh trung thân Châu Âu Michal Simecka và một nhà báo nổi tiếng, về việc phù phép những lá phiếu để có lợi cho mình. Thực ra đây là tin giả, giọng nói do trí thông minh nhân tạo (AI) tạo ra.
Video bị rút khỏi Facebook và TikTok vài giờ sau đó, nhưng đã được chia sẻ vài chục ngàn lần, còn báo chí không thể đề cập vì sát ngày bầu cử. Tổng biên tập trang Dennik N. nói, đây là lần đầu tiên đối mặt với "deep fake" có lượng người xem cao như vậy ở Slovakia. Kết quả là ứng cử viên dân tộc chủ nghĩa thân Nga Robert Fico và đảng Smer của ông ta chiến thắng.
Với tỉ lệ tin vào thuyết âm mưu thuộc loại cao nhất Châu Âu, 5,5 triệu người Slovakia là mồi ngon của những tin thất thiệt. Chẳng hạn Rudolf Huliak, đứng đầu một làng chỉ có 2.500 dân nhưng nổi tiếng trên Facebook, khẳng định những con gấu là "vũ khí sinh học do Bruxelles gởi sang". Phó chủ tịch đảng Smer, Lubos Blaha là chính khách được theo dõi nhiều nhất trên Facebook, cáo buộc nữ tổng thống thân Châu Âu Zuzana Caputova là "gián điệp của Mỹ".
Vào đầu cuộc xâm lăng Ukraine, chính quyền đóng cửa một số trang chuyên bóp méo thông tin sau khi có bằng chứng nhận tiền từ một nhà ngoại giao Nga, nhưng 6 tháng sau những trang này lại tái xuất do không thông qua được luật. Còn Digital Services Act (DSA) của EU chỉ được áp dụng cho những nền tảng có trên 45 triệu người sử dụng.
Kevin McCarthy : Lên và xuống đều kịch tính
Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Figaro nhận thấy "Sự rạn vỡ của đảng Cộng hòa trở thành vở kịch ở Quốc hội". La Croix cho rằng "Sau vụ truất phế ông Kevin McCarthy, Quốc hội Mỹ bước vào vùng trời bất định". Với Les Echos "Quốc hội Mỹ bị tê liệt vì sự chia rẽ của cánh hữu". Libération nói về "Một chiến lợi phẩm mới cho những kẻ thù của Nhà nước", Le Monde nhận định "Washington trước sự đổ vỡ của đảng Cộng hòa".
Được bầu làm chủ tịch Hạ Viện sau 15 vòng bỏ phiếu hồi tháng Giêng năm ngoái, sự sụp đổ của ông Kevin McCarthy cũng mang tính lịch sử không kém. Ông bị hạ bệ bởi 8 thành viên cực đoan của đảng mình vì cáo buộc đã thỏa hiệp với Nhà Trắng, và phe Dân chủ đang bất bình vì đã cho khởi động thủ tục truất phế tổng thống Joe Biden. Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ, nhân vật thứ hai có thể kế vị tổng thống sau phó tổng thống, lại bị mất chức theo kiểu này.
Ukraine thiệt thòi vì một nhúm dân biểu Mỹ cực đoan
Lo ngại càng tăng lên vì không có ứng cử viên nổi bật nào khác trong số 221 dân biểu của đảng Cộng hòa. Nhất là họ đều phải đối mặt cùng một vấn đề với Kevin McCarthy : một đa số khít khao khiến một thiểu số cực đoan có thể làm mưa làm gió. Chẳng hạn dân biểu Matt Gaetz của Florida hay Andy Biggs của Arizona. Họ nhất định đòi phải thắt chặt chi tiêu và kiểm soát ngặt nghèo biên giới Mexico để chống nhập cư, không quan tâm đến chiến tranh ở Ukraine.
Cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich của đảng Cộng hòa vốn là một trong những nhân vật cực đoan nhất trong thập niên 90, đã đòi hỏi trục xuất Matt Gaetz ra khỏi đảng. Nhân vật 41 tuổi phe ông Trump, xuất hiện thường xuyên trên truyền hình hơn là làm nhiệm vụ dân biểu, chống McCarthy tới cùng và cuối cùng đã làm ông mất chức. Cuộc khủng hoảng xảy ra vào lúc hai hồ sơ khẩn cấp đang được đặt trên bàn : viện trợ 24 tỉ đô la cho Ukraine và tránh shutdown.
Hình ảnh của Quốc hội Mỹ xấu hẳn đi : 72 % người dân tỏ ra bất mãn. Và câu hỏi lớn của các đồng minh là : Liệu có thể luôn tin tưởng vào Hoa Kỳ hay không ? Vấn đề này vượt qua số phận của một người rốt cuộc bị ăn thịt bởi con cọp mà mình ngỡ rằng đã chế ngự. Đó là hoạt động của các định chế thuộc đại cường số một thế giới - có nguy cơ bị tê liệt trong khoảng bốn mươi ngày tới, và khả năng trợ giúp cho một đất nước đang bị xâm lăng để có thể tồn tại. Những đối thủ của Mỹ có thể trông cậy vào sự mù quáng của những người Cộng hòa tự cho là ái quốc.
Thụy My