Xung đột Israel-Hamas : Vòng luẩn quẩn không có hồi kết
Cuộc chiến giữa Israel và tổ chức Hamas của Palestine vẫn là chủ đề được tất cả các tờ báo Pháp quan tâm nhất vào hôm nay 13/10/2023.
Hình ảnh trên camera an ninh cho thấy các chiến binh Hamas tiến vào một khu định cư Do Thái bắn chết những người trong một chiếc xe ở miền nam Israel ngày 07/10/2023 via REUTERS - South First Responders via Teleg
Xã luận của nhật báo thiên tả Libération chạy tựa "Vòng luẩn quẩn", nói về lời kể của tổng thống Mỹ Joe Biden về cuộc gặp với Golda Meir vào năm 1973, thủ tướng Israel đã tiết lộ cho ông bí quyết về sự kiên cường của Israel trước những cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Ả Rập : "Đơn giản thôi, chúng tôi không có lựa chọn nào khác, người Do Thái không còn nơi nào khác để nương thân".
50 năm sau, Israel không còn đối mặt với mối đe dọa hiện hữu nào nữa. Tuy nhiên, người dân ở dải Gaza đã trở thành những người "không còn nơi để nương thân". Với hơn 2 triệu người sinh sống trong một vùng đất có diện tích 365 km2 (mật độ dân số đông nhất thế giới), nơi này bị cô lập từ mọi phía, với các đồn biên phòng ở phía Israel bị khóa và trạm kiểm soát tới Ai Cập cũng bị phong tỏa hoặc phá hủy. Kể từ khi Israel hứng chịu cuộc oanh kích đẫm máu bởi cuộc tấn công khủng bố của tổ chức Hamas hôm 07/10, người dân ở dải Gaza đã phải sống dưới những đợt pháo kích liên tục của Lực lượng Phòng vệ Israel (Tsahal), khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, vượt quá số nạn nhân của Israel.
Ngay cả việc mở hành lang nhân đạo tới Ai Cập do Liên Hiệp Quốc đề xuất cũng vấp phải trở ngại do chính phủ Ai Cập từ chối tiếp nhận những người đến từ Gaza. Quyết định cắt nước, điện và thực phẩm của Israel đối với dải Gaza là một phần của vòng luẩn quẩn bạo lực về thể xác và đạo đức, là một phần của những hành động sỉ nhục và trả thù, trong đó thường dân là nạn nhân chính. Trên đầu họ là bom của Israel, còn dưới chân họ là những đường hầm dưới lòng đất có quy mô đáng kinh ngạc, và là căn cứ địa của lực lượng và vũ khí của Hamas. Bị mắc kẹt ở giữa, bị bao quanh bởi hàng rào, bị bắn phá từ trên trời và bị giám sát từ dưới lòng đất, người dân Gaza sống ngày đêm trong địa ngục đằng sau những cánh cửa đóng kín. Người duy nhất có khả năng xoa dịu nỗi khổ đau của họ bằng cách sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Ai Cập và Israel là tổng thống Biden. Để làm được điều này, ông cần hiểu rõ hơn câu nói của cố thủ tướng Golda Meir.
Pháp đối mặt với rạn nứt xã hội
Trang nhất và xã luận của tờ Le Figaro thì quan tâm đến sự rạn nứt xã hội mà tất cả người Pháp muốn tránh không lẽ đã bắt đầu ? Đồng bào đã chết bởi các cuộc tấn công khủng bố của Hamas, và nhiều người khác, bao gồm cả trẻ em, thì bị bắt làm con tin. Tổng thống Emmanuel Macron đã chia buồn với nỗi đau của người Israel, đồng thời, kêu gọi đoàn kết dân tộc, nhưng trên thực tế, những rạn nứt đang bộc lộ rõ rệt.
Nhật báo thiên hữu tỏ ra lo lắng trước sự trỗi dậy của các hành động bài Do Thái, cùng với những bạo loạn có thể xảy ra ở các vùng ngoại ô. Hiển nhiên, đoàn kết dân tộc là mục tiêu hết sức chính đáng, song liệu nó có khả thi với sự hiện diện của hàng triệu người nhập cư ở Pháp ? Chứng kiến các cuộc biểu tình bài Israel ở Đức, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, Henry Kissinger đã nói lên tất cả : "Thật là một sai lầm lớn khi tiếp nhận quá nhiều người thuộc các nền văn hóa, tôn giáo và quan niệm hoàn toàn khác nhau". Liệu có thể đoàn kết dân tộc khi những người có quan niệm khác biệt cùng sinh sống trên một lãnh thổ ? Le Figaro kết luận rằng đoàn kết dân tộc đòi hỏi phải kiểm soát việc nhập cư cùng với mong muốn "đồng hóa không ngừng nghỉ".
Xung đột ở Gaza : Số phận của các con tin và người thân
Trang nhất của Le Monde thì chú ý đến số phận của con tin, cũng như những người thân của họ trong cuộc tấn công của Hamas. Tá túc trong một khách sạn ở thị trấn ven biển Eilat của Israel, toàn bộ cộng đồng Kibbutz Nir Oz, được thành lập vào những năm 1950, vẫn chưa hết bàng hoàng sau cuộc tấn công đột ngột của Hamas, những kẻ đã gieo rắc nỗi kinh hoàng với dân chúng. Nir Oz, nằm cách Gaza chưa đầy 3 km, đã rơi vào tay quân khủng bố trong vòng 8 tiếng đồng hồ, và những người có mặt ở đó bị cướp bóc, giết chóc hay bắt cóc.
Tất cả những người ở đây đều đã mất người thân. Có cả người đi xa xứ 20 năm và quay trở lại nhân sự kiện này để an ủi người thân như Yiftah Atzili, từ Úc trở về : "Họ là anh chị em của tôi. Tôi lớn lên cùng họ. Việc có mặt ở đây cùng họ là điều hiển nhiên sau sự cố khủng khiếp này".
Cũng có mặt ở Eilat, Hadas Kalderon, 46 tuổi, là một trong những người cần được an ủi. Hai người con của cô, mẹ cô, chồng cũ và cháu gái của cô đều bị bắt cóc. Hôm 07/10, hàng loạt tên lửa được bắn từ dải Gaza vào các ngôi làng xung quanh Nir Oz. Hamas, vốn đã không tấn công kể từ tháng 05/2021, không lẽ đang tấn công trở lại ? Từ trong nhà đi ra ngoài, Hadas nghe thấy tiếng Ả Rập.
Các chiến binh Palestine đang ở trong thành phố. Làm thế nào họ đã băng qua được trạm canh gác được cho là kiên cố nhất thế giới để tiến vào Israel ?
Giờ đây, Hadas tìm cách liên lạc với gia đình, chồng cũ, hai con, mẹ cô và những người khác. Tin nhắn cuối cùng cô nhận được từ chồng cũ : "Anh đang ở cùng bọn trẻ. Bọn anh đã nhảy ra ngoài cửa sổ và trốn trong bụi rậm". Hadas than thở rằng tại sao họ không trốn trong hầm trú ẩn ? Nhưng cô không trách chồng cũ, bởi không ai có thể lường trước được một cuộc tấn công như vậy. Thế nhưng sau đó, Hadas mất liên lạc với người thân.
Trong ngày hôm đó, những hình ảnh đầu tiên về các con tin đã được gửi đến từ Gaza. Hadas hiểu rằng người thân của cô đang ở đâu. Mẹ cô, năm nay 80 tuổi, và sức khỏe không tốt. Bà cần được điều trị bệnh tim và chứng mất trí nhớ. Cô cũng nhìn thấy hai người con của cô trong đoạn video cho thấy các con tin bị bắt đi.
Trong số khoảng 400 cư dân Nir Oz, khoảng một trăm người đang mất tích. Những người phải sơ tán thì ra đi với hình ảnh ngôi nhà của họ bị đốt cháy, bị lục soát. Ngày hôm sau, họ được đưa lên xe buýt và đi 260 dặm về phía nam đến Eilat trên Biển Đỏ.
Khi tới Eilat, Hadas cho biết đã phạm phải hai sai lầm trong đời, đó là sinh ra các con của mình và tới định cư ở khu vực lân cận với dải Gaza. Hadas cho biết giờ đây chỉ muốn nhìn thẳng vào mắt thủ tướng Benjamin Netanyahu và bảo với ông ấy trả con lại cho cô.
Mặc dù vậy, Hadas vẫn tin vào hòa bình, ngay cả với Hamas : "Không lẽ chúng ta phải chiến đấu cả đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác ? Chúng ta sẽ phải đàm phán thương lượng và thỏa hiệp. Chúng ta đã làm điều đó với Ai Cập, với Jordan. Cần phải có thêm bao nhiêu người chết thì mọi người mới tỉnh ngộ ? Thay vì đầu tư vào chiến tranh, chúng ta nên đầu tư vào hòa bình, bởi xung đột không có tác dụng gì".
Xung đột ở Gaza : Trung Quốc rơi vào thế bí
Liệu cuộc chiến giữa Israel và Hamas có làm suy yếu tham vọng mở rộng ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông ? Tờ Les Echos có bài viết nói về việc Bắc Kinh đang trong tình trạng "đi trên dây" kể từ khi cuộc chiến này nổ ra. Không giống nhiều quốc gia phương Tây khác, Bắc Kinh không lên án mạnh mẽ cuộc tấn công đẫm máu của Hamas nhắm vào Israel và những tuyên bố vừa qua của các quan chức Trung Quốc tỏ ra thận trọng, chỉ kêu gọi cả hai bên "ngừng bắn" và tin rằng lối thoát duy nhất của xung đột này sẽ là "giải pháp hai Nhà nước" Israel và Palestine.
Đáp lại, Yuval Waks, quan chức cấp cao của đại sứ quán Israel tại Bắc Kinh, tỏ ra bất bình : "Khi người dân bị sát hại, tàn sát trên đường phố, thì đó không phải là thời điểm để kêu gọi giải pháp hai Nhà nước". Có mặt tại Trung Quốc vào cuối tuần qua, lãnh đạo phe đa số tại Thượng Viện Mỹ, ông Chuck Schumer, cũng bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng rụt rè của Bắc Kinh, khi "không thể hiện lòng trắc ẩn hay sự hỗ trợ nào đối với Israel trong thời điểm khó khăn này". Kể từ đó, các bài phát biểu của Trung Quốc có đôi chút thay đổi với việc lên án "tất cả các hành vi bạo lực và tấn công nhắm vào thường dân", nhưng vẫn chưa nêu đích danh Hamas, và Trung Quốc vẫn tự xem mình là nước bạn của cả Israel lẫn Palestine.
Vào tháng 3 vừa qua, tiết lộ về một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran đạt được thông qua trung gian của Trung Quốc đã khiến các nhà quan sát và nhà ngoại giao phương Tây ngạc nhiên. Vai trò của Bắc Kinh trong việc giảm căng thẳng giữa Riyadh và Tehran đã khẳng định tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, vốn bị Mỹ phớt lờ. Dựa trên thành công này, Bắc Kinh cũng đã ngỏ ý muốn đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột Israel-Palestine trong chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, vào tháng 6 vừa qua. Bắc Kinh sau đó cam kết dùng "trí tuệ Trung Quốc, sức mạnh Trung Quốc" để giải quyết xung đột.
Hôm qua, đại sứ Israel tại Trung Quốc, Irit Ben-Abba đã kêu gọi Bắc Kinh đàm phán với Tehran để tìm ra giải pháp chấm dứt leo thang. Bà Ben-Abba cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV : "Chúng tôi thực sự hy vọng rằng Trung Quốc có thể tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận với nhũng đối tác thân thiết của mình ở Trung Đông, bao gồm cả Iran".
Tuy nhiên, nhật báo kinh tế nhận định rằng mong muốn làm trung gian hòa giải của Trung Quốc trong cuộc xung đột đang thực sự vấp phải nhiều trở ngại. Jean-François Di Meglio, chủ tịch Viện nghiên cứu Trung tâm Châu Á, giải thích : "Trung Quốc đang thực sự rơi vào thế bí. Họ muốn đóng vai trò trung gian hòa giải sau khi thành công trong việc nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, nhưng do mối quan hệ gần gũi với Iran, cũng như do không có đủ phương tiện hoặc tầm ảnh hưởng cần thiết trong khu vực, Bắc Kinh khó lòng mang lại được sự thay đổi đáng kể trong mối quan hệ Israel-Palestine".
Liên Âu nín thở trước bầu cử Quốc hội Ba Lan
Nhìn sang Châu Âu, tờ La Croix dành bài xã luận chú ý tới cuộc bầu cử Quốc hội tại Ba Lan vào ngày 15/10 tới. Năm 2004, 15 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Ba Lan nhiệt tình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cùng với 7 quốc gia khác ở Trung và Đông Âu. Gần 20 năm sau, bầu không khí tại đó đã hoàn toàn thay đổi. Vào Chủ nhật tuần này, các cử tri Ba Lan sẽ có hai lựa chọn : tái khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng sự ủng hộ đối với Liên Âu bằng cách bỏ phiếu cho liên minh do cựu thủ tướng Donald Tusk dẫn đầu, hoặc tiếp tục quay lưng lại với các giá trị của Châu Âu bằng cách duy trì đa số hiện tại ở Quốc hội cho đảng Luật pháp và Công lý (PiS) rất bảo thủ của Jaroslaw Kaczynski. Nhật báo Công Giáo kết luận Warszawa không thể tiếp tục thể hiện là một nước có vai trò lớn trong Liên Âu trong khi không tôn trọng các giá trị của khối.
Phan Minh