Cuộc tấn công đẫm máu của phe Hamas nhắm vào lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023 đã phô bày một sự yếu kém nhất thời chưa từng thấy của người Do Thái. Các nhà lãnh đạo Cộng hòa Hồi giáo Iran muốn nắm bắt cơ hội hiếm có này để làm suy yếu thêm đối thủ Israel, nhưng vẫn tìm cách tránh một cuộc đối đầu trực diện.
Giáo chủ Ali Khamenei (giữa) tại học viện quân sự Iran ngày 10/10/2023. via Reuters – Wân News Agency
Hiện tại, sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas, quân đội Israel dường như đang sẵn sàng đổ bộ lên dải Gaza. Ở phía bắc, nhiều cuộc va chạm giữa lực lượng Israel và nhóm dân quân vệ Hezbollah được Iran hậu thuẫn cũng đã nổ ra. Tại nhiều thành phố trên thế giới đã diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine.
Iran : Lời lẽ cứng rắn và nỗi lo "mất khả năng kiểm soát"
Hoa Kỳ lập tức điều hai cụm tàu sân bay đến vùng Đông Địa Trung Hải. Thứ Năm 19/10, một tầu chiến Mỹ đã bắn hạ nhiều tên lửa và drone được bắn đi từ Yemen, mà theo quân đội Mỹ, dường như nhắm hướng Israel. Ngày 23/10/2023, Hoa Kỳ cáo buộc Iran "tích cực hậu thuẫn" các cuộc tấn công bằng drone và rốc-kết nhằm vào nhiều căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq và Syria trong vòng một tuần, tính từ hôm 17/10, làm khoảng 24 lính Mỹ bị thương.
Dấu hiệu cho thấy Lầu Năm Góc dự báo khả năng sẽ có nhiều cuộc tấn công tương tự trong thời gian sắp tới : quân đội Mỹ thông báo nâng cao năng lực phòng không khi cho triển khai thêm nhiều hệ thống tên lửa bắn chặn THAAD và Patriot trong vùng để bảo vệ các lực lượng Mỹ. Chủ nhật 22/10, Washington cảnh cáo Iran và các tổ chức vũ trang đồng minh của nước này về mọi ý định mở rộng cuộc xung đột ở vùng Cận Đông, và cho biết "sẽ có hành động" trong trường hợp tấn công các lợi ích của Mỹ và Israel.
Về phía Iran, ba ngày sau vụ tấn công đẫm máu, ngày 10/10, lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, đã hoan nghênh chiến dịch quân sự của Hamas, một thành phần trong mạng lưới các nhóm vũ trang phi chính phủ được Iran sử dụng để củng cố tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, một mặt, Iran phủ nhận mọi sự can dự trong cuộc tấn công, giới chức Mỹ và Israel thừa nhận hiện không có "bằng chứng trực tiếp" để chứng minh điều ngược lại. Nhưng mặt khác, trước khả năng Israel mở chiến dịch tấn công quy mô lớn vào dải Gaza, chế độ Tehran không ngừng đưa ra những lời cảnh cáo "không ai có thể ngăn cản được các lực lượng kháng chiến" và những lời dọa dẫm "đáp trả" hay "mở rộng nhiều mặt trận".
Theo báo Pháp Le Monde, trong chiến lược răn đe của kẻ yếu trước kẻ mạnh, từ ba thập niên qua, Iran đã âm thầm xây dựng một mạng lưới các nhóm vũ trang, tập hợp các kẻ thù của Israel và Mỹ từ Hezbollah Lebanon, phe nổi dậy người Huthi ở Yemen, cho đến các đơn vị Huy động quần chúng ở Iraq, hay đội quân lê dương, quy tụ nhiều sư đoàn người Afghanistan và Pakistan, những đội quân thường xuyên được Iran triển khai ở Syria để bảo vệ chế độ Damascus.
Theo giới quan sát, giọng điệu đầy tính dọa dẫm này của Iran đang che giấu một nỗi lo "mất kiểm soát" trong trường hợp xung đột lan rộng. Trả lời báo Le Monde, nhà nghiên cứu Hamidreza Azizi, Viện Nghiên cứu về Quan hệ Quốc tế của Đức phân tích :
"Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian tìm cách khẳng định vị thế như là phát ngôn viên của trục kháng chiến khi cùng lúc nhắc rằng những nhóm vũ trang này sẽ đưa ra các quyết định một cách độc lập. Điều làm Iran lo lắng là khả năng Hoa Kỳ can thiệp quân sự và gia tăng hậu thuẫn Israel, và như vậy có thể khuyến khích Israel đánh cả các nhóm thân Iran bên ngoài dải Gaza. Đương nhiên, Iran không muốn can dự vào một cuộc chiến diện rộng, nhưng nguy cơ này mỗi ngày một lớn".
Những mục tiêu của Iran
Trong trước mắt, cuộc xung đột bùng lên tại dải Gaza, đang đáp ứng nhiều mục tiêu của Iran trước "kẻ thù truyền kiếp" Israel. Thứ nhất, tuy không thể ngăn chặn một cách "không thể vãn hồi" sự xích lại gần giữa nhà nước Do Thái với các nước Ả rập trong khuôn khổ thỏa thuận Abraham (được ký kết giữa Israel với Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất, Bahrein, Morocco và Sudan), nhưng cuộc xung đột ở dải Gaza không những đẩy lùi triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Aviv và Riyadh, mà còn củng cố tạm thời tiến trình hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran, được thông báo tại Bắc Kinh hồi tháng 3/2023.
Georges Malbrunot, phóng viên báo Pháp Le Figaro, chuyên gia về Trung Đông, trên kênh truyền hình France 24 nhận định :
"Mối quan hệ giữa Riyadh và Tehran có khả năng được củng cố đến mức cả Iran và Saudi Arabia cùng lên án các cuộc oanh kích của Israel nhằm vào thường dân trên dải Gaza. Nhưng tôi nghĩ rằng, đằng sau việc tỏ lập trường cứng rắn, thông báo tạm hoãn các cuộc đàm phán mà nước này đang tiến hành với Mỹ nhằm hướng đến việc bình thường hóa quan hệ với Israel, còn có những tính toán của hoàng thái tử Mohamed Bin Salman. Ông ấy sợ bị Iran qua mặt trong vai trò quốc gia bảo vệ chính người dân Ả rập. Bởi vì đối với nhiều nước Ả rập, trong Vùng Vịnh, Saudi Arabia dẫu sao cũng là quốc gia hùng mạnh nhất".
Thứ hai, Iran xem cuộc tấn công của Hamas hôm 07/10 là một "thất bại không thể khắc phục" cho Israel. Vì vậy, giáo chủ Khamenei đặt cược nhiều vào sự xấu đi hình ảnh và danh tiếng của Israel trên trường quốc tế, với chuỗi hình ảnh thường dân bị quân đội Israel giết chết ở Gaza, những lời kêu gọi tấn công trên bộ ngày càng nhiều. Một lằn ranh chia rẽ mới giữa khối phương Tây, vốn dĩ không tiếc lời ủng hộ Israel và phương Nam toàn cầu, lên án mạnh mẽ các cuộc oanh kích trên dải Gaza. Tất cả những điều đó đều phục vụ cho các lợi ích của Iran.
"Trục kháng chiến" : Công cụ đối ngoại và an ninh của Iran
Colin P. Clarke, giám đốc nghiên cứu tại Soufan Group, một cơ quan tư vấn về tình báo và an ninh, trụ sở tại New York, trên trang mạng New York Times (23/10/2023) còn nhắc đến một mục tiêu khác của Iran trong sự kiện này. Vị chuyên gia này trước hết nhắc lại, việc đào tạo và trang bị các nhóm khủng bố, các phe nổi dậy và dân quân là một yếu tố trung tâm trong chính sách đối ngoại và an ninh của Iran tại Trung Đông. Mỗi năm, nước Cộng hòa Hồi giáo này chi ra hàng trăm triệu đô la để nâng cao năng lực chiến đấu cho Hezbollah, Hamas và nhiều nhóm khác.
Iran sử dụng những lực lượng này theo cách "ủy nhiệm" để thúc đẩy các mục tiêu an ninh quốc gia : Đẩy lui các đối thủ như Mỹ, có đến hơn 30 ngàn quân trú đóng tại nhiều căn cứ khác nhau ở Trung Đông, ngoài khu vực, đồng thời mở rộng vùng ảnh hưởng của riêng mình. Các lực lượng "ủy nhiệm" này giúp Iran từ trong hậu trường can dự vào các cuộc xung đột đang diễn ra nhưng vẫn có được một sự phủ nhận nào đó, cũng như là tránh bị lôi vào một cuộc đối đầu quân sự trực diện.
Giờ đây, xung đột ngày càng gia tăng, người ta lo sợ Israel hướng đến một cuộc đối đầu trực diện với Iran. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, lằn ranh đỏ thực sự của Iran hiện nay là mặt trận phía nam Lebanon. Nếu Hezbollah quyết định lợi dụng thời cơ các lực lượng phòng thủ Israel bị quá tải và chính thức mở thêm mặt trận thứ hai ở phía bắc Israel, tình hình có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn và xuống cấp nhanh chóng. Mọi tính toán sai lầm từ phía Iran từ hay một trong số các lực lượng "ủy nhiệm" đều có thể dẫn đến một hành động trả đũa dữ dội từ Israel và sự can dự của Hoa Kỳ, mở đường cho một cuộc xung đột toàn khu vực.
Ali Vaez, điều hành nhóm nghiên cứu về Iran, thuộc International Crisis Group, trên kênh truyền hình Euronews, cho rằng Iran hiện đang trong thế lưỡng nan : "Tôi nghĩ rằng nguy cơ chính ở đây là, để bảo vệ uy tín và năng lực răn đe của mình, Iran rất có thể khuyến khích các đồng minh tại Lebanon, nhất là phe Hezbollah, vốn dĩ hùng mạnh hơn Hamas, mở thêm một mặt trận mới chống Israel ở phía bắc. Nếu Iran can dự vào cuộc xung đột này, các nước Iraq, Syria và Lebanon cũng có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến chống Israel và Mỹ, với nhiều hệ quả có thể dẫn đến một thảm họa, không những cho khu vực, mà cho toàn thế giới".
Trung Quốc : Trung gian hòa giải "lý tưởng" ?
Trước một viễn cảnh u ám, nhiều nhà quan sát cho rằng, trong cuộc xung đột này, không có một giải pháp nào khác ngoài con đường ngoại giao, mà trước hết là một lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt cả về mặt chiến lược và nhân đạo.
Trong lĩnh vực này, cường quốc nào có vị trí tốt nhất để làm trung gian hòa giải ? Hoa Kỳ và Châu Âu không thể làm được, vì đã chọn phe. Nước Nga của ông Vladimir Putin tuy có nền ngoại giao vững mạnh, nhưng do trọng lượng kinh tế yếu cũng như do lập trường của Nga trong hồ sơ Syria nên Moskva chưa đủ sức để gây ảnh hưởng.
Chỉ còn lại Trung Quốc, với tầm ảnh hưởng mạnh mẽ về kinh tế và gần đây là ngoại giao trong tiến trình hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia. Về điểm này, trả lời RFI tiếng Việt, ông Didier Chaudet, chuyên gia về Nam – Trung Á nhận định : "Trong cuộc xung đột Israel – Palestine, lúc này, Israel chưa hẳn muốn có cuộc thảo luận. Trừ khi đến một lúc nào đó, tình hình chuyển hướng, chiến tranh có nguy cơ xảy ra, thì lúc ấy, Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể phối hợp với nhau để ngăn chặn một cuộc chiến tranh cục bộ".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 26/10/2023
Israel chuẩn bị chiến đấu trên nhiều mặt trận, Hamas đặt cược vào dư luận
Theo Les Echos ngày 23/10/2023, "Israel sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận". Tờ báo nhận định cuộc xung đột Israel-Palestine không chỉ là giữa các nước Ả rập với Do Thái, mà còn là giữa phương Tây với phần còn lại của thế giới. Trên Libération, các chuyên gia cảnh báo sức mạnh đang tăng lên của "trục bóp méo thông tin Nga-Iran-Trung Quốc", và Hamas hy vọng ít nhất là thắng được cuộc chiến dư luận thế giới.
Các quân nhân Israel di chuyển trên xe thiết giáp ở gần biên giới Lebanon, ngày 11/10/2023. AP - Ariel Schalit
Tình hình Trung Đông vẫn nóng bỏng. Libération chạy tựa trang nhất "Gaza : Tiến tới cuộc tấn công ác liệt". Quân đội Israel chuẩn bị tiến vào một vùng đất mà mình không thông thuộc, một cái bẫy đáng sợ. La Croix nói về "Sự giận dữ của thế giới Ả rập", Le Monde quan tâm đến việc "Ai Cập muốn đóng vai trung gian hòa giải về Gaza". Tại Pháp, Le Figaro cho biết "Cánh tả chuẩn bị cho hậu Mélenchon" : Sau tranh cãi về việc thủ lãnh đảng cực tả từ chối gọi Hamas là khủng bố, ngày càng nhiều đại biểu cánh tả đòi hỏi một liên minh không có ông Jean-Luc Mélenchon.
Israel sẵn sàng chiến đấu cùng lúc nhiều mặt trận
Theo Les Echos, "Israel sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận". Nhà nước Do Thái có thể bị các đồng minh của Iran tấn công từ mọi phía, ngay khi tung ra chiến dịch trên bộ để truy quét Hamas ở Gaza. Những chiếc vòi bạch tuộc của Tehran ở Lebanon, Syria, au Yemen, Iraq và West Bank (Cisjordanie) đang trong tư thế báo động. Hôm Chủ nhật, ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo Hoa Kỳ và Israel tình hình sẽ trở nên "không thể kiểm soát" nếu đánh vào Gaza. Về phía Mỹ, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin khẳng định "sẽ không ngần ngại phản ứng bằng quân sự" nếu có mưu toan mở rộng xung đột. Washington ra lệnh di tản các nhân viên không chính yếu tại đại sứ quán ở Iraq.
Những ngày gần đây, phe Hezbollah ở Lebanon do Tehran tài trợ đã bắn rốc-kết, và toan đưa drone tự sát cùng biệt kích sang đất Israel. Quân đội Israel trả đũa bằng cách oanh tạc các vị trí Hezbollah, lập ra "no man's land" dọc theo biên giới Lebanon. Hôm qua Tel Aviv cho sơ tán thêm 14 địa điểm dọc biên giới để phòng ngừa xâm nhập như Hamas ở miền nam. Thủ tướng Benyamin Netanyahou cảnh cáo "Nếu Hezbollah gây chiến sẽ là sai lầm lớn nhất trong đời".
Tổ chức này đáng ngại hơn Hamas, vì có hơn 100.000 rốc-kết và hỏa tiễn có thể tấn công vào mọi nơi trên lãnh thổ Israel. Cũng để chận việc Iran chuyển vũ khí cho Hezbollah, hôm Chủ nhật Israel lại oanh tạc các phi trường ở Syria. Ở phía đông, hồi tháng 12/2022, Không quân Israel đã oanh kích một đoàn xe chở vũ khí từ Iran sang Iraq để tiếp tế cho Hezbollah. Chưa hết, từ Yemen, nhóm Houtis bắn sang nhiều hỏa tiễn địa-địa và drone tầm xa vào đất Israel, nhưng bị một chiến hạm Mỹ ở Hồng Hải bắn hạ.
Tình hình ở West Bank sôi sục với nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Hamas, Gaza và các mưu toan tấn công người Do Thái. Trong hai tuần lễ, 727 người Palestine ủng hộ Hamas bị bắt, 90 người thiệt mạng. Hôm thứ Bảy, lần đầu tiên kể từ hơn 20 năm phi cơ Israel oanh tạc vào một đền thờ Hồi giáo ở phía bắc West Bank, nơi quân Hồi giáo núp trong một đường hầm chuẩn bị tấn công vào những người lính. Báo chí cho biết Israel và Mỹ đã lập một bộ chỉ huy hỗn hợp để trao đổi tin tức tình báo hàng ngày. Hoa Kỳ cũng cung cấp cho Israel thêm các hệ thống bắn chận hỏa tiễn.
Tấn công Gaza : Lực lượng tiên phong sẽ là xe ủi
Libération cho biết "Trước cuộc tấn công, những chiếc xe ủi của Tsahal chuẩn bị vào trận". Là trung tâm của chiến lược quân sự từ gần 40 năm qua, những thiết bị công trường được vận dụng vào chiến đấu sẽ đóng vai trò quan trọng khi quân đội Israel tiến vào Gaza. Trước khi điều sang những chiếc xe tăng thế hệ mới nhất như Merkava Barak, và các tay súng thiện xạ, những đơn vị tinh nhuệ, Tsahal (quân đội Israel) có thể dựa vào một thiết bị có biệt danh là "gấu bông". Đó là loại xe ủi D9 trang bị hùng hậu, sẽ đi đầu. Cao 4 mét và nặng 70 tấn, những chiếc D9 được bọc thép để chống mìn. Một số chiếc được gắn thêm súng máy, bổ sung cho các thiết bị phun khói và phóng lựu đã có. Buồng lái được bảo vệ bằng kính chống đạn, có hai chỗ ngồi. Những người lính điều khiển phải được tập huấn tám tuần.
Xe ủi này từng được dùng trong chiến tranh Việt Nam để phá rừng và mở đường. Hồi chiến tranh Kippur năm 1973, nhờ những chiếc D9 đột phá khẩu mà lính nhảy dù Israel giành lại được núi Hermon bị biệt kích Syria chiếm vài ngày trước đó. Đến năm 1986 xe ủi D9 mới được bọc thép và đến 2005 được trang bị thêm lớp rào chống rốc-kết. Từ chiến tranh Lebanon lần thứ hai năm 2006, bên cạnh những "con gấu bông" D9, các quân nhân Do Thái còn có thể điều khiển từ xa D9N, loại xe ủi tương tự có tên là "Raam HaSchachar" tức "Sấm sét rạng đông". Trong chiến dịch "Chì đúc" kết thúc cuối 2009, khoảng 100 xe ủi D9 đã được huy động. Sau này một số D9 còn được gắn thêm Iron Fist, hệ thống bắn chặn hỏa tiễn chống tăng và drone.
Những con quái vật thép này có thể dùng vào việc gì trong chiến dịch tấn công vào Gaza ? Chuyên gia Pierre Servent nêu ra trận đánh Fallujah ở Iraq tháng 11/2004, khi quân Mỹ phải đối phó với du kích Iraq. "Những căn hộ thông nhau, quân du kích dùng địa đạo và gài mìn trên đường phố. Do vậy người Mỹ đã oanh tạc ồ ạt". Nhưng sau khi phá hủy, những tòa nhà sụp đổ, những đống gạch vụn lấp kín đường tiến, công binh Mỹ giải quyết được nhờ mua những chiếc xe ủi D9 của đồng minh Do Thái. Kịch bản Gaza có thể tương tự.
Xung đột Israel-Palestine không chỉ giữa Ả rập và Do Thái
Les Echos lo ngại về một loạt phản ứng dây chuyền trên thực địa cũng như về tâm lý. Tờ báo nhận định cuộc xung đột Israel-Palestine đã quay lại trên trường quốc tế. Không chỉ liên quan đến hai dân tộc cùng tranh chấp một mảnh đất, không chỉ là giữa thế giới Ả rập với Do Thái, mà còn là giữa phương Tây với phần còn lại của thế giới.
Việc đưa tin về vụ nổ tại bãi đậu xe của một bệnh viện ở Gaza là minh chứng cụ thể. Những hình ảnh của kênh truyền hình Al Jazeera, nhận xét của các chuyên gia quân sự cho thấy không có gì nghi ngờ về nguyên nhân vụ nổ : đó là do một quả rốc-kết từ Gaza bị trật mục tiêu, chứ không phải hỏa tiễn của Israel. Bất chấp sự thật, nạn nhân là người Ả rập thì trách nhiệm phải là "những kẻ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái". "Đường phố Ả rập" đã khiến hội nghị thượng đỉnh tại Amman bị hủy bỏ. Tuy nhiên tác giả cho rằng chuyến đi Tel-Aviv của tổng thống Joe Biden vẫn là thành công lớn, thậm chí có thể coi là "thời khắc Churchill" của ông – thương cảm các nạn nhân, ủng hộ mạnh mẽ, nhưng đồng thời cảnh báo Israel không để ý định báo thù cuốn đi như người Mỹ sau sự kiện ngày 11 tháng Chín.
Trong ván cờ đẫm máu đang diễn ra, mỗi bên đều có vai trò, nhưng chưa đủ để ngăn leo thang. Qatar khi đứng ra làm trung gian giúp phóng thích các con tin, biện minh được việc duy trì quan hệ với Hamas. Saudi Arabia lên án cùng lúc Hamas và Israel vì làm tổn hại thường dân. Và Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan rắn giọng với Jérusalem. Nga quá hớn hở khai thác sự kiện (vì còn ai nói đến Ukraine bây giờ ?) để tranh thủ cảm tình của phương Nam. Trung Quốc tìm cách tham gia, thông qua sự thành công tương đối về việc giúp Saudi Arabia và Iran xích lại gần nhau. Chỉ có Châu Âu là lúng túng, không dám đối mặt với thiểu số Hồi giáo.
Bị sỉ nhục, quân đội Israel quyết tâm tiêu diệt Hamas bằng bất kỳ giá nào về nhân mạng và chính trị. Bi kịch có thể làm các nhà lãnh đạo Israel và Ả rập nhận ra thực tế : không thể có hòa bình nếu không có giải pháp cho vấn đề Palestine. Sau vụ thảm sát ngày 07/10, giải pháp hai Nhà nước trở thành ảo ảnh hơn bao giờ hết, nhưng lại là hy vọng duy nhất, theo tác giả.
Hamas và "trục nhào nặn thông tin" Nga-Iran-Trung Quốc
Cũng về Trung Đông, giáo sư David Colon của Science Po khi trả lời Libération nhấn mạnh "Chống lại Israel, Hamas hy vọng ít nhất là thắng được cuộc chiến dư luận thế giới". Tại Ukraine cũng như tại Israel, hai cuộc chiến diễn ra song song và tác động lẫn nhau : trên thực địa và trên internet, được đẩy mạnh với tin giả và tuyên truyền, như vụ khủng bố đẫm máu của Hamas hôm 07/10 đã được đội ngũ dư luận viên của Iran và Nga lan tỏa rộng trên Twitter.
Các chuyên gia cảnh báo sức mạnh đang tăng lên của "trục bóp méo thông tin Moskva-Tehran-Bắc Kinh", cộng với các chiến dịch chiến tranh mạng của Nhà nước hay không chính thức, tình báo, và những thủ đoạn có được nhờ trí thông minh nhân tạo. Cũng như Daesh, Hamas công bố hàng loạt những hình ảnh thảm khốc để tạo khủng hoảng, và khi Israel trả đũa thì đóng vai người bị hại với những hình ảnh giả và thật về các nạn nhân Palestine. Libération đặt vấn đề, từ sau vụ nổ ở bệnh viện, liệu có thể tin được con số thiệt hại do Hamas đưa ra hay không ? Phe này khẳng định có 500 người Palestine thiệt mạng, trong khi tình báo Châu Âu ước tính "từ 10 đến 50", còn Mỹ nói rằng "chỉ từ 100 đến tối đa là 300".
Giáo sư Colon cho rằng Nga và Trung Quốc đang định hướng dư luận thế giới, vừa bằng ngoại giao, truyền thông quốc tế, vừa bằng đội ngũ dư luận viên, chiến tranh mạng, những nhân vật gây ảnh hưởng ở nước ngoài. Theo ông, công cụ quan trọng nhất của Bắc Kinh hiện nay là TikTok với 1,7 tỉ người sử dụng, tuy bị cấm ở Hoa lục. Tuân theo các ưu tiên của Trung Quốc, ứng dụng này là "vũ khí hủy diệt hàng loạt", thu thập được vô số dữ liệu đồng thời thu hút sự chú ý. Nền tảng này không cho chọn lựa nội dung, mà do thuật toán quyết định.
Biden tìm cách "lách" để giúp Ukraine
Les Echos nhận thấy "Hoa Kỳ sẵn lòng giúp Israel hơn là Ukraine". Các dân biểu Cộng hòa Mỹ ngần ngại không muốn giúp thêm cho Kiev dù vô cùng cần thiết, ngược lại sẵn sàng cứu viện Tel-Aviv. Vụ thảm sát 1.400 người Do Thái hôm 07/10 gây xúc động lớn tại Hoa Kỳ, gợi nhớ đến vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín. Quân đội Israel là một trong những đội quân trang bị tốt nhất thế giới, một phần nhờ viện trợ quân sự Mỹ, đã lên đến 124 tỉ đô la kể từ khi Nhà nước Do Thái được thành lập.
Quốc gia chỉ có 9 triệu dân này đã mua 50 tiêm kích F-35. Israel cũng là nhà xuất khẩu vũ khí, cùng chế tạo hệ thống lá chắn hỏa tiễn với Mỹ trong đó có Vòm Sắt. Đó là một đồng minh quan trọng tại Cận Đông. Còn Ukraine, một nước thuộc Liên Xô cũ, không phải là đối tác lịch sử của Hoa Kỳ cả về chiến lược lẫn quân sự. Hơn nữa sau gần hai năm chiến tranh, chính quyền Biden đã viện trợ quân sự rất nhiều, đến nay là 25 tỉ đô la trong khi trước đó chỉ khoảng 300-400 triệu. Nhưng vẫn không thể đủ, Washington biết điều đó : Ukraine phải bắn khoảng 6.000 quả đạn một ngày, còn phía Nga gấp đôi.
Để so sánh, thế thượng phong của Israel đối với Hamas là rất rõ, dù chiến dịch chống khủng bố ở Gaza sẽ phức tạp. Để có thể viện trợ bổ sung 24 tỉ đô la cho Ukraine, Biden bèn kết hợp với những hồ sơ khác dễ thông qua hơn. Dự kiến sẽ đề nghị một gói viện trợ khoảng 100 tỉ đô la, chia ra cho Ukraine, Israel, Đài Loan và chống di dân từ biên giới Mexico. Khi quan điểm chiến lược không thể thuyết phục được, thì phải dùng đến chiến thuật. Trả lời Les Echos, nhà quan sát người Thụy Điển nhấn mạnh, "Hòa bình không thể tạo ra bằng cách xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Hàn Quốc, nước xuất khẩu vũ khí mới
La Croix chú ý đến việc Hàn Quốc nay trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí thứ 7 trên thế giới, và đang hy vọng nhảy lên thứ 4. Một doanh nhân Pháp cho biết rất kinh ngạc khi quốc gia Châu Á này có thể cung cấp xe tăng, thiết giáp, đại bác, tiêm kích, chiến hạm, đạn dược… với số lượng lớn. Cuộc xâm lăng Ukraine đã khiến kỹ nghệ quốc phòng Hàn Quốc đạt 17 tỉ đô la xuất khẩu trong năm 2022. Không chỉ giá cả cạnh tranh, Seoul cũng không ngần ngại xuất hàng dự trữ để đáp ứng hợp đồng. Nhà nghiên cứu Paik Wooyeal ở Seoul cho rằng nhờ trong tình trạng thường trực đối phó với Bắc Triều Tiên, kỹ nghệ vũ khí Hàn Quốc luôn sẵn sàng, tuy nhiên khó thể duy trì tốc độ này lâu dài.
Indonesia : Con cờ của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương ?
Tại Đông Nam Á, Le Monde nhận thấy khi tham gia "Con đường tơ lụa mới", tổng thống Joko Widodo với tham vọng lưu danh trong lịch sử, đã chấp nhận số đầu tư kỷ lục từ Trung Quốc. Ông được mệnh danh là "Jokowi" và cả "Bapak Infrastruktur" (nhân vật của cơ sở hạ tầng). Nhưng mọi việc không như ý muốn : tuyến tàu cao tốc Jakarta-Bandung không hoàn thành như thời hạn đã hứa là năm 2019, giá thành từ 6,1 tỉ đô la nay phải cộng thêm 1,2 tỉ nữa. Liên tục xảy ra sự cố kỹ thuật, tháng 12/2022 một toa tàu bị trật bánh khiến hai kỹ thuật viên thiệt mạng ; xung đột liên miên với những người dân bị tịch thu đất.
Hoa Vi (Huawei) bị cấm cửa ở nhiều nước phương Tây, có được những hợp đồng béo bở tại Indonesia ; Trung Quốc tha hồ khai thác các mỏ nickel để sản xuất bình điện cần thiết cho xe hơi chạy điện. Theo luật gia Daniel Peterson, Jakarta nay là "trung tâm mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc" ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mới đây Tập Cận Bình đã nhắc lại đề nghị tổ chức đối thoại thường xuyên giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước, như Indonesia đang thực hiện với Nhật Bản, Úc và Pháp.
Thụy My
Israel nói quân đội đang chuẩn bị tấn công Gaza 'trên không, trên biển và trên bộ'
Jonathan Beale, BBC, 15/10/2023
BBC đã xác minh đoạn phim về cuộc tấn công vào đoàn xe chở dân thường chạy khỏi bắc Gaza.
Đây là đoạn phim được quay gần hiện trường vụ tấn công nơi một số thường dân, bao gồm cả trẻ nhỏ, được biết là đã thiệt mạng.
Xe tăng chiến đấu chở binh sĩ Israel gần biên giới với Gaza
Một số phương tiện bị hư hỏng và cháy được nhìn thấy ở khu vực lân cận.
Vụ việc xảy ra cách ngoại ô thành phố Gaza vài km về phía nam.
Theo số liệu của Bộ Y tế Palestine được hãng tin Reuters đưa tin, khoảng 300 người Palestine đã thiệt mạng ở Dải Gaza trong 24 giờ qua.
Bộ này cho biết những người thiệt mạng chủ yếu là trẻ em và phụ nữ.
800 người khác bị thương.
Quân đội Israel đang yêu cầu 1,1 triệu người ở phía bắc Gaza di dời về phía nam trong 24 giờ tới. Trong khi đó, nước này cũng đang tập trung hàng chục nghìn binh sĩ, xe tăng và pháo binh ở rìa lãnh thổ.
Tuy nhiên, việc đưa lực lượng mặt đất vào các khu đô thị đông dân ở Gaza là một hoạt động đầy nguy hiểm.
Phạm vi của một cuộc tấn công trên bộ vẫn chưa rõ ràng - cuộc tấn công sẽ đi bao xa và trong bao lâu ?
Khi nào điều này có thể xảy ra ?
Vũ đạo cần thiết cho một cuộc tấn công trên bộ đã bắt đầu.
Thiếu tướng Amos Gilead, một cựu chiến binh của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và từng hoạt động trước đây ở Gaza, cho biết nhiệm vụ đầu tiên của Israel là thành lập một chính phủ đoàn kết để nhận được sự ủng hộ của công chúng cho những gì xảy ra tiếp theo.
Các chuyến thăm ngoại giao cấp cao gần đây của các chính trị gia cấp cao của Mỹ và Châu Âu đã cho phép Israel tăng cường hỗ trợ quốc tế, mặc dù tình đoàn kết đó có thể lung lay khi cuộc chiến này tiếp diễn lâu hơn và số dân thường thương vong ngày càng gia tăng. Thương vong đáng kể của quân đội Israel trong bất kỳ hoạt động quân sự nào cũng sẽ thử thách quyết tâm của chính họ.
Về công tác chuẩn bị quân sự, Israel đã tập trung lực lượng gần biên giới với Gaza. Khoảng 300.000 quân dự bị đã được huy động cùng với lực lượng thường trực hơn 160.000 người.
Binh sĩ Israel tuần tra khu vực xảy ra vụ tấn công khiến hơn 260 người thiệt mạng tại lễ hội âm nhạc
Chúng tôi đã nói chuyện với một số quân nhân dự bị mới đến miền nam - tinh thần của họ có vẻ cao và họ sẵn sàng chiến đấu.
Nissim đang ở Sri Lanka khi lần đầu tiên nghe tin về cuộc tấn công của Hamas, nhưng đã đáp chuyến bay đầu tiên trở lại Israel để gia nhập đơn vị của mình. "Đây là nhà của chúng tôi. Chúng tôi phải chiến đấu vì nó", anh nói.
Shuki rời bỏ công việc bán hàng của mình ngay lập tức. "Chúng tôi mong muốn có hòa bình", ông nói với tôi. "Thật không may, điều đó là không thể. Chúng tôi yêu cuộc sống nên chúng tôi cần đấu tranh để giành quyền sống".
Israel dường như đoàn kết trong nhu cầu hành động, nhưng thời gian đang trôi qua trong khi họ chờ lệnh chiến đấu. Quân đợi càng lâu thì càng khó duy trì tinh thần và sự sẵn sàng.
Cảnh báo của Israel đối với người Palestine sống ở Gaza hãy chạy trốn về phía nam là dấu hiệu cho thấy giai đoạn tiếp theo của hoạt động quân sự của nước này sắp xảy ra.
Sự chuẩn bị cho cuộc tấn công
Nhiệm vụ đầu tiên của Israel là bảo vệ lãnh thổ của mình và tiêu diệt, hoặc bắt giữ và thẩm vấn các chiến binh Hamas đã vượt biên giới, giết chết hơn 1.300 người và bắt cóc ít nhất 150 người.
Israel đã tiến hành các cuộc không kích dữ dội nhắm vào cơ sở hạ tầng và hệ thống quân sự của Hamas. Trong sáu ngày qua, lực lượng không quân của nước này đã thả hơn 6.000 quả bom xuống Gaza. Để so sánh, các đồng minh Nato đã thả 7.700 quân trong toàn bộ cuộc chiến ở Libya năm 2011.
Cho đến nay, hơn 1.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích ở Gaza.
Bản thân kế hoạch xâm lược sẽ là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ, nhưng Israel đã chuẩn bị sẵn sàng trong nhiều năm. Họ đang huấn luyện quân đội tại một trung tâm tác chiến đô thị trị giá hàng triệu đô la ở phía nam, được mệnh danh là Gaza thu nhỏ.
Ở đó, họ đã học được cách chiến đấu qua một mê cung gồm những tòa nhà và đường hầm chật cứng mà Hamas được cho là đã xây dựng hơn 1.000 tòa nhà trong đó.
Yakov Katz, cựu biên tập viên của tờ Jerusalem Post và là tác giả của nhiều cuốn sách về quân đội Israel, cho biết quân đội đã được cơ cấu để hoạt động cho chính mục đích này trong các lữ đoàn chuyên dụng - kết hợp các kỹ sư với máy ủi bọc thép làm việc cùng với xe tăng và bộ binh.
Chiến trường đô thị và đường hầm
Thiếu tướng Yakov Amidror - cựu chỉ huy IDF và cố vấn an ninh quốc gia - thừa nhận việc chiến đấu với Hamas sẽ khó khăn. Ông nói, Hamas sẽ đặt bẫy bom và thiết bị nổ cải tiến tại các lối vào và dọc theo những con đường hẹp.
Israel tin rằng Hamas có khoảng 30.000 quân. Vũ khí của họ bao gồm súng trường tự động, lựu đạn phóng tên lửa và tên lửa chống tăng - một số có nguồn gốc từ Nga như Kornets và Fagots.
Hamas cũng vẫn còn có kho dự trữ tên lửa lớn mà họ đã bắn vào Israel. Yakov Katz cho biết Hamas cũng đã sản xuất drone nhỏ- bao gồm cả drone tự sát. Ông nói rằng Hamas cũng có thể có nguồn cung cấp hạn chế tên lửa đất đối không tầm ngắn. Thứ họ không có là xe bọc thép, xe tăng và pháo binh - không giống như Israel.
Tuy nhiên, thách thức đối với Israel sẽ là giao tranh cận chiến tại các khu đô thị đông dân cư.
Israel có các đội chuyên gia về chiến tranh đường hầm, bao gồm một đơn vị kỹ thuật tên là Yahalom và Oketz chuyên chiến đấu với sự tham gia của chó.
Ông Katz nói rằng quân đội Israel sẽ tránh đi vào đường hầm trừ khi họ phải làm vậy, đặc biệt là vì Hamas sẽ hiểu rõ hơn về chúng. Thay vào đó, các đường hầm sẽ bị phá hủy bằng cách đổ chất nổ xuống.
Số phận các con tin
Mục tiêu đã nêu của Israel là tiêu diệt Hamas
Số phận của các con tin bị bắt từ Israel sẽ làm phức tạp thêm bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào.
Thiếu tướng Gilead đã tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn đến việc trả tự do cho một người lính Israel, Gilad Shalit, người đã bị Hamas giam giữ trong 5 năm từ 2006 đến 2011. Cuối cùng, ông đã được đổi lấy hơn 1.000 tù nhân Palestine.
Thiếu tướng Gilead cho biết mặc dù quân đội cần phải xem xét số phận của họ nhưng "nếu chúng ta không làm điều gì đó cụ thể, chúng ta có thể gặp nhiều vấn đề khó khăn hơn".
Nhưng Thiếu tướng Amidror nói rằng các con tin sẽ không ngăn cản bất kỳ hành động nào. "Chúng tôi sẽ chiến đấu với Hamas đến cùng và chúng tôi sẽ phải tìm ra những con tin đó trong chiến dịch".
Mục đích của Israel là gì ?
Mục tiêu đã nêu của Israel là tiêu diệt Hamas.
Thiếu tướng Gilead, người đã phục vụ trong IDF trong 30 năm, nói rằng điều đó vượt xa các hoạt động trước đây của Israel ở Gaza, vốn "chủ yếu là ngăn chặn".
Lần này ông nói "chúng ta cần phải làm điều gì đó ấn tượng hơn nhiều". Ông tin rằng hành động quân sự quyết đoán cũng sẽ ngăn cản các kẻ thù khác của Israel trong khu vực - cụ thể là Hezbollah và Iran.
Ông Katz tin rằng các mục tiêu của Israel sẽ thực tế hơn - đảm bảo rằng Hamas sẽ không bao giờ có đủ khả năng quân sự để tấn công Israel nữa. Ông nói rằng Israel "không muốn tái chiếm Gaza và phải chăm sóc hai triệu người thù địch với nó".
Tuy nhiên, lịch sử gần đây cho thấy các cuộc xâm lược hiếm khi diễn ra theo đúng kế hoạch.
Ngay cả quân đội tiên tiến nhất thế giới cũng có thể sớm sa lầy - hãy nhìn vào những gì đã xảy ra với Mỹ ở Iraq và Afghanistan, và gần đây hơn là Nga ở Ukraine.
Trung tướng Tom Beckett thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược cho biết, một hoạt động quân sự bên trong Gaza, chỉ dài 25 dặm (40 km), không ở quy mô đó nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng.
"Trên thực tế, không có lựa chọn tốt nào cho một cuộc tấn công trên bộ của Israel ở Gaza. Cho dù chiến dịch này có thành công đến đâu trong việc đánh bại Hamas với tư cách là một tổ chức quân sự, mệnh lệnh chính trị của Hamas và sự ủng hộ của người dân đối với cuộc kháng chiến sẽ tiếp tục".
"Israel hoặc tái chiếm Gaza để kiểm soát khu vực này hoặc bằng cách rút lui sau một cuộc tấn công, nhượng lại vùng đất cho những người mà kháng chiến là tồn tại".
Jonathan Beale
Nguồn : BBC, 15/10/2023
***************************
Chiến tranh Israel – Hamas : 1 tổ chức khủng bố và 3 người "cha đỡ đầu"
Didier Billion, RFI, 15/10/2023
Qatar, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn một tuần sau loạt tấn công trên lãnh thổ Israel, đài truyền hình Pháp France 24 ngày 13/10/2023 đặt câu hỏi : Ai đỡ đầu cho phong trào Hồi giáo Palestine Hamas. Được thành lập từ năm 1987, Hamas giành được chính quyền tại Gaza 20 năm sau đó, việt vị tổ chức chính trị Cơ quan Quyền lực Palestine. Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Israel đưa Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Thành viên của phong trào Hamas diễu hành nhằm kỷ niệm 25 năm thành lập tại trại tị nạn Jebaliya, Dải Gaza, ngày 01/12/2012. AP - Hatem Moussa
Trả lời France24, Didier Billion, phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược –IRIS của Pháp quả quyết : Doha là nhà tài trợ cho Hamas, mỗi tháng Qatar rót cho phong trào Hồi giáo vũ trang này của người Palestine 30 triệu đô la.
Qatar, điểm tựa tài chính
Về mặt chính thức "khoản tiền nói trên nhằm trả lương cho giới công chức ở Gaza, nhưng vẫn theo chuyên gia Pháp Billion, "ai cũng biết đó là những thành viên của Hamas". Như vậy một cách trực tiếp "Doha nuôi Hamas" mà phong trào này điều hành Dải Gaza với "một bàn tay sắt từ nhiều năm qua". Trên nhật báo Libération năm 2018 một nhà ngoại giao Qatar đã thanh minh rằng Doha từ 2013 rót tiền cho Hamas vì muốn tránh một "thảm họa nhân đạo" ở Gaza.
Trong đợt giải ngân đầu tiên, 15 triệu đô la nhà môi giới đã "dồn tiền vào đầy ba chiếc va-li" để chuyển cho Hamas. Báo The Times of Israel (ngày 08/10/2023) nhắc lại "cộng đồng quốc tế và Israel và đồng ý" về khoản viện trợ nói trên. Tờ báo này thậm chí còn cho rằng, chính thủ tướng Benjamin Netanyahu đã muốn "mượn tay" Hamas để vô hiệu hóa Cơ Quan Quyền Lực Palestine với Mahmmoud Abbas trong cương vị chủ tịch. "Thường thì Israel xem tổ chức này là một gánh nặng còn Hamas là một láchủ bài".
Qatar không chỉ chi tiền để nuôi phong trào Hồi giáo vũ trang Palestine này mà còn là một điểm tựa của Hamas : từ 2012 Doha là chốn dung thân của lãnh tụ Hamas Ismail Haniyeh. Ngay sau loạt tấn công nhắm vào Israel hôm 07/10/2023, Qatar lập tức lên tiếng sãn sàng nhận vai trò trung gian để về số phận cả trăm con tin trong tay Hamas.
Điểm tựa quân sự Iran và mục tiêu địa chính trị của Tehran
Một cường quốc khu vực khác ở Trung Cận Đông là Iran, quốc gia Hồi giáo theo hệ phái Shia, thì Tehran cũng có liên hệ mật thiết với Hamas ở hai khía cạnh. Didier Billion nhắc lại : "Iran ủng hộ đòi hỏi của người Palestine và đã đứng hẳn về phía phong trào Hamas trong công cuộc đấu tranh đó".
Tehran chẳng những là điểm tựa cho Hamas mà còn yểm trợ cho cả một phong trào Palestine Hồi giáo cực đoan khác là Jihad. Thêm vào đó Iran bảo trợ cho Hezbollah ở Lebanon, để thành lập một "trục" chống lại Israel. Theo phó giám đốc viện IRIS của Pháp đây là một trong những "nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Tehran đối với khu vực Trung Đông".
Ở một cấp độ thứ nhì, Iran "ngầm hỗ trợ Hamas cả về tài chính lẫn quân sự". Thủ lĩnh phong trào Hamas đầu 2022 từng xác nhận là "đã nhận 70 triệu đô la viện trợ quân sự" của Iran. Theo một báo cáo của Hoa Kỳ năm 2020 thì hàng năm Tehran rót 100 triệu đô la cho Hamas. Ngoài ra, Iran còn giúp đỡ tổ chức Hồi giáo vũ trang Palestine này về mặt "kỹ thuật quân sự". Phóng viên France24 Wassim Nasr nêu cụ thể từ công nghệ chế tạo drone đến khâu cung cấp đạn dược và vũ khí.
Thổ Nhĩ Kỳ, điểm tựa chính trị
Tháng 7/2023 tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhắc lại lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara luôn ủng hố việc thành lập "một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô được đặt tại Đông Jerusalem thể theo đường biên giới được phân định từ 1967 căn cứ theo những quy tắc của Liên Hiệp Quốc". Thổ Nhĩ Kỳ xem đây là một điều "thiết yếu để đem lại hòa bình và ổn định cho toàn bộ khư vực.
Chính quyền của tổng thống Erdongan duy trì quan hệ với cả Hamas lẫn Cơ quan Quyền lực Palestine. Lần gầy đây nhất Ankara tiếp lãnh đạo của cả hai đối tác này là vào tháng 7/2023. Thủ lĩnh Hamas thường xuyên đi về giữa Qatar với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một lợi thế giúp tổng thống Erdogan có được kênh đối thoại với phong trào vũ trang Hamas Palestine.
Nguồn : RFI, 15/10/2023
************************
Chiến tranh Israel – Hamas : Quốc tế nỗ lực hòa giải tránh một thảm họa nhân đạo
Thanh Hà, RFI, 15/10/2023
Hơn một tuần sau loạt tấn công đẫm máu nhắm vào Israel, ngành ngoại giao quốc tế ráo riết tìm cách tránh một thảm họa nhân đạo. Ngoại trưởng Pháp hôm 15/10/2023 đến Tel Aviv thể hiện liên đới với các nạn nhân chiến dịch đẫm máu "Mưa Al Aqsa" phong trào Hamas tiến hành hôm Thứ Bảy tuần trước.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (đi đầu) tới Cairo, Ai Cập ngày 15/10/2023, trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc chiến Israel-Hamas. AP - Jacquelyn Martin
Tiếp tục vòng công du Cận Đông, sáng nay ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hội kiến hoàng thái tử Saudi Arabia Mohamed bin Salman và ông đánh giá cuộc trao đổi "mang tính xây dựng rất cao".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhất mạnh Washington luôn có một mục tiêu "không lay chuyển" đó là "tập trung vào việc ngăn chặn Hamas tấn công khủng bố". Trước đó tại Doha, ông Blinken hoan nghênh vai trò của Qatar trong việc đứng ra làm trung gian giải cứu khoảng 150 con tin trong tay Hamas, trong đó có nhiều công dân Hoa Kỳ.
Về phía Trung Quốc sáng nay cho biết, đặc sứ về Trung Đông, Trác Tuyển (Zhai Jun) sẽ đến khu vực này vào tuần tới. Trước đó ngoại trưởng Vương Nghị chỉ trích Israel "vượt quá quyền tự vệ" trong xung đột với Hamas tại Gaza, phải ngừng "trừng phạt tập thể" dân cư trong vùng lãnh thổ này. Bắc Kinh đồng thời kêu gọi nhanh chóng "ngừng bắn".
Tại Moskva, thứ trưởng ngoại giao Mikhail Bogdanov không loại trừ khả năng tiếp xúc với đại diện của lực lượng Hồi giáo Hamas tại Qatar. Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc biểu quyết về xung đột Israel-Hamas ngay vào ngày Thứ hai 16/10/2023.
Tại Washington tổng thống Biden hôm 14/10 điện đàm với lãnh đạo Israel, thủ tướng Benjamin Netanyahu và sau đó với chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas. Chủ nhân Nhà Trắng công nhận quyền "tự trị của người Palestine" và cam kết viện trợ nhân đạo cho dân cư ở Gaza. Song theo ông, phong trào Hamas "không giúp ích cho công cuộc đấu tranh vì quyền tự trị của người Palestine".
Thanh Hà
************************
Chiến tranh Cận Đông : Israel "gần kề" một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza
Thanh Hà, RFI, 15/10/2023
Cho đến 10 giờ sáng ngày Chủ nhật 15/10/2023 Israel tuyên bố "tiếp tục" để cho thường dân ở Gaza di tản về phía nam. Một phát ngôn viên của quân đội Irael được đài truyền hình Mỹ trích dẫn cho biết "sẽ khởi động các chiến dịch quân sự quan trọng một khi các thường dân sơ tán" khỏi khu vực này. Tòa đại sứ Mỹ tại Irael thông báo kể từ ngày mai 16/10 bắt đầu sơ tán công dân Mỹ đến đảo Chypre bằng đường thủy. Trong bối cảnh căng thẳng này, Mỹ điều thêm một hàng không mẫu hạm thứ nhì đến Đông Địa Trung Hải.
Xe tăng của quân đội Israel tiến về biên giới dải Gaza ngày 13/10/2023. AP - Ariel Schalit
Tối qua thủ tướng Benjamin Netanyahu đến động viên binh sĩ đã tuyên bố "đây mới chỉ là điểm khởi đầu". Lời lẽ này báo trước Israel chỉ còn đợi thời điểm trước khi quyết định tấn công. Vào lúc đang chuẩn bị cho chiến dịch quy mô trên bộ tại Gaza, Tel Aviv lo ngại phải đối phó với một mặt trận thứ nhì ở phía bắc sát biên giới với Lebanon và Syria như tường thuật vào sáng sớm hôm nay của thông tín viên Michel Paul từ Jerusalem :
Quân đội Israel tiếp tục kêu gọi người dân ở phía bắc Dải Gaza chạy về phía nam. "Đã đến lúc phải ra đi" là một mệnh lệnh được phát đi trên các kênh truyền thông, trên các mạng xã hội và trên các tờ truyền đơn rải xuống Gaza.
Trên mặt đất, các công tác chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiếp diễn suốt trong đêm qua. Theo truyền thông Israel đây sẽ là một chiến dịch rất quy mô. Tel Aviv đã huy động hàng chục ngàn quân sau khi mà các tràng rocket đã nổ vang rền mãi đến tận các khu vực ở miền nam Isael và thậm chí là cho đến gần thủ đô Tel Aviv.
Hôm qua một phần thân nhân các con tin Israel đã tập hợp trước trụ sở bộ Quốc Phòng đòi chính phủ xem số phận các con tin là ưu tiên tuyệt đối trước khi khởi động chiến dịch quân sự.
Israel lo ngại một mặt trận khác đang mở ra ở khu vực phía bắc sau hàng loạt những sự cố trong 48 giờ qua và có liên hệ đến tổ chức Hồi giáo Hezbollah.
Đêm qua hai quả rocket được phóng đi từ Syria đã bắn trúng lãnh thổ Israel. Trước đó Israel được cho là tác giả các đợt tấn công nhắm vào sâu trên lãnh thổ của Syria, đặc biệt là vào hai phi trường tại thủ đô Damas và ở thành phố Alep. Một quan chức Israel khẳng định là Iran tìm cách triển khai vũ khí ở Syria hoặc chuyển qua lãnh thổ của Syria.
Cần lưu ý là trong bối cảnh căng thẳng đó Hoa Kỳ thông báo điều thêm một chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì đến khu vực, sau khi đã triển khai chiếc US Gerald Ford, một trong những tàu sân bay lớn nhất thế giới đến khu vực.
Nguy cơ Iran vào cuộc
Hai mạng thông tin Walla của Israel và Axio của Mỹ báo động Tehran qua trung gian đặc sứ Liên Hiệp Quốc cảnh báo "có những lằn ranh đỏ" Iran không cho phép vượt qua. Nếu như quân đội Israel tiếp tục chiến dịch tại Gaza, Iran sẽ "bắt buộc phải có phản ứng". Lời lẽ này được đưa ra nhân cuộc tiếp xúc hôm 14/10/2023 tại Beyruth, Lebanon giữa ngoại trưởng Iran Hossein Amirr Abdullahian và đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Trung Đông, Tor Wennsland.
Thanh Hà
**********************
Gaza : Hamas yêu cầu thường dân Palestine không di tản
Thùy Dương, RFI, 15/10/2023
Trong khi quốc tế hết sức lo ngại về sự an toàn của các thường dân ở dải Gaza, chính lãnh đạo Hamas hôm qua 14/10/2023 yêu cầu người Palestine ở dải đất này từ chối di tản.
Đoàn người Palestine ở bắc dải Gaza rời khỏi nơi ở của mình sau khi có lệnh di tản của Israel, ngày 13/10/2023. AP - Hatem Moussa
Theo AFP, trong bài phát biểu phát trên truyền hình và được truyền đi từ Doha, Qatar, lãnh đạo tổ chức này, Ismaïl Haniyeh, hôm qua yêu cầu người dân ở dải Gaza từ chối di tản, dù là ngay bên trong dải Gaza hay là từ Gaza sang nước láng giềng Ai Cập.
Đối với Ismaïl Haniyeh, cuộc tấn công từ Gaza nhắm vào Israel hôm 07/10 là "cuộc tấn công chiến lược" góp phần "giải phóng" dải đất này. Trước đó, người đứng đầu tổ chức Hamas tố cáo Israel phạm tội ác chiến tranh và vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế khi ngăn cản đoàn cứu trợ quốc tế đến dải Gaza. Theo số liệu của Hamas, tổng số người chết trong các vụ tấn công của Israel nhắm vào dải Gaza đã lên tới hơn 2.300 người.
Sáng Thứ sáu 13/10/2023, Israel ra lệnh là trong vòng 24 giờ thường dân Palestine ở miền bắc dải Gaza phải di tản về phía nam dải đất này. Đến hôm qua, quân đội Israel thông báo mở 2 hành lang từ 10 giờ sáng đến 16 giờ cùng ngày (giờ địa phương) để người dân phía bắc dải Gaza di tản.
Tuy nhiên, sau đó, Israel đã lùi thời hạn để thường dân miền bắc dải Gaza di tản trước khi quân đội Israel bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn vào khu vực bắc Gaza, mà họ cho là trung tâm của lực lượng Hồi giáo cực đoan Palestine.
Dù thúc giục người dân phía bắc thành phố Gaza "không chần chừ" trong việc di tản về phía nam, nhưng quân đội Israel hôm qua 14/10 cũng khẳng định chiến dịch tấn công trên bộ nhắm vào phía bắc dải Gaza chưa bắt đầu ngay từ ngày Chủ nhật 15/10 vì lý do nhân đạo.
Riêng về việc di tản các bệnh nhân, Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong đêm qua rạng sáng hôm nay cảnh báo việc di tản cưỡng chế hơn 2000 người bệnh từ phía bắc Gaza đến các cơ sở y tế đã quá tải ở phía nam thành phố có thể sẽ như tuyên "án tử hình" đối với họ.
Thùy Dương
************************
Gaza : Hamas bị nghi sử dụng vũ khí Bắc Triều Tiên
Anh Vũ, RFI, 15/10/2023
Phải chăng Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Hamas ? Sau khi phân tích các bức ảnh của quân đội Israel, nhiều hãng truyền thông và đặc biệt Mỹ đặt nghi vấn, tuy nhiên Bình Nhưỡng phủ nhận hoàn toàn. Bắc Triều Tiên, vẫn công khai ủng hộ tổ chức Hồi giáo Palestine, đã bác bỏ những cáo buộc như vậy là vô căn cứ giả mạo truyền thông.
Đội quân al-Qassam của Hamas phô trương lực lượng tại dải Gaza, ngày 21/08/2016. AP - Adel Hana
Thông tín viên RFI, Nicolas Rocca tại Seoul cho biết thêm chi tiết :
Tấm hình ba binh sĩ Israel chỉ vào những vũ khí của Hamas thu được ở gần biên giới dải Gaza, được người phát ngôn quân đội Israel, Daniel Hagari công bố cũng như nhiều bức hình khác lan truyền trên báo chí Israel đang gây ồn ào bên kia của địa cầu.
Lý do là vì dường như những tấm hình đó cho thấy đạn dược và vũ khí của Bắc Triều Tiên, nhất là các súng phóng lựu loại F7 trong quá khứ đã được xuất sang các nước Trung Đông.
Mặc dù nhiều chuyên gia đã xác nhận rằng đây thực sự có thể là vũ khí của Bắc Triều Tiên, nhưng điều này không có nghĩa là hai bên đã có một thỏa thuận vũ khí. Các loại vũ khí đó có thể đã được quá cảnh qua Iran hoặc Syria.
Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã xác định Hamas sử dụng tên lửa dẫn đường chống tăng Bulsae 2 do Bắc Triều Tiên sản xuất, cũng các loại súng phóng lựu F7.
Bình Nhưỡng bác bỏ những cáo buộc này, cho rằng Washington đang cố gắng đánh lạc hướng chú ý về trách nhiệm của mình trong cuộc xung đột. Từ lâu nay, Bắc Triều Tiên vốn hậu thuẫn các tổ chức thân Palestine. Tuần này, cơ quan tuyên truyền của Bắc Triều Tiên đã lên án "các hành vi tội ác không ngừng của Israel" mà không đề cập đến những hành động tàn bạo của Hamas.
Anh Vũ
Bị Hamas đánh úp, Israel thừa nhận sai lầm, củng cố phòng thủ và "trả thù" cho "ngày đen tối"
Thu Hằng, RFI, 14/10/2023
Lực lượng Hồi giáo Palestine Hamas đã khai thác thành công điểm yếu của Vòm Sắt (Iron Dome) - hệ thống phòng không nổi tiếng của Israel được cho là có thể phá hủy đến 97% tên lửa. Khoảng 3.000 quả tên lửa dội xuống Israel chỉ trong hai ngày (07-08/10/2023), so với 4.360 quả trong 15 ngày cách đây hai năm.
Quân đội Israel điều xe tăng đến biên giới với dải Gaza, miền nam Israel, ngày 13/10/2023. AP - Ariel Schalit
Điểm yếu này không phải mới được phát hiện. Ngành công nghiệp quốc phòng Israel có lẽ đã tìm được cách chống đỡ với hệ thống laser chống tên lửa Iron Beam. Trả lời RFI ngày 10/10, cố vấn hàng không Xavier Tytelman phân tích :
"Vũ khí này sử dụng tia laser, có khả năng chặn đạn pháo và đạn súng cối. Vũ khí này đã được thử nghiệm từ nhiều năm qua và trên nguyên tắc sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2023. Theo một số nguồn tin mà tôi có được và được chứng kiến, họ thấy rằng một số tên lửa và đạn pháo đã bị một vũ khí laser phá hủy. Và khi được triển khai ồ ạt, dù số đạn có bắn nhiều đến bao nhiêu, tất cả đều có thể bị bắn chặn".
Chi phí cho hệ thống laser vẫn chưa được rõ trong khi hệ thống Vòm Sắt tiêu tốn vài trăm triệu đô la. Trái với hệ thống tối tân của Israel, rocket tự chế của Hamas có chi phí không quá 100 đô la.
Chính phủ Israel thừa nhận sai sót nghiêm trọng về an ninh
Tại sao một nhà nước siêu vũ trang và nổi tiếng về tình báo như Israel lại không dự đoán và nhất là không kịp trở tay ?
Cuộc tấn công của Hamas được phối hợp chặt chẽ bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng 07/10, đồng loạt theo ba hướng : đường bộ, đường không và đường biển. Trước tiên, Hamas dùng drone thả chất nổ xuống các chốt biên phòng Israel để phá camera và hệ thống phát hiện chuyển động. Sau đó, hàng nghìn tên lửa được phóng ồ ạt từ Gaza sang Israel. Cùng lúc đội dù lượn vượt qua hàng rào kiên cố được Israel đầu tư vài tỉ đô la để xây dựng, còn trên mặt đất là xe bán tải và xe máy vượt qua một đoạn hàng rào bị xe ủi phá hủy. Lực lượng tuần tra Israel lại không đông đảo vào hôm đó.
Trong chương trình thời sự tối 11/10, ông Pierre Servent, cố vấn quân sự của đài truyền hình Pháp TF1/LCI, giải thích : "Vì lúc đó là dịp lễ tôn giáo nên có nhiều quân nhân được nghỉ phép. Một số khác trước đó đã được điều đến vùng Bờ Tây (West Bank - Cisjordanie) để xử lý các vụ rối loạn. Thời gian tập hợp các đội quân tản mát khắp nơi đã tạo điều kiện cho lực lượng khủng bố Hamas có khoảng thời gian đáng kể".
Phải mất 5 ngày sau khi Hamas tấn công đẫm máu, vài nghìn người chết ở cả hai phía, Israel mới thành lập được "chính phủ đoàn kết" và "hội đồng chiến tranh". Ngày 13/10, thông tín viên RFI Michel Paul tại Jerusalem cho biết sai lầm của chính phủ bắt đầu bị báo chí Israel công kích :
"Truyền thông Israel công bố một loạt thông tin về những sự kiện hôm thứ Bẩy (07/10) vừa qua. Trong đêm trước khi xảy ra cuộc tấn công, tình báo quân sự biết rõ các hoạt động dọc biên giới với Gaza. Họ cử một đội can thiệp đến đó. Những người thân cận với ông Netanyahu khẳng định chỉ một phút trước khi cuộc tấn công bắt đầu, thủ tướng mới được thông báo, chính xác là vào lúc 6 giờ 29 sáng hôm đó. Hiện giờ, cả phía chính trị gia và quân sự đổ lỗi cho nhau về thất bại khủng khiếp này. Tham mưu trưởng thừa nhận một sai lầm nghiêm trọng nhưng khẳng định không phải lúc nhắc đến. Nhiều bộ trưởng cũng thừa nhận trách nhiệm của chính phủ. Bộ trưởng Thông Tin không chần chừ, đã từ chức đêm qua".
Nga bị Ukraine cáo buộc hỗ trợ công nghệ quân sự cho Hamas
Đối với tổng thống Volodymyr Zelensky, cuộc xung đột Israel-Hamas và chiến tranh ở Ukraine có một điểm chung, đó là Nga. Trong buổi phỏng vấn với đài truyền hình Pháp France 2 tối 10/10, nguyên thủ Ukraine cáo buộc chính quyền Moskva "ủng hộ" phong trào Hamas tiến hành khủng bố Israel. Là khách mời đặc biệt trong cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO hôm 11/10, ông Zelensky đã kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây đến Israel để ủng hộ người dân, đồng thời lưu ý rằng chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Ukraine.
Theo chuyên gia hàng không Xavier Tytelman, khi trả lời RFI, dường như một số năng lực quân sự được phát triển trên mặt trận Ukraine, ví dụ drone thả bom, đã được lực lượng vũ trang Hamas sử dụng :
"Người ta biết là vào lúc đầu cuộc xung đột, có nhiều thành viên của các nhóm thánh chiến Hồi giáo, cùng với người Syria, gia nhập quân đội Nga để có thể tham chiến chống Ukraine, nhưng thực ra, không thấy ai trên trận địa. Vì vậy người ta ngờ rằng dù là những người đó, kể cả thành viên lực lượng Fatah như họ tự nhận, đã đến Ukraine, nhưng không thấy họ tham chiến nên có thể là họ đã huấn luyện một số phương pháp, như sử dụng các loại drone nhỏ thả bom. Dĩ nhiên là có các chương trình huấn luyện được tổ chức ở bên ngoài.
Nhưng bàn tay của Nga chìa ra với Hamas là chuyện rõ ràng từ lâu với các loại vũ khí, kể cả tên lửa chống tăng 100% Nga nằm trong tay Hamas từ 10 năm nay, cũng như nhiều công nghệ, đạn pháo, drone đang được sử dụng công khai. Rõ ràng là hiện giờ rất nhiều người hướng sang Nga do những gì đang xảy ra bởi vì gây bất ổn trong vùng Trung Đông là ý đồ của Nga để phương Tây chuyển hướng viện trợ sang Israel thay vì tới Ukraine".
Mỹ tái đầu tư vào khu vực Đông Địa Trung Hải
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã đến Israel ngày 12/10 để tái khẳng định "sự ủng hộ không lay chuyển" của Washington và hứa "cung cấp tất cả những gì Israel cần để tự vệ". Ngoài cung cấp đạn dược, Mỹ điều tầu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đến đông Địa Trung Hải để yểm trợ cho đồng minh lịch sử. Trên đài RFI, nhà nghiên cứu Héloïse Fayet, Trung tâm nghiên cứu An ninh của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI, phân tích :
"Từ nhiều tháng qua, Mỹ tái đầu tư vào khu vực, dù là ở đông Địa Trung Hải hay vịnh Ba Tư nơi Hải quân Mỹ đã giảm hiện diện mạnh từ những năm 2020-2021. Nhưng họ đã tái xuất hiện nhiều hơn từ vài tháng qua để đối phó với mối đe dọa Iran. Washington đặt ưu tiên là Iran, nhưng cũng có thể là cả Lebanon và gián tiếp hơn là Nga. Nga có nhiều hoạt động hàng hải ở đông Địa Trung Hải, không ủng hộ ra mặt lực lượng Hamas và thậm chí đôi khi tỏ ra khá gần gũi với Israel nhưng Nga cũng có thể tận dụng tình hình hiện nay để tiến hành những chiến dịch riêng của họ ở đông Địa Trung Hải. Vì vậy, khi điều đội tầu sân bay tác chiến đến, Mỹ thể hiện rằng khu vực này không được trở thành nơi trú ẩn cho đối thủ của Israel và Hoa Kỳ".
Thường dân và con tin : Bia đỡ đạn cho Hamas ?
Hoa Kỳ, cũng như nhiều nước phương Tây, tuyên bố Israel có quyền "đáp trả" các vụ tấn công đẫm máu của Hamas, đồng thời lưu ý đến số phận của thường dân Palestine. Ngày 13/10, Israel ra lệnh cho người dân Palestine ở Gaza có 24 tiếng để di tản xuống phía nam, có thể chuẩn bị mở chiến dịch đổ bộ để "báo thù" cho "ngày đen tối" trong khi đã liên tục oanh kích Gaza trong những ngày vừa qua.
Rawan Shawa, 28 tuổi sống ở miền trung Gaza, có nhiều người thân chết trong trận oanh kích của Israel đêm 11/10. Trên đài RFI ngày 12/10, cô kêu gọi "phải ngừng ngay cơn ác mộng này" :
"Tôi quá sợ hãi, tôi không tài nào ngủ được cho đến khi kiệt sức. Tiếng ồn từ xe quân sự rồi cứ hai phút là tiếng bom dội xuống Gaza, thật là kinh khủng. Tiếng tên lửa, tiếng kêu gào của phụ nữ, mùi chết chóc bủa vây chúng tôi mọi lúc mọi nơi. Đó không phải là cuộc sống bình thường. Cứ thử hình dung cảnh một người lúc bị tra tấn, lúc bị mất một phần cơ thể hay mất một người thân trong gia đình hoặc cứ hình dung ra cảnh một người cận kề với cái chết mà xem ! Đây là cuộc tấn công gây thương vong nhất từ trước đến giờ. Phải ngừng ngay cơn ác mộng này. Đây thật sự là địa ngục".
Một tuần trôi qua, số phận những người bị Hamas bắt cóc mang về Gaza, trong đó có ít nhất 20 quốc tịch khác nhau, vẫn chưa rõ. Israel tuyên bố không đàm phán với Hamas mà sẽ "xóa sổ" lực lượng này dù hàng trăm con tin vẫn nằm trong tay lực lượng bị Israel coi là "khủng bố". Một số nước Ả Rập tuyên bố sẵn sàng đứng ra đàm phán với Hamas, trong khi đó nhiều gia đình song tịch Pháp-Israel có người thân bị bắt cóc đã kêu gọi tổng thống Pháp Emmanuel Macron hỗ trợ.
Chị gái của Samuel Ben David Nagar là Céline, 32 tuổi có con mới 6 tháng, mất tích khi đến buổi hòa nhạc ngoài trời hôm 07/10 ở miền nam Israel, nơi quân Hamas bất ngờ tấn công sát hại và bắt cóc nhiều người. Samuel Ben David Nagar kể lại :
"Céline đến lễ hội âm nhạc đó cùng với cặp vợ chồng bạn thân. Vào khoảng 6 giờ 30, tên lửa bắt đầu bắn sang. Họ quay xe. Céline gọi điện cho chồng và bảo sẽ về nhà. Nhưng trên đường về, vì có quá nhiều tên lửa, nên họ phải dừng lại. Chị ấy lại gọi điện cho chồng, sau đó bảo "À, có quân nhân đến giúp tụi em rồi !". Nhưng thực ra không phải là lính Israel mà là những kẻ tàn bạo. Và từ đó chúng tôi không có tin tức của chị. Chúng tôi vẫn ngóng tin".
Nền kinh tế Gaza mất thu nhập chính từ Israel
Để trừng phạt Hamas, Israel - nhà cung ứng năng lượng cho Gaza - đã phong tỏa khu vực này từ ngày 07/10. Nhiều nước cũng thông báo đình chỉ viện trợ, trong khi 80% người dân Gaza (trên tổng số hơn 2 triệu dân) phụ thuộc vào nguồn viện trợ quốc tế. Không điện, không nước, lương thực cạn dần, Liên Hiệp Quốc cảnh báo nguy cơ người dân Palestine chịu "nạn đói".
Trước khi Hamas tấn công Israel, tỉ lệ thất nghiệp ở Gaza đã rất cao, nghèo đói hoành hành. Trả lời đài RFI, kinh tế giá Israel Jacques Bendelac, chuyên gia về nền kinh tế Israel và các vùng lãnh thổ Palestine, giải thích :
"Kinh tế của Gaza chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Phần lớn nông phẩm được xuất sang Israel, cũng như một phần công nghiệp như đồ gỗ hoặc một số sản phẩm nhỏ kiểu như vậy. Đó là một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào Israel và viện trợ quốc tế. Cách đây không lâu có đến 20.000 công nhân từ Gaza đến Israel làm việc. Việc này giúp họ có nguồn thu khoảng 50 triệu đô la hàng tháng. Đối với họ, khoản tiền này rất lớn. Thế nhưng nguồn thu này bị cắt đột ngột cách đây 3 ngày".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 14/10/2023
************************
Quốc tế thúc giục Israel dừng kế hoạch tấn công trên bộ vào dải Gaza, tránh gây thảm họa nhân đạo
Thùy Dương, RFI, 14/10/2023
Thứ Sáu, ngày 13/10/2023, sau khi Israel yêu cầu thường dân sinh sống ở phía bắc Dải Gaza di tản về phía nam vùng đất này trong vòng 24 giờ, quốc tế đã ngay lập tức có nhiều phản ứng, đa phần đề nghị Israel ngưng kế hoạch tấn công trên bộ vào khu vực hiện đang có 1,1 triệu thường dân sinh sống.
Lính Israel chiếm được vị trí gần biên giới giữa Israel với Dải Gaza, ở miền nam Israel, 13/10/2023. Reuters – Amir Cohen
Trong khi thủ tướng Palestine, Mohamed Shtayyeh, tố cáo Israel "diệt chủng" người dân Dải Gaza, thì trên các mạng xã hội, Martin Griffiths, phụ trách công tác cứu trợ của Liên Hiệp Quốc, nhận định "gọng kìm đang xiết lại quanh thường dân ở Gaza". Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng liên tục điện đàm với Tel Aviv "để kêu gọi Israel tránh gây thảm họa nhân đạo", theo phát ngôn viên của ông Antonio Guterres. Theo AFP, đến tối thứ Sáu 13/10, các thành viên của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine cũng không rời khu vực phía bắc Dải Gaza.
Các tổ chức nhân quyền cũng đặc biệt bày tỏ lo ngại. Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới coi thông báo của Tev Aviv là "một tối hậu thư nguy hiểm và vô trách nhiệm" và cho rằng tấn công vào khu vực "tập trung đông người như vậy vào chỉ rộng vài km2, chỉ làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo" hiện nay. Cũng như nhiều tổ chức nhân quyền khác, Y Sĩ Không Biên Giới đề nghị lập "các vùng an toàn", nhất là tại các bệnh viện, cho "những ai không thể di tản". Ý tưởng lập "các khu vực an toàn" cho thường dân dải Gaza cũng được ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề xuất vào hôm qua.
Trong khi đó, Moskva trình lên Hội đồng Bảo An dự thảo đòi thiết lập ngay lập tức và dài hạn lệnh ngừng bắn để mở hành lang nhân đạo. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cùng ngày 13/10 xem việc quân đội Israel phong tỏa dải Gaza là không thể chấp nhận được và so sánh với vụ Đức quốc xã bao vây thành phố Leningrad của Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến.
Về phía Israel, phát ngôn viên quân đội, Jonathan Conricus, sáng nay tố cáo chính tổ chức Hamas đang cản trở thường dân Palestine tiến về phía nam dải Gaza. Theo Reuters, tổ chức Hamas hôm qua đề nghị thường dân không di chuyển và hứa chiến đấu đến giọt máu cuối cùng chống Israel.
Thùy Dương
*************************
Đụng độ bạo lực nổ ở biên giới giữa Lebanon và Israel, một nhà báo thiệt mạng
Chi Phương, RFI, 14/10/2023
Trong lúc quân đội Israel tiếp tục các chiến dịch tấn công vào Gaza, thì tại biên giới giữa Israel và Lebanon, các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra vào hôm qua, 13/10/2023, sau khi một nhóm người được cho là cố xâm nhập vào Israel. Một nhà báo của Reuters đã thiệt mạng, nhiều nhà báo khác đã bị thương.
Lực lượng dân phòng và chính quyền Lebanon giải cứu một nhà báo bị thương trong vụ tấn công của Israel ở Alma al-Shaab, miền nam Lebanon, 13/10/2023. © Hassan Ammar / AP
Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, quân đội Israel cho biết đã xác định được một "đội biệt kích khủng bố, cố gắng xâm nhập lãnh thổ Israel từ Lebanon. Drone của Israel đã tiêu diệt được nhiều kẻ khủng bố". Thông tín viên RFI Paul Khalifeh từ thủ đô Lebanon cho biết thêm :
"Các nguồn tin từ an ninh Lebanon đã xác nhận các cuộc đụng độ bạo lực nổ ra sau khi một nhóm lính không rõ danh tính, cố gắng xâm nhập vào khu vực mà nhiều sự cố đã xảy ra từ những ngày qua. Các nhà báo và người dân tại đây, đã nghe thấy những tiếng súng tự động bắn liên hồi.
Israel cũng pháo kích dữ dội vào khu vực này, nhiều trực thăng và drone bay lượn trên bầu trời. Một trạm quan sát mà lực lượng Lebanon không còn sử dụng đã bị tên lửa bắn trúng. Hàng chục quả đạn pháo bắn phá quanh 5 khu vực ở Nam Lebanon.
Phong trào Hồi giáo Hezbollah thông báo từ tối qua, đã tấn công 4 vị trí của quân đội Israel để trả đũa các vụ oanh tạc vào các vùng của Lebanon. Những diễn biến này xảy ra vài giờ sau tuyên bố của phó tổng thư ký của Hezbollah, Cheikh Naïm Qassem, trong một cuộc tập hợp bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine ở Gaza rằng Hezbollah đã "chuẩn bị đầy đủ để can thiệp vào Israel vào thời điểm thích hợp".
Ông cho biết thêm "những cuộc tiếp xúc trong hậu trường gián tiếp hoặc trực tiếp giữa đảng Hồi giáo của Lebanon với các cường quốc, các nước Ả Rập và các đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu ông không can thiệp vào cuộc chiến, nhưng điều đó sẽ không có tác động đến quyết định của Hezbollah".
Tại miền nam Lebanon, gần với biên giới Israel, trong các cuộc đụng độ vào tối hôm qua, một nhà báo của hãng tin Anh Reuters, Issam Abdallah, đã thiệt mạng, nhiều nhà báo của các hãng tin khác, như AFP và Al-Jazeera cũng đã bị thương khi tác nghiệp tại khu vực này.
Theo AFP, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric bày tỏ mong muốn "mở cuộc điều tra để xác định rõ chuyện gì đã xảy ra". Lực lượng của Liên Hiệp Quốc được triển khai tại miền nam Lebanon cho biết đang nỗ lực làm việc với chính quyền hai bên để giảm bớt căng thẳng.
Tại hai địa điểm gần biên giới giữa Lebanon và Israel cũng như dải Gaza, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền hôm 12/10 vừa qua, đã cáo buộc quân đội Israel sử dụng phốt pho trắng, một loại hoá chất độc hại, bốc cháy khi gặp oxy, có thể gây bỏng nghiêm trọng và dễ dàng đốt cháy các cơ sở hạ tầng. Tổ chức nhân quyền cho rằng hành động này làm tăng nguy cơ thương vong cho thường dân cũng như ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Israel đã bác bỏ cáo buộc trên.
Chi Phương
*************************
Gaza : Israel mở hành lang di tản, hàng nghìn người Palestine chạy lánh nạn
Anh Vũ, RFI, 14/10/2023
Sau khi quân đội Israel ra lệnh thường dân phải sơ tán khỏi phía bắc Gaza trong vòng 24 giờ, hôm qua, 13/06/2023, hàng nghìn người Palestine đã bỏ chạy khỏi nơi cư trú, qua các đường phố bị tàn phá của thành phố Gaza, với hy vọng tìm được nơi ẩn náu xa hơn về phía nam. Trong khi đó Israel chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ trả đũa Hamas.
Những người Palestine tại Gaza, rời bỏ nhà cửa đi sơ tản xuống phía nam Dải Gaza, ngày 13/10/2023. Reuters – Ahmed Zakot
Tại Gaza, những tiếng nổ vẫn không ngừng vang lên. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cảnh báo hôm thứ Sáu: " Đây chỉ là bước khởi đầu" trong các hành động của Israel tại Gaza.
Thông tín viên của RFI tại Jerrusalem, Michel Paul cho biết, lệnh di tản thường dân bắt đầu được triển khai. Quân đội Israel đề nghị người dân phía bắc dải Gaza sử dụng hai hành lang di tản bắt đầu từ 10 giờ sáng nay, giờ địa phương, cho đến 16 giờ : Một hành lang chạy dọc theo bờ biển vùng đất Palestine, hành lang thứ 2 trong khu vực trung tâm dải Gaza.
Thông báo đã được quân đội Israel in trên các tờ rơi rải từ máy bay và phổ biến qua mạng xã hội bằng tiếng Ả Rập có ghi rõ vị trí của hai hành lang di tản nói trên. Thông báo nhắc lại : "Hãy đi về phía nam .... vì sự an toàn của bạn và gia đình bạn".
Cũng có thông tin nói nằng quân đội Israel đã thực hiện một số cuộc tấn công trên bộ vào dải Gaza.
Phóng viên của RFI ghi nhận Hàng nghìn cư dân Gaza, mang theo túi đồ đang cố chạy khỏi phía bắc, bằng mọi phương tiện có thể, đi bộ, trên các xe kéo, mô tô hay xe hơi. Họ đi về phía nam, nhưng không biết đi về đâu.
Không ít người từ chối di tản vì không có phương tiện hoặc không muốn theo lệnh của Israel. Ông Ziad Medoukh, giáo sư tiếng Pháp tại các trường Đại học ở thành phố Gaza nói :
"Những đe dọa của Israel buộc người Palestine phải ra đi là chiến tranh tâm lý. Với chúng tôi, những người Palestine đã quyết định ở lại, chỗ dựa của chúng tôi là hai tổ chức quốc tế là văn phòng Hồng Thập Tự và văn phòng Liên Hiệp Quốc. Hiện tại, hai tổ chức quốc tế này không có thông cáo yêu cầu mọi người ra đi. Chúng tôi không thể đáp ứng đe dọa của một đội quân chiếm đóng, chúng tôi phải chờ đợi thôi".
Khoảng 2,4 triệu dân sống ở dải Gaza, vùng đất rộng 362 km2 này, thực tế đã bị đã bị Israel phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở đó vào năm 2007. Kể từ ngày 9 tháng 10, vùng đất này bị Israel phong tỏa hoàn toàn. Điện, nước và nguồn cung cấp thực phẩm bị cắt hoàn toàn.
Sau cuộc tấn công đẫm máu của Hamas hôm thứ Bảy ngày 07/10, Israel đáp trả bằng cách tuyên bố chiến tranh nhằm tiêu diệt phong trào Hồi giáo Palestine, bắn phá dữ dội vào dải Gaza và triển khai hàng chục nghìn quân quanh lãnh thổ cũng như biên giới Lebanon.
Lệnh phong tỏa cũng như di tản thường dân trong dải Gaza đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ như là hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Israel.
Anh Vũ
*********************
Israel ra lệnh thường dân di tản về phía nam Gaza trong vòng 24 giờ
Anh Vũ, RFI, 13/10/2023
Thêm dấu hiệu cho thấy quân đội Israel chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas tại Gaza. Hôm 13/10/2023, Israel ra lệnh là trong vòng 24 giờ mọi thường dân Palestine phải di tản về phía nam dải đất này. Lệnh di tản, giống như một tối hậu thư, đã bị Liên Hiệp Quốc phản đối, nhưng Tel Aviv không lùi bước.
Người dân Palestine tại dải Gaza di tản ngày 13/10/2023. AFP – Mohammed Abed
Theo AFP, trong một thông cáo phát đi sáng sớm hôm nay 13/10, quân đội Israel "ra lệnh tất cả thường dân tại thành phố Gaza phải rời khỏi nhà, di tản xuống phía nam, vì sự an toàn và bảo vệ cho chính họ". Thông cáo chỉ rõ thêm các thường dân phải tới khu vực phía nam của thành phố Gaza và chỉ được trở lại thành phố khi có lệnh mới của quân đội Israel.
Tại New York, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Stéphane Dujarric, xác nhận lệnh di tản của quân đội Israel liên quan đến khoảng 1,1 triệu người đang sống tại phía bắc dải Gaza. Ông Dujaric cảnh báo lệnh di tản với quy mô lớn như vậy là không thể thực hiện được, chưa kể sẽ gây ra những thảm kịch nhân đạo. Trong hoàn cảnh đó, Liên Hiệp Quốc khẩn thiết kêu gọi Israel hủy lệnh này.
Ngay lập tức, đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc, Gilad Erdan, đã phản ứng, tố cáo Liên Hiệp Quốc đã "nhắm mắt làm ngơ trước Hamas".
Hôm qua, sau cuộc hội đàm với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Tel Aviv, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thề sẽ hủy diệt Hamas, tổ chức bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu gọi là "khủng bố".
Những tuyên bố như vậy càng cho thấy Israel quyết tâm mở cuộc tấn công trên bộ vào Gaza, sau nhiều ngày oanh kích vào thành phố này. Israel cũng đã triển khai hàng chục nghìn quân áp sát biên giới với Gaza và phát lệnh động viên hơn 300 nghìn quân dự bị.
Người dân tại thành phố Gaza đang trong tuyệt vọng, đón nhận lệnh di tản trong vòng 24 giờ với tâm trạng hoang mang lo sợ, không biết đi về đâu. Thông tín viên RFI, Sami Boukhelifa, ghi nhận qua phóng sự tại chỗ:
"Rami là một người cha trong gia đình. Lúc 6 giờ 30 sáng nay, tôi gọi cho ông. Rami đã thức dậy. Đêm với ông quá ngắn. Bom đạn, cháy nổ, làm sao mà chợp mắt được. Giờ lại là tin về lệnh tản cư. Ông Rami bị sốc. Ông nói: "Ông khẳng định với tôi tin này. Nhưng chúng tôi phải đi đâu đây? Mọi người ở đây vẫn nghĩ rằng đó chỉ là tin đồn. Một số người thì nói Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông báo. Số khác thì lại bảo rằng không nên tin vào những tin như thế này.
Nhưng quân đội Israel đã phát thông cáo tức là đã xong hết chuyện rồi. Tôi sẽ đi. Có một người bà con của tôi đã cao tuổi cũng rất phẫn nộ nói rằng: " Bỏ chạy ư? Không bao giờ, nếu chúng muốn đất đai của tôi thì chúng cứ giết tôi và lấy đi". Đủ rồi, Chúa nguyền rủa cái văn minh nhân loại này, cái thế giới giả dối này. Đúng là điên rồ".
Câu hỏi của Sami là làm sao trong 24 giờ di chuyển được đông người như vậy ? Người ta nói rằng có đến hơn một triệu dân. Ở khu vực phía bắc Gaza, có các địa phương Beit Lahia, Beit Hanoun và đặc biệt là trại tị nạn Jabaliya, trong phạm vi 5 km2, có 300 nghìn người dân. Đây là khu vực có mật độ dân số đông nhất thế giới. Liên hiệp Quốc đề nghị Israel hủy lệnh di tản này, nhưng nhà nước Do Thái không chấp nhận".
Từ hôm thứ Bảy tuần trước, sau khi lực lượng mở cuộc tấn công tàn sát vào lãnh thổ Israel, ít nhất đã có 1200 người thiệt mạng tại Israel, đa số là thường dân. Hamas bắt đi 150 người làm con tin. Đáp trả, Israel liên tục oanh kích vào dải Gaza làm hơn 1500 người thiệt mạng, trong đó có nhiều thường dân, theo thống kê của chính quyền tại Gaza được công bố hôm nay. Trong 7 ngày qua, hơn 4000 tấn thuốc nổ đã đổ xuống dải đất Gaza có 2,4 triệu dân. Hơn 423.000 người Palestine đã rời bỏ nhà cửa để tránh các trận bom đạn. Trong khi đó, toàn bộ dải Gaza bị Israel phong tỏa, điện nước bị cắt hoàn toàn.
Anh Vũ
Xung đột Israel-Hamas : Vòng luẩn quẩn không có hồi kết
Cuộc chiến giữa Israel và tổ chức Hamas của Palestine vẫn là chủ đề được tất cả các tờ báo Pháp quan tâm nhất vào hôm nay 13/10/2023.
Hình ảnh trên camera an ninh cho thấy các chiến binh Hamas tiến vào một khu định cư Do Thái bắn chết những người trong một chiếc xe ở miền nam Israel ngày 07/10/2023 via REUTERS - South First Responders via Teleg
Xã luận của nhật báo thiên tả Libération chạy tựa "Vòng luẩn quẩn", nói về lời kể của tổng thống Mỹ Joe Biden về cuộc gặp với Golda Meir vào năm 1973, thủ tướng Israel đã tiết lộ cho ông bí quyết về sự kiên cường của Israel trước những cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Ả Rập : "Đơn giản thôi, chúng tôi không có lựa chọn nào khác, người Do Thái không còn nơi nào khác để nương thân".
50 năm sau, Israel không còn đối mặt với mối đe dọa hiện hữu nào nữa. Tuy nhiên, người dân ở dải Gaza đã trở thành những người "không còn nơi để nương thân". Với hơn 2 triệu người sinh sống trong một vùng đất có diện tích 365 km2 (mật độ dân số đông nhất thế giới), nơi này bị cô lập từ mọi phía, với các đồn biên phòng ở phía Israel bị khóa và trạm kiểm soát tới Ai Cập cũng bị phong tỏa hoặc phá hủy. Kể từ khi Israel hứng chịu cuộc oanh kích đẫm máu bởi cuộc tấn công khủng bố của tổ chức Hamas hôm 07/10, người dân ở dải Gaza đã phải sống dưới những đợt pháo kích liên tục của Lực lượng Phòng vệ Israel (Tsahal), khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, vượt quá số nạn nhân của Israel.
Ngay cả việc mở hành lang nhân đạo tới Ai Cập do Liên Hiệp Quốc đề xuất cũng vấp phải trở ngại do chính phủ Ai Cập từ chối tiếp nhận những người đến từ Gaza. Quyết định cắt nước, điện và thực phẩm của Israel đối với dải Gaza là một phần của vòng luẩn quẩn bạo lực về thể xác và đạo đức, là một phần của những hành động sỉ nhục và trả thù, trong đó thường dân là nạn nhân chính. Trên đầu họ là bom của Israel, còn dưới chân họ là những đường hầm dưới lòng đất có quy mô đáng kinh ngạc, và là căn cứ địa của lực lượng và vũ khí của Hamas. Bị mắc kẹt ở giữa, bị bao quanh bởi hàng rào, bị bắn phá từ trên trời và bị giám sát từ dưới lòng đất, người dân Gaza sống ngày đêm trong địa ngục đằng sau những cánh cửa đóng kín. Người duy nhất có khả năng xoa dịu nỗi khổ đau của họ bằng cách sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Ai Cập và Israel là tổng thống Biden. Để làm được điều này, ông cần hiểu rõ hơn câu nói của cố thủ tướng Golda Meir.
Pháp đối mặt với rạn nứt xã hội
Trang nhất và xã luận của tờ Le Figaro thì quan tâm đến sự rạn nứt xã hội mà tất cả người Pháp muốn tránh không lẽ đã bắt đầu ? Đồng bào đã chết bởi các cuộc tấn công khủng bố của Hamas, và nhiều người khác, bao gồm cả trẻ em, thì bị bắt làm con tin. Tổng thống Emmanuel Macron đã chia buồn với nỗi đau của người Israel, đồng thời, kêu gọi đoàn kết dân tộc, nhưng trên thực tế, những rạn nứt đang bộc lộ rõ rệt.
Nhật báo thiên hữu tỏ ra lo lắng trước sự trỗi dậy của các hành động bài Do Thái, cùng với những bạo loạn có thể xảy ra ở các vùng ngoại ô. Hiển nhiên, đoàn kết dân tộc là mục tiêu hết sức chính đáng, song liệu nó có khả thi với sự hiện diện của hàng triệu người nhập cư ở Pháp ? Chứng kiến các cuộc biểu tình bài Israel ở Đức, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, Henry Kissinger đã nói lên tất cả : "Thật là một sai lầm lớn khi tiếp nhận quá nhiều người thuộc các nền văn hóa, tôn giáo và quan niệm hoàn toàn khác nhau". Liệu có thể đoàn kết dân tộc khi những người có quan niệm khác biệt cùng sinh sống trên một lãnh thổ ? Le Figaro kết luận rằng đoàn kết dân tộc đòi hỏi phải kiểm soát việc nhập cư cùng với mong muốn "đồng hóa không ngừng nghỉ".
Xung đột ở Gaza : Số phận của các con tin và người thân
Trang nhất của Le Monde thì chú ý đến số phận của con tin, cũng như những người thân của họ trong cuộc tấn công của Hamas. Tá túc trong một khách sạn ở thị trấn ven biển Eilat của Israel, toàn bộ cộng đồng Kibbutz Nir Oz, được thành lập vào những năm 1950, vẫn chưa hết bàng hoàng sau cuộc tấn công đột ngột của Hamas, những kẻ đã gieo rắc nỗi kinh hoàng với dân chúng. Nir Oz, nằm cách Gaza chưa đầy 3 km, đã rơi vào tay quân khủng bố trong vòng 8 tiếng đồng hồ, và những người có mặt ở đó bị cướp bóc, giết chóc hay bắt cóc.
Tất cả những người ở đây đều đã mất người thân. Có cả người đi xa xứ 20 năm và quay trở lại nhân sự kiện này để an ủi người thân như Yiftah Atzili, từ Úc trở về : "Họ là anh chị em của tôi. Tôi lớn lên cùng họ. Việc có mặt ở đây cùng họ là điều hiển nhiên sau sự cố khủng khiếp này".
Cũng có mặt ở Eilat, Hadas Kalderon, 46 tuổi, là một trong những người cần được an ủi. Hai người con của cô, mẹ cô, chồng cũ và cháu gái của cô đều bị bắt cóc. Hôm 07/10, hàng loạt tên lửa được bắn từ dải Gaza vào các ngôi làng xung quanh Nir Oz. Hamas, vốn đã không tấn công kể từ tháng 05/2021, không lẽ đang tấn công trở lại ? Từ trong nhà đi ra ngoài, Hadas nghe thấy tiếng Ả Rập.
Các chiến binh Palestine đang ở trong thành phố. Làm thế nào họ đã băng qua được trạm canh gác được cho là kiên cố nhất thế giới để tiến vào Israel ?
Giờ đây, Hadas tìm cách liên lạc với gia đình, chồng cũ, hai con, mẹ cô và những người khác. Tin nhắn cuối cùng cô nhận được từ chồng cũ : "Anh đang ở cùng bọn trẻ. Bọn anh đã nhảy ra ngoài cửa sổ và trốn trong bụi rậm". Hadas than thở rằng tại sao họ không trốn trong hầm trú ẩn ? Nhưng cô không trách chồng cũ, bởi không ai có thể lường trước được một cuộc tấn công như vậy. Thế nhưng sau đó, Hadas mất liên lạc với người thân.
Trong ngày hôm đó, những hình ảnh đầu tiên về các con tin đã được gửi đến từ Gaza. Hadas hiểu rằng người thân của cô đang ở đâu. Mẹ cô, năm nay 80 tuổi, và sức khỏe không tốt. Bà cần được điều trị bệnh tim và chứng mất trí nhớ. Cô cũng nhìn thấy hai người con của cô trong đoạn video cho thấy các con tin bị bắt đi.
Trong số khoảng 400 cư dân Nir Oz, khoảng một trăm người đang mất tích. Những người phải sơ tán thì ra đi với hình ảnh ngôi nhà của họ bị đốt cháy, bị lục soát. Ngày hôm sau, họ được đưa lên xe buýt và đi 260 dặm về phía nam đến Eilat trên Biển Đỏ.
Khi tới Eilat, Hadas cho biết đã phạm phải hai sai lầm trong đời, đó là sinh ra các con của mình và tới định cư ở khu vực lân cận với dải Gaza. Hadas cho biết giờ đây chỉ muốn nhìn thẳng vào mắt thủ tướng Benjamin Netanyahu và bảo với ông ấy trả con lại cho cô.
Mặc dù vậy, Hadas vẫn tin vào hòa bình, ngay cả với Hamas : "Không lẽ chúng ta phải chiến đấu cả đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác ? Chúng ta sẽ phải đàm phán thương lượng và thỏa hiệp. Chúng ta đã làm điều đó với Ai Cập, với Jordan. Cần phải có thêm bao nhiêu người chết thì mọi người mới tỉnh ngộ ? Thay vì đầu tư vào chiến tranh, chúng ta nên đầu tư vào hòa bình, bởi xung đột không có tác dụng gì".
Xung đột ở Gaza : Trung Quốc rơi vào thế bí
Liệu cuộc chiến giữa Israel và Hamas có làm suy yếu tham vọng mở rộng ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông ? Tờ Les Echos có bài viết nói về việc Bắc Kinh đang trong tình trạng "đi trên dây" kể từ khi cuộc chiến này nổ ra. Không giống nhiều quốc gia phương Tây khác, Bắc Kinh không lên án mạnh mẽ cuộc tấn công đẫm máu của Hamas nhắm vào Israel và những tuyên bố vừa qua của các quan chức Trung Quốc tỏ ra thận trọng, chỉ kêu gọi cả hai bên "ngừng bắn" và tin rằng lối thoát duy nhất của xung đột này sẽ là "giải pháp hai Nhà nước" Israel và Palestine.
Đáp lại, Yuval Waks, quan chức cấp cao của đại sứ quán Israel tại Bắc Kinh, tỏ ra bất bình : "Khi người dân bị sát hại, tàn sát trên đường phố, thì đó không phải là thời điểm để kêu gọi giải pháp hai Nhà nước". Có mặt tại Trung Quốc vào cuối tuần qua, lãnh đạo phe đa số tại Thượng Viện Mỹ, ông Chuck Schumer, cũng bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng rụt rè của Bắc Kinh, khi "không thể hiện lòng trắc ẩn hay sự hỗ trợ nào đối với Israel trong thời điểm khó khăn này". Kể từ đó, các bài phát biểu của Trung Quốc có đôi chút thay đổi với việc lên án "tất cả các hành vi bạo lực và tấn công nhắm vào thường dân", nhưng vẫn chưa nêu đích danh Hamas, và Trung Quốc vẫn tự xem mình là nước bạn của cả Israel lẫn Palestine.
Vào tháng 3 vừa qua, tiết lộ về một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran đạt được thông qua trung gian của Trung Quốc đã khiến các nhà quan sát và nhà ngoại giao phương Tây ngạc nhiên. Vai trò của Bắc Kinh trong việc giảm căng thẳng giữa Riyadh và Tehran đã khẳng định tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, vốn bị Mỹ phớt lờ. Dựa trên thành công này, Bắc Kinh cũng đã ngỏ ý muốn đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột Israel-Palestine trong chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, vào tháng 6 vừa qua. Bắc Kinh sau đó cam kết dùng "trí tuệ Trung Quốc, sức mạnh Trung Quốc" để giải quyết xung đột.
Hôm qua, đại sứ Israel tại Trung Quốc, Irit Ben-Abba đã kêu gọi Bắc Kinh đàm phán với Tehran để tìm ra giải pháp chấm dứt leo thang. Bà Ben-Abba cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV : "Chúng tôi thực sự hy vọng rằng Trung Quốc có thể tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận với nhũng đối tác thân thiết của mình ở Trung Đông, bao gồm cả Iran".
Tuy nhiên, nhật báo kinh tế nhận định rằng mong muốn làm trung gian hòa giải của Trung Quốc trong cuộc xung đột đang thực sự vấp phải nhiều trở ngại. Jean-François Di Meglio, chủ tịch Viện nghiên cứu Trung tâm Châu Á, giải thích : "Trung Quốc đang thực sự rơi vào thế bí. Họ muốn đóng vai trò trung gian hòa giải sau khi thành công trong việc nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, nhưng do mối quan hệ gần gũi với Iran, cũng như do không có đủ phương tiện hoặc tầm ảnh hưởng cần thiết trong khu vực, Bắc Kinh khó lòng mang lại được sự thay đổi đáng kể trong mối quan hệ Israel-Palestine".
Liên Âu nín thở trước bầu cử Quốc hội Ba Lan
Nhìn sang Châu Âu, tờ La Croix dành bài xã luận chú ý tới cuộc bầu cử Quốc hội tại Ba Lan vào ngày 15/10 tới. Năm 2004, 15 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Ba Lan nhiệt tình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cùng với 7 quốc gia khác ở Trung và Đông Âu. Gần 20 năm sau, bầu không khí tại đó đã hoàn toàn thay đổi. Vào Chủ nhật tuần này, các cử tri Ba Lan sẽ có hai lựa chọn : tái khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng sự ủng hộ đối với Liên Âu bằng cách bỏ phiếu cho liên minh do cựu thủ tướng Donald Tusk dẫn đầu, hoặc tiếp tục quay lưng lại với các giá trị của Châu Âu bằng cách duy trì đa số hiện tại ở Quốc hội cho đảng Luật pháp và Công lý (PiS) rất bảo thủ của Jaroslaw Kaczynski. Nhật báo Công Giáo kết luận Warszawa không thể tiếp tục thể hiện là một nước có vai trò lớn trong Liên Âu trong khi không tôn trọng các giá trị của khối.
Phan Minh
Tình hình đang rất hỗn loạn, giao tranh vẫn tiếp diễn. Nhưng đã có thể rút ra một số quan sát như sau.
Người Palestine vẫy quốc kỳ trên một chiếc xe tăng của Israel bị phá hủy trước bức tường phân chia Dải Gaza và lãnh thổ Israel. Ảnh Yousef Masoud/AP/SIPA
Sáng ngày 7/10, Hamas, nhóm chiến binh người Palestine, đã thực hiện một cuộc tấn công lớn vào Israel với quy mô và phạm vi gần như chưa từng có tiền lệ. Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Hamas đã bắn tên lửa từ Gaza và các thành viên của tổ chức này đã thâm nhập qua biên giới Israel, nơi họ tham gia các cuộc đọ súng tại bảy địa điểm khác nhau ở miền nam Israel. Có ít nhất 250 người Israel đã thiệt mạng và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên, với hơn 1.400 người bị thương, trong đó ít nhất 18 người bị thương nặng và 267 người trong tình trạng nghiêm trọng. Hamas cũng được cho là đã bắt hàng chục người Israel làm con tin, công bố video để khẳng định tuyên bố của mình.
Thông tin ban đầu cho thấy đây là cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Israel gần đây. IDF cho biết khoảng 2.200 quả rocket đã được phóng đi trong đợt tấn công đầu tiên, khiến đây là cuộc tấn công bằng rocket lớn nhất nhắm vào Israel kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007. Số lượng rocket được phóng lớn gấp nhiều lần so với các cuộc tấn công vào đầu năm 2014 và năm 2021. Quân Hamas dường như cũng sáng tạo hơn trước, khi sử dụng dù lượn cùng nhiều phương tiện khác để bất ngờ xâm nhập Israel. Cuộc xâm nhập này đặc biệt tàn khốc đối với Israel xét đến số lượng người thiệt mạng và con tin bị bắt giữ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố "Chúng ta đang có chiến tranh" và chính thức phát động Chiến dịch Thanh kiếm Sắt, tiến hành các cuộc không kích ở Gaza và động viên lực lượng dự bị. Al Jazeera đưa tin rằng phản ứng của Israel đã cướp đi sinh mạng của 232 người ở Gaza và chắc chắn sẽ còn nhiều người nữa thiệt mạng.
Tình hình đang rất hỗn loạn và giao tranh vẫn tiếp diễn – con số cuối cùng về người chết, bị thương, và bị bắt làm con tin có thể lớn hơn nhiều so với báo cáo ban đầu. Thông tin ban đầu thường không đầy đủ, bị phóng đại ở một số khía cạnh và bị đánh giá thấp ở những khía cạnh khác, thậm chí trong một số trường hợp còn là thông tin sai lệch hoàn toàn. Nhưng hiện chúng ta đã có thể rút ra một số quan sát như sau.
1. Hamas đang đi vào ngõ cụt
Hamas đã quản lý dải Gaza kể từ khi lên nắm quyền tại đây vào năm 2007, và tổ chức này luôn phải vật lộn với sự căng thẳng cố hữu giữa việc quản lý khu vực với việc duy trì tư cách là người lãnh đạo phe kháng chiến chống Israel của người Palestine. Hamas đã làm như vậy trước sự phản đối từ Israel và quốc tế ; trước những áp lực kinh tế lớn mà Israel tăng lên hoặc giảm bớt nhằm khuyến khích các hành động hòa bình từ Hamas ; và trước những nỗ lực khác của đối thủ của họ, Chính quyền Dân tộc Palestine (Palestinian National Authority - PNA), do Mahmoud Abbas lãnh đạo.
Suốt 16 năm qua, các nhà lãnh đạo Hamas đã cố gắng thu hút người Palestine bằng cách chứng tỏ rằng họ, chứ không phải PNA, có khả năng cai trị tốt hơn. Trong chừng mực nào đó, Hamas đã thành công. Bất chấp sự cô lập về kinh tế quốc tế, Hamas vẫn cung cấp các dịch vụ như thu gom rác và hành pháp hiệu quả hơn nhiều so với những người tiền nhiệm PNA ở Gaza. Hamas cũng thể hiện mình ít tham nhũng hơn các nhà lãnh đạo PNA, và đây không phải là một lập luận khó chứng minh.
Tuy nhiên, Hamas tự coi mình là một tổ chức phản kháng, và họ cần phải đạt được điều đó trên phương diện chính trị. Một phần nguyên nhân là do thành tích quản lý Gaza của họ không nhất quán. Cư dân ở Gaza có cuộc sống rất khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao và nghèo đói tràn lan. Khả năng để Hamas giành quyền lãnh đạo dựa trên việc cải thiện chất lượng cuộc sống của dân thường Palestine còn hạn chế.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo Hamas xem Israel là một thực thể bất hợp pháp và thù địch. Họ tin rằng việc tấn công Israel là chính đáng, và cuối cùng, họ có thể thu được lợi ích chính trị từ việc đó. Họ biết rằng người dân Gaza sẽ phải trả cái giá khủng khiếp trước phản ứng của Israel, nhưng họ hy vọng rằng thoả thuận chính trị cuối cùng sẽ có lợi cho họ.
Ngay cả khi thoả thuận chỉ đơn giản là một biến thể của hiện trạng, họ vẫn muốn đạt được mục tiêu chính trị (và theo đó làm mất uy tín của PNA) bằng cách chứng tỏ rằng họ, chứ không phải PNA, đang đứng lên chống lại Israel. Họ cũng có thể củng cố sự ủng hộ từ các phần tử cực đoan hơn trong tổ chức và từ các đối thủ tiềm năng như Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine, vốn đã phẫn nộ vì cho rằng Hamas lãnh đạo nhưng không hành động.
2. PNA đang vướng vào tình thế lưỡng nan
PNA đang ở trong một cái bẫy chính trị. Họ muốn thấy Hamas thất bại nhưng không thể công khai cổ vũ cho Israel. PNA tuyên bố đại diện cho tất cả người Palestine, một lập trường không phù hợp với quyền lực độc lập của Hamas ở Gaza. Abbas và các nhà lãnh đạo PNA khác đã ngầm ủng hộ việc cô lập Gaza, và lực lượng an ninh của PNA đã hợp tác chặt chẽ với Israel để đè bẹp Hamas ở Bờ Tây, theo đó dẫn đến những hành động bạo lực trong quá trình này. (Hamas đã trả đũa bằng cách nhắm vào những người ủng hộ PNA ở Gaza.)
Ngày nay, PNA đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính chính danh. Sau khi tiến trình hòa bình sụp đổ, PNA không còn cách nào khác để nói với người dân Palestine rằng họ nắm trong tay con đường dẫn đến một nhà nước độc lập. Sự phát triển không kiểm soát của các khu định cư Israel ở Bờ Tây, các cuộc thanh trừng sắc tộc do người định cư Israel thực hiện, và sự khinh thường công khai mà nhiều thành viên trong liên minh của Netanyahu dành cho người Palestine, tất cả đều làm tăng thêm sự sỉ nhục đối với PNA. Bản thân Abbas đã 87 tuổi và cũng ít được người Palestine yêu mến. Cuối cùng, khi ông rời đi, hỗn loạn có thể nhấn chìm PNA, trong khi Hamas ngày càng gia tăng ảnh hưởng của mình.
Đối với dân thường Palestine, đặc biệt là những người không sống trong vùng nguy hiểm, cuộc tấn công của Hamas có thể mang lại cảm giác hài lòng nhất định, cho thấy rằng người Israel sẽ phải trả giá nếu họ phớt lờ các quyền của người Palestine. Sự hoài nghi về các cuộc đàm phán hòa bình và ý định của Israel đã lên cao giữa những người Palestine ngay trước cuộc giao tranh mới nhất. Do đó, trước mặt công chúng, PNA sẽ tiếp tục chỉ trích Israel, nhất là vì có một số lượng lớn người Palestine thiệt mạng sau phản ứng của Israel, dù họ hy vọng rằng Israel sẽ tiêu diệt Hamas và tổ chức này sẽ yếu hơn.
3. Cuộc tấn công cho thấy một thất bại lớn của tình báo Israel
Dù căng thẳng tăng cao đã lâu, với hàng loạt cảnh báo về phong trào Intifada lần thứ ba, quy mô của cuộc tấn công lần này đã khiến Israel cũng như các nhà quan sát bên ngoài bị bất ngờ. Các quan chức Israel đã thừa nhận rằng đây là một thất bại lớn về mặt tình báo.
Về mặt chiến thuật, Israel đã không chuẩn bị cho khả năng các chiến binh Hamas xâm nhập qua biên giới và tiến hành một chiến dịch quy mô lớn ngay trước mũi Israel. Cuộc tấn công cũng là một bất ngờ về mặt chiến lược, vì Israel đã không chuẩn bị cho một cuộc giao tranh leo thang kịch tính như vậy. Và thời điểm của cuộc tấn công còn càng làm tăng mức độ sỉ nhục, bởi nó xảy ra gần sát ngày kỷ niệm 50 năm cuộc tấn công bất ngờ đã khơi mào cho Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973 , vốn được cho là thất bại tình báo lớn nhất trong lịch sử Israel.
Chắc chắn, các cuộc điều tra về thất bại tình báo này sẽ tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi tại sao cơ quan an ninh nổi tiếng của Israel lại bị bất ngờ. Một lý do có thể là mức độ tự mãn của các nhà lãnh đạo Israel. Vấn đề Palestine dường như đã được giải quyết thành công suốt nhiều năm, và việc Israel phản ứng mạnh mẽ trước bất kỳ xung đột nào đã đảm bảo rằng Hamas sẽ luôn tìm cách đàm phán. Hệ thống phòng không Vòm Sắt và các hệ thống khác dường như đã bảo vệ người Israel khỏi rocket và súng cối từ Gaza, trong khi hàng rào dọc biên giới với Gaza có nghĩa là việc xâm nhập dường như là bất khả thi.
Người Israel cũng có thể đã đánh giá thấp khả năng tình báo của Hamas, tin rằng tổ chức này sẽ không rút ra được các bài học từ những thất bại trong quá khứ. Tuy nhiên, các nhà quan sát từ lâu đã cảnh báo rằng tình hình ở Palestine đang sôi sục và Hamas vẫn đang tìm cách lật ngược tình thế trước Israel.
Cuộc tấn công ngày 07/10 cũng là một thất bại lớn đối với chính phủ Netanyahu. Đây là một vấn đề đặc biệt khi xét đến bối cảnh chính trị của Israel, vì Netanyahu đã tự cho mình là một chính trị gia có thể lãnh đạo cuộc chiến chống khủng bố, buộc người Palestine phải tuân theo ý muốn của ông, và luôn áp dụng chính sách an ninh cứng rắn.
Giao tranh xảy ra vào thời điểm Netanyahu đang phải đối mặt với những thách thức quan trọng khác. Những nỗ lực của ông nhằm làm suy yếu đáng kể quyền lực của Tòa án Tối cao Israel đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ, và bản thân ông cũng đang bị truy tố về tội hối lộ, lừa đảo, và lợi dụng lòng tin. Ông vẫn có những người ủng hộ cốt lõi, nhưng sẽ không thể chịu được thiệt hại về uy tín của mình. Ngoài ra, ông còn đang dựa vào một chính phủ cực hữu, với một số bộ trưởng công khai phân biệt chủng tộc, những người từ lâu đã kêu gọi đối xử cứng rắn hơn với người Palestine, đặc biệt là khi bạo lực xảy ra.
4. Vấn đề con tin sẽ làm tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều
Ngoài số người chết cao, một trong những điều khó giải quyết nhất đối với Israel sẽ là các con tin mà Hamas bắt giữ. Trong quá khứ, Israel đã phải đàm phán suốt nhiều năm để kẻ thù trao trả các công dân Israel – đôi khi là thi hài của họ. Ví dụ, vào năm 2011, chính phủ Netanyahu đã trao đổi hơn 1.000 tù nhân để lấy Gilad Shalit, một binh sĩ Israel bị Hamas bắt giữ năm 2006.
Những con tin mà Hamas bắt giữ sẽ là những con bài thương lượng mạnh mẽ, đem lại cho Hamas lựa chọn đáp trả hành động quân sự của Israel bằng cách đe dọa làm hại, hoặc thực sự làm hại hoặc giết các con tin. Sự hiện diện của các con tin ở Gaza cũng gây một áp lực khác lên các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Israel. Cuộc tấn công của Hamas đã kích động trả đũa quân sự quy mô lớn, nhưng việc giải cứu được nhiều con tin còn sống sẽ có khả năng thành công cao hơn khi chỉ thực hiện các hoạt động ở quy mô nhỏ như đàm phán hoặc các chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm.
5. Israel được kỳ vọng sẽ phản ứng cứng rắn
Phản ứng ban đầu của Israel bao gồm việc nhắm mục tiêu vào các cơ sở rocket và tên lửa của Hamas ở Gaza, cũng như cố gắng vây bắt những kẻ xâm nhập và ngăn chặn các chiến binh khác xâm nhập vào Israel – đó là một loạt nhiệm vụ khó khăn.
Israel sẽ cố gắng khôi phục lại khả năng răn đe bằng cách cho Hamas thấy rằng họ sẽ phải trả giá đắt cho hành động của mình. Hiện tại, cuộc tấn công vào Israel sẽ được nhiều người Israel và Palestine coi là một chiến thắng dành cho Hamas. Bởi tổ chức này yếu hơn Israel rất nhiều, nên khả năng tấn công của họ – và với mức độ thương vong lớn như vậy – là rất ấn tượng, ngay cả khi phản ứng của Israel còn tàn khốc hơn nhiều. Israel đang ưu tiên răn đe, không chỉ để ngăn Hamas tấn công, mà còn để chống lại Hezbollah, Iran, và các đối thủ khác, vì các nhà lãnh đạo của nước này tin rằng điểm yếu trên một mặt trận sẽ lan sang các mặt trận khác.
Khi Israel đối đầu với Hezbollah vào năm 2006, việc Hezbollah tiếp tục tấn công và giết chết hơn 100 người Israel đã gửi đi thông điệp rằng nhóm này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho Israel, ngay cả khi cuối cùng Hezbollah và Lebanon phải chịu nhiều thiệt hại hơn. Israel đã chật vật suốt nhiều năm để khôi phục khả năng răn đe chống lại Hamas, và họ vẫn tiếp tục lo lắng – với lý do chính đáng – rằng họ đang thất bại.
Ngoài các cuộc không kích đáp trả, phản ứng của Israel có thể liên quan đến các chiến dịch mặt đất quan trọng ở Gaza. Trong quá khứ, Israel đã đúng khi thận trọng xem xét các chiến dịch mặt đất, bất chấp lời kêu gọi của một số nhà lãnh đạo nước này nhằm giải quyết vấn đề Hamas một lần và mãi mãi. Trước đây, tính chất hạn chế hơn của xung đột đã cho phép các nhà lãnh đạo thận trọng như Netanyahu có thể duy trì áp lực kinh tế và các cuộc không kích, giảm thiểu rủi ro cho binh lính Israel.
Tuy nhiên, quy mô của cuộc tấn công mới nhất của Hamas tạo ra áp lực rất lớn cho Israel nhằm cố gắng loại bỏ tổ chức này khỏi Gaza – vốn là một nhiệm vụ gần như bất khả thi vì Hamas có nền tảng kinh tế, tôn giáo, và xã hội sâu sắc ở khu vực này. Chí ít, các nhà lãnh đạo Israel sẽ cảm thấy áp lực khi phải đạt được thành công cụ thể, chẳng hạn như thông qua các vụ giết hại hoặc bắt giữ các lãnh đạo cấp cao của Hamas, cũng như qua các dấu hiệu rõ ràng và trực quan khác để cho thấy Israel đang trả thù. Hamas cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và dân thường Gaza chắc chắn sẽ phải trả giá đắt.
Daniel Byman và Alexander Palmer
Nguyên tác : "What You Need to Know About the Israel-Hamas Violence," Foreign
Nguyễn Thị Kim Phụng thực hiện
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 10/10/2023
Daniel Byman là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và là giáo sư tại Trường Quan hệ Đối ngoại của Đại học Georgetown. Cuốn sách mới nhất của ông là "Spreading Hate : The Global Rise of White Supremacist Terrorism."
Alexander Palmer là cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.