Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/10/2023

Điểm báo Pháp - Israel và cái bẫy cận chiến đô thị

RFI tiếng Việt

Cuộc chiến tranh thứ năm của Israel và chiếc bẫy cận chiến đô thị

Les Echos ngày 16/10/2023 nhận định "Cuộc chiến tranh thứ năm của Israel đã bắt đầu". Chiến tranh đô thị là cơn ác mộng cho các quân đội chính quy vì khó khăn nhất và cũng đẫm máu nhất. Bối cảnh thành thị mang lại lợi thế cho quân phòng thủ, nhưng nếu không mở chiến dịch tấn công trên bộ, quân đội Israel không thể tiêu diệt được Hamas.

israel1

Hai quân nhân Israel hôn nhau tại một nhà ga xe lửa ở Ashkelon, miền nam Israel, ngày 16/10/2023, trong bối cảnh quân đội sắp mở chiến dịch trả đũa quân khủng bố Hamas. Reuters – Ilan Assayag

Tấn công Gaza, quân đội Israel đối mặt với nhiều khó khăn

Một sĩ quan cao cấp Pháp nhắc lại việc tái chiếm Mosul ở Iraq từ Daesh (tổ chức Nhà nước Hồi giáo) kéo dài đến 9 tháng, khiến hơn nửa triệu người phải sơ tán. Tại Mosul, thành phố lớn thứ nhì Iraq có 1,5 triệu dân, trận đánh tập trung vào bờ tây sông Tigre. Dù có Không quân của liên minh quốc tế yểm trợ, nhưng phải huy động đến 100.000 lính bộ binh Iraq mới trừ khử được 13.000 quân thánh chiến tại đây. Hàng ngàn thường dân thiệt mạng do bom của đồng minh và bị Daesh sát hại, vì quân khủng bố nhất quyết cản trở họ di tản để dùng làm bia đỡ đạn.

Và Mosul vẫn tương đối thoáng so với địa hình như mê cung của Gaza. Trên lý thuyết, bên công phải đông gấp ba so với bên thủ trên chiến trường mở, nhưng ở đô thị phải gấp mười. Thế nhưng Hamas có khoảng 40.000 tay súng, và tương quan lực lượng chưa hẳn nghiêng về phía Israel, vì họ còn phải duy trì lực lượng ở miền bắc và West Bank (Cisjordanie) để đánh trả Hezbollah.

Grozny, Mariupol, Bakhmut, Fallujah, Mosul... Tiếc thay chiến tranh ngày càng diễn ra nhiều hơn trong thành phố. Lợi thế của một quân đội chính quy sở hữu vũ khí và công nghệ hầu như không còn nữa trước cách đánh du kích (Hamas, Daesh, mafia và các nhóm vũ trang) giấu mình trong đô thị. Theo nhà nghiên cứu Thibault Fouillet, phải mất rất nhiều thời gian. "Không gian thu hẹp, đe dọa đến từ nhiều hướng - những tay bắn tỉa trốn trong các tầng nhà, các ngả đường bị đặt mìn, chất nổ giấu trong nhà dân, bẫy rập dưới lòng đất... tất cả làm bộ binh phải tiến chậm".

Chiến tranh đô thị : Chiếc bẫy đáng sợ

Tất cả chuyên gia quân sự đều khẳng định chiến tranh đô thị là chiếc bẫy tử thần. Chưa kể ngoài số con tin, Hamas còn bất chấp luật lệ quốc tế, không cho thường dân Palestine di tản, giữ họ làm lá chắn sống. Dù vậy, quân đội Israel không thể chỉ tiến hành không kích. Hiện Tsahal đang "dọn sân" bằng cách oanh tạc để thanh lọc từng khu phố. Cần phải phá hủy các trục hậu cần, sở chỉ huy, san bằng những chướng ngại vật thiên nhiên và lô cốt.

Ở Gaza, khó khăn là từ không trung phải phát hiện được những kho vũ khí và mạng lưới địa đạo cùng khắp. Chuyên gia Marc Chassillan nhớ lại, lần đầu tiến vào năm 2009, quân đội Israel chia Gaza làm nhiều khu vực, ngăn trở việc di chuyển và liên lạc từ khu này sang khu khác, và nhắm vào mỗi khu từ trên không, trên biển và lực lượng đặc biệt. Thibaut Fouillet nhấn mạnh, cần có kỹ năng hiệp đồng tác chiến phức tạp.

Không quân yểm trợ bộ binh, bắn những hỏa tiễn có thể chui xuống lòng đất. Pháo binh phải liên tục bảo vệ bộ binh và công binh. Không có việc cho những đoàn xe tăng Merkava nối đuôi trên các trục lộ vì Gaza đầy mìn. Loại xe xúc chống đạn nổi tiếng Cat D9 phải tạo ra những hàng lang xuyên qua các tòa nhà. Cũng cần một lượng lớn drone để thám sát phía sau những bức tường. Radar, cảm ứng, thiết bị nghe lén, camera phải được huy động ; trực thăng sẵn sàng hạ các tay bắn tỉa ; phát hiện lối vào địa đạo... trong lúc Hamas rình rập ở mọi góc phố. Các phương tiện và 300.000 quân dự bị được huy động theo ông Thibaut Fouillet là xứng tầm, tuy nhiên chiến dịch phải kéo dài nhiều tháng.

Lịch sử Nhà nước Do Thái với nhiều vụ bắt con tin

Ngược dòng lịch sử, Le Monde nói về "Bắt con tin, dấu ấn trong lịch sử Israel". Từ cuối thập niên 60, một loạt các vụ khủng bố, cướp máy bay, bắt con tin đã xảy ra, nhắm vào Nhà nước Do Thái. Một trong những vụ kịch tính nhất được tờ báo nêu ra là ở Thế vận hội Munich năm 1972. Nước Đức lúc đó muốn xóa đi hình ảnh Thế vận hội Berlin năm 1936 do Hitler tổ chức, muốn mở ra một kỷ nguyên mới. Các cuộc tranh tài được bảo vệ bởi "những người gìn giữ hòa bình Olympic" mặc đồng phục xanh, không vũ khí.

Đoàn vận động viên và đại biểu Israel rất ngạc nhiên khi không được bảo vệ như yêu cầu, ai cũng có thể xâm nhập vào làng thế vận. Toán khủng bố Tháng Chín Đen mặc đồ thể thao để cải trang còn được các vận động viên Canada giúp sức vượt qua bức tường cao 2 mét. Vụ bắt con tin kết thúc với 9 vận động viên Israel thiệt mạng và 8 kẻ khủng bố bị tiêu diệt. Bốn ngày sau, Israel trả đũa bằng chiến dịch "Cơn phẫn nộ của Thượng Đế" làm hơn 200 người chết.

Cuộc chiến tranh thứ năm của Israel đã bắt đầu

Les Echos nhận định "Cuộc chiến tranh thứ năm của Israel đã bắt đầu", sau chiến tranh giành độc lập 1948, chiến tranh Suez 1956, cuộc chiến Sáu Ngày 1967, chiến tranh Kippur 1973. Khác với những vụ đối đầu lâu nay ở Dải Gaza, cuộc chiến lần này sẽ để lại vết hằn sâu sắc.

Chưa bao giờ có nhiều người Do Thái như thế bị thảm sát chỉ trong một ngày, kể từ Shoah (Đức quốc xã diệt chủng người Do Thái). Và nguy cơ mở rộng xung đột hiển hiện : ở mặt trận phía bắc với Hezbollah, một cuộc chiến intifada thứ ba ở Cisjordanie, và cũng có thể với Iran. Hamas đã biến thành Daesh, và chỉ muốn Nhà nước Do Thái biến mất vĩnh viễn. Về phía Israel, trách nhiệm của thủ tướng Benjamin Netanyahou là đã không thấy được mối đe dọa từ Hamas, coi vấn đề Palestine là thứ yếu, làm chia rẽ xã hội thông qua dự định cải cách Tòa án Tối cao.

Thế lưỡng nan của Israel hiện nay, buồn thay, rất đơn giản : Làm thế nào đáp trả sự kiện gây chấn thương cho toàn quốc, cộng với ký ức bi thảm, mà không làm mất đi thiện cảm ? Khi hành động vô cùng man rợ, Hamas đã ngăn cản mọi ý định xích gần lại không chỉ giữa người Do Thái với người Palestine, mà còn giữa Israel và thế giới Ả Rập trong nhiều thế hệ. Vụ khủng bố ngày 07/10 là sự thọc gậy bánh xe của Hamas (và phía sau là Iran) đối với hiệp định Abraham, vào ý định được nói rõ của Saudi Arabia là bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái.

Giấc mơ hòa bình xa vời hơn bao giờ hết

Israel không nên rơi vào cái bẫy này. Trong đàm phán Oslo, thủ tướng thời đó là Yikzhak Rabin từng nói : "Cần phải tiếp tục thương lượng hòa bình với người Palestine như không hề có bọn khủng bố, và chiến đấu với bọn khủng bố như không có thương lượng hòa bình".

Trong cuộc chiến lần này, Israel lại có được đồng minh nặng ký là Hoa Kỳ. Từ ngày 07/10, Mỹ quay lại với Trung Đông với ý định xóa nhòa sự yếu đuối của Obama và ảo tưởng của ông Trump. Hamas đã "thành công" khi làm người Israel gắn kết lại với nhau và khiến Washington xích gần với Jerusalem. Còn người dân Palestine sau khi bị những lãnh đạo lịch sử phản bội, nay bị quân thánh chiến dùng làm bia đỡ đạn.

Trong tiến trình Oslo, có những cuộc mật đàm ở Paris, và tác giả bài viết của Les Echos từng có mặt trong một số cuộc. Trong ngày, hai bên Israel và Palestine bất đồng về tất cả, nhưng đến tối, họ ôm vai chia tay nhau như những người anh em. Nay đó chỉ là mơ, một không khí như vậy không thể tìm lại được rất lâu nữa, và có thể là không bao giờ, chủ trương của hai bên cách xa chưa từng thấy. Israel sẽ là người chiến thắng, nhưng trong tình trạng như thế nào ?

Thế giới hôm nay tàn bạo hơn

Nhìn chung, Le Figaro nhận thấy "Thế giới trở nên tàn bạo". Vụ khủng bố quy mô của Hamas - làm 1.300 người chết và 3.400 người bị thương chỉ trong một ngày -  chứng tỏ bạo lực đã dữ dội hơn và thay đổi tính chất. Nỗi kinh hoàng chưa từng thấy tại một vùng đất vốn đã quen với xung đột, hình ảnh các nạn nhân bị hành hạ, sỉ nhục, sát hại bị tung lên mạng xã hội.

Cũng như quân khủng bố trong vụ 11 tháng Chín, Hamas muốn mở ra một chu kỳ bạo động và thù hận, nhằm nghiền nát Israel và những người ủng hộ. Kế hoạch được lên một cách hoàn hảo : kinh ngạc và phẫn nộ, dân chúng Israel gây áp lực lên các chính khách và giới quân sự ; quân đội tấn công vào Dải Gaza sẽ là thảm họa cho các con tin cũng như 2,3 triệu người Palestine. Mục tiêu phá hoại nỗ lực hòa bình ở Trung Đông đã đạt được.

Thế kỷ 20 đã khởi đầu việc sát hại thường dân nhân danh ý thức hệ. Nhưng các nhà nước tìm cách che giấu tội ác, như Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn chối cãi việc diệt chủng người Armenia, hay Đức quốc xã phá hủy những phòng hơi ngạt và trại tập trung người Do Thái. Sang thế kỷ 21, thảm sát không còn là độc quyền của các nhà nước và còn là mục tiêu hàng đầu, được dàn cảnh, quay phim và phát tán trên mọi châu lục qua các mạng xã hội.

Bạo lực, công cụ của độc tài để thống trị

Những kẻ gieo rắc kinh hoàng không ngần ngại vỗ ngực xưng tên, sử dụng như vũ khí tuyên truyền và công cụ tuyển quân. Chẳng hạn ngoài Hamas có thể kể Vladimir Putin ở Ukraine, hay Azerbaijan ở Thượng Karabakh.

Bạo lực cực độ còn được công nghệ hỗ trợ, các chế độ độc tài dùng để chống lại thế giới dân chủ và cấu trúc lại trật tự thế giới. Cũng như Ukraine, Israel chỉ có các nước dân chủ đứng về phía mình, trong khi vụ khủng bố Hamas được ủng hộ công khai hoặc ngấm ngầm bởi Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc và một số nước "phương Nam".

Theo Les Echos, đã đến lúc các quốc gia tự do đoàn kết lại để ngăn chặn bạo lực. Ở trong nước, cần tái lập độc quyền nhà nước trong việc sử dụng chính đáng vũ lực. Đối với bên ngoài, phải ngăn chặn một cách hiệu quả các chế độ toàn trị và thánh chiến. Riêng Châu Âu, sau khi đưa thế giới vào chiến tranh trong thế kỷ 20, nay phải chịu đựng chiến tranh, không còn nhiều thời gian để tuyên chiến với bạo lực - không bằng hận thù mà bằng sự khôn ngoan và quyết tâm.

Thêm một giáo viên bị Hồi giáo cực đoan sát hại, Pháp muốn siết chặt luật nhập cư 

Trang nhất các báo Paris hôm nay được dành cho vụ khủng bố ở Arras miền bắc nước Pháp. Le Monde chạy tựa "Bọn khủng bố lại tấn công vào trường học". Le Figaro nhận thấy "Giáo chức trên tuyến đầu trước khủng bố Hồi giáo", Les Echos chạy tít "Nước Pháp trong tình trạng báo động". Với hình ảnh người dân nghiêm trang tưởng niệm thầy giáo Dominique Bernard bị sát hại, La Croix khẳng định "Đối mặt", Libération kêu gọi "Đoàn kết". 

Les Echos nhận định, đúng ba năm sau khi thầy giáo Samuel Paty bị một kẻ Hồi giáo cực đoan giết một cách dã man ngay trước trường học, giờ đây cần hành động chứ không chỉ lời nói. Đối với các giáo viên trường Gambetta ở Arras, nạn nhân cũng có thể là họ. Có những vụ khủng bố ly kỳ như Charlie Hebdo, Bataclan… nhưng lần này đáng sợ vì sự đơn giản của nó. Một thành phố trung bình, một trường học như những trường khác, một giáo viên bình thường bị một kẻ trong danh sách theo dõi của cảnh sát đâm chết. Ai có thể cảm thấy an toàn được, trong khi cuộc chiến Israel-Hamas chỉ mới bắt đầu ? Những người thân cận tổng thống Emmanuel Macron đòi hỏi luật nhập cư cứng rắn hơn.

Tương tự, Le Monde nhắc lại, hung thủ Mohammed dù trong danh sách đen vẫn không thể bị trục xuất vì vào Pháp lúc chưa đến 13 tuổi. Điều luật này cần phải sửa. Le Figaro nhấn mạnh, vụ thảm sát thứ hai "ngay trước những cặp mắt cận thị của chúng ta" cho thấy không hề là sự tình cờ, mà cỗ máy giết người đã vận hành từ lâu. La Croix kể ra : họa sĩ, cảnh sát, quân nhân, người Do Thái, linh mục, người yêu nhạc, công dân bình thường những năm gần đây đã là nạn nhân của "thánh chiến". Tờ báo đồng tình trước đòi hỏi giữ an ninh cho 60.000 trường học và đặt lại vấn đề trục xuất những người không giấy tờ có hành động nguy hiểm cho xã hội.

Nô lệ của mafia Trung Quốc tại Miến Điện

Phóng sự Le Figaro nói về tình trạng nở rộ những trung tâm lừa đảo trên mạng, bị mafia Trung Quốc kiểm soát bằng bàn tay sắt. Theo Liên Hiệp Quốc, ít nhất 120.000 người bị ép buộc phải lừa tiền của cư dân mạng Hoa lục, các nước Châu Á và cả phương Tây, bằng cách sử dụng các danh khoản giả trên mạng xã hội. Tờ báo nêu ra trường hợp của Emmanuel Isabirye ở Uganda, bị nhốt suốt 10 tháng trong "KK Park" được những người vũ trang canh gác, ở một thành phố Miến Điện gần biên giới Thái Lan. Anh đã bị bán sang tay ba lần với giá 5.000 đô la. Ở Miến Điện, chống buôn người rất khó khăn vì cuộc nội chiến.

Chau Dinh, nhà tâm lý thuộc hiệp hội Blue Dragon của Việt Nam, cho biết tất cả các nạn nhân giải cứu được đều mang dấu vết bị hành hạ, từ những vết bầm cho đến gãy xương, chấn thương tâm lý, phụ nữ bị hãm hiếp. Thu nhập của mafia Trung Quốc từ kỹ nghệ lừa đảo này tương đương với tổng sản phẩm nội địa của một số quốc gia trong khu vực.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 158 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)