Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/10/2023

Kiev lo sợ phương Tây giảm sự giúp đỡ chống lại quân Nga

RFI tổng hợp

Tổng thống Biden khẳng định Mỹ "không bỏ rơi" Ukraine

Thanh Hà, RFI, 02/10/2023

Chính quyền Mỹ đang ra sức trấn an Ukraine. Sau khi Hạ Viện từ chối thông qua gói viện trợ mới 24 tỷ đô la cho chính quyền Kiev, tổng thống Joe Biden hôm Chủ Nhật 01/10/2023 nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ "không bỏ rơi" Ukraine. Nhà Trắng cho biết thêm đã đạt được với chủ tịch Hạ Viện Mỹ về một "dự luật riêng" liên quan đến các khoản viện trợ cho Ukraine. Kiev xác nhận bộ Quốc Phòng Mỹ cam kết tiếp tục các chương trình đào tạo cho quân nhân Ukraine.

uk1

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, ngày 01/10/2023. AP - Manuel Balce Ceneta

rong cuộc họp báo hôm 01/09/2023, tổng thống Mỹ Biden giải thích là đảng Cộng hòa cam kết tiếp tục yểm trợ Ukraine bằng cách sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu riêng, liên quan đến viện trợ quân sự cho Kiev, và trong "mọi trường hợp" viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine "không bị gián đoạn".

Tại Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định "không gì làm suy yếu công cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Nga". Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraine, Rustem Umerov, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, cho biết đồng nhiệm Mỹ, tướng Lloyd Austin đã trấn an là các chương trình đạo tạo cho binh sĩ Ukraine sẽ tiếp diễn và Ukraine vẫn được Hoa Kỳ "yểm trợ mạnh mẽ trên các mặt trận".

Báo chí chính thức của Nga hài lòng trước những dấu hiệu rạn nứt về quyết tâm hỗ trợ Ukraine của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ, cũng như kết quả bầu cử lập pháp ở Slovakia hôm 01/10/2023 với thắng lợi của phe thân Nga.

Thông tín viên Anissa El Jabri từ Moskva tường thuật :

"Ngay từ sáng Chủ Nhật, truyền thông Nga đã bày tỏ sự hài lòng với kết quả bầu cử Slovakia, và nhất là trước ‘chiến thắng của đảng chống lại việc gửi vũ khí sang Ukraine’. Trên đây là những hàng tựa lớn của báo chí Moskva sáng nay, 02/10.

Một số báo nhấn mạnh nhiều vào sự chia rẽ trong khối Châu Âu. Báo Kommersant khẳng định ‘Slovakia có thể trở thành một vấn đề lớn thách thức sự đoàn kết của Liên Âu’. Những tờ báo chính thức khác cũng tập trung nhiều vào thời sự Hoa Kỳ. Tờ Konsomolskaya Pravda đắc thắng chạy tựa : Mỹ ‘không bỏ một xu cho Ukraine’. Còn báo Vesti đi xa hơn khi cho rằng ‘dân Mỹ vất bỏ những gì không quan trọng đối với họ : đó là Ukraine’.

Thời sự trong hai ngày cuối tuần cho phép xác nhận những định kiến đã bắt rễ sâu trong hàng ngũ tinh hoa ở Nga và trong suy nghĩ của Vladimir Putin. Đó là cùng với thời gian, các nền dân chủ phương Tây dễ bị tổn thương trước những mối chia rẽ. Điều đó minh chứng cho kế hoạch B của một cuộc chiến tiêu hao đang diễn ra tại Ukraine. Moskva câu giờ và khai thác tất cả những dấu hiệu để lộ điểm yếu của phương Tây". 

Cuộc họp "lịch sử" cấp ngoại trưởng Liên Âu tại Kiev 

Để khẳng định tình đoàn kết và quyết tâm của toàn khối sát cánh với Ukraine trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, hôm nay ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại thủ đô Kiev. Đây cũng là một cử chỉ mang tính biểu tượng mạnh mẽ vào lúc Ukraine đang nỗ lực vận động để được gia nhập khối này.

Đến Kiev sáng nay, ngoại trưởng Pháp, Catherine Colonna tuyên bố Nga chớ ảo tưởng rằng Liên Hiệp Châu Âu sẽ "mệt mỏi" vì chiến tranh Ukraine. Triệu tập một cuộc họp tại một quốc gia ngoài khối là một "động thái ngoại giao mạnh mẽ" thể hiện quyết tâm của khối này đứng về phía Ukraine một cách "lâu dài" và Ukraine là một "thành viên của đại gia đình Châu Âu". Tuy nhiên, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell lưu ý là cuộc họp tại Kiev sẽ không đưa ra bất kỳ một quyết định cụ thể nào", bởi đây chỉ là một cuộc "thảo luận không chính thức"

Thanh Hà

***************************

Hai vố đau cho Ukraine : Đảng thân Nga sắp nắm quyền tại Slovakia và viện trợ bị ngăn chặn tại Hoa Kỳ

Trọng Nghĩa, RFI, 02/10/2023

Trong cuộc chiến chống Nga kéo dài từ tháng 02/2022, Ukraine đã có thể trông đợi vào sự giúp đỡ cực kỳ hào phóng của đồng minh Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt trong lãnh vực vũ khí. Thế nhưng, trong ngày 30/09/2023, Kiev đã liên tiếp bị hai vố đau, với hai sự kiện không liên quan gì đến nhau nhưng lại có thể cùng chung hệ quả : giảm bớt nguồn chi viện vũ khí mà Ukraine rất cần để đánh lại Nga.

uk2

Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ Viện Mỹ, trả lời báo giới, tại Washington, ngày 29/09/2023. Reuters – Jonathan Ernst

Vố đau đầu tiên và có thể được cảm nhận rõ nhất đến từ Washington, với sự kiện Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ ngày 30/09/2023 đã cấp tốc thông qua một biện pháp khẩn cấp nhằm giúp chính quyền Mỹ tránh được tình trạng bị tê liệt vì không còn ngân sách vận hành kể từ ngày 01/10.

Văn bản được Quốc hội Mỹ thông qua quy định rằng chính quyền Mỹ tiếp tục được tài trợ để hoạt động, nhưng chỉ tạm thời trong 45 ngày. Để đạt được thỏa thuận đó, trước thái độ khăng khăng của một vài dân biểu cực đoan trong đảng Cộng hòa, không chấp nhận ghi vấn đề viện trợ cho Ukraine vào ngân sách, đảng Dân chủ cũng như Nhà Trắng đã phải đồng ý loại bỏ khỏi thỏa thuận các khoản viện trợ tài chính và quân sự mới cho Ukraine để cho văn kiện được thông qua.

Bị loại bỏ trong luật tài chính tạm thời, liệu các khoản viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine có được thông qua bằng ngả khác hay không ? Trong những ngày sắp tới, một dự luật riêng biệt sẽ được đệ trình, dự trù cấp thêm cho Kiev 24 tỷ đô la viện trợ quân sự và nhân đạo.

Vấn đề sẽ lại được đặt ra một lần nữa với nhóm dân biểu cực đoan trong đảng Cộng hòa thuộc giới đi theo cựu tổng thống Trump, vốn đã thề quyết là sẽ ngăn chặn bất kỳ khoản viện trợ mới nào cho Ukraine, cho rằng những khoản tiền này nên dùng cho việc quản lý cuộc khủng hoảng di cư ngay tại Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là liệu nhóm dân biểu này có đủ sức bác bỏ dự luật riêng biệt đó hay không.

Tình hình đối với Ukraine còn phức tạp hơn nữa trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy vừa qua tại Quốc hội Hoa Kỳ còn cho thấy là một số người trong đảng Dân chủ cũng sẵn sàng "hy sinh" Ukraine.

Ngoài ra, Kiev cũng lo ngại trước nguy cơ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, một người từng ca ngợi Vladimir Putin và không mặn mà lắm với Ukraine, trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử vào cuối năm 2024 và thay đổi thái độ của Washington đối với Kiev.

Vố đau thứ hai đối với Ukraine chính là việc đồng minh Slovakia có thể thay đổi thái độ sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 30/09 vừa qua.

Tại nước láng giềng này, đảng dân túy cánh tả Smer-SD đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp. Dưới quyền lãnh đạo của cựu thủ tướng Robert Fico, đảng nổi tiếng là thân Moskva đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng Slovakia sẽ không gửi "hy sinh"một viên đạn nào" tới Ukraine và kêu gọi quan hệ tốt hơn với Nga.

Theo một số nhà phân tích, một khi lên cầm quyền, chính phủ Fico có thể thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại của Slovakia. Báo Pháp Le Monde nhận xét : Toàn bộ chiến dịch tranh cử của ông Fico trong thời gian qua đã dựa trên những hứa hẹn điều chỉnh chính sách đối ngoại của quốc gia Trung Âu này đi theo đường lối của nước láng giềng Hungary, từ việc "từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine" vì điều đó "chỉ kéo dài xung đột", cho đến phản đối "các lệnh trừng phạt gây hại cho Châu Âu hơn là Nga" hoặc "bình thường hóa quan hệ" với Moskva.

Dù ông Fico đảm bảo rằng ông vẫn muốn Slovakia tiếp tục là thành viên của Liên Âu và NATO, nhưng việc ông trở lại nắm quyền có khả năng chấm dứt chính sách thân Ukraine của chính phủ sắp mãn nhiệm, một chính sách đã đi xa đến mức sẵn sàng cung cấp MiG-29 của quân đội Slovakia cho Ukraine.

Trọng Nghĩa

************************

Slovakia : Thủ tướng tương lai tái khẳng định chủ trương không cấp vũ khí cho Ukraine

Trọng Nghĩa, RFI, 02/10/2023

Tại Slovakia, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội của đảng Smer-SD, vào hôm nay 02/10/2023, lãnh đạo đảng này là cựu thủ tướng Robert Fico đã được tổng thống Zuzana Caputova trao quyền thành lập chính phủ mới. Là người nổi tiếng thân Moskva và chống lại việc chi viện quân sự cho láng giềng Ukraine đang bị Nga xâm lược, ngay từ hôm qua, Robert Fico, người gần như chắc chắn sẽ trở lại làm thủ tướng Slovakia, đã không ngần ngại tái khẳng định các chủ trương được cho là thân Nga.

uk3

Lãnh đạo đảng Smer-SSD Robert Fico (G) phát biểu trong cuộc họp báo tại Bratislava sau cuộc bầu cử Quốc hội Slovakia, ngày 01/10/2023. Reuters – Radovan Stoklasa

Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với các nhà báo vào hôm qua sau khi có kết quả rõ rệt về chiến thắng của đảng Smer-SD, ông Robert Fico đã khẳng định ngay : "Đất nước và người dân Slovakia có những vấn đề quan trọng hơn là quan hệ với Ukraine".

Là người đã vận động tranh cử với những lời kêu gọi cải thiện quan hệ với Nga, đồng thời cam kết đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine, với khẩu hiệu gây sốc - "không một viên đạn nào cho Ukraine", nhân vật này cho biết quan điểm của ông "không thay đổi".

Theo ông Fico, lập trường của đảng Smer-SD là "sẵn sàng giúp đỡ Ukraine về mặt nhân đạo… sẵn sàng giúp đỡ việc tái thiết Nhà nước", nhưng không sẵn sàng trang bị vũ khí cho Ukraine.

Theo nhật báo Anh The Guardian, lập trường thân Moskva của người được chỉ định lập chính phủ Slovakia, đã làm dấy lên lo ngại là ông sẽ cùng với thủ tướng Hungary Viktor Orban, môt lãnh đạo thân Nga khác, thách thức sự đồng thuận của Liên Hiệp Châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine.

Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 30/09 vừa qua, đảng cánh tả Smer-SD đã về đầu, giành được tổng cộng 42 trên tổng số 150 ghế dân biểu. Để thành lập chính phủ, đảng này có thể liên minh với đảng trung tả Hlas-SD, có 27 ghế trong Quốc hội mới, và đảng cực hữu SNS có 10 ghế. Liên minh của ba đảng này như vậy sẽ chiếm được 79 ghế, đủ đa số để cầm quyền.

Chính quyền Kiev dĩ nhiên rất lo ngại trước việc một người thân Moskva lên cầm quyền tại một nước cho đến nay đã tích cực hỗ trợ cho cuộc chiến chống Nga. Slovakia thuộc diện các nước tài trợ nhiều nhất cho Ukraine, tính theo tỷ lệ với GDP.

Phản ứng sau chiến thắng của đảng thân Nga Smer SD trong cuộc bầu cử Quốc hội Slovakia, ngoại trưởng Ukraine vào hôm nay đã tỏ thái độ rất thận trọng, tuyên bố "tôn trọng sự lựa chọn của người dân Slovakia", đồng thời cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán về tương lại quan hệ giữa hai nước.

Trọng Nghĩa

***************************

Slovakia : Đảng thân Nga giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội

Trọng Nghĩa, RFI, 01/10/2023

Theo kết quả kiểm phiếu gần như là đầy đủ, đảng dân túy Slovakia Smer-SD, phản đối viện trợ cho Ukraine, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vào hôm qua 30/09/2023 ở Slovakia. Lãnh đạo đảng này cựu thủ tướng Robert Fico có nhiều triển vọng trở lại nắm quyền.

uk4

Cựu thủ tướng Slovakia Robert Fico (thứ hai từ trái qua) mừng chiến thắng của đảng Smer-SD trong cuộc bầu cử lập pháp hôm 01/10/2023, tại Bratislava. AFP – Tomas Benedikovic

Theo hãng tin Anh Reuters, kết quả của 99,98% phiếu đã kiểm cho thấy là đảng Smer-SD của ông Robert Fico đã giành được 22,94% phiếu bầu, dẫn trước đảng Tiến Bộ Slovakia thuộc cánh trung, chỉ được 17,96% cử tri ủng hộ. Về thứ ba là đảng trung tả Hlas, được 14,70% số phiếu.

Cựu thủ tướng cánh tả Robert Fico, người được tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ, nhờ đó đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử lập pháp này. Nhưng không có đa số tuyệt đối, ông sẽ phải tìm đồng minh để thành công trong việc thành lập chính phủ.

Cuộc bỏ phiếu ở đất nước 5,4 triệu dân này, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, được coi là mang tính quyết định, để biết liệu Slovakia có thể tiếp tục con đường thân phương Tây hay hướng nhiều hơn về phía Nga.

Vào lúc Slovakia cho đến nay là một trong những nước ủng hộ chính của Ukraine thì đảng Smer-SD theo chủ nghĩa dân túy, có thiện cảm nhiều hơn với nước Nga của Vladimir Putin và không giấu giếm ý định hủy bỏ các khoản viện trợ cho nước láng giềng đã bị Nga xâm lược từ tháng 2 năm 2022.

Theo thông tín viên RFI Alexis Rosenzweig, phụ trách khu vực, thì ông Robert Fico, người có nhiều triển vọng nhất để trở lại nắm quyền tại Slovakia, bị coi là một "Viktor Orban thứ hai", thân thiện với Moskva và phản đối mọi viện trợ cho Kiev. Từ Praha, Thông tín viên RFI tường trình :

"Vào sáng hôm nay, Chủ Nhật, đài truyền hình Slovakia rốt cuộc đã công bố kết quả chúng cuộc của cuộc bầu cử. Bất chấp nhiều vụ tham nhũng khác nhau và tiếng tăm không mất tôt, ông Robert Fico vẫn là người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu.

Đây là một sự trở lại nắm quyền rất rõ nét đối với người đã lãnh đạo chính phủ Slovakia trong mười năm và đã khẳng định trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ đình chỉ mọi viện trợ quân sự cho láng giêng Ukraine, một nước bị ông tố cáo là đã kích động chiến tranh vào năm 2014 và không muốn thấy gia nhập NATO.

Để thành lập một liên minh chính phủ, ông Robert Fico và đảng Smer-SD có thể đặc biệt tin tưởng vào đảng cực hữu, đảng từng liên minh với ông trong quá khứ, điều đã khiến ông tạm thời bị loại ra khỏi Đảng Xã Hội Châu Âu.

Đối với nhiều nhà phân tích, ông Fico là một "Viktor Orban thứ hai". Giống như thủ tướng Hungary, ông có lập trường còn hơn là thân thiện với Moskva".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Trọng Nghĩa
Read 211 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)