Xung đột giữa Israel và Hamas đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, thế nhưng các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu thì vẫn phải chú tâm đến chiến tranh giữa Ukraine với Nga, bởi vì chi phí dành cho cuộc chiến tranh này ngày càng đè nặng lên ngân sách của Liên Âu và đang là bài toán đau đầu cho khối 27 nước.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel phát biểu với báo chí tại cuộc họp thượng đỉnh, Bruxelles, 26/10/2023. AP - Virginia Mayo
Cho dù hầu như toàn bộ vẫn ủng hộ Kiev, ngoại trừ Hungary và Slovakia, các nước thành viên Liên Âu đã để lộ những bất đồng khi xem xét ngân sách của khối này trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles hai ngày thứ 5 và thứ 6 tuần trước.
Trong bối cảnh ngân sách quốc gia ngày càng eo hẹp do kinh tế tăng trưởng chậm lại, không nước nào muốn chi tiêu nhiều hơn. Nhưng vấn đề là các nước thành viên Liên Âu phải cấp tốc đạt đồng thuận về ngân sách của khối cho giai đoạn 2024/2027, cụ thể là phải cố đạt được một thỏa thuận từ đây đến thượng đỉnh Liên Âu vào giữa tháng 12 tới. Thế mà, theo thú nhận của thủ tướng Estonia, được hãng tin AFP trích dẫn, lập trường giữa các nước thành viên Liên Âu còn rất khác biệt.
Bà Kaja Kallas cho biết : "Một số nước chủ trương là không nên chi tiêu thêm nữa mà nên bố trí lại những nguồn tài chính hiện có. Các nước khác thì cho rằng cần phải tăng thêm ngân sách vì chúng ta đang phải đối đầu với những khủng hoảng mới".
Đặc biệt, hai nước Hungary và Slovakia đã tỏ vẻ nghi ngại về việc gia tăng yểm trợ cho Ukraine. Hôm thứ Sáu vừa qua, thủ tướng Hungary Viktor Orban thậm chí cho rằng chiến lược của Liên Âu viện trợ tài chính và quân sự để giúp Kiev chống Nga "đã thất bại". Ông còn tuyên bố sẽ không thông qua đề nghị ngân sách mới của Liên Âu, bao gồm gói viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine. Về phần Slovakia, trước khi dự thượng đỉnh Châu Âu vào tuần trước, thủ tướng Robert Fico đã thông báo là nước nay sẽ ngưng viện trợ quân sự cho Kiev, với lý do là nạn tham nhũng tại Kiev quá trầm trọng, nên có nguy cơ viện trợ bị biển thủ. Nếu Hungary và Slovakia liên minh với nhau, các cuộc đàm phán về ngân sách Liên Âu tại thượng đỉnh tháng 12 tới sẽ càng thêm phức tạp.
Hôm 20/06 vừa qua, Ủy Ban Châu Âu đã yêu cầu các nước thành viên tăng thêm 66 tỷ euro cho ngân sách giai đoạn 2024/2027 để Liên Âu có thể đối phó với những khủng hoảng kể từ sau đại dịch Covid : Chiến tranh Ukraine và áp lực di dân, nay lại có thêm xung đột ở Trung Đông. Đồng thời Bruxelles đề nghị một gói viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine cho bốn năm tới. Theo dự kiến, gói viện trợ này sẽ bao gồm 17 tỷ euro trợ cấp và 33 tỷ euro cho vay, nhưng khoản cho vay này chưa được tính trong nguồn tài chính bổ sung cho ngân sách Châu Âu.
Chính chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng ghi nhận là những khủng hoảng hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách của Liên Âu, mà các nước thành viên cũng bị nhiều bó buộc. Nhưng bà nhấn mạnh gói viện trợ cho Ukraine sẽ là ưu tiên hàng đầu của khối 27 nước Châu Âu. Theo các số liệu do Ủy Ban Châu Âu công bố vào tuần trước, kể từ khi Nga xua quân xâm lược Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu đã viện trợ tổng cộng 83 tỷ euro cho Ukraine.
Ngoài Ukraine, Ủy Ban Châu Âu còn đề nghị tăng thêm 15 tỷ euro cho việc quản lý di dân, cũng là một ưu tiên đối với Liên Âu. Ngoài ra, 27 quốc gia thành viên còn được yêu cầu bỏ ra 10 tỷ euro để đầu tư vào những công nghệ của tương lai.
Ấy là chưa kể nhiều khoản chi tiêu khác để hạn chế tác động của việc tăng lãi suất của các khoản tiền đã vay trong khuôn khổ các kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid, để tăng lương cho các công chức Châu Âu, v.v…
Với nhiều khoản chi tiêu như vậy, các nước Liên Âu tìm đâu ra đủ tiền cho gói viện trợ 50 tỷ euro dành cho Ukraine ? Ngay từ đầu tháng 10, Thẩm kế viện Châu Âu đã báo động là với nợ của Liên Âu đã tăng đáng kể trong năm 2022, lên tới gần 350 tỷ euro, làm sao khối 27 nước có thể đưa các khoản viện trợ cam kết cho Ukraine vào một ngân sách đang chịu áp lực nặng nề như vậy ?
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 30/10/2023