Ba mươi năm sau Oslo, ai sẽ quản lý Gaza hậu Hamas ?
Theo Les Echos ngày 06/11/2023, bài diễn văn rất được chờ đợi của thủ lãnh Hezbollah cho thấy Iran không muốn để xảy ra chiến tranh với Israel. Le Figaro nhận thấy cuộc chiến chỉ mới bắt đầu, tương lai của Dải Gaza đã được bàn đến, nhưng xem chừng quản lý Gaza hậu Hamas còn khó khăn hơn cả tiêu diệt lực lượng khủng bố này. Một nhà chính trị học nhắc nhở, thỏa thuận Oslo không quy định thành lập một Nhà nước Palestine.
Người dân Palestine tụ tập tại một địa điểm ở Deir Al-Balah thuộc Gaza sau trận oanh kích của Israel ngày 06/11/2023. Reuters - Stringer
Thông điệp của Hezbollah, "trận bão trong tách trà"
Les Echos chú ý đến "thông điệp của Hezbollah", qua bài diễn văn rất được chờ đợi của Hassan Nasrallah, thủ lãnh Hezbollah, vẫn giữ im lặng sau vụ thảm sát của Hamas hôm 07/10. Tờ báo mô tả : đường phố vắng lặng, trường học đóng cửa... người dân thấp thỏm lo sợ người đứng đầu đảng Hồi giáo Shia ở Lebanon do Iran giựt dây loan báo tham chiến chống Israel.
Rốt cuộc đã chẳng có gì, trang web L'Express gọi là "trận bão trong tách trà". Trước hàng ngàn người ủng hộ ở ngoại ô phía nam Beyrut, đám đông nam nữ đứng riêng theo Shia, Nasrallah ca ngợi 57 người "tử đạo" ở Nam Lebanon khi xung đột với quân đội Israel. Phát biểu trên màn hình lớn từ một địa điểm bí mật để tránh bị tiêu diệt, ông ta dùng công thức mơ hồ "mọi khả năng đều được mở ra", nhưng không hề nói đến chiến tranh với "kẻ thù si-on-nit".
Les Echos ghi nhận ba điểm quan trọng. Thứ nhất, Iran muốn đứng ngoài cuộc chiến : Nasrallah khẳng định vụ tấn công hôm đó "là kết quả của một quyết định 100 % Palestine, không liên quan đến hồ sơ nào của khu vực". Trong khi báo chí Lebanon cho biết đã có những cuộc họp chuẩn bị ở Beyrut với các đại diện Iran, ông ta nói rằng "cũng ngạc nhiên như tất cả mọi người".
Thứ hai, ông ta kêu gọi Hoa Kỳ giúp chấm dứt chiến tranh, đồng thời đe dọa hạm đội Mỹ được điều đến Địa Trung Hải. Khi nhắc khéo Washington về quân đội của ông ta với trên 150.000 rốc-kết và hỏa tiễn, Nasrallah tìm cách trở thành người đối thoại của Mỹ. Cuối cùng, thủ lãnh Hezbollah muốn gởi thông điệp đến Israel "sẽ là sai lầm tệ hại nhất nếu định tấn công vào Lebanon". Một nhà quan sát ở Beyrut bực tức khi "Nasrallah có thái độ như là nhân danh Lebanon". "Hezbollah mạnh thật, nhưng đại đa số dân Lebanon không muốn chiến tranh xảy ra ở miền nam". Tin tốt lành cho họ là Iran, kẻ thủ lợi nhiều nhất trong tình hình hiện nay, cũng chẳng muốn.
Dân chủ đã hạ vũ khí trước Hồi giáo cực đoan ?
Nhà sử học Georges Bensoussan và luật sư Thibault de Montbrial được Les Echos trích dẫn, lo ngại trước sự mù quáng của các nước dân chủ trước sự lớn mạnh của Hồi giáo cực đoan. Theo Thibault de Montbrial, cần phải chiến đấu cả về chính trị lẫn tư pháp, có chính sách nhập cư được kiểm soát chặt sau 50 năm thả lỏng. "Chúng ta buộc phải tham gia cuộc chiến của nền văn minh : kẻ thù đã quyết định rằng chúng ta là kẻ thù của họ […]. Chúng ta đã hạ vũ khí về tư tưởng".
Georges Bensoussan cảnh báo về chiếc bẫy của Hamas giăng ra. "Nếu Israel giáng trả sau ngày 07/10 sẽ bị dư luận quốc tế chỉ trích vì giết hại thường dân, còn nếu không trả đũa coi như đã chết về chính trị". Thủ tướng Benyamin Netanyahou không thể hưu chiến một khi Hamas "không thả các con tin" đang bị dùng làm "bia đỡ đạn". Nhưng ông nhìn nhận, như một vòng lẩn quẩn, việc Israel oanh kích sẽ "nuôi dưỡng thù hận".
Đánh đồng hung thủ và nạn nhân, trò chơi nguy hiểm
Nhìn chung, Les Echos nói về "Một trò chơi thăng bằng nguy hiểm" trong một thế giới mà dân chủ phải đối đầu với độc tài. Bối cảnh quốc tế năm 2023 đã thay đổi hẳn so với thời chiến tranh Iraq 20 năm trước. Putin năm 2023 không phải là Putin năm 2003, và Trung Quốc của Tập Cận Bình không hề giống với thời người tiền nhiệm.
Nếu nghe những phát biểu của một số người, như cựu ngoại trưởng Dominique de Villepin, có thể cho rằng nước Nga của Putin - đã chủ động tấn công các thành phố Ukraine làm hàng ngàn thường dân thiệt mạng - phải được đối xử như các nhà nước khác. Những "tội ác chiến tranh" của Israel đối với thường dân Gaza - nếu đúng là tội ác chứ không phải tự vệ chính đáng, chiến lược của Hamas luôn dùng người dân làm bia đỡ đạn - là kết quả trực tiếp của "tội ác chống nhân loại" mà phe khủng bố đã tiến hành ở miền nam Israel.
Trong khi những hình ảnh oanh tạc vào Dải Gaza dần xóa mờ đi các vụ thảm sát của Hamas, ý định đánh đồng giữa các bên trong thảm kịch là nguy hiểm. Về đối ngoại, là nguy cơ liên minh chặt chẽ giữa Nga và Iran ; về đối nội, là xung đột giữa các cộng đồng tại các nước như Pháp. Hamas không phải là Palestine, chính sách của Netanyahou không phải là quan điểm của mọi người Do Thái, và không phải người Do Thái nào cũng là người Israel. Hơn nữa, chỉ có chưa đầy 9 triệu người Do Thái trước hơn 1 tỉ người Hồi giáo.
Thỏa thuận Oslo không dự kiến thành lập Nhà nước Palestine
Quay lại với thỏa thuận Oslo ký cách đây 30 năm, nhân kỷ niệm vụ ám sát thủ tướng Yitzhak Rabin ngày 04/11/1995, nhà chính trị học Denis Charbit nhận định trên Les Echos một khi Hamas đã bị tiêu diệt, cần phải có một kế hoạch chính trị cho Gaza. Ông cho biết hiệp định trên đã làm dấy lên một làn sóng hy vọng, rằng rốt cuộc người Israel và người Palestine đã đóng góp cho hòa bình, gần như Pháp và Đức sau Đệ nhị Thế chiến. Nhưng thỏa thuận Oslo không dự kiến thành lập một Nhà nước Palestine bên cạnh Israel. Chủ tịch Yasser Arafat nhìn nhận Nhà nước Israel và thủ tướng Yitzhak Rabin công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện duy nhất của người dân Palestine.
Một điểm quan trọng nữa là Mỹ không hề đóng vai trò gì trong các cuộc mật đàm ở Oslo. Bản thân thỏa thuận cũng không phải là hiệp định hòa bình. Văn bản chỉ lập ra lịch trình, xác định các nguyên tắc thảo luận. Không có vấn đề Nhà nước Palestine hay vạch ra đường biên giới, số phận người định cư Do Thái, tình trạng Jérusalem... Hai bên chỉ chấp nhận rằng tất cả các chủ đề có thể được thảo luận. Có hai điểm chính : đôi bên cam kết không dùng bạo lực trong thời kỳ đàm phán, và nhất là lập chế độ tự trị kéo dài năm năm, bước đầu tại Dải Gaza và tại Jericho thuộc West Bank (Cisjordanie), trước khi mở rộng sang các thành phố khác.
Năm 2000, thủ tướng Ehud Barak muốn đẩy nhanh tiến trình để ký được thỏa thuận với Yasser Arafat tại Camp David, nhưng thất bại. Arafat khoe khoang đã không nhân nhượng bất cứ điều gì và Barak kết luận rằng không thể có được đối tác phía Palestine. Cuộc chiến Intifada (ném đá) thứ hai nổ ra vài tháng sau đó. Denis Charbit cho rằng kỳ hạn 5 năm đã tạo điều kiện cho phe cực đoan của cả hai bên phá hoại hy vọng hòa bình, nhất là vụ ám sát ông Rabin.
Các giải pháp cho Gaza không Hamas khi chiến tranh kết thúc
Những chiến binh của Tsahal hãy còn xa mới diệt được Hamas, nhưng các nhà ngoại giao Mỹ, Châu Âu và Ả rập đã cố gắng cùng với chính quyền Israel và Palestine phác thảo về Gaza trong tương lai. Le Figaro điểm qua các đề nghị. Trước hết là khả năng chính quyền Palestine kiểm soát trở lại Dải Gaza, mà ông Mahmoud Abbas, 88 tuổi, có vẻ nóng lòng chờ đợi. Hôm Chủ nhật Abbas đã tiết lộ một phần kế hoạch quản lý với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cứ như là không có việc chính quyền cùng với đảng của ông là Fatah bị Hamas đánh đuổi khỏi Gaza từ năm 2007. Thực tế chính quyền Abbas đã mất uy tín vì tham nhũng và kém hiệu quả.
Còn giải pháp triển khai một lực lượng đa quốc gia, gồm quân các nước Ả rập và Châu Âu ? Hiện chưa có chính phủ nào nói rằng sẵn sàng gởi quân, Joe Biden còn một năm nữa đến bầu cử tổng thống, không hề có ý định đưa bộ binh Mỹ đến Gaza. Có ý kiến đề nghị một khi Israel rút khỏi Dải Gaza, một liên minh năm nước Ả rập có quan hệ ngoại giao với Israel (Ai Cập, Jordan, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Morocco, Bahrein) sẽ bảo đảm về an ninh, trong đó Ai Cập là chủ chốt. Tuy nhiên, dường như các nước Ả rập không mấy hào hứng khi đưa cảnh sát đến một vùng đất vẫn bất an. Hay một lực lượng phối hợp giữa Ả rập-Palestine, được Saudi Arabia tài trợ ? Nhà cựu đàm phán Mỹ Aaron Miller dứt khoát : các nước Ả rập không đến Gaza để giết người Palestine.
Liên Hiệp Quốc có thể tạm thời giám sát ? Cuộc thảo luận đã bắt đầu và cần có sự đồng ý của 15 thành viên Hội đồng Bảo an. Sau khi Israel chỉ trích kịch liệt tổng thư ký Antonio Guterres vì đã tuyên bố rằng vụ tấn công khủng bố của Hamas hôm 07/10 là do "56 năm chiếm đóng", khó thể có việc Jerusalem chấp nhận cho triển khai lính mũ xanh tại Dải Gaza. Chuyên gia về Trung Đông Hussein Ibish cho rằng "sẽ không nước nào chịu nhận trách nhiệm giám sát những hoang tàn ở Gaza và chăm lo cho trên 2 triệu người Palestine nghèo khó". Một quân nhân Pháp chuyên quan sát tình hình tại đây nhận xét, ngược với mong muốn của Israel, "không có bên thứ ba nào đến để tái thiết và chiến đấu với quân nổi dậy còn tồn tại". Tóm lại, quản trị hậu Hamas ở Gaza là nhiệm vụ còn khó khăn hơn là tiêu diệt lực lượng khủng bố này.
Al-Jazeera : Vũ khí thông tin phục vụ Hamas
Trên lãnh vực truyền thông, Libération tố cáo "Al-Jazeera, vũ khí hủy diệt hàng loạt về thông tin phục vụ cho Hamas". Hoàn toàn thiên về Palestine và ca ngợi phong trào Hồi giáo, kênh truyền hình vệ tinh hàng đầu của thế giới Ả rập có phương tiện hùng hậu nhờ tài trợ của Qatar. Đây là một trong những cơ quan truyền thông hiếm hoi đưa tin trực tiếp từ Dải Gaza.
Hố bom lớn ở trại Jabalia do bom và pháo của Israel tạo ra hôm 31/10 không hề rời khỏi màn hình của Al-Jazeera suốt 48 tiếng đồng hồ. Một camera gắn trên drone luôn chĩa vào những đống gạch vụn, bụi xám của những căn nhà bị sụp đổ trong trại tị nạn lớn nhất Gaza, ống kính zoom vào các ê-kíp cứu hộ đang giúp các nạn nhân, thông tín viên tại chỗ tố cáo "sự dã man của vụ tấn công từ Israel".
Việc đưa tin ồ ạt này có tác động thúc đẩy những cuộc biểu tình trong thế giới Ả rập chống lại "kẻ xâm lăng", "quân chiếm đóng" Israel, Hamas gọi được là "quân kháng chiến", chiến dịch "Trận lụt Al-Aqsa" được ca ngợi. Al-Jazeera đưa số người bị giết, nhưng không nói đó là quân nhân hay thường dân Israel, và hoàn toàn lờ đi việc thảm sát dã man các gia đình sống gần biên giới Gaza. Những tuyên bố của các thủ lãnh Hamas được phát sóng trực tiếp, con số nạn nhân ở Gaza do phe này đưa ra được coi là chính thức.
Pháp : Bộ trưởng tư pháp kiêm bị cáo
Tại Pháp, việc bộ trưởng tư pháp Éric Dupont-Moretti ra tòa vì "thủ lợi bất chính" được Le Figaro và La Croix coi là "một phiên tòa nguy cơ cao về chính trị" cho ông. Libération cho rằng đây là sự kiện kỳ quặc chưa từng thấy, Les Echos cũng gọi là "một phiên tòa mà không ở đâu có" tương tự.
Libération nhắc lại, bị la ó trong lần đầu tiên phát biểu ở Quốc Hội, tân bộ trưởng tư pháp Éric Dupont-Moretti đã đáp trả : "Người ta không phán xét kẻ khác vì định kiến. Quý vị hãy phán xét về những gì tôi đã và sẽ làm". Có ai ngờ vị bộ trưởng nay phải ra trước Tòa án Công lý Cộng hòa, chuyên xét xử các thành viên chính phủ còn đương chức ? Ông Dupont-Moretti có xuất thân bình dân : cha là thợ luyện kim, mẹ là người giúp việc gốc Ý, đã làm nên huyền thoại khi trở thành luật sư ngôi sao trong các vụ án hình sự, kịch sĩ, diễn viên điện ảnh rồi trở thành bộ trưởng. Bản lý lịch độc đáo này nay được cộng thêm "bộ trưởng tư pháp kiêm bị cáo" !
Tuy đã bị cuộc chiến tranh ở Cận Đông che mờ bớt, phiên tòa này là sự kiện đáng quan tâm. Việc truy tố các bộ trưởng trở nên bình thường đến nỗi họ không chịu từ chức, thậm chí không cần người thay thế để tự bào chữa. Cũng không có chuyện về hưu đối với nhân vật này. Nhưng ngành tư pháp sẽ chịu hậu quả trong cuộc chiến giữa một bộ trưởng và các thẩm phán là kẻ thù khi ông Moretti còn là luật sư : ông bị cho là dùng cương vị của mình để trả thù các đối thủ cũ. Tờ báo cho rằng đây là vở kịch đáng buồn.
Y tế miễn phí cho người nước ngoài : Pháp có thể bao cấp tiếp ?
Trên góc độ xã hội, La Croix nhận định vấn đề duy trì trợ giúp y tế nhà nước (AME) dành cho người nước ngoài là một bước ngoặt trong hồ sơ nhập cư được đưa ra Thượng Viện hôm nay. Pháp vốn có truyền thống hào hiệp về y tế đối với những người không thể mua bảo hiểm dù từ nơi khác đến, và AME tốn đến 1,2 tỉ euro cho người dân đóng thuế. Đan Mạch đã hạn chế từ một năm qua. Ở Đức, các lãnh đạo vùng bắt đầu tranh luận từ hôm nay với cùng nỗi lo : liệu có thể bảo đảm nhà nước phúc lợi với tỉ lệ di dân cao như vậy hay không ? Mô hình xã hội của Châu Âu liệu có chịu đựng nổi ? Cánh hữu ở Thượng Viện Pháp đề nghị giới hạn ở "chữa trị khẩn cấp" nhưng việc xác định còn mơ hồ.
Nhiều báo cáo trong những năm gần đây báo động về sự gia tăng số di dân đến Pháp để được chữa bệnh, nhất là những bệnh cần đến liệu pháp tân tiến hết sức tốn kém. Dù không muốn đặt lại vấn đề về AME, công cụ quý giá để tránh cho một số người phải sống bên lề xã hội, chính phủ đã lập ra một bộ phận để xem xét điều chỉnh. Tờ báo cho rằng tình trạng số người nước ngoài lợi dụng để được chăm sóc miễn phí tại các bệnh viện Pháp đã quá tải, trong khi người đóng bảo hiểm phải đóng nhiều tiền hơn, có thể tạo ra sự thù ghét mà nạn nhân đầu tiên là sự xuống cấp của phúc lợi xã hội. Không đáp lại nỗi lo của họ coi như là trao lá phiếu cho những giải pháp chính trị cực đoan.
Thụy My