Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/11/2023

Điểm báo Pháp - Mùa đông khắc nghiệt cho Ukraine

RFI tiếng Việt

Mùa đông khắc nghiệt cho Ukraine, khúc dạo đầu cho hồi kết Hamas ?

Le Figaro ngày 07/11/2023 cho rằng "Ukraine đang trong ngõ cụt sau thất bại của cuộc phản công". Cần phải cầm cự thêm ít nhất một mùa đông nữa, với điều kiện Nga cũng kiệt sức, Kiev không bị các đồng minh bỏ rơi, và phải bổ sung quân số. Ngược lại ở Trung Đông, một tháng sau vụ tấn công khủng bố ngày 07/10, phải chăng đây là khởi đầu cho hồi kết của Hamas ?

muadong1

Một địa điểm tưởng niệm đột xuất với quốc kỳ và tên những chiến binh đã ngã xuống vì tổ quốc, tại quảng trường Độc Lập ở Kiev, Ukraine, ngày 07/11/2023. Reuters – Gleb Garanich

Phản công không đạt, vì sao ?

Le Figaro cho rằng "Ukraine đang trong ngõ cụt sau thất bại của cuộc phản công". Tại Kiev, chính quyền chuẩn bị chịu đựng những trận bom của Nga trong mùa đông này, và lo ngại quân viện của phương Tây sẽ ít dần. Khởi động từ tháng 6 tại miền đông và miền nam, cuộc phản công của Ukraine nhằm xuyên thủng tuyến phòng ngự của Nga để tiến đến biển Azov, cắt đứt đường tiếp tế giữa Nga và bán đảo Crimea. Nhưng năm tháng sau, quân đội chỉ tái chiếm được 400 kilomet vuông, tiến thêm được 17 kilomet, và quân Nga vẫn giữ được nhiều vị trí dù chịu thiệt hại vô cùng nặng nề.

Xã luận của Le Figaro nói về "Ukraine : Cái giá của thất bại". Đối với Kiev, cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ, nhưng phản công không đạt kết quả đã làm xáo trộn lại ván cờ. Năm tháng trời chiến đấu không mệt mỏi, những trận bão thép và lửa, hàng ngàn chiến binh ngã xuống để rồi hầu như không được gì cả. Được chuẩn bị kỹ càng, với một số vũ khí tân tiến rốt cuộc cũng được phương Tây chuyển giao, nhưng Kiev thiếu đạn tầm xa để đánh vào sâu. Nga vẫn kiểm soát bầu trời, gài mìn khắp 1/3 lãnh thổ Ukraine và không ngại nướng quân.

Les Echos nêu thêm một số chi tiết để giải thích "Vì sao cuộc phản công của Ukraine không thành công như mong muốn". Giới tuyến Surovikin kiên cố kéo dài hàng mấy trăm cây số gồm ba vòng rào phòng thủ sâu khoảng 30 kilomet với các chiến hào chống tăng, hầm trú ẩn được gia cố. Ukraine chỉ có được một ít xe phá mìn và hệ thống phòng không, bộ binh bị phi cơ và trực thăng tác chiến Nga uy hiếp.

Cái giá của thất bại

Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, tướng Zaloujny, nhìn nhận : "Đó là sai lầm của tôi. Nga mất ít nhất 150.000 quân, tại bất kỳ quốc gia nào khác thì những thiệt hại cỡ đó đã khiến chiến tranh kết thúc". Ông thừa nhận trên The Economist "Chúng tôi đang bế tắc", khiến tổng thống Zelensky giận dữ vì cho rằng chấp nhận sự đóng băng của mặt trận coi như chấp nhận thất bại.

Thời điểm hiện nay không phải là lúc để các nhà lãnh đạo Ukraine bộc lộ bất đồng, vì họ không còn nhiều chọn lựa. Hoặc chuẩn bị cho trận đánh sắp tới dựa vào các chiến đấu cơ F-16 mà nhiều thành viên NATO đã hứa, hoặc lắng nghe lời khuyên của các nhà ngoại giao là thương lượng với Vladimir Putin. Vì Ukraine loại trừ khả năng thứ hai, cần phải cầm cự thêm ít nhất một mùa đông nữa, với hy vọng Moskva không còn phương tiện để lại tấn công đến tận Kiev. Cũng phải cầu cho các đồng minh không bỏ rơi vì bận bịu việc khác hoặc đã nản chí. Và phải bổ sung cho quân đội : sau khi 100.000 chiến binh đã hy sinh, tuổi trung bình của lính tác chiến là 43.

Có quá nhiều điều kiện, và quá nhiều ẩn số. Tại Moskva, Putin xoa tay hài lòng, chờ đợi Ukraine rơi vào tay mình như một trái chín. Ông ta đặt nước Nga vào thế một cuộc chiến tranh lâu dài, trận chiến diễn ra ở Ukraine, ông ta thấy phương Tây bị phân tâm với Gaza và bị cô lập khi ủng hộ Israel, trong khi Kremlin chơi lá bài "phương Nam"... Đó là cái giá tạm thời cho một trận đánh thất bại ở Ukraine. Còn cái giá của sự bại trận sẽ như thế nào ?

Ukraine tiến gần đến việc gia nhập EU

Le Monde lạc quan hơn, cho biết "Khi đến thăm Kiev, bà Ursula von der Leyen mang đến một làn gió mới cho Ukraine". Chủ tịch Ủy ban Châu Âu hôm thứ Bảy 04/11 nhận định Kiev đã có "những tiến bộ tuyệt vời" về các cải cách cần thiết để mở ra thương lượng nhằm gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Đó là chuyến thăm mà chính quyền Ukraine rất cần đến, tái khẳng định sự ủng hộ "không gì lay chuyển được" của EU.

Chuyến đi thứ sáu của bà Leyen kể từ đầu cuộc xâm lăng diễn ra vài ngày trước khi Ủy Ban Châu Âu công bố bản báo cáo quan trọng về tiến bộ của Kiev trong bảy kế hoạch cải tổ từ tư pháp đến truyền thông, chống tham nhũng. Hồi tháng 6, Ủy Ban Châu Âu tuyên bố Kiev đã hoàn tất 2 trong số 7 khuyến cáo. Ursula von der Leyen cũng nêu ra những nỗ lực của EU trong chương trình viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine trong bốn năm, và gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga sẽ được loan báo vào tuần tới.

Tối Chủ nhật, một đoạn trích từ cuộc phỏng vấn tổng thống Ukraine của kênh truyền hình Mỹ NBC News lan truyền trên mạng xã hội. Trả lời câu hỏi của một nhà báo, liệu ông có cảm thấy thất bại hay không, Volodymyr Zelensky đầy xúc động nói : "Chiến tranh đã cướp mất những con người ưu tú của chúng tôi, nhưng chúng tôi không sẵn sàng trao tự do của mình vào tay tên khủng bố khốn kiếp Putin. Chính vì vậy mà chúng tôi chiến đấu".

Chạy đua với thời gian để bảo vệ cơ sở hạ tầng

Tháng 10/2022, quân Nga oanh tạc ồ ạt vào cơ sở hạ tầng điện và hệ thống sưởi của Ukraine, khiến lãnh vực năng lượng mất đi 50% năng lực, thiệt hại 8,8 tỉ đô la. Riêng trong mùa đông năm ngoái, Nga tấn công bằng trên 1.500 hỏa tiễn và drone, trong đó có trên 200 đạt mục tiêu. Không có nhà máy nhiệt điện và thủy điện nào được "tha". Những tháng gần đây, nhiều đồng minh của Ukraine đã cung cấp hệ thống phòng không hiện đại như Patriot.

Tuy thủ đô Ukraine những tuần qua tương đối yên tĩnh, việc Nga tăng cường dùng drone tự hủy gây lo ngại. Trong tháng 9, quân Nga đã đạt kỷ lục với 521 drone Shahed-136, so với sáu tháng thu đông 2022 chỉ có 1.000 chiếc. Tổng giám đốc DTEK, nhà phân phối năng lượng lớn nhất Ukraine cho biết đã chi 110 triệu đô la để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, dự trữ 1 triệu tấn than đá.

Kiev không thể chiến thắng nếu bị bỏ rơi

Trên mục Ý kiến của Le Monde, hai dân biểu Benjamin Haddad và Nathalie Loiseau nhấn mạnh "Nếu không có sự trợ giúp bền bỉ của chúng ta, quân đội Ukraine không thể chiến thắng". Vụ thảm sát của Hamas ở Israel khiến thế giới quay sang Cận Đông, dù vậy không thể bỏ quên cuộc xâm lăng của Nga. Cho tới nay, Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn hỗ trợ Ukraine mà không phải tham chiến. Quân đội Ukraine chiến đấu kiên cường, nhưng quyết tâm của phương Tây nay đang giảm sút, đó là điều mà Vladimir Putin vẫn chờ đợi. Viện trợ quân sự cho Kiev đang bị bế tắc tại Quốc hội Hoa Kỳ, cựu tổng thống Donald Trump đang có hy vọng tái đắc cử, và ngay trong phe Dân chủ bắt đầu những ý kiến cho rằng Ukraine không phải là ưu tiên. Không thể coi thường những dấu hiệu này.

Châu Âu có nguy cơ phải nhanh chóng chia sớt gánh nặng. Từ nhiều tháng qua, một nước duy nhất đã ngáng chân gói tài trợ vũ khí mới cho Ukraine, đó là Hungary, và việc Robert Fico thân Nga lên nắm quyền ở Slovakia không gợi ra một viễn cảnh tốt đẹp. Kỹ nghệ vũ khí Châu Âu không đáp ứng nổi nhu cầu đạn dược cho cuộc chiến quy mô chưa từng thấy này. Trước mắt, Châu Âu đã lập ra cơ chế chống tránh né cấm vận, vì Nga tiếp tục xoay sở để nhập được các linh kiện cần thiết nhất là chất bán dẫn, trong khi doanh nghiệp ít quan tâm tới điểm đến cuối cùng. Hai tác giả cho rằng cần khẩn cấp khơi dậy ý thức, vì từ Jerusalem tới Kiev, sự hỗn loạn đã đến tận ngưỡng cửa châu lục.

Iran và Hezbollah cuồng tín nhưng không ngu ngốc

Nhìn sang Trung Đông, tình hình có vẻ khả quan hơn cho Israel. Tiến sĩ địa chính trị Frédéric Encel đặt vấn đề trên Le Figaro : "Một tháng sau vụ tấn công ngày 07/10, phải chăng đây là khởi đầu cho hồi kết của Hamas ?"

Sát hại dã man rồi thản nhiên khoe như trong một video "Tôi đã giết mười người Do Thái !", Hamas đã đi xa hơn là một chiến dịch quân sự. Vụ thảm sát người Do Thái kinh hoàng nhất kể từ 1945 có thể dẫn đến sự hủy diệt một phần lực lượng khủng bố này. Không có gì chắc chắn rằng sau chiến tranh, trong một tiến trình hòa bình mới với một chính quyền Israel ôn hòa và chính quyền Palestine, Saudi Arabia không công nhận Israel. Hai thế lực hỗ trợ cho Hamas là Iran và Hezbollah ở Lebanon.

Nhưng thủ lãnh Hezbollah, Nasrallah, dù đe dọa Israel nhưng không tham gia cuộc chiến, thậm chí còn đẩy sấm sét của Tsahal sang khi nói rằng Hamas "chịu trách nhiệm 100%" về vụ tấn công. Còn ông chủ Iran dù cũng đe dọa "Satan sionit" nhưng chưa bao giờ dám trực diện khiêu chiến. Trên thực tế những người lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo và Hezbollah tuy cuồng tín nhưng không ngu : họ ý thức được tương quan lực lượng, và còn có những lợi ích riêng, kể cả buôn vũ khí và ma túy, không sẵn sàng hy sinh cho Hamas theo hệ phái Sunni.

Thực tế mặt trận chống Israel

Ngoài trục Hồi giáo Shia này, thế giới Ả rập sẽ "bùng nổ" chống Israel chăng ? Không có nước nào trong bảy quốc gia đang hòa dịu với Israel (Ai Cập, Jordan, Mauritania, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Morocco, Bahrein, Sudan) muốn xoay ngược tiến trình. Riêng Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất còn lên án Hamas.

Còn đường phố Ả rập ? Tại 21 quốc gia Ả rập có 200 triệu công dân trưởng thành, bao nhiêu người đã xuống đường kể từ khi oanh kích Gaza ? Khoảng vài trăm ngàn, tuy đáng kể nhưng không phải là một đợt thủy triều, càng không thể so sánh với Mùa xuân Ả rập. Tỉ lệ này cũng tương tự trong thế giới Hồi giáo.

Về phần "các nước phương Nam", Ấn Độ ủng hộ Israel, hơn một chục nước Châu Phi và Châu Đại Dương cũng vậy. Trung Quốc, như thường lệ, to mồm nhưng không hề trả đũa thương mại. Nga đón tiếp các thủ lãnh Hamas nhưng để cho quân đội Israel phá hủy phi trường chính của đồng minh quân sự Syria… Đối mặt là siêu cường số một thế giới điều hai hàng không mẫu hạm, một nhóm đổ bộ, 2.000 thủy quân lục chiến ; và Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ Israel về ngoại giao.

Tiến sĩ Encel cho rằng dù diễn biến cuộc chiến ra sao đi nữa, Netanyahu và chính quyền của ông sẽ phải trả lời trước một ủy ban điều tra. Và ông sẽ ra đi, những người tiền nhiệm uy tín hơn đã từng sụp đổ vì những sai lầm dẫn đến hậu quả kém bi thảm hơn. Có thể hy vọng ít nhiều trong ngắn hạn và trung hạn, với ba điều kiện : giải giáp Hamas, chính quyền Palestine nắm lại Gaza (nơi họ đã bị đuổi đi từ 2007) nhờ quốc tế ủng hộ, thay đổi chính phủ ở Israel. Và như vậy tiến trình hòa bình sẽ quay lại với viễn cảnh giải pháp hai Nhà nước, mà theo tác giả bài viết, là tốt nhất cả về đạo lý lẫn địa chính trị.

Nỗi cô đơn trước nạn bài Do Thái ở Pháp

Hai cuộc chiến tranh ở Trung Đông và Ukraine cùng với những hệ quả là mối quan tâm chính của các báo hôm nay. La Croix kêu gọi "Cảnh giác trước nạn bài Do Thái". Le Monde chạy tựa "Nỗi sợ và cảm giác cô đơn nơi người Do Thái Pháp" : Hơn 1.000 hành động bài Do Thái đã diễn ra kể từ ngày 07/10. Xã luận Le Monde kêu gọi "Từ chối bình thường hóa nạn bài Do Thái". Mỗi lần có những vụ tấn công nhắm vào người Do Thái tại Pháp, lại có thêm một số người di cư sang Israel, nhưng nay thì cả Israel cũng không còn an toàn.

Không chỉ ở Pháp, hiện tượng tấn công người Do Thái còn xảy ra ở Mỹ, Anh, Đức, nhưng Pháp mới là nơi có cộng đồng người Do Thái đông đảo nhất Châu Âu, đứng thứ ba thế giới chỉ sau Hoa Kỳ và Israel. Người Do Thái là một phần bản sắc và lịch sử nước Pháp, nhưng họ ngày càng cảm thấy cô đơn. Với thời gian, số người xuống đường phản đối những tội ác chống Do Thái ngày càng ít đi, có vẻ như bạo lực đã trở thành bình thường. Và cũng chỉ có họ đi biểu tình với nhau mà thôi. Hiếm thấy những khuôn mặt có ảnh hưởng đăng lên câu "Tôi là người Do Thái" như đã từng nở rộ "Tôi là Charlie" sau vụ Charlie Hebdo năm 2015.

Sau gần 500 vụ câu lưu từ sau ngày 07/10, chính quyền đã phản ứng nghiêm khắc hơn trước. Về phần xã hội, theo Le Monde, cũng cần tích cực hơn trong việc bảo vệ những giá trị phổ quát. Cũng như nạn kỳ thị chủng tộc, nạn bài Do Thái là không thể chấp nhận được và cũng không thể coi là chuyện thường tình.

Thụy My 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 187 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)