Israel-Hamas : Một cuộc chiến, ba quốc gia được lợi
Les Echos ngày 13/11/2023 phân tích "Ba Nhà nước trong một cuộc xung đột". Israel phải thắng và Hamas bị loại khỏi vòng chiến ; nhưng Washington, Moskva và Bắc Kinh sẽ có vị thế mạnh hơn từ cuộc chiến tranh ở Gaza, dưới những dạng thức khác nhau.
Một xe quân sự Israel trong chiến dịch trên bộ chống lại nhóm Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Ảnh của quân đội Israel ngày 13/11/2023 via Reuters – Israeli Defense Forces
Pháp : Tuần hành chống bài Do Thái đông đảo bất ngờ
Cuộc tuần hành chống nạn bài Do Thái tại Pháp, chiến tranh ở Trung Đông và Ukraine là đề tài chính của các báo Paris hôm nay. Le Monde nói về "Một ban tham mưu chiến tranh dưới áp lực tại Israel", La Croix đăng ảnh những người lính tuần tra ở viện bảo tàng Louvre với dòng tựa "Pháp cảnh giác trước khủng bố". Le Figaro nhấn mạnh "Bài Do Thái : nước Pháp nói Không", với bức ảnh đám đông dẫn đầu là các chính khách trong đó có hai cựu tổng thống sau băng-rôn lớn mang dòng chữ "Vì nền cộng hòa, chống bài Do Thái". Libération chọn ảnh trang nhất là một rừng người biểu tình, ở giữa có biểu ngữ "Tôi là người Do Thái", chạy tít lớn "Một sức bật toàn quốc".
Khoảng 182.000 người hôm Chủ nhật đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành theo lời kêu gọi của chủ tịch lưỡng viện Quốc hội. Theo Libération, khi đáp ứng đông đảo như thế, người Pháp quan tâm đến đoàn kết và danh dự, đã có thái độ xứng tầm, trong khi tổng thống Emmanuel Macron và thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon lỗi hẹn. Le Figaro cho rằng chính những người vắng mặt đã gây chú ý nhất.
Không ít người đã do dự trong một ngày Chủ nhật mưa gió, có sự tham dự của hai nhóm cực hữu, và thời điểm vừa quá xa vụ thảm sát ngày 07/10 lại vừa quá gần cuộc trả đũa đẫm máu của Israel. Nhưng họ đã đến, riêng ở Paris 105.000 người đã tuần hành trên quãng đường từ Hạ Viện đến Thượng Viện. Một đám đông đáng kinh ngạc, có vẻ không có thói quen đi biểu tình, im lặng nhưng đầy xúc động.
Cực tả Pháp bênh vực Hamas để tranh thủ cử tri Hồi giáo
Nhiều khuôn mặt tên tuổi đều hiện diện như thủ tướng Elisabeth Borne, hai cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và François Hollande, các bộ trưởng, dân biểu nghị sĩ thuộc tất cả các đảng phái, trừ đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI). Libération nhấn mạnh, chủ tịch đảng này, Jean-Luc Mélenchon, đã kêu gọi tẩy chay bằng những từ ngữ "đáng ghê tởm và khả nghi", còn sự vắng mặt của đương kim tổng thống được tờ báo thiên tả cho là "kỳ lạ".
Đối với nhật báo cánh hữu Le Figaro, thật đáng mừng vì cuối tuần qua Paris không mang dáng dấp của Luân Đôn. Hôm thứ Bảy, khoảng 300.000 người đã tràn ngập đường phố thủ đô Anh quốc để hô to sự thù ghét Israel. Gérard Larcher, chủ tịch Thượng Viện và Yaël Braun-Pivet, chủ tịch Hạ Viện khẳng định nước Pháp cần phải "tuyên bố với thế giới là Cộng hòa Pháp không và sẽ không bao giờ để sự hèn hạ lan tràn". Thế nhưng hôm qua chủ yếu là những tranh cãi và tính toán bầu cử.
Jean-Luc Mélenchon và đảng của ông cách đây 20 năm cực lực bảo vệ nguyên tắc thế tục, thì nay đứng về phía Hồi giáo với hy vọng kiếm thêm phiếu từ lớp cử tri này. Tệ hơn nữa là Mélenchon từ chối lên án những tội ác kinh hoàng của Hamas, gọi Israel mà ông ta gắn kết với người Pháp gốc Do Thái, là "những kẻ thảm sát". Còn tổng thống Emmanuel Macron tuy kêu gọi Israel ngưng oanh tạc nhưng hôm sau khẳng định Hamas cần phải bị vô hiệu hóa, việc ông không tham dự cuộc tuần hành cũng là một thái độ nước đôi.
Các bệnh viện Gaza, trung tâm cuộc quyết đấu
Tại Gaza, Les Echos nhận thấy "Các bệnh viện ở trung tâm cuộc chiến", La Croix mô tả "Gọng kềm đang khép lại xung quanh bệnh viện Al-Shifa". Những trận đánh đang tiến gần bệnh viện chính của thành phố Gaza, mà theo quân đội Israel là nơi bộ chỉ huy quân sự Hamas đang trú ẩn dưới lòng đất. Nhờ không kích ồ ạt và hoạt động của các đơn vị đặc biệt, 150 địa đạo là nơi ẩn núp của các tay súng Hamas, dự trữ vũ khí, lương thực, đã bị vô hiệu hóa trong những ngày gần đây. Tsahal vận dụng công nghệ, drone, robot, cảm biến đủ loại.
Các tổ chức nhân đạo báo động tình trạng thiếu nước uống, thuốc men, điện ở Gaza, Y sĩ Không biên giới (MSF) thậm chí còn nói rằng các bệnh viện có nguy cơ biến thành "nhà xác". La Croix dẫn lời thứ trưởng y tế của Hamas loan báo khoa tim mạch của Al-Shifa đã bị phá hủy, còn theo OCHA các cơ sở khác cũng bị hư hại, 20/36 bệnh viện không còn hoạt động.
Từ 8 ngày qua, quân đội Israel mỗi ngày đều ngưng tấn công vài tiếng đồng hồ để giúp trên 200.000 người Palestine di tản theo một hành lang nhân đạo. Israel yêu cầu sơ tán nhân viên y tế và bệnh nhân về phía nam để có thể đánh bật Hamas ra khỏi Al-Shifa, bảo đảm không bắn vào đây, hỗ trợ đưa các em bé ra khỏi bệnh viện này. Tsahal hôm 28/10 công bố một video ghi lại lời khai của một tay súng Hamas sau vụ thảm sát hôm 07/10. Tù binh này nói rằng đa số quân Hamas đều núp dưới các bệnh viện để không bị Israel oanh tạc. Liên Hiệp Châu Âu hôm nay lên án Hamas dùng các cơ sở y tế và thường dân làm bia đỡ đạn.
Hoa Kỳ củng cố vị thế ở Trung Đông
Về phía lãnh đạo các nước Ả rập và Hồi giáo cuối tuần qua họp khẩn cấp ở Riyadh tuy đồng thanh lên án Nhà nước Do Thái nhưng chỉ ngoài mặt, họ không đồng thuận về việc trừng phạt kinh tế và chính trị Israel. Nhìn chung, Les Echos phân tích "Ba Nhà nước trong một cuộc xung đột". Israel sẽ phải thắng và Hamas bị loại khỏi vòng chiến ; nhưng Washington, Moskva và Bắc Kinh sẽ có vị thế mạnh hơn từ cuộc chiến tranh ở Gaza, dưới những dạng thức khác nhau.
Từ ngày 07/10, Mỹ quay lại Cận Đông, với biểu tượng ngoạn mục là sự hiện diện của hai hàng không mẫu hạm. Khác xa với sự do dự của Barack Obama hồi tháng 9/2013, khi quyết định không buộc Syria phải tôn trọng lằn ranh đỏ do chính ông vạch ra. Israel là đồng minh lớn của Hoa Kỳ trong khu vực, Washington không thể "để mất" Jerusalem, khi Cairo lẫn Ryadh không phải là những đối tác có thể hoàn toàn tin tưởng. Cường quốc quân sự lớn nhất khu vực cũng rất cần đến Hoa Kỳ. Joe Biden đã rút được hai bài học từ sự chối từ hành động rất đáng lên án ở Syria và cuộc rút quân thảm họa khỏi Afghanistan. Theo đúng truyền thống, ông Biden chỉ có thể phản ứng với quyết tâm sau vụ thảm sát của Hamas.
Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến New York ngay sau hôm 11/09/2001 mà không hề có tính toán riêng. Joe Biden cũng hành động tương tự ngay sau sự kiện ngày 11 tháng Chín của Israel, vừa răn đe Iran, đồng thời chứng tỏ Nhà nước Do Thái không đơn độc mà có siêu cường số một thế giới bên cạnh, như hồi vừa được thành lập năm 1948. Điều nghịch lý là động thái này có thể làm giảm cơ hội tái đắc cử của tổng thống Dân chủ năm 2024 : phe cực tả trong đảng, gần giống với LFI ở Pháp, có thể không bỏ phiếu cho ông. Đây sẽ làm thảm họa cho Ukraine, nhưng với Israel thì không đến nỗi nào vì đảng Cộng hòa cũng ủng hộ Nhà nước Do Thái.
Nga thủ lợi lớn, Trung Quốc rình rập chờ thời
Cho đến nay, Moskva được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh Gaza. Không chỉ do những hình ảnh từ Israel đã che khuất hầu hết cuộc chiến ở Ukraine, mà nước Nga của Putin nhân đó còn bắt bí được phương Tây. Một dạng săng-ta theo kiểu "Các vị cần đến tôi ở Trung Đông vì chỉ mình tôi có được quan hệ với Iran, nhưng tôi không giúp miễn phí. Hãy bớt đi cam kết với Ukraine".
Nga còn tung ra các chiến dịch bóp méo thông tin, gây bất ổn tại Pháp. Những ngôi sao David trên tường một số khu phố Paris và ngoại ô cách đây vài ngày là ví dụ cụ thể. Theo tác giả bài viết, cần nhất quán ủng hộ Kiev, dù nỗi xúc động nay hướng về phía khác. Chiến thắng của Nga sẽ là thất bại khủng khiếp cho phe dân chủ, trực tiếp đe dọa những giá trị và cách sống phương Tây.
Trường hợp Trung Quốc phức tạp hơn nhiều. Iran và Saudi Arabia đã xích lại gần nhau với sự dàn xếp của Bắc Kinh, nay đối địch hơn bao giờ hết. Vào lúc Tehran thông qua Hezbollah ca ngợi thành tích của Hamas, Riyadh bắn hạ các hỏa tiễn do phe Houthi tay sai của Iran từ Yemen phóng sang Israel. Bỏ qua các chi tiết này, Trung Quốc nhìn xa hơn, cho rằng Mỹ không thể một lúc chiến đấu trên cả ba mặt trận Ukraine, Trung Đông và Châu Á. Để bác bỏ việc này, ngoại trưởng Antony Blinken sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Tokyo đã sang Seoul để trấn an Hàn Quốc. Hoa Kỳ tái can thiệp ở Châu Âu và Trung Đông, nhưng vẫn có mặt ở Châu Á, Trung Quốc không nên có ảo tưởng nguy hiểm.
Kherson lặng lẽ, một năm sau giải phóng
Liên quan đến Ukraine, La Croix cho biết "Một năm sau khi được giải phóng, Kherson vẫn luôn chịu đựng bom Nga". Cách đây đúng một năm, quân đội Ukraine đã tiến vào thành phố trong sự vui mừng khôn tả của người dân. Bị đuổi chạy sang phía bên kia sông Dniepr, quân Nga bèn gia tăng oanh kích vào Kherson.
Hôm thứ Bảy 11/11, không có đám đông tụ tập trên các đường phố Kherson để kỷ niệm một năm chiến thắng. Ở khu trung tâm, một nhóm nhỏ họp lại để gợi nhớ không khí hân hoan khi lực lượng Ukraine kết thúc tám tháng chiếm đóng, hàng ngàn người đổ ra đường với lá quốc kỳ xanh vàng bị quân xâm lăng cấm đoán. Angelina Zoubritchouk nói, ở Kherson, vài chục người đã là quá nhiều. Không có ngày nào thành phố không bị Nga bắn pháo sang, tình hình an ninh khiến nhiều người bị mất việc làm.
Cô gái 19 tuổi đã sáu lần thay đổi chỗ làm từ khi được giải phóng. Hồi tháng 5, khi mới được nhận vào một trạm xăng, nơi này đã bị bom Nga phá hủy ngay cuối ngày làm việc đầu tiên. Angelina may mắn sống sót, hôm đó 24 thường dân Kherson đã thiệt mạng. Một tháng sau, Nga phá nổ đập Kakhovka ở thượng nguồn sông Dniepr khiến nhiều khu phố bị ngập lụt và thay đổi cả địa lý vùng Zaporijjia kế cận.
Pavel Tchepeliouk, một tình nguyện viên bực tức : "Quân Nga kỷ niệm một năm giải phóng theo kiểu của họ : oanh tạc chúng tôi". Vụ oanh kích ngày 11/11 làm chết một thường dân và thành phố bị cúp điện. Các hiệp hội của Pavel Tchepeliouk và Angelina Zoubritchouk đã ra sức vận động, tích trữ được nhiều đèn cầy, quần áo ấm, lò sưởi, pin, máy phát điện. Oleksandr Tolokonnikov, phát ngôn viên chính quyền địa phương nói : "Chúng tôi chuẩn bị tốt hơn năm ngoái". Mùa đông vẫn đầy đe dọa, một số cư dân đã bắt đầu rời thành phố.
Cuộc sống đa đoan của những người vợ lính Ukraine
Cũng tại Ukraine, Le Figaro viết về cuộc sống bị đảo lộn của những người vợ lính, "không phải là quân nhân mà cũng không hẳn là dân sự". Cho đến ngày 24/02/2022, Nastya Zoukhvala chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kết hôn. Nhưng khi Moskva khởi đầu cuộc xâm lăng đại quy mô, người yêu cô là Serhiy Lipko quyết định cầm súng. Đến tháng 6, họ vội vã tổ chức đám cưới khi Serhiy lần đầu được về phép hai ngày, cô dâu mặc chiếc áo thêu truyền thống, đính vài đóa hoa trên mái tóc, chú rể mặc "treilli".
Một đám cưới nhà binh tiêu biểu, hầu hết là để dự phòng trường hợp xấu nhất. Bởi vì chỉ với tư cách người vợ mới có thể đến thăm ở bệnh viện, được tham khảo hồ sơ trong trường hợp mất tích, hay được tiền tuất nếu tử trận. Trong sáu tháng đầu năm 2022, đã có 106.000 đám cưới, tăng 21%. Chính phủ đơn giản hóa thủ tục qua một ứng dụng, tất cả hoàn tất chỉ trong 15 phút. Ngay hôm sau Serhiy ra mặt trận Kharkiv rồi Bakhmut. Mấy tháng sau khi về phép, anh trông già đi cả chục tuổi. Đôi khi Serhiy liều mạng ra khỏi vị trí để nhắn tin cho vợ đỡ lo, sau đó việc triển khai mạng Starlink đã cứu vãn họ.
Những người vợ lính mà Le Figaro gặp gỡ cho biết mỗi lần có số lạ gọi đến họ đều run sợ vì thường là tin xấu : mất tích, bị thương, tử trận, bị địch bắt… Nhiều người vợ quân nhân trở thành tình nguyện viên giúp quân đội. Natalia không nhớ nổi số kính hồng ngoại và drone mua được ở châu Châu Âu thông qua các trung gian, toàn bộ tiền lương của chồng được dùng để mua trang bị cho đơn vị.
Dù Ukraine có 60.000 nữ quân nhân trong đó 5.000 trực tiếp tác chiến, nhưng hầu hết chiến binh là nam giới. Nhà hoạt động Ivona Kostyna nhận xét trong một cuộc chiến tổng lực, hậu phương không kém phần quan trọng. Vợ của một người lính bị thương hay mất tích, bên cạnh việc chăm sóc con cái, trên thực tế trở thành y tá, nhà tâm lý, vật lý trị liệu, trợ tá xã hội… cho chồng, một công việc toàn thời gian.
Thụy My