Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thủ lãnh Hamas bị Israel tiêu diệt, bàn cờ Trung Đông thay đổi

Tuy các tuần báo xuất bản trước khi thủ lãnh Hamas, Yahya Sinwar bị Israel trừ khử, nhưng trên trang web vẫn kịp cập nhật sự kiện quan trọng này. The Economist phân tích "Cái chết của Yahya Sinwar sẽ thay đổi Trung Đông ra sao", đồng thời đặt câu hỏi "Phải chăng đây là khởi đầu của hồi kết ?"

hamas1

Ảnh của quân đội Israel cho thấy tòa nhà nơi thủ lãnh Hamas Yahya Sinwar ẩn núp ở Rafah, Gaza, sau khi bị một xe tăng Israel bắn vào ngày 16/10/2024 (khung cảnh xung quanh đã được làm mờ). AP

Những phút cuối của kẻ chủ mưu vụ thảm sát ngày 07/10

Courrier International trích dịch The Times, thuật lại "Những giây phút cuối cùng của Yahya Sinwar, bị tiêu diệt một cách hết sức tình cờ". Trong suốt hơn một năm, những người lính Israel lùng sục trong những đống gạch vụn Gaza để tìm kẻ chủ mưu vụ thảm sát ngày 07/10 - kinh hoàng nhất kể từ khi Nhà nước Do Thái được thành lập. Ngỡ rằng ẩn nấp trong hệ thống địa đạo chằng chịt, nhưng rốt cuộc Sinwar lại được tìm thấy vào lúc thanh thiên bạch nhật, tại khu phố Tal Al-Sultan ở Rafah.

Ngày thứ Tư 16/10, một đội tuần tra thuộc tiểu đoàn huấn luyện 828 gồm các thanh niên đi quân dịch và quân dự bị, nhận thấy ba bóng người khả nghi di chuyển từ nhà này sang nhà khác. Sau cuộc chạm súng, một kẻ chạy vào một tòa nhà. Một drone được gởi đi tìm, video cho thấy một người bị thương ở tay núp phía sau chiếc ghế ở tầng cuối, kẻ này ném một vật vào drone.

Xe tăng khai hỏa từ bên ngoài, mục tiêu bị tử thương khi nhà sập, sau khi bị trúng những mảnh của hai loại đạn : một quả đạn từ xe tăng Merkava Mark 4 của tiểu đoàn 460, và một hỏa tiễn Matador – theo nhật báo Yediot Aharonot. New York Times thì dẫn nguồn ẩn danh nói rằng Yahya Sinwar bị bắn vào đầu. Times of Israel cho biết Sinwar mang súng AK-47, mặc áo giáp, trên người có 40 000 shekel (gần 10.000 euro). Sau khi xét nghiệm ADN, Nhà nước Do Thái tối thứ Năm 17/10 xác nhận kẻ thù số một đã bị tiêu diệt.

Công lý đã được thực thi

Cuối cùng Yahya Sinwar đã chết thảm khốc trong những đống gạch vụn hoang tàn của Gaza, như mấy chục ngàn nạn nhân của cuộc chiến mà ông ta đã khởi động cách đây một năm. Vụ khủng bố do Sinwar chủ mưu đã làm thay đổi diện mạo Trung Đông, nhưng không phải theo cách mà ông ta vẫn mơ đến.

Cái chết bất ngờ của Yahya Sinwar một lần nữa lại làm đảo lộn định mệnh khu vực. Hamas không còn người lãnh đạo, Gaza không được quản lý và Israel có thể coi như mục tiêu chính của cuộc chiến đã đạt được. Tất cả làm dấy lên hy vọng – cho đến nay vẫn mong manh – về ngưng bắn và thả con tin ở Gaza. Và nếu vậy, có một con đường hẹp để xuống thang ở Trung Đông, dù những trận đánh đang diễn ra ở Lebanon và việc Israel trả đũa đợt hỏa tiễn đạn đạo của Iran vẫn đang treo lơ lửng.

Yahya Sinwar, 61 tuổi, sau vụ khủng bố đã ấn náu dưới lòng đất, trong mê cung địa đạo, truyền lệnh bằng giấy tay. Trốn sâu trong cảnh tối tăm trong cả năm qua, ông ta vẫn kiểm soát được các hoạt động : tra xét các con tin Israel, thương lượng với CIA qua ủy nhiệm, chỉ đạo những vụ tấn công. Đứng đầu danh sách các mục tiêu của quân đội Israel, trong khi các binh đoàn thiết giáp cày nát Dải Gaza và phi cơ oanh kích, nhưng rốt cuộc không phải tình báo công nghệ cao hay lực lượng hùng hậu, mà sự tình cờ khiến những người lính trơn Israel đang học việc tìm thấy. Theo Le Figaro, sự kiện này chứng tỏ ông Benjamin Netanyahou đã đúng khi bất chấp sức ép từ nhiều phía, vẫn duy trì sự hiện diện ở Gaza để tảo thanh.

Những tài liệu Israel tịch thu được trước đó cho thấy Sinwar hy vọng Hezbollah sẽ hăng hái tiếp sức, nhưng dân quân Shia chỉ hỗ trợ bằng rốc-kết tầm ngắn. Có thể Sinwar khởi động cuộc chiến vì nghĩ rằng Israel không dám gởi quân sang Gaza, hoặc vì cuồng tín, mà theo một sĩ quan theo dõi hồ sơ đã lâu, thì ông ta sẵn sàng hy sinh Gaza và đồng bào mình. Hậu quả là Israel đã triệt hạ nhánh quân sự của Hamas, "trảm" toàn bộ ban lãnh đạo Hezbollah, tái lập năng lực răn đe khi tấn công các lực lượng tay sai của Iran trên toàn vùng, và có thể oanh kích trực tiếp Iran trong những ngày tới.

Cái chết của Yahya Sinwar mở lối chấm dứt chiến tranh ?

Ba câu hỏi lớn được đặt ra.

Thứ nhất, Hamas không còn ban lãnh đạo, có thể mất đi quyền kiểm soát Dải Gaza. Israel đã khử được bộ ba cứng rắn gồm Yahya Sinwar, Muhammad Deif, Marwan Issa ; và ít nhất phân nửa số chỉ huy cao cấp của phong trào này. Hamas vẫn còn hàng ngàn tay súng nhưng nay hoạt động theo kiểu du kích. Người em trai đồng thời là cánh tay mặt của Sinwar được cho là sẽ lên thay, nhưng anh ta chỉ thiên về quân sự, không có ảnh hưởng bên ngoài Gaza. Hamas còn các thủ lãnh "hải ngoại" ở Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon. Khaled Meshal, đối thủ của Sinwar có thể nắm quyền, nhân vật này thực dụng hơn và phản đối quan hệ với Iran.

Thứ hai, nay đã có đủ điều kiện để ngưng bắn tại Gaza ? Những người còn lại của Hamas có thể dùng 101 con tin (phân nửa có lẽ đã chết) để thương lượng. Benjamin Netanyahou đã hứa để một con đường sống cho những kẻ đang giữ con tin chịu thả và giao nộp vũ khí.

Câu hỏi thứ ba, liệu viễn cảnh ngưng bắn và thả con tin ở Gaza có thể dẫn đến một sự xuống thang trong toàn khu vực hay không.

Tehran đang mong muốn điều này, ít nhất là tạm thời. Cả hai thủ lãnh các lực lượng ủy nhiệm là Sinwar và Nasrallah đều đã bị Israel trừ khử, các địa điểm của Houthi ở Yemen vừa bị Mỹ oanh tạc, và Iran đang hồi hộp chờ bị Israel đánh trả. Cuộc đối đầu giữa Israel và Iran chưa kết thúc, cũng như bi kịch của người Palestine không Nhà nước. Tuy nhiên theo The Economist có thể hy vọng một lối ra : Israel trả đũa Iran một cách chừng mực, đàm phán ngưng bắn ở Gaza và xuống thang ở Lebanon. Sinwar rất ghét phải nghe điều này, nhưng cái chết của ông ta đã trao cho Israel cơ hội tìm được giải pháp để kết thúc chiến tranh.

Mọi lá bài đang trong tay thủ tướng Israel

Le Figaro cuối tuần nhận định, tiêu diệt xong thủ lãnh Hamas, Benyamin Netanyahou đứng trước những chọn lựa chiến lược. Trước tiên là phải quyết định bước tiếp theo là gì, sau chiến dịch quân sự đã biến Dải Gaza gần như thành bình địa. Thủ tướng Israel hàm ý "khởi đầu cho hồi kết", nhưng tiếp tục ưu tiên dùng vũ lực để giải cứu con tin. Tất cả đồng minh của Nhà nước Do Thái đều cổ vũ nên chấp nhận ngưng bắn để đối lấy các con tin và bắt đầu nghĩ đến giải pháp chính trị cho Gaza. Nhưng người ta biết rằng Netanyahou bất chấp áp lực quốc tế kể cả từ Mỹ.

Hiếm có một nhà lãnh đạo nào đang nắm tất cả các lá bài trong tay như ông. Netanyahou có thể tiếp tục chiếm đóng phần nào Gaza - lãnh thổ ủy trị ; áp đặt vùng đệm ở Nam Lebanon trước sự bất lực của Beirut và Hezbollah đã mất thủ lãnh. Đồng thời có thể nhân cơ hội duy nhất này để tấn công Iran khi các lực lượng tay sai của Tehran đang yếu thế. Mỗi chọn lựa đều mang lại lợi ích quân sự và chính trị ngắn hạn, nhưng tiềm ẩn rủi ro về lâu về dài. Với Iran, sẽ là một bước nhảy vào vô định. Chương trình nguyên tử của Tehran sẽ bị phá hủy hay chỉ bị chậm lại ? Hoa Kỳ có bị lôi kéo vào cuộc chiến khu vực ? Chế độ của các giáo sĩ Hồi giáo có bị sụp đổ như Liên Xô năm 1991 ?

Vào lúc ra tay, Netanyahou chỉ có thể suy đoán - tóm lại là một thách thức. Ẩn số có thể ảnh hưởng đến quyết định của ông là Donald Trump. Đang vận động tranh cử, ông Trump ủng hộ Benjamin Netanyahou về bất cứ điều gì, nhất là trong một kịch bản thảm họa đối với phe Dân Chủ. Nhưng nếu đắc cử, Trump sẽ ưu tiên cho "deal" (thương thảo) mà ông tin mình là nhà vô địch. Như vậy còn có 17 ngày cho việc quyết định - hay không quyết định - vận mệnh của vùng Cận Đông.

Xung đột Israel-Iran : Trung Quốc trong thế khó

Về phía Trung Quốc vui mừng hay lo sợ về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Israel và Iran ? The Economist nhắc lại, Trung Quốc là nước mạnh nhất trong bốn nước "trục phá rối" gồm cả Iran, Bắc Triều Tiên và Nga, nhưng đang trong thế lưỡng nan với Iran.

Bắc Kinh ưu ái Tehran vì quấy rối được phương Tây. Năm ngoái, Iran trở nên thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và đầu năm nay được gia nhập BRICS. Trung Quốc cũng hưởng lợi từ dầu lửa được Iran bán rẻ. Một cuộc chiến tranh lớn sẽ ảnh hưởng phần nào tới nguồn dầu này, đe dọa lợi ích kinh tế vì Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào năng lượng và cơ sở hạ tầng ở vùng Vịnh. Đối thủ Mỹ bị cầm chân ở Trung Đông và Ukraine sẽ lơi lỏng hơn ở Đài Loan và Biển Đông. Tuy nhiên không phải vì vậy mà Bắc Kinh muốn khơi dậy ngọn lửa.

Trung Quốc chỉ hợp tác quân sự chừng mực với Iran, chú trọng Nga và Bắc Triều Tiên hơn vì hai nước này là vùng đệm ở biên giới để chống lại sức mạnh Hoa Kỳ. Ngay cả với hai nước còn lại trong "bộ tứ", Bắc Kinh cũng dè chừng. Tuy hỗ trợ mạnh mẽ thiết bị, công nghệ cho Nga nhưng Trung Quốc không cung cấp vũ khí để đánh Ukraine , và công khai phản đối việc Nga dùng vũ khí nguyên tử. Trung Quốc không ưa việc Bắc Triều Tiên gia tăng năng lực hạt nhân, thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Bình Nhưỡng và Moskva hồi tháng 6 khiến Bắc Kinh mất một phần ảnh hưởng. Nếu tình hình xấu đi giữa Israel và Iran, Trung Quốc sẽ khoanh tay đứng nhìn để lợi ích của mình vẫn tồn tại giữa hai lằn đạn.

Các nước dân chủ hồi hộp chờ bầu cử tổng thống Mỹ

Le Nouvel Obs phân tích ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đối với các nền dân chủ. Chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa là diễn ra một trong những sự kiện mang tính quyết định cho lịch sử đương đại. Ba tuần lễ nước Mỹ nín thở chờ đợi, và thế giới cũng vậy. Ngày 05/11, trên 200 triệu người Mỹ sẽ chọn lựa giữa Donald Trump và Kamala Harris, trong một cuộc bầu cử mà tầm quan trọng vượt xa bên ngoài biên giới. Hiếm khi nào trong lịch sử Hoa Kỳ, đất nước này đứng trước một bước ngoặt như vậy, bị rạn vỡ vì hai lực lượng có tầm nhìn đối nghịch. Chiến dịch trang cử mang nhiều kịch tính (Donald Trump bị mưu sát, Joe Biden rút lui bất ngờ, Kamala Harris bước vào cuộc đua), bạo lực chính trị chưa từng thấy, và kết quả hoàn toàn bất định.

Một bên là một phụ nữ da màu gần 60 tuổi, gốc gác nhập cư và là người tự lập, theo chủ trương cấp tiến. Bên kia là một người đàn ông da trắng tuổi gần 80, con nhà giàu, từng là người chủ trì một chương trình truyền hình nổi tiếng, đầy tự cao. Hai nhân vật đại diện cho hai nước Mỹ khác biệt thậm chí ghét nhau : dân thành thị, đa chủng tộc, bảo vệ quyền của người thiểu sổ, hướng ngoại ; đối mặt với lớp cử tri nông thôn, da trắng, "America first". Chưa có gì là chắc chắn cho mỗi bên.

Bởi vì đà phấn khởi khi bà Kamala Harris xuất hiện đã chạm ngưỡng. Ứng cử viên Dân Chủ và đối thủ Cộng Hòa đang sát nút. Ông Trump lần này chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cùng với những con diều hâu trong đảng, có thêm khuôn mặt nặng ký là Elon Musk.  Đảng Dân Chủ vừa cảnh báo mối nguy hiểm của nhiệm kỳ Donald Trump thứ hai, vừa cố tránh những sai lầm trước đây, chẳng hạn bà Hillary Clinton chỉ chú trọng giới khá giả. Người đứng chung liên danh Tim Walz, điển hình cho người Mỹ trung lưu, tạo thuận lợi cuộc vận động chống bất bình đẳng xã hội.

Vận mệnh thế giới và trò may rủi

Liệu có đủ để tránh điều tệ hại nhất xảy ra ? Theo tuần báo thiên tả thì thật khó đoán, hệ thống bầu cử Mỹ rất khó hiểu đối với người Pháp vốn quen với phổ thông đầu phiếu. Số phận nền dân chủ lớn nhất thế giới và gián tiếp với các nước khác, được định đoạt bởi một ít cử tri ở vài bang "nghiêng ngả", mà ưu tiên vẫn là lợi ích quốc gia. Chỉ cần nghĩ đến hậu quả thảm họa của nhiệm kỳ Donald Trump về cuộc xâm lăng Ukraine hay xung đột Cận Đông là đủ chóng mặt. Là những khán giả bất lực của cuốn phim này, chỉ mong người Mỹ biết bảo vệ nền dân chủ của họ, để bảo vệ những người khác.

Le Point nhận định "Nước Mỹ phân cực là Gulliver bị trói", mà sự bất lực trước Benjamin Netanyahou là ví dụ. Tương lai NATO, chiến tranh Ukraine, xung đột ở Đài Loan, quan hệ với Bắc Triều Tiên…quan điểm của Dân Chủ và Cộng Hòa đều đối chọi. Tùy theo Donald Trump hay Kamala Harris đắc cử, ngoại giao Mỹ sẽ có những chính sách khác biệt.

Cơ hội chiến thắng là 50-50, chẳng khác nào vận mệnh thế giới được đặt vào những con xúc-xắc. Trong bối cảnh ấy, các nhà lãnh đạo cố đặt cược vào một bên nào đó. Đây là trường hợp không chỉ của Benjamin Netanyahou mà cả Vladimir Putin. Tổng thống Nga hy vọng Trump đắc cử sẽ khiến sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sụp đổ, nên bác bỏ mọi khả năng đàm phán để chờ đợi. Ngược lại, Iran trông mong Harris thắng, còn Trung Quốc thì thận trọng.

Phương Tây và bầu cử Mỹ : Hồ sơ các tuần báo

Courrier International tuần này nói về "Hiệu ứng Ozempic", loại thuốc trị tiểu đường được dùng để chống béo phì đã làm đảo lộn thị trường hàng dệt may, xuất bản và nông phẩm. Le Point dành hồ sơ cho cuốn sách của nhà bình luận Nicolas Baverez. Theo vị luật sư, dưới sự lãnh đạo của Emmanuel Macron, nước Pháp đã trở nên yếu thế tại châu Âu và trên thế giới.

Le Nouvel Obs chạy tít "Trump-Harris : Cú sốc giữa hai nước Mỹ". Ngày 05/11 tới, Hoa Kỳ sẽ phải chọn lựa giữa Kamala Harris và Donald Trump, hai ứng cử viên hoàn toàn trái ngược. Một sự đối đầu lịch sử xuất phát từ những biến đổi xã hội, văn hóa và dân số của nước Mỹ trong những thập niên gần đây. The Economist đề cập đến một nước Mỹ "đáng ganh tị". Trong ba thập niên qua, Hoa Kỳ đã bỏ xa các nước giàu khác. Hiện GDP của Mỹ chiếm đến phân nửa so với cả G7, nhưng về chính trị, một đất nước ngày càng chia rẽ và cực đoan không phải là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế.

L’Express nhấn mạnh "Những thách thức của phương Tây". Lâu nay nền văn minh phương Tây ngủ yên trên vòng nguyệt quế, ngỡ rằng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền và xã hội tiêu thụ mà mình phổ biến là vĩnh cửu. Thế nhưng đầu thế kỷ 21, phương Tây đối mặt với hai mối đe dọa. Nguy cơ từ bên ngoài : Nga xâm lăng Ukraine , Hamas thảm sát người Do Thái, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và phản ứng của các nước phương Nam, cho thấy các nước tự do dân chủ đã coi giấc mơ là hiện thực. Từ bên trong : Bốn thập niên qua toàn cầu hóa cộng với cá nhân chủ nghĩa đã khiến xã hội phương Tây căng thẳng về chính trị, văn hóa và địa lý. Thêm vào đó là thách thức khí hậu và phát triển công nghệ.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Tiêu diệt thủ lĩnh Hamas : Chiến thắng quân sự của Israel nhưng không giải quyết hết vấn đề Gaza

Xung đột ngày thêm dữ dội tại Trung Đông với sự kiện thủ lĩnh Hamas bị tiêu diệt, chặng đua cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy gay cấn và cuộc chiến tranh tại Ukraine, là những chủ đề lớn được các báo Pháp hôm 18/10/2024 tập trung phản ánh.

hamas1

Biểu tình ủng hộ Palestine sau cái chết của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, Sanaa, Jordan, ngày 18/10/2024. © Reuters/Khaled Abdullah

Thời sự chiếm trang nhất trong ngày là sự kiện là thủ lĩnh của Hamas bị quân đội Israel hạ sát tại Gaza. Le Figaro chạy tựa lớn : "Israel loại trừ lãnh đạo Hamas, đầu não của vụ 07 tháng 10". Trang nhất của Libération thông báo : "Ahya Sinwar, chủ mưu vụ 07/10 – Cái kết của một thủ lĩnh khát máu".

Chiều tối qua (17/10), Israel thông báo đã tiêu diệt được thủ lĩnh Hamas trong một cuộc tập kích trên bộ tại dải Gaza. Với nhật báo Le Figaro, việc lãnh đạo phong trào Hamas bị tiêu diệt được coi như là một thắng lợi quân sự quan trọng của Israel. Trong khi đó Libération đặt câu hỏi : "Việc loại trừ một nhân vật bị Netanyahu coi là kẻ thù số 1 có thể làm thay đổi tiến trình cuộc chiến tranh ?"

Theo Le Figaro, sau các vụ thanh toán thành công những kẻ thù của Nhà nước Do Thái, như Ismaël Haniyeh, lãnh đạo chính trị của Hamas bị giết ở Tehran hồi cuối tháng 7, hoặc của Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah Lebanon, ba tuần trước ở Beirut, việc tiêu diệt Yahya Sinwar là một thắng lợi mới của thủ tướng Israel. Thủ lĩnh Hamas là mục tiêu mà ông theo đuổi từ hơn một năm tiến hành các chiến dịch quân sự tàn khốc tại dải Gaza.  Tuy nhiên ông Netanyahu tuyên bố tối thứ Năm : Cái ác đã bị một đòn nặng nề nhưng nhiệm vụ tới đây của chúng ta vẫn chưa hoàn thành.

Yahya Sinwar, 61 tuổi, đứng đầu danh sách các lãnh đạo Hamas cần phải hạ sát của Israel. Nhân vật này chính là người đã lên kế hoạch và tổ chức cuộc tấn công khủng bố tại Israel hôm 07/10/2023.

Le Figaro cho biết, việc truy lùng kẻ thù số 1 của Israel diễn ra lâu dài và khó khăn. Cách đây nhiều tháng, tình báo Israel đã công bố một video cho thấy ông ta xuất hiện trong một đường hầm ở Gaza và nghĩ rằng đã định vị được thủ lĩnh Hamas, ban đầu là ở Khan Yunis, quê hương ông ta, rồi ở Rafah, biên giới với Ai Cập. Nhưng thủ lĩnh của Hamas vẫn thoát khỏi được cuộc săn lùng ráo riết.

Tờ báo cho biết, từng bị Nhà nước Do Thái giam 20 năm, trước khi được thả năm 2010 để đổi lấy việc thả binh sĩ Israel Gilad Shalit, Sinwar là người hiểu rõ  kẻ thù. Trong tù, ông ta học tiếng Do Thái và tận dụng thời gian để hoàn thiện kiến ​​thức về con người và xã hội Israel. Sau khi được trả tự do, ông đã dồn sức để thành lập một Nhà nước Hamas ở dải Gaza, nơi phong trào Hồi giáo đã lật đổ chính quyền Palestine của Mahmoud Abbas bằng vũ lực vào năm 2007. Theo ông ta, việc đàm phán với Israel không dẫn đến đâu, ưu tiên của ông là phát triển năng lực tấn công và kháng chiến, cho xây dựng một mạng lưới đường hầm rộng lớn, cũng như tích trữ tên lửa có khả năng tấn công sâu vào Israel. Những mục tiêu mà Sinwar đã đạt được nhờ sự hợp tác với các chuyên gia từ Hezbollah, phong trào Hồi giáo Shia ở Lebanon thân Iran.

Xã luận của Le Figaro nhận định việc tiêu diệt được thủ lĩnh Hamas là một thắng lợi không thể chối cãi về mặt quân sự của Israel, nhưng "không hề giải quyết được toàn bộ vấn đề của Gaza". Le Figaro kết luận : "Việc loại trừ một thủ lĩnh khủng bố không làm cho mối đe dọa biến mất : em trai của ông ta, nhân vật số hai, Mohammed Sinwar, ngay lập tức trở thành kẻ thù chính của Israel. Trên hết, chiến thắng trên chiến trường không bảo đảm chiến thắng cả cuộc chiến tranh, nếu Israel không ngay lập tức vạch ra kế hoạch xử lý hậu quả, cam kết giải pháp chính trị cho Gaza. Netanyahu có trách nhiệm chứng minh rằng ông không chỉ là một thủ lĩnh chiến tranh mà  còn là một chính khách".

Trong khi đó xã luận nhật báo Libération với tiêu đề "Công lý", nhận định, cái chết của Yahya Anwar "tạo ra cơ hội đặc biệt để Mỹ thúc ép rút quân Israel ra khỏi Gaza và bắt đầu tái thiết dải đất này, khi mà cách đây không lâu, tướng Israel chỉ huy mặt trận Gaza đã thông báo đa số các mục tiêu quân sự đã đạt được".

Bầu cử tổng thống Mỹ : Căng thẳng và hồi hộp

Chuyển qua một thời sự khác được các báo Pháp chú ý theo dõi hàng ngày : Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, sẽ diễn ra trong hơn hai tuần nữa. Le Figaro ghi nhận qua tựa lớn trên trang nhất : "Trump-Harris : Căng thẳng cực độ, hồi hộp từ đầu tới cuối".

Với bài viết "Trump-Harris, chiến dịch tranh cử điên rồ sít sao hơn bao giờ hết", Le Figaro cho hay, còn chưa đầy 3 tuần đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ (05/11), hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris gần như ngang nhau trong các cuộc thăm dò dự định bỏ phiếu. Dù cử tri có vẻ hơi thiên về Trump, nhưng kết quả cuối cùng vẫn còn nhiều bất trắc, trong một đất nước bị chia rẽ phân cực đối lập nhau như hiện nay.

Mỗi phe nhìn thấy ở ứng cử viên đối thủ của mình là một nhân vật ác mộng. Đối với đảng Dân Chủ, Donald Trump là nhân vật quái dị, gắn liền các vụ bê bối, nằm ngoài các chuẩn mực hành vi. Trong các bài phát biểu, ông ta bôi xấu đất nước, thể chế quốc gia, hứa hẹn trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp và đe dọa trả đũa, bắt giam đối thủ, đồng thời từ chối cam kết sẽ thừa nhận kết quả của cuộc bầu cử nếu bất lợi cho ông. Với phe Dân Chủ, Trump là người phá vỡ truyền thống dân chủ 250 năm của nước Mỹ.

Đối với đảng Cộng Hòa, Kamala Harris là sự hiện thân của một cơn ác mộng khác : một ứng cử viên được lựa chọn bởi bộ máy của đảng, phía sau các khẩu hiệu trống rỗng của bà là một cuộc cách mạng xã hội lấy cảm hứng từ phe cực tả.

Tuy nhiên, tờ báo cũng ghi nhận, sự bứt phá của ứng viên Kamala Harris khi mới gia nhập cuộc đua hồi mùa hè nay đang giảm tốc độ trước khi dừng lại. Thậm chí sự ủng hộ bà  còn bị  xói mòn trong một số giới cử tri truyền thống của đảng Dân Chủ. Ứng viên Kamala Harris đang khó khăn kiếm được phiếu bầu ở bên ngoài phe mình.

Moldova : Kỳ bầu cử thách thức mang tên châu Âu

Cũng về chủ đề bầu cử tổng thống, báo công giáo La Croix quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Moldova, một nước cộng hòa nhỏ bé ở Đông Âu nhưng đang mang nhiều thách thức địa chính trị.

Tựa lớn của La Croix đặt câu hỏi : ModoVa, tương lai thuộc về Liên Hiệp Châu Âu ?  Tờ báo cho biết, Chủ nhật này, nước láng giềng của Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống đồng thời trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Đây là kỳ bầu cử cực kỳ quan trọng đối với người dân Moldova. Theo tờ báo, "để ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Nga đã và đang tiến hành một chiến dịch can thiệp quy mô lớn vào cuộc bầu cử ở đất nước này".

Cùng chủ đề, Libération có bài, tổng thống Modova, bà Maia Sandu giữ mục tiêu hướng tới Liên Hiệp Châu Âu. Theo tờ báo, được bầu làm tổng thống năm 2020 với chương trình thân Liên Hiệp Châu Âu và chống tham nhũng mạnh mẽ, nguyên thủ Moldova phát động tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, bất chấp các ý đồ  gây bất ổn định ở Moldova của Nga ngày càng gia tăng.  Bà tiếp tục cuộc chạy đua giành nhiệm kỳ 2 vào Chủ nhật này.

Chiến tranh Ukraine : Hỗ trợ của phương Tây  vào lúc cuối chiều

Thời sự quốc tế tiếp tục là  được các báo Pháp quan tâm nhiều là cuộc chiến tranh tại Ukraine. Nhật báo Le Figaro có bài : "Zelensky gõ cửa NATO nhưng không ai trả lời".

Bài viết ghi nhận một thực tế, cùng lúc việc cám kết trở lại can dự vào Trung Đông, Mỹ đang mất dần sự quan tâm đến hồ sơ Ukraine và muốn nhường lại trách nhiệm cho các nước Châu Âu. Thế nhưng có vẻ như Liên Âu chưa sẵn sàng cho thách thức mới này.

Liệu một nước Ukraine tự do và dân chủ vẫn có thể có tương lai mà không cần phải gia nhập NATO  hay không ? Câu hỏi nghiêm túc này là trung tâm của cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng các nước Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hôm thứ Năm. Kiev vẫn luôn cho là việc gia nhập NATO là không thể thiếu, là sống còn đối với Ukraine, đang nỗ lực gắng tranh thủ trước khi kết thúc nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bật đèn xanh để các nước NATO mời Ukraine gia nhập Liên minh.

Trong bối cảnh chính trị của nước Mỹ trước bầu cử, đòi hỏi của Ukraine càng trở nên gấp gáp. Tờ báo ghi nhận, tương lai, đối với Ukraine, thậm chí sẽ u ám hơn trong trường hợp Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây. Ứng cử viên Cộng Hòa hứa sẽ chấm dứt chiến tranh bằng cách thảo luận về Vladimir Putin. Ông cũng muốn giảm số lượng trợ giúp từ Ukraine. Một thỏa thuận giữa Trump và Putin sẽ biến chiến tranh thành một cuộc xung đột đóng băng tùy theo lợi ích của Kremlin.

Ukraine bắt đầu thất vọng với  đồng minh phương Tây

Cũng cùng chủ đề này, nhật báo La Croix có bài : "Chiến tranh Ukraine, ở Kiev, nỗi cay đắng ngày càng lớn đối với phương Tây".  Tờ báo ghi nhận : "Không thể thiếu nhưng cũng không đủ và bị đè nặng bởi sự trì hoãn kéo dài : hai năm rưỡi hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine đã để lại dấu ấn ở quốc gia này là mối hoài nghi ngày càng lớn về khả năng của phương Tây trong việc giúp giành chiến thắng chống lại Nga.

Đúng là Ukraine biết ơn sự giúp đỡ quý giá của của phương Tây, nhưng  ngày càng có nhiều người Ukraine thấy nỗi cay đắng và thất vọng về vai trò của phương Tây ở Ukraine.

Trong bối cảnh Nga đang tiến đáng kể ở Donbass, Volodymyr Zelensky, trong năm nay, đã liên tục thất bại trong nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ của phương Tây : năm tháng trì hoãn hồi đầu năm cho cuộc bỏ phiếu ở Washington về dự luật viện trợ lớn cho Kiev ; thông báo của Berlin giảm hỗ trợ một nửa vào năm 2025, thái độ do dự bất tận trong việc cho phép lực lượng Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa của phương Tây, hoặc thậm chí là sự đón nhận trái chiều về kế hoạch chiến thắng do Volodymyr Zelensky đưa ra. Tất cả những yếu tố đó cũng đủ để làm mệt mỏi một đất nước vốn đã không chắc chắn hơn bao giờ hết về tương lai của mình.

Tương lai của Ukraine phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, vào các đồng minh phương Tây. Nhiều người ở Ukraine bắt đầu cay đắng nhận ra điều này.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Quốc tế

Israel-Hamas : Một cuộc chiến, ba quốc gia được lợi

Les Echos ngày 13/11/2023 phân tích "Ba Nhà nước trong một cuộc xung đột". Israel phải thắng và Hamas bị loại khỏi vòng chiến ; nhưng Washington, Moskva và Bắc Kinh sẽ có vị thế mạnh hơn từ cuộc chiến tranh ở Gaza, dưới những dạng thức khác nhau.

israelhamas1

Một xe quân sự Israel trong chiến dịch trên bộ chống lại nhóm Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Ảnh của quân đội Israel ngày 13/11/2023 via Reuters – Israeli Defense Forces

Pháp : Tuần hành chống bài Do Thái đông đảo bất ngờ

Cuộc tuần hành chống nạn bài Do Thái tại Pháp, chiến tranh ở Trung Đông và Ukraine là đề tài chính của các báo Paris hôm nay. Le Monde nói về "Một ban tham mưu chiến tranh dưới áp lực tại Israel", La Croix đăng ảnh những người lính tuần tra ở viện bảo tàng Louvre với dòng tựa "Pháp cảnh giác trước khủng bố". Le Figaro nhấn mạnh "Bài Do Thái : nước Pháp nói Không", với bức ảnh đám đông dẫn đầu là các chính khách trong đó có hai cựu tổng thống sau băng-rôn lớn mang dòng chữ "Vì nền cộng hòa, chống bài Do Thái". Libération chọn ảnh trang nhất là một rừng người biểu tình, ở giữa có biểu ngữ "Tôi là người Do Thái", chạy tít lớn "Một sức bật toàn quốc".

Khoảng 182.000 người hôm Chủ nhật đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành theo lời kêu gọi của chủ tịch lưỡng viện Quốc hội. Theo Libération, khi đáp ứng đông đảo như thế, người Pháp quan tâm đến đoàn kết và danh dự, đã có thái độ xứng tầm, trong khi tổng thống Emmanuel Macron và thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon lỗi hẹn. Le Figaro cho rằng chính những người vắng mặt đã gây chú ý nhất.

Không ít người đã do dự trong một ngày Chủ nhật mưa gió, có sự tham dự của hai nhóm cực hữu, và thời điểm vừa quá xa vụ thảm sát ngày 07/10 lại vừa quá gần cuộc trả đũa đẫm máu của Israel. Nhưng họ đã đến, riêng ở Paris 105.000 người đã tuần hành trên quãng đường từ Hạ Viện đến Thượng Viện. Một đám đông đáng kinh ngạc, có vẻ không có thói quen đi biểu tình, im lặng nhưng đầy xúc động.

Cực tả Pháp bênh vực Hamas để tranh thủ cử tri Hồi giáo

Nhiều khuôn mặt tên tuổi đều hiện diện như thủ tướng Elisabeth Borne, hai cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và François Hollande, các bộ trưởng, dân biểu nghị sĩ thuộc tất cả các đảng phái, trừ đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI). Libération nhấn mạnh, chủ tịch đảng này, Jean-Luc Mélenchon, đã kêu gọi tẩy chay bằng những từ ngữ "đáng ghê tởm và khả nghi", còn sự vắng mặt của đương kim tổng thống được tờ báo thiên tả cho là "kỳ lạ".

Đối với nhật báo cánh hữu Le Figaro, thật đáng mừng vì cuối tuần qua Paris không mang dáng dấp của Luân Đôn. Hôm thứ Bảy, khoảng 300.000 người đã tràn ngập đường phố thủ đô Anh quốc để hô to sự thù ghét Israel. Gérard Larcher, chủ tịch Thượng Viện và Yaël Braun-Pivet, chủ tịch Hạ Viện khẳng định nước Pháp cần phải "tuyên bố với thế giới là Cộng hòa Pháp không và sẽ không bao giờ để sự hèn hạ lan tràn". Thế nhưng hôm qua chủ yếu là những tranh cãi và tính toán bầu cử.

Jean-Luc Mélenchon và đảng của ông cách đây 20 năm cực lực bảo vệ nguyên tắc thế tục, thì nay đứng về phía Hồi giáo với hy vọng kiếm thêm phiếu từ lớp cử tri này. Tệ hơn nữa là Mélenchon từ chối lên án những tội ác kinh hoàng của Hamas, gọi Israel mà ông ta gắn kết với người Pháp gốc Do Thái, là "những kẻ thảm sát". Còn tổng thống Emmanuel Macron tuy kêu gọi Israel ngưng oanh tạc nhưng hôm sau khẳng định Hamas cần phải bị vô hiệu hóa, việc ông không tham dự cuộc tuần hành cũng là một thái độ nước đôi.

Các bệnh viện Gaza, trung tâm cuộc quyết đấu

Tại Gaza, Les Echos nhận thấy "Các bệnh viện ở trung tâm cuộc chiến", La Croix mô tả "Gọng kềm đang khép lại xung quanh bệnh viện Al-Shifa". Những trận đánh đang tiến gần bệnh viện chính của thành phố Gaza, mà theo quân đội Israel là nơi bộ chỉ huy quân sự Hamas đang trú ẩn dưới lòng đất. Nhờ không kích ồ ạt và hoạt động của các đơn vị đặc biệt, 150 địa đạo là nơi ẩn núp của các tay súng Hamas, dự trữ vũ khí, lương thực, đã bị vô hiệu hóa trong những ngày gần đây. Tsahal vận dụng công nghệ, drone, robot, cảm biến đủ loại.

Các tổ chức nhân đạo báo động tình trạng thiếu nước uống, thuốc men, điện ở Gaza, Y sĩ Không biên giới (MSF) thậm chí còn nói rằng các bệnh viện có nguy cơ biến thành "nhà xác". La Croix dẫn lời thứ trưởng y tế của Hamas loan báo khoa tim mạch của Al-Shifa đã bị phá hủy, còn theo OCHA các cơ sở khác cũng bị hư hại, 20/36 bệnh viện không còn hoạt động.

Từ 8 ngày qua, quân đội Israel mỗi ngày đều ngưng tấn công vài tiếng đồng hồ để giúp trên 200.000 người Palestine di tản theo một hành lang nhân đạo. Israel yêu cầu sơ tán nhân viên y tế và bệnh nhân về phía nam để có thể đánh bật Hamas ra khỏi Al-Shifa, bảo đảm không bắn vào đây, hỗ trợ đưa các em bé ra khỏi bệnh viện này. Tsahal hôm 28/10 công bố một video ghi lại lời khai của một tay súng Hamas sau vụ thảm sát hôm 07/10. Tù binh này nói rằng đa số quân Hamas đều núp dưới các bệnh viện để không bị Israel oanh tạc. Liên Hiệp Châu Âu hôm nay lên án Hamas dùng các cơ sở y tế và thường dân làm bia đỡ đạn.

Hoa Kỳ củng cố vị thế ở Trung Đông

Về phía lãnh đạo các nước Ả rập và Hồi giáo cuối tuần qua họp khẩn cấp ở Riyadh tuy đồng thanh lên án Nhà nước Do Thái nhưng chỉ ngoài mặt, họ không đồng thuận về việc trừng phạt kinh tế và chính trị Israel. Nhìn chung, Les Echos phân tích "Ba Nhà nước trong một cuộc xung đột". Israel sẽ phải thắng và Hamas bị loại khỏi vòng chiến ; nhưng Washington, Moskva và Bắc Kinh sẽ có vị thế mạnh hơn từ cuộc chiến tranh ở Gaza, dưới những dạng thức khác nhau.

Từ ngày 07/10, Mỹ quay lại Cận Đông, với biểu tượng ngoạn mục là sự hiện diện của hai hàng không mẫu hạm. Khác xa với sự do dự của Barack Obama hồi tháng 9/2013, khi quyết định không buộc Syria phải tôn trọng lằn ranh đỏ do chính ông vạch ra. Israel là đồng minh lớn của Hoa Kỳ trong khu vực, Washington không thể "để mất" Jerusalem, khi Cairo lẫn Ryadh không phải là những đối tác có thể hoàn toàn tin tưởng. Cường quốc quân sự lớn nhất khu vực cũng rất cần đến Hoa Kỳ. Joe Biden đã rút được hai bài học từ sự chối từ hành động rất đáng lên án ở Syria và cuộc rút quân thảm họa khỏi Afghanistan. Theo đúng truyền thống, ông Biden chỉ có thể phản ứng với quyết tâm sau vụ thảm sát của Hamas.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến New York ngay sau hôm 11/09/2001 mà không hề có tính toán riêng. Joe Biden cũng hành động tương tự ngay sau sự kiện ngày 11 tháng Chín của Israel, vừa răn đe Iran, đồng thời chứng tỏ Nhà nước Do Thái không đơn độc mà có siêu cường số một thế giới bên cạnh, như hồi vừa được thành lập năm 1948. Điều nghịch lý là động thái này có thể làm giảm cơ hội tái đắc cử của tổng thống Dân chủ năm 2024 : phe cực tả trong đảng, gần giống với LFI ở Pháp, có thể không bỏ phiếu cho ông. Đây sẽ làm thảm họa cho Ukraine, nhưng với Israel thì không đến nỗi nào vì đảng Cộng hòa cũng ủng hộ Nhà nước Do Thái.

Nga thủ lợi lớn, Trung Quốc rình rập chờ thời

Cho đến nay, Moskva được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh Gaza. Không chỉ do những hình ảnh từ Israel đã che khuất hầu hết cuộc chiến ở Ukraine, mà nước Nga của Putin nhân đó còn bắt bí được phương Tây. Một dạng săng-ta theo kiểu "Các vị cần đến tôi ở Trung Đông vì chỉ mình tôi có được quan hệ với Iran, nhưng tôi không giúp miễn phí. Hãy bớt đi cam kết với Ukraine". 

Nga còn tung ra các chiến dịch bóp méo thông tin, gây bất ổn tại Pháp. Những ngôi sao David trên tường một số khu phố Paris và ngoại ô cách đây vài ngày là ví dụ cụ thể. Theo tác giả bài viết, cần nhất quán ủng hộ Kiev, dù nỗi xúc động nay hướng về phía khác. Chiến thắng của Nga sẽ là thất bại khủng khiếp cho phe dân chủ, trực tiếp đe dọa những giá trị và cách sống phương Tây.

Trường hợp Trung Quốc phức tạp hơn nhiều. Iran và Saudi Arabia đã xích lại gần nhau với sự dàn xếp của Bắc Kinh, nay đối địch hơn bao giờ hết. Vào lúc Tehran thông qua Hezbollah ca ngợi thành tích của Hamas, Riyadh bắn hạ các hỏa tiễn do phe Houthi tay sai của Iran từ Yemen phóng sang Israel. Bỏ qua các chi tiết này, Trung Quốc nhìn xa hơn, cho rằng Mỹ không thể một lúc chiến đấu trên cả ba mặt trận Ukraine, Trung Đông và Châu Á. Để bác bỏ việc này, ngoại trưởng Antony Blinken sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Tokyo đã sang Seoul để trấn an Hàn Quốc. Hoa Kỳ tái can thiệp ở Châu Âu và Trung Đông, nhưng vẫn có mặt ở Châu Á, Trung Quốc không nên có ảo tưởng nguy hiểm.

Kherson lặng lẽ, một năm sau giải phóng

Liên quan đến Ukraine, La Croix cho biết "Một năm sau khi được giải phóng, Kherson vẫn luôn chịu đựng bom Nga". Cách đây đúng một năm, quân đội Ukraine đã tiến vào thành phố trong sự vui mừng khôn tả của người dân. Bị đuổi chạy sang phía bên kia sông Dniepr, quân Nga bèn gia tăng oanh kích vào Kherson.

Hôm thứ Bảy 11/11, không có đám đông tụ tập trên các đường phố Kherson để kỷ niệm một năm chiến thắng. Ở khu trung tâm, một nhóm nhỏ họp lại để gợi nhớ không khí hân hoan khi lực lượng Ukraine kết thúc tám tháng chiếm đóng, hàng ngàn người đổ ra đường với lá quốc kỳ xanh vàng bị quân xâm lăng cấm đoán. Angelina Zoubritchouk nói, ở Kherson, vài chục người đã là quá nhiều. Không có ngày nào thành phố không bị Nga bắn pháo sang, tình hình an ninh khiến nhiều người bị mất việc làm.

Cô gái 19 tuổi đã sáu lần thay đổi chỗ làm từ khi được giải phóng. Hồi tháng 5, khi mới được nhận vào một trạm xăng, nơi này đã bị bom Nga phá hủy ngay cuối ngày làm việc đầu tiên. Angelina may mắn sống sót, hôm đó 24 thường dân Kherson đã thiệt mạng. Một tháng sau, Nga phá nổ đập Kakhovka ở thượng nguồn sông Dniepr khiến nhiều khu phố bị ngập lụt và thay đổi cả địa lý vùng Zaporijjia kế cận.

Pavel Tchepeliouk, một tình nguyện viên bực tức : "Quân Nga kỷ niệm một năm giải phóng theo kiểu của họ : oanh tạc chúng tôi". Vụ oanh kích ngày 11/11 làm chết một thường dân và thành phố bị cúp điện. Các hiệp hội của Pavel Tchepeliouk và Angelina Zoubritchouk đã ra sức vận động, tích trữ được nhiều đèn cầy, quần áo ấm, lò sưởi, pin, máy phát điện. Oleksandr Tolokonnikov, phát ngôn viên chính quyền địa phương nói : "Chúng tôi chuẩn bị tốt hơn năm ngoái". Mùa đông vẫn đầy đe dọa, một số cư dân đã bắt đầu rời thành phố.

Cuộc sống đa đoan của những người vợ lính Ukraine

Cũng tại Ukraine, Le Figaro viết về cuộc sống bị đảo lộn của những người vợ lính, "không phải là quân nhân mà cũng không hẳn là dân sự". Cho đến ngày 24/02/2022, Nastya Zoukhvala chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kết hôn. Nhưng khi Moskva khởi đầu cuộc xâm lăng đại quy mô, người yêu cô là Serhiy Lipko quyết định cầm súng. Đến tháng 6, họ vội vã tổ chức đám cưới khi Serhiy lần đầu được về phép hai ngày, cô dâu mặc chiếc áo thêu truyền thống, đính vài đóa hoa trên mái tóc, chú rể mặc "treilli".

Một đám cưới nhà binh tiêu biểu, hầu hết là để dự phòng trường hợp xấu nhất. Bởi vì chỉ với tư cách người vợ mới có thể đến thăm ở bệnh viện, được tham khảo hồ sơ trong trường hợp mất tích, hay được tiền tuất nếu tử trận. Trong sáu tháng đầu năm 2022, đã có 106.000 đám cưới, tăng 21%. Chính phủ đơn giản hóa thủ tục qua một ứng dụng, tất cả hoàn tất chỉ trong 15 phút. Ngay hôm sau Serhiy ra mặt trận Kharkiv rồi Bakhmut. Mấy tháng sau khi về phép, anh trông già đi cả chục tuổi. Đôi khi Serhiy liều mạng ra khỏi vị trí để nhắn tin cho vợ đỡ lo, sau đó việc triển khai mạng Starlink đã cứu vãn họ.

Những người vợ lính mà Le Figaro gặp gỡ cho biết mỗi lần có số lạ gọi đến họ đều run sợ vì thường là tin xấu : mất tích, bị thương, tử trận, bị địch bắt… Nhiều người vợ quân nhân trở thành tình nguyện viên giúp quân đội. Natalia không nhớ nổi số kính hồng ngoại và drone mua được ở châu Châu Âu thông qua các trung gian, toàn bộ tiền lương của chồng được dùng để mua trang bị cho đơn vị.

Dù Ukraine có 60.000 nữ quân nhân trong đó 5.000 trực tiếp tác chiến, nhưng hầu hết chiến binh là nam giới. Nhà hoạt động Ivona Kostyna nhận xét trong một cuộc chiến tổng lực, hậu phương không kém phần quan trọng. Vợ của một người lính bị thương hay mất tích, bên cạnh việc chăm sóc con cái, trên thực tế trở thành y tá, nhà tâm lý, vật lý trị liệu, trợ tá xã hội… cho chồng, một công việc toàn thời gian.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Người Do Thái từ khắp nơi về nước tình nguyện chiến đấu

Theo báo chí Pháp ngày 26/10/2023, khó khăn chính của quân đội Israel khi tấn công vào Dải Gaza là quân Hamas trà trộn với thường dân. Để nhắm đến các mục tiêu cụ thể trong thành phố, Israel có một số loại hỏa tiễn, bom chính xác ; đơn vị đặc nhiệm. Nhiều người Do Thái đã từ nước ngoài quay về tham gia lực lượng quân dự bị, tăng viện cho quân đội. Thiếu nhân công nghiêm trọng trong nông nghiệp sau vụ khủng bố, Israel đang đặt hy vọng vào Việt Nam.

dothai1

Quân dự bị Israel gần biên giới Gaza ở miền nam, ngày 12/01/2019. AP - Ariel Schalit

Sau vụ thảm sát, không thể đối thoại với những kẻ sát nhân

Tình hình Trung Đông tiếp tục thu hút mọi sự chú ý của các báo. Le Monde chạy tựa "Israel-Hamas : Đề nghị đầy rủi ro của ông Macron". Le Figaro nói về "Tấn công trên bộ ở Gaza : Netanyahou vào thời khắc phải chọn lựa". Libération đưa tít "Israel-Liban : Một mặt trận khác". La Croix coi đây là "Mối đe dọa chung". Hamas từ lâu vẫn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhưng nhánh chính trị vẫn là người đối thoại bắt buộc đối với tất cả các tổ chức muốn làm việc tại Dải Gaza, vì Hamas quản lý vùng đất này từ hơn 15 năm qua, gần như là một loại nhà nước. Tất cả đã thay đổi vào ngày 07/10. Vụ thảm sát kinh hoàng hôm đó đã khiến phe khủng bố này được xếp vào cùng loại với Daesh, Al-Qaeda.

Le Figaro cho rằng từ 18 ngày qua, Benjamin Netanyahou vẫn do dự trước một chiến dịch quy mô và rất nhiều ẩn số, chịu áp lực từ nhiều hướng. Thủ tướng Israel lâu nay vẫn thích dùng những đòn ngầm hơn là chiến dịch quân sự quy mô. Nhưng ông phải quyết định : một bên là nguy cơ sa lầy ở Gaza và lan rộng ra khu vực, bên kia là khả năng chiến thắng trước bọn khủng bố vấy máu đang núp sau những con tin. Cho dù khó thể "tiêu diệt" hẳn tổ chức Hồi giáo này về quân sự, nhưng khả năng thương lượng với những kẻ sát nhân trong lúc này là không thể chấp nhận được về mặt chính trị.

Một chiến dịch đầy rủi ro, lại thêm Iran quấy phá

Le Monde nói về "Những nguy cơ khó lường của cuộc tấn công trên bộ" mà chính phủ Netanyahou đang chuẩn bị. Các viên chức Mỹ và Châu Âu lo ngại cuộc xung đột sẽ lan rộng tại Trung Đông. Ngoài an nguy cho khoảng 210 con tin đang bị giam giữ ở Gaza, số nạn nhân là thường dân sẽ tăng lên, những trận đánh ác liệt tác động đến dư luận Ả rập, và bạo động tại Châu Âu nhất là Pháp nơi có cộng đồng Do Thái lẫn Hồi giáo đông đảo.

Ông Biden cố thuyết phục Tel-Aviv là còn có những chọn lựa khác, gởi đến một tướng Mỹ có kinh nghiệm về chiến tranh đô thị ở Mosul (Iraq) để giải thích. Các chuyên gia Mỹ đặc biệt lo ngại vì chính quyền Israel thiếu một chiến lược hậu chiến. Giả sử đã hoàn thành mục đích, phải làm gì với Gaza ? Làm thế nào tránh việc Hamas ngóc đầu dậy từ đống tro tàn ?

Libération tố cáo "Iran, nhân tố gây bất ổn ở Cận Đông". Trong khi tổng thống Pháp cố gắng vận động ở Jordan và Ai Cập, thì một tấm ảnh gây chú ý : thủ lãnh Hezbollah, Hamas và Thánh chiến Hồi giáo đang thảo luận ở Beyrouth. Ba người này không đơn giản gặp nhau để uống trà đàm đạo, mà có mục tiêu "đạt được một chiến thắng thực sự" ở Gaza, theo kênh Al-Manar của Hezbollah.

Cả ba phong trào Hồi giáo này đều do Iran giựt dây và nuôi dưỡng. Cùng lúc đó Tehran đe dọa Israel và đồng minh rằng khu vực sẽ trở nên "mất kiểm soát". Iran đã đạt được việc thỏa thuận Abraham giữa Israel và Saudi Arabia bị ngưng lại, và nay đang chờ đợi tình hình sẽ bùng nổ, hủy hoại mọi hy vọng hòa bình. Nếu có một liên minh cần phải quan tâm thì chính là liên minh Hamas, Hezbollah và Iran.

Ưu thế không quân của Israel

Le Figaro phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của quân đội Israel. Trước khi khởi đầu chiến dịch trên bộ, Israel đã có những thành công. Hôm qua quân đội loan báo đã khử được Taysir Mubasher, chỉ huy tiểu đoàn Khan Younes Nord, cựu chỉ huy hải quân Hamas. Vài ngày trước đó, Tsahal khẳng định đã tiêu diệt Mohammed Qatmash, phụ trách pháo binh, và một số thành viên khác. Israel muốn chứng tỏ có những thông tin cụ thể về bộ chỉ huy của nhóm khủng bố và có thể dùng cách oanh tạc.

Tsahal áp dụng chiến thuật diệt trừ tối đa năng lực địch trong thời gian ngắn nhất, với ít thiệt hại nhất, ưu tiên cho tấn công từ trên không và trên biển. Phương thức này chưa thể đủ, sau vụ thảm sát vừa qua, quân đội Israel chuẩn bị chiến dịch mới : kiểm soát biên giới, oanh kích Dải Gaza rồi sau đó mới tiến vào. Với 345 chiến đấu cơ trong đó có 36 F-35, 196 F-16 và 83 F-15, Không quân Israel có ưu thế không thể tranh cãi. Ngoài ra còn có 43 trực thăng tác chiến và các drone vũ trang Harop, Harpy ; phương tiện thám sát ; trong khi Hamas không có phòng không hiệu quả.

Những vũ khí thích ứng với chiến tranh đô thị

Khó khăn chính của Tsahal là quân khủng bố trà trộn với thường dân. Để nhắm đến các mục tiêu cụ thể trong thành phố, Israel có hỏa tiễn Hellfire, bắn đi từ trực thăng, và các drone, những quả bom nhỏ StormBreaker, bom JDAM có GPS dẫn đường, bom "bunker buster" loại GBU-28 có thể phát nổ ở độ sâu nhiều mét dưới lòng đất. Loại bom này có thể đánh vào các địa đạo của Hamas với điều kiện biết được đường lối, nhưng trên thực tế khó thể oanh tạc ồ ạt vì còn nhiều con tin. Tsahal cũng tránh dùng lượng chất nổ lớn. Đạn chính xác chỉ có số lượng hạn chế, đây là điểm yếu của Tsahal, và còn phải dự trù một mặt trận thứ hai với Hezbollah ở miền bắc.

Lục quân Israel gồm 126.000 quân nhân được trang bị đầy đủ, và 300.000 quân dự bị, 400 xe tăng Merkava, 1.000 thiết vận xa, 530 đại bác. Nhưng chiến tranh đô thị rất phức tạp, cần những đơn vị được huấn luyện đặc biệt. Ưu thế công nghệ khó áp dụng trong chiến tranh du kích. Những đường hầm cao hai mét, rộng một mét giúp quân khủng bố tấn công bất ngờ và lẩn trốn. Israel còn có đơn vị tinh nhuệ Yahalom chuyên xâm nhập địa đạo, có các cảm biến radar giúp phát hiện những cơ sở hạ tầng dưới lòng đất, và nhiều thiết bị khác từ máy thở đến kính hồng ngoại. Bên cạnh đó là đơn vị quân khuyển Oketz huấn luyện chó hoạt động dưới đường hầm. Lâu nay chuyên về đột kích, những đơn vị này sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài.

Người Do Thái tình nguyện quay về tham gia quân đội  

Phóng sự của Le Figaro cho biết thêm về "Một đội quân tình nguyện đã đứng dậy tham gia hàng ngũ quân đội Israel". Nhiều thường dân hầu hết mang hai quốc tịch đã lập tức gia nhập lực lượng quân dự bị. Họ là bác sĩ phẫu thuật, sinh viên, nhân viên địa ốc, giảng viên đại học, người về hưu… từ 23 đến 69 tuổi, là người Do Thái nhưng mang quốc tịch Pháp, Mỹ... Một số để lại sau lưng con, cháu, người khác từ biệt người yêu hay vợ.

Những khác biệt đã bị xóa nhòa khi khoác lên người bộ đồ trận màu ô-liu của quân đội Israel. Đa số được gởi đến hai mặt trận quan trọng : dọc biên giới Lebanon ở phía bắc và xung quanh Dải Gaza ở phía nam. Kể từ ngày 07/10, khi đi qua một doanh trại quân đội, có thể thấy hàng mấy trăm chiếc xe hơi đậu ngổn ngang trên đường hay những khoảnh đất xung quanh, đó là của những người Do Thái đã vội vã bỏ lại tất cả để đi theo lời kêu gọi bảo vệ Tổ quốc.

Nir Boms, 51 tuổi nói : "Ngày 07/10 đất nước chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi. Có một Israel 1.0 cho đến cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967 ; Israel 2.0 cho đến chiến tranh Kippur năm 1973 và nay là Israel 3.0". Nhà nghiên cứu của đại học Tel-Aviv nay là thiếu tá của "Home Front Command", đơn vị phụ trách giám sát các hoạt động dân sự tại khu vực quân sự quanh Dải Gaza. Bác sĩ Jonathan Demma, quốc tịch Pháp 46 tuổi cho biết hôm đó đã chạy ngay đến bệnh viện. Trực thăng đưa đến những người bị thương, ông giải phẫu suốt buổi sáng, và đến chiều gia nhập đơn vị chiến đấu. Reouven, 25 tuổi, cũng song tịch Pháp-Israel, làm việc trong ngành tài chánh, ngồi canh điện thoại suốt hai ngày, cho đến khi nhận được tin nhắn rất được mong chờ để lên đường tham gia đơn vị bắn tỉa. Itay Sasson, 23 tuổi, quân dự bị của một đơn vị drone, sốt ruột khi chưa thấy gọi nhập ngũ. Trong khi chờ đợi, anh tình nguyện làm việc tại một lò bánh mì cung cấp bánh cho những người lính.

Sau Mariupol và Bakhmut, còn ai biết đến Avdiivka ?

Le Monde nhận thấy sau khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hamas, "Vladimir Putin xoa tay hài lòng" khi chẳng còn ai chú ý đến cuộc chiến của ông ta ở Ukraine từ 20 tháng qua. Những ngày này, quân Nga oanh kích không ngơi nghỉ Avdiivka, thành phố 30.000 dân nay chỉ còn chưa đầy 2.000, để cố gắng đánh bật lực lượng Ukraine.

Từ năm 2022, tất cả mọi người ở Châu Âu đều biết đến những địa danh Mariupol và Bakhmut, nhưng giờ đây có ai nghe nói đến Avdiivka ? Trận đánh hết sức ác liệt. Hôm thứ Hai 23/10, tướng Ukraine Oleksandr Syrsky nói : "Địch quân bị thiệt hại rất lớn, nhưng họ thường xuyên lập lại các đơn vị nhờ tăng viện từ Nga". Không một lời nào về thiệt hại của Ukraine, nhưng có thể hình dung được. Thứ Bảy 21/10, một hỏa tiễn Nga đã giết chết 6 thường dân tại một trung tâm phân loại thư từ ở Kharkiv. Chẳng ai nói về họ cả.

Từ đầu, Vladimir Putin đã tin chắc công luận phương Tây rốt cuộc sẽ ngao ngán khi chiến tranh Ukraine kéo dài. Ông ta không thể mơ gì hơn khi kinh hoàng được gieo rắc tại Cận Đông. Về ngoại giao, Putin thành công hơn khi tuyên truyền với các nước "phương Nam" rằng phương Tây bất công, tại sao nói Nga vi phạm luật pháp quốc tế ở Ukraine nhưng ủng hộ Israel oanh tạc Gaza ? Ông ta muốn khuấy động sự giận dữ nơi các xã hội Châu Âu đa sắc tộc.

Tuy nhiên mọi việc không suông sẻ như ý muốn. Khi từ chối lên án Hamas về vụ thảm sát ngày 07/10, Putin không còn giữ được thăng bằng trong quan hệ với Israel. Lợi dụng việc Obama không muốn can thiệp vào Syria, Nga ngự trị trong khu vực từ năm 2015. Nhưng nếu tình hình thêm căng thẳng khiến Hoa Kỳ phải quay lại, Moskva khó thể duy trì mặt trận này cùng lúc với cuộc xâm lăng Ukraine. Tập Cận Bình khôn ngoan hơn, tránh can thiệp quân sự vào khu vực dễ bùng nổ này, tự hài lòng khi Mỹ quá bận rộn.

Thiếu nhân công, Israel cầu viện Việt Nam

Trong vụ khủng bố của Hamas, những nạn nhân ít được chú ý là lao động nhập cư. Ít nhất 24 người lao động Thái Lan trong ngành nông nghiệp đã bị quân khủng bố Hamas sát hại, 18 người khác mất tích, có lẽ đang là con tin ở Gaza. Mười nhân viên Népal và mười mấy người Philippines, Trung Quốc cũng thiệt mạng. Việc nhận dạng khó khăn vì không thể so sánh với ADN của thân nhân ở cách xa nhiều ngàn cây số. 

Vụ tàn sát khiến cho 7.000 công nhân nước ngoài hoảng loạn, gần 2.000 người Thái Lan đã hồi hương ngay lập tức. Kết quả là các nông trại ở gần Dải Gaza cung cấp 3/4 rau quả cho cả nước bị thiếu lao động ngay trong mùa thu hoạch. Chính phủ cố gắng thuyết phục lao động nhập cư ở lại với tiền thưởng 500 euro một tháng, giấy phép làm việc có giới hạn 5 năm được gia hạn thêm 2 năm. Để trấn an, thêm 430 hầm tránh bom để bổ sung cho số 600 hầm đã có trong các khu nông nghiệp. Khó thể biết các biện pháp này có thuyết phục được họ hay không.

Tình hình căng thẳng đến nỗi bộ trưởng nông nghiệp Avi Dichter thậm chí còn đề nghị cho phép tuyển khẩn cấp 8.000 người Palestine ở Cisjordanie, nhưng chỉ nhận phụ nữ đủ mọi lứa tuổi và nam trên 60 tuổi, được cho là ít nguy hiểm hơn cho xã hội. Tuy nhiên bộ trưởng an ninh Itamar Ben Gvir thuộc phe cực hữu phản đối, vì "nguy hại cho người dân Israel trong thời chiến", nên phải cầu viện đại diện một số nước khác. Đặc biệt bộ trưởng Dichter tìm cơ may nơi Việt Nam, quốc gia trong những năm gần đây đã tăng cường quan hệ kinh tế mạnh mẽ đến nỗi trở thành một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ Nhà nước Do Thái. Câu trả lời còn phải đợi đến khi tình hình tương đối yên tĩnh, có thể là nhiều tuần, nhiều tháng nữa.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Hệ thống địa đạo Hamas ở Gaza, chiến trường trọng điểm của Israel

Le Point nhấn mạnh "Muốn có hòa bình, phải bắt đầu bằng việc trừ khử Hamas". The Economist nhận định, hệ thống địa đạo của Hamas dưới lòng đất Gaza sẽ là chiến trường trọng điểm của Israel.

tunnel1

Các quân nhân Israel tiến vào một đường hầm do Hamas đào, phát hiện được gần biên giới Dải Gaza, ngày 13/10/2023. AP - Tsafrir Abayov

Khủng bố Hồi giáo, từ Trung Đông đến châu Âu

Ngoài L’Express ra số đặc biệt kỷ niệm 70 năm tuần báo ra đời, những hình ảnh đau buồn của người dân ở Trung Đông chiếm trang bìa các tuần báo Pháp kỳ này. Le Point dành hẳn một số báo "lịch sử" dày cộp cho chủ đề "Hồi giáo cực đoan : Tội ác của chúng, sự chối từ của ta". L’Obs chạy tựa "Israel – Gaza : Bên bờ vực thẳm" phân tích những thảm họa nhân đạo, nguy cơ lây lan trong khu vực, sự quay lại của mối đe dọa khủng bố. Courrier International nói về "Gaza, một cuộc chiến không luật lệ", The Economist đặt câu hỏi "Bao giờ thì chấm dứt ?".

L'Obs kêu gọi "Trước bi kịch Israel-Palestine, không nhường bước cho thù hận", tránh chiếc bẫy mà bọn khủng bố giăng ra. Cũng không nên lẫn lộn giữa Palestine và Hamas, phân biệt cuộc tranh đấu của người Palestine và mục đích chiến tranh từ những kẻ thù của Israel.

Đối với Israel, không thể bỏ quên vấn đề Palestine và với người Palestine cần tìm ra tiếng nói khác biệt với bọn khủng bố Hamas, dù chính quyền của ông Abbas hiện đã mất uy tín trầm trọng. Với cộng đồng quốc tế và đặc biệt là Hoa Kỳ, là đóng lại vai trò trọng tài gìn giữ hòa bình, thúc đẩy các nước Ả Rập ra khỏi thói đạo đức giả, tham gia giải quyết xung đột. Đối với những kẻ đứng sau như Iran, nên thấy ra rằng đối đầu trực diện với Israel rất nguy hiểm, trong trò chơi chết người này tất cả đều thiệt thòi.

Chỉ có Mỹ mới cứu được Israel và Gaza

The Economist cho rằng "Chỉ có Mỹ mới cứu được Israel và Gaza khỏi một thảm họa lớn hơn", trong khi Iran, Nga và Trung Quốc đang thủ lợi nhờ tình hình hỗn loạn. Mọi việc diễn biến quá sức nhanh. Vụ nổ tại bệnh viện Ahli Arab ở Gaza tối 17/10 làm thiệt mạng một số người Palestine đang trú ẩn tại đây. Bất chấp những bằng chứng vững chắc cho thấy đó là do một rốc-kết của phía Palestine bị trục trặc, các nước Ả Rập vội vã lên án Israel. Hezbollah, dân quân Lebanon vũ trang hùng hậu như một quân đội tiến gần đến một cuộc chiến, những chiếc cầu được tỉ mỉ xây dựng nên giữa Israel và các láng giềng Ả Rập sụp đổ.

Mười lăm giờ sau vụ nổ, tổng thống Joe Biden hạ cánh xuống Israel, một ông già với trọng lượng của thế giới đè nặng lên vai. Trong nửa thế kỷ qua, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có thể tái lập được trật tự tại đây, nhất là ở Irak và Syria. Tử thần đang đe dọa Gaza, thuốc độc đã ngấm vào thế giới Ả Rập. Nguy cơ trước mắt là ở mặt trận thứ hai, phía bắc Israel. Hezbollah nay sẽ được khối Ả Rập ủng hộ mạnh mẽ nếu tấn công Nhà nước Do Thái, và nếu Israel nhận thấy chiến tranh khó tránh khỏi, sẽ "tiên hạ thủ vi cường". Mỹ đã điều hai hàng không mẫu hạm để răn đe Hezbollah và Iran.

Mối nguy thứ hai là quan hệ Israel - Ả Rập có thể bị đẩy lùi nhiều thập niên. Lẽ ra các nhà lãnh đạo Ả Rập cần kêu gọi bình tĩnh, mở điều tra độc lập về vụ nổ. Để tránh những vụ người Palestine làm chết hàng loạt người Palestine như vậy, phải nỗ lực giữ an toàn cho thường dân Gaza, có một kế hoạch cho tương lai. Thay vào đó, là thù hận càng sâu sắc. Đã lỡ kết án nặng nề khó thể rút lại, họ tiếp tục đổ tội cho Israel. Jordanie lập tức hủy bỏ một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và các nhà lãnh đạo khu vực khác, vốn là hy vọng lớn nhất cho ngoại giao. Ai Cập nhất quyết không cho người tị nạn tạm cư ở Sinai.

Iran, Nga, Trung Quốc thủ lợi

Đây là thất bại đáng buồn về cách lãnh đạo. Hầu hết các chính phủ Ả Rập lâu nay không ưa Hamas và ông chủ đứng sau là Iran. Những nước như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Saudi Arabia cần sự ổn định và quan hệ tốt đẹp với Israel. Tuy vậy họ ngần ngại, không dám trắc nghiệm sự giận dữ của dân chúng khi nói sự thật về nguồn gốc quả rốc-kết, nên đã chọn lựa việc phá hoại lợi ích lâu dài của nhân dân mình.

Đối với Iran, đó là một chiến thắng. Trong nhiều năm qua, Tehran đã tài trợ, vũ trang và huấn luyện cho Hamas, Hezbollah... hy vọng bạo lực và hỗn loạn sẽ làm Israel yếu đi và làm mất uy tín các chính quyền Ả Rập. Nếu quan hệ giữa Mỹ và thế giới Ả Rập rạn nứt, Iran sẽ hân hoan xây dựng nền móng cho sự thống trị khu vực. Nga và Trung Quốc cũng thủ lợi. Tại các nước phương Nam, có xu hướng cho rằng câu chuyện phức tạp này chỉ là người Palestine bị đàn áp, người Do Thái thống trị. Moskva và Bắc Kinh lợi dụng để đả kích Mỹ đạo đức giả về nhân quyền và tội ác chiến tranh, rêu rao rằng Washington đã kích động cuộc chiến ở Ukraine.

Tương tự, Le Monde cuối tuần nhận định Iran liên tục đe dọa Israel, nhưng lại lo sợ xung đột sẽ lan rộng. Thổi hơi quá nhiều vào đám cháy, phải chăng có nguy cơ bị phỏng nếu gió xoay chiều ? Còn Moskva coi đây là cơ hội bằng vàng để phương Tây xao lãng cuộc chiến ở Ukraine, giảm hỗ trợ cho Kiev.

Những "kẻ ngốc hữu dụng" của Hamas

L’Express chỉ trích không ít trí thức : nhà chính trị học, xã hội học, luật sư, chính khách… từ chối coi Hamas là "tổ chức khủng bố", dù 1.400 người Israel đã bị thảm sát với máu lạnh. Thậm chí còn biện hộ cho vụ tấn công của Hamas "chống lại kẻ chiếm đóng là hợp pháp", hay so sánh với kháng chiến quân Pháp thời chống phát-xít Đức !

Giáo sư Bernard Haykel, đại học Princeton nói, tổ chức này sát hại thường dân không tấc sắt trong tay, chứ không phải nhắm vào các cơ sở quân sự. "Tôi không thể hiểu tại sao không cực lực lên án Hamas. Nhất là hành xử với ý tưởng Hồi giáo cực đoan, bài Do Thái, khác xa những phong trào dân tộc như Phong trào Giải phóng Palestine (PLO)".

Trên Le Point, nhà sử học Pierre-André Taguieff tố cáo việc Hồi giáo hóa công cuộc đấu tranh của người Palestine và tầm cỡ quá đáng của việc chống Israel. Ông coi đây là "tả khuynh Hồi giáo hóa của những kẻ ngu ngốc", "thuốc phiện mới của trí thức". Trách nhiệm của báo chí khi vội vàng theo đuôi Hamas trong vụ nổ ở một bệnh viện ở Dải Gaza cũng được nêu ra. Giáo sư Yascha Mounk của đại học Johns Hopkins bất bình : "Làm thế nào các cơ quan truyền thông lớn lại có thể lầm lẫn đến thế ?"

Tiêu diệt Hamas : Cơ hội duy nhất cho hòa bình

Le Point nhấn mạnh "Muốn có hòa bình, phải bắt đầu bằng việc trừ khử Hamas". Cần chấm dứt hành xử kiểu như là một sáng đẹp trời Tsahal bỗng quyết định giải trí bằng cách oanh tạc Gaza. Mà cuộc chiến này bị áp đặt bởi một vụ khủng bố dã man chưa từng thấy kể từ khi Israel lập quốc. Tất nhiên hình ảnh một trẻ em Palestine bị thương vì bom cũng đáng thương như một em bé Israel bị sát hại, hành hạ.

Chính Hamas phải hoàn toàn chịu trách nhiệm không chỉ về cái chết của 1.400 người Do Thái hôm 07/10, mà cả 4.000 người Palestine bị thiệt mạng ở Dải Gaza và số lượng sẽ còn tăng lên vì Hamas chỉ coi họ là bia đỡ đạn. Khi Israel ra thời hạn 24 giờ và sau đó lại gia hạn 24 giờ nữa cho cư dân Gaza để sơ tán khỏi các tòa nhà mà Hamas đặt sở chỉ huy, kho vũ khí, giàn phóng hỏa tiễn, quân khủng bố đắc chí vì đó là một trong những quân đội hiếm hoi trên thế giới phải tuân theo nghĩa vụ đạo đức, nhưng nguy hiểm về quân sự, là phải cảnh báo trước khi oanh kích.

Những kẻ vô lại không muốn người dân ra đi, hù dọa rằng sẽ không có ngày về vì người Do Thái sẽ chiếm. Cần nhắc nhở rằng Israel đã rút khỏi Dải Gaza từ 18 năm qua, và không có thủ tướng Israel nào muốn quay lại. Nếu thực sự lo cho số phận phụ nữ, trẻ em, người già, người bệnh, Ai Cập phải mở cửa biên giới, cho lập hành lang nhân đạo, cho các tổ chức phi chính phủ đưa vào Gaza những bệnh viện dã chiến. Nhìn chung, cần chấm dứt coi Hamas - kẻ đã vạch kế hoạch và mong muốn cơn ác mộng này - là nguồn hy vọng của người dân Palestine.

"Palestine phải sống" ? Không. "Israel phải chết", đó là châm ngôn của Hamas. Dải Gaza là "nhà tù lộ thiên"? Nhưng chính Hamas giữ chiếc chìa khóa. Rất nhiều lần Israel kêu gọi "ngưng bắn rốc-kết sang, sẽ không còn phong tỏa". Và "hãy chấp nhận bàn tay chìa ra, nhận tiền trợ giúp và viện trợ quốc tế (...) không phải để đào hầm mà xây trường học", nhưng Hamas đáp trả "nghề của chúng tôi là giết chóc chứ không phải tạo dựng thịnh vượng". Tác giả nhấn mạnh, Hamas chỉ là một tổ chức khủng bố, bắt con tin, liên kết với một "quốc tế khủng bố", đó là thực tế. Và tiêu diệt Hamas là cơ hội duy nhất để một ngày nào đó tìm lại con đường hòa bình.

Hệ thống địa đạo : Thách thức lớn cho Israel tại Gaza

Trước mắt, việc Israel tấn công vào Gaza là không thể tránh khỏi. The Economist nhận định, hệ thống địa đạo của Hamas dưới lòng đất Gaza sẽ là chiến trường trọng điểm của Israel. Chiến tranh đô thị gồm bốn mảng : trên trời vốn ngày càng nhiều drone, các tòa nhà cao tạo cung cấp tầm nhìn và nơi ẩn trú, mạng lưới đường sá chằng chịt, và những đường hầm. Chính mảng thứ tư này là thách thức lớn nhất cho quân đội Israel.

Những đường hầm đầu tiên đào năm 1981 là để buôn lậu, nhưng đến 2001 Hamas bắt đầu xây dựng một mạng lưới địa đạo thực sự. Ban đầu nhằm lén đưa súng ống và vật liệu từ Ai Cập vào, nhưng sau còn dùng để liên lạc mà không lệ thuộc vào mạng điện thoại của Gaza, làm kho vũ khí, để xâm nhập Israel, và có thể là bẫy rập khi Israel tiến vào.

Theo Rand Corporation, năm 2014 khoảng 900 người làm việc toàn thời gian để xây dựng mạng lưới đường hầm, mỗi đường hầm mất ba tháng và tốn kém 100.000 đô la. Người ta cho rằng Iran và Bắc Triều Tiên đã tham gia qua việc cung cấp tiền bạc và kỹ sư. Năm 2014, Tsahal (quân đội Israel) tung ra chiến dịch "Vành đai bảo vệ", phá hủy được 32 đường hầm dài tổng cộng 100 kilomet, trong đó có 14 lấn sang lãnh thổ Israel. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong số 1.300 đường hầm dài đến 500 kilomet, tức gấp 10 lần chiều dài Dải Gaza.

Việc tìm ra các địa đạo này vô cùng khó. Tsahal dùng các thiết bị nghe những tiếng động từ dưới đất, radar, dụng cụ phát hiện những chấn động như trong kỹ nghệ dầu mỏ, hay những lúc tín hiệu điện thoại Palestine biến mất. Nhưng nhiều đường hầm được tìm ra nhờ con người : nguồn tin từ Gaza, toán tuần tra phát hiện lối vào.

Bất lợi của một cuộc chiến dưới lòng đất

Và dù có tìm được, phá hủy địa đạo lại là chuyện khác. Không quân Israel đã thử thả bom có độ chính xác cao dọc theo đường hầm, nhưng một số không nổ đúng độ sâu cần thiết. Còn dùng "Emulsa", một chất nổ dạng gel thì cần từ 9 tới 11 tấn cho mỗi địa đạo, và như vậy bộ binh phải canh giữ lối vào trong một thời gian dài.

Những người lính cũng tránh chiến đấu trong các đường hầm, vì bẫy rập, tầm nhìn và liên lạc bị hạn chế hẳn so với trên mặt đất. Ngay cả những drone tinh vi cũng không nhìn thấy được dưới lòng đất, định vị GPS không sử dụng được.

Bóng tối hoàn toàn khiến kính hồng ngoại bất lực vì hoạt động theo nguyên tắc khuếch đại những tia sáng nhỏ. Không khí lạnh hơn, có thể đến âm 10°C, và độc hại hơn. Tiếng súng vang lớn hơn trong không gian khép kín. Những kỹ thuật trước đây để phá địa đạo như Mỹ dùng hơi cay ở Việt Nam, Liên Xô dùng hóa chất ở Afghanistan, giờ đây có thể bị coi là bất hợp pháp.

Tsahal ngày càng dựa vào công nghệ, như cho robot đi trước để tránh bị phục kích, nhờ đó các binh sĩ bớt căng thẳng. Nhưng cũng có khi robot bị kẹt trong mê cung này. Tướng Herzi Halevi, tổng tham mưu trưởng quân đội Israel dự báo : "Tiến vào Gaza, là vào nơi mà Hamas đã chuẩn bị, vạch kế hoạch sẵn, bị tấn công ở mọi nơi". Việc xác định, dọn sạch và đánh sập hàng trăm cây số địa đạo phải mất nhiều năm trời, chứ không thể tính theo tuần hoặc tháng.

Pháp : Từ "Tôi là Charlie" đến "Allah Akbar !"

Tại Pháp, dù chính phủ kêu gọi "không du nhập xung đột", nhưng tình hình vẫn bất an. Chỉ trong bảy ngày qua, cung điện Versailles đã báo động bom đến sáu lần. Chiều thứ Năm 19/10, về việc cấm biểu tình ủng hộ Palestine, tổng thống Emmanuel Macron nói rằng cần tôn trọng người đã khuất : đó là ngày tang lễ của Dominique Bernard, người thầy đã bị kẻ khủng bố sát hại trong trường học ở Arras. Nước Pháp cũng khóc thương 30 công dân bị thiệt mạng trong vụ thảm sát ở Israel, số thiệt hại chưa bao giờ cao đến thế kể từ sau vụ khủng bố ở Nice.

Thế nhưng ngay tối hôm đó, hàng trăm người biểu tình hô vang "Allah Akbar !" - câu mà kẻ sát nhân đã hô to khi giết chết thầy giáo Bernard - ngay tại quảng trường mang tính biểu tượng của Paris là République. Chính tại nơi này, cả triệu người Pháp cách đây 8 năm đã đến để bày tỏ sự gắn bó với đất nước của tự do với câu khẩu hiệu "Tôi là Charlie". Le Figaro cuối tuần tự hỏi : Từ "Tôi là Charlie" đến "Allah Akbar !", vì đâu nên nỗi ?

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế