Tiêu diệt thủ lĩnh Hamas : Chiến thắng quân sự của Israel nhưng không giải quyết hết vấn đề Gaza
Xung đột ngày thêm dữ dội tại Trung Đông với sự kiện thủ lĩnh Hamas bị tiêu diệt, chặng đua cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy gay cấn và cuộc chiến tranh tại Ukraine, là những chủ đề lớn được các báo Pháp hôm 18/10/2024 tập trung phản ánh.
Biểu tình ủng hộ Palestine sau cái chết của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, Sanaa, Jordan, ngày 18/10/2024. © Reuters/Khaled Abdullah
Thời sự chiếm trang nhất trong ngày là sự kiện là thủ lĩnh của Hamas bị quân đội Israel hạ sát tại Gaza. Le Figaro chạy tựa lớn : "Israel loại trừ lãnh đạo Hamas, đầu não của vụ 07 tháng 10". Trang nhất của Libération thông báo : "Ahya Sinwar, chủ mưu vụ 07/10 – Cái kết của một thủ lĩnh khát máu".
Chiều tối qua (17/10), Israel thông báo đã tiêu diệt được thủ lĩnh Hamas trong một cuộc tập kích trên bộ tại dải Gaza. Với nhật báo Le Figaro, việc lãnh đạo phong trào Hamas bị tiêu diệt được coi như là một thắng lợi quân sự quan trọng của Israel. Trong khi đó Libération đặt câu hỏi : "Việc loại trừ một nhân vật bị Netanyahu coi là kẻ thù số 1 có thể làm thay đổi tiến trình cuộc chiến tranh ?"
Theo Le Figaro, sau các vụ thanh toán thành công những kẻ thù của Nhà nước Do Thái, như Ismaël Haniyeh, lãnh đạo chính trị của Hamas bị giết ở Tehran hồi cuối tháng 7, hoặc của Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah Lebanon, ba tuần trước ở Beirut, việc tiêu diệt Yahya Sinwar là một thắng lợi mới của thủ tướng Israel. Thủ lĩnh Hamas là mục tiêu mà ông theo đuổi từ hơn một năm tiến hành các chiến dịch quân sự tàn khốc tại dải Gaza. Tuy nhiên ông Netanyahu tuyên bố tối thứ Năm : Cái ác đã bị một đòn nặng nề nhưng nhiệm vụ tới đây của chúng ta vẫn chưa hoàn thành.
Yahya Sinwar, 61 tuổi, đứng đầu danh sách các lãnh đạo Hamas cần phải hạ sát của Israel. Nhân vật này chính là người đã lên kế hoạch và tổ chức cuộc tấn công khủng bố tại Israel hôm 07/10/2023.
Le Figaro cho biết, việc truy lùng kẻ thù số 1 của Israel diễn ra lâu dài và khó khăn. Cách đây nhiều tháng, tình báo Israel đã công bố một video cho thấy ông ta xuất hiện trong một đường hầm ở Gaza và nghĩ rằng đã định vị được thủ lĩnh Hamas, ban đầu là ở Khan Yunis, quê hương ông ta, rồi ở Rafah, biên giới với Ai Cập. Nhưng thủ lĩnh của Hamas vẫn thoát khỏi được cuộc săn lùng ráo riết.
Tờ báo cho biết, từng bị Nhà nước Do Thái giam 20 năm, trước khi được thả năm 2010 để đổi lấy việc thả binh sĩ Israel Gilad Shalit, Sinwar là người hiểu rõ kẻ thù. Trong tù, ông ta học tiếng Do Thái và tận dụng thời gian để hoàn thiện kiến thức về con người và xã hội Israel. Sau khi được trả tự do, ông đã dồn sức để thành lập một Nhà nước Hamas ở dải Gaza, nơi phong trào Hồi giáo đã lật đổ chính quyền Palestine của Mahmoud Abbas bằng vũ lực vào năm 2007. Theo ông ta, việc đàm phán với Israel không dẫn đến đâu, ưu tiên của ông là phát triển năng lực tấn công và kháng chiến, cho xây dựng một mạng lưới đường hầm rộng lớn, cũng như tích trữ tên lửa có khả năng tấn công sâu vào Israel. Những mục tiêu mà Sinwar đã đạt được nhờ sự hợp tác với các chuyên gia từ Hezbollah, phong trào Hồi giáo Shia ở Lebanon thân Iran.
Xã luận của Le Figaro nhận định việc tiêu diệt được thủ lĩnh Hamas là một thắng lợi không thể chối cãi về mặt quân sự của Israel, nhưng "không hề giải quyết được toàn bộ vấn đề của Gaza". Le Figaro kết luận : "Việc loại trừ một thủ lĩnh khủng bố không làm cho mối đe dọa biến mất : em trai của ông ta, nhân vật số hai, Mohammed Sinwar, ngay lập tức trở thành kẻ thù chính của Israel. Trên hết, chiến thắng trên chiến trường không bảo đảm chiến thắng cả cuộc chiến tranh, nếu Israel không ngay lập tức vạch ra kế hoạch xử lý hậu quả, cam kết giải pháp chính trị cho Gaza. Netanyahu có trách nhiệm chứng minh rằng ông không chỉ là một thủ lĩnh chiến tranh mà còn là một chính khách".
Trong khi đó xã luận nhật báo Libération với tiêu đề "Công lý", nhận định, cái chết của Yahya Anwar "tạo ra cơ hội đặc biệt để Mỹ thúc ép rút quân Israel ra khỏi Gaza và bắt đầu tái thiết dải đất này, khi mà cách đây không lâu, tướng Israel chỉ huy mặt trận Gaza đã thông báo đa số các mục tiêu quân sự đã đạt được".
Bầu cử tổng thống Mỹ : Căng thẳng và hồi hộp
Chuyển qua một thời sự khác được các báo Pháp chú ý theo dõi hàng ngày : Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, sẽ diễn ra trong hơn hai tuần nữa. Le Figaro ghi nhận qua tựa lớn trên trang nhất : "Trump-Harris : Căng thẳng cực độ, hồi hộp từ đầu tới cuối".
Với bài viết "Trump-Harris, chiến dịch tranh cử điên rồ sít sao hơn bao giờ hết", Le Figaro cho hay, còn chưa đầy 3 tuần đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ (05/11), hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris gần như ngang nhau trong các cuộc thăm dò dự định bỏ phiếu. Dù cử tri có vẻ hơi thiên về Trump, nhưng kết quả cuối cùng vẫn còn nhiều bất trắc, trong một đất nước bị chia rẽ phân cực đối lập nhau như hiện nay.
Mỗi phe nhìn thấy ở ứng cử viên đối thủ của mình là một nhân vật ác mộng. Đối với đảng Dân Chủ, Donald Trump là nhân vật quái dị, gắn liền các vụ bê bối, nằm ngoài các chuẩn mực hành vi. Trong các bài phát biểu, ông ta bôi xấu đất nước, thể chế quốc gia, hứa hẹn trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp và đe dọa trả đũa, bắt giam đối thủ, đồng thời từ chối cam kết sẽ thừa nhận kết quả của cuộc bầu cử nếu bất lợi cho ông. Với phe Dân Chủ, Trump là người phá vỡ truyền thống dân chủ 250 năm của nước Mỹ.
Đối với đảng Cộng Hòa, Kamala Harris là sự hiện thân của một cơn ác mộng khác : một ứng cử viên được lựa chọn bởi bộ máy của đảng, phía sau các khẩu hiệu trống rỗng của bà là một cuộc cách mạng xã hội lấy cảm hứng từ phe cực tả.
Tuy nhiên, tờ báo cũng ghi nhận, sự bứt phá của ứng viên Kamala Harris khi mới gia nhập cuộc đua hồi mùa hè nay đang giảm tốc độ trước khi dừng lại. Thậm chí sự ủng hộ bà còn bị xói mòn trong một số giới cử tri truyền thống của đảng Dân Chủ. Ứng viên Kamala Harris đang khó khăn kiếm được phiếu bầu ở bên ngoài phe mình.
Moldova : Kỳ bầu cử thách thức mang tên châu Âu
Cũng về chủ đề bầu cử tổng thống, báo công giáo La Croix quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Moldova, một nước cộng hòa nhỏ bé ở Đông Âu nhưng đang mang nhiều thách thức địa chính trị.
Tựa lớn của La Croix đặt câu hỏi : ModoVa, tương lai thuộc về Liên Hiệp Châu Âu ? Tờ báo cho biết, Chủ nhật này, nước láng giềng của Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống đồng thời trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Đây là kỳ bầu cử cực kỳ quan trọng đối với người dân Moldova. Theo tờ báo, "để ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Nga đã và đang tiến hành một chiến dịch can thiệp quy mô lớn vào cuộc bầu cử ở đất nước này".
Cùng chủ đề, Libération có bài, tổng thống Modova, bà Maia Sandu giữ mục tiêu hướng tới Liên Hiệp Châu Âu. Theo tờ báo, được bầu làm tổng thống năm 2020 với chương trình thân Liên Hiệp Châu Âu và chống tham nhũng mạnh mẽ, nguyên thủ Moldova phát động tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, bất chấp các ý đồ gây bất ổn định ở Moldova của Nga ngày càng gia tăng. Bà tiếp tục cuộc chạy đua giành nhiệm kỳ 2 vào Chủ nhật này.
Chiến tranh Ukraine : Hỗ trợ của phương Tây vào lúc cuối chiều
Thời sự quốc tế tiếp tục là được các báo Pháp quan tâm nhiều là cuộc chiến tranh tại Ukraine. Nhật báo Le Figaro có bài : "Zelensky gõ cửa NATO nhưng không ai trả lời".
Bài viết ghi nhận một thực tế, cùng lúc việc cám kết trở lại can dự vào Trung Đông, Mỹ đang mất dần sự quan tâm đến hồ sơ Ukraine và muốn nhường lại trách nhiệm cho các nước Châu Âu. Thế nhưng có vẻ như Liên Âu chưa sẵn sàng cho thách thức mới này.
Liệu một nước Ukraine tự do và dân chủ vẫn có thể có tương lai mà không cần phải gia nhập NATO hay không ? Câu hỏi nghiêm túc này là trung tâm của cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng các nước Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hôm thứ Năm. Kiev vẫn luôn cho là việc gia nhập NATO là không thể thiếu, là sống còn đối với Ukraine, đang nỗ lực gắng tranh thủ trước khi kết thúc nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bật đèn xanh để các nước NATO mời Ukraine gia nhập Liên minh.
Trong bối cảnh chính trị của nước Mỹ trước bầu cử, đòi hỏi của Ukraine càng trở nên gấp gáp. Tờ báo ghi nhận, tương lai, đối với Ukraine, thậm chí sẽ u ám hơn trong trường hợp Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây. Ứng cử viên Cộng Hòa hứa sẽ chấm dứt chiến tranh bằng cách thảo luận về Vladimir Putin. Ông cũng muốn giảm số lượng trợ giúp từ Ukraine. Một thỏa thuận giữa Trump và Putin sẽ biến chiến tranh thành một cuộc xung đột đóng băng tùy theo lợi ích của Kremlin.
Ukraine bắt đầu thất vọng với đồng minh phương Tây
Cũng cùng chủ đề này, nhật báo La Croix có bài : "Chiến tranh Ukraine, ở Kiev, nỗi cay đắng ngày càng lớn đối với phương Tây". Tờ báo ghi nhận : "Không thể thiếu nhưng cũng không đủ và bị đè nặng bởi sự trì hoãn kéo dài : hai năm rưỡi hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine đã để lại dấu ấn ở quốc gia này là mối hoài nghi ngày càng lớn về khả năng của phương Tây trong việc giúp giành chiến thắng chống lại Nga.
Đúng là Ukraine biết ơn sự giúp đỡ quý giá của của phương Tây, nhưng ngày càng có nhiều người Ukraine thấy nỗi cay đắng và thất vọng về vai trò của phương Tây ở Ukraine.
Trong bối cảnh Nga đang tiến đáng kể ở Donbass, Volodymyr Zelensky, trong năm nay, đã liên tục thất bại trong nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ của phương Tây : năm tháng trì hoãn hồi đầu năm cho cuộc bỏ phiếu ở Washington về dự luật viện trợ lớn cho Kiev ; thông báo của Berlin giảm hỗ trợ một nửa vào năm 2025, thái độ do dự bất tận trong việc cho phép lực lượng Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa của phương Tây, hoặc thậm chí là sự đón nhận trái chiều về kế hoạch chiến thắng do Volodymyr Zelensky đưa ra. Tất cả những yếu tố đó cũng đủ để làm mệt mỏi một đất nước vốn đã không chắc chắn hơn bao giờ hết về tương lai của mình.
Tương lai của Ukraine phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, vào các đồng minh phương Tây. Nhiều người ở Ukraine bắt đầu cay đắng nhận ra điều này.
Anh Vũ