Thủ lãnh Hamas bị Israel tiêu diệt, bàn cờ Trung Đông thay đổi
Tuy các tuần báo xuất bản trước khi thủ lãnh Hamas, Yahya Sinwar bị Israel trừ khử, nhưng trên trang web vẫn kịp cập nhật sự kiện quan trọng này. The Economist phân tích "Cái chết của Yahya Sinwar sẽ thay đổi Trung Đông ra sao", đồng thời đặt câu hỏi "Phải chăng đây là khởi đầu của hồi kết ?"
Ảnh của quân đội Israel cho thấy tòa nhà nơi thủ lãnh Hamas Yahya Sinwar ẩn núp ở Rafah, Gaza, sau khi bị một xe tăng Israel bắn vào ngày 16/10/2024 (khung cảnh xung quanh đã được làm mờ). AP
Những phút cuối của kẻ chủ mưu vụ thảm sát ngày 07/10
Courrier International trích dịch The Times, thuật lại "Những giây phút cuối cùng của Yahya Sinwar, bị tiêu diệt một cách hết sức tình cờ". Trong suốt hơn một năm, những người lính Israel lùng sục trong những đống gạch vụn Gaza để tìm kẻ chủ mưu vụ thảm sát ngày 07/10 - kinh hoàng nhất kể từ khi Nhà nước Do Thái được thành lập. Ngỡ rằng ẩn nấp trong hệ thống địa đạo chằng chịt, nhưng rốt cuộc Sinwar lại được tìm thấy vào lúc thanh thiên bạch nhật, tại khu phố Tal Al-Sultan ở Rafah.
Ngày thứ Tư 16/10, một đội tuần tra thuộc tiểu đoàn huấn luyện 828 gồm các thanh niên đi quân dịch và quân dự bị, nhận thấy ba bóng người khả nghi di chuyển từ nhà này sang nhà khác. Sau cuộc chạm súng, một kẻ chạy vào một tòa nhà. Một drone được gởi đi tìm, video cho thấy một người bị thương ở tay núp phía sau chiếc ghế ở tầng cuối, kẻ này ném một vật vào drone.
Xe tăng khai hỏa từ bên ngoài, mục tiêu bị tử thương khi nhà sập, sau khi bị trúng những mảnh của hai loại đạn : một quả đạn từ xe tăng Merkava Mark 4 của tiểu đoàn 460, và một hỏa tiễn Matador – theo nhật báo Yediot Aharonot. New York Times thì dẫn nguồn ẩn danh nói rằng Yahya Sinwar bị bắn vào đầu. Times of Israel cho biết Sinwar mang súng AK-47, mặc áo giáp, trên người có 40 000 shekel (gần 10.000 euro). Sau khi xét nghiệm ADN, Nhà nước Do Thái tối thứ Năm 17/10 xác nhận kẻ thù số một đã bị tiêu diệt.
Công lý đã được thực thi
Cuối cùng Yahya Sinwar đã chết thảm khốc trong những đống gạch vụn hoang tàn của Gaza, như mấy chục ngàn nạn nhân của cuộc chiến mà ông ta đã khởi động cách đây một năm. Vụ khủng bố do Sinwar chủ mưu đã làm thay đổi diện mạo Trung Đông, nhưng không phải theo cách mà ông ta vẫn mơ đến.
Cái chết bất ngờ của Yahya Sinwar một lần nữa lại làm đảo lộn định mệnh khu vực. Hamas không còn người lãnh đạo, Gaza không được quản lý và Israel có thể coi như mục tiêu chính của cuộc chiến đã đạt được. Tất cả làm dấy lên hy vọng – cho đến nay vẫn mong manh – về ngưng bắn và thả con tin ở Gaza. Và nếu vậy, có một con đường hẹp để xuống thang ở Trung Đông, dù những trận đánh đang diễn ra ở Lebanon và việc Israel trả đũa đợt hỏa tiễn đạn đạo của Iran vẫn đang treo lơ lửng.
Yahya Sinwar, 61 tuổi, sau vụ khủng bố đã ấn náu dưới lòng đất, trong mê cung địa đạo, truyền lệnh bằng giấy tay. Trốn sâu trong cảnh tối tăm trong cả năm qua, ông ta vẫn kiểm soát được các hoạt động : tra xét các con tin Israel, thương lượng với CIA qua ủy nhiệm, chỉ đạo những vụ tấn công. Đứng đầu danh sách các mục tiêu của quân đội Israel, trong khi các binh đoàn thiết giáp cày nát Dải Gaza và phi cơ oanh kích, nhưng rốt cuộc không phải tình báo công nghệ cao hay lực lượng hùng hậu, mà sự tình cờ khiến những người lính trơn Israel đang học việc tìm thấy. Theo Le Figaro, sự kiện này chứng tỏ ông Benjamin Netanyahou đã đúng khi bất chấp sức ép từ nhiều phía, vẫn duy trì sự hiện diện ở Gaza để tảo thanh.
Những tài liệu Israel tịch thu được trước đó cho thấy Sinwar hy vọng Hezbollah sẽ hăng hái tiếp sức, nhưng dân quân Shia chỉ hỗ trợ bằng rốc-kết tầm ngắn. Có thể Sinwar khởi động cuộc chiến vì nghĩ rằng Israel không dám gởi quân sang Gaza, hoặc vì cuồng tín, mà theo một sĩ quan theo dõi hồ sơ đã lâu, thì ông ta sẵn sàng hy sinh Gaza và đồng bào mình. Hậu quả là Israel đã triệt hạ nhánh quân sự của Hamas, "trảm" toàn bộ ban lãnh đạo Hezbollah, tái lập năng lực răn đe khi tấn công các lực lượng tay sai của Iran trên toàn vùng, và có thể oanh kích trực tiếp Iran trong những ngày tới.
Cái chết của Yahya Sinwar mở lối chấm dứt chiến tranh ?
Ba câu hỏi lớn được đặt ra.
Thứ nhất, Hamas không còn ban lãnh đạo, có thể mất đi quyền kiểm soát Dải Gaza. Israel đã khử được bộ ba cứng rắn gồm Yahya Sinwar, Muhammad Deif, Marwan Issa ; và ít nhất phân nửa số chỉ huy cao cấp của phong trào này. Hamas vẫn còn hàng ngàn tay súng nhưng nay hoạt động theo kiểu du kích. Người em trai đồng thời là cánh tay mặt của Sinwar được cho là sẽ lên thay, nhưng anh ta chỉ thiên về quân sự, không có ảnh hưởng bên ngoài Gaza. Hamas còn các thủ lãnh "hải ngoại" ở Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon. Khaled Meshal, đối thủ của Sinwar có thể nắm quyền, nhân vật này thực dụng hơn và phản đối quan hệ với Iran.
Thứ hai, nay đã có đủ điều kiện để ngưng bắn tại Gaza ? Những người còn lại của Hamas có thể dùng 101 con tin (phân nửa có lẽ đã chết) để thương lượng. Benjamin Netanyahou đã hứa để một con đường sống cho những kẻ đang giữ con tin chịu thả và giao nộp vũ khí.
Câu hỏi thứ ba, liệu viễn cảnh ngưng bắn và thả con tin ở Gaza có thể dẫn đến một sự xuống thang trong toàn khu vực hay không.
Tehran đang mong muốn điều này, ít nhất là tạm thời. Cả hai thủ lãnh các lực lượng ủy nhiệm là Sinwar và Nasrallah đều đã bị Israel trừ khử, các địa điểm của Houthi ở Yemen vừa bị Mỹ oanh tạc, và Iran đang hồi hộp chờ bị Israel đánh trả. Cuộc đối đầu giữa Israel và Iran chưa kết thúc, cũng như bi kịch của người Palestine không Nhà nước. Tuy nhiên theo The Economist có thể hy vọng một lối ra : Israel trả đũa Iran một cách chừng mực, đàm phán ngưng bắn ở Gaza và xuống thang ở Lebanon. Sinwar rất ghét phải nghe điều này, nhưng cái chết của ông ta đã trao cho Israel cơ hội tìm được giải pháp để kết thúc chiến tranh.
Mọi lá bài đang trong tay thủ tướng Israel
Le Figaro cuối tuần nhận định, tiêu diệt xong thủ lãnh Hamas, Benyamin Netanyahou đứng trước những chọn lựa chiến lược. Trước tiên là phải quyết định bước tiếp theo là gì, sau chiến dịch quân sự đã biến Dải Gaza gần như thành bình địa. Thủ tướng Israel hàm ý "khởi đầu cho hồi kết", nhưng tiếp tục ưu tiên dùng vũ lực để giải cứu con tin. Tất cả đồng minh của Nhà nước Do Thái đều cổ vũ nên chấp nhận ngưng bắn để đối lấy các con tin và bắt đầu nghĩ đến giải pháp chính trị cho Gaza. Nhưng người ta biết rằng Netanyahou bất chấp áp lực quốc tế kể cả từ Mỹ.
Hiếm có một nhà lãnh đạo nào đang nắm tất cả các lá bài trong tay như ông. Netanyahou có thể tiếp tục chiếm đóng phần nào Gaza - lãnh thổ ủy trị ; áp đặt vùng đệm ở Nam Lebanon trước sự bất lực của Beirut và Hezbollah đã mất thủ lãnh. Đồng thời có thể nhân cơ hội duy nhất này để tấn công Iran khi các lực lượng tay sai của Tehran đang yếu thế. Mỗi chọn lựa đều mang lại lợi ích quân sự và chính trị ngắn hạn, nhưng tiềm ẩn rủi ro về lâu về dài. Với Iran, sẽ là một bước nhảy vào vô định. Chương trình nguyên tử của Tehran sẽ bị phá hủy hay chỉ bị chậm lại ? Hoa Kỳ có bị lôi kéo vào cuộc chiến khu vực ? Chế độ của các giáo sĩ Hồi giáo có bị sụp đổ như Liên Xô năm 1991 ?
Vào lúc ra tay, Netanyahou chỉ có thể suy đoán - tóm lại là một thách thức. Ẩn số có thể ảnh hưởng đến quyết định của ông là Donald Trump. Đang vận động tranh cử, ông Trump ủng hộ Benjamin Netanyahou về bất cứ điều gì, nhất là trong một kịch bản thảm họa đối với phe Dân Chủ. Nhưng nếu đắc cử, Trump sẽ ưu tiên cho "deal" (thương thảo) mà ông tin mình là nhà vô địch. Như vậy còn có 17 ngày cho việc quyết định - hay không quyết định - vận mệnh của vùng Cận Đông.
Xung đột Israel-Iran : Trung Quốc trong thế khó
Về phía Trung Quốc vui mừng hay lo sợ về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Israel và Iran ? The Economist nhắc lại, Trung Quốc là nước mạnh nhất trong bốn nước "trục phá rối" gồm cả Iran, Bắc Triều Tiên và Nga, nhưng đang trong thế lưỡng nan với Iran.
Bắc Kinh ưu ái Tehran vì quấy rối được phương Tây. Năm ngoái, Iran trở nên thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và đầu năm nay được gia nhập BRICS. Trung Quốc cũng hưởng lợi từ dầu lửa được Iran bán rẻ. Một cuộc chiến tranh lớn sẽ ảnh hưởng phần nào tới nguồn dầu này, đe dọa lợi ích kinh tế vì Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào năng lượng và cơ sở hạ tầng ở vùng Vịnh. Đối thủ Mỹ bị cầm chân ở Trung Đông và Ukraine sẽ lơi lỏng hơn ở Đài Loan và Biển Đông. Tuy nhiên không phải vì vậy mà Bắc Kinh muốn khơi dậy ngọn lửa.
Trung Quốc chỉ hợp tác quân sự chừng mực với Iran, chú trọng Nga và Bắc Triều Tiên hơn vì hai nước này là vùng đệm ở biên giới để chống lại sức mạnh Hoa Kỳ. Ngay cả với hai nước còn lại trong "bộ tứ", Bắc Kinh cũng dè chừng. Tuy hỗ trợ mạnh mẽ thiết bị, công nghệ cho Nga nhưng Trung Quốc không cung cấp vũ khí để đánh Ukraine , và công khai phản đối việc Nga dùng vũ khí nguyên tử. Trung Quốc không ưa việc Bắc Triều Tiên gia tăng năng lực hạt nhân, thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Bình Nhưỡng và Moskva hồi tháng 6 khiến Bắc Kinh mất một phần ảnh hưởng. Nếu tình hình xấu đi giữa Israel và Iran, Trung Quốc sẽ khoanh tay đứng nhìn để lợi ích của mình vẫn tồn tại giữa hai lằn đạn.
Các nước dân chủ hồi hộp chờ bầu cử tổng thống Mỹ
Le Nouvel Obs phân tích ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đối với các nền dân chủ. Chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa là diễn ra một trong những sự kiện mang tính quyết định cho lịch sử đương đại. Ba tuần lễ nước Mỹ nín thở chờ đợi, và thế giới cũng vậy. Ngày 05/11, trên 200 triệu người Mỹ sẽ chọn lựa giữa Donald Trump và Kamala Harris, trong một cuộc bầu cử mà tầm quan trọng vượt xa bên ngoài biên giới. Hiếm khi nào trong lịch sử Hoa Kỳ, đất nước này đứng trước một bước ngoặt như vậy, bị rạn vỡ vì hai lực lượng có tầm nhìn đối nghịch. Chiến dịch trang cử mang nhiều kịch tính (Donald Trump bị mưu sát, Joe Biden rút lui bất ngờ, Kamala Harris bước vào cuộc đua), bạo lực chính trị chưa từng thấy, và kết quả hoàn toàn bất định.
Một bên là một phụ nữ da màu gần 60 tuổi, gốc gác nhập cư và là người tự lập, theo chủ trương cấp tiến. Bên kia là một người đàn ông da trắng tuổi gần 80, con nhà giàu, từng là người chủ trì một chương trình truyền hình nổi tiếng, đầy tự cao. Hai nhân vật đại diện cho hai nước Mỹ khác biệt thậm chí ghét nhau : dân thành thị, đa chủng tộc, bảo vệ quyền của người thiểu sổ, hướng ngoại ; đối mặt với lớp cử tri nông thôn, da trắng, "America first". Chưa có gì là chắc chắn cho mỗi bên.
Bởi vì đà phấn khởi khi bà Kamala Harris xuất hiện đã chạm ngưỡng. Ứng cử viên Dân Chủ và đối thủ Cộng Hòa đang sát nút. Ông Trump lần này chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cùng với những con diều hâu trong đảng, có thêm khuôn mặt nặng ký là Elon Musk. Đảng Dân Chủ vừa cảnh báo mối nguy hiểm của nhiệm kỳ Donald Trump thứ hai, vừa cố tránh những sai lầm trước đây, chẳng hạn bà Hillary Clinton chỉ chú trọng giới khá giả. Người đứng chung liên danh Tim Walz, điển hình cho người Mỹ trung lưu, tạo thuận lợi cuộc vận động chống bất bình đẳng xã hội.
Vận mệnh thế giới và trò may rủi
Liệu có đủ để tránh điều tệ hại nhất xảy ra ? Theo tuần báo thiên tả thì thật khó đoán, hệ thống bầu cử Mỹ rất khó hiểu đối với người Pháp vốn quen với phổ thông đầu phiếu. Số phận nền dân chủ lớn nhất thế giới và gián tiếp với các nước khác, được định đoạt bởi một ít cử tri ở vài bang "nghiêng ngả", mà ưu tiên vẫn là lợi ích quốc gia. Chỉ cần nghĩ đến hậu quả thảm họa của nhiệm kỳ Donald Trump về cuộc xâm lăng Ukraine hay xung đột Cận Đông là đủ chóng mặt. Là những khán giả bất lực của cuốn phim này, chỉ mong người Mỹ biết bảo vệ nền dân chủ của họ, để bảo vệ những người khác.
Le Point nhận định "Nước Mỹ phân cực là Gulliver bị trói", mà sự bất lực trước Benjamin Netanyahou là ví dụ. Tương lai NATO, chiến tranh Ukraine, xung đột ở Đài Loan, quan hệ với Bắc Triều Tiên…quan điểm của Dân Chủ và Cộng Hòa đều đối chọi. Tùy theo Donald Trump hay Kamala Harris đắc cử, ngoại giao Mỹ sẽ có những chính sách khác biệt.
Cơ hội chiến thắng là 50-50, chẳng khác nào vận mệnh thế giới được đặt vào những con xúc-xắc. Trong bối cảnh ấy, các nhà lãnh đạo cố đặt cược vào một bên nào đó. Đây là trường hợp không chỉ của Benjamin Netanyahou mà cả Vladimir Putin. Tổng thống Nga hy vọng Trump đắc cử sẽ khiến sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sụp đổ, nên bác bỏ mọi khả năng đàm phán để chờ đợi. Ngược lại, Iran trông mong Harris thắng, còn Trung Quốc thì thận trọng.
Phương Tây và bầu cử Mỹ : Hồ sơ các tuần báo
Courrier International tuần này nói về "Hiệu ứng Ozempic", loại thuốc trị tiểu đường được dùng để chống béo phì đã làm đảo lộn thị trường hàng dệt may, xuất bản và nông phẩm. Le Point dành hồ sơ cho cuốn sách của nhà bình luận Nicolas Baverez. Theo vị luật sư, dưới sự lãnh đạo của Emmanuel Macron, nước Pháp đã trở nên yếu thế tại châu Âu và trên thế giới.
Le Nouvel Obs chạy tít "Trump-Harris : Cú sốc giữa hai nước Mỹ". Ngày 05/11 tới, Hoa Kỳ sẽ phải chọn lựa giữa Kamala Harris và Donald Trump, hai ứng cử viên hoàn toàn trái ngược. Một sự đối đầu lịch sử xuất phát từ những biến đổi xã hội, văn hóa và dân số của nước Mỹ trong những thập niên gần đây. The Economist đề cập đến một nước Mỹ "đáng ganh tị". Trong ba thập niên qua, Hoa Kỳ đã bỏ xa các nước giàu khác. Hiện GDP của Mỹ chiếm đến phân nửa so với cả G7, nhưng về chính trị, một đất nước ngày càng chia rẽ và cực đoan không phải là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế.
L’Express nhấn mạnh "Những thách thức của phương Tây". Lâu nay nền văn minh phương Tây ngủ yên trên vòng nguyệt quế, ngỡ rằng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền và xã hội tiêu thụ mà mình phổ biến là vĩnh cửu. Thế nhưng đầu thế kỷ 21, phương Tây đối mặt với hai mối đe dọa. Nguy cơ từ bên ngoài : Nga xâm lăng Ukraine , Hamas thảm sát người Do Thái, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và phản ứng của các nước phương Nam, cho thấy các nước tự do dân chủ đã coi giấc mơ là hiện thực. Từ bên trong : Bốn thập niên qua toàn cầu hóa cộng với cá nhân chủ nghĩa đã khiến xã hội phương Tây căng thẳng về chính trị, văn hóa và địa lý. Thêm vào đó là thách thức khí hậu và phát triển công nghệ.
Thụy My