Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/11/2023

Điểm báo Pháp - "Hãy cho chiến tranh một cơ hội"

RFI tiếng Việt

Gaza và Ukraine : Chỉ có hòa bình khi "cho chiến tranh một cơ hội" ?

Quân đội Israel có giành chiến thắng mang tính biểu tượng khi đã kiểm soát được các cơ quan quyền lực của Hamas, dư luận trong nước thiên về phía chỉ chấp nhận ngưng bắn khi các con tin được thả. Cựu đại sứ Pháp Sylvie Bermann trên Les Echos ngày 15/11/2023 nhận định, dù ở Cận Đông hay Ukraine, tương quan sức mạnh trên chiến trường là yếu tố quyết định cho hòa bình.

chientranh1

Các quân nhân Israel trong chiến dịch trên bộ chống phe Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza. Ảnh của quân đội Israel ngày 15/11/2023 via Reuters – Israel Defense Forces

Tái lập đối thoại từ thượng đỉnh Mỹ-Trung

Le Figaro chạy tựa trang nhất "Biden-Tập : Một thượng đỉnh để làm giảm căng thẳng". Trong bài xã luận mang tựa đề "Đối thủ có trách nhiệm", tờ báo cho rằng nên hoan nghênh cuộc gặp hôm nay tại San Francisco giữa lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới, lần đầu tiên kể từ một năm qua. Mục tiêu khiêm tốn nhưng không kém phần quan trọng, đó là làm giảm nhẹ sự đối đầu hiện nay, tái lập các kênh đối thoại, giúp mỗi bên bảo vệ lợi ích quốc gia trong sự tôn trọng đối thủ.

Le Figaro nhắc lại, liên lạc giữa bộ tham mưu của hai nước đã bị ngưng từ chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi tháng 8/2022. Lầu Năm Góc ghi nhận 180 sự cố trên không và trên biển trong hai năm qua, chuyến công du của ngoại trưởng Antony Blinken bị hủy sau khi Không quân Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc trên không phận nước Mỹ. Và khi Joe Biden gọi Tập Cận Bình là "nhà độc tài", ông đã nói ra sự thật, nhưng không giúp tái lập đối thoại.

Giờ đây cả hai bên đều có lý do để tỏ ý hòa dịu. Sau Ukraine và Gaza, Washington không cần thêm một cuộc chiến tranh mới ở Đài Loan, cho dù chiến dịch tranh cử tổng thống thúc đẩy cả hai đảng cứng rắn hơn với Trung Quốc. Đối với Tập Cận Bình, độc tài trở thành liều thuốc đắng khi kinh tế chững lại. Bắc Kinh mong muốn các nhà đầu tư Mỹ và Châu Âu quay lại Hoa lục, và như vậy buộc lòng phải cư xử như "cường quốc có trách nhiệm".

Bước đầu tiên là đối thoại với Lầu Năm Góc, ngưng giao các hóa chất là thành phần của fentanyl cho các tập đoàn tội phạm Mexico, loại ma túy cực mạnh này năm ngoái đã làm 100.000 người chết ở Mỹ. Tuy nhiên, về thương mại, khó thể có thay đổi. Bắc Kinh giảm nhập khí đốt của Mỹ vì đã mua nhiều hơn từ Nga và Qatar, và bị hạn chế nhập chất bán dẫn, hàng Trung Quốc vẫn bị đánh thuế cao.

Tập Cận Bình tảo thanh cả sách sử

Thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh mổ xẻ thêm một khía cạnh khác : "Tập Cận Bình, hoàng đế Trung Quốc vô cùng cô độc". Một thập niên sau khi lên nắm quyền, "giấc mộng Trung Hoa" thịnh vượng và phục hưng do "người cầm lái vĩ đại" hứa hẹn vẫn chưa thành sự thực. Ngược lại, bóng mây đen kinh tế, dân số và địa chính trị đang chồng chất.

Tập Cận Bình "dọn dẹp" bộ máy chính quyền cộng sản và cả các nhà sách. Cuốn sách nói về sự sụp đổ của hoàng đế cuối cùng thời nhà Minh đã biến mất một cách bí ẩn trên các kệ trưng bày. Khi tìm tác phẩm về Minh Tư Tông hay Sùng Trinh Đế (Chongzhen,1627-1644), trang JD.com cũng như nhiều trang khác đều báo là không có, còn trên Vi Bác (Weibo) công cụ tìm kiếm xoay vòng vòng không cho ra kết quả. Dù người Trung Quốc vẫn biết số phận bi thảm của vị vua sau khi thất trận, bị mọi người bỏ rơi đã treo cổ tự tử.

Nhà nghiên cứu Ian Johnson cho rằng "Tập Cận Bình bị lịch sử ám ảnh, đảng cộng sản đã viết lại sử từ hơn 75 năm qua". Một giảng viên đại học Trung Quốc nhận định "Kiểm duyệt là từ trên cao, Tập Cận Bình cảm thấy bất an". Tuy tác phẩm này là của một nhà sử học thân cận với đảng, chế độ có thói quen kiểm soát chặt quá khứ để điều khiển hiện tại, nhất là vào thời điểm bất lợi. Một cư dân mạng viết : "Hãy nhìn vào giá trị chứng khoán sẽ hiểu đất nước đang suy sụp". Từ Thượng Hải đến Thâm Quyến, chỉ số CSI đã giảm sút 15% kể từ đầu năm, địa ốc khủng hoảng khiến giai cấp trung lưu lo âu.

Hoàng đế cô độc và ám ảnh thất bại

Nhà chính trị học Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) nhận xét : "Kinh tế u ám, bị cô lập trên trường quốc tế, không giống chút nào với một sự đại phục hưng như đã hứa. Ông Tập ý thức được khủng hoảng, nhưng không muốn nới tay". Không có gì cho thấy có sự thay đổi mục tiêu của khuôn mặt độc tài nhất kể từ thời Mao, đơn độc hơn bao giờ hết trong việc lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới, từ sau cái chết bất ngờ của đối thủ Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Cựu thủ tướng 68 tuổi hôm 27/10 bị đột tử trong khu nhà dành riêng cho quan chức cao cấp ở Thượng Hải. Một trí thức ở Bắc Kinh yêu cầu giấu tên nhấn mạnh Lý Khắc Cường có thể là tiếng nói phản biện, ảnh hưởng đến quyền lực của Tập trong thập niên tới.

Một giảng viên đại học Trung Quốc tại Singapore cho rằng : "Cái chết của Lý Khắc Cường đầy nghi vấn, báo hiệu cho một đợt thanh trừng mới để lọc lại toàn thể bộ máy của thời mở cửa" còn sót lại. Jean-Pierre Cabestan, nhà nghiên cứu ở Hồng Kông giải thích : "Có những căng thẳng giữa ông Tập và giới quân nhân, nhất là về chiến lược đối với Đài Loan hay Biển Đông". Chủ trương mao-ít gây thất vọng cho lớp trẻ có học, xung đột gay gắt với Mỹ, ông Tập sẽ gặp khó khi tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư. Theo ông Cabestan, "giới tinh hoa Trung Quốc chia rẽ về vấn đề có nên có một nhà lãnh đạo cứng rắn trong thời kỳ khủng hoảng hay không". Một viễn cảnh gợi nhớ đến Sùng Trinh, người kết thúc triều đại mình, và Bắc Kinh muốn đẩy ra xa bóng ma này.

Quân đội Israel chiếm các trụ sở chính của Hamas tại Gaza 

Nhìn sang Trung Đông, Le Figaro chú ý đến sự kiện "Tsahal có mặt ở các trung tâm quyền lực của Hamas". Những người lính Israel đã kiểm soát được Quốc hội và trụ sở cơ quan an ninh của tổ chức Hồi giáo Palestine.

Trên nguyên tắc, các quân nhân Israel ra trận không mang theo điện thoại di động, nhưng những trận đánh ở Gaza vẫn được thông tin trên internet, và những video mới nhất mang lại hình ảnh của chiến thắng. Tối thứ Hai, những người Palestine tị nạn tại phía nam tuyệt vọng chia sẻ một tấm ảnh chụp tại Quốc hội ở thành phố Gaza, trong đó những chiến binh Israel chụp ảnh kỷ niệm với hai lá quốc kỳ, và một lá cờ của lữ đoàn Golani, đơn vị bộ binh có 70 người lính đã ngã xuống hôm 07/10 trong vụ tấn công khủng bố của Hamas.

Theo quân đội Israel, trụ sở chính quyền Hamas, tổng hành dinh cảnh sát và một trường kỹ sư "được sử dụng làm nơi triển khai và sản xuất vũ khí" nay đã được Israel kiểm soát. Tương tự đối với "nhà của thủ lãnh dùng làm trụ sở quân sự, tình báo". Vào ngày thứ 39 của cuộc chiến, Hamas xem chừng đã đuối trước đà tiến của Israel.

Con tin : Dư luận chia rẽ, Israel chạy đua với thời gian

Bên cạnh đó, Les Echos nhận thấy "Người dân Israel bị chia rẽ về cái giá phải trả để giải phóng con tin". Gia đình của 240 con tin Hamas làm áp lực để chính phủ đàm phán, kể cả chấp nhận ngưng bắn ở Dải Gaza như Hamas đòi hỏi. Nhưng theo thăm dò, 59% người Israel chỉ ủng hộ "ngưng bắn nhân đạo" với điều kiện Hamas phải thả toàn bộ hoặc phần lớn con tin, chỉ có 3% muốn ngưng bắn vô điều kiện. 

Dù sao quân đội cũng không thể chấp nhận để cho quân Hồi giáo có thời gian phục hồi lực lượng, bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant khẳng định "Hamas đã bị mất quyền kiểm soát Dải Gaza". Nói cách khác, không có việc ngưng tiến quân, sau chiến thắng mang tính biểu tượng từ hôm thứ Hai. Quân đội công bố các video về một kho vũ khí của Hamas dưới hầm một bệnh viện ở Gaza, trong khi Israel thường xuyên bị lên án tấn công vào bệnh viện. Nhất là giới quân nhân muốn lấy lại danh dự sau vụ thảm sát hôm 07/10.

Ngoại trưởng Eli Cohen nhìn nhận đang phải chạy đua với thời gian. Ông nói : "Chúng tôi chỉ có hai, ba tuần trước khi áp lực quốc tế tăng lên", đồng thời lấy làm tiếc vì cảm tình với Israel sau cú sốc từ sự man rợ của Hamas đã giảm dần, nhường chỗ cho "tương trợ Gaza". Theo ông Cohen, có thể 13, 14 nước sẽ triệu hồi đại sứ. Để tránh hiệu ứng domino, ngoại trưởng Israel hôm qua đến Genève để tiếp xúc các nhà lãnh đạo Hồng thập tự Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm tố cáo việc Hamas dùng thường dân làm bia đỡ đạn, ông đi cùng với các thân nhân con tin.

Khó thể ngưng bắn khi đang thắng thế

Cũng trên Les Echos, cựu đại sứ Pháp Sylvie Bermann nhận định, dù ở Cận Đông hay Ukraine, tương quan sức mạnh trên chiến trường là yếu tố quyết định cho hòa bình. Trong vòng 18 tháng, hai cuộc chiến tranh cường độ cao đã diễn ra, như những con thiên nga đen trong một thế giới ngày càng bất định. Bạo lực đẫm máu đặc biệt ảnh hưởng đến Châu Âu, vốn ngỡ rằng những nước khác cũng như mình, sau khi đứng bên bờ hủy diệt đã tìm thấy sự khôn ngoan và hòa giải.

Bức tường Berlin sụp đổ và chiến tranh lạnh kết thúc đã củng cố niềm tin này trong nhiều thập niên. Tại Cận Đông, việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Hồi giáo Sunni do ông Donald Trump kết nối thông qua thỏa thuận Abraham đã gác vấn đề Palestine sang một bên. Những cuộc chiến khác như ở Yemen không được để ý, trừ phi dân quân Houthi thân Iran bắn hỏa tiễn sang Israel.

Mỗi lần xảy ra xung đột, tất nhiên lại có những lời kêu gọi ngưng bắn hay một kế hoạch hòa bình. Tuy vậy vẫn là quá sớm khi một bên cho rằng đang trên đà thắng ở chiến trường. Đó là trường hợp của Israel với mục tiêu rất rõ là tiêu diệt bộ máy quân sự của Hamas. Chấp nhận ngưng bắn bây giờ là đầu hàng phong trào khủng bố, tỏ ra yếu kém, trong khi Tsahal chỉ mới khởi động chiến dịch trả đũa vụ thảm sát hôm 07/10, và bắt đầu đạt được mục đích.

"Hãy cho chiến tranh một cơ hội !"

Kêu gọi ngưng bắn nhân đạo, không làm ảnh hưởng đến thường dân theo luật chiến tranh là một chuyện, ra lệnh ngưng chiến đấu lại là chuyện khác. Israel với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, coi an ninh của một quốc gia được thành lập để bảo vệ người Do Thái sau nạn diệt chủng của Đức quốc xã, là trên hết. Điều nghịch lý là các nhà lãnh đạo Ả rập mà dân chúng đang ca ngợi Hamas sẽ rất vui nếu Israel trừ khử được phong trào xuất thân từ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo này.

Thời chiến tranh Balkan, một bài viết của chuyên gia Edward Luttwak mang tựa đề "Give War a Chance" (Hãy cho chiến tranh một cơ hội) lập luận rằng đôi khi phải trải qua đỉnh điểm của bạo lực, một "sự thật đáng buồn", thì mới có được hòa bình. Ngược lại, ngưng bắn hoặc đình chiến chỉ giúp các bên phục hồi lực lượng để chuẩn bị cho trận đánh kế tiếp.

Tại Ukraine, cuộc chiến kéo dài và đẫm máu đã khiến nhiều kế hoạch hòa bình hay đề nghị hòa giải được đưa ra, từ Liên Hiệp Châu Phi, Brazil tới Giáo hoàng Francis. Tổng thống Volodymyr Zelensky trông cậy vào vũ khí phương Tây để tái chiếm những phần đất bị mất. Ngưng bắn coi như tưởng thưởng kẻ xâm lăng, hiện đang chiếm giữ 17% lãnh thổ Ukraine. Les Echos nhắc lại, chính vì thất bại quân sự mà Kiev mới chấp nhận thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015.

Nga : Những kẻ sát nhân quay về từ chiến trường Ukraine

Tại Nga trên lãnh vực xã hội, thông tín viên Le Monde nói về "Những kẻ sát nhân được khoan hồng trở về từ chiến trường" khiến người dân hoảng sợ. Tờ báo nêu ra trường hợp nữ sinh viên 23 tuổi Vera Pekhteleva, sau khi chia tay bị người tình sát hại dã man : cô bị hãm hiếp rồi đánh đập, dùng dao đâm rồi lấy dây bàn ủi thắt cổ chết, với 111 vết thương trên người. Hung thủ Vladislav Kanious vừa lãnh án 17 năm tù vào tháng 7/2022, mới đây lại xuất hiện với tư cách người tự do ở địa điểm cũ là Kemerovo, nhờ lệnh ân xá của tổng thống sau vài tháng phục vụ trên chiến trường Ukraine. Cha mẹ nạn nhân bàng hoàng nhưng bất lực. Thậm chí kẻ thủ ác còn ngưng trả tiền bồi thường hàng tháng theo lệnh tòa án.

Tờ báo độc lập lưu vong Agentstvo hôm 09/11 gây chấn động khi đăng tải 17 vụ kẻ sát nhân lại quay về từ Ukraine nhờ được Vladimir Putin ân xá. Không có danh sách chính thức nào, những trường hợp được đưa ra toàn những ca kinh dị : hãm hiếp rồi sát hại các thiếu nữ, giết người cướp của, phân thây, đốt xác, chặt đầu, quăng xuống sông… nạn nhân hầu hết là phụ nữ. Tất cả thủ phạm nay đều được tự do, trở về làng hay thành phố cũ, được bảo vệ bằng đạo luật cấm "làm mất uy tín những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt".

Những trường hợp khác được báo chí địa phương nêu ra : quan tài của những thủ phạm giết người chết trên chiến địa Ukraine được chôn cất như những "anh hùng", đôi khi gây căng thẳng. Một điều khó chấp nhận nữa là những cựu tù nhân này chỉ cần ra trận 6 tháng, còn sống sót là được trở về, trong khi những người chủ gia đình bị động viên tháng 9/2022 vẫn luôn ngoài mặt trận. Trong số 17 sát thủ được ân xá mà Agentstvo nhận diện được, có ba kẻ lại tiếp tục ra tay giết người !

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 158 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)