Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/11/2023

Điểm báo Pháp - Nga không tiếc tiền và mạng lính

RFI tiếng Việt

Nga không tiếc tiền và mạng lính, Ukraine gặp khó vì viện trợ nhỏ giọt

Le Figaro ngày 21/11/2023 báo động "Ukraine đứng trước nguy cơ thất bại". Cuộc phản công không hiệu quả, và phương Tây tự hỏi làm thế nào để trợ giúp Kiev lâu dài.

uk1

Một trực thăng Mi-8 của Ukraine bắn hỏa tiễn về phía quân Nga tại một địa điểm ở miền đông, ngày 29/09/2023. Ảnh chụp từ màn hình video. Reuters – Staff

Thế khó của Kiev : Mặt trận đóng băng, Israel thu hút mọi chú ý

Nếu Ukraine thua cuộc trước Nga thì sao ? Câu hỏi mang tính cấm kỵ nơi người Ukraine cũng như các đồng minh phương Tây vì dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhưng sau 21 tháng chiến tranh, mặt trận đóng băng, một số đang lặng lẽ nêu ra vấn đề. Tình hình chưa đến nỗi nào, tuy nhiên những tuần qua nhiều đám mây đen chính trị và ngoại giao đang kéo đến. Trên chiến địa, bùn lầy và giá lạnh chưa ngự trị, nhưng các cuộc khủng hoảng làm rung chuyển Kremlin trong năm không dẫn đến sự sụp đổ như đã hy vọng.

Alyona Getmanchuk, giám đốc think-tank New Europe Center ở Kiev cho rằng Châu Âu đánh giá thấp năng lực quân sự của Nga. Người Nga vốn giỏi chịu đựng sau những năm độc tài xô-viết kể cả Đệ nhị Thế chiến. Họ đã thích ứng được, như sử dụng drone ngày càng nhiều hơn. Kỹ nghệ vũ khí hoạt động 24/24, bên cạnh đó còn có sự trợ lực của Iran và Bắc Triều Tiên ; Nga cũng lách được cấm vận. Bất mãn xã hội trước thảm họa 150.000 lính tử trận bị bóp nghẹt nhờ số tiền Kremlin phân phát cho các gia đình ; đồng tiền cũng giúp tuyển thêm quân mà không phải động viên. Một viên chức Ukraine tóm tắt tình hình : "Chúng tôi giữ vững vị trí, không thua nhưng cũng không thắng".

Cuộc chiến nổ ra giữa Israel và Hamas làm Ukraine bỗng biến mất trên truyền thông và những cuộc họp chính trị. Cựu ngoại trưởng Ukraine, Pavlo Klimkin nói : "Chúng tôi phải cạnh tranh với Israel về đạn dược Mỹ, và sẽ còn tệ hơn khi F-16 đến, vì Israel cũng có những chiến đấu cơ tương tự". Vladimir Putin biết rõ như thế, ông ta muốn có kết quả trước bầu cử tổng thống tháng 3/2024 và sẽ không xuống thang trước thời hạn này. Tổng thống Nga liên tục xuất hiện trước công chúng, Douma khẳng định Kiev chỉ có thể "đầu hàng" hay "chấm dứt hiện hữu".

Châu Âu "chờ đợi bầu cử Mỹ và phép lạ"

Những người ủng hộ Kremlin trông đợi Ukraine "hết người chiến đấu", sự "mệt mỏi" của phương Tây và sự ra đi của Joe Biden. Lo sợ trước đe dọa vũ khí nguyên tử của Nga, xung đột leo thang hay Ukraine tấn công Crimea, phương Tây chỉ viện trợ nhỏ giọt và trễ tràng, đủ để Kiev kháng cự nhưng không giành được chiến thắng. Giờ đây khi Mỹ phải quay lại Trung Đông, Châu Âu không thể giảm cam kết với Kiev nhất là về kinh tế. Một viên chức Pháp nhấn mạnh, không nên nhầm lẫn cuộc chiến, an ninh Châu Âu bị đe dọa ở Ukraine chứ không phải Cận Đông. Tuy nhiên lời hứa cung cấp 1 triệu viên đạn chỉ mới thực hiện được 30%.

Alyona Getmanchuk nói : "Vấn đề là Châu Âu không cảm thấy tính khẩn cấp. Các nước lớn chờ đợi cuộc bầu cử Mỹ và hy vọng trong thời gian đó phép lạ sẽ xảy ra ở Ukraine. Mọi người cho rằng Ukraine sẽ trụ được một, hai năm nữa mà không cần trợ giúp thêm. Nhưng chúng tôi không thể chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng". Châu Âu vẫn đang trong tâm lý thời bình, còn Ukraine đang trên tuyến đầu, nghĩ đến một kế hoạch B : gia nhập NATO mà không cần Điều 5, trong khi chờ đợi thu hồi được lãnh thổ bằng ngoại giao. Nhưng liệu phương Tây có chiến lược về Ukraine hay không ? Một viên chức Ukraine đặt câu hỏi.

Nếu Kiev thất bại, hậu quả sẽ rất nặng nề. Kremlin sẽ được khuyến khích bành trướng sang các nước thuộc Liên Xô cũ, các giá trị và nguyên tắc của phe dân chủ coi như bằng không trước các chế độ độc tài Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Không còn nhiều thời gian để thức tỉnh, Donald Trump quay lại sẽ là món quà cho Kremlin. Một nguồn tin Élysée nói : "Chúng ta may mắn có một chính quyền Mỹ tử tế và trông cậy được vào kho vũ khí thời chiến tranh lạnh. Tất cả đã kết thúc, cần tỉnh giấc và tái kỹ nghệ hóa châu lục". Quân đội Nga đã loan báo tăng ngân sách quân sự 2024 lên 70% so với 2023, và với số tiền Kremlin hiện có, quân Nga có thể tham chiến nhiều năm nữa.

Cuộc xâm lăng nuốt trọn nguồn lực nước Nga

Ngược lại, Le Monde nhận định "Moskva đang có giọng điệu đắc thắng, nhưng chiến tranh sẽ làm rõ thêm khiếm khuyết về cơ cấu của kinh tế Nga". Cuộc xâm lăng Ukraine rốt cuộc sẽ nuốt trọn nguồn sinh lực của nước Nga. Những tuyên bố tích cực về kinh doanh của Putin không lừa được ai, nhất là những công ty ngoại quốc bị quốc hữu hóa như tài sản của tập đoàn Pháp Danone bị tịch biên để giao cho phe nhóm độc tài Chechnya Ramzam Kadyrov.

Tăng trưởng được thổi phồng một cách giả tạo vì chiến tranh chiếm 30% ngân sách 2024, tỉ lệ chưa từng thấy trong lịch sử đương đại của Nga. Quốc phòng được dành cho 6% nguồn lực quốc gia, gấp đôi so với Hoa Kỳ, và gần 10% nếu tính thêm nhiều tỉ rúp khác như "tiền đền bù" cho các gia đình quân nhân tử trận. Kỹ nghệ vũ khí không đáp ứng nổi nhu cầu quân đội, Moskva phải mua đạn dược của Bắc Triều Tiên, nhập các linh kiện điện tử lưỡng dụng từ Trung Quốc, lén lút mua chip bán dẫn Châu Âu cho hỏa tiễn.

Kremlin còn yêu cầu các khách hàng trung thành như Ai Cập, Belarus, Pakistan, Brazil gởi trả lại những thiết bị mà Nga đang rất cần như động cơ trực thăng, vì số bị bắn hạ rất lớn. Về vũ khí xuất khẩu, Nga đành để mất thị trường vào tay phương Tây và Trung Quốc. Nguy cơ trước mắt là sự yếu kém của đồng rúp, lạm phát 6,69% và thị trường lao động : kỹ nghệ vũ khí hút hết công nhân công nghiệp và dịch vụ vốn đã thiếu người vì bị động viên và làn sóng chạy trốn ra nước ngoài. Những khiếm khuyết càng bộc lộ : công nghệ chậm tiến, dân số sụt giảm và nay lệ thuộc vào Trung Quốc. Một tương lai chẳng mấy huy hoàng như Putin mong muốn.

Moskva mở rộng ảnh hưởng sang Georgia

Đặc phái viên Le Monde tại Tbilissi cho biết từ bốn năm qua, một tượng bán thân Stalin đã được dựng lên ở ngã tư Okami nhưng không có ai phản đối. Ít nhất 12 tượng bán thân hay toàn thân của nhà độc tài Liên Xô đã xuất hiện ở đất nước vùng Kavkaz kể từ năm 2012, khi đảng "Giấc mơ Georgia" lên nắm quyền. Đảng này do tài phiệt Bidzina Ivanichvili thành lập, điều khiển trong bóng tối, và đây chỉ mới là biểu hiện bên ngoài của cuộc chiến đa diện mà Nga tiến hành từ nhiều năm qua để ngăn cản Georgia (Gruzia) xích gần với Liên Hiệp Châu Âu và NATO.

Nhà nghiên cứu Eto Buziashvili nhận xét : "Nga sắp giành được Georgia. Giờ đây chính quyền tỏ ra thù địch hẳn với phương Tây, với những tuyên bố rập khuôn theo Kremlin". Thời gian đứng về phía Putin. "Đó là một chiến lược dài hạn. Moskva ra tay từ từ, và một hôm bừng con mắt dậy ta thấy mình đã nằm trong quỹ đạo của Nga". Tất cả mọi lãnh vực đều bị ảnh hưởng : chính trường, truyền thông, kinh tế, tôn giáo. Quân Nga hiện đã chiếm đóng 20% lãnh thổ Georgia từ sau cuộc chiến năm 2008. Nhà hoạt động Dachi Imedadzé khẳng định, mục tiêu của Putin là biến Georgia thành một "vùng xám".

Châu Âu là nhà tài trợ lớn nhất cho Tbilissi, Hoa Kỳ cũng đã đầu tư nhiều tỉ đô la để giúp dân chủ hóa ; nhưng Georgia lại từ chối tham gia trừng phạt Nga, tái lập đường bay trực tiếp với Moskva. Tuy tiếp nhận 100.000 người Nga chạy trốn lệnh động viên, nhưng Georgia lại từ chối cho các nhà đối lập với Kremlin nhập cảnh. Đặc biệt quân Nga gặm nhấm dần khu vực biên giới tại hai vùng đã bị chiếm trước đây là Abkhazia và Nam Ossetia, công dân Georgia thường xuyên bị Nga bắt cóc thậm chí sát hại. Dù lòng dân vẫn hướng về phương Tây nhưng "mưa dầm thấm lâu", tuyên truyền bóp méo thông tin dần có ảnh hưởng.

Houthi nhập cuộc, nhưng không đe dọa được Israel

Tại Trung Đông, Le Monde chạy tựa "Chiến lược hủy diệt của Israel ở Gaza" : gần phân nửa thành phố Gaza đã bị phá hủy. Tờ báo nhận thấy tình đoàn kết quốc gia vẫn vững chắc sau 45 ngày chiến tranh với Hamas. Le Figaro cho rằng "Nên ngưng nhìn cuộc xung đột Israel-Ả rập dưới lăng kính nạn nhân của phương Tây". Không phải kẻ mạnh là sai chỉ vì họ mạnh, và ngược lại, kẻ yếu là đúng chỉ vì họ yếu. Chủ nghĩa quân phiệt Nhật bị diệt trừ sau Hiroshima không thể được phục hồi, và Nhà nước Hồi giáo (Daesh, IS) không được trao cho tính chính danh sau khi bại trận.

Bên cạnh đó, các báo đều chú ý đến sự kiện dân quân Houthi ở Yemen mở một mặt trận mới trên Hồng Hải. Hôm Chủ nhật 19/11, phe này chiếm tàu buôn Galaxy Leader, chủ tàu là một doanh nhân Israel nhưng thủy thủ đoàn 25 người không có ai là người Do Thái. Từ sau vụ thảm sát của Hamas, Houthi đã nhiều lần dùng drone và hỏa tiễn tấn công Nhà nước Do Thái ở cách 1.600 kilomet nhưng đều bị bắn chặn, không lần nào chạm được lãnh thổ Israel. La Croix  Le Figaro đều nhận định lực lượng Shia thân Iran muốn củng cố sự hiện diện ở tầm quốc tế, nhưng không phải là mối đe dọa thực sự cho Israel.

Hamas khủng bố, vấn đề án tử hình lại được nêu ra

Libération cho biết sau vụ thảm sát ngày 07/10, tranh luận về án tử hình lại dấy lên ở Israel. Ủy ban An ninh Quốc gia của Quốc hội Israel hôm qua đã họp lại để bàn luận, sau khi gia đình các con tin và các tổ chức bảo vệ nhân quyền chất vấn. Một dự luật đề nghị án tử hình cho những ai "cố tình hoặc do thờ ơ, gây ra cái chết cho một công dân Israel với mục đích làm hại cho Nhà nước Do Thái", đã tạm thời bị xếp xó vì cuộc đấu tranh chống cải cách tư pháp, nay bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir muốn đưa vào nghị trình. Nhưng nhiều gia đình con tin đang bị giam giữ ở Gaza phản đối, sợ rằng người thân của mình sẽ gặp nguy hiểm. Ngược lại, chủ tịch ủy ban cho rằng họ "bị Hamas lợi dụng". Sau cuộc họp, Chính phủ thông báo trước mắt không ủng hộ dự luật.

Tân tổng thống Argentina và liệu pháp sốc gây lo ngại

Tại Nam Mỹ, các báo tỏ ra nghi ngại khi chính khách có khuynh hướng tự do Javier Milei được bầu làm tổng thống, hứa hẹn một cú sốc kinh tế. Về tân tổng thống Argentina, ông Javier Milei dự kiến cắt giảm mạnh chi phí nhà nước, đô la hóa nền kinh tế. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã loại trừ mọi hợp tác kinh tế với láng giềng Brazil và Trung Quốc. Milei tuyên bố : "Tôi không làm ăn với cộng sản. Tôi là người bảo vệ tự do, hòa bình và dân chủ", nêu gương Hoa Kỳ và Israel, trong khi Brasilia và Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Argentina. Để trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông dự kiến giảm hẳn bộ máy chính quyền được cho là cồng kềnh : giải tán các bộ giáo dục, y tế, xã hội và nữ quyền ; thậm chí đòi đóng cửa luôn Ngân hàng Trung ương. Nhìn chung, tân tổng thống muốn tiêu diệt "giai cấp tham nhũng" trong đó ông gộp luôn chính giới và báo chí.

Javier Milei, 53 tuổi, một nhân vật mới cách đây hai năm ít ai biết đến, đã toàn thắng với 55,6% số phiếu, vượt xa đối thủ Sergio Massa đến 3 triệu phiếu. Cử tri của Milei thuộc giới bình dân và trung lưu, đặc biệt lớp trẻ và giới quân nhân đã ồ ạt dồn phiếu cho ông. Đây là bất ngờ lớn tại đất nước có hệ thống đảng phái quy củ từ nhiều năm. Dân chúng đã chán ngán với lạm phát 143% chỉ trong một năm, 40% cư dân nghèo túng. Dẫn đầu tại 21/24 tỉnh, Milei là tổng thống đắc cử với tỉ lệ cao nhất kể từ khi đất nước trở nên dân chủ. Nhưng liệu chính phủ của ông có thể áp đặt những liệu pháp sốc như đã tuyên bố ? Tại Quốc hội, đảng của Milei chỉ có 38/350 dân biểu, và không có chân rết vững chắc ở các tỉnh.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 92 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)