Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/11/2023

Điểm báo Pháp - Ukraine đóng chốt tả ngạn sông Dniepr

RFI tiếng Việt

Ukraine : Từ vượt sông ban đêm đến đóng chốt ở tả ngạn Dniepr

Le Monde ngày 22/11/2023 nhận thấy "Kiev cố gắng mở ra một mặt trận mới dọc theo dòng sông Dniepr". Sau khi giải phóng thành phố Kherson, những nhóm nhỏ lính Ukraine vẫn thường xuyên băng ngang dòng sông bằng xuồng cao su để thám sát. Nay khoảng vài trăm chiến binh đóng chốt được dọc theo tả ngạn. Đây là bước tiến quan trọng nhất của quân đội Ukraine ở miền nam, góp phần giảm bớt áp lực trên các mặt trận khác.

dniepr1

Các binh sĩ Ukraine dùng xuồng cao su vượt sông Dniepr ở khu vực tiền tuyến gần Kherson, Ukraine, ngày 15/10/2023. AP - Mstyslav Chernov

Israel và thỏa thuận thả con tin : Thông tin được chú ý nhất

Vấn đề các con tin bị Hamas giam giữ là trung tâm chú ý của các báo hôm nay, dù khi báo lên khuôn chính phủ Israel chưa thông qua thỏa thuận. Libération cho biết sau ba cuộc họp ở cấp cao nhất của Israel trong vòng ba tiếng đồng hồ - hội đồng chiến tranh, hội đồng an ninh và chính phủ - mới có thể chính thức thông báo về thỏa thuận lúc 21 giờ tối thứ Ba. Trước đó liên tục có những tuyên bố lạc quan tại Doha, nơi Hoa Kỳ, Ai Cập và Qatar cố gắng thương lượng.

Theo Washington Post và AFP, thỏa thuận dài 6 trang, dự kiến thả 50 con tin Israel đổi lấy 150 tù nhân Palestine, lần lượt trong bốn ngày hưu chiến nhân đạo. Phi cơ Israel sẽ ngưng bay tại phía nam Gaza trong thời gian này, và ở phía bắc chỉ hoạt động 6 giờ/ngày. Từ 200-300 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo được phép vào Gaza kể cả xăng dầu.

Qatar, trung gian không thể thiếu

Le Figaro nói về "Thế mạnh của Qatar, trung gian thiết yếu trong việc giải thoát các con tin ở Gaza". Từ ba chục năm qua, vương quốc dầu lửa giàu có này là quốc gia duy nhất có thể đối thoại với cả Nhà nước Do Thái lẫn các phe Hồi giáo Palestine.

Khác với những vụ bắt con tin cổ điển, lần này không phải lo tìm kiếm trung gian có thể tiếp xúc với cai ngục. Tất cả các kênh đều hướng về Doha, thủ đô của vương quốc nhỏ bé đã trở thành chuyên gia trong những vụ giải thoát con tin vì mối liên hệ với những tổ chức cực đoan hay khủng bố mà phương Tây không giao thiệp. Các nhà lãnh đạo Israel, Mỹ - kể cả giám đốc CIA và Mossad - và Pháp đã lập tức gọi cho quốc vương Qatar, Cheikh Tamim Ben Hamad al-Thani, để cố giải quyết vụ bắt con tin ngoại hạng về cả số lượng và mức độ truyền thông.

Trong vụ này, giá trị của Qatar càng tăng lên. Trước hết là mối quan hệ duy nhất với Hamas, chi nhánh Palestine của Huynh đệ Hồi giáo mà Doha vẫn ủng hộ cả về chính trị, tài chánh và truyền thông. Ngoài ra, Khaled Mechaal, từng là thủ lãnh chính trị của Hamas bên ngoài Palestine, đã trở thành bạn của cựu vương, Cheikh Hamad. Những tuần lễ vừa qua Khaled Mechaal có mặt ở Qatar bên cạnh Ismaël Haniyeh, thành một cặp trong các cuộc thương lượng cùng với nhánh quân sự ở Gaza.

Sau các chiến dịch quân sự Israel vào Dải Gaza năm 2014 và 2021, mỗi tháng Qatar đều tài trợ 30 triệu đô la, giúp chính quyền Hamas ở Gaza không sụp đổ, với sự đồng ý của Israel và Hoa Kỳ. Qatar hiếm khi hành động mà không có đèn xanh của đồng minh Mỹ. Về truyền thông, kênh Al-Jazeera, đặt tại Doha, luôn đứng về phía Hamas. 

Doha giàu kinh nghiệm thương lượng về các vụ bắt con tin

Mặt khác, Qatar tuy không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng vẫn giao hảo với Nhà nước Do Thái. Năm 1995, khi thái tử Hamad al-Thani, cha của quốc vương hiện nay, quyết định lật đổ phụ vương Khalifa, đã báo trước cho chính quyền Mỹ. Bill Clinton không phản đối, nhưng ra điều kiện phải ngưng chối bỏ sự hiện diện của Israel, mà hai năm trước đã khởi động tiến trình hòa bình với Palestine. Mối liên hệ ba bên này rất thiết thực trong đàm phán thả con tin.

Qatar có đầy kinh nghiệm trong những vụ thương lượng loại này. Chẳng hạn ở Iraq để thả khoảng 15 thành viên hoàng gia bị giam giữ trong sa mạc, trong cuộc nội chiến Syria, và đôi khi trả tiền chuộc như với nhóm thánh chiến Al Nosra, chi nhánh của Al Qaida. Những người chống đối chỉ trích Qatar hai mặt, thậm chí ủng hộ khủng bố, còn các nhà ngoại giao nước này nói rằng luôn nhằm cho đôi bên cùng có lợi.

Một cựu thủ tướng Pháp nhìn nhận Qatar đã giúp ích khá nhiều, chẳng hạn gần đây thuyết phục được Iran thả một tình nguyện viên Bỉ bị giam ở Tehran. Đổi lại, tư pháp Bỉ miễn tố một bộ trưởng Qatar bị nghi liên can trong vụ "Qatargate", vụ án tham nhũng làm rung chuyển Nghị Viện Châu Âu cuối 2022.

Thụy Điển thân Palestine chuyển sang ủng hộ Israel

Cũng về Trung Đông, Le Monde phân tích "Israel-Palestine : Diễn tiến của Thụy Điển, biểu hiện cho sự chia rẽ ở Châu Âu". Dù nhiều năm thân Palestine, vương quốc Bắc Âu sau vụ khủng bố của Hamas chuyển sang ủng hộ Israel, cho thấy Liên Hiệp Châu Âu (EU) khó có được chủ trương chung trước các cuộc xung đột.

Ngày 30/10/2014, Thụy Điển trở thành quốc gia EU đầu tiên công nhận Palestine. Lên nắm quyền sau tám năm đối lập, phe dân chủ xã hội muốn tái khởi động tiến trình hòa bình bằng cách cổ vũ "các lực lượng Palestine ôn hòa", và hy vọng các nước Châu Âu khác sẽ noi theo. Điều đó đã không diễn ra.

Chín năm sau, Thụy Điển thay đổi hẳn quan điểm, ủng hộ mạnh mẽ Israel sau cuộc tấn công của Hamas ngày 07/10. Ngoại trưởng Tobias Billström cho rằng sự đáp trả của Israel là "tương xứng, liên quan đến quyền tự vệ". Thụy Điển không đòi ngưng bắn, chỉ yêu cầu mở hành lang nhân đạo ở Gaza và bảo vệ thường dân, nhưng bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27/10 trong khi Đức vắng mặt còn Pháp ủng hộ. Văn bản này đòi hỏi "ngưng bắn nhân đạo lập tức và kéo dài". Theo Thụy Điển, nghị quyết "không rõ ràng lên án vụ tấn công khủng bố của Hamas vào Israel và không nói đến quyền tự vệ của Israel trước quân khủng bố". 

Từ 10/10, chính quyền ngưng viện trợ phát triển cho Palestine. Ba trong số bốn đảng hợp thành liên minh cầm quyền còn đòi xét lại việc công nhận Palestine, nhưng ông Billström bác bỏ, nói rằng như vậy chỉ có lợi cho Hamas. Thật ra việc quay sang ủng hộ Israel không phải là một sớm một chiều. Phe dân chủ xã hội bắt đầu nhận ra việc công nhận Palestine không có tác động gì, mà chỉ làm đóng băng quan hệ với Israel. Bà Ann Linde hôm 18/10/2021 đã là ngoại trưởng Thụy Điển đầu tiên đến Jerusalem kể từ mười năm qua, và chiến thắng của cánh hữu tháng 9/2022 đã xác định lại chính sách đối ngoại : Không còn đóng vai "siêu cường đạo lý" trên trường quốc tế, mà ưu tiên cho "lợi ích Thụy Điển và các giá trị dân chủ".

Moskva dùng vũ khí di dân tấn công Phần Lan

Tại quốc gia Bắc Âu láng giềng là Phần Lan, Helsinki từ hôm thứ Bảy 18/11 đã phải đóng 4 trong số 8 cửa khẩu biên giới với Nga. Tuần trước, hải quan Phần Lan ghi nhận hàng trăm người từ Cận Đông và Châu Phi đổ vào, chủ yếu là người Iraq, Somalia và Yemen. Các giấy phép lưu trú tạm thời, thường là mua với giá 3.000 – 4.000 euro, giúp họ có thể từ Nga xâm nhập EU.

Luồng di dân này ngày càng ồ ạt kể từ tháng 8, mỗi tuần lên đến 400 người, trong khi lâu nay phía Nga thường chận lại những ai không có visa. Thủ tướng Phần Lan cho biết có những dấu hiệu cho thấy hiện tượng này có tổ chức. Helsinki được tổng thống Ba Lan lên tiếng ủng hộ vì đã có một số tiền lệ : Năm 2021 hàng ngàn người tị nạn từ Belarus, đồng minh của Nga, đã đổ vào Ba Lan.

Ukraine : Từ vượt sông ban đêm, đến đóng chốt dọc sông Dniepr

Trên chiến trường Ukraine, Le Monde nhận thấy "Kiev cố gắng mở ra một mặt trận mới dọc theo dòng sông Dniepr". Từ nhiều tuần qua, những "trận đánh dữ dội" đã diễn ra ở tả ngạn, nơi quân Nga đang chiếm đóng. Tư lệnh lục quân Ukraine cho biết lực lượng Kiev "đã tiến hành một loạt hoạt động thành công", từ phía đập Nova Kakhovka đã bị phá hủy hồi tháng 6, đến cửa sông Dniepr, thiết lập được "nhiều đầu cầu" ở khu vực này và khiến quân địch chịu thiệt hại nặng.

Thực tế, kể từ khi giải phóng thành phố Kherson tháng 11/2022 khiến quân Nga phải rút sang bên kia sông, những nhóm nhỏ chiến binh Ukraine vẫn thường xuyên băng ngang dòng sông bằng xuồng cao su để thám sát các vị trí Nga. Chuyên gia Stéphane Audrand giải thích, họ đi vẽ bản đồ bãi sông để xác định địa điểm đặt mìn của Nga. Lực lượng Ukraine thường vượt sông vào ban đêm để tránh drone địch phát hiện, và chỉ vài giờ sau là rút về. Nhưng kể từ tháng 6, những vụ xâm nhập ngày càng nhiều và nhất là Ukraine bắt đầu bám rễ tại chỗ.

Điểm đóng chốt đầu tiên là ở chân cầu đường bộ Antonivsky, tây bắc Kherson, rồi sau đó đến khu vực cầu đường sắt cùng tên ở thượng nguồn. Những điểm chốt này giúp có thể ẩn náu tránh bị Nga oanh kích trả đũa, vì địa hình vùng này bất lợi. Và trong suốt mùa hè, quân Ukraine đi dọc lên phía trên, chiếm các vị trí đến tận làng Krynky, gần đập cũ Nova Kakhovka. Tổng cộng khoảng vài trăm chiến binh nay đóng dọc theo một dải đất dài khoảng 50 kilomet, rộng từ 3 đến 8 kilomet.

Đây là bước tiến quan trọng nhất của quân đội Ukraine trong nỗ lực xuyên thủng phòng tuyến kiên cố của Nga ở miền nam, nhất là gần làng Robotyne. Về mặt chính thức, bộ tổng tham mưu Ukraine khẳng định mục tiêu là đẩy quân Nga xa khỏi Kherson, thành phố thường xuyên bị Nga oanh kích sang từ khi bị đuổi chạy sang bên kia sông. Mới hôm thứ Hai, đạn pháo Nga đã làm hai người dân chết và hai người bị thương. Nga càng ở xa dòng sông thì càng khó dùng drone thám sát và pháo binh càng kém chính xác.

Chia lửa cho những mặt trận khác

Nhưng những đầu cầu này còn phục vụ cho những chiến dịch lớn hơn. Khác với mặt trận miền nam và miền đông, nơi Nga đã lập ra những hệ thống phòng ngự vô cùng kiên cố gồm chiến hào, bãi mìn… tả ngạn sông Dniepr ít được bảo vệ hơn. Ông Thibault Fouillet, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, nhận xét, Nga lo phòng thủ chặt chẽ ở phía eo đất Crimea mà Moskva coi là lợi ích sống còn. Nếu xuyên phá được, quân Ukraine có thể tiến sâu vào đất địch, thậm chí quật ngược lại các phòng tuyến Nga ở miền nam.

Vấn đề là liệu Kiev có đủ phương tiện hay không : thiết bị nặng như xe tăng, phương tiện hậu cần để tiếp tế nhiên liệu và đạn dược. Thế nhưng, các cây cầu đều đã bị phá. Theo ông Thibault Fouillet, các phà không thể đủ, nhất thiết phải có được cầu kiên cố hoặc cơ động. Pháp đã chi viện khoảng 30 cầu nổi gắn động cơ, nhưng chưa thể đủ. Một sĩ quan Pháp cho rằng hiện không có quân đội nào ở Châu Âu vượt được một dòng sông rộng mênh mông như Dniepr. Các nhà phân tích nhấn mạnh, tuy trước mắt ít có cơ vượt qua được thử thách này, nhưng chiến dịch của Ukraine thực sự có lợi ích quân sự.

Chiếm giữ nhiều đầu cầu ở các địa điểm khác nhau sẽ giúp giảm nhẹ áp lực trên các mặt trận khác. Và như vậy việc Kiev sử dụng thủy quân lục chiến để vượt sông là rất đáng lo cho Moskva : các lữ đoàn 35, 36, 37 và 38 đã được nhận diện, vốn là những đơn vị thiện chiến. Đồng thời mang lại sức bật cho cuộc phản công hiện đang trong ngõ cụt, chứng tỏ với người dân và các đồng minh phương Tây rằng cuộc chiến chưa kết thúc, những chiến binh Kiev quả cảm có thể thành công. Cuộc chiến còn kéo dài, sự ủng hộ trong và ngoài nước là yếu tố quyết định, theo Le Monde.

Maidan : Mười năm trước, Ukraine đã chọn Châu Âu

Quay lại với quá khứ, cách đây đúng mười năm, cách mạng Maidan đã nổ ra. "Euromaidan" là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đất nước, và là cội rễ cuộc xâm lăng của Nga. La Croix nhắc lại, tất cả bắt đầu từ Facebook. Ngày 21/11/2013, nhà báo Ukraine gốc Afghanistan Mustafa Nayyem, 32 tuổi, gõ những lời kêu gọi biểu tình. Vài giờ trước đó, tổng thống Viktor Yanukovich dưới áp lực của Vladimir Putin đã từ bỏ thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu, thay vào đó Moskva sẽ là đối tác.

Nayyem viết : "Nào, bây giờ là chuyện nghiêm túc. Ai sẵn sàng đến quảng trường Maidan vào nửa đêm ? Không cần "like", chỉ cần bình luận dưới bài này "Tôi sẵn sàng". Khi nào có trên 1.000 người, chúng ta sẽ tổ chức". Những ngày sau đó, hàng mấy ngàn người tham gia biểu tình, trong đó có nhiều sinh viên chiếm đóng Maidan Nezalejnosti (tiếng Ukraine có nghĩa là quảng trường Độc Lập), cho đến khi cảnh sát đàn áp thô bạo hôm 29/11/2013.

Sự tàn bạo gây ra cú sốc sâu sắc cho xã hội. Ngay từ ngày 01/12/2013, có đến 100.000 người xuống đường tại Kiev, đòi hỏi chấm dứt chế độ Yanukovich thân Nga và tham nhũng. Cuộc "cách mạng phẩm giá", theo cách gọi của người Ukraine, kết thúc với việc truất phế tổng thống, Yanukovich chạy trốn sang Nga. Trước đó, những vụ đụng độ đẫm máu đã làm khoảng 100 người biểu tình thiệt mạng.

Đối với Vladimir Putin, không thể chấp nhận một cuộc cách mạng ngay tại "sân sau" của mình, có thể khiến dân Nga cũng nổi dậy đòi dân chủ. Từ tháng 2/2014, lợi dụng tình trạng lộn xộn sau cách mạng, ông đã chiếm Crimea, kích động các phong trào thân Nga ở miền nam và miền đông Ukraine. Triết gia Volodymyr Yermolenko lý giải, trước hết Putin thông qua hiệp định Minsk muốn dùng Donbass làm con ngựa thành Troie để kiểm soát Kiev, rồi gây ảnh hưởng bằng cách nuôi dưỡng đảng đối lập. Không thành công, Putin chỉ còn cách xâm lăng Ukraine.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 182 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)