Henry Kissinger : Người định hình thế giới đầy tranh cãi
BBC, 30/11/2023
Sự kiện nhà ngoại giao Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100 một lần nữa làm dậy lên những ý kiến trái chiều.
Henry Kissinger, một nhân vật chính trị Hoa Kỳ, đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong quan hệ quốc tế cận đại.
Một người theo chủ nghĩa "hiện thực" trong quan hệ quốc tế, ông Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa bình và cũng bị lên án kịch liệt, bị coi là tội phạm chiến tranh.
Với vai trò là Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ, ông đã theo đuổi mạnh mẽ chính sách hòa hoãn (détente) - giúp làm tan băng mối quan hệ giữa Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc.
Đường lối ngoại giao con thoi của ông đã giúp chấm dứt cuộc xung đột giữa các quốc gia Ả rập và Israel hồi năm 1973 ; hòa đàm để đạt được Hiệp định Paris giúp đưa Mỹ ra khỏi một cơn ác mộng kéo dài ở Việt Nam.
Thế nhưng điều mà giới ủng hộ ông mô tả là "Chính trị thực dụng" (Realpolitik) thì phe chỉ trích lên án là vô đạo đức.
Ông đã bị cáo buộc từ việc hậu thuẫn ngầm cho cuộc đảo chính đẫm máu, lật đổ chính phủ theo cánh tả ở Chile, và nhắm mắt làm ngơ trước "cuộc chiến bẩn thỉu" của quân đội Argentina nhằm vào người dân.
Henry Kissenger đã được trao giải Nobel Hòa bình nhưng lại bị giới chỉ trích lên án kịch liệt.
Khi nghe tin Kissinger được trao giải Nobel, danh hài Tom Lehrer từng có một tuyên bố nổi tiếng rằng "châm biếm chính trị đã trở nên lỗi thời".
Chạy trốn Đức Quốc xã
Heinz Alfred Kissinger sinh ra trong một gia đình Do Thái trung lưu ở bang Bavaria, Đức vào ngày 27/5/1923.
Gia đình ông đã phải tìm đường chạy trốn trước sự đàn áp của Đức Quốc xã và gia nhập cộng đồng người Đức gốc Do Thái ở New York vào năm 1938.
"Henry" là một thiếu niên có bản tính nhút nhát, luôn giữ được giọng nói đặc trưng và tình yêu bóng đá.
Ông đi học vào buổi tối, trong khi làm việc tại một nhà máy sản xuất cọ quét kem cạo râu vào ban ngày và từng có ý định đi học ngành kế toán nhưng rồi đã buộc phải nhập ngũ.
Được biên chế vào bộ binh, bộ não và kỹ năng ngôn ngữ của ông đã được dùng cho bộ phận tình báo quân đội. Kissinger đã chiến đấu trong Trận chiến Bulge và tự mình quản lý một thị trấn chiếm được tại Đức - mặc dù lúc bấy giờ mới chỉ giữ cấp bậc binh nhì.
Gần cuối cuộc chiến, ông đã tham gia cơ quan phản gián. Người thanh niên 23 tuổi này được giao phụ trách một đội chuyên săn tìm những cựu nhân viên Gestapo của Đức Quốc xã, được toàn quyền bắt giữ đối tượng tình nghi.
Cuộc chiến hạt nhân nhỏ
Khi trở về Mỹ, ông đã học ngành khoa học chính trị tại Đại học Harvard và bước dần lên những nấc thang học thuật mới.
Ông Kissinger được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ của Tổng thống Nixon vào năm 1968.
Năm 1957, ông đã xuất bản một quyển sách nhan đề 'Nuclear War and Foreign Policy' (Chiến tranh hạt nhân và Chính sách ngoại giao) - trong đó cho rằng có thể chiến thắng bằng những cuộc chiến tranh hạt nhân có giới hạn. Được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ phản hoài nghi, ông cho rằng việc sử dụng ở cấp độ "chiến thuật" hoặc "chiến lược" các dòng tên lửa mới có thể là điều hợp lý.
Cuốn sách này đã khiến ông được chú ý. Hành trình dài đến danh tiếng và ảnh hưởng của Kissinger đã bắt đầu ; và lý thuyết "chiến tranh hạt nhân nhỏ" đến nay vẫn còn có tầm ảnh hưởng.
Ông đã trở thành trợ lý của Thống đốc New York và của ứng viên tổng thống Nelson Rockefeller. Và khi Richard Nixon trở thành ông chủ Nhà Trắng hồi năm 1968, Kissinger đã được giao một trọng trách sáng giá : Cố vấn An ninh Quốc gia.
Đó là một mối quan hệ phức tạp. Tổng thống Nixon đã dựa theo lời khuyên của Kissinger trong quan hệ quốc tế, nhưng lại có khuynh hướng bài Do Thái và ngờ vực người Mỹ gốc Do Thái.
Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm : Vừa tránh được cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, quân đội Mỹ vẫn còn ở Việt Nam và Liên Xô vừa tiến hành xâm lược Tiệp Khắc.
Chính sách hòa hoãn
Nhưng Nixon và Kissinger đã đề ra việc giảm căng thẳng với Liên Xô : làm hồi sinh các cuộc đàm phán về giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân của đôi bên.
Cùng lúc đó, một cuộc đối thoại đã được mở lại với chính phủ Trung Quốc, thông qua Thủ tướng Chu Ân Lai. Điều này đã giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Trung, nhưng gia tăng áp lực ngoại giao cho giới lãnh đạo Liên Xô - những người đang lo ngại quốc gia láng giềng to lớn này.
Các nỗ lực của Kissinger đã trực tiếp dẫn đến chuyến đi lịch sử của Nixon đến Trung Quốc hồi năm 1972, khi ông có cuộc gặp với cả Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông - chấm dứt 23 năm cô lập và thù địch về mặt ngoại giao.
Thủ tướng Chu Ân Lai và ông Henry Kissinger trong một buổi yến tiệc tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh
Việt Nam
Trong thời gian này, Mỹ đang gia tăng nỗ lực rút quân khỏi Việt Nam.
"Nền hòa bình trong danh dự" là một cụm từ chính trong cam kết tranh cử của Tổng thống Nixon ; và Kissinger đã từ lâu đưa ra kết luận rằng bất kỳ chiến thắng quân sự nào của Mỹ cũng đều vô nghĩa - và rằng họ không thể "đạt được một thực tiễn chính trị có thể tồn tại sau khi chúng ta rút quân hoàn toàn".
Ông đã tiến hành đàm phán với Cộng sản Bắc Việt, nhưng đồng ý với Nixon về chuyện ném bom rải thảm bí mật ở Campuchia - nhằm rút cạn nguồn lực và hàng cung cấp cho phe cộng sản.
Chính sách này đã dẫn đến cái chết của ít nhất 50.000 thường dân và sự bất ổn tại Campuchia đã dẫn đến một cuộc nội chiến và chế độ thảm sát bạo tàn của Pol Pot.
Henry Kissinger (phải) đã tiến hành đàm phán với lãnh đạo Bắc Việt, ông Lê Đức Thọ, tại Paris vào năm 1973. Hai người đã được đồng trao giải Nobel Hòa bình.
Trong một loạt các cuộc đàm phán phức tạp với phía Bắc Việt ở Paris, ông Kissinger - khi đó là Ngoại trưởng Mỹ - đã thương lượng về việc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Điều này đã giúp ông được trao giải Nobel Hòa bình - cùng với ông Lê Đức Thọ, đại diện đàm phán từ Bắc Việt - đây là một quyết định bị những giới vận động vì hòa bình công kích.
Kissinger đã chấp thuận giải thưởng "với sự khiêm nhường" và dành tặng toàn bộ số tiền thưởng cho con em của những quân nhân Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này.
Hai năm sau đó, khi Cộng sản Bắc Việt đánh bại quân đội Nam Việt Nam, ông đã cố trả lại giải Nobel.
Chính trị thực dụng
Đường lối ngoại giao con thoi của ông Kissinger đã giúp mang lại một lệnh ngừng bắn theo sau cuộc chiến tranh năm 1973 giữa các quốc gia Ả rập và Israel.
Hệ thống nghe lén bí mật của Nixon tại Nhà Trắng đã ghi lại việc Thủ tướng Israel Golda Meir đưa ra lời cảm tạ chân tình về cách Nixon và Kissinger đã đối đãi dành cho quốc gia của bà ta.
Nhưng sau khi bà này hết nhiệm kỳ, các băng ghi âm đã hé lộ mặt tối của đường lối Chính trị thực dụng. Cả Kissinger và Nixon đều không có ý định gây áp lực cho Liên Xô để cho phép người Nga gốc Do Thái tìm kiếm cuộc sống mới ở Israel.
"Việc di dân của người Do Thái sang Liên Xô không phải là mục tiêu của ngoại giao của Hoa Kỳ", ông Kissinger nói. "Và nếu họ đưa những người Do Thái vào phòng hơi ngạt ở Liên Xô, thì đó cũng không phải mối bận tâm của Mỹ. Có lẽ đây là một mối quan ngại về nhân đạo".
Ông Henry Kissinger gặp Tướng Augusto Pinochet của Chile vào năm1976.
Việc nhà lãnh đạo Salvador Allende, một người theo chủ nghĩa Marx, trở thành Tổng thống Chile đã gây nên vấn đề cho Mỹ. Chính phủ mới khi đó ủng hộ Cuba và đã quốc hữu hóa các công ty của Mỹ.
CIA đã tiến hành các chiến dịch bí mật ở Chile nhằm giúp các nhóm đối lập lật đổ chính phủ mới. Kissinger lúc bấy giờ đứng đầu ủy ban cho phép thực hiện hành động này.
"Tôi không thấy lý do tại sao chúng ta lại đứng yên mà nhìn một quốc gia chuyển sang cộng sản vì sự vô trách nhiệm của nhân dân nước đó", ông tuyên bố. "Vấn đề này quá quan trọng nên không thể để mặc cử tri của Chile tự quyết được".
Thế là quân đội đã nhảy vào và ông Allende thiệt mạng trong một cuộc đảo chính bằng vũ lực, từ đó Tướng Pinochet lên nắm quyền. Nhiều binh lính của ông tướng này hóa ra đã nhận tiền từ CIA.
Những năm sau đó, chính Kissinger đã trở thành đối tượng theo đuổi của một số tòa án trong các cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền và cái chết của người nước ngoài dưới thời chính quyền quân sự cầm quyền tại Chile.
Tổng thống Gerald Ford đã giữ ông Kissinger làm ngoại trưởng sau vụ bê bối Watergate.
Một năm sau đó (năm 1974), ông Kissinger chứng kiến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức trong nước mắt vì vụ bế bối Watergate. Người kế nhiệm ông Nixon là Gerald Ford vẫn duy trì chức vụ ngoại trưởng của Kissinger.
Ông đã gây áp lực khiến phe thiểu số da trắng tại Rhodesia (nay là Zimbabwe) phải từ bỏ quyền lực, nhưng bị cáo buộc đã làm ngơ trước tình trạng "biến mất" của những người chỉ trích chính quyền quân sự Argentina.
Quyền lực : Thuốc kích thích hiệu nghiệm nhất
Ông là nhân vật gây tranh cãi sau khi rời nhiệm sở vào năm 1977 : Người ta đã phải rút lại lời đề nghị mời ông vào ngồi ghế trong hội đồng tại Đại học Columbia do vấp phải sự phản kháng của sinh viên.
Ông Henry Kissinger và Vương phi Diana vào năm 1996
Ông đã trở thành một người chỉ trích mạnh mẽ chính sách ngoại giao của các Tổng thống Jimmy Carter và Bill Clinton, lập luận rằng các tổng thống này muốn một bước nhảy vọt để đạt được hòa bình ở Trung Đông. Đối với Kissinger, điều này chỉ có thể diễn ra từng bước một mà thôi.
Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9, Tổng thống George W Bush đã đề nghị Kissinger chủ trì một cuộc điều tra về các vụ tấn công ở New York và Washington, nhưng ông đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ này chỉ trong vài tuần - sau khi từ chối công khai danh sách các khách hàng cho dịch vụ tư vấn của ông và từ chối trả lời các câu hỏi về xung đột lợi ích.
Ông đã tổ chức các cuộc họp với Tổng thống Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney để đưa ra lời khuyên cho họ về chính sách ở Iraq theo sau cuộc tấn công năm 2003. "Chiến thắng quân nổi dậy", ông nói với họ, "là chiến lược thoát ra nhanh nhất".
Luôn là người có ảnh hưởng, ông đã tư vấn cho Tổng thống Donald Trump về các vấn đề ngoại giao sau khi ông Trump nhậm chức năm 2017 - một trong các đề xuất là chấp nhận việc Vladimir Putin chiếm Crimea.
Mặc dù vậy, trước khi bước vào tuổi 100 vào năm 2023, Kissinger đã thay đổi quan điểm về Ukraine. Sau cuộc xâm lược của Nga, ông đưa ra lập luận rằng quốc gia của Tổng thống Zelensky nên tham gia NATO sau khi nền hòa bình đã được đảm bảo.
Ông Henry Kissinger trong cuộc trao đổi với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào năm 2017.
Henry Kissinger có một danh sách dài vô tận người quen biết và một trí thông minh nhanh nhạy. "Quyền lực", ông từng ví von, "là loại thuốc kích thích hiệu nghiệm nhất".
Với một tính cách khác người thường, ông trở thành trung tâm quyền lực trong thời gian xảy ra những sự kiện mang tính cột mốc của 100 năm qua.
Dù bị nhiều người căm giận, Kissinger vẫn không hề hối hận về việc toàn tâm toàn ý theo đuổi các lợi ích của Mỹ và việc bảo vệ phong cách của quốc gia.
"Một quốc gia mà cứ đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt đạo đức trong chính sách ngoại giao", ông từng tuyên bố, "thì sẽ không đạt được gì, cả sự hoàn hảo lẫn an ninh".
Nguồn : BBC, 30/11/2023
************************
Henry Kissinger trong mắt học giả Mỹ và cựu quan chức Việt Nam Cộng Hòa
VOA, 30/11/2023
Giáo sư Larry Berman nói người miền Nam hoàn toàn có lý do để ‘cảm thấy cay đắng về sự dối trá của Kissinger’ trong các cuộc thương thuyết với Hà nội ; và, nếu phải viết một câu lên mộ chí của Kissinger, thì câu đó nên là : "Một nhân vật đáng gờm nhưng gây tranh cãi, quan trọng nhưng dối trá".
Có nhiều tranh cãi về vai trò lịch sử của Tiến sĩ Kissigner trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều người ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa quy lỗi cho Kissinger là đã tiếp tay với cộng sản miền Bắc để thôn tính miền Nam đưa tới sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Một chuyên gia về chính trị và chính sách đối ngoại từng nghiên cứu về các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, cũng là một chuyên gia về chiến tranh Việt Nam, Tiến sĩ Larry Berman, từng nhận định về vai trò của Henry Kissinger trong lịch sử : "Tiến sĩ Kissinger là nhân vật lịch sử đáng kể, quan trọng nhưng gây nhiều tranh cãi. Ông từng là một Ngoại trưởng đầy quyền lực, có rất nhiều ảnh hưởng dưới thời Tổng thống Nixon. Trong những năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Nixon, Kissinger là Cố vấn An ninh Quốc gia có thế lực và trước đó ông đóng một vai trò thiết yếu trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực giữa Tổng thống Johnson và Tổng thống Nixon".
Sau khi Tổng thống Nixon từ chức, Kissinger vẫn duy trì được uy tín trong tư cách là một nhà tư tưởng, một nhà diễn thuyết, một chính khách lão thành được nhiều đời Tổng thống Mỹ tham khảo ý kiến và xin cố vấn về một loạt vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế.
Có nhiều tranh cãi về vai trò lịch sử của Tiến sĩ Kissigner trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều người ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa quy lỗi cho Kissinger là đã tiếp tay với cộng sản miền Bắc để thôn tính miền Nam đưa tới sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tiến sĩ Larry Berman nói ông Kissinger đã không chấm dứt chiến tranh Việt Nam, điều mà ông ta làm là ‘chấm dứt sự can dự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam’.
"Đây có thể là một trong những vai trò gây nhiều tranh cãi nhất. Tôi nghĩ các tài liệu lịch sử đã chứng minh việc này. Đó là cá nhân ông Kissinger phải chịu trách nhiệm đã đánh lạc hướng miền Nam Việt Nam rồi nuốt lời hứa với Tổng thống Thiệu, ông ấy quan tâm hơn tới việc thương thuyết với Lê Đức Thọ của miền Bắc hơn là ông Thiệu, và giải pháp mà ông ta thương lượng bí mật với miền Bắc mà không hề tham khảo ý kiến của đồng minh Việt Nam, về cơ bản, là một ‘hiệp định tự sát’ đối với quốc gia trước đây được gọi là Nam Việt Nam".
Tổng thống Thiệu đã vô cùng giận dữ khi rốt cuộc phát hiện ra những nhượng bộ hết sức vô lý của Kissinger, kể cả rút quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam trong khi chấp nhận cho Hà nội duy trì các lực lượng của họ ở miền Nam. Và sau khi sự đã rồi, Kissinger tìm đủ mọi cách để tăng sức ép buộc Tổng thống Thiệu ký hiệp định để giữ những cam kết đã hứa với Lê Đức Thọ.
Tiến sĩ Berman, từng nói trong cuộc phỏng vấn trước đây với VOA : "Ông Thiệu giận tới mức đòi Nixon phải cung cấp thư từ và tài liệu mật khác, bảo đảm máy bay ném bom B52 của Mỹ sẽ quay trở lại, nếu và khi nào hiệp định bị vi phạm, điều mà cả ông Nixon lẫn ông Kissinger đều tin sẽ xảy ra. Thế nhưng vụ tai tiếng Watergate đã làm hỏng kế hoạch đó, tới khi chuyện xảy ra, đồng minh nuốt lời hứa trên giấy trắng mực đen, và không có máy bay B52 nào trở lại Việt Nam".
Thế mà nhờ những cuộc "đi đêm" đó, Hàn Lâm viện Thụy Điển đã chọn hai ông Kissinger và Lê Đức Thọ cho Giải Nobel Hòa Bình. Kissinger nhận giải nhưng đối tác Lê Đức Thọ từ chối, viện lý do "Hòa bình vẫn chưa đến với Việt Nam".
Trả lời câu hỏi của VOA tiếng Việt, nhìn lại, liệu hai ông Lê Đức Thọ và Kissinger có xứng đáng được vinh danh với Giải Nobel Hòa Bình, Giáo sư Berman nói trên thực tế "không một phút giây hòa bình nào đến với Việt Nam sau khi đạt được hiệp định".
"Tôi không tin là hai ông xứng đáng nhận Giải Nobel. Có thể nói sự mỉa mai đã lên đến tột cùng nếu hai ông cùng nhận Giải Nobel. Nhưng rốt cuộc chỉ có ông Kissinger đồng ý nhận giải".
Về quan điểm và phần trách nhiệm của Tổng thống Nixon trong những quyết định liên quan tới Việt Nam dẫn tới sự sụp đổ của chế độ miền Nam, so với vai trò của ông Kissinger, Tiến sĩ Larry Berman nói theo ông, có sự khác biệt lớn giữa Tổng thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger : "Tôi tin rằng Kissinger không quan tâm, ông ấy chỉ muốn có một khoảng cách thời gian tương đối từ lúc ký hiệp định tới lúc miền Nam sụp đổ, đủ để người ta không quy lỗi cho ông, theo lối ‘miễn là Nam Việt Nam sụp đổ nhưng không quá gần lúc mà tôi ký hiệp định, thì không ai có thể đổ lỗi cho tôi’".
Nixon thì khác, Tiến sĩ Berman tin rằng nếu không có vụ tai tiếng Watergate, Tổng thống Nixon chắc chắn đã giữ lời hứa với Tổng thống Thiệu : "Không có cách nào ông Nixon lại để sử sách ghi chép rằng miền Nam Việt Nam đã cáo chung dưới quyền ông, trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Cho nên tôi tin rằng Nixon đã giữ những cam kết của ông. Về phần Kissinger thì cố thuyết phục ông Nixon rằng không cần làm như thế, chúng ta đã làm đủ rồi".
Trong cuốn "No Peace, No Honor" - "Không Hòa bình, Chẳng Danh dự", Tiến sĩ Larry Berman nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, người Mỹ để cho một đồng minh của mình cạn súng đạn trong lúc đang phải tự bảo vệ lấy mình.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA tiếng Việt trước đây, ông Hoàng Đức Nhã, Bí thư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, bày tỏ sự phẫn nộ của ông về vai trò và những lời lẽ bất nhã của ông Kissinger về ông và Tổng thống Thiệu, khi lãnh đạo miền Nam kháng cự áp lực của Kissinger ép Tổng thống Thiệu ký một hiệp định bất lợi cho miền Nam Việt Nam.
Giáo sư Larry Berman, tác giả cuốn "The Perfect Spy – Điệp viên hoàn hảo" về Phạm Xuân Ẩn, xác nhận tin này : "Sau lưng họ, Henry Kissinger nói xấu về Tổng thống Thiệu và ông Nhã và trong nhiều tài liệu được giải mật, chúng ta có thể tự kiểm chứng trên mạng bằng cách truy cập các tài liệu nay được phổ biến, trong đó có một câu mà tôi nhớ, khi ông Kissinger thừa nhận ông đã giữ Tổng thống Thiệu và các quan chức Việt Nam Cộng Hòa trong thế ‘cóc ngồi đáy giếng’ nhìn lên chỉ thấy bóng tối trong khi ông ta thương lượng về tương lai của Nam Việt Nam với Lê Đức Thọ. Thế cho nên tôi hoàn toàn đồng ý với ông Hoàng Đức Nhã về nhận định đó".
Nhận xét về Tiến sĩ Kissinger, một nhân chứng khác thời ấy, ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ, lúc sinh thời từng nói với VOA : "Đứng về phương diện ngoại giao thì Kissinger có rất nhiều ý kiến gọi là dàn xếp trên chính trường quốc tế, nhưng trường hợp ông ấy đối xử với Việt Nam thì tôi phải thành thực nói rằng ông ấy không lý gì tới số phận của người dân Việt Nam, và cái đó là một điều mà tôi vẫn cho rằng ông ấy thiếu sót lớn trong việc điều khiển ngành ngoại giao Hoa Kỳ".
Trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA tiếng Việt trước đây, ông Bùi Diễm từng nói Kissinger là người có những định kiến về vấn đề ngoại giao, và nhiều năm trước Hiệp định Paris, ông đã viết một bài báo về tương lai của Việt Nam qua một cuộc điều đình. Khi có cơ hội tham gia chính phủ Tổng thống Nixon sau này, Kissinger đã ‘đi đêm với những người cộng sản’ bất chấp sự sống còn của đồng minh.
Và rằng : "Điều đình lớn trên chính trường quốc tế mà chỉ nghĩ đến làm thăng bằng cán cân trên thế giới mà không nghĩ đến quyền lợi, sự sống còn của những dân tộc mà Hoa Kỳ đã hứa giúp đỡ, thì đó là điều mà người Việt Nam và các nước nhỏ khác cũng phải nghĩ đến khi giao thiệp, trông chờ vào người Mỹ".
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây dành cho VOA về đề tài 30/4, ông Hoàng Đức Nhã, từng là Bí thư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và là Tổng trưởng Dân Vận - Chiêu Hồi từ 1973, nhận xét như sau về vai trò của Tiến sĩ Kissinger : "Vai trò của ông Kissinger trong vấn đề đem đến hòa bình thì dĩ nhiên là… một vết nhơ trong bang giao giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa".
Giáo sư Larry Berman nói người miền Nam hoàn toàn có lý do để ‘cảm thấy cay đắng về sự dối trá của Tiến sĩ Henry Kissinger’ trong các cuộc thương thuyết với Hà Nội.
Và ông kết luận, nếu phải viết một câu lên mộ chí của Kissinger, thì câu đó nên là : "Một nhân vật đáng gờm nhưng gây tranh cãi, quan trọng nhưng dối trá".