Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/12/2023

Điểm báo Pháp - Không thua Nga, Ukraine coi như thắng

RFI tiếng Việt

Không thua "Goliath" Nga, "David" Ukraine coi như chiến thắng

Theo Les Echos ngày 04/12/2023, chàng David nhỏ bé đã chống cự được với người khổng lồ Goliath trong suốt hai năm qua, đã là một thành công rất lớn. Kiev tiếp tục chiến đấu ngang ngửa với Moskva, và quan trọng hơn nữa là Nga không còn hoàn toàn kiểm soát được Crimea. Phương Tây không nên ngờ vực Ukraine cũng như tính chất tồn vong của cuộc chiến chống xâm lược này.

david1

Một chiến sĩ thuộc lữ đoàn 1 Vệ binh Quốc gia Bureviy (Bão tố) trong một buổi tập luyện ở miền bắc Ukraine, ngày 03/11/2023. AP - Efrem Lukatsky

Ukraine thiếu thốn cả đạn dược lẫn chiến binh

Tại Ukraine, Les Echos nêu ra "Tình trạng thiếu thốn đạn dược ngăn trở hoạt động của các pháo thủ". Khi được nhà báo hỏi, đơn vị bắn ra bao nhiêu quả đạn một ngày, "Fritz" cười buồn : "Nếu nói bao nhiêu quả một tháng thì dễ trả lời hơn". Người lính 24 tuổi của lữ đoàn 56 Ukraine cùng với đồng đội từ nhiều tuần qua sống dưới mặt đất nhiều hơn, để tránh cái lạnh, bùn lầy và bom Nga. Họ buộc lòng phải trở nên thụ động vì thiếu đạn pháo.

Libération nhận xét "Nga tìm kiếm kẽ hở, Ukraine thiếu lực lượng bổ sung". Kremlin sử dụng chiến lược khủng khiếp quen thuộc là "cối xay thịt" để chiếm bằng được Avdiivka, trung tâm hậu cần thuộc Donetsk để hoàn tất việc chinh phục Donbass, tạo thế mạnh khi thương lượng, dù 80% thiết bị bị tiêu hủy trên chiến trường này, và số thương vong kỷ lục cao hơn cả Bakhmut. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valeri Zalujny cho biết có đến 10.000 lính Nga phải bỏ mạng để chiếm được 20 kilomet vuông. Cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine, Andriy Zagorodnyud tỏ ra lo ngại vì không thể huy động được quân đông đảo như Nga, cho rằng cần được bù đắp bằng công nghệ, từ phi cơ cho đến drone.

Mìn, bom Nga đe dọa cư dân vùng được giải phóng

Le Monde mô tả "Cuộc sống thường nhật đầy khó khăn của cư dân những vùng được giải phóng" khỏi tay quân Nga. Một năm sau khi đánh đuổi quân xâm lược, niềm hân hoan đã được thay bằng tâm trạng ủ ê, với những vụ oanh tạc hàng ngày. Oksana Kuiantseva, thuộc tổ chức phi chính phủ East SOS vừa từ Kherson, Kharkiv, Mykolaiv và Donetsk trở về cho hay : "Nhiều ngôi làng bị phá hủy đến 100%. Tại chỗ, mọi thứ dường như bị bỏ hoang, rồi sau khoảng 15 phút, bạn nghe tiếng chó sủa và phát hiện vẫn còn người sinh sống ở đó, trong những điều kiện khó thể tưởng tượng". Giữa hoang tàn, không điện nước, khí đốt, người dân xoay sở để sống.

Mối đe dọa lớn nhất là mìn. Trước khi rút đi, quân Nga gài lại mìn khắp nơi : trên những cánh đồng, trong rừng, trên đường lộ và trong nhà dân. Ngày 01/11, có ít nhất 264 thường dân thiệt mạng và trên 830 người bị thương trên cả nước vì mìn. Tuy vậy người dân vẫn vào rừng kiếm củi bất chấp nguy hiểm. Còn tại các thành phố, bom đạn là nguy cơ lớn nhất. Một tình nguyện viên khác cho biết, cách của Nga là tấn công hai lần vào cùng một chỗ, như ở Syria. Họ oanh tạc vào một địa điểm, chờ đợi đội ngũ cấp cứu đến rồi đánh vào lần thứ hai để tạo ra nhiều nạn nhân hơn. Và gần đây, Nga thậm chí còn đánh ba hay bốn lần vào cùng mục tiêu, dù đó là trạm xe buýt, thư viện hay trường học…

Kiev không còn được chú ý, nhưng David đã chống lại Goliath suốt hai năm

Cũng về cuộc chiến tranh ở Ukraine, Les Echos tự hỏi, làm thế nào để phổ biến ý tưởng rằng, tầm quan trọng của tình hình có vẻ như nguyên trạng hiện nay, là yếu tố quyết định cho sự thăng bằng ở Châu Âu và thế giới ? Cách đây vài ngày, thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định trước Quốc hội, việc trợ giúp Ukraine liên quan đến sự tồn vong của Châu Âu. Chiến tranh sẽ còn kéo dài, và như vậy không thu hút truyền thông cũng như tạo cảm xúc.

Vào lúc mà các kênh tin tức liên tục phải lưu tâm đến việc khán giả nhảy từ kênh này sang kênh khác, làm thế nào để họ thấy được rằng những chuyện quan trọng không cần thiết phải kịch tính ? Làm thế nào để những người tiêu thụ thông tin ngày càng mệt mỏi, chán nản và thụ động hiểu được điều này ? Ukraine trở nên thứ yếu so với diễn tiến hàng ngày, nếu không phải là hàng giờ tại Trung Đông – một cách bất công.

Sau khi chờ đợi một chiến thắng chóng vánh của Nga, rồi hy vọng vào một cuộc phản công mang tính quyết định của Ukraine, các đồng minh của Kiev nay đối mặt với một kịch bản thứ ba. Trong khi chiến tuyến không mấy thay đổi và mùa đông đã đến, cuộc xung đột trở thành chiến tranh tiêu hao. Chàng David nhỏ bé đã chống cự được với người khổng lồ Goliath trong suốt hai năm qua, là một thành công rất lớn.

Tuy nhiên một ý tưởng nguy hiểm đã hình thành nơi các chính khách và nhà chiến lược phương Tây, rằng Nga sẽ có lợi trong một cuộc chiến tranh hao mòn. Trước hết về quân số, tuy Nga thiệt hại gấp ba so với Ukraine (300.000 quân bị loại khỏi vòng chiến còn Kiev là 100.000), nhưng mạng người bị Moskva coi rẻ, và khả năng huy động thêm quân của Kremlin lớn hơn vì dân số Ukraine chỉ bằng 1/3 so với Nga.

Ukraine không thua Nga, có nghĩa là đã thắng

Một số người nghĩ rằng có khi số lượng sẽ thắng được chất lượng, nên thúc đẩy Kiev phải đàm phán. Nhưng người Ukraine chiến đấu vì sự tồn vong của đất nước mình, với tư cách một Nhà nước dân chủ Châu Âu, còn người Nga chiến đấu cho Putin. Vladimir Putin có thể coi Donald Trump là vũ khí tối thượng, nhưng kịch bản ưa thích của ông ta chưa chắc trở thành hiện thực. Thậm chí có thể nghĩ rằng thời gian không còn là ưu thế của Donald Trump, mà là của Nikki Haley vốn chống Nga.

Để không rơi vào chiếc bẫy do chính mình giăng ra, theo Les Echos, những người ủng hộ Kiev không nên lầm lẫn về ý nghĩa của chiến thắng. Chiến tranh vốn bất định, có thể Ukraine không tạo được bước đột phá quan trọng, nhưng điều chính yếu nằm ở chỗ khác. Kiev tiếp tục chiến đấu ngang ngửa với Moskva, và quan trọng hơn nữa là Nga không còn hoàn toàn kiểm soát được Crimea. Đối phó với thử thách hiện nay, nên nhìn lại một quan niệm từ 76 năm trước.

Sử gia George Kennan hồi năm 1947 đã nhấn mạnh đến khái niệm "containment" về địa chính trị, theo đó qua việc ngăn chặn Liên Xô, với thời gian chế độ sẽ tự sụp đổ. Như vậy với nước Nga ngày nay, mục tiêu của phương Tây là chận đứng sự bành trướng, trước hết về quân sự, sau đó về chính trị, ý thức hệ. Còn đối với Ukraine, không bị thua trước một đối thủ mạnh hơn rất nhiều như Nga, đã là chiến thắng. Mệnh lệnh về đạo đức và chiến lược của phương Tây có thể tóm tắt như sau : không ngờ vực Ukraine, không tự ngờ vực chính mình, và không nghi ngờ gì về tính chất tồn vong trong cuộc chiến tranh này.

Khủng bố ở Paris : Hung thủ qua mắt được nhà chức trách

Vụ một kẻ khủng bố tấn công làm một du khách thiệt mạng gần một địa điểm du lịch Paris vào lúc đang chuẩn bị cho Thế vận hội, là mối quan tâm hàng đầu của báo chí Pháp. Libération chạy tựa "Khủng bố ở Paris : Phải chăng đó là một chuyển biến bất ngờ ?" Le Figaro đưa tít trang nhất "Sau vụ tấn công, những câu hỏi về một kẻ Hồi giáo cực đoan vẫn được tự do" : thủ phạm có liên hệ với nhiều quân thánh chiến nổi tiếng, từng bị tù vì mưu toan khủng bố, nhưng lại đánh lừa được các nhà điều tra và bác sĩ tâm lý. La Croix nhấn mạnh đến "Chất độc thánh chiến".

Trường hợp hung thủ Armand Rajabpour-Miyandoab hầu như chưa từng có trong lịch sử Hồi giáo cực đoan ở Pháp : bị kết án bốn năm tù vì dự mưu khủng bố năm 2018, ra tù, rồi lại khủng bố tiếp. Sinh tại ngoại ô Paris, cha mẹ là người Iran chạy trốn chế độ, Armand theo học ngành kỹ thuật viên phòng thí nghiệm. Từ đam mê graffiti, anh ta quen với Maximilien Thibaut - quân thánh chiến Pháp sau này được cho là chết ở Syria – chuyển sang đạo Hồi và có liên lạc với những kẻ sát nhân Hồi giáo khác như Larossi Abballa (vụ giết hai cảnh sát ở Magnanville), Adel Kermiche (vụ sát hại linh mục Hamel ở Saint-Etienne-du-Rouvray), Abdoullakh Anzorov (vụ thầy giáo Paty ở Conflans-Sainte-Honorine).

Tuy nói rằng đã từ bỏ ý tưởng thánh chiến, nhưng chính thanh niên 26 tuổi này với vũ khí trong tay đã tấn công người khác vào tối thứ Bảy 02/12 gần tháp Eiffel. Armand Rajabpour-Miyandoab đâm nhiều nhát dao vào một du khách song tịch Đức-Philippines 23 tuổi. Một tài xế taxi can thiệp, hung thủ chạy đến cầu Bir-Hakeim thì gặp một toán tuần tra cảnh sát, nhưng đã kịp dùng búa tấn công thêm một người Pháp 60 tuổi và một người Anh 66 tuổi, hô "Allah Akbar". Trước đó kẻ sát nhân đăng lên Twitter một video đe dọa bằng tiếng Ả rập, ca ngợi tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Hồi giáo cực đoan : Cơn ác mộng của nước Pháp

Trong bài xã luận mang tựa đề "Tấn công ở Paris : Cơn ác mộng Pháp", Le Figaro bức xúc cho rằng Pháp là một nước mà người ta "có nguy cơ bị đâm chết ở bất cứ đâu". Cậu thiếu niên đi dự tiệc khiêu vũ trong làng, người khách du lịch chiêm ngưỡng tháp Eiffel, thầy giáo trên đường đến trường... bị lạnh lùng sát hại. Các tội ác này mang những động cơ khác nhau, nhưng đều dẫn đến một nút thắt độc địa, gồm sự lỏng lẻo về di dân, tan rã văn hóa, tội ác lan tràn, thánh chiến, tư pháp yếu kém.

Trong một nước Pháp như vậy, tên đao phủ khóc lóc trong vai nạn nhân, còn nạn nhân thực sự chịu thiệt hại từ chính sách đa văn hóa, lại bị nhanh chóng quên lãng. Còn ai nhớ đến hai cô gái bị cắt cổ tại ga Saint Charles cách đây sáu năm ? Người đàn ông bị một người tị nạn Sudan giết chết ở Romans-sur-Isère ? Thầy giáo Samuel Paty hay Dominique Bernard ? Từ 2012 đến nay, khủng bố Hồi giáo đã làm gần 300 người thiệt mạng tại Pháp, những vụ tấn công người vô tội bằng dao xảy ra thường xuyên.

Tờ báo nhắc nhở về những "quả bom nổ chậm" : sau khi Daesh bị tiêu diệt, đã có 387 quân thánh chiến từ Syria quay về Pháp, vài chục người sang nước khác trong đó có những người song tịch nay sống ở Bắc Phi. Les Echos nhận thấy chính phủ đang chịu áp lực hơn bao giờ hết trong việc đối phó với mối đe dọa khủng bố, bảo đảm an ninh thủ đô trong khi chỉ còn bảy tháng nữa là Thế vận hội Paris khai mạc. La Croix cho rằng cuộc chiến tranh ở Gaza làm tăng nguy cơ khủng bố. Dù Hamas hiếm khi tấn công ở nước ngoài, nhưng những kẻ cực đoan có thể bắt chước theo sự tàn bạo của phe này.

Quân đội Israel dùng trí thông minh nhân tạo để xác định mục tiêu

Trên chiến trường Trung Đông, Le Figaro chú ý đến việc quân đội Israel áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong cuộc chiến với Hamas. Đó là chương trình trợ giúp Habsora, nhằm nhận diện những mục tiêu ở Gaza. Phần mềm trí thông minh nhân tạo có thể xử lý chỉ trong vài giây lượng dữ liệu khổng lồ mà các nhà phân tích phải mất nhiều ngày làm việc. Chẳng hạn AI nhận dạng và đếm vũ khí, thiết bị từ hình ảnh vệ tinh, drone, tình báo điện từ, dữ liệu mạng... từ đó có thể giúp xác định mục tiêu, rút ngắn thời gian ra quyết định của ban tham mưu.

Chuyên gia Lior Tabansky cho biết, tại Lebanon hay Gaza, địch thủ của Israel luôn lẩn trốn phía sau thường dân, việc phân tích hình ảnh thô thu thập từ nhiều năm giúp nhận ra những hoạt động khả nghi. AI cũng được sử dụng để tối ưu hóa oanh kích, chọn con đường hiệu quả nhất, loại đạn và hướng sử dụng để có thể đánh vào hàng trăm mục tiêu một ngày. Theo nhà nghiên cứu Ilan Scialom, quân đội Israel dùng bốn thuật toán : Alchemist, Gospel, Depth of Wisdom, Fire Factory. Gospel để xác định mục tiêu, Fire Factory để tối ưu hóa trong thời gian thực kế hoạch tấn công của phi cơ và drone.

Việc sử dụng trí thông minh nhân tạo nằm trong kế hoạch hiện đại hóa mang tên Momentum, được áp dụng lần đầu vào tháng 5/2021 trong chiến dịch "Bảo vệ tường thành". Hai thủ lãnh Hamas và 200 mục tiêu đã bị nhận diện trong 10 ngày. Với tốc độ phát triển hiện nay, năng lực AI đã được nhân lên nhiều lần.

Trong 24 tiếng đồng hồ sau vụ khủng bố ngày 07/10, quân đội Israel đã oanh tạc 1.200 mục tiêu được xác định trước đó. Lior Tabansky khẳng định : "Tsahal có sẵn dữ liệu mục tiêu ở Lebanon, gấp 100 lần về Gaza". Một vấn đề được đặt ra ở đây, nếu thường dân bị thiệt mạng trong một vụ oanh kích do trí thông minh nhân tạo đề nghị, thì ai sẽ chịu trách nhiệm ? Người tạo nên thuật toán, cơ quan tình báo cung cấp dữ liệu hay người ra quyết định tấn công ?

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 242 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)