Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/12/2023

Điểm báo Pháp - Kinh tế Nga đứng vững

RFI tiếng Việt

Kinh tế Nga đứng vững : Trừng phạt của phương Tây không hiệu quả ?

Nền kinh tế Nga đứng vững bất chấp các trừng phạt của phương Tây, dự luật nhập cư ở Pháp, những hệ lụy của xung đột giữa Israel và Hamas là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay, 18/12/2023.

nga1

Một cơ sở đổi tiền cạnh một pa-nô quảng cáo tuyển quân trên đường phố Moskva, Nga, ngày 14/08/2023. Đồng rúp đã mất giá hơn 25% kể từ đầu năm nay. AP - Alexander Zemlianichenko

Nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất nói về việc bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga hiện vẫn trụ vững và không có dấu hiệu sụp đổ. Thậm chí Moskva vẫn tiếp tục huy động nguồn lực để phục vụ cỗ máy chiến tranh chống Ukraine.

Trong cuộc họp báo thường niên hôm 14/12, tổng thống Vladimir Putin tỏ ra vui mừng khi nói về nền kinh tế Nga : "Chúng ta đã phục hồi sau sự suy giảm của năm ngoái và đã có một bước tiến thực sự". Sau khi GDP của Nga giảm 2,1% vào năm 2022, chủ nhân điện Kremlin tuyên bố mức tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt 3,5%, và gọi đó là một "dấu hiệu khả quan". Thông điệp gửi tới khán thính giả Nga và quốc tế rất rõ ràng : Gần 2 năm sau khi xua quân xâm lược Ukraine, rõ ràng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không ngăn chặn được cỗ máy chiến tranh của Nga.

Nhật báo công giáo ghi nhận rằng hiện tượng kinh tế Nga "phục hồi" dường như đã đi ngược lại với dự đoán của nhiều quan chức phương Tây, chẳng hạn như bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã từng dự đoán về một "sự sụp đổ của nền kinh tế Nga". La Croix phân tích rằng có nhiều yếu tố giúp cho Moskva tránh được một cuộc khủng hoảng có hệ thống. Julien Vercueil, chuyên gia về kinh tế Nga, giải thích : "Việc đóng cửa tạm thời một số thị trường vốn, sau đó là các biện pháp kiểm soát ngoại hối rất nghiêm ngặt của ngân hàng trung ương Nga đã giúp ngăn chặn tình trạng tháo chạy vốn ở quy mô chưa từng có, giúp đồng rúp thoát khỏi tình trạng suy thoái".

Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn của ngân hàng trung ương Nga, tóm tắt : "Để chống chọi với các lệnh trừng phạt, chính quyền đã đưa nền kinh tế Nga vào tình trạng ‘ngủ đông’". Trả lời phỏng vấn với tổ chức tư vấn Carnegie vào cuối tháng 02/2022, bà Prokopenko tin rằng chính nhờ những quyết định "táo bạo và kịp thời" này của chính quyền mà nền kinh tế Nga "duy trì phong độ", và điện Kremlin có thời gian để điều chỉnh chiến lược và chuyển hướng sang các thị trường mới không ban hành các biện pháp trừng phạt chống Moskva, "đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ".

Dự luật nhập cư ở Pháp : Tổng thống Macron "mất cả chì lẫn chài"

Về tình hình chính trị ở Pháp, trang nhất và bài xã luận của nhật báo thiên hữu Le Figaro nói về "bi hài kịch" xung quanh dự luật nhập cư đang minh họa cho sự thiếu tin tưởng của người dân Pháp đối với giới chính trị. Trong khi đại đa số người dân, từ những người ủng hộ cánh tả đến cánh hữu, đều hy vọng các quan chức có lập trường cứng rắn trong hồ sơ này, thì một số người lại tỏ ra nhu nhược. Đặc biệt là những người theo phe tổng thống và thành phần chính phủ, những người dường như đang rất xa vời thực tế. Kể từ khi chủ đề này được thảo luận rộng rãi từ 18 tháng qua, tình hình đang trở nên rất phức tạp.

Theo Le Figaro, các số liệu về nhập cư, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, đang bùng nổ một cách chóng mặt, đi kèm với tỷ lệ tội phạm tăng vọt và học lực thì sụt giảm đáng kể, cho thấy một mối liên hệ rõ ràng. Tình trạng này được ghi nhận trên toàn quốc, bao gồm cả những vùng nông thôn. Nhưng chính quyền và những nhân vật theo phe tổng thống tại Quốc hội vẫn không có động thái gì. Họ không ngừng "cân nhắc thiệt hơn". Nhật báo thiên hữu đặt câu hỏi : "Họ đang sợ điều gì ?". Chính việc phủ nhận thực tế và do dự đã khiến chính quyền phải đối mặt với tình huống xấu nhất.

Mọi chuyện lẽ ra đã có thể được "giải quyết ổn thỏa" nếu dự luật không bị Hạ Viện từ chối đưa ra thảo luận vào tuần trước. Cho dù dự luật có được thông qua sau cuộc họp của ủy ban hỗn hợp vào tối nay, thì tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ cũng đã mất rất nhiều thời gian và dẫn đến việc mức độ tín nhiệm họ suy giảm rõ rệt. Họ có thể sẽ giữ được thể diện nếu văn bản cuối cùng được thông qua, nhưng Le Figaro nhấn mạnh rằng đó là chiến thắng của đảng Những Người Cộng Hòa (LR) cánh hữu và đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) cực hữu, những đảng đã thành công trong việc áp đặt quan điểm của mình. Còn nếu dự luật bị bác bỏ, đây sẽ là thất bại nặng nề nhất đối với chủ nhân điện Elysée kể từ khi nhậm chức.

Tờ báo mỉa mai rằng chính quyền tổng thống Macron đã nỗ lực rất nhiều để rồi lại rơi vào tình trạng "mất cả chì lẫn chài". Trong cả hai trường hợp, Le Figaro nhận định đây là một thất bại của ông Macron và sự kiện này chắc chắn sẽ để lại một "vết nhơ", trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng là đến kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu, và đảng cực hữu RN đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận, còn phe của tổng thống đang tụt dốc không phanh. Theo Le Figaro, năng lực cải cách của nguyên thủ quốc gia dường như có vấn đề.

Xung đột ở Gaza : Khủng hoảng tại các đại học Hoa Kỳ

Về tình hình ở Trung Đông, nhật báo Le Monde dành trang nhất nói về việc xung đột Israel-Hamas đã bộc lộ những rạn nứt sâu sắc khiến các trường đại học danh tiếng của Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn, đồng thời làm suy yếu đáng kể vị thế của tân hiệu trưởng trường Harvard, bà Claudine Gay, biểu tượng của chủ nghĩa cấp tiến.

Bà là một phụ nữ da màu, có nguồn gốc Haiti và là chuyên gia nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi. Le Monde nhận định rằng đã có một cuộc cách mạng nhỏ khi Claudine Gay được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Harvard kể từ ngày 01/07/2023 và là một bước nhảy vọt mang tính cấp tiến đối với trường đại học lâu đời nhất nước Mỹ với 25.000 sinh viên và 2.450 giảng viên.

Tuy nhiên, công việc của bà mới chỉ bắt đầu thì đã bị gián đoạn bởi cuộc tấn công của tổ chức Hamas nhắm vào Israel hôm 07/10. Khi được hỏi vào ngày 05/12 về tình trạng bài Do Thái vượt quá tầm kiểm soát trong khuôn viên trường Harvard, bà đã không thể "trả lời rõ ràng", theo dân biểu Cộng hòa Elise Stefanik. Bà Stefanik hỏi : "Việc kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm quy tắc ứng xử của trường đại học hay không ?". Cùng với hai hiệu trưởng khác, Sally Kornbluth của trường MIT và Elizabeth Magill của trường Penn, bà Gay đã trả lời rằng "có, nhưng điều này còn tùy thuộc vào từng bối cảnh, chẳng hạn như một cá nhân cụ thể nào đó bị nhắm tới". Bà Stefanik phản bác rằng "điều này không phụ thuộc vào bối cảnh. Câu trả lời là có, và đó là lý do tại sao bà nên từ chức".

Le Monde nhấn mạnh rằng phiên điều trần vừa qua rất được mọi người quan tâm theo dõi. Đã có 71 dân biểu Cộng Hòa, cùng với 3 dân biểu Dân Chủ gửi thư yêu cầu 3 hiệu trưởng nói trên từ chức, trong khi Nhà Trắng cũng quay lưng với họ. Phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates cho biết : "Thật không thể tin được khi phải nói ra điều này : Những lời kêu gọi diệt chủng là điều khủng khiếp và đi ngược với tất cả những gì chúng ta đại diện với tư cách là một quốc gia". Tuy nhiên, tổng thống Joe Biden không hề đề cập đến chủ đề nhạy cảm này.

Hôm 09/12, hiệu trưởng trường Penn Elizabeth Magill đã quyết định từ chức. Dân biểu Elise Stefanik phấn khởi viết trên mạng X (tiền thân là Twitter) : "Một người đã từ chức, nhưng còn hai người nữa. Harvard và MIT, hãy làm những điều nên làm, cả thế giới đang nhìn vào các bạn". Trên thực tế, hiệu trưởng MIT Sally Kornbluth là một người Do Thái và không bị ảnh hưởng nhiều bởi phiên điều trần vừa qua, đồng thời bà vẫn nhận được sự ủng hộ của hội đồng quản trị.

Trong khi đó, đại học Harvard hôm 12/12 cuối cùng vẫn xác nhận cho hiệu trưởng Gay tiếp tục tại chức : "Sau những cuộc thảo luận sâu rộng, chúng tôi tin rằng hiệu trưởng Claudine Gay là nhà lãnh đạo lý tưởng để giúp các cộng đồng trong trường đoàn kết và giải quyết các vấn đề khó khăn". Tuy nhiên, họ vẫn chỉ trích bà lên án cuộc tấn công của Hamas một cách quá rụt rè, cho rằng "tuyên bố của trường đại học lẽ ra phải là một sự lên án ngay lập tức, trực tiếp và rõ ràng".

Le Monde kết luận rằng, cuộc tấn công của Hamas nhắm vào Israel đã tạo ra, hoặc ít nhất là bộc lộ những rạn nứt trong các trường đại học : giữa các sinh viên ủng hộ Palestine, thường là theo cánh tả, và những người Do Thái thương xót đồng bào, giữa sinh viên và các nhà tài trợ giàu có, thường là người Do Thái hoặc những người theo đạo Thiên Chúa, ưu tiên việc bảo vệ Israel hơn là ủng hộ người Palestine. Điều này làm gợi nhớ đến các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Nhưng lần này, các trường không thống nhất chống lại cùng một mục tiêu.

Israel điều tra về tội ác xâm phạm tình dục của Hamas

Vẫn về xung đột Israel-Hamas, nhật báo thiên tả Libération có bài viết nói về các vụ hãm hiếp và xâm phạm tình dục do Hamas gây ra trong cuộc tấn công ngày 07/10, chủ đề của một cuộc điều tra quy mô lớn, chắc chắn sẽ kéo dài trong nhiều năm, và những manh mối đầu tiên đang dần được tiết lộ trong một xã hội Israel bị tổn thương nặng nề.

Kiến trúc sư Shari Mendes hầu như ngày nào cũng đến căn cứ Shura, nằm ở giữa vườn chuối, cách sân bay Ben Gurion ở Israel vài km. Các container chứa thi thể của các nạn nhân được đặt ở đây – khoảng 1.200 người, trong đó có ít nhất 900 thường dân từ vụ thảm sát ngày 07/10, vẫn đang chờ nhận dạng. Shari Mendes có mặt ở đó với tư cách là quân nhân dự bị trong một đơn vị nhỏ toàn nữ, trực thuộc quân đội và có nhiệm vụ "khâm liệm" thi thể các nữ chiến binh Israel bỏ mạng vì tổ quốc.

Truyền thống Do Thái quy định rằng tất cả các thi thể phải được chôn cất, nhưng giờ đây, thứ còn sót lại thường chỉ là những bộ phận của thi thể, chất thành đống được để trong túi nhựa màu đen, có dán mã vạch, được chuyển từ thùng này sang thùng khác. Khoảng một trăm thi thể cho đến giờ vẫn chưa được xác định. Shari Mendes giải thích : "Tôi không còn nhớ số lượng khuôn mặt bị biến dạng do trúng đạn, những khuôn mặt và bộ phận sinh dục".

Dần dần, những lời kể và bằng chứng về các hành vi xâm phạm tình dục do Hamas thực hiện được tiết lộ. Đây đã trở thành một trong những trục chính của cuộc điều tra quy mô, được thực hiện bởi viện công tố ở miền nam Israel, có trụ sở tại Beer Sheva. Thanh tra cảnh sát Shelly Harush cho biết cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, và cảnh sát đã thu thập được hơn 1.500 lời khai. Cô cố gắng kìm nén để không bật khóc khi liệt kê "những hành vi xâm phạm, những hành động cắt xẻo của bộ phận sinh dục của những người đã khuất", hay nói về những cô gái trẻ bị gãy xương chậu do bị hiếp dâm tập thể. Nhiều thi thể lúc được phát hiện không còn quần áo lót, và một số bị cháy một nửa.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 247 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)