Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/01/2024

Kremlin ứng phó cả bên ngoài lẫn bên trọng

RFI tổng hợp

Nga phải giải trình tại Liên Hiệp Quốc về số phận trẻ em Ukraine bị đưa đi

Thu Hằng, RFI, 22/01/202

Ngày 22/01/2024, Ủy ban Quyền Trẻ em của Liên Hiệp Quốc bắt đầu nghiên cứu hồ sơ liên quan đến Nga trong cuộc chiến Ukraine. Trong hai ngày, Moskva sẽ phải giải trình trước 18 chuyên gia độc lập của Ủy ban về số phận của trẻ em Ukraine bị đưa sang lãnh thổ Nga kể từ tháng 02/2022.

kremlin1

Trẻ em tại một nơi trú ẩn ở Mariupol, Ukraine, ngày 24/02/2022. AP - Yevgeniy Maloletka

Trước đó vài tháng, Ủy ban đã gửi cho Nga danh sách những điểm mà họ quan tâm, như quá trình đưa trẻ em Ukraine sang Nga hoặc những vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát, số lượng trẻ em bị đưa đi, "các biện pháp được tiến hành để bảo vệ quyền được giữ danh tính, kể cả quốc tịch, của những em này".

Kiev cho rằng có khoảng 20.000 trẻ em Ukraine đã bị Nga dùng vũ lực đưa đi, trong đó chỉ mới có khoảng 400 em được chính quyền đưa về. Moskva khẳng định muốn bảo vệ những em này khỏi chiến tranh và việc đưa sang đã "được thực hiện theo yêu cầu và sự đồng ý của các em", theo giải trình bằng văn bản năm 2023 gởi cho Ủy ban về Quyền Trẻ em và được Liên Hiệp Quốc gửi đến báo giới ngày 18/01. Tuy nhiên, văn bản này không nêu chính xác số trẻ em bị đưa đi, đồng thời cho biết "có 46.886 trẻ em Ukraine được cấp quốc tịch Nga trong giai đoạn 01/04/2022 đến 30/06/2023".

Trả lời AFP, luật sư Kateryna Rashevska thuộc tổ chức phi chính phủ Regional Center for Human Rights ở Ukraine đánh giá "tiến trình hồi hương trẻ em Ukraine được thực hiện rất lẻ tẻ". Với nhịp độ hiện nay, "có lẽ phải mất đến 90 năm chỉ để đưa các em được biết danh tính trở về Ukraine".

Cuộc chiến tại Ukraine sắp bước sang năm thứ ba với các cuộc giao tranh hàng ngày. Trong đêm 21-22/01, Ukraine cho biết đã bắn hạ 8 drone Shahed được phóng từ vùng Primorsko-Akhtarsk của Nga, bên kia biển Azov. Ngày 22/01, điện Kremlin lên án Ukraine tấn công vào kho trữ khí đốt ở cảng Ust Luga, gần Saint-Petersburg, cách Kiev 900 km, cũng như oanh kích vào một khu chợ hôm 21/01, khiến 27 người thiệt mạng, ở thành phố Donetsk do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.

Thu Hằng

****************************

Nga : Không có hoạt động kỷ niệm chính thức nhân 100 năm ngày mất của Lênin

Anh Vũ, RFI, 21/01/2024

Ngày 21/01/2024 này đánh dấu 100 năm Lênin, cha đẻ cuộc Cách mạng Bolsevich và Liên Bang Xô Vết, qua đời. Dù trên nước Nga hiện vẫn còn khoảng 600 bức tượng Lênin ở nơi công cộng, xác ướp của ông vẫn nằm trong lăng giữa thủ đô Moskva, nhưng hình ảnh của ông đang dần bị rơi vào quên lãng. Không có một hoạt động tưởng niệm của quần chúng cũng như chính quyền được tổ chức nhân dịp này năm nay.

kremlin2

Lăng Lênin, phía sau là Điện Kremlin, trung tâm quyền lực của Nga, tại Moskva. RFI/Anastasia Becchio

Thông tín viên Julien Colling tại Moskva cho biết thêm chi tiết :

"Quả thực ngoài việc đảng cộng sản chắc chắn sẽ ca ngợi ký ức ở các vùng của Nga, thì không có một hoạt động tưởng niệm chính thức mang tính quốc gia nào. Chắc hẳn là do tính chất hai mặt và tương phản nhau của hình ảnh Lênin hiện nay ở Nga.

Một mặt, Lênin xuất hiện khắp nơi. Gần như trong mỗi thành phố Nga đều có tượng, quảng trường, phố mang tên ông. Hàng nghìn người Nga hàng tuần vẫn đến viếng bên xác ướp của ông đặt trong lăng tại Quảng trường Đỏ ở Moskva.

Nhưng điều nghịch lý là lãnh tụ Bolsevich này đang ngày càng lu mờ. Một thăm dò dư luận gần đây cho thấy Lênin vẫn được hơn nửa dân Nga nhìn nhận một cách tích cực. Chủ yếu lớp người trên 50 tuổi vẫn cho ông là nhân vật quan trọng và gần gũi. Nhưng đa số người Nga, trong đó có cả các dân biểu, lại cho biết họ ủng hộ việc chôn vĩnh viễn xác ông để ông có thể yên nghỉ.

Trong bối cảnh nước Nga đang có chiến tranh, chính tổng thống Putin đã nhắc lại Lênin. Chúng ta còn nhớ trong bài diễn văn ngày 22/02/2022, ngay trước cuộc xâm lược, ông Putin đã mập mờ chê trách Lênin là đã trao quá nhiều đất cho Ukraine. Thậm chí, ông còn nói Ukraine là một "sáng tạo" của Lênin.

Lênin giờ đây được nhìn nhận như là người đã quá khoan dung đối với các dân tộc, sau đó đã quy tập thành Liên Xô, gây bất lợi cho chính nước Nga. Đồng thời, không phải ngẫu nhiên mà nhân vật lớn kế tục Lênin là Joseph Stalin giờ lại được phục hồi chính thức phần nào ở Nga".

Anh Vũ

*************************

Nga xem xét tịch thu tài sản của những người "làm mất uy tín" của quân đội

Minh Phương, RFI, 21/01/2024

Ngày 22/01/2024, một dự luật tịch thu tài sản của những người truyền bá "thông tin sai lệch có chủ ý" về các hoạt động quân sự của Moskva sẽ được đưa ra thảo luận tại viện Duma (Hạ Viện Nga).

kremlin3

Trụ sở Viện Duma Nga (Hạ Viện) tại Moskva, ngày 22/11/2023. AP - Alexander Zemlianichenko

Cụ thể, biện pháp này sẽ áp dụng đối với những người công khai kích động "các hành động cực đoan" hoặc kêu gọi đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, cũng như những người "làm mất uy tín" quân đội Nga.

Phát ngôn viên viện Duma, ông Vyacheslav Volodin, đã đăng trên mạng Telegram : "Tất cả những ai cố gắng tiêu diệt nước Nga, phản bội nước Nga, phải chịu hình phạt xứng đáng và bồi thường thiệt hại đã gây ra cho đất nước bằng chính tài sản của mình". Ông cũng nói thêm rằng theo luật, những người bị kết tội "làm mất uy tín" của quân đội cũng sẽ phải đối mặt với việc bị tước bỏ mọi danh hiệu danh dự.

Luật hiện hành chống lại việc "làm mất uy tín" quân đội Nga, bao gồm các hành vi phạm tội như "biện minh cho chủ nghĩa khủng bố" và truyền bá "tin giả" về lực lượng vũ trang. Nhiều nhà hoạt động, blogger và thường dân Nga đã phải nhận án tù dài hạn.

Nhiều ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối giao dịch với Nga

Cũng về vấn đề tài chính, điện Kremlin hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi một số ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia duy nhất trong khối NATO không áp các lệnh trừng phạt với Nga, đã từ chối các giao dịch đến từ Nga.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer cho biết cụ thể :

"Các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gặp khó khăn trong việc nhận tiền thanh toán từ các khách hàng Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với trang web bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của hãng truyền thông Nhà nước Nga Sputnik, đại sứ Nga tại Ankara xác nhận rằng "một số ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ" hiện từ chối những giao dịch đến từ các công ty Nga.

Theo ông, các ngân hàng này viện dẫn các biện pháp trừng phạt của phương Tây để biện minh cho việc thắt chặt này. Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) cho biết "sự chậm lại" này liên quan đến các công tác kiểm tra cuối năm và kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện vào tháng tới. Về phần mình, đại sứ Nga cũng bày tỏ niềm tin tưởng vào "mối liên hệ chặt chẽ" với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ luôn từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Thương mại giữa hai nước thậm chí còn tăng lên đáng kể kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Theo số liệu chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, xuất khẩu sang Nga đã tăng 62% vào năm 2022 và vẫn tiếp tục tăng vào năm ngoái, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng, giúp nuôi cỗ máy chiến tranh của Điện Kremlin. Tình hình đã khiến cho các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn thường ngầm cáo buộc nước này lách luật trừng phạt, càng trở nên khó chịu".

Minh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp, Anh Vũ, Minh Phương
Read 168 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)