Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/01/2024

Điểm báo Pháp - Ukraine trong "cuộc chiến đạn pháo"

RFI tiếng Việt

Ukraine bắt đầu xây dựng phòng tuyến trong "cuộc chiến đạn pháo"

Le Figaro ngày 24/01/2024 cho biết giờ đây đến phiên Ukraine lập ra một số công sự kiên cố như kiểu "Surovikin". Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Thierry Burkhard băn khoăn, Châu Âu đã sực tỉnh, lo sản xuất thêm đạn cho Kiev, nhưng đến cuối 2025 mới giao được. Liệu Ukraine có chịu đựng nổi đến lúc đó, trong khi Nga đã khởi động nền kinh tế chiến tranh ? Chỉ trong năm 2023, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Putin 1 triệu quả đạn.

tranchée1

Một kỹ sư công binh Ukraine bên cạnh khu vực công sự gồm cả những dãy "răng rồng" và hàng rào kẽm gai ở tiền tuyến gần ngoại ô Kupiansk, Ukraine, ngày 28/12/2023. Reuters – Thomas Peter

Đến lượt Ukraine xây dựng công sự với "răng rồng"

Đặc phái viên Le Figaro nhận thấy "Đến lượt Ukraine củng cố phòng tuyến ở Zaporijia". Những chiếc máy xúc làm việc không ngơi nghỉ từ ba tuần qua, một pháo đài bê-tông cao 16 mét đã hình thành với lưới chống đạn bao quanh. Phía trước là những dãy "răng rồng" và bãi mìn để chận xe tăng và bộ binh địch. Hai phòng tuyến khác cũng được xây dựng ở Orikhiv, cách quân Nga từ 1 đến 6 kilomet.

Những công trình này giống như "phòng tuyến Surovikin" gồm ba lớp chiến hào, mìn, bẫy xe tăng mà quân Nga đã ra công dựng lên để chặn lại cuộc phản công của Ukraine. Nhưng theo trung tá Vitali, các công trình này không chạy theo suốt giới tuyến 1.000 kilomet như Nga, mà chỉ tập trung vào các điểm chiến lược, với chủ trương "phòng thủ tích cực".

Trung sĩ Ivan Rebiye cho biết mìn của Nga thực sự là vấn đề lớn cho chiến dịch phản công. "Họ gài mìn với số lượng khủng khiếp, lên đến 10 quả một mét vuông. Chúng tôi thu lượm để gài lại trên tuyến số 0, đó là ưu tiên. Phải đi vào ban đêm cho đến 3 giờ sáng để tránh drone Nga". Anh là người duy nhất trong đơn vị không bị thương. Họ vừa nhận được một xe chở hàng điều khiển từ xa nhờ người dân quyên góp, nhờ đó có thể đặt mìn chống tăng ở cách 3 kilomet trên tuyết và bùn lầy, tiết kiệm được sinh mạng. Bên phía Nga dường như có nguồn nhân lực vô tận, hết đợt tấn công này tới đợt khác không ngưng nghỉ. Những đợt xung phong này giúp nhận ra được các vị trí của Ukraine rồi sau đó pháo kích hoặc cho drone đánh vào.

Ngoài Zaporijia, các tuyến phòng thủ của Ukraine cũng được củng cố xung quanh các thành phố Donetsk, Lyman, Avdiivka, Kupiansk ; nhằm làm chậm lại quân địch nếu họ vượt qua được giới tuyến số 0. Người chỉ huy lữ đoàn 41 giải thích, phòng thủ tích cực nhằm tăng cường các vị trí phía sau vững chắc hơn trước khi tấn công. Trên mặt trận Kupiansk, cách Kharkiv khoảng 100 kilomet, những người lính từ ba tuần qua phải chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công lớn của Nga. Họ chỉ được phép bắn ba quả đạn một ngày để tiết kiệm số đạn dược ít ỏi.

Mùa đông không yên tĩnh cho thường dân

La Croix quan tâm đến thiệt hại của thường dân khi từ nhiều tuần qua Nga và Ukraine gia tăng oanh kích lẫn nhau. Hôm qua hỏa tiễn Nga đã tấn công vào thủ đô Kiev và thành phố Kharkiv làm mấy chục người dân thương vong. Moskva dùng đến các hỏa tiễn chống hạm X-22 và tên lửa từ hệ thống phòng không S300, những vũ khí có sức công phá khủng khiếp để tiêu diệt các mục tiêu trên không và trên biển, nhưng lại kém chính xác trên đất liền. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, trong đêm, Nga bắn đến 41 hỏa tiễn vào hai thành phố trên, trong đó có 21 bị bắn hạ.

Vụ oanh kích đẫm máu này nhằm trả đũa việc Ukraine gây thiệt hại cho một kho khí đốt quan trọng ở cảng Ust-Luga gần Saint-Petersburg một ngày trước đó. Tuần rồi lực lượng Kiev cho biết đã tiến hành hai vụ tấn công vào các kho dầu trên đất Nga, một cách để buộc Moskva phải trả giá cho các vụ oanh kích hàng ngày vào các thành phố Ukraine, hủy hoại cơ sở hạ tầng dân sự và nhà ở, làm mấy chục thường dân thiệt mạng trong vài tuần qua. Đồng thời khiến cho dân Nga cảm nhận được hậu quả từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Vladimir Putin.

Trong khi mùa hè và mùa thu khá yên tĩnh, đến mùa đông hầu như không có đêm nào Nga không oanh kích thủ đô Ukraine. Một chiến dịch oanh tạc được các nhà phân tích coi là nhằm đánh gục tinh thần của người dân, đồng thời làm cạn nguồn đạn phòng không dự trữ, vốn hoàn toàn dựa vào viện trợ của phương Tây. Mối đe dọa này khiến Kiev phải khẩn cấp kêu gọi các đồng minh Châu Âu và Mỹ chi viện những hệ thống phòng không mới và đạn dược kèm theo.

Nhưng Ukraine cũng bị chỉ trích về những vụ oanh kích mới đây làm chết vài chục thường dân ở Nga và vùng tạm chiếm. Chẳng hạn ở một ngôi chợ tại Donetsk cách tiền tuyến 20 kilomet, hay ở thành phố biên giới Belgorod. Vụ Belgorod được cho là nhằm trả đũa đợt tấn công quy mô của Nga trước đó một hôm làm 58 người dân Ukraine thiệt mạng chỉ trong một đêm.

Châu Âu đã thức tỉnh, nhưng còn kịp cứu Ukraine ?

Cũng liên quan đến Ukraine, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Thierry Burkhard đề cập đến những khó khăn của Châu Âu để thích ứng với môi trường chiến lược mới. Một sự thức tỉnh liệu có đủ để cứu vãn Ukraine khỏi tay đế quốc Nga, và duy trì mô hình dân chủ của phương Bắc ? Le Figaro ghi lại bài nói chuyện của vị tướng trong một cuộc hội thảo ở đại học Sorbonne. Ông cho rằng "Pháp phải có năng lực tiến hành một cuộc chiến tranh cường độ cao, nhưng mục tiêu là chiến thắng trước khi tham chiến".

Tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh "Ukraine không thể thất bại" và hứa sẽ chi viện khoảng 40 hỏa tiễn Scalp và hàng trăm quả bom. Theo tướng Burkhard, cho dù lực lượng Nga có mạnh hơn trên chiến trường, nhưng "Moskva đã thất bại trong cuộc chiến tranh này". "Nếu cuộc chiến dừng lại lúc này, thì kết quả ra sao ? Ngược với mọi dự đoán, Ukraine đã kháng cự được. Thụy Điển và Phần Lan đứng về phía phương Tây và tham gia NATO. Lục quân Nga đang trong tình trạng vô cùng thảm hại, không còn là mối đe dọa trước mắt cho NATO. Nga bây giờ thành chư hầu của Trung Quốc, một sự thất bại chiến lược".

Pháp và Châu Âu dần ra khỏi tình trạng mê ngủ trong hòa bình, nhưng liệu có đủ nhanh để giúp Ukraine giành chiến thắng ? Viện trợ phương Tây giúp Kiev kháng chiến, nhưng không đủ để chiến dịch phản công thắng lợi. Elie Tenenbaum, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh của IFRI nhận xét, năm 2025 sẽ là năm quyết định. Nga đã bước vào nền kinh tế chiến tranh, đầu tư 5,6% GDP cho quân sự và đang chiếm ưu thế trên chiến trường. Ukraine hiện chỉ bắn được 2.000 phát đạn một ngày, còn Nga đến 10.000.

Cuộc chiến đạn pháo quá chênh lệch

Trong khi đó viện trợ Mỹ bị Quốc hội chận lại, Châu Âu chỉ chuyển giao được 1/3 trong số 1 triệu đạn pháo và hỏa tiễn hứa hẹn. Một triệu quả đạn : đó là số lượng đạn được Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga trong năm 2023. Khoảng cách cũng rất xa về nhân lực, tổng thống Volodymyr Zelensky khó thể huy động thêm 400.000 quân, còn Nga có lượng dự trữ lớn.

Ý thức được chiến tranh Ukraine là "cuộc chiến đạn pháo", tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg loan báo đã đặt hàng 1,1 tỉ euro đạn dược cho Kiev để giúp các nước như Pháp, Đức tăng sản lượng. Nhưng số đạn này không thể được giao trước cuối năm 2025. Câu hỏi mà tất cả mọi người đều đặt ra : Liệu Ukraine có chống chọi được lâu như vậy hay không ?

Chiến trường Ukraine và Cận Đông còn có tác động chiến lược đến các khu vực khác, khi những tác nhân nhận thấy khả năng phản ứng của phương Tây giảm sút bèn tỏ ra hung hăng hơn. Đó là trường hợp ở Sahel và Châu Phi, khi Pháp phải rút đi và được Nga nhảy vào thay thế. Các tập đoàn quân sự hài lòng khi không còn bị đặt điều kiện về nhân quyền hay chính sách đối nội.

Pháp cũng như các đồng minh Châu Âu đứng trước những thách thức mới. Các cường quốc tái vũ trang với những vũ khí ngày càng tân tiến, cùng với mối đe dọa nguyên tử. Bạo lực quay lại, cả trên mạng và trên không gian. Trật tự thế giới sụp đổ, "các nước phương Nam" muốn làm đối trọng với phương Tây, chiến tranh lại trở thành một giải pháp.

Vẫn bế tắc về Gaza hậu chiến, Israel chịu một ngày tang tóc

Về Trung Đông, La Croix chạy tựa trang nhất "Gaza, một thời hậu chiến mơ hồ". Quốc tế không ngừng tranh luận về tương lai của dải đất này, trong khi các trận đánh ác liệt tiếp diễn. Laure Foucher của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận thấy nội bộ Israel bất đồng nhưng đều không muốn cơ quan quyền lực Palestine (PLO) quay lại Gaza. Washington thì đòi "tiếp thêm sinh lực" cho PLO để lãnh đạo Gaza và Cisjordanie. Nhà nghiên cứu Hugh Lovatt cho rằng ý định này không thực tế, vì chính quyền của ông Mahmoud Abbas đã đạt kỷ lục mất lòng dân do tham nhũng, độc tài.

Libération nhận xét "Israel tang tóc, Netanyahou sa lầy" : Israel vừa mất 24 người lính, trong đó có 21 quân nhân dự bị, chỉ trong một vụ tấn công. Một người lính bộ binh dự bị từng phục vụ ba tháng ở Gaza nay đã trở về với đời sống dân sự cho biết, vẫn giữ thói quen thức giấc vào năm giờ rưỡi sáng, khi quân đội chính thức thông báo số quân nhân tử trận. Đôi khi chẳng có ai, có ngày hai, ba người. Nhưng hôm qua, đến 24 cái tên được phát ngôn viên đọc lên, mất mát lớn nhất kể từ ngày 27/10. Nhóm quân dự bị này không tham gia chiến đấu mà chỉ làm công việc phá hủy những tòa nhà ở nam Gaza và bị tấn công bất ngờ - những chi tiết hiện đang được làm rõ. Thiệt hại lớn lao này đã tác động nặng nề lên chính phủ, trong lúc các gia đình con tin không ngừng gây sức ép.

Pháp : Lạm phát quy định

Nông dân Pháp gia tăng áp lực, nhiều xa lộ bị phong tỏa, chính phủ Gabriel Attal cố gắng tìm giải pháp, đó là vấn đề được chú ý nhiều hôm nay. Les Echos lý luận, không phải với những lý do chính đáng mà người ta có được những quyết định đúng đắn. Để cứu vãn hành tinh, giảm ô nhiễm, chống bất bình đẳng, tránh gian lận, bảo vệ người tiêu thụ, người lao động, người thuê nhà, người khuyết tật… nước Pháp đã trở thành vô địch về đủ loại tiêu chí, quy định và luật lệ.

Một sự lạm phát quy định làm phức tạp mọi vấn đề, đè nặng lên hoạt động kinh tế và tâm lý doanh nghiệp cũng như các gia đình. Mỗi tân bộ trưởng đều ra luật mới. Trong vòng 20 năm, Luật môi trường đã dày thêm 653%, Luật Thương mại 364%, Luật thông tin 311%...

Nông dân biểu tình là do vô số nguyên nhân, nhưng điều làm cho họ tức giận nhất là thói quan liêu hành chánh của Pháp và Châu Âu. Và phía sau cơn giận này, một nước Pháp trầm lặng đến lúc nào đó có thể nói không với việc chuyển sang dùng xe điện, tiết kiệm nước… từ chối điền vào những tờ khai quá dài và quá rắc rối. Tại sao lại làm phức tạp thêm cho cuộc sống ?

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 189 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)