Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/02/2024

Điểm tuần báo Pháp - Ukraine : Nga có thể thắng

RFI tiếng Việt

Ukraine : Nga có thể thắng, nhưng phương Tây vẫn chưa thực sự ra đòn

Các tuần báo ra vào dịp đầu năm âm lịch có trang bìa hừng hực không khí chiến tranh. The Economist đưa tít "Drone sát thủ đi tiên phong ở Ukraine, vũ khí của tương lai", Le Point đăng ảnh tổng thống Nga với vẻ mặt đầy đe dọa, cảnh báo viễn cảnh "Nếu Putin thắng…". L’Express trấn an "Địa chính trị, dân số, các giá trị : Phương Tây vẫn chưa tung chiêu cuối cùng".

nga1

Các quân nhân Pháp khai hỏa đại bác tự hành Caesar trong cuộc tập trận "Bão tố mùa xuân" 2023. Pháp đã viện trợ cho Ukraine 18 khẩu, và ngày 01/02 vừa đặt sản xuất thêm 108 khẩu Caesar thế hệ mới - AP Photo/Sergei Grits

Nguy cơ thất bại nếu Ukraine chỉ được viện trợ cầm hơi

Trong bài xã luận mang tựa đề "Ukraine, thời khắc của sự thật", Le Point nhấn mạnh Nga có thể chiến thắng, nhưng phương Tây không thể để cho Nga thắng ! Cần phải giúp đỡ Kiev và tái vũ trang để bảo vệ tự do và chủ quyền.

Cuộc chiến tranh Ukraine được coi là chủ chốt của thế kỷ 21, như Cách mạng Pháp hồi thế kỷ 19 hay trận đại chiến của thế kỷ 20 ; mở ra cuộc đối đầu quy mô giữa các đế chế độc tài và các nước dân chủ, kích hoạt liên minh Nga-Trung và giúp Moskva xích lại gần Tehran từ cuộc chiến Gaza. Vấn đề an ninh Châu Âu được đặt lại, do ý đồ đế quốc Tân Nga của Vladimir Putin không dừng lại tại Ukraine, và sự bảo đảm của Mỹ đang giảm sút.

Trong khi đó đối với Ukraine, 2024 là năm của mọi nguy hiểm. Cuộc phản công không thành do Kremlin huy động đến 420.000 quân và chiếm ưu thế về drone, pháo, mìn. Không có bước nhảy vọt công nghệ như hy vọng, quân đội Ukraine ở thế thủ, thiếu đạn, thiếu người sau khi mất ít nhất 135.000 chiến binh. Chiến tranh tiêu hao làm cả người Ukraine lẫn đồng minh phương Tây đều mệt mỏi.

Donald Trump đắc cử sẽ là phát súng ân huệ

Kỹ nghệ quốc phòng Châu Âu sau bao nhiêu năm hòa bình không đáp ứng được nhu cầu trong khi Nga lách được cấm vận và tập trung cho chiến tranh. Đặc biệt Moskva hưởng lợi nhiều nhất nhờ vụ khủng bố của Hamas, mở ra một mặt trận mới cầm chân Hoa Kỳ tại Trung Đông và kích thích "các nước phương Nam" chống lại phương Tây.

Putin nay đặt cược vào một cuộc chiến kéo dài và Donald Trump thắng cử, để bắn phát súng ân huệ vào Ukraine và gây bất ổn vĩnh viễn cho NATO vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập. Nếu Nga thắng, sẽ là thảm họa không chỉ cho quốc gia và dân tộc Ukraine, mà cả các nước NATO, còn uy tín của Hoa Kỳ sẽ sụp đổ. Le Point kết luận, chiến tranh Ukraine cũng chính là cuộc chiến của các nền dân chủ. Không có chọn lựa nào khác ngoài chiến thắng, trừ phi phương Tây từ bỏ quyền tự do, văn hóa và nền văn minh của mình.

Drone sát thủ làm thay đổi bộ mặt chiến trường

Trên chiến trường, The Economist đánh giá các drone sát thủ đang đóng vai trò cân bằng giữa con người và công nghệ. Những vũ khí hiện đại chính xác xuất hiện lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam cách đây hơn 50 năm. Một quả đạn pháo được GPS dẫn đường của Mỹ có giá đến 100.000 đô la, và vì vũ khí thông minh đắt tiền nên rất hiếm hoi. Châu Âu không có đủ trong cuộc chiến Libya năm 2011, Israel muốn bảo tồn kho vũ khí thông minh nên thả bom "ngu" xuống Gaza. Còn nếu muốn phối hợp giữa vũ khí chính xác với số lượng thì sao ? Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, đã tìm được câu trả lời trên chiến địa Ukraine.

Các loại được gọi là FPV (First-person view), tức drone điều khiển từ xa mọc lên như nấm dọc theo chiến tuyến. Đó là các drone nhỏ, rẻ tiền chứa đầy chất nổ, được cải biến từ các mẫu thông dụng, rất nguy hiểm cho mạng sống người lính. Chúng lao vào các tháp pháo xe tăng, hầm trú ẩn, lảng vảng trên đầu con mồi trước khi ra tay, đã gây tổn thất nặng nề cho bộ binh, thiết giáp ; và gần đây là trên biển. Tuần này tổng thống Volodymyr Zelensky đã thành lập Lực lượng Drone chuyên về cách đánh này.

Vũ khí chính xác giờ đây được phổ biến, ngay cả quân nổi dậy Miến Điện và phiến quân Houthi cũng sở hữu. Hạn chế hiện nay là thiếu người điều khiển chuyên nghiệp và bị gây nhiễu. Nga và Ukraine đang thử nghiệm drone tự hành biết nhận diện mục tiêu, trí thông minh nhân tạo trong các drone phổ thông được nhanh chóng cải thiện. Các vũ khí đơn giản, rẻ tiền không thể thay thế cho vũ khí tinh tế, nhưng bổ sung rất hiệu quả ; trong khi Mỹ và Châu Âu khá chậm chân. Những sát thủ săn người từ trên không được sản xuất hàng loạt đang thay đổi bộ mặt chiến trường.

Zelensky và Zaluzhny, từ tâm đầu ý hợp…

Về nội bộ Ukraine, các báo xuất bản vào cuối tuần đều chú ý đến sự kiện tổng thống Volodymyr Zelensky thay thế tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Zaluzhny bằng tư lệnh lục quân Oleksandr Syrsky, một động thái quan trọng trong thời chiến. Libération số cuối tuần cho biết Volodymyr và Valery quý mến lẫn nhau, nhưng tờ báo ví von, "những câu chuyện tình thường có kết thúc buồn".

Năm năm trước, khi hai người gặp gỡ, quân nhân chuyên nghiệp này đã giải thích cặn kẽ cho tổng thống trẻ những vấn đề trong quân đội. Volodymyr Zelensky cất nhắc vị tướng thuộc lớp sĩ quan nói thạo tiếng Anh lên làm tổng tham mưu trưởng quân đội thay vì số được đào tạo tại Liên Xô, gây ngạc nhiên cho mọi người kể cả ông Valery Zaluzhny. Năm 2021, khi Nga gia tăng tấn công vào Donbass, Zaluzhny cho phép các quân nhân Ukraine trả đũa mà không đợi phía chính quyền, và Zelensky sau đó cũng bật đèn xanh.

Vị tướng này đã cứu được thủ đô Kiev vào đầu cuộc chiến. Cho đến tận ngày 24/02/2022, Volodymyr Zelensky vẫn không muốn tin vào những lời cảnh báo của Mỹ, trong khi tướng Valery Zaluzhny âm thầm chuẩn bị cho quân đội chống xâm lược. Khi chiến tranh bắt đầu, những người lính thấy rõ là Zelensky không sợ hãi và sát cánh với phía chỉ huy quân sự. Có một sự phân vai giữa tổng thống làm truyền thông và vị tướng ra mệnh lệnh.

…đến chia tay như những người quân tử

Những bất đồng xảy ra vào cuối mùa xuân 2022, Zaluzhny tỏ ra khá thô thiển với tướng Mỹ Mark Milley khi đòi hỏi vũ khí. Đến mùa hè 2022, ông muốn phản công ở Kherson và Crimea nhưng Zelensky muốn đánh vào Kharkiv, và rốt cuộc đã thành công ở mặt trận này với tướng Oleksandr Syrsky. Nhưng Valery Zaluzhny đã trở thành thần tượng của xã hội, dù có muốn hay không. Ông có thể thu hút khoảng 30% cử tri, một tỉ lệ mà chưa có khuôn mặt đối lập nào đạt được từ trước tới nay.

Theo Le Monde, "thay tướng giữa dòng" là quyết định quan trọng thứ nhì của ông Zelensky, sau quyết định dứt khoát không di tản lúc quân Nga mới tràn sang, có thể ảnh hưởng đến uy tín tổng thống vì tướng Zaluzhny được lòng nhiều người. Hôm thứ Sáu 09/02, chính tay Zelensky đã trao huy chương cao quý nhất "Anh hùng Ukraine" cho tướng Zaluzhny. Hai người đã ôm nhau rất lâu, như muốn đưa ra thông điệp đoàn kết, sau nhiều tuần lễ căng thẳng.

Ưu thế thuộc về phía có số lượng vũ khí hùng hậu

Liên quan đến viện trợ của Liên Hiệp Châu Âu cho Ukraine, dù trong tuần vừa giải tỏa được 50 tỉ euro, nhưng L’Express cho rằng "đừng tự khen mình quá, mà hãy nhìn kỹ vào những con số". Chiến tranh thường liên quan đến số học. Trên mặt trận phía đông thời Đệ nhị Thế chiến, các chiến lược gia Nga và Đức rất nhanh chóng hiểu rằng ai thắng được cuộc chiến kỹ nghệ, sản xuất ra nhiều xe thiết giáp nhất, sẽ là người chiến thắng. Và tại Kursk trong trận đánh xe tăng lớn nhất lịch sử vào mùa hè năm 1943, quân đội của Hitler đã bại trận.

Ngày nay, kịch bản tương tự diễn ra ở Ukraine. Nga dành đến 6% GDP cho việc chế tạo hỏa tiễn, phi cơ tiêm kích và xe bọc thép. Dù tổn thất khủng khiếp, mất đến 315.000 quân và 2/3 số xe tăng, theo CIA, nhưng Moskva có thể tái lập lực lượng trong vài năm. Bên cạnh đó còn có drone của Iran và linh kiện điện tử từ Trung Quốc.

Phương Tây cũng nói rằng cần phải chuyển sang kinh tế chiến tranh để giúp Ukraine tự vệ, như tổng thống Emmanuel Macron khẳng định "Chiến thắng của Nga sẽ là hồi kết cho an ninh Châu Âu". Nhưng Pháp nói riêng và 27 nước EU nói chung hãy còn xa mới đạt mục đích. Dù chi viện những vũ khí hiệu quả (đại bác Caesar, hỏa tiễn Scalp), viện trợ quân sự của Pháp cho Kiev chỉ bằng 1/10 của Đức ; còn về số 1 triệu quả đạn đã hứa, EU chỉ cung cấp được 1/3. Trong khi đó Bắc Triều Tiên, nước có GDP thấp hơn EU đến 400 lần, giao cho Nga 1 triệu quả đạn.

Viện trợ cho Ukraine chỉ bằng 3% ngân sách quân sự Mỹ

Phải mất đến 7 tháng EU mới đồng thuận được 50 tỉ euro cho Ukraine trong bốn năm, số tiền này chỉ bằng 0,025% ngân sách 2021-2027 của Liên Hiệp Châu Âu. Thượng nghị sĩ bảo thủ Mỹ Lindey Graham nhắc nhở, Hoa Kỳ chỉ mới chi ra 3% ngân sách quân sự để giúp Ukraine chống lại Nga, và bấy nhiêu cũng đã đủ tiêu diệt phân nửa quân đội Nga. Ông khẳng định : "Đó là món đầu tư có lợi nhất từ xưa tới nay cho an ninh nước Mỹ, Ukraine là một đối tác tuyệt vời chưa từng thấy kể từ thời Churchill". Trong điều kiện như vậy, tại sao phải lo sợ ?

Hiện nay viện trợ dân sự và quân sự phương Tây chỉ mới giúp Ukraine ngẩng cao đầu, nhưng không thể giúp đẩy lùi quân xâm lược Nga. Nếu các nhà lãnh đạo Châu Âu đánh giá rằng tham vọng của Sa hoàng Vladimir Putin đe dọa an ninh châu lục, thực sự ý thức được tầm vóc địa chính trị và lịch sử của cuộc chiến tranh bất công này, thì phải có biện pháp – dù có người Mỹ bên cạnh hay không. Và không nên lầm lẫn về tầm cỡ - vấn đề của những con số.

Phương Tây chưa thi triển hết nội công

L’Express cũng giải thích "Vì sao phương Tây chưa ‘nói lời cuối cùng’ trước Vladimir Putin và Tập Cận Bình" : Các nền dân chủ tự do có nhiều ưu thế vượt trội để đối phó với các chế độ độc tài. Nhà nhân loại học Emmanuel Todd (con của nhà văn Olivier Todd, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Sài Gòn sụp đổ"), vào đầu năm nay xuất bản sách "Thất bại của phương Tây", đã bán được hơn 20.000 cuốn. Tác giả vốn thân Nga dự báo phương Tây và NATO sẽ tan rã. Emmanuel Todd mô tả Hoa Kỳ như "con bệnh" phương Tây, dựa trên nhiều suy đoán sai lạc.

Nhưng đối với Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) cho rằng trọng lượng của Châu Âu chứ không phải Hoa Kỳ đang suy giảm trên trường quốc tế. Còn Trung Quốc thì rõ ràng đang xuống dốc không phanh, không còn hy vọng qua mặt được Mỹ. Mô hình dựa trên xuất khẩu và đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng không còn hiệu nghiệm, nợ công của các địa phương bùng nổ.

Về dân số, Hoa Kỳ cũng chiếm ưu thế với truyền thống nhập cư và khả năng thu hút nhân tài, trong khi Nga đã mất đi 25 triệu dân trong 50 năm qua và Trung Quốc giảm 2 triệu dân so với năm 2022. Về địa chính trị, tuy thất bại ở Việt Nam hay Afghanistan, Mỹ vẫn bất khả chiến bại trên thế giới. Washington có thể dựa vào mạng lưới đồng minh vững chắc, từ NATO tới AUKUS ở Thái Bình Dương.

Chỉ có 5% dân các nước ngoài phương Tây muốn sống ở Trung Quốc

Trước mối đe dọa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ thậm chí còn thành công trong việc hòa giải hai kẻ thù lịch sử Hàn Quốc và Nhật Bản. Tham vọng "Sáng kiến Vành đai Con đường" của Bắc Kinh đã thu hẹp lại trước những hoài nghi và phản kháng, sau khi cho 165 nước vay gần 2.000 tỉ đô la. Một cuộc điều tra mới đây của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu cho thấy chỉ có 5% công dân các nước không thuộc phương Tây nghĩ đến việc sang Trung Quốc sinh sống, trong khi đến 56% muốn sống tại Hoa Kỳ hay Liên Hiệp Châu Âu.

Đối với các trí thức như Thierry Wolton, điểm yếu lớn nhất của phương Tây là thiếu sáng suốt trước các đối thủ, mà trước hết là Nga. Không chỉ để cho chế độ Putin gây ảnh hưởng đến tận những người thân cận của các nhà lãnh đạo phương Tây, mà còn hoàn toàn thiếu vắng khái niệm đạo đức trước những tội ác của Nga từ 24 năm qua ở Chechnya, Gruzia, Syria, Ukraine… Chỉ riêng ở Syria, Putin đã giết nhiều thường dân hơn cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh, IS).

Cuộc xâm lăng "mềm" của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương

Nhìn sang Châu Á, L’Express đặt vấn đề "Người Trung Quốc hiện diện khắp nơi, phải chăng Hoa Kỳ đã thất bại trong cuộc chiến tại Thái Bình Dương ?". Washington lâu nay ít quan tâm đến vùng biển có vai trò quan trọng nếu nổ ra chiến tranh với Đài Loan. Đây là sai lầm lớn, mà chính quyền Biden cố gắng sửa chữa, tuy có phần muộn màng.

Xưa kia là Nhật Bản, và nay Trung Quốc muốn thống trị Đông Nam Á, qua việc kiểm soát Thái Bình Dương. Và như vậy phải ngăn cản Hải quân Mỹ tiến vào thông qua hàng loạt quần đảo nhỏ ở Châu Đại Dương : Marshall, Micronesia, Palao, Fidji, Nauru, Papua-New Guinea… Đối với Tokyo, trận Trân Châu Cảng nhằm vô hiệu hóa Mỹ để có thể rảnh tay mở rộng đế quốc của mình mà các chàng Yankee không can thiệp được, và Bắc Kinh nay cũng muốn vượt lên ưu thế Hải quân của Mỹ.

Tuần báo cho rằng trên thực tế cuộc chiến Thái Bình Dương lần thứ hai đã bắt đầu, giữa độc tài Trung Quốc và Hoa Kỳ, Pháp vốn chủ trương Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bắc Kinh khai chiến một cách âm thầm, theo kiểu cờ vây, tranh thủ những tiểu quốc Thái Bình Dương. Một ví dụ cụ thể cho ảnh hưởng Trung Quốc là năm 2022, đảo quốc Salomon từ chối cho một tàu tuần duyên Mỹ quá cảnh – sự kiện chưa từng thấy. Sự cố nghiêm trọng đầu tiên xảy ra vào năm 2010, một tàu cá Trung Quốc cố tình tông vào tàu tuần duyên Nhật ở vùng biển Senkaku.

Ngày nay Trung Quốc có 350 chiến hạm và tàu ngầm, trong Hoa Kỳ chỉ có 280. Bắc Kinh còn tiến hành cuộc chiến quyền lực mềm, xâm nhập vào bộ máy, hối lộ chính quyền các đảo quốc Thái Bình Dương với mạng lưới đại sứ quán có phương tiện rộng rãi và ê-kíp nói tiếng địa phương. Phóng viên L’Express nhận thấy dưới những hàng dừa của Waikiki Beach ở Honolulu, sinh quán của Barack Obama, những du khách thoải mái nằm sưởi nắng. Sáng sớm ngày 07/12/1941, những thủy thủ ở Trân Châu Cảng ở cách đó 15 phút, cũng vô tư lự như vậy…

"Đêm Không Màu" : Nghệ sĩ gốc Việt tại Victoires de la Musique

Courrier International dành hồ sơ cho "Nông dân, cơn phẫn nộ Châu Âu". Bên cạnh đó cũng có một tin vui, L’Obs loan báo "Ung thư : Cuộc cách mạng và những phương thuốc mới". Lâu nay vẫn bị coi gần như một bản án tử, dù số lượng ca bệnh tăng, nhưng số khỏi bệnh lại tăng nhanh hơn. Thí nghiệm lâm sàng, thuốc thử nghiệm, trí thông minh nhân tạo giúp chẩn đoán… tỉ lệ tử vong giảm và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện. Nghiên cứu của Pháp thuộc loại hiệu quả nhất thế giới, tiến bộ khoa học giúp thay đổi cái nhìn về căn bệnh vẫn được coi là nan y.

Trên lãnh vực văn hóa, L’Obs giới thiệu "Nuit incolore" (Đêm không màu) - nghệ danh của nghệ sĩ gốc Việt Théo Marclay, 22 tuổi, một trong ba ca sĩ được đề cử cho hạng mục phát hiện nam của giải thưởng danh giá Victoires de la Musique của Pháp, hàng năm dành tặng thưởng cho các thành tựu âm nhạc. Đã nhiều triệu người thưởng thức dĩa đơn "Dépassé", được coi là phát hiện trong năm của khối các nước nói tiếng Pháp. L’Obs cho biết khi Théo Marclay trình diễn ở bất kỳ nơi nào : Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, khán phòng đều chật kín người. Chuyến biểu diễn ở Paris ngày 30/04 đã bán hết vé, còn album đầu tay "La Loi du papillon" (Luật của loài bướm) ra mắt ngày 10/11/2023 nằm trong danh sách 250 album bán chạy nhất năm 2023 tại Pháp, một thành công hiếm thấy.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My
Read 218 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)