Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/02/2024

Điểm báo Pháp - Thương vong của Nga ở Ukraine

RFI tiếng Việt

Xâm lăng Ukraine : Thương vong của Nga cao nhất kể từ 1945

Về thiệt hại nhân mạng sau hai năm chiến tranh ở Ukraine. Les Echos ngày 21/02/2024 dẫn các nguồn tin phương Tây ước tính 120.000 lính Nga đã tử trận, cao gấp đôi so với phía Ukraine.

nga1

Các xe tăng Nga bị phá hủy ở làng Bohorodychne thuộc vùng Donetsk, Ukraine ngày 13/02/2024. Reuters 9 Stringer

Con số thương vong khủng khiếp

Kremlin chỉ công bố một lần duy nhất hồi tháng 10/2022 là 5.937 lính Nga tử trận, một con số không hề phù hợp với cường độ cuộc chiến. Những nguồn khả tín nhất ước tính từ 107.000 (BBC News) đến 120.000 (tình báo Mỹ) lính Nga đã bỏ mạng, tổng cộng 320.000 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến, con số này suýt soát với số 350.000 mà bộ trưởng quốc phòng Anh James Heappey đưa ra cuối tháng Giêng.

Phía Ukraine, từ 60.000 đến 70.000 chiến binh tử trận, 170.000 bị loại khỏi vòng chiến. Chưa kể có 23.000 lính của cả hai bên bị mất tích, theo Hồng thập tự Quốc tế. Nguồn từ Na Uy thuộc loại khách quan ước tính số thương vong của Nga gấp đôi so với Ukraine, do phía Kiev phòng thủ là chính và khả năng tệ hại của các sĩ quan Nga. Thiệt hại nhân mạng của Nga hiện đã cao gấp 10 lần so với mười năm chiến tranh ở Afghanistan, và nặng nề nhất kể từ 1945. Nhưng dân số Nga đông gấp bốn lần Ukraine.

Từ đầu cuộc xâm lăng đến nay đã có 10.500 thường dân Ukraine bị sát hại, trong đó có 3.000 người bị thảm sát sau khi tra tấn và hãm hiếp ở nhiều nơi nhất là Bucha. Tuy nhiên, không thể nào thống kê được số thường dân thiệt mạng tại những vùng bị quân Nga chiếm đóng. Theo Liên Hiệp Quốc, con số thực lớn hơn rất nhiều, Kiev cho là khoảng 50.000 người dân bị chết, trong đó phân nửa ở thành phố Mariupol đã bị bom Nga san bằng. Phía Nga, trang 7x7 đếm được 138 thường dân.

Chần chừ không trả thi hài Navalny, Moskva muốn gì ?

Còn một tháng nữa đến bầu cử tổng thống, cái chết đáng ngờ của nhà đối lập Alexei Navalny được loan báo hôm thứ Sáu 16/02 gây phẫn nộ cho các nước dân chủ, làm Moskva bối rối. Mãi đến thứ Ba, phát ngôn viên Kremlin mới lên tiếng, cho rằng những cáo buộc là "thô thiển và vô căn cứ". Dù người mẹ và luật sư của Navalny đã đến tận nơi, chính quyền nói rằng thi hài sẽ không được trả cho gia đình trước 14 ngày để "giảo nghiệm".

Thời hạn này khiến các nhà chuyên môn được Le Figaro đặt câu hỏi tỏ ra kinh ngạc. Chuyên gia Marc Augsburger ở Thụy Sĩ cho biết việc giảo nghiệm tử thi chỉ cần vài tiếng đồng hồ, và trong những ca phức tạp cũng chỉ mất một ngày mà thôi. Các bác sĩ pháp y dễ dàng nhận ra những dấu hiệu bị bạo hành, và có thể cho chụp X quang hay cộng hưởng từ. Tiếp đến là giải phẫu để biết cái chết là tự nhiên hay bị tác động. Việc tìm kiếm chất độc sẽ mất nhiều tuần lễ, nhưng không cần phải giữ lại xác, chỉ cần lấy mẫu vật. Theo giáo sư Jean-Claude Alvarez, trong trường hợp bị đầu độc bằng một chất nào đó, thời gian khó xóa được dấu vết, nhưng khí độc thì có thể biến mất nhanh chóng nếu không lưu giữ một mẫu phổi. Riêng chất độc Novichok mà chỉ Liên Xô mới có thì khó thể phát hiện vì phương Tây không biết được thành phần.

Phi công Nga từng đào thoát sang Ukraine bị ám sát

Le Figaro dẫn nhiều nguồn tin cho biết nạn nhân bị bắn chết bằng nhiều phát đạn cách đây một tuần gần Alicante (Tây Ban Nha) là Maksim Kuzminov, người phi công Nga 28 tuổi hồi tháng 8/2023 đã bay sang giao nộp chiếc trực thăng cho quân đội Ukraine và chọn sang Tây Ban Nha sinh sống. Ban đầu các nhà điều tra nước sở tại ngỡ là một vụ thanh toán, nhưng rốt cuộc trường hợp này phù hợp với cam kết của Kiev cho những quân nhân Nga chạy sang : thưởng một món tiền lớn và cung cấp giấy tờ cho danh tính mới.

Tinh thần Maidan bất diệt

Cũng liên quan đến Ukraine, Le Figaro quay lại với tinh thần của cuộc cách mạng Maidan mười năm sau. Những nhân tố thời đó nay trở thành cột trụ trong quân đội, xã hội dân sự và trong bộ máy chính quyền. Tổng cộng khoảng 100 người biểu tình Maidan đã thiệt mạng, 2.500 người bị thương do bạo lực cảnh sát. Nhưng thực ra phía sau có bàn tay của Nga, theo kết luận của Viện Kiểm sát Trung ương ngày 17/02/2024. Và những người bị giết chết là các nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến đã được Moskva âm thầm chuẩn bị từ lúc đó.

Nhà báo trẻ Mustafa Nayyem là người đầu tiên đăng lên Facebook kêu gọi tập họp tại quảng trường Maidan, sau khi tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych thông báo sẽ không ký thỏa thuận hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu (EU). Vassil Vehin, lúc đó là sinh viên luật nhớ lại : "Maidan giống như một thành phố nho nhỏ với những chiếc lều, quầy thức ăn, có cả bệnh viện và một trường đại học tự do, xung quanh là rào chắn, mỗi người đều có nhiệm vụ".  

Đêm 20 rạng 21/02/2014, tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych chạy trốn sang Nga khi dùng bạo lực không thành. Ít lâu sau, 30.000 lính Nga không quân hàm quân hiệu tiến vào Crimea, bán đảo chính thức bị sáp nhập vào tháng 3/2014. Kể từ 2022 đến nay, quảng trường Maidan dầy đặc chướng ngại vật chống xe tăng.

Trên lãnh vực văn hóa, Le Monde nhận thấy ngôn ngữ đã trở thành một hành động kháng chiến. Nhiều người dân Ukraine vốn quen nói tiếng Nga từ nhỏ vẫn cố gắng từ bỏ thứ ngôn ngữ được cho là của kẻ thù. Những người lớn tuổi sống ở những vùng nói tiếng Nga khá khó khăn để chuyển sang tiếng Ukraine, nhưng đối với các quân nhân là hết sức cần thiết để phân biệt bạn thù, vì lính Nga khó thể phát âm được tiếng Ukraine.

Trung Á muốn chận ảnh hưởng truyền hình Nga

Trong khi đó tại Trung Á, do ảnh hưởng từ thời Liên Xô, các kênh truyền hình Nga vẫn đứng hàng đầu, nhưng từ khi Nga xâm lăng Ukraine ngày càng có thêm những tiếng nói chỉ trích. La Croix cho biết cuối tháng Giêng, một chương trình của kênh Nga NTV khiến cư dân mạng Uzbekistan phẫn nộ, vì nói rằng tính chất quốc gia của nước này là giả tạo, có được sự hiện diện là nhờ Liên Xô, và Kazakhstan, Kyrgyzstan cũng vậy. Những tuyên bố mang tính đế quốc trở nên thường xuyên từ đầu cuộc xâm lược tháng 2/2022, gây tranh cãi tại các nước Trung Á về việc có nên hạn chế thậm chí cấm phát các kênh truyền hình Nga.

Phó chủ tịch Quốc hội Uzbekistan Alisher Qodirov dẫn ra những lời lẽ sô-vanh nước lớn, kêu gọi thay thế các chương trình tiếng Nga bằng chương trình các nước láng giềng Trung Á. Nhưng chính quyền Uzbekistan vẫn thận trọng, vì Moskva là đối tác thương mại lớn nhất. Đối với Kazakhstan, bên cạnh kinh tế còn có vấn đề an ninh vì nước này có đến 7.600 kilomet đường biên giới với Nga và thiểu số gốc Nga sinh sống tại đây.

Dù vậy Kazakhstan vẫn cho nhưng phát nhiều kênh truyền hình Nga, trong đó có kênh tuyên truyền quan trọng nhất là Pervyi Kanal, lý do bề ngoài là thương mại ; đồng thời đóng cổng streaming Sputnik24, lấy cớ một vấn đề hành chánh. Kênh dân tộc chủ nghĩa Tsargrad của doanh nhân Nga Konstantin Malofeïev cũng bị đóng vì " tuyên truyền cực đoan ", dùng từ ngữ mang tính miệt thị đối với dân Trung Á. Còn tại Kyrgyzstan, nghèo hơn nhiều so với láng giềng Kazakhstan, không thể cạnh tranh nổi với các chương trình tiếng Nga. Pervyi Kanal, nằm trong gói căn bản không cần phải trả tiền thuê bao, tiếp tục gây ảnh hưởng.

Qatar, trung gian không thể thiếu trong việc trao trả con tin Israel

Nhìn sang Trung Đông, Libération tiết lộ hậu trường những vụ thương lượng thả con tin. Chỉ trích việc thay đổi chính sách của Pháp đối với Qatar, nhưng tờ báo thiên tả nhìn nhận vai trò khó thể thay thế của quốc gia Ả rập này trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Libération dẫn ra một câu nói đùa trong thập niên 90 : "Cần phải nhìn nhận một thực tế là có hai siêu cường trên thế giới, nhưng đó là Hoa Kỳ và Qatar". Tất nhiên là rất nhiều máu đã đổ ở Trung Đông, những món tiền lót tay ở Bruxelles, nhiều huấn luyện viên kế tiếp ở câu lạc bộ Paris Saint-Germain, nhưng quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh vẫn gia tăng ảnh hưởng.

Bộ trưởng quốc phòng Khalid bin Mohammad al-Attiyah đến Paris ngày mai với tấm séc không hạn chế, Macron chuẩn bị tiếp đón trọng thế quốc vương Al-Thani tại điện Versailles. Những lời phản đối Qatar về mối liên hệ với Hamas sau vụ khủng bố ngày 07/10 đã được quên đi, cả số tiền 30 triệu đô la hàng tháng tài trợ cho phe này và việc để cho các thủ lãnh Hamas sống lưu vong một cách vương giả. Tuy nhiên, sự can thiệp của Qatar đã giúp nhiều con tin được trả tự do.

Việc 11 con tin Thái Lan và 1 con tin Philippines được phóng thích ngay trong ngày đầu hưu chiến gây ngạc nhiên cho toàn thế giới, nhưng đó là do họ bị thường dân Palestine bắt và sau đó không thể nuôi nổi con tin ! Đặc biệt trường hợp cô Mia Shem, 21 tuổi, không có con, không bị bệnh gì, tức là không nằm trong số ưu tiên được thả, và cũng không chứng minh được quốc tịch Pháp. Người mẹ của cô đã liên lạc với bà Brigitte Macron, và cựu tổng thống Nicolas Sarkozy gọi điện cho quốc vương Qatar. Song song đó, theo lệnh của tổng thống Emmanuel Macron, một hộ chiếu được cấp trong thời gian kỷ lục. Nhờ đó cô được sum họp với gia đình, một ca may mắn ngoài dự kiến.

Cuộc tái đấu Biden-Trump : Chưa biết mèo nào cắn miêu nào

Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Le Figaro vẽ ra bức tranh không lấy gì làm tươi sáng. Một tổng thống tái ứng cử tức giận trước một báo cáo mô tả mình là một ông già kém trí nhớ. Một cựu tổng thống đang bị khởi tố nhiều tội danh vẫn muốn quay về Nhà Trắng, đe dọa sẽ bỏ rơi các đồng minh. Một Tòa án Tối cao loay hoay tìm cách tránh né quy định trong Hiến pháp cấm một ứng cử viên từng tham gia nổi loạn ra tranh cử. Một Quốc hội chia rẽ không thể thông qua luật, đặt việc đánh bại đối thủ lên trên lợi ích quốc gia…

Thông tín viên Le Monde tại New York nhận định những ý kiến cho rằng Donald Trump sẽ quay lại nắm quyền là quá vội vã. Nước Mỹ trong nhiệm kỳ Joe Biden việc làm tích cực : tăng trưởng, sáng tạo, kỹ nghệ phát triển, lạm phát được kềm chế, sức mua tăng lên trở lại, nguồn năng lượng dồi dào. Khi kinh tế suy trầm trước đây, nhiều tổng thống đã bị thất cử như Gerald Ford (1976), Jimmy Carter (1980), George Bush (1992). Donald Trump cũng vậy. Vào đầu nhiệm kỳ của ông thì rất thịnh vượng, nhưng trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, đại dịch Covid làm hàng triệu người Mỹ thất nghiệp mà chưa có vac-xin. Nếu Pfizer và Moderna được loan báo hai tuần trước đó, kết quả có thể đã khác.

Vậy tại sao Biden lại mất lòng dân ? Có lẽ vì sức mua chỉ mới tăng cùng với lạm phát giảm mạnh từ 2023, thị trường chứng khoán lên trở lại từ cuối tháng 10. Trong lịch sử nước Mỹ, ứng cử viên duy nhất sống sót sau một cuộc khủng hoảng lạm phát và thất nghiệp bùng nổ là Harry Truman, sau Đệ nhị Thế chiến. Tỉ lệ tín nhiệm của vị tổng thống Dân chủ từ 90% chỉ còn 36%. Nhưng trong năm bầu cử 1948, từ tháng Giêng đến tháng 11, lạm phát từ 10% giảm còn 5%, Harry Truman thắng sát nút Thomas Dewey. Lịch sử còn lưu lại hình ảnh ông Truman giơ ra trang nhất Chicago Tribune, tờ báo đã không chịu chờ đến khi có kết quả chính thức đã vội vã loan tin chiến thắng của Dewey. Còn 8 tháng nữa mới đến bầu cử, loan báo chiến thắng của Trump cũng là một kiểu lười biếng.

Tựa chính báo Pháp

Về nước Pháp, La Croix chạy tít trang nhất "Missak Manouchian, nhân danh tất cả", nói về việc kháng chiến quân gốc Armenia và theo cộng sản bị quân Đức xử tử trong Đệ nhị Thế chiến được đưa vào điện Panthéon cùng với người vợ. Le Monde quan tâm đến việc "Châu Âu quay lại với thắt lưng buộc bụng". Le Figaro nhấn mạnh "Biden-Trump : Cuộc song đấu không thể tránh khỏi làm nước Mỹ thất vọng". Libération nói về "Chiến tranh Hamas-Israel : Qatar, trò chơi rắc rối của các ông hoàng Ả rập". Về chiến tranh Ukraine, Les Echos đưa ra "Bản tổng kết kinh hoàng".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 199 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)