Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/02/2024

Điểm báo Pháp - Giúp Ukraine đánh bại Nga

RFI tiếng Việt

Giúp Ukraine đánh bại Nga, cách tốt nhất để trừng phạt Putin

Sát hại nhà đối lập Alexei Navalny, bắt cóc hàng ngàn trẻ em Ukraine, bố trí một hệ thống vũ khí trên không gian có thể hủy diệt liên lạc viễn thông, đẩy nhân loại lùi lại hai thế kỷ… Theo Le Figaro ngày 22/02/2024, giấc mơ đế quốc của Vladimir Putin không dừng lại ở biên giới Ukraine, và Le Monde cho rằng cách tốt nhất để trừng phạt là dành cho nhà độc tài ở Kremlin điều mà ông ta sợ nhất : bại trận.

nga1

Người biểu tình giơ cao chân dung của nhà đối lập Alexei Navalny vừa chết trong ngục tù ở Bắc Cực, trước cổng đại sứ quán Nga ở Kappara, Malta ngày 19/02/2024 để phản đối Vladimir Putin. Reuters – Darrin Zammit Lupi

Tranh của các họa sĩ tên tuổi Việt Nam được săn đón

Liên quan đến Việt Nam, Le Figaro chú ý tới "Sự hồi sinh của các họa sĩ Việt trong nghệ thuật hiện đại". Lâu nay nói về Đông Dương người ta chỉ nhớ đến trận Điện Biên Phủ, nhưng người Pháp còn để lại dấu ấn sâu sắc trong lãnh vực văn hóa. Năm 2025 sẽ là dịp kỷ niệm 100 năm trường Mỹ thuật Đông Dương, và những họa sĩ tài năng của nửa đầu thế kỷ 20 đã ra khỏi quên lãng.

Các nhà đấu giá quốc tế nổi tiếng như Christie’s, Sotheby’s hay Bonhams những năm gần đây rất hào hứng với những tác phẩm của các danh họa Việt Nam như Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Mai Trung Thứ. Nhờ sang Pháp sinh sống, các họa sĩ này nổi tiếng hơn những đồng nghiệp ở lại trong nước. Cú gõ búa "triệu đô" đầu tiên của nhà Sotheby’s ở Hồng Kông dành cho một bức tranh của họa sĩ Lê Phổ năm 2017, với giá 1,17 triệu đô la, kích thích nhiều nhà sưu tập ở Đài Loan, Hồng Kông, Saigon, Hà Nội. Nhưng bức tranh đạt giá cao nhất là bức "Chân dung cô Phương", được bán với giá 3,1 triệu đô la.

Đài Loan trước chiến lược tằm ăn dâu của Trung Quốc

Tại Châu Á trên lãnh vực quân sự, Le Monde quan tâm đến "Những sự cố mới trên biển giữa Đài Loan và Trung Quốc củng cố thêm chiến lược gây căng thẳng của Bắc Kinh". Để trả đũa vụ va chạm hồi Tết, hôm thứ Hai Trung Quốc đã tăng cường hiện diện xung quanh đảo Kim Môn (Kinmen). Tuần duyên Trung Quốc tự tiện chận một tàu du lịch Đài Loan chở theo 33 khách, đòi kiểm tra kế hoạch hải hành và giấy phép của thủy thủ đoàn.

Hôm sau, bộ trưởng quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo Cheng) kêu gọi bình tĩnh, khẳng định quân đội không can dự trong vụ tai nạn hôm 15/02 để tránh xung đột. Hôm đó, hai ngư dân Trung Quốc chết đuối khi tàu của họ đi vào vùng biển Đài Loan xung quanh Kim Môn và bị chìm khi cố tránh tuần duyên. Hai người sống sót trên tàu sẽ được hồi hương sau - theo Đài Bắc.

Cho đến nay, hai bên vẫn ngầm tôn trọng đường phân ranh trên biển theo một bản đồ vào đầu thập niên 90, ghi rõ "vùng hạn chế" và "vùng cấm" xung quanh đảo Kim Môn, được xác định bởi 27 điểm GPS. Nhưng nay Bắc Kinh nói rằng ngư dân đôi bên vẫn hoạt động trong vùng biển Hạ Môn-Kim Môn từ thời cổ đại, không có "vùng cấm" hay "vùng hạn chế". Theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, lại thêm một vụ gặm nhấm mới. Điều đáng lo là Trung Quốc lợi dụng tai nạn này để chối bỏ sự hiện hữu của đường phân ranh, vì những vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc đang tăng lên trong những năm gần đây và nhiều tàu cá thực ra là dân quân biển Trung Quốc tìm cách thúc đẩy phía Đài Loan phạm sai lầm.

Cuối tháng Giêng, Trung Quốc đẩy đường trung tuyến trên không phận eo biển Đài Loan vào sâu hơn, và bên cạnh việc cho tiêm kích xâm nhập hàng ngày, còn thả thêm những khinh khí cầu gián điệp cùng loại với những quả cầu đã bị nhận diện ở Hoa Kỳ năm 2023. Nhà chính trị học Jacques Gravereau phân tích về những vụ khiêu khích ở Kim Môn, Bắc Kinh tính toán rằng Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines) sẽ không gánh lấy rủi ro một cuộc chiến tranh vì một lãnh thổ nhỏ bé như thế.

Úc đầu tư mạnh vào Hải quân để chống bành trướng Bắc Kinh

Lo sợ trước sự bành trướng của Trung Quốc, Úc đầu tư ồ ạt vào Hải quân. Le Figaro cho biết chính phủ Úc dự định dành 6,7 tỉ đô la trong mười năm mới để hiện đại hóa các chiến hạm, khiến ngân sách quốc phòng sẽ chiếm 2,4 % GDP. Mười một chiến hạm đa nhiệm sẽ được mua, có sự hợp tác với các công ty hàng hải Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, cộng thêm sáu tàu tự hành có tầm bắn xa, ba tàu chống ngư lôi. Số hỏa tiễn có thể bắn đi từ 430 hiện nay sẽ tăng lên 700.

Theo nhà phân tích Euan Graham, đây là điểm quan trọng vì Hải quân Châu Âu thường kém vũ trang so với hỏa lực lớn của các chiến hạm Trung Quốc. Đối với Úc tình hình càng khó hơn vì một khi đã bắn hết các hỏa tiễn, chiến hạm phải đi mất 10 ngày để tiếp liệu, thế nên cần tăng khả năng mang vũ khí. Bên cạnh năng lực răn đe qua AUKUS với 8 tàu ngầm nguyên tử, còn phải có hạm đội để bảo vệ đường hàng hải. Đây là điều căn bản cho một hòn đảo như Úc vì dự trữ nhiên liệu chỉ đủ dùng ba tuần.

Chính phủ cam kết tăng quân số 30 % từ nay đến 2040, riêng Hải quân từ 15.000 lên 20.000. Hiện nay quân đội Úc còn thiếu 4.300 quân nhân chưa tuyển được, và do thiếu 881 lính thủy, 8 chiến hạm không thể hoạt động. Đó là lý do khiến Úc không thể gởi chiến hạm sang Hồng Hải tham gia liên minh chống phiến quân Houthi. Đội tàu hiện đại hóa và các tàu ngầm AUKUS sẽ được giao từ nay đến 2040, vừa vặn với thời điểm Trung Quốc tự đề ra để thâu tóm Đài Loan.

Chiến trường ác liệt, Zelensky càng siêng năng ra mặt trận

Tại chiến trường nóng bỏng Ukraine, Le Monde nhận thấy "Sau hai năm chiến tranh, Volodymyr Zelensky tìm kiếm một sức bật mới". Tổng thống Ukraine ngày càng can dự nhiều hơn vào các chiến dịch quân sự, đồng thời liên tục thuyết phục các đồng minh chi viện thêm vũ khí. Ông Zelensky đã trải qua hai thay đổi lớn, từ một diễn viên hài bỗng trở thành tổng thống, và từ một tổng thống chủ trương hòa bình phải lãnh đạo một cuộc chiến ác liệt chưa từng thấy. Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ukraine vừa mừng sinh nhật lần thứ 46 trong bối cảnh đầy căng thẳng, và ngày càng cứng rắn hơn trước. Khi quân Nga kéo sang Kiev, Volodymyr Zelensky khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào các tướng lãnh. Hai năm sau, ông bổ nhiệm một tổng tham mưu trưởng mới và giám sát các kế hoạch tác chiến.

Những chuyến đi thăm chiến trường ngày càng thường xuyên hơn. Zelensky luôn chứng tỏ lòng can đảm đáng ngưỡng mộ, ông có mặt trên những đường phố thủ đô bị oanh tạc dữ dội trong trận đánh Kiev, rồi các thành phố vừa được giải phóng từ Izyum đến Kherson. Nhưng khi cuộc chiến trở thành chiến tranh tiêu hao, quân Nga phải mất một năm rưỡi mới chiếm được Bakhmut và Avdiivka, những chuyến đi của tổng thống làm bộ phận an ninh phải toát mồ hôi lạnh. Volodymyr Zelensky muốn chứng tỏ tình liên đới với những người lính chiến trong giai đoạn khó khăn này, duy trì sự đoàn kết quốc gia.

Trong khi đó Nhật Bản đặt mục tiêu tái thiết Ukraine. Dù Hiến pháp không cho phép viện trợ quân sự, nhưng vẫn có thể hỗ trợ về kinh tế. Kể từ đầu cuộc xâm lăng, đến nay Nhật đã viện trợ cho Kiev 11,2 tỉ đô la. Tokyo cũng chi viện các thiết bị quân sự không sát thương như nón sắt, áo giáp, xe cộ. Một số tập đoàn lớn của Nhật đã chuẩn bị tham gia xây dựng lại Ukraine trong thời hậu chiến.

Trên khía cạnh văn hóa, tại Liên hoan phim quốc tế Berlin, đạo diễn Oksana Karpovych giới thiệu bộ phim "Intercepted". Phim sử dụng những cuộc gọi từ mặt trận Ukraine của lính Nga cho người thân, được tình báo Ukraine nghe được và đưa lên mạng xã hội. Đạo diễn nhận định những trao đổi này cho thấy tính chất đế quốc của Nga, việc xâm lăng một quốc gia khác được coi là chuyện bình thường, và lính Nga tỏ ra hoàn toàn phi đạo đức.

Cách trừng phạt nào hiệu quả nhất với Vladimir Putin ?

Le Monde đặt vấn đề "Trừng phạt Putin, nhưng làm thế nào ?". Hai giờ sau khi nghe tin Alexei Navalny qua đời trong ngục tù, người vợ của ông, Yulia Navalnaia tại Hội nghị an ninh Munich đã nén đau buồn, đòi hỏi Vladimir Putin và chế độ Kremlin phải bị trừng phạt vì tội ác này. Vài tiếng đồng hồ sau đó, tổng thống Mỹ Joe Biden tố cáo "tội ác chiến tranh", nói rằng lịch sử sẽ xem xét.

Cách đây ba năm, ông Biden đã từng cảnh cáo Kremlin về "những hậu quả thảm họa" nếu Navalny chết trong tù. Hồi 2013, Barack Obama ấn định "lằn ranh đỏ" cho Damascus, tuy nhiên khi Bachar Al-Assad vẫn dùng vũ khí hóa học giết chính dân mình, Obama vẫn để yên ; và 10 năm trước khi Nga chiếm Crimea, Obama khuyên chính quyền mới của Kiev đừng chống cự. Nay sự phẫn nộ của phương Tây tại hội nghị Munich về số phận của nhà đối lập Alexei Navalny là chân thành, nhưng trừng phạt Putin cách nào đây ?

Những biện pháp cấm vận từ hai năm qua tuy nghiêm khắc nhưng kém tác dụng, do những nước nhập khẩu quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn mua dầu khí của Nga, và Moskva tránh né cấm vận với sự tiếp tay của một số nước. Ngày càng nhiều quan chức phương Tây nghĩ đến việc tịch thu tài sản của Nga đang bị đóng băng, tuy nhiên vướng vấn đề pháp lý. Một cách trừng phạt khác nhắm vào cá nhân Vladimir Putin là lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), thế nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp đón Putin và tại Moskva vẫn có những nhà lãnh đạo đến thăm.

Thế thì phải làm sao ? Theo Le Monde, cách duy nhất và làm cho Vladimir Putin sợ nhất, là bại trận ở Ukraine. Phương Tây có phương tiện để giúp Kiev làm nên chiến thắng, chỉ còn thiếu ý chí để biến sự phẫn nộ thành hành động.

Nước Nga của Putin đe dọa thế giới

Cũng về Ukraine, nhà bình luận Édouard Tétreau đặt vấn đề trên Le Figaro "Phải chăng nên có một ủy viên quốc phòng Châu Âu để làm Vladimir Putin phải run sợ ?", thay vì giao phó cho các viên chức bàn giấy quan liêu".Nga bước vào giai đoạn tự hủy diệt vì giới tinh hoa cầm quyền tệ hại và sự trầm cảm sâu sắc sau thất bại của thập niên 90, nhưng cũng có thể là bi kịch đáng sợ của thế kỷ qua". Đó là dự báo của tác giả Thérèse Delpech từ năm 2005 về sự tàn bạo sẽ quay lại trong thế kỷ 21.

Nước Nga "bệnh hoạn" từ lâu, nơi mà tuổi thọ trung bình của nam giới trước cuộc xâm lăng Ukraine chỉ là 59 tuổi, theo tác giả, đang đẩy nhanh quá trình hấp hối dưới quyền của Putin. Alexei Navalny bị sát hại trong một gu-lắc xây dựng dưới thời Stalin, bắt cóc hàng ngàn trẻ em Ukraine… Moskva còn bố trí một hệ thống vũ khí chống vệ tinh trong không gian, có thể biến toàn bộ liên lạc viễn thông thành tro bụi, đẩy nhân loại lùi lại hai thế kỷ.

Đó là một nhà độc tài với bàn tay đẫm máu theo phương pháp Stalin, điên cuồng với ý định trả thù, và giấc mơ đế quốc không dừng lại tại biên giới Ukraine. Theo các viên chức quốc phòng Đức và Đan Mạch, từ ba đến tám năm tới Nga sẽ tấn công một quốc gia thành viên NATO. Như vậy không còn có nhều thời gian để chuẩn bị đối phó.

Chiến tranh ngấp nghé, Châu Âu vẫn tự trói bằng những quy định thời bình

Châu Âu chỉ có thể tự lo thân chứ không thể trông cậy vào Hoa Kỳ ngày càng muốn đứng ra xa, và NATO vốn dựa vào quyết tâm và tài chánh của Mỹ. Viện trợ kinh tế của Châu Âu cho Ukraine không thay thế được những vũ khí mà Mỹ không còn giao nữa, hay hỏa tiễn mà Đức không muốn cho. Việc đưa ngân sách quốc phòng vào các tiêu chí Maastrich không phù hợp khi chiến tranh đã ở trước ngưỡng cửa.

Cần giúp các nước Châu Âu tự tái vũ trang nhanh chóng, qua việc dỡ bỏ tất cả những rào cản ngân sách, tiêu chuẩn rắc rối, ngưng áp dụng các chỉ thị điên rồ để cấp tốc sản xuất ra đạn dược và những vũ khí đang cần đến (drone, hỏa tiễn, chiến tranh mạng, trí thông minh nhân tạo quân sự hóa). Riêng Pháp có thể gia tăng thêm số đầu đạn nguyên tử. Trước những mối đe dọa vây quanh : nước Nga của Putin và một Trung Quốc bành trướng ở phía đông, nước Mỹ co cụm ở phía tây, Hồi giáo ở phía nam ; tác giả kêu gọi chuyển những buổi tưởng niệm những người anh hùng đã hy sinh sang hành động quyết liệt để tự vệ.

Thụy My 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 172 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)