Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/02/2024

Cuộc chiến chống Nga tại Ukraine bước vào năm thứ ba

RFI - BBC

Những bài học rút ra sau 2 năm chiến tranh Ukraine

Thanh Hà, RFI, 23/02/2024

Ngày 24/02/2024 chiến tranh Ukraine bước sang năm thứ ba. "Nga đã trở nên nguy hiểm hơn, Mỹ là một điểm tựa kém vững chắc. Còn bản thân Châu Âu thì vẫn chưa được chuẩn bị để đối phó trong trường hợp bị tấn công". Một số giới chức quốc phòng và tình báo Châu Âu báo động trong từ 3 đến 5 năm nữa, Matxcơva sẽ sẵn sàng đương đầu với một thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

uk1

Một góc thành phố Bakhmut, Ukraine, trong trận chiến khốc liệt giữa quân đội Ukraine và Nga, ngày 26/04/2023. AP - Libkos

Olivier Sueur, cựu quan chức Pháp tại NATO trong bài tham luận hôm 21/02/2024 đăng trên trang mạng Le Rubicon, (trang mạng tập hợp các viện nghiên cứu quân sự chiến lược của Pháp và Canada), đưa ra một thực tế phũ phàng : Từ khi tổng thống Putin khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/02/2022, xâm chiếm Ukraine, "sau hai năm chiến tranh, Nga quyết tâm hơn bao giờ hết, Ukraine không còn làm chủ được vận mệnh mà đã phải phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Hoa Kỳ. Châu Âu (bao gồm Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc và Na Uy) thì hoàn toàn bị trói tay vì hậu quả từ những quyết định mà chính họ đã lựa chọn". Câu hỏi then chốt là xung đột ở Ukraine đi về đâu ? Đâu là chiến lược của Châu Âu và Mỹ về lâu dài ?

Nhìn từ Washington tình hình Ukraine được hiểu như sau : về mặt quân sự Ukraine "không thể đi xa hơn" trong mục tiêu giành lại phần lãnh thổ đã bị Nga cướp mất. NATO sẽ không khi nào đương đầu với một cường quốc hạt nhân để giúp Kiev chiếm lại 17 % đất đai đã rơi vào tay quân Nga. Về mặt chiến lược theo Olivier Sueur, Ukraine không phải là một ưu tiên của Hoa Kỳ. Sự lơ là của Mỹ cũng có thể giải thích phần nào khi mà "kho các loại vũ khí của Mỹ cũng đang rơi xuống thấp đến mức báo động" và "không đủ trước một số rủi ro trên những mặt trận khác, chẳng hạn như ở Thái Bình Dương".

Về phía Châu Âu, cựu quan chức NATO Olivier Sueur cũng không mấy lạc quan với đánh giá Lục Địa Già chỉ có hai lựa chọn hoặc là cứ tiếp tục "cắm đầu đi theo Mỹ" hoặc phải "tự chủ" về mặt an ninh. Trước mắt, giải pháp thứ nhì là điều không thể thực hiện được khi mà "kho đạn dược và vũ khí, khả năng sản xuất (trang thiết bị quân sự) của Châu Âu còn không đủ để hỗ trợ Ukraine". Thêm vào đó tương tự như NATO, "không một thành viên Liên Âu nào" cả gan đọ sức với Nga mà không được bảo đảm rằng sẽ có Hoa Kỳ "yểm trợ ở phía sau".

Trong hoàn cảnh đó phải chăng đã đến lúc Châu Âu ngộ ra rằng Emmanuel Macron có lý ?

Trong diễn văn trước Nghị Viện Châu Âu hôm 19/01/2022 nguyên thủ Pháp đã kêu gọi "Châu Âu cần trang bị vũ khí, không vì ngờ vực bất kỳ một siêu cường nào khác, mà vì sự tự chủ và để không bị trói buộc vào quyết định của những quốc gia khác (…)".

Tiếc là phải mất đến ba năm sau thủ tướng Đức Olaf Scholz mới hiểu khi mà chính trường ở Washington đã bị tê liệt từ nhiều tháng qua và Hạ Viện Hoa Kỳ cương quyết chận gói viện trợ quân sự 60 tỷ đô la cho Kiev, một khoản viện trợ mang tính sống còn đối với Ukraine. Chính sự tê liệt về chính trị tại Hoa Kỳ đang "từng bước bóp nghẹt những khả năng chiến đấu của những người lính Ukraine". Lính Ukraine đang phải "tiết kiệm từng viên đạn" trong mỗi đợt chạm súng với quân đội Nga. Ukraine chỉ dám bắt từ 4 ngàn đến 7 ngàn đạn pháo mỗi ngày trong lúc ở góc đài bên kia, quân đội Nga có đến 20 ngàn để đè bẹp đối phương. 

Cũng chuyên gia người Pháp này nhắc nhở "chớ quên rằng Mỹ có thể đưa ra những quyết định rất thô bạo" và Olivier Sueur không loại trừ khả năng "cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024 là dấu chấm hết" trong chính sách của Washington đối với Ukraine. Điều đó có nghĩa là từ giờ trở đi, Mỹ chỉ tính đến cách để thoái lui khỏi hồ sơ cồng kềnh này. Viễn cảnh đó hoàn toàn có lợi cho phía Nga.

Vậy biết đâu là để chuẩn bị cho hồi kết đó, tức là khi mà Kiev không còn có thể trông cậy vào hàng tỷ đô la viện trợ của Mỹ, cho nên các nước Châu Âu - Anh, Pháp, Đức hay Đan Mạch đã hối hả ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine nhưng cùng lúc các giới chức quân sự tại Châu Âu đồng loạt ghi nhận "đã cung cấp vũ khí cho Ukraine gần như tối đa trong những điều kiện cho phép".

Là một chuyên gia về chiến lược, từng là quan chức cao cấp điều hành liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, Olivier Sueur trong bài phân tích đã kết luận : "Bế tắc hiện nay trên vấn đề Ukraine một lần nữa lại làm dấy lên câu hỏi về khả năng tự lập của Châu Âu" với ô dù an ninh mà đến nay Hoa Kỳ vẫn bảo đảm cho các nước đồng minh trên lục địa già.

Người dân Ukraine đang trả giá bằng xương máu sau hai năm chiến tranh, hy vọng rằng Châu Âu cũng rút ra được những bài học quý giá để tăng cường khả năng phòng thủ, và không ỉ lại vào Mỹ. 

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 23/02/2024

*****************************

Hai năm chiến tranh Ukraine đã thay đổi nước Nga như thế nào ?

BBC, 23/02/2024

Hai năm chiến tranh tại Ukraine đã làm thay đổi nước Nga và cho thấy một Vladimir Putin hoàn toàn khác.

uk2

Nữ nhạc sĩ Alexandra Skochilenko ở Saint Petersburg bị tuyên án 7 năm tù vào cuối năm 2023 vì các hoạt động phản chiến

Khi tôi đứng nhìn những người Nga đặt hoa tưởng niệm thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, một cậu thanh niên đã chia sẻ cảm xúc về cái chết trong tù của ông Navalny.

"Tôi bị sốc", cậu ấy nói với tôi, "giống ngày 24/2 hai năm trước, ngày mà cuộc chiến bắt đầu".

Tâm sự ấy khiến tôi nghĩ về tất cả những gì đã xảy ra ở Nga trong suốt hai năm qua, từ khi Tổng thống Putin ra lệnh tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine.

Đó là một chuỗi bi kịch, đổ máu và đau thương.

Cuộc chiến tranh của Nga đã gieo chết chóc và sự hủy diệt lên đất nước Ukraine. Quân đội Nga cũng chịu tổn thất nặng nề.

Các thị trấn của Nga bị pháo kích và tấn công bằng drone.

Hàng trăm ngàn đàn ông Nga bị bắt nhập ngũ.

Đội quân đánh thuê Wagner nổi loạn và hành quân về Moscow. Sau đó, thủ lĩnh của họ là Yevgeny Prigozhin đã chết trong một vụ tai nạn máy bay.

Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt tổng thống Nga với cáo buộc tội ác chiến tranh.

Giờ đây, người chỉ trích Putin gay gắt nhất đã chết.

24/2/2022 là cột mốc mang tính bước ngoặt.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, đã có những dấu hiệu báo trước rõ ràng.

Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine và lần đầu tiên can thiệp quân sự vào vùng Donbas.

Năm 2020, ông Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, rồi bị bắt giam vào năm 2021.

Đàn áp trong nước ở Nga đã diễn ra trước cuộc xâm lược Ukraine, nhưng nó đã leo thang kể từ khi chiến tranh khởi phát.

Hai năm chiến sự, ông Putin càng có vẻ tự tin và kiên định hơn trong việc đánh bại kẻ thù trong và ngoài nước.

Ông ta công kích Mỹ, NATO và EU, đồng thời mô tả cuộc chiến mà Nga gây ra ở Ukraine là cuộc chiến mà "các nước phương Tây" thực hiện để chống lại Nga và Nga đang chiến đấu để sinh tồn.

Bao giờ và bằng cách nào cuộc chiến này sẽ kết thúc ? Tôi không thể dự đoán tương lai. Tuy nhiên, tôi có thể hồi tưởng quá khứ.

Mới đây, trong chiếc tủ ở nhà, tôi tìm thấy một tệp hồ sơ phủ bụi chứa các bài viết của tôi về nước Nga từ hơn 20 năm trước – những năm đầu cầm quyền của ông Putin.

Lần giở lại các bài viết ấy như đang đọc về một thiên hà xa xôi cách nhiều năm ánh sáng.

"Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây, 59% người Nga ủng hộ ý tưởng Nga gia nhập Liên minh Châu Âu", tôi viết vào ngày 17/5/2001.

"NATO và Nga đang tích cực tìm kiếm những cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn : một dấu hiệu cho đôi bên thấy rằng mối đe dọa thực sự đối với hòa bình thế giới không đến từ đối phương…" [ngày 20/11/2001]

Thế thì, đâu là thời điểm mọi việc đi chệch hướng ? Tôi không phải là người duy nhất băn khoăn về điều này.

uk32

Bức tranh tường ở thị trấn Solnechnogorsk vẽ những binh lính Nga tử trận

"Ông Putin mà tôi từng gặp, từng hợp tác tốt đẹp và cùng thành lập Hội đồng Nga-NATO rất, rất khác so với vị lãnh đạo gần như cuồng vọng hiện nay", cựu lãnh đạo NATO là Nam tước Robertson nói với tôi trong cuộc gặp mới đây ở London.

Người đàn ông đứng cạnh tôi hồi tháng 5/2002, đứng ngay cạnh tôi, đã nói rằng Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, có thể tự đưa ra quyết định về an ninh, giờ lại tuyên bố [Ukraine] không phải là một quốc gia".

Nam tước Robertson thậm chí vẫn nhớ rõ lúc ông Vladimir Putin cân nhắc việc Nga gia nhập NATO.

"Trong cuộc gặp thứ hai giữa tôi với ông Putin, ông ta đã hỏi thẳng : 'Khi nào các ông mới định mời Nga gia nhập NATO ?'.

Tôi đáp, 'Chúng tôi không mời các nước tham gia NATO, họ nộp đơn xin gia nhập. '

Thế là ông ấy bảo : 'Chà, chúng tôi sẽ không đứng xếp hàng với một đống các nước không quan trọng đâu.'

Nam tước Robertson nói rằng ông không nghĩ ông Putin thực sự muốn nộp đơn xin gia nhập NATO.

"Ông ta muốn được mời gia nhập, bởi ông ta vẫn luôn nghĩ – và ngày càng tin tưởng – rằng Nga là một quốc gia hùng mạnh trên trường quốc tế và cần nhận được sự tôn trọng như Liên Xô từng có", ông ấy nói với tôi.

"Ông ta sẽ không bao giờ chịu ở trong một liên minh bao gồm các quốc gia bình đẳng, nơi tất cả đều có thể ngồi quanh bàn tròn để tranh luận và thảo luận về các lợi ích của chính sách chung".

uk4

Nam tước Robertson nói rằng việc Nga đánh mất vị thế siêu cường đã bào mòn cái tôi của Tổng thống Putin

‘Cái tôi ngày càng lớn’

Nam tước Robertson nhấn mạnh rằng dù Liên Xô từng được công nhận là siêu cường quốc thứ nhì thế giới, Nga hiện nay không thể đưa ra tuyên bố tương tự.

"Tôi nghĩ điều đó phần nào bào mòn cái tôi [của ông Putin]. Thử kết hợp điều đó với việc phương Tây đôi khi yếu kém, cộng với những khiêu khích mà ông ta đã đối mặt, cũng như với cái tôi ngày càng lớn của ông ta thử xem. Tôi nghĩ điều đó đã biến con người từng muốn hợp tác với NATO thành kẻ giờ đây coi NATO là mối đe dọa".

Moscow lại nhìn vấn đề theo cách khác.

Các quan chức Nga cho rằng chính việc mở rộng sang phía đông của NATO đã làm suy yếu an ninh Châu Âu và dẫn đến chiến tranh.

Họ cáo buộc NATO phá vỡ lời hứa với Điện Kremlin, được cho là đưa ra trong những ngày cuối của Liên Xô, rằng liên minh này [NATO] sẽ không kết nạp các nước từng nằm trong quỹ đạo của Moscow.

"Chắc chắn là không có gì trên giấy tờ cả", Nam tước Robertson nói với tôi. "Không có gì được đồng thuận, không có hiệp ước nào có hiệu lực như thế. Nhưng chính ông Vladimir Putin đã ký Tuyên bố Rome vào ngày 28/5/2002. Cũng chính là tờ giấy mà tôi đã ký, trong đó thể hiện sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về toàn vẹn lãnh thổ và cam kết không can thiệp vào nước khác. Ông ta chẳng thể đổ lỗi cho ai khác được".

uk5

Đài tưởng niệm ở thị trấn Solnechnogorsk dành cho những người Nga thiệt mạng trong "chiến dịch quân sự đặc biệt"

Tại thị trấn Solnechnogorsk, cách Moscow hơn 64 km, hai năm lịch sử đầy biến động của Nga được trưng bày trong công viên.

Tôi bắt gặp những hình vẽ graffiti ủng hộ tập đoàn đánh thuê Wagner.

Có những bông hoa tưởng nhớ Alexei Navalny.

Và có một bức tranh tường lớn vẽ hai người đàn ông địa phương, là lính Nga, đã thiệt mạng ở Ukraine. Bên cạnh là một thiếu sinh quân người Nga đứng nghiêm chào.

Ở trung tâm thị trấn, tại đài tưởng niệm những người thiệt mạng trong Thế chiến II và chiến tranh Liên Xô-Afghanistan, một mục mới vừa được bổ sung :

"Dành cho những người lính đã hy sinh trong chiến dịch quân sự đặc biệt".

46 cái tên được khắc lên đá.

Tôi hỏi bà Lidiya Petrovna, khi đó đi ngang qua cùng cháu trai, rằng cuộc sống đã thay đổi ra sao sau hai năm.

"Nhà máy của chúng tôi giờ đây đang sản xuất những thứ mà chúng tôi từng mua từ nước ngoài. Điều đó thật tốt", bà Lidiya nói.

"Nhưng tôi buồn cho các chàng trai trẻ tuổi, cho mọi người, những người đã bị giết. Hẳn là chúng tôi không cần chiến tranh với phương Tây. Nhân dân chúng tôi xưa nay thấy toàn chiến tranh là chiến tranh, chiến tranh suốt cuộc đời họ".

Khi tôi nói chuyện với Marina, bà ca ngợi những người lính Nga mà bà bảo là "đang làm nhiệm vụ" ở Ukraine.

Sau đó, bà nhìn sang cậu con trai 17 tuổi Andrei và nói :

"Nhưng với tư cách là một người mẹ, tôi sợ cảnh con trai mình bị gọi đi chiến đấu. Tôi muốn hòa bình càng sớm càng tốt, để chúng tôi không phải lo sợ những gì sẽ đến vào ngày mai".

Nguồn : BBC, 23/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, RFI, VOA tiếng Việt
Read 211 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)