Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/02/2024

Điểm báo Pháp - Pháp tìm một sức bật mới cho Ukraine

RFI tiếng Việt

Pháp tìm kiếm một sức bật mới cho cuộc chiến vệ quốc của Ukraine

Khoảng 20 tổng thống, thủ tướng cùng với một số bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng họp tại Paris để " làm đảo ngược xu hướng trong cuộc chiến mà Nga đang tiến hành ở Ukraine" và cung cấp nhiều đạn dược hơn cho quân đội Kiev. Hội nghị quốc tế về Ukraine và hội chợ nông nghiệp là trung tâm chú ý của báo chí Pháp hôm nay 26/02/2024.

sucbat1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu khai mạc hội nghị hỗ trợ cho Ukraine với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Châu Âu tại điện Élysée, Paris ngày 26/02/2024. Reuters – Goonzalo Fuentes

Paris muốn chống lại xu hướng bi quan

La Croix ghi nhận " Paris đón tiếp mội hội nghị thượng đỉnh vì Ukraine và chống lại "xu hướng bi quan". Les Echos nhận thấy " Paris muốn tổ chức hỗ trợ một cách hòa hợp và quy mô", tương tự với Libération "Một hội nghị ở Élysée để "àm được nhiều hơn và tốt hơn". Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau ngày kỷ niệm hai năm Nga xâm lược Ukraine, Pháp tổ chức hội nghị đặc biệt này để hy vọng có được lời đáp cụ thể. Hầu hết khách mời đến từ Châu Âu, Hoa Kỳ chỉ có một thứ trưởng đại diện. Phải chăng đây là phương cách ý nghĩa để cho thấy Châu Âu đã nhập cuộc trong khi số viện trợ 60 tỉ đô la vẫn đang bị Quốc hội Hoa Kỳ phong tỏa ?

Élysée mong đợi đây là dịp để bày tỏ "quyết tâm" cho một "hành động chung", "một sự đoàn kết rộng rãi vượt ra ngoài cuộc họp G7" hôm thứ Bảy ở Kiev ; và tính cấp thiết trước sự hung bạo của Nga trên chiến trường. Những dấu hiệu chán nản đã xuất hiện trong những tuần lễ gần đây, một phần do bộ máy tuyên truyền của Nga gieo rắc bi quan. Một nguồn tin ở Élysée giải thích, cần phải đánh bật tư tưởng chủ bại, và hội nghị Paris là dịp báo cho Putin biết ông ta " sẽ không thắng nổi ở Ukraine". Vấn đề đạn dược là trọng tâm, các thành viên sẽ xem xét kế hoạch của Cộng hòa Czech. Nước này cho biết đã tìm được nguồn cung 800.000 quả đạn ở ngoài EU, giờ chỉ cần tìm ra 1,5 tỉ euro để mua.

Mười giàn Patriot sẽ xoay chuyển tình thế, sao Ukraine chưa thể có ?

Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua cũng đã tuyên bố chiến thắng của Ukraine tùy thuộc vào quân viện của phương Tây. Ông nhận xét " những tháng tới sẽ rất khó khăn", cho rằng Moskva chuẩn bị phản công quy mô vào cuối tháng 5 hoặc đầu mùa hè " nếu Ukraine không nhận được vũ khí, đạn dược". Riêng tại Kupiansk ở miền đông, Nga có hỏa lực mạnh gấp 7 lần.

Les Echos cho biết hôm Chủ nhật, bộ trưởng quốc phòng Ukraine Rustem Umerov nhắc nhở 50% số vũ khí cam kết không được giao đúng hạn và vì sự trễ tràng này "chúng tôi đã bị thiệt hại về người và lãnh thổ". Việc hỗ trợ gồm cả phòng không, gỡ mìn, chiến tranh mạng và huấn luyện binh sĩ. Ukraine đã ký với Anh, Đức, Pháp thỏa thuận an ninh song phương 10 năm, và mới đây thêm Canada, Ý.

Tổng thống Ukraine nhấn mạnh nếu những tháng tới nhận được 10 hệ thống chống hỏa tiễn loại Patriot để bảo vệ các trung tâm kỹ nghệ chính và bố trí gần tiền tuyến, phi cơ Nga không thể đến gần. "Mười giàn Patriot sẽ xoay chuyển hẳn tình thế, tại sao Ukraine lại chưa có được ?". 

Zelensky nhìn nhận đã có 31.000 binh sĩ Ukraine tử trận trong hai năm qua, nhưng có đến 180.000 lính Nga bỏ mạng và nửa triệu bị loại khỏi vòng chiến. Về vấn đề đàm phán với Moskva, Volodymyr Zelensky nói thẳng : "Liệu có thể nói chuyện với một người điếc, một kẻ đã sát hại những người đối lập với mình ?".

Libération nhận thấy trong cuộc họp báo hôm qua ở Kiev, tổng thống Ukraine có vẻ tươi tắn hơn hẳn so với trước. Và lần đầu tiên ông xác nhận đang thảo luận với Pháp về việc cung cấp tiêm kích Mirage 2000.

An ninh Châu Âu được quyết định tại Ukraine

Chiến tranh chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc, vậy thì giúp Ukraine làm gì ? Tranh luận tiếp tục diễn ra vào lúc cuộc chiến bước vào năm thứ ba, có bàn tay ngầm của các cơ quan tuyên truyền và bóp méo thông tin của Nga. Xã luận của Les Echos khẳng định "Giúp Ukraine cũng là giúp cho Châu Âu".

Trên thực tế, Liên Hiệp Châu Âu (EU) là nạn nhân chính về kinh tế của cuộc xâm lăng, phải chịu đựng giá năng lượng tăng vọt, ngược với các đối thủ cạnh tranh là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đồng thời phải viện trợ tài chánh và quân sự ngày càng nhiều hơn cho Ukraine, khi bên kia Đại Tây Dương phe Cộng hòa phong tỏa viện trợ một cách đáng xấu hổ. Nhưng hơn bao giờ hết, Châu Âu cần phải hỗ trợ Kiev mạnh hơn, vì Vladimir Putin không dừng lại ở đây – như ông ta đã dấn tới sau khi chiếm Crimea và tấn công Donbass. Không thể để Putin tự do tung hoành, các nước Bắc Âu, Baltic và Ba Lan là những quốc gia đầu tiên tin vào điều này.

Viện trợ cho Ukraine tốn kém rất nhiều trong khi đang cần phải dành hàng trăm tỉ euro để chuyển đổi sinh thái. Nhưng thời điểm khó khăn nhất của khủng hoảng năng lượng đã trôi qua, chuyển sang một nền kinh tế chiến tranh là sống còn để vũ trang cho Kiev, việc này cũng giúp ích cho kỹ nghệ. EU quá chậm chạm trong chi viện vũ khí, Pháp và Đức tiếp tục bất đồng về chiến lược. Bài học trong việc sản xuất vac-xin chống Covid cần được nhắc nhở, và cân nhắc đề nghị của bà Ursula von der Leyen lập ra chức ủy viên quốc phòng Châu Âu. An ninh của EU đang được quyết định tại Ukraine.

Thụy Điển " chuẩn bị chiến tranh để có hòa bình"

La Croix nhận thấy " Để sống trong hòa bình, Thụy Điển chuẩn bị chiến tranh". Hôm nay Quốc hội Hungary phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO, kết thúc câu chuyện dài lâu nay, một quyết định rất được chờ đợi nơi đất nước đã quay lưng lại với một thế kỷ không liên kết.

Tại Östersund, thành phố 65.000 dân nằm bên hồ Storsjön, một khu rừng thông và khu trượt tuyết sẽ nhường chỗ cho một đơn vị quân đội mới. Nằm ngay trung tâm đất nước, thành phố này là đầu mối đường sắt và đường bộ, sẽ được hiện đại hóa để có thể nhanh chóng vận chuyển thiết bị nặng, xe tăng và mấy chục ngàn quân nhân. Cách đó 200 kilomet là Trondheim của Na Uy, nơi có kho vũ khí quan trọng của NATO.

Năm 2014 khi Nga chiếm Crimea, ngay hôm sau Thụy Điển vốn đã giải thể hoàn toàn quân đội từ khi bức tường Berlin sụp đổ, đã tăng mạnh chi tiêu quân sự, tuyển quân, dọn dẹp các boong-ke chống bom nguyên tử và ký bản ghi nhớ với NATO. Những cuộc tập trận chung được tổ chức, quân đội áp dụng các tiêu chuẩn của đồng minh phương Tây. Và đến khi Nga xâm lăng Ukraine hôm 24/02/2024, Phần Lan và Thụy Điển đã cùng xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Ông Niklas Granholm, phó giám đốc cơ quan nghiên cứu quốc phòng cho biết trước tham vọng đế quốc của Nga, cách duy nhất để sống còn là tham gia một liên minh. Stockholm nhận định trong vài năm tới Moskva sẽ trắc nghiệm sự vững chắc của NATO. Nếu các nước Baltic hay Phần Lan bị tấn công, Thụy Điển sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến khu vực trong khi rất lệ thuộc vào thương mại hàng hải.

Chiến tranh đa diện của Moskva

Nhưng không chỉ trên chiến trường, Kiev và các đồng minh còn phải đối phó với cuộc chiến tranh đa diện của Moskva. Chiến dịch bóp méo thông tin do Sergey Kirienko, một người thân cận của Vladimir Putin chỉ huy, tốn kém rất ít nhưng lại gây tác động đáng kể. Ngay từ đầu cuộc xâm lăng, đó là khía cạnh thầm lặng của cuộc chiến, bên ngoài những trận đánh, đạn pháo, chiến hào. Đó là những vụ tấn công tin học, tung tin giả để gây hoang mang, những vụ xâm nhập của gián điệp… Một cuộc chiến tiêu hao.

Đã được tiến hành từ trước tháng 2/2022, nay cuộc chiến đa diện của Nga càng phức tạp thêm đối với các đồng minh của Kiev. Một nguồn tin quốc phòng Pháp cho biết rất khó đối phó vì phương Tây chỉ dùng đến những biện pháp dân chủ, không thể tạo ra những tin vịt như kiểu Moskva tung tin về "lính đánh thuê" Pháp ở Ukraine. Mới đây bộ trưởng quân lực Sébastien Lecornu nói rằng đã có hàng trăm vụ tấn công từ Nga. Cách đây một tháng, một hệ thống kiểm tra không lưu Nga đe dọa các phi cơ Pháp trên Hắc Hải, trong khi đang tuần tra trong không phận quốc tế.

Tấn công tin học gia tăng, một hoạt động "du kích trên mạng" thực sự, khoảng 200 vụ một tháng dưới dạng đánh cắp dữ liệu, làm săng-ta… nhắm vào nhiều nền tảng của kỹ nghệ quốc phòng và các nhà thầu phụ, nay mở rộng ra các văn phòng luật sư, kế toán… Moskva dùng cả phương tiện quy ước và công nghệ, gia tăng mạng lưới ở Châu Âu.

Dù phương Tây đã trục xuất 600 điệp viên Nga đội lốt ngoại giao, riêng ở Pháp là 50, Moskva vẫn gởi trở lại một số dưới danh tính khác. Những cơ sở hạ tầng dân sự trên biển như cáp thông tin hay hệ thống điện gió ngoài khơi thường bị tấn công nhất là ở biển Baltic. Cuộc chiến tranh thông tin ngày càng gay gắt, trong khi đáp trả của phương Tây không thể so sánh với quy mô của Nga.

Kiev phát hiện nhiều linh kiện phương Tây trong vũ khí Nga

Phóng sự của Le Figaro cho biết tại Viện Nghiên cứu Khoa học Hình sự ở Kiev, các chuyên gia thu thập những mảnh hỏa tiễn từ Nga bắn sang, thực hiện hàng loạt trắc nghiệm. Theo một cựu kỹ sư, hỏa tiễn KN-23 do Bắc Triều Tiên sản xuất kém chính xác, nhưng cũng đã sát hại 24 thường dân Ukraine hôm 30/12/2023. Hầu hết là hỏa tiễn Nga như X-101, Iskander, Kalibr. Báo cáo hôm 11/02/2024 của ủy ban Yermak-McFaul khẳng định số lượng được Nga chế tạo từ 50 đã tăng lên 115 hỏa tiễn/tháng, linh kiện Mỹ được thay bằng của Trung Quốc tệ hơn nhưng vẫn đủ để giết người.

Sau khi xem xét 2.800 linh kiện trong các drone, hỏa tiễn, xe cộ Nga, Kiev nhận thấy có đến 94% liên quan đến những nước đã cấm vận Moskva. Do toàn cầu hóa, khó thể kiểm soát được đường đi của những linh kiện này. Chẳng hạn công ty Mỹ Analog Devices có đến 75% sản lượng được làm tại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines. Đến 86,2% số linh kiện Nga nhập vào đã đi vòng sang Trung Quốc (38,9%), Hồng Kông (18,1%), Thổ Nhĩ Kỳ (8,4%). Những thương vụ này rất béo bở vì giá đội lên gấp hai, ba lần. Theo Kyiv School of Economics, trong năm 2023 Moskva đã nhập khẩu 22,23 tỉ đô la linh kiện. Đại diện một tổ chức phi chính phủ Ukraine nhận định Bruxelles còn thiếu một bộ phận phụ trách theo dõi việc áp dụng cấm vận. Như tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói tại Hội nghị Munich hôm 17/02 : "Đừng hỏi Ukraine bao giờ chiến tranh kết thúc, mà hãy tự hỏi tại sao Putin vẫn còn tiến hành được".

"Hai mươi ngày ở Mariupol" được đề cử Oscar

Trên lãnh vực văn hóa, Le Monde giới thiệu bộ phim tài liệu của Mstylav Chernov và Evgeny Maloletka, nhà báo người Ukraine làm việc cho hãng AP. Đó là đại diện báo chí quốc tế duy nhất ở lại thành phố miền nam Ukraine sau khi quân Nga chiếm, những hình ảnh hiếm hoi về cuộc phong tỏa Mariupol có được là nhờ họ. Trong 20 ngày, hai phóng viên ghi lại thảm cảnh của cư dân bị cắt rời khỏi thế giới, không điện thoại, điện nước, sưởi, thực phẩm, bị oanh tạc dữ dội. Phim "Hai mươi ngày ở Mariupol" đã được đề cử Oscar, được trình chiếu trên truyền hình Pháp, một phim tài liệu đã đi vào lịch sử.

Đa số hình ảnh trong phim đã nổi tiếng khắp thế giới, trong số đó có vụ oanh tạc bệnh viện phụ sản thành phố. Một sản phụ bị thương được chuyển đến bằng băng-ca ngang qua đống gạch vụn, cả hai mẹ con đều không sống sót. Phim cũng cho thấy tội ác chiến tranh này đã bị tuyên truyền Nga bóp méo như thế nào, nạn nhân bị gọi là "diễn viên đóng kịch". Bị Moskva đe dọa, hai nhà báo được quân đội Ukraine giúp chạy thoát trong đường tơ kẽ tóc, bệnh viện nơi họ trú ẩn rơi vào tay quân Nga. Mariupol chỉ còn là một thành phố hoang tàn đầy những bóng ma. Cảnh cuối của phim là cờ Nga phấp phới trên một tòa nhà bị cháy xém. Theo chính quyền Ukraine, cuộc vây hãm kéo dài 86 ngày đã làm ít nhất 25.000 người chết.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 191 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)