Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/03/2024

Xung đột Nga – Ukraine, Liên Âu chuẩn bị chuyển sang kinh tế chiến tranh ?

RFI tổng hợp

Liên Hiệp Châu Âu đẩy mạnh mua sắm và chế tạo vũ khí

Anh Vũ, RFI, 05/03/2024

Sau hai năm chiến tranh tại Ukraine và trước mối đe dọa của Nga, Liên Hiệp Châu Âu buộc phải tăng cường khả năng quốc phòng. Hôm nay, 05/03/2024, Ủy Ban Châu Âu công bố đề xuất chương trình mua sắm vũ khí chung cho 27 nước thành viên, cũng như nhiều biện pháp mới để tăng cường năng lực cho các nhà công nghiệp chế tạo vũ khí của Liên Âu. 

lienau1

Ủy viên Châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton trình bày kế hoạch đẩy mạnh mua sắm vũ khí, Bruxelles, Bỉ, ngày 05/03/2024. Reuters - Yves Herman

Thông tín viên RFI tại Bruxelles Pierre Benazet tường trình :

Liên Hiệp Châu Âu đã triển khai hai công cụ, một để mua chung vũ khí thông qua các hợp đồng đầu tư công và một để hỗ trợ sản xuất đạn dược. Tuy nhiên, cả hai chương trình này, được khởi động từ năm ngoái, chủ yếu nhằm giúp các nước trong Liên Âu hậu thuẫn cho Ukraine, ví dụ như thay thế kho vũ khí đạn dược.

Trong chương trình công nghiệp được công bố hôm nay, Ủy Ban Châu Âu đề xuất hợp nhất hai công cụ nói trên và bảo đảm tính lâu bền của chương trình.

Từ giờ trở đi, 27 nước thành viên muốn nhìn về lâu dài và sửa chữa những khiếm khuyết trong ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Âu do 30 năm ảo tưởng về nền hòa bình sau khi Liên Xô sụp đổ hồi đầu những năm 1990.

Theo ủy viên Châu Âu phụ trách chương trình, ông Thierry Breton, "cần phải chuyển qua nền kinh tế chiến tranh, một phần để giúp Ukraine, một phần để bảo đảm an ninh cho Liên Hiệp Châu Âu".

Châu Âu cần khoảng một trăm tỷ euro trong 5 năm tới với mục tiêu đạt 40% các khoản mua sắm vũ khí chung. Phải bảo đảm cho các nhà công nghiệp chế tạo vũ khí rằng các đơn hàng sẽ có đủ cho nhiều thập kỷ tới.

Anh Vũ

***************************

Lộ tin mật quân sự của Đức : Berlin tố cáo Nga mở chiến tranh thông tin

Chi Phương, RFI, 04/03/2024

Hôm 03/03/2024, bộ trưởng quốc phòng Đức đã cáo buộc tổng thống Nga tìm cách gây bất ổn chia rẽ nội bộ, mở một "cuộc chiến tranh thông tin", tiết lộ nội dung một cuộc họp trực tuyến giữa các sĩ quan Đức về việc chuyển giao vũ khí cho Kiev.

lienau2

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trả lời báo chí vụ lộ tin quân sự về cấp vũ khí cho Ukraine, Berlin, Đức, ngày 03/03/2024. AP - Michael Kappeler

Hôm 01/03/2023, đoạn hội thoại dài hơn 30 phút giữa các quan chức quân sự cấp cao của Đức trong một cuộc họp trực tuyến đã được đăng tải từ Nga và loan truyền trên các mạng xã hội. Nội dung của đoạn hội thoại bị Nga nghe lén nói về khả năng chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus do Đức sản xuất cho Kiev, và những điều cần thiết để lực lượng Ukraine sử dụng loại vũ khí này. Ví dụ như làm sao Kiev có thể phá hủy cầu Crimée, hay Anh và Pháp đã chuyển giao tên lửa Scalp cho Ukraine như thế nào. 

Vụ việc không chỉ khiến quân đội Đức bị chỉ trích vì thiếu các biện pháp bảo mật, mà còn vì lập trường do dự của liên minh cầm quyền đối với việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Cho đến nay, thủ tướng Olaf Scholz vẫn công khai từ chối chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev. Hôm qua, bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius tố cáo cuộc chiến thông tin mà Putin đang tiến hành "rõ ràng là nhằm mục đích phá hoại sự đoàn kết (...), gây chia rẽ nội bộ và tôi hy vọng rằng Putin sẽ không thành công".

Về vụ này, sáng hôm nay, 04/03, Nga đã triệu đại sứ Đức tại Moskva. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov đã lên án phương Tây "cùng nhau can dự trực tiếp" vào cuộc chiến ở Ukraine, và đoạn băng ghi âm chỉ rõ "quân đội Đức đã thảo luận chi tiết và cụ thể các kế hoạch tấn công vào lãnh thổ của Nga".

Chi Phương

***************************

Châu Âu thức tỉnh sau khi bị Trump đe dọa bỏ mặc đối phó với Nga ?

Thu Hằng, RFI, 14/02/2024

Đối với tình báo Nga, Châu Âu hiện giờ bị suy yếu. Các nước Châu Âu thành viên NATO không dành đủ 2% GDP cho quốc phòng sẽ không được Hoa Kỳ hỗ trợ nếu bị Nga tấn công, trong trường hợp Donald Trump đắc cử tổng thống. Cho dù nhiều nhà ngoại giao Châu Âu khẳng định không nên xét nét từng câu chữ trong phát biểu vận động tranh cử nhưng lời đe dọa của cựu tổng thống Mỹ khiến Châu Âu sực tỉnh.

lienau3

Tướng Christopher Cavoli tổng tư lệnh NATO tại Bruxelles hôm 18/01/2024. AP - Virginia Mayo

Châu Âu đã quá tự tin rằng ổn định đã được tái lập sau nhiều thập niên hòa bình và ưu tiên phát triển kinh tế, lơ là mặt quốc phòng. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 là lời cảnh báo lớn đầu tiên nhưng các nước vẫn tiếp tục cắt giảm ngân sách quốc phòng. Phải mất hai năm, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine tháng 02/2022, Châu Âu mới sực tỉnh. Hòa bình không còn được bảo đảm. Tất cả các nước Châu Âu, thành viên NATO, đều chưa sẵn sàng chống trả một cuộc tấn công dù có mạng lưới phòng thủ chung và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ về mặt quốc phòng

Trả lời đài truyền hình Pháp BFMTV ngày 13/02, tướng Jérôme Pellistrandi nhận định "hiện giờ, Châu Âu còn phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ về mặt quốc phòng". Là cường quốc lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ "chiếm gần nửa năng lực quân sự của NATO" và "nằm trong số những nước đóng góp nhiều nhất cho hoạt động của NATO". Ngoài ra, Hoa Kỳ còn "khả năng phân tích và tình báo mà các nước đồng minh không thể thay thế. Mỹ là tai mắt của Châu Âu".

Lời đe dọa của cựu tổng thống Trump buộc các nước Châu Âu hình dung ra một tương lai có thể không còn lá chắn Mỹ. Thực ra, từ hai năm gần đây, Châu Âu đã chủ trương tăng ngân sách quốc phòng, với chỉ tiêu 2% GDP cho quốc phòng trở thành mức sàn, chứ không còn là mức trần. Tuy nhiên, tham vọng tự chủ chiến lược Châu Âu, được Pháp khởi xướng, vẫn chật vật phát triển. Châu Âu đã lập một Quỹ quốc phòng chung đầu tiên, nhưng ít được đóng góp. Đa số các nước Đông và Nam Âu vẫn cho là có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Washington thông qua việc mua trang thiết bị quân sự Mỹ.

Chiến tranh do Nga phát động ở Ukraine cùng với "sự giao động giữa đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ ở Mỹ" buộc Châu Âu cân nhắc để tránh quá bị phụ thuộc vào Washington. Pháp và Đức đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng sau khi Nga phát động chiến tranh ở Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc đến "nền kinh tế chiến tranh". Thụy Điển tái khởi động nghĩa vụ quân sự. Ba Lan đầu tư 3,9% GDP cho quốc phòng. Trong cuộc họp Tam giác Weimar, Pháp, Đức và Ba Lan đều kêu gọi tăng cường phòng thủ Châu Âu.

Châu Âu cần phát triển tự chủ quốc phòng trong khuôn khổ NATO

Trả lời kênh truyền hình Quốc hội Pháp Public Sénat, tướng Dominique Trinquand lưu ý rằng "3/4 các nước Châu Âu thành viên NATO không muốn Hoa Kỳ rút khỏi khối. Tuy nhiên, cần phải tái vũ trang, cơ cấu lại và chuẩn bị để Châu Âu thành trụ cột của NATO". Châu Âu cần tự chủ quốc phòng, nhưng "cần phải phát triển trong khuôn khổ tổ chức NATO".

Thực vậy, đối với Châu Âu, Nga trở thành "mối đe dọa trong 5 hoặc 6 năm tới". Phương Tây đã đánh giá sai năng lực của Nga khi đánh cược vào việc Nga bị hụt hơi, nhưng giờ đã hiểu rằng Nga huy động được mọi phương tiện để sản xuất nhiều hơn, sẵn sàng mua vũ khí của Iran và Bắc Triều Tiên. Nhà phân tích địa chính trị Louis Duclos cảnh báo "về lâu dài, Nga có sức để gia tăng sản xuất" và có thể phục hồi nhanh chóng sau khi kết thúc chiến tranh Ukraine.

Trong trường hợp Nga giành chiến thắng ở Ukraine, tổng thống Putin có thể sẽ tính đến những tham vọng lớn hơn, kể cả một cuộc tấn công vào một nước thành viên NATO, trong khi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương vẫn lo ngại đối đầu trực diện với Moskva. Một giả thuyết được Louis Duclos nhắc đến, là nguy cơ ông Trump được bầu làm tổng thống, rút khỏi NATO như đe dọa, đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình với Nga thì nạn nhân tiếp theo sẽ là Châu Âu. Viễn cảnh ảm đạm này từng được tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo khi cho rằng các nước Châu Âu sẽ nằm trong danh sách mục tiêu tiếp theo của Nga trong trường hợp Ukraine thất bại.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Chi Phương, Thu Hằng
Read 231 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)