Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liên Hiệp Châu Âu đẩy mạnh mua sắm và chế tạo vũ khí

Anh Vũ, RFI, 05/03/2024

Sau hai năm chiến tranh tại Ukraine và trước mối đe dọa của Nga, Liên Hiệp Châu Âu buộc phải tăng cường khả năng quốc phòng. Hôm nay, 05/03/2024, Ủy Ban Châu Âu công bố đề xuất chương trình mua sắm vũ khí chung cho 27 nước thành viên, cũng như nhiều biện pháp mới để tăng cường năng lực cho các nhà công nghiệp chế tạo vũ khí của Liên Âu. 

lienau1

Ủy viên Châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton trình bày kế hoạch đẩy mạnh mua sắm vũ khí, Bruxelles, Bỉ, ngày 05/03/2024. Reuters - Yves Herman

Thông tín viên RFI tại Bruxelles Pierre Benazet tường trình :

Liên Hiệp Châu Âu đã triển khai hai công cụ, một để mua chung vũ khí thông qua các hợp đồng đầu tư công và một để hỗ trợ sản xuất đạn dược. Tuy nhiên, cả hai chương trình này, được khởi động từ năm ngoái, chủ yếu nhằm giúp các nước trong Liên Âu hậu thuẫn cho Ukraine, ví dụ như thay thế kho vũ khí đạn dược.

Trong chương trình công nghiệp được công bố hôm nay, Ủy Ban Châu Âu đề xuất hợp nhất hai công cụ nói trên và bảo đảm tính lâu bền của chương trình.

Từ giờ trở đi, 27 nước thành viên muốn nhìn về lâu dài và sửa chữa những khiếm khuyết trong ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Âu do 30 năm ảo tưởng về nền hòa bình sau khi Liên Xô sụp đổ hồi đầu những năm 1990.

Theo ủy viên Châu Âu phụ trách chương trình, ông Thierry Breton, "cần phải chuyển qua nền kinh tế chiến tranh, một phần để giúp Ukraine, một phần để bảo đảm an ninh cho Liên Hiệp Châu Âu".

Châu Âu cần khoảng một trăm tỷ euro trong 5 năm tới với mục tiêu đạt 40% các khoản mua sắm vũ khí chung. Phải bảo đảm cho các nhà công nghiệp chế tạo vũ khí rằng các đơn hàng sẽ có đủ cho nhiều thập kỷ tới.

Anh Vũ

***************************

Lộ tin mật quân sự của Đức : Berlin tố cáo Nga mở chiến tranh thông tin

Chi Phương, RFI, 04/03/2024

Hôm 03/03/2024, bộ trưởng quốc phòng Đức đã cáo buộc tổng thống Nga tìm cách gây bất ổn chia rẽ nội bộ, mở một "cuộc chiến tranh thông tin", tiết lộ nội dung một cuộc họp trực tuyến giữa các sĩ quan Đức về việc chuyển giao vũ khí cho Kiev.

lienau2

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trả lời báo chí vụ lộ tin quân sự về cấp vũ khí cho Ukraine, Berlin, Đức, ngày 03/03/2024. AP - Michael Kappeler

Hôm 01/03/2023, đoạn hội thoại dài hơn 30 phút giữa các quan chức quân sự cấp cao của Đức trong một cuộc họp trực tuyến đã được đăng tải từ Nga và loan truyền trên các mạng xã hội. Nội dung của đoạn hội thoại bị Nga nghe lén nói về khả năng chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus do Đức sản xuất cho Kiev, và những điều cần thiết để lực lượng Ukraine sử dụng loại vũ khí này. Ví dụ như làm sao Kiev có thể phá hủy cầu Crimée, hay Anh và Pháp đã chuyển giao tên lửa Scalp cho Ukraine như thế nào. 

Vụ việc không chỉ khiến quân đội Đức bị chỉ trích vì thiếu các biện pháp bảo mật, mà còn vì lập trường do dự của liên minh cầm quyền đối với việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Cho đến nay, thủ tướng Olaf Scholz vẫn công khai từ chối chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev. Hôm qua, bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius tố cáo cuộc chiến thông tin mà Putin đang tiến hành "rõ ràng là nhằm mục đích phá hoại sự đoàn kết (...), gây chia rẽ nội bộ và tôi hy vọng rằng Putin sẽ không thành công".

Về vụ này, sáng hôm nay, 04/03, Nga đã triệu đại sứ Đức tại Moskva. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov đã lên án phương Tây "cùng nhau can dự trực tiếp" vào cuộc chiến ở Ukraine, và đoạn băng ghi âm chỉ rõ "quân đội Đức đã thảo luận chi tiết và cụ thể các kế hoạch tấn công vào lãnh thổ của Nga".

Chi Phương

***************************

Châu Âu thức tỉnh sau khi bị Trump đe dọa bỏ mặc đối phó với Nga ?

Thu Hằng, RFI, 14/02/2024

Đối với tình báo Nga, Châu Âu hiện giờ bị suy yếu. Các nước Châu Âu thành viên NATO không dành đủ 2% GDP cho quốc phòng sẽ không được Hoa Kỳ hỗ trợ nếu bị Nga tấn công, trong trường hợp Donald Trump đắc cử tổng thống. Cho dù nhiều nhà ngoại giao Châu Âu khẳng định không nên xét nét từng câu chữ trong phát biểu vận động tranh cử nhưng lời đe dọa của cựu tổng thống Mỹ khiến Châu Âu sực tỉnh.

lienau3

Tướng Christopher Cavoli tổng tư lệnh NATO tại Bruxelles hôm 18/01/2024. AP - Virginia Mayo

Châu Âu đã quá tự tin rằng ổn định đã được tái lập sau nhiều thập niên hòa bình và ưu tiên phát triển kinh tế, lơ là mặt quốc phòng. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 là lời cảnh báo lớn đầu tiên nhưng các nước vẫn tiếp tục cắt giảm ngân sách quốc phòng. Phải mất hai năm, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine tháng 02/2022, Châu Âu mới sực tỉnh. Hòa bình không còn được bảo đảm. Tất cả các nước Châu Âu, thành viên NATO, đều chưa sẵn sàng chống trả một cuộc tấn công dù có mạng lưới phòng thủ chung và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ về mặt quốc phòng

Trả lời đài truyền hình Pháp BFMTV ngày 13/02, tướng Jérôme Pellistrandi nhận định "hiện giờ, Châu Âu còn phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ về mặt quốc phòng". Là cường quốc lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ "chiếm gần nửa năng lực quân sự của NATO" và "nằm trong số những nước đóng góp nhiều nhất cho hoạt động của NATO". Ngoài ra, Hoa Kỳ còn "khả năng phân tích và tình báo mà các nước đồng minh không thể thay thế. Mỹ là tai mắt của Châu Âu".

Lời đe dọa của cựu tổng thống Trump buộc các nước Châu Âu hình dung ra một tương lai có thể không còn lá chắn Mỹ. Thực ra, từ hai năm gần đây, Châu Âu đã chủ trương tăng ngân sách quốc phòng, với chỉ tiêu 2% GDP cho quốc phòng trở thành mức sàn, chứ không còn là mức trần. Tuy nhiên, tham vọng tự chủ chiến lược Châu Âu, được Pháp khởi xướng, vẫn chật vật phát triển. Châu Âu đã lập một Quỹ quốc phòng chung đầu tiên, nhưng ít được đóng góp. Đa số các nước Đông và Nam Âu vẫn cho là có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Washington thông qua việc mua trang thiết bị quân sự Mỹ.

Chiến tranh do Nga phát động ở Ukraine cùng với "sự giao động giữa đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ ở Mỹ" buộc Châu Âu cân nhắc để tránh quá bị phụ thuộc vào Washington. Pháp và Đức đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng sau khi Nga phát động chiến tranh ở Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc đến "nền kinh tế chiến tranh". Thụy Điển tái khởi động nghĩa vụ quân sự. Ba Lan đầu tư 3,9% GDP cho quốc phòng. Trong cuộc họp Tam giác Weimar, Pháp, Đức và Ba Lan đều kêu gọi tăng cường phòng thủ Châu Âu.

Châu Âu cần phát triển tự chủ quốc phòng trong khuôn khổ NATO

Trả lời kênh truyền hình Quốc hội Pháp Public Sénat, tướng Dominique Trinquand lưu ý rằng "3/4 các nước Châu Âu thành viên NATO không muốn Hoa Kỳ rút khỏi khối. Tuy nhiên, cần phải tái vũ trang, cơ cấu lại và chuẩn bị để Châu Âu thành trụ cột của NATO". Châu Âu cần tự chủ quốc phòng, nhưng "cần phải phát triển trong khuôn khổ tổ chức NATO".

Thực vậy, đối với Châu Âu, Nga trở thành "mối đe dọa trong 5 hoặc 6 năm tới". Phương Tây đã đánh giá sai năng lực của Nga khi đánh cược vào việc Nga bị hụt hơi, nhưng giờ đã hiểu rằng Nga huy động được mọi phương tiện để sản xuất nhiều hơn, sẵn sàng mua vũ khí của Iran và Bắc Triều Tiên. Nhà phân tích địa chính trị Louis Duclos cảnh báo "về lâu dài, Nga có sức để gia tăng sản xuất" và có thể phục hồi nhanh chóng sau khi kết thúc chiến tranh Ukraine.

Trong trường hợp Nga giành chiến thắng ở Ukraine, tổng thống Putin có thể sẽ tính đến những tham vọng lớn hơn, kể cả một cuộc tấn công vào một nước thành viên NATO, trong khi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương vẫn lo ngại đối đầu trực diện với Moskva. Một giả thuyết được Louis Duclos nhắc đến, là nguy cơ ông Trump được bầu làm tổng thống, rút khỏi NATO như đe dọa, đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình với Nga thì nạn nhân tiếp theo sẽ là Châu Âu. Viễn cảnh ảm đạm này từng được tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo khi cho rằng các nước Châu Âu sẽ nằm trong danh sách mục tiêu tiếp theo của Nga trong trường hợp Ukraine thất bại.

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Anh Vũ, Chi Phương, Thu Hằng
Published in Quốc tế

Hà Lan trở thành quốc gia thứ bảy ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine

Minh Phương, RFI, 02/03/2024

Ngày 01/03/2024, Hà Lan đã ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine tại thành phố Kharkiv, đồng thời cam kết sẽ tham gia đóng góp vào kế hoạch mua 800.000 quả đạn pháo giúp Kiev ngăn chặn lực lượng Nga.

halan1

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bất ngờ đến thăm quân đội Ukraine tại Kharkiv, miền đông Ukraine, ngày 01/03/2024. © AP - Ukrainian Presidential Press Office

Theo Reuters, thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã có cuộc gặp với tổng thống Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ tới Kharkiv, chỉ cách biên giới Nga 40 km, và trở thành nhà lãnh đạo phương Tây thứ bảy ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine trong vòng hai tháng qua. Thỏa thuận đã xác định các lĩnh vực ưu tiên viện trợ mà Hà Lan dành cho Ukraine, bao gồm phòng không, pháo binh, hải quân và nhấn mạnh đến việc tăng cường không quân cho Kiev.

Trong cuộc họp báo sau chuyến thăm, thủ tướng Hà Lan tuyên bố rằng Amsterdam sẽ góp 150 triệu euro vào sáng kiến mua 800.000 quả đạn pháo viện trợ cho Kiev do Cộng hòa Czech khởi xướng. Như vậy, tổng số tiền huy động được cho sáng kiến lên thành 250 triệu euro.

Phát biểu trong Hội nghị An ninh Munich vào tháng 02, Cộng hòa Czech cho biết đã nhận được 500.000 đạn pháo 155 mm và 300.000 viên đạn 122 mm từ nhiều nước thứ ba. Số đạn này có thể được chuyển đến Ukraine trong vài tuần nếu nguồn tài trợ được đảm bảo.

Về tình hình tại chỗ, không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ 14 drone Shahed của Nga tại các tỉnh Odessa, Mykolaiv, Zaporizhia, Kharkiv, Sumy và Dnipropetrovsk. Cũng theo lực lượng này, từ đêm qua đến rạng sáng nay 02/03, Nga đã tiến hành tổng cộng 17 cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine.

"Tình hình Ukraine" sẽ được tổng thống Emmanuel Macron đề cập với những người đứng đầu các chính đảng tại Pháp. Cuộc họp được dự kiến tổ chức tại điện Élysée vào sáng 07/03. 

Minh Phương

*****************************

Tổng thống Zelensky ký thỏa thuận bảo đảm an ninh cho Ukraine với Đức và Pháp

Thu Hằng, RFI, 16/02/2024

Đức và Pháp lần lượt ký thỏa thuận bảo đảm an ninh cho Ukraine trong khuôn khổ chuyến công du Berlin và Paris của tổng thống Zelensky ngày 16/02/2024. Sự hỗ trợ quân sự của hai cường quốc Châu Âu có ý nghĩa quan trọng đối với Kiev trong bối cảnh Hạ Viện Mỹ chặn nguồn viện trợ cho Ukraine đối phó với cuộc chiến sắp bước sang năm thứ ba.

halan2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy tại Berlin, ngày 16/02/2024. Reuters – Fabrizio Bensch

Theo thông cáo của phủ thủ tướng Đức, được Reuters trích dẫn, tổng thống Volodymyr Zelensky gặp thủ tướng Olaf Scholz tại Berlin vào sáng nay, 16/02 và ký "một thỏa thuận song phương về bảo đảm an ninh và hỗ trợ lâu dài" cho Ukraine. Sau cuộc họp báo chung, tổng thống Ukraine gặp đồng nhiệm Đức Frank-Walter Steinmeier.

Sau đó, ông Zelensky sang Paris hội đàm với tổng thống Pháp. Điện Elysée cho biết ông Emmanuel Macron "tái khẳng định quyết tâm của Pháp, trong dài hạn và cùng với các đối tác, tiếp tục bền bỉ hỗ trợ Ukraine và nhân dân Ukraine". Nội dung chi tiết của thỏa thuận sẽ được công bố trong buổi họp báo chung giữa nguyên thủ hai nước.

Thỏa thuận với Pháp được cho là tập trung vào viện trợ nhân đạo và tài chính về lâu dài, giúp tái thiết và hỗ trợ quân sự. Theo hai nhà ngoại giao nắm rõ hồ sơ, Pháp dự trù ngân sách 200 triệu euro cho các dự án dân sự do các doanh nghiệp Pháp thực hiện. Thỏa thuận có thể sẽ không có những cam kết tài chính đặc biệt liên quan đến việc giao vũ khí cho Kiev, do phải được Quốc hội Pháp thông qua.

Sau Berlin và Paris, tổng thống Ukraine đến Munich tham dự Hội nghị An ninh và dự kiến phát biểu ngày 17/02. Đức và Pháp là hai nước tiếp theo, sau Anh Quốc, ký thỏa thuận bảo đảm an ninh với Kiev. Ukraine rất cần hỗ trợ từ các đồng minh để có phương tiện đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga, cũng như cuộc "giao tranh ác liệt" trong thành phố Avdiika, ở miền đông Ukraine.

Ngày 16/02, một sĩ quan cao cấp Ukraine cho biết quân Ukraine "dồn toàn sức lực và phương tiện để kìm chân kẻ thù" và lập những vị trí phòng thủ mới quanh Avdiika. Phía Ukraine dự kiến khả năng rút quân trong trường trượng hợp bị Nga tấn công ồ ạt. Trước đó, tổng thống Zelensky khẳng định Kiev làm "mọi việc có thể" để cứu các toán quân đang vất vả chiến đấu ở mặt trận miền đông, đặc biệt là ở Avdiika.

Thu Hằng

**************************

Thỏa thuận hỗ trợ an ninh "chưa từng có" giữa Anh và Ukraine

Trọng Thành, RFI, 13/01/2024

Thủ tướng Anh Rishi Sunak có chuyến công du bất ngờ đến Ukraine. Hôm 12/01/2024, lãnh đạo hai bên đã ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh. Luân Đôn cam kết hỗ trợ an ninh Ukraine trong 10 năm, sẵn sàng ứng phó khẩn cấp giúp Kiev chống xâm lược, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.

halan3

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Kiev, Ukraine, ngày 12/01/2024. © Reuters

Luân Đôn cam kết sẽ nâng viện trợ quân sự cho Kiev lên 2,5 tỉ bảng Anh trong 2 năm tới. Thủ tướng Anh kêu gọi phương Tây duy trì hỗ trợ Ukraine, đồng thời cảnh báo "nếu tổng thống Nga chiến thắng tại Ukraine, ông ta sẽ không dừng ở đó".

Thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev cho biết thêm :

"Đây chưa phải là một cuộc chiến tranh Crimea, như chiến tranh Crimea thế kỷ 19, với việc Vương Quốc Anh đối đầu với đế quốc Nga, nhưng việc ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh song phương giữa Anh và Ukraine vào ngày thứ Sáu 12/01/2024 tại Kiev là "một sự kiện lịch sử, không hề cường điệu khi nói như vậy", như lời của Ihor Jovka, một cố vấn thân cận của tổng thống Volodymyr Zelensky.

"Điều này trước hết có nghĩa tăng cường hỗ trợ an ninh, vũ khí chống tăng, tên lửa, hàng trăm ngàn đạn pháo mới và huấn luyện hàng nghìn binh sĩ Ukraine", theo thủ tướng Anh Rishi Sunak, người đã được hoan nghênh nhiệt liệt tại Quốc hội Ukraine, sau khi giương quốc kỳ Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland, với chữ ký của tất cả các thành viên nội các.

Đây là lần đầu tiên một quốc gia ký kết với Ukraine một thỏa thuận an ninh tương hỗ như vậy : văn bản này bảo đảm rằng trong trường hợp bị xâm lược hoặc tình hình hiện tại trở nên tồi tệ hơn, Vương quốc Anh cam kết phối hợp ứng phó khẩn cấp trong vòng 24 giờ.

Ứng phó này, nếu cần, sẽ bao gồm việc chuyển giao ngay lập tức và một cách tự động, các thiết bị quân sự cả trên bộ, trên biển hoặc trên không mà không cần yêu cầu trước. Ngay lập tức, ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tuyên bố mọi hành động triển khai quân đội Anh ở Ukraine sẽ bị coi là lời tuyên chiến của Luân Đôn chống Moskva".

Tân ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné hôm nay có cuộc họp báo với đồng nhiệm Ukraine, Dmytro Kuleba, tại Kiev. Lãnh đạo ngoại giao Pháp khẳng định "Ukraine tiếp tục là ưu tiên của nước Pháp", "bất chấp các khủng hoảng liên tiếp". Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ngoại trưởng Séjourné.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Minh Phương, Thu Hằng
Published in Quốc tế

Tổng thống Pháp Macron có quá vội vã khi không loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraine ?

Tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron về việc Pháp không loại trừ khả năng điều quân hỗ trợ Ukraine chống Nga trong tương lai là chủ đề được các tờ báo Paris quan tâm nhất hôm nay 28/02/2024.

dieuquan1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo tại điện Elysée ở Paris, Pháp, ngày 26/02/2024. AFP – Gonzalo Fuentes

Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro nhận định chủ nhân điện Elysée dường như đã quá vội vã và mạo hiểm với tuyên bố của mình. Tại Châu Âu, Macron là một trong những nhà lãnh đạo không ngừng lên tiếng phải tìm cách hòa dịu với Vladimir Putin, giờ đây là người đầu tiên nghĩ đến chuyện "động binh" hỗ trợ Ukraine chống Nga. Lập trường của tổng thống Pháp khiến ông rơi vào thế bị cô lập, khi các đối tác Châu Âu nhận định giả thuyết này "chưa hề được tính đến".

Nhật báo thiên hữu đặt câu hỏi, Emmanuel Macron đang có dụng ý gì khi "khoác lên người bộ quân phục" ? Không lẽ ông định dọa nạt Putin ? Bởi Le Figaro nhận định tất cả những lời cảnh báo mang tính răn đe hoàn toàn không lay chuyển được chủ nhân điện Kremlin và cho rằng xu hướng tự chủ chiến lược tại lục địa già mà Emmanuel Macron luôn muốn đạt được sẽ không nhận được sự ủng hộ của các đồng minh nếu viễn cảnh duy nhất được vạch ra là một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Bài xã luận tỏ ra băn khoăn khi nhận định tổng thống Macron dường như đang tìm cách khiến dư luận "quên đi" những vấn đề trong nước sau cuộc cải tổ nội các "rùm beng" và khủng hoảng nông nghiệp vừa qua. Le Figaro kết luận việc chủ nhân điện Elysée khoác lên người chiếc áo của tổng tư lệnh quân đội để đương đầu với Putin sẽ chỉ là "lời nói không đi kèm hành động".

Emmanuel Macron dường như "biết mình đang làm gì"

Tờ Libération cũng dành trang nhất và bài xã luận nói về tuyên bố của Emmanuel Macron trong hồ sơ Ukraine. Bất kể mục đích của tổng thống Pháp sau bài phát biểu hôm 26/02 là gì, nhật báo thiên tả không thể phủ nhận Paris dường như đang thực sự thay đổi lập trường với Moskva. Chiến tranh bước sang năm thứ ba hôm thứ Bảy vừa qua đi kèm với cuộc phản công thất bại của quân đội Ukraine vào năm ngoái dường như đã khiến tổng thống Macron có những "tính toán" như trên. Bởi nếu phương Tây cung cấp đủ lượng vũ khí cần thiết mà Ukraine muốn nhận được, cuộc phản công của Kiev có thể đã thành công và Vladimir Putin sẽ không cơ hội để tự mãn. Cái chết của Alexei Navalny cũng là một cú sốc đối với phương Tây. Mặc dù hy vọng chứng kiến nhà đối lập Nga được trả tự do hết sức mong manh, song cái chết của ông vẫn thể hiện cho sự tàn bạo và chủ nghĩa "không từ thủ đoạn nào" của chế độ Nga. Không gì có thể ngăn cản được Putin, và hiển nhiên không phải những "lời dỗ ngon dỗ ngọt" của Emmanuel Macron lúc mới nổ ra xung đột.

Chủ nhân điện Elysée đã ngộ ra điều này sau nhiều cuộc tấn công mạng của Nga nhắm vào Pháp. Thông qua Ukraine, Vladimir Putin thực sự đang nhắm tới toàn bộ Châu Âu. Và mối đe dọa này càng trở nên rõ rệt khi ở bên kia Đại Tây Dương, viễn cảnh Donald Trump trở lại Nhà Trắng đang dần trở thành hiện thực, cùng với đó là tư tưởng thân Nga và chống Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tất cả những sự kiện này diễn ra chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu trong bối cảnh phe cực hữu sẵn sàng kết thân với tổng thống Nga đang trỗi dậy ở khắp châu lục. Libération nhận định phát biểu của nguyên thủ Pháp chỉ là hành động mang tính tượng trưng nhằm mục đích răn đe. Paris sẽ không điều binh sĩ ra chiến trường khi các đồng minh Châu Âu và Hoa Kỳ đều đã lên tiếng phản đối ý tưởng này. Tuy nhiên, điều này có thể thúc đẩy việc đào tạo quân nhân và bảo trì các thiết bị quân sự. Lịch sử sẽ chứng minh Emmanuel Macron có phải là một nhà ngoại giao vĩ đại hay không.

Ưu tiên của Châu Âu là đoàn kết với Ukraine

Giống với Libération, trang nhất và bài xã luận của tờ La Croix cũng không chỉ trích phát biểu của Emmanuel Macron. Tuyên bố này đã gây chấn động dư luận và ai cũng hiểu điều đó. Giả thuyết về một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga, một cường quốc hạt nhân hung hăng tột độ khiến cả Châu Âu lo lắng, song nhật báo công giáo cho rằng tuyên bố của tổng thống Pháp cần phải được đặt trong bối cảnh lúc diễn ra cuộc họp ngày 26/02.

Nhận thấy những khó khăn của Ukraine trên chiến trường, các nhà lãnh đạo tập trung tại điện Elysée đã quyết định tăng cường những hỗ trợ dành cho Kiev. Trong một số trường hợp, nhiều nước sẽ cử quân nhân ra chiến trường, nhưng không phải là lực lượng chiến đấu. Các quốc gia sẽ đưa ra những quyết định riêng lẻ, chứ không phải ở cấp độ NATO hay Liên Hiệp Châu Âu (EU). Chẳng hạn như Ba Lan đã gửi máy rà phá bom mìn tới khu vực Kiev. Đức, Ý và Tây Ban Nha dường như không có chung lập trường với cách tiếp cận vấn đề của Pháp. Mặt khác, Luân Đôn đã ngầm hưởng ứng quan điểm của Paris khi Anh Quốc không bác bỏ việc "triển khai quân đội".

La Croix kết luận những cuộc tranh luận vẫn đang được tiến hành và lập trường của các nước có thể sẽ thay đổi. Hồ sơ này cũng phải được thảo luận một cách kỹ lưỡng ở Pháp, bởi điều này liên quan đến việc thực hiện một bước tiến quan trọng trong cuộc đối đầu với một cường quốc ngày càng hiếu chiến. Việc tổng thống Macron lên kế hoạch tổ chức cuộc tranh luận tại Quốc hội là điều đáng hoan nghênh. Ngoài việc bày tỏ những lập trường khác nhau, các nước phải tỉnh táo và thể hiện lòng dũng cảm cũng như tình liên đới với Ukraine.

Đức từ chối chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine

Tờ Les Echos cũng dành trang nhất nói về tình hình ở Ukraine. Nhật báo kinh tế có bài viết giải thích tại sao Berlin từ chối chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev. Vào thời điểm Emmanuel Macron không loại trừ khả năng điều quân tới Ukraine, thủ tướng Đức Olaf Scholz tỏ ra rụt rè hơn và lần đầu tiên lên tiếng giải thích lý do tại sao ông phản đối việc chuyển giao tên lửa này cho Ukraine.

Olaf Scholz khẳng định "đây là một loại vũ khí tầm xa và Đức khổng thể bắt chước Anh Quốc và Pháp" và cho rằng Berlin tỏ ra "vô trách nhiệm" nếu làm giống các nước láng giềng.

Thủ tướng Scholz cũng bác bỏ việc quân đội Đức can dự trực tiếp vào cuộc xung đột : "Rất nhiều khán giả xem tivi vào buổi tối với hy vọng thủ tướng phải giữ được bình tĩnh", đồng thời ông Scholz cũng nhắc lại rằng "một phần ba người dân hoài nghi về việc liệu Berlin có giúp đỡ Kiev quá mức hay không".

Tuy nhiên, lập luận của Olaf Scholz ngay lập tức bị chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Bundestag Marie-Agnes Strack-Zimmermann bác bỏ trên mạng X : "Binh lính Đức không nhất thiết phải có mặt ở Ukraine để cung cấp Taurus. Tuyên bố của thủ tướng không đúng sự thật". Vị dân biểu này nhận định việc lập trình tên lửa có thể được thực hiện ở Đức và binh lính Ukraine có thể được huấn luyện cách sử dụng Taurus tại Đức.

Kể từ khi Nga xua quân xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022, tổng trị giá của viện trợ quân sự mà Berlin dành cho Kiev đã đạt 28 tỷ euro, nhiều hơn Pháp hay Ý. Nhưng thủ tướng Scholz đã trì hoãn việc cung cấp xe tăng Leopard và phản đối việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev trong nhiều tháng. Kể từ tháng 05/2023, Pháp và Anh Quốc đã lần lượt cung cấp cho Ukraine tên lửa Scalp và Storm Shadow có tầm bắn 250 km, sau đó Washington cũng chuyển giao cho Kiev tên lửa ATACMS có tầm bắn 165 km, trong khi Taurus của Đức có tầm bắn xa hơn đáng kể (khoảng 500 km khi bay thẳng), cho phép Kiev tấn công các mục tiêu nằm xa biên giới Nga.

Xung đột Gaza : Biểu tình ủng hộ Palestine gia tăng ở Hoa Kỳ

Nhìn sang Hoa Kỳ, nhật báo Le Monde dành trang nhất chú ý đến những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine trong cuộc chiến ở Gaza đang gia tăng trên toàn quốc.

Với 7.500 cư dân, thị trấn Ojai, cách Los Angeles 100 km về phía bắc, đã trở thành tâm điểm truyền thông của phong trào ủng hộ Palestine ở California.

Cyrus Mayer, 29 tuổi và trùm khăn keffiyeh, dẫn đầu một nhóm các nhà hoạt động ủng hộ Palestine, xông vào trụ sở của hội đồng thành phố hôm 13/02 và hét lên "hãy ngừng bắn" trước khi ngã xuống đất và bất động như vừa trúng đòn chí mạng. Ngay sau đó, các thành viên của nhóm này chộp lấy micro và đọc tên những đứa trẻ Palestine thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Israel. Một phụ nữ đã phát đoạn băng ghi lại tiếng la hét của nạn nhân trên điện thoại di động và đặt câu hỏi "tại sao không ai làm gì cả".

Kể từ mùa thu năm 2023, tại mỗi cuộc họp của hội đồng thành phố, các nhà hoạt động ở Ojai đều có mặt để tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ người dân sinh sống ở dải Gaza. Cyrus Mayer giải thích khi được phỏng vấn qua điện thoại : "Đây là hành động thực tế nhất mà chúng tôi có thể thực hiện. Chúng tôi muốn gây áp lực với chính quyền địa phương để đạt được lệnh ngừng bắn". Nhà hoạt động này có người mẹ Do Thái Ashkenazi và người cha Iran, lớn lên ở Oakland (California) và cho biết tình trạng nghèo đói cùng với "sự tàn bạo của cảnh sát" đã khiến anh "nhận thức được về sự bất công" từ khi còn nhỏ. Nhóm người này bao gồm những thanh niên trẻ tuổi, hay những người đã trên 70 tuổi, theo nhiều tôn giáo khác nhau, được gắn kết bởi cảm giác bất lực trước tình trạng ngày càng thảm khốc ở Gaza.

Ngoài hội đồng thành phố, những người này cũng tìm cách gây chú ý tại một khách sạn sang trọng thu hút những người nổi tiếng ở Hollywood có tên Ojai Valley Inn, một khu phức hợp có 350 phòng với giá 750 đô la một đêm (khoảng 690 euro). Khách sạn này thuộc sở hữu của gia đình Crown ở Chicago (Illinois), một trong 400 người giàu nhất nước Mỹ, theo bảng xếp hạng của Forbes, và cũng là một trong những cổ đông chính của General Dynamics, nhà sản xuất thiết bị quân sự được Israel sử dụng. Cyrus Mayer phàn nàn : "Chính quyền Ojai tuyên bố cuộc xung đột ở Gaza diễn ra ngoài phạm vi mà họ có thẩm quyền, cho nên thành phố không có quyền can dự. Nhưng Ojai lại thu thuế từ một khu nghỉ dưỡng mà chủ sở hữu thu lợi từ nạn diệt chủng người Palestine".

Phan Minh

Additional Info

  • Author Phan Minh
Published in Quốc tế

Liên Hiệp Châu Âu sẽ cấp 1 tỉ euro trang bị đạn dược cho Ukraine

Thùy Dương, RFI, 09/03/2023

Tại Stockholm, Thụy Điển, bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu hôm 08/03/2023 đã nhất trí đẩy nhanh việc giao vũ khí, đạn dược cho Ukraine, nhất là các loại đạn pháo mà Kiev đang cần gấp. 

lienau1

Các thành viên dự hội nghị không chính thức các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Châu Âu, tại Märsta, gần Stockholm, Thụy Điển, ngày 08/03/2023. AP - Christine Olsson

Theo Reuters, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell dự kiến Bruxelles sẽ chi 1 tỉ euro để trợ giúp và thúc đẩy các nước trong khối giao thêm cho Kiev đạn pháo mà các nước có sẵn trong kho. Liên Âu cũng dự kiến sẽ chi thêm 1 tỉ euro để các nước mua chung đạn dược viện trợ cho Ukraine.   

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gửi về bài tường trình :

"Một tỉ euro để mua đạn dược, cao gấp đôi khoản tiền đã được đề cập đến cách nay 1 tháng khi tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Bruxelles dự thượng đỉnh Châu Âu. Các khoản viện trợ bổ sung cũng có thể sẽ được giải ngân. Ngoại trưởng các nước Liên Âu sẽ đưa ra quyết định chính thức hôm 20/03 tới đây nhằm tăng khoản viện trợ lên thành 2 tỉ euro.

Trong cuộc họp với các đồng nhiệm Châu Âu, bộ trưởng quốc phòng Ukraine nhận định, với khoản viện trợ đầu tiên này, các nước Châu Âu có thể cấp cho Ukraine chẳng hạn 250.000 đạn pháo, tương đương 1/4 số lượng mà Kiev đang cần. Ukraine đặc biệt cần gấp loại đạn pháo 155 ly, nhưng Liên Âu cũng muốn có thể cung cấp các loại đạn cỡ nhỏ cho Ukraine.

Liên Hiệp Châu Âu khẳng định có mọi thứ cần thiết trong các kho dự trữ của các nước, nhưng sau khoảng 30 năm cắt giảm chi tiêu quân sự, ngành công nghiệp vũ khí của các nước cần được bảo đảm chắc chắn là trong những thập niên tới, họ sẽ có thể đặt hàng khi cần thiết. Chính vì thế, ủy viên Châu Âu đặc trách các vấn đề quốc phòng đã kêu gọi xây dựng "một nền kinh tế chiến tranh".

Thùy Dương

*************************

Liên Âu sẽ tích cực hỗ trợ đạn pháo cho Ukraine

Phan Minh, RFI, 08/03/2023

Các bộ trưởng quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm 08/03/2023, nhóm họp không chính thức tại Stockholm, Thụy Điển để bàn về kế hoạch cung cấp đạn dược cho Ukraine, với đợt chuyển giao đạn dược khẩn cấp đầu tiên trị giá 1 tỷ euro.

lienau2

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 07/03/2023 via Reuters - TT News Agency

Tham dự cuộc họp còn có tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksyi Reznikov. Mục tiêu là đạt được đồng thuận về kế hoạch cung cấp đạn dược cho Ukraine để trình lên cuộc họp các ngoại trưởng Liên Âu vào ngày 20/03.

Theo AFP, kế hoạch này bao gồm 3 nội dung chính : Trước tiên là rút 1 tỷ euro từ qũy của Cơ chế Hòa bình Châu Âu (EPF) để mua đạn dược trong các kho dự trữ hiện có và khẩn cấp chuyển giao cho Ukraine. Tiếp đến là phối hợp, tiến hành các đơn đặt hàng chung để có giá rẻ và bảo đảm cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng có đơn đặt hàng trong một thời gian dài. Cuối cùng, thảo luận các biện pháp nâng cao khả năng phòng thủ của Châu Âu về lâu dài.

Madis Roll, một quan chức của Bộ quốc phòng Estonia cho biết là Ukraine cần ít nhất 350.000 quả đạn 155mm mỗi tháng.

AFP nhắc lại rằng quân đội Ukraine bắn hàng nghìn viên đạn mỗi ngày để đẩy lùi quân xâm lược Nga, và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn 155mm trầm trọng.

Phan Minh

Additional Info

  • Author Thùy Dương, Phan Minh
Published in Quốc tế