Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/03/2024

Điểm báo Pháp - Hai sai lầm lớn của Putin

RFI tiếng Việt

Sát hại Navalny, xâm lăng Ukraine : Hai sai lầm lớn của độc tài Putin

Libération ngày 05/03/2024 nhận định "Ukraine và Navalny, nạn nhân các kế hoạch thảm hại của Putin". Cái chết của Alexei Navalny cũng như ngõ cụt trong cuộc xâm lăng Ukraine chứng tỏ Vladimir Putin đã tự đánh giá mình quá cao.

sailam1

Cảnh sát Nga quan sát đoàn người trước nghĩa trang Borisovo, phía nam thủ đô Moskva tiễn đưa nhà đối lập A. Navalny ngày 01/03/2024. AP

Giết chết lãnh tụ đối lập ngay trước bầu cử khiến biểu tình nở rộ

Tất cả các nhà độc tài đều bị ám ảnh bởi những nhân vật đối lập có thể mang lại xui rủi cho mình. Sự kiên cường của Alexei Navalny làm Putin sợ hãi, ông chủ Kremlin bèn đẩy lãnh tụ đối lập vào cỗ máy xay theo kiểu KGB : đầu độc, tống vào chiếc tủ lạnh Bắc Cực, tra tấn tinh thần bằng cách nhốt chung với một người điên luôn la hét... Nhưng giết chết Navalny đã mặc nhiên tạo ra cuộc biểu tình nhiều ngàn người tại thủ đô Moskva và khoảng 15 thành phố khác. Những người biểu tình không che mặt và không ngần ngại hô to "Nước Nga không Putin", "Phản đối chiến tranh", "Putin là kẻ sát nhân"… như là họ đã tự giải phóng được mình.

Mọi cuộc biểu tình đều bị cấm tại Nga theo các đạo luật đặt ra nhằm giết chết tự do, nhưng các đám tang thì không. Navalny tuy đã qua đời vẫn còn khả năng phá rối chiến dịch tranh cử của Putin, vào lúc chỉ còn khoảng 15 ngày nữa là đến kỳ bỏ phiếu. Ý tưởng sát hại nhà đối lập ngay trước cuộc bầu cử là sự ngu xuẩn, mà các nhà độc tài thường phạm phải vì đánh giá quá cao năng lực của mình. Vụ Navalny biểu hiện cho tất cả mưu đồ của Vladimir Putin : thảm họa.

Khi đàn cừu thức giấc trong nước Nga của Putin

Kế hoạch xâm lăng Ukraine cách đây hai năm cũng tồi tệ như việc sát hại Alexei Navalny. Và ý nghĩ Donald Trump đắc cử sẽ là cứu tinh cho Putin, có thể trở thành ảo tưởng, vì Quốc hội, quân đội và ngoại giao Mỹ sẽ phản đối. Putin vừa lãnh một cái tát với tang lễ của Navalny, mà 400 vụ câu lưu cũng như hàng ngàn tấm ảnh chụp để khởi tố tất cả những người tham gia đưa tang, không thay đổi được gì. Nhà độc tài đã đổ công sức đáng kể để làm người Nga trở thành một đàn cừu ngủ quên, nhưng mỗi lần những con cừu thức giấc lại phải làm lại từ đầu. Tang lễ của Navalny cho thấy một nước Nga khác với nước Nga của Putin.

Nói về "chiến lược nhập nhằng" trước người Nga, Libération nhắc lại cuộc khủng hoảng hạt nhân duy nhất trong lịch sử là khủng hoảng Cuba năm 1962. Khrushchev vốn giơ cao mối đe dọa nguyên tử, rốt cuộc đã phải nhường bước trước sự kiên quyết của Kennedy và De Gaulle. Vấn đề hôm nay không phải nguyên tử mà là hàng trăm ngàn quả đạn cho Ukraine. Câu nói của tổng thống Macron dù vụng về nhưng cũng mang ba mục tiêu : chứng tỏ quyết tâm của Pháp đi xa hơn bên cạnh Ukraine, cho người Mỹ thấy đây là lợi ích chiến lược của họ, và cảnh cáo Putin trước những khiêu khích thường xuyên đối với Pháp.

Tất nhiên là hiện chưa có nước nào muốn gởi bộ binh sang, nhưng điều này không ngăn trở sự hiện diện của các cố vấn và huấn luyện viên. CIA cũng đã có khoảng 12 căn cứ ở Ukraine... Nếu muốn tránh chiến tranh với Nga cần phải vũ trang cho Ukraine và chi viện tất cả những gì mà Châu Âu đã hứa, từ đạn pháo, hỏa tiễn cho đến chiến đấu cơ. Tờ báo cũng không quên ghi nhận, cả Netanyahu lẫn Putin đều trông cậy vào Donald Trump, cho thấy sự mong manh của tình hình quốc tế.

Tổng thống Cộng hòa Czech, người hùng đi đầu trợ giúp Ukraine

Nhân chuyến thăm Praha của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, Le Figaro nhận thấy "Cộng hòa Czech của Petr Pavel đi đầu trong việc trợ giúp Ukraine". Chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, tổng thống Petr Pavel đã sang thăm Ukraine vào cuối tháng 4/2023. Nhưng ông không tự hài lòng với "tour" Kiev-Bucha-Irpin như các nhà lãnh đạo khác trước đó, mà trở thành tổng thống ngoại quốc đầu tiên đến miền đông Ukraine, cách mặt trận chưa đến 100 kilomet. Tại Dnipro, chỉ vài giờ sau một trận oanh kích, ông tận mắt chứng kiến tình trạng thiếu đạn dược và khi trở về ông tìm cách xoay sở trong thời gian ngắn nhất để đáp ứng nhu cầu của Ukraine, kể cả việc hợp tác với các nước ngoài Châu Âu.

Giữa tháng 2, Petr Pavel gây ấn tượng tại hội nghị an ninh Munich khi loan báo đã tìm được nguồn cung 800.000 quả đạn, gồm nửa triệu quả 155 ly và 300.000 quả 122 ly, có thể được gởi đến trong vài tuần nếu có đủ số tiền 1,5 tỉ đô la. Nhiều nước cho biết sẵn sàng đóng góp, và tổng thống Pháp chắc hẳn sẽ bàn đến trong chuyến công du này. Báo chí trong nước như tờ Respekt tỏ ra tự hào vì Cộng hòa Czech đã đứng về phía đúng đắn của lịch sử. Đó là nhờ tổng thống 62 tuổi rất được lòng dân, phục vụ trong quân đội cho đến khi thành tổng tham mưu trưởng và chủ tịch ủy ban quân sự NATO (2015-2018). Chủ trương hỗ trợ Ukraine của ông được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng.

Trước ông, tổng thống Vaclav Klaus không thân thiện với Châu Âu, còn Milos Zeman rất thân Nga. Les Echos cho biết thêm, khi rời chức vụ ở NATO để nghỉ hưu năm 2018, Petr Pavel không có tham vọng chính trị. Nhưng khi nhận ra phe dân túy có thể chiến thắng và đưa Cộng hòa Czech đi theo con đường của Hungary, cựu quân nhân nhảy dù, người hùng trong chiến tranh Nam Tư đã quyết định ra tranh cử. Ngược với thái độ nhập nhằng của những người tiền nhiệm, tân tổng thống khẳng định "chỉ có một con đường là dân chủ". Petr Pavel từng được Paris trao tặng Bắc đẩu Bội tinh vì đã cứu được một số quân nhân Pháp trong cuộc triệt thoái khỏi căn cứ Karin ở Nam Tư năm 1993.

Olaf Scholz và Đức, mắt xích yếu của quốc phòng Châu Âu

Olaf Scholz sẽ còn xuống dốc tới đâu ? Libération đặt câu hỏi. Tuần trước bị Paris và Luân Đôn tố cáo tiết lộ bí mật của đồng minh, rồi sau đó thủ tướng Đức còn bị chế giễu vì vụ Nga nghe lén. Xì-căng-đan này không những làm mất uy tín quân đội Đức mà còn bác hẳn lý lẽ của ông Scholz khi từ chối chuyển giao hỏa tiễn Taurus cho Ukraine, rằng như vậy sẽ là "đồng tham chiến".

Trong cuộc đàm thoại bị cơ quan tuyên truyền của Moskva tung lên mạng, các sĩ quan cao cấp Đức khẳng định những quân nhân Ukraine có thể được huấn luyện cách sử dụng Taurus trên đất Đức. Olaf Scholz chỉ còn được đảng của ông là Dân chủ Xã hội (SPD) ủng hộ vì đảng này vẫn khó thể chia tay với chủ trương truyền thống thân Nga. Điều mỉa mai là nay phe cực hữu cũng đi theo đường hướng này.

Bị cô lập tại Đức, thủ tướng Scholz nay lại trở nên cô đơn trên chính trường Châu Âu sau khi công khai nói rằng các quân nhân Pháp và Anh đã hiện diện tại Ukraine. Joachim Krause, giám đốc Viện Chính trị An ninh của đại học Kiel nhận xét : "Người Anh có lý. Scholz đã trở thành một rủi ro cho an ninh Châu Âu". Vụ nghe lén còn còn cho thấy khiếm khuyết to lớn của lục quân và tình báo Đức. Tại Berlin, người ta lo rằng xì-căng-đan trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Một lần nữa, Đức lại là mắt xích yếu của Châu Âu và Moskva hiểu rất rõ điều này : Berlin trở thành mục tiêu chính của Putin để gây bất ổn cho toàn châu lục.

Chiến tranh : Ai sản xuất nhiều vũ khí sẽ thắng

Cũng liên quan đến Ukraine, Les Echos nhắc nhở "Chiến tranh, trước hết là kỹ nghệ". Những gì mà Kiev đang thiếu hiện nay là đạn dược, mà năng lực Châu Âu khó thể đáp ứng. Cũng như hồi 1914-1918, số vũ khí, đạn dược nhanh chóng cạn kiệt. Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng các đồng minh giúp đỡ tài chánh, chiến đấu cơ, xe tăng, đại bác, đạn… và vấn đề trở thành kỹ nghệ.

Trong lịch sử chiến tranh, các chiến binh cần được đầu tư kiếm, khiên, áo giáp… và bước ngoặt bắt đầu từ thời Trung Cổ khi có được thuốc súng từ Trung Hoa. Các quân đội mua đại bác để tấn công, và các nhà nước xây dựng pháo đài để bảo vệ. Với cuộc cách mạng kỹ nghệ thế kỷ 19, trong cuộc nội chiến Mỹ các bang sản xuất ồ ạt hàng triệu khẩu súng. Đến 1914, chiến tranh chuyển hẳn sang kỷ nguyên công nghệ. Vào tháng 8, những người lính Pháp và Đức khi lên đường vẫn tin rằng chỉ chiến đấu trong vài tuần. Nhưng khi mùa đông đến, các tướng lãnh phải nhìn nhận thực tế là đạn dược cạn dần, chiến thắng sẽ đứng về phía bên nào có năng lực sản xuất nhanh nhất số lượng đạn và thuốc súng. Chiến tranh chuyển sang một kiểu xã hội tiêu dùng, vì muốn chiếm ưu thế phải có đạn pháo nhiều nhất.

Trong đệ nhị thế chiến, Luân Đôn thắng được trận chiến trên không trước Berlin vì Anh quốc tăng gấp đôi số chiến đấu cơ xuất xưởng chỉ trong ba tháng, nhờ Lord Beaverbrook, một tài phiệt được Churchill bổ nhiệm làm "bộ trưởng sản xuất phi cơ". Ngày nay Ukraine đòi chiến đấu cơ, nhưng điều cấp thiết trong lúc này là đạn. Nhà Trắng giải thích quân đội Ukraine phải rút khỏi Avdiivka chính vì các quân nhân chỉ có số lượng đạn hạn chế.

Trên chiến trường, việc tiến hoặc lùi diễn ra theo nhịp độ oanh kích. Theo chuyên gia Jack Watling, tương quan đã thay đổi nghiêng về phía Nga từ mùa hè, Nga bắn đi 10.000 quả mỗi ngày trong khi Ukraine chỉ có 2.000. Và để sản xuất đạn phải có nhà máy, có nghĩa là kỹ nghệ, trong khi Châu Âu đã giảm mạnh năng lực quân sự từ khi chiến tranh lạnh kết thúc cách đây 30 năm. Cần chuyển đổi công năng các nhà máy như hồi 1914-1918, nhưng năng lực Châu Âu đã giảm hẳn đặc biệt là Pháp. Cụm từ "tái vũ trang" đang được nhắc đến nhiều trong những tháng gần đây, nhưng không thể tái vũ trang mà không dựng dậy kỹ nghệ.

Donald Trump nung nấu ý định phục thù

Luật cho phép phá thai ghi vào Hiến pháp được Quốc hội Pháp thông qua, bạo loạn ở Haiti, hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump hầu như không còn đối thủ trong cuộc bầu cử sơ bộ Super Tuesday hôm nay, đó là những chủ đề được chú ý bên cạnh chiến tranh ở Ukraine và Gaza. Các báo đều nhận thấy cuộc bầu cử sơ bộ hầu như đã thấy trước kết quả trong ngày Super Tuesday, khi 15 bang cùng bỏ phiếu. Không có ngạc nhiên nào được chờ đợi, vì cả Joe Biden lẫn Donald Trump đều cầm chắc phần thắng trong tay.

Đảng Dân chủ vẫn chỉ trông cậy vào tổng thống Joe Biden dù tuổi tác đang là vấn đề, còn Donald Trump chỉ còn lại đối thủ Nikki Haley vẫn trông cậy vào một đảng Cộng hòa truyền thống hầu như không còn tồn tại. La Croix cho rằng " Super Tuesday" đúng ra là " Super Trump". Nhưng Donald Trump phiên bản thứ ba lợi hại hơn rất nhiều. Hồi năm 2016 ông là một "amateur" bước vào Nhà Trắng, nhưng nay có hẳn một kế hoạch mang tên "Projet 2025", với ê-kíp gồm toàn những người thân cận có cùng quan điểm, và nhất là Trump nhất định sẽ ra tay trả đũa những đối thủ của ông.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 155 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)