Chiến lược công nghiệp quốc phòng : Tham vọng bị cản trở của Liên Hiệp Châu Âu
Gói viện trợ quân sự cho Ukraine vẫn bị chặn tại Quốc hội Mỹ. Việc Hoa Kỳ rút khỏi Châu Âu dường như có thể xảy ra trước khả năng Donald Trump tái đắc cử. Nhận thức được rằng phải đầu tư nhiều hơn cho an ninh của chính mình, ngày 05/03/2024, Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất một chiến lược mới cho ngành công nghiệp quốc phòng, nhằm trang bị tốt hơn trước mối đe dọa đến từ Nga, cũng như giảm bớt phần nào sự phụ thuộc vào Mỹ.
Chiến đấu cơ Rafale của Pháp tham gia cuộc tập trận chung với các nước Chypre, Ý, và Hy Lạp tháng 9/2023. AP
Tham vọng này có dễ thực hiện ? Một điều chắc chắn là các nước thành viên của khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương, phần lớn cũng là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, một lần nữa đã bị "dội gáo nước lạnh" trước các phát biểu của Donald Trump. Đầu tháng 2/2024, trong cuộc vận động bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa tại bang South Carolina, cựu tổng thống Mỹ tuyên bố nếu tái đắc cử, ông có thể sẽ không bảo vệ những đồng minh nào của khối NATO không đóng góp tài chính đầy đủ, trong trường hợp nước này bị Nga tấn công.
Phòng thủ : Châu Âu dưới chiếc ô của Mỹ
Lời đe dọa này của ông Donald Trump làm dấy lên nỗi lo lắng về khả năng Washington rút khỏi một tổ chức quân sự luôn "dưới sự tiếp sức của Mỹ". Chi tiêu quân sự của các nước thành viên Liên Âu, Anh Quốc và Canada gộp lại chỉ chiếm khoảng 30% nguồn tài chính của liên minh, phần còn lại là do Mỹ bảo đảm. Các số liệu do Cơ quan Quốc phòng Châu Âu cung cấp cho thấy chỉ có 5 nước thành viên NATO, gồm Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Litva và Latva, là đã vượt mức quy định đóng góp đặt ra là 2% của GDP.
Michel Goya, đại tá và là nhà sử học quân sự, trên tờ Le Parisien mỉa mai đánh giá : "Chỉ khi nước biển rút thì người ta mới thấy những ai trần trụi. Tại Pháp, chúng ta đã mất 25 năm (từ năm 1990 đến năm 2015) để phá dỡ các phương tiện quốc phòng, thì bây giờ chúng ta cũng sẽ cần đến ngần ấy năm để xây dựng lại một nền tảng vững chắc".
Tình trạng này cũng được ghi nhận tại nhiều nước Châu Âu, ngoại trừ các nước Đông Âu, những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất trước mối nguy xâm lược từ Nga. Thứ Hai, 26/02/2024, trong cuộc hội thảo tại Paris với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước đồng minh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận mục tiêu cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine là sẽ không bao giờ đạt được. Hiện tại, Châu Âu chỉ có 30% số đạn dược đã được trao cho Zelensky.
Chiến tranh Ukraine còn làm lộ rõ những yếu kém về nguồn dự trữ vũ khí đạn dược của quân đội các nước Châu Âu sau nhiều thập niên giải trừ vũ khí. Do thiếu nguồn dự trữ, khoảng 75% trang thiết bị quân sự mới được mua sắm đã mang lại lợi nhuận cho nhiều nhà công nghiệp ngoài Châu Âu, trong đó khoảng 68% là cho ngành sản xuất vũ khí của Mỹ.
Trong trường hợp Donald Trump tái đắc cử, an ninh Châu Âu có nguy cơ bị đe dọa. Việc Hoa Kỳ thoái lui không chỉ sẽ gây thiếu hụt đạn dược, mà Washington còn có vai trò thiết yếu về thu thập tin tình báo cho liên minh, là quốc gia kết cấu, điều phối và tổ chức các đội quân. Châu Âu còn phụ thuộc vào Mỹ trong nhiều lĩnh vực chiến lược khác, như "khả năng vận chuyển quân sự, năng lực vệ tinh, giám sát hải và không quân và cả về hậu cần chung"
Tự chủ công nghiệp để tự chủ chiến lược
Trong năm 2022, chi tiêu quân sự của cả khối Liên Hiệp Châu Âu là 240 tỷ đô la, thấp hơn rất nhiều so với Mỹ ( 794 tỷ ), nhưng cao gấp hai lần ngân sách của Nga (92 tỷ) và gần như tương đương với Trung Quốc (273 tỷ). Chỉ có điều "Châu Âu có tiền, nhưng vấn đề là số tiền này, tuy không thể phủ nhận, lại không phản ảnh một chính sách phòng thủ Châu Âu liên kết chặt chẽ. Nghĩa là các nước không cùng nhau bắt tay, chỉ là những hợp tác song phương thay vì hợp sức 27 nước thành viên", bà Alexandra de Hoop Scheffer, chuyên gia địa chính trị, phó chủ tịch trung tâm cố vấn Quỹ German Marshall của Mỹ, nhận xét trên đài phát thanh France Inter.
Trong toàn cảnh này, Ủy Ban Châu Âu hôm 05/03/2024 đã đề xuất một kế hoạch mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, giúp Châu Âu tự chủ hơn trên phương diện quân sự, giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ. Theo đề xuất của Thierry Breton, ủy viên Châu Âu về thị trường nội địa, Liên Hiệp Châu Âu nên hợp nhất hai công cụ, một để mua chung vũ khí thông qua các hợp đồng đầu tư công và một để hỗ trợ sản xuất đạn dược, đã được triển khai từ năm năm 2022, chủ yếu nhằm giúp các nước trong Liên Âu hậu thuẫn cho Ukraine.
Ủy Ban Châu Âu cho rằng 27 nước thành viên nên có một chiến lược lâu dài, và sửa chữa những khiếm khuyết trong ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Âu do 30 năm ảo tưởng về nền hòa bình sau khi Liên Xô sụp đổ hồi đầu những năm 1990. Và do vậy, Liên Âu "cần phải chuyển qua nền kinh tế chiến tranh, một phần để giúp Ukraine, một phần để bảo đảm an ninh cho khối", theo lời ông Thierry Breton, ủy viên Châu Âu phụ trách chương trình.
Ngoài ra, Liên Âu cần khoảng một trăm tỷ euro trong 5 năm tới với mục tiêu đạt 40% các khoản mua sắm vũ khí chung. Phải bảo đảm cho các nhà công nghiệp chế tạo vũ khí rằng các đơn hàng sẽ có đủ cho nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, các dự án mua sắm chung có nguy cơ vấp phải sự do dự của nhiều nước tùy theo lợi ích chiến lược của từng quốc gia. Lĩnh vực vũ khí luôn là một chủ đề, theo định nghĩa, thuộc phạm trù quyền tự quyết của một quốc gia.
Đây chính là điều dẫn đến hiện tượng phân mảnh thị trường vũ khí tại Châu Âu, gây khó khăn cho việc thiết lập một nguồn dự trữ bất kỳ. Ngược lại, Hoa Kỳ lúc nào cũng đặt mua nhiều hơn so với nhu cầu của quân đội, nên có sẵn một nguồn dự trữ trang thiết bị để có thể xuất khẩu thông qua cơ chế được gọi là Foreign Military Sales.
Trên làn sóng RFI Pháp ngữ, trung tướng Jean-Paul Perruche, nguyên tổng giám đốc bộ Tham mưu Liên Hiệp Châu Âu, cựu chủ tịch EuroDefense France, giải thích.
"Chính sách phòng thủ luôn thuộc về đặc quyền quốc gia. Việc tham vấn trong một cơ chế cạnh tranh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trên thực tế, các nước có xu hướng giấu bản sao của mình hơn là chia sẻ. Khi tôi còn tại chức ở bộ Tham mưu trong những năm 2000, chúng tôi nhận thấy có đến 21 chương trình phát triển xe bọc thép trong số 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu vào thời điểm đó. Quý vị có thể hình dung ra đây thật sự là một sự lãng phí !"
Đức : Mắt xích yếu cho chiến lược tự chủ phòng thủ ?
Điểm đáng chú ý là trong chiến lược mới này, Liên Âu tìm cách thỏa mãn hai quan điểm đối lập về phòng thủ : Một bên, được Pháp hậu thuẫn, chủ trương tự chủ chiến lược Châu Âu, bảo vệ ý tưởng mua sắm trang thiết bị quân sự Châu Âu (đương nhiên là Pháp) và bên kia, thân Mỹ, cho rằng không nên chỉ khép mình trong khu vực Châu Âu, "chúng ta cần có Mỹ, cần NATO và do vậy, hãy để ngỏ cánh cửa cho vũ khí Mỹ", theo như giải thích của ông Guillaume Lagane, chuyên gia về quốc phòng, giảng viên trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po) Paris, với trang mạng La Tribune.
Ngoài việc dung hòa hai trường phái, đề xuất của Ủy Nan Châu Âu còn nhằm mục đích phòng ngừa khả năng bị Hoa Kỳ bỏ rơi, Liên Âu vẫn có thể có những năng lực về vũ khí và phòng thủ. Trong xu hướng này, trung tướng Jean-Paul Perruche cho rằng để có được một nền tự chủ chiến lược, Châu Âu phải hợp sức thay vì hành động đơn lẻ :
"Do vậy, để có được tự chủ về chiến lược tác chiến, chúng ta cần phải có tự chủ về chiến lược, công nghiệp, phòng thủ. Bởi vì nếu chúng ta phụ thuộc vào bên ngoài về nguồn cung vũ khí, hệ thống hỗ trợ vũ khí, chúng ta sẽ gặp khó khăn. Như ông Thierry Breton đã nói, song song đó còn có mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Châu Âu và do vậy, các quyết định này đã được đưa ra với mong muốn khôi phục sự cân bằng trong các đơn đặt hàng thiết bị quốc phòng ở bên ngoài. Năm 2023, có đến 75% số trang thiết bị này được mua ở bên ngoài, chỉ có 25% là ở Châu Âu. Ủy viên Châu Âu mong muốn hướng tới một sự cân bằng, 50 – 50 chẳng hạn. Để thực hiện điều này, cần phải thông qua một loạt quy định nhằm cải thiện sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp Châu Âu".
Nếu như những phát biểu gây sốc của ông Donald Trump là "cú hích" để Liên Hiệp Châu Âu đẩy nhanh tiến trình phát triển công nghiệp quốc phòng, thì những dự án được đề xuất cũng đối mặt với nhiều thử thách. Giới quan sát dự báo, trước khi các biện pháp này được thông qua, các cuộc đàm phán thương lượng sẽ là gay gắt. Ai sẽ là người "cầm trịch" để lèo lái nỗ lực quân sự này : Ủy Ban Châu Âu hay là một cơ chế liên chính phủ ? Ai sẽ là bên tài trợ dù biết rằng ông Thierry Breton có nhắc đến việc lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro theo mô hình quỹ phòng ngừa chống Covid-19 ?
Ngần ấy câu hỏi vẫn chưa có lời giải. Nữ chuyên gia về các vấn đề địa chính trị Alexandra de Hoop Scheffer, trên làn sóng France Inter lưu ý thêm rằng, trong chiến lược này, Đức còn là một mắt xích then chốt, có nguy cơ cản trở đà tiến của chiến lược phòng thủ chung Châu Âu :
"Hiện tại những gì chúng ta nhận thấy đó là một nước Đức hoàn toàn hoảng sợ trước một kịch bản Trump bis. Do vậy, thay vì nghĩ đến Châu Âu như Paris, vốn không ngừng kêu gọi tự chủ chiến lược, và cần phải có một tầm nhìn kinh tế chiến tranh, thì nước Đức nghĩ đến việc tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ Mỹ và mua tất từ Mỹ. Ở đây, tôi muốn nói đến một dạng giảm cam kết của Đức đối với dự án Châu Âu trong bối cảnh hoảng sợ. Theo quan điểm của tôi, chừng nào chúng ta chưa giải quyết được vấn đề này, thì chúng ta sẽ chẳng thể làm việc cả trong hợp tác song phương Pháp – Đức cũng như là trên bình diện Châu Âu".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 07/03/2024