Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/03/2024

Điểm tuần báo Pháp - Bị khủng bố, Putin đổ tội cho Ukraine

RFI tiếng Việt

Bị quân thánh chiến khủng bố, Kremlin tìm cách quy chụp Ukraine

Courrier International dẫn nguồn tin từ phía Mỹ khẳng định nhánh Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đứng sau vụ tấn công vào nhà hát ở Moskva. Vụ khủng bố làm nổi rõ sự bất lực của FSB, nhưng theo The Economist, dù ISIS-K đã nhận trách nhiệm, Kremlin vẫn cố gắng tìm cách quy chụp cho Ukraine.

dotoi1

Các xe cấp cứu đậu trước khu vực nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva (Nga) đang bốc cháy sau vụ khủng bố ngày 22/03/2024. Reuters - Maxim Shemetov

IS nhận trách nhiệm vụ khủng bố ở Moskva

Cập nhật thời sự về vụ khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo làm thiệt mạng ít nhất 133 người tại Moskva, Courrier International dẫn nguồn từ chính quyền Mỹ vốn đã cảnh báo kiều dân cách đây hai tuần, khẳng định nhánh thánh chiến ở Afghanistan đứng sau vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ 20 năm qua tại Nga.

Các viên chức Mỹ đã xác nhận với nhiều tờ báo trong đó có The New York Times, việc tổ chức thánh chiến này nhận trách nhiệm là khả tín. Cụ thể đó là nhánh Afghanistan, còn được gọi là "ISIS-K". Nhật báo Anh The Guardian so sánh với vụ khủng bố nhà hát Bataclan ở Paris tháng 11/2015, hay vụ phe ly khai Chechnya bắt 850 người làm con tin tại một nhà hát ở Moskva năm 2002 làm 132 người thiệt mạng sau vụ đột kích gây tranh cãi của đặc nhiệm Nga.

Tờ báo nhắc lại, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daesh) từng liên can đến nhiều vụ khủng bố gần đây tại Nga, như vụ đánh bom trong métro Saint-Petersburg ngày 03/04/2017 hay mới đây FSB thông báo phá vỡ âm mưu của ISIS-K vào một giáo đường Do Thái ở Kaluga gần Moskva.

Vì sao ISIS-K tấn công Nga ?

Vi sao ISIS-K đe dọa Nga ? Theo nhà phân tích Colin P. Clarke, tổ chức này cáo buộc Moskva có bàn tay vấy máu người Hồi giáo khi can thiệp vào Afghanistan và Syria, yểm trợ phe Taliban và Bachar Al-Assad. Một nhà phân tích khác, Michael Kugelman trên The Telegraph cho biết thêm, trong nhóm này có một số nhà đấu tranh Trung Á chống Nga.

Tờ El Pais ở Tây Ban Nha lưu ý, Tadjikistan nằm gần Afghanistan là một trong những điểm nóng của khủng bố Hồi giáo tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Kremlin hỗ trợ quân sự cho chính quyền nước này chống các nhóm cực đoan. Đài ABC của Úc cho biết thêm còn có nhánh Kavkaz của Daesh, chủ yếu trong vùng Hồi giáo ở Bắc Kavkaz như Daghestan, Ingushetia, Kabardino-Balkaria. Courrier International dẫn nhận định của The Telegraph, Daesh luôn là mối đe dọa cho Nga, nhưng vụ khủng bố ở Moskva làm nổi rõ sự bất lực của FSB. Hãy còn quá sớm để dự đoán Putin sẽ phản ứng như thế nào, nhưng nếu tìm kiếm một cái cớ để siết chặt an ninh, thì bây giờ ông ta đã có được.

Kremlin tìm cách đổ vấy cho Ukraine

Cũng với câu hỏi ai có thể đứng sau vụ khủng bố, The Economist cho rằng ngoài tổ chức Nhà nước Hồi giáo, không thiếu những cái tên khả nghi khác. Cuộc chiến tàn khốc hai năm qua do Kremlin khởi động ở Ukraine đã tạo ra nhiều kẻ thù mới, và làm tăng số lượng vũ khí chuyền tay trong số những lính Nga trở về. Có một phong trào dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ tại Nga, sự can dự của Moskva trong cuộc nội chiến đẫm máu ở Chechnya và Daghestan, và can thiệp vào Syria khiến từ lâu Nga là mục tiêu của những nhóm thánh chiến đủ loại.

Kiev lập tức bác bỏ mọi liên can trong vụ tấn công. Một nguồn tin tình báo cao cấp nói với The Economist, chính phủ Ukraine lo rằng Kremlin có thể lợi dụng sự kiện khủng bố, nhất là khi ông Putin có ý định tung ra một đợt động viên mới. Trên thực tế, thật điên rồ nếu Ukraine tấn công Nga kiểu này – sát hại thường dân là cách tốt nhất để làm phương Tây xa lánh, trong khi Kiev đang quá cần đến sự hỗ trợ của đồng minh như thế.

Dù vậy Kremlin vẫn cố quy chụp Ukraine, tuy trong bài diễn văn với quốc dân chiều 23/03, Vladimir Putin không trực tiếp cáo buộc Kiev đã tổ chức vụ tấn công. Thay vào đó, ông Putin khẳng định Ukraine đã cung cấp một "lối thoát" cho bọn khủng bố. Theo Moskva thì các thủ phạm đã chạy sang Ukraine trước khi bị bắt, nhưng lại không nói những người này từ đâu đến.

Gian lận phân nửa tổng số phiếu : Putin độc tài cá nhân

Về cuộc bầu cử tổng thống Nga, The Economist nhận thấy "Sau sô diễn, Vladimir Putin ăn mừng chiến thắng giả hiệu". Trên Quảng trường Đỏ ngày 18/03, Putin đắc thắng hô lên "Vinh quang cho nước Nga !". Thế nhưng có đến 30 triệu phiếu bầu, tức gần phân nửa tổng số phiếu, là gian lận, theo nhà phân tích dữ liệu uy tín Sergei Shpilkin.

Kết quả phi thực tế 87% còn mang một ý nghĩa khác. Theo nhà phân tích Nga Kirill Rogov, đó là nước Nga nay đã trở thành một chế độ độc tài cá nhân theo kiểu Trung Á. Do không có đủ sự ủng hộ của tầng lớp dưới, Kremlin phải dùng cách đàn áp mạnh mẽ, tẩy não và kiểm soát chính trị. Sự thay đổi này bắt đầu từ phong trào phản kháng việc sửa đổi Hiến pháp năm 2020 thông qua trưng cầu dân ý giả hiệu. Trong năm đó, đối thủ chính của Putin là Alexei Navalny lần đầu tiên đã bị đầu độc. Việc đè bẹp phong trào của Navalny, diệt trừ đối lập và nhất là cuộc xâm lăng Ukraine đã giúp Putin có thể đàn áp mạnh tay hơn hẳn so với thời bình.

Hành động mang tính biểu tượng nhất là việc sát hại Alexei Navalny, chứng tỏ trước giới tinh hoa Nga và thế giới là đối với Vladimir Putin, không còn lằn ranh đỏ nào cả. Đó là vì sao trong buổi xuất hiện đầu tiên sau "chiến thắng", Putin nói về Navalny, nhân vật mà cho đến nay ông ta luôn tránh nhắc tên. "Vâng, ông ấy đã chết, đó luôn là một sự kiện đáng buồn" - Putin mỉa mai, không giấu được niềm vui.

Những lá phiếu trên mộ Navalny

Thế nhưng trên toàn quốc vẫn có những người Nga đáp ứng lời kêu gọi của Navalny "Giờ Ngọ chống Putin" : đến phòng phiếu vào đúng 12 giờ trưa ngày bầu cử cuối cùng. Những hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy những hàng người dài mấy trăm mét, với cảnh sát cơ động và xe chở tù chờ đợi bên cạnh. Người biểu tình đăng những tấm ảnh lá phiếu có ghi chữ "Phản đối chiến tranh", "Putin là kẻ cắp và tên sát nhân". Nhiều người gạch tên Vladimir Putin, ghi vào chữ "Alexei Navalny". Một số cử tri ở Moskva giữ lại lá phiếu, mang đến nghĩa trang đặt lên mộ Navalny.

The Economist cho rằng đàn áp sẽ mạnh hơn một khi chiến tranh đè nặng lên nền kinh tế. Theo chuyên gia Alexandra Prokopenko của Carnegie Russia Eurasia Center ở Berlin, một trong những nguồn gây bất ổn có thể là việc tái phân bố tài sản khu vực tư nhân. Như Vladimir Putin đã nói trong một bài diễn văn trước bầu cử, giới tinh hoa cũ đã kiếm được tiền và địa vị nhờ việc tư nhân hóa trong những năm 90 "đã mất uy tín". Ông ta muốn thay thế bằng "giới quân nhân, những người đáng tin cậy đã chứng tỏ lòng trung thành với nước Nga", và với mục tiêu chiến tranh của ông.

Tương tự, tờ Der Spiegel của Đức được Courrier International dịch lại nhận định "Vladimir Putin biến cử tri thành đồng lõa". Nếu cuộc bầu cử này giúp "chính danh hóa" một điều gì, thì đó không phải là chiếc ghế của Putin, mà là việc cướp đoạt thô bạo những lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng. Những lá phiếu thu được tại các vùng này, dưới sự đe dọa của nòng súng, nhằm củng cố khái niệm "Tân Nga" - dự án bành trướng lãnh thổ sang phía tây của Putin.

"Stalin mới" luôn muốn một cuộc chiến tranh thường trực

L’Express nhận định "Putin, sự kết hợp nguy hiểm giữa Stalin và Catherine the Great". Đạo diễn xong vụ tái đắc cử vừa rồi, ông chủ điện Kremlin tha hồ ra tay hành động. Trong một phần tư thế kỷ, nước Nga từ một nền dân chủ mong manh đã biến thành độc tài thực sự, bảo đảm cho Vladimir Putin trị vì lâu hơn cả Stalin và có thể cả Catherine II. Từ "người cha dân tộc", Putin kế thừa sự toàn trị, tôn sùng lãnh tụ, điều khiển đám đông và thù ghét phương Tây. Từ Catherine the Great với việc mở rộng đế chế nửa triệu kilomet vuông và sáp nhập Crimea năm 1783, là tham vọng lãnh thổ. Trong một xã hội bị tê liệt vì nỗi sợ, hệ thống Putin sẽ còn thống trị.

Trên Les Echos cuối tuần, nhà nghiên cứu Marie Mendras nhận định "Putin muốn chiến tranh thường trực". Sau khi tổ chức việc tái đắc cử và sát hại Alexei Navalny, nhà lãnh đạo Nga không có chiến thuật nào khác hơn là tiếp tục cuộc chiến tiêu hao càng lâu càng tốt, vì quyền lực cá nhân của ông ta gắn chặt với chiến tranh. Hòa bình là nguy hiểm cho các chế độ độc tài. Có rất nhiều dịp để tìm một giải pháp với Kiev từ sau khi chiếm Crimea năm 2014, nhưng Putin chưa bao giờ chọn con đường thỏa thuận. Tương tự với Georgia (Gruzia) năm 2018, tổng thống Saakachvili rất muốn gặp Putin nhưng ông chủ điện Kremlin thay vì tiếp xúc đã gởi binh lính đến, với cớ Tbilissi "diệt chủng" ở Nam Ossetia.

Trong bốn cuộc chiến trước đây do Putin tiến hành ở Chechnya, Gruzia, Crimea hay Syria – những cuộc chiến tranh mà không có bất kỳ một người lính ngoại quốc nào đe dọa lãnh thổ Nga, đất nước rộng lớn nhất thế giới và có 6.000 đầu đạn nguyên tử - mỗi lần Putin đều áp đặt "pax russica". Theo chuyên gia Marie Mendras, Nga không thể thắng ; trong hai, ba năm nữa Vladimir Putin khó thể theo đuổi được cuộc chiến này. Được hỏi ý kiến về tuyên bố của tổng thống Pháp liên quan đến việc gởi quân, bà chỉ dẫn lời Vladimir Milov, một cựu bộ trưởng lưu vong : "Với một Vladimir Putin không loại trừ một điều gì, thì chúng ta cũng có thể không loại trừ khả năng nào".

Crimea trong tầm ngắm của Ukraine

Trên khía cạnh quân sự, "Crimea là một hậu cứ dễ tổn thương" trước những cuộc tấn công của Ukraine. Tuần báo dẫn ra những video quảng bá của Bogdan Bulychev trên YouTube, kể lại cuộc hành trình ba ngày đi từ Mariupol tới Crimea, với những phong cảnh tuyệt đẹp của bán đảo. Nhưng blogger tuyên truyền này tránh nói đến những nguy hiểm của chặng đường. Anh ta tránh đi qua cầu Kerch, chiếc cầu trị giá 4 tỉ euro đã bị Ukraine oanh kích hai lần vào tháng 10/2022 và mùa hè 2023.

Năm ngoái lực lượng Kiev đã tấn công 184 lần vào bán đảo bằng drone và hỏa tiễn, phá hủy nhiều chiến hạm và một tàu ngầm Nga. Hậu quả là từ một điểm du lịch được quảng cáo ồn ào, Crimea trở thành hậu cứ của cuộc xâm lăng. Bảy trung tâm y tế đã bị trưng dụng, cầu Kerch và xa lộ mới Kerch-Sevastopol được dùng để đưa thiết bị quân sự sang mặt trận Kherson. Để hỗ trợ chiến lược này, Moskva ồ ạt đưa dân Nga sang thay thế dân địa phương. Cứ ba người dân ở đây thì có một người không cư ngụ tại Crimea trước năm 2014. Khoảng 500.000 đến 800.000 người Nga đã sang định cư, trong đó có nhiều quân nhân cùng với gia đình.

Amina, một người thuộc thiểu số Tatar ở Crimea cho biết cô là thế hệ thứ tư bị Nga buộc phải lưu vong. Năm 1944, Stalin lưu đày sang Trung Á 400.000 người Tatar, trong đó có ông bà cố của Amina. Cha mẹ cô quay lại làng sau khi Liên Xô sụp đổ, phải nhận hộ chiếu Nga để khỏi mất nhà đất. Những vụ khám xét, bắt bớ trong cộng đồng người Tatar diễn ra thường xuyên đến nỗi một số nhà đối lập khi đi ngủ vẫn mặc nguyên quần áo – như nhà báo Lutfiye Zudiyeva kể lại cho báo chí Mỹ, trước khi đến lượt bà cũng bị bắt.

NATO tập trận để đối phó với Nga

Trong bối cảnh đó "Ở cực bắc Châu Âu, NATO chuẩn bị đối phó với Putin". Phóng sự của L'Express tả lại cuộc tập trận Nordic Response 24, trong khuôn khổ Steadfast Defender, cuộc diễn tập lớn nhất của NATO kể từ sau chiến tranh lạnh với 90.000 quân nhân của 32 nước trên khắp Châu Âu.

Nordic Response 24 "chỉ" huy động 20.000 quân của 13 nước, trên 100 chiến hạm, 5 tàu ngầm, các xe tăng, thiết giáp, trực thăng, phi cơ tiêm kích, và có cả mô tô chạy trên tuyết. Theo kịch bản, một cường quốc từ phía đông tấn công vào Finnmark (Na Uy), và quân xanh (đồng minh) phải đẩy lui quân đỏ (kẻ thù) bằng mọi cách để quân tiếp viện đến được bằng đường biển, đường bộ và trên không. Tướng Terje Bruøygard của Na Uy nói : "Chúng tôi biết rằng Nga đang quan sát và có thể có cả gián điệp tại chỗ, nhưng như vậy càng tốt". Có thể hiểu : Kremlin sẽ biết số phận của mình ra sao nếu xâm lược.  

Để giống thực nhất, các chiến binh dùng đạn mã tử được trang bị kính ngắm laser và áo giáp điện tử kết nối. Khi đạn laser của địch bắn trúng một người lính, chiếc áo giáp gởi đi tín hiệu "You are dead" (Bạn đã chết) hoặc "wounded !" (bị thương) và binh sĩ này bị loại khỏi vòng chiến một thời gian. Nếu một vụ tấn công hóa học xảy ra, người lính có 10 giây để chụp mặt nạ chống khí độc, nếu không sẽ "tử trận". Nhờ hệ thống kết nối của thành viên mới Thụy Điển, bộ tham mưu tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Vì sao chọn một địa điểm mà tuần lộc nhiều hơn người để tập trận ? Chuyên gia Tomas Ries giải thích, nếu chiến tranh xảy ra với Nga, Finnmark của Na Uy và đảo Kola ở Nga là điểm nóng đầu tiên. Hầu hết tàu ngầm Nga đậu ở căn cứ Kola sẽ phong tỏa đường biển giữa Châu Mỹ và Châu Âu, trong số đó 8 chiếc có hỏa tiễn tầm xa mang đầu đạn nguyên tử. Một khả năng khác : Bên cạnh việc tấn công Latvia hay một nước Baltic, quân Nga có thể đánh vào một trong các quần đảo như Aland (Phần Lan), Gotland (Thụy Điển), Bornholm (Đan Mạch). Một khi đảo bị địch chiếm rất khó giành lại, nhất là nếu kẻ thù đã bố trí các giàn phòng không, chưa kể lại đe dọa vũ khí nguyên tử.

Tựa chính các tuần báo

Chủ đề của tuần báo L’Obs – nay đổi thành Nouvel Obs - tuần này là cuộc tranh luận giữa nhà văn Salomé Saqué và cựu tổng thống François Hollande về vị trí của người trẻ trong xã hội. Trong hồ sơ "Trường công, trường tư", Courrier International tập hợp các bài viết về tương lai của giáo dục, việc tài trợ đại học và phương pháp giảng dạy. The Economist nói về Anh quốc, miền đất hứa của di dân. L’Express chạy tựa trang nhất "Sự kiện ngày 7 tháng 10 đã làm thay đổi thế giới như thế nào". Le Point nhận định "Một thất bại của giới tinh hoa : Nạn bài Do Thái lây nhiễm".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 202 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)