Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/04/2024

Nga – Ukraine đang trong giai đoạn củng cố lực lượng

RFI tổng hợp

Ukraine loan báo "vô hiệu hóa" tàu cứu hộ của hải quân Nga ở Biển Đen

Thanh Hà, RFI, 22/04/2024

Một ngày sau khi Hạ Viện Mỹ thông qua gói viện trợ 61 tỷ đô la giúp Ukraine đối mặt với chiến tranh, Kiev hôm 21/04/2024 loan báo Hải quân Ukraine đã vô hiệu hóa tàu Kommuna, ở Crimea. Đây là một chiếc tàu chiến "lâu đời nhất" của Nga. Trong khi đó, chính quyền tại Sevastopol do Nga dựng lên, tuyên bố đã đẩy lùi được một vụ tấn công bằng tên lửa chống hạm do Ukraine tiến hành.

kommura01

Tàu cứu hộ Kommuna tại quân cảng Sevastopol tháng 11/2020. Mikhail Shapovalov / Alamy via Reuters

Thống đốc Sevastopol, Mikhaïl Razvozhayev, công nhận đã có nhiều mảnh vỡ từ tên lửa rơi xuống một chiếc tàu đang hoạt động và gây ra hỏa hoạn, nhưng các đám cháy đã "nhanh chóng được dập tắt".

Trong thông cáo trên mạng xã hội X, phát ngôn viên Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk thận trọng cho biết chưa thể thẩm định chính xác về mức hư hại đã gây cho con tàu cứu hộ của Nga, nhưng Kommuna dường như "là không thể tiếp tục làm nhiệm vụ".

Kommuna là một trong những chiếc tàu quân sự cuối cùng lâu đời nhất còn hoạt động. Chiếc tàu này bắt đầu phục vụ từ năm 1915, có trọng tải hơn 3000 tấn, có nhiệm vụ cứu hộ ở các vùng biển sâu và cứu hộ tàu ngầm hay tàu vận tải bị mắc nạn. Từ 1996 tàu Kommuna thường trực tại khu vực Biển Đen.

Chasiv Yar và Bohdanivka : thông tin trái chiều

Còn tại các khu vực ở miền đông Ukraine, từ chiều qua, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã "hoàn toàn giải phóng" Bohdanivka, một thị trấn với chưa đầy 100 dân cư trước chiến tranh. Bohdanivka cách thành phố lớn Chasiv Yar chừng 10 cây số nơi mà quân đội Nga đang quyết tâm đánh chiếm. Nhưng chỉ vài giờ sau đó thì phía Ukraine khẳng định vẫn đẩy lui được quân Nga khỏi Bogdanivka.

Về gói viện trợ hơn 60 tỷ đô la của Washington cho Kiev vừa được Hạ Viện Mỹ thông qua, điện Kremlin đánh giá khoản viện trợ này "không cho phép làm thay đổi tình thế trên chiến trận".

Trong cuộc họp cấp ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu ngày hôm 22/04/2024 tại Luxembourg, ngoại trưởng Litva khẳng định là Liên Âu không thể "ỉ lại vào Mỹ". Đức cũng cho rằng Liên Âu cần "tiếp tục đẩy mạnh các cuộc thảo luận tăng viện cho Ukraine nhất là trang bị thêm cho quốc gia này các phương tiện để bảo vệ bầu trời".

Thanh Hà

***************************

NATO đồng ý cấp thêm hệ thống phòng không cho Kiev

Anh Vũ, RFI, 20/04/2024

Hãng tin AFP dẫn thông báo của tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg hôm qua cho biết, các nước trong Liên minh đã đồng ý cung cấp bổ sung cho Ukraine các hệ thống phòng không trong đó có tên lửa Patriot.

uk1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo khi kết thúc cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine (NUC) tại trụ sở NATO ở Brusselles vào ngày 19/04/2024. AFP – Kenzo Tribouillard

Sau cuộc họp qua truyền hình giữa các bộ trưởng Quốc Phòng của NATO và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Jens Stoltenberg thông báo "NATO đã kiểm tra các khả năng hiện có của Liên minh và thấy có nhiều hệ thống có thể chuyển cho Ukraine". Ông Stoltenberg xác nhận thêm, "ngoài các tên lửa Patriot, còn có các hệ thống vũ khí khác mà các nước đồng minh có thể cung cấp, trong đó có SAMP-Ts", hệ thống tên lửa đất đối không do Pháp-Ý chế tạo.

Tuy nhiên, lãnh đạo NATO không cho biết con số cụ thể. Mặt khác, một nhà ngoại giao của NATO xác nhận với AFP rằng không có một cam kết chính thức nào được đưa ra trong cuộc họp này.

Cũng trong cuộc họp này, tổng thống Volodymyr Zelensky một lần nữa khẩn thiết đề nghị NATO giao nhanh nhất có thể vũ khí cho Ukraine. Ông nói : "Chúng tôi không thể chờ đến khi các quyết định được đưa ra nữa. Tôi đề nghị các vị xem xét yêu cầu của chúng tôi càng sớm càng tốt".

Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận : "Chừng nào Nga còn ưu thế trên không và có thể dựa vào sức mạnh khủng khiếp của drone và tên lửa, thì khả năng dưới mặt đất của chúng tôi đáng tiếc là vẫn còn hạn chế".

Từ nhiều tháng nay quân đội của Kiev thiếu thốn quân số và đạn dược trầm trọng, gặp khó khăn trong việc kháng cự lại quân đội Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường. Ukraine giờ gần như hết khả năng bảo vệ các thành phố và hệ thống hạ tầng cơ sở năng lượng, vốn bị Nga liên tục bắn phá trong những tuần qua.

Các lãnh đạo Ukraine liên tục khẩn thiết kêu gọi các đồng minh viện trợ thêm các hệ thống phòng không, trong đó đặc biệt có hệ thống tên lửa Patriot có khả năng chống lại hiệu quả nhất các loại tên lửa siêu thanh đang được Nga sử dụng. Tuy nhiên sự chia rẽ trong Châu Âu và nhất là tại Hoa Kỳ đã làm chậm lại các viện trợ quân sự cho Kiev.

Anh Vũ

***************************

Slovakia : Chính phủ không giúp Ukraine, người dân quyên góp tiền để viện trợ Kiev

Thùy Dương, RFI, 20/04/2024

Trong bối cảnh nội các thân Nga từ chối đóng góp cho chương trình gây quỹ "Đạn dược cho Ukraine" do CH Séc đề xướng, hàng chục ngàn công dân Slovakia đã quyết định đóng góp vào một chiến dịch mới để gây quỹ cộng đồng nhằm viện trợ quân sự cho nước láng giềng chống quân Nga xâm lược. 

uk2

Người dân cầm cờ Slovakia và Ukraine trong cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine, sau cuộc gặp của ngoại trưởng Slovakia và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, tại Bratislava, Slovakia, ngày 12/03/2024. Reuters - Radovan Stoklasa

Từ Praha, thông tín viên trong khu vực, Alexis Rosenzweig, hôm 20/04 gửi về bài tường trình :

"Hơn hai triệu euro từ hơn 30.000 người quyên góp : sáng kiến ​​được đưa ra ch cách nay 4 ngày Slovakia đã thành công rc r và vượt xa ch tiêu đề ra ban đầu.

"Đạn dược cho Ukraine. Chúng tôi gửi cho họ mà không cần đến chính phủ". Đây là biểu ngữ của cuộc gây quỹ do tổ chức Hòa Bình Cho Ukraine phát động. Số tiền thu được sẽ dành để đóng góp vào dự án của chính quyền CH Séc nhằm hỗ trợ việc mua hàng trăm ngàn đạn pháo từ các nước thứ ba để cung cấp cho quân đội Ukraine hiện đang gặp khó khăn lớn trước quân xâm lược Nga.

Chính phủ của khoảng 20 nước đã chính thức thông báo khoản đóng góp vào kế hoạch của CH Séc, nhưng trong số đó lại không có chính phủ Slovakia, vốn là chính phủ liên minh có khuynh hướng thân Nga do Robert Fico lãnh đạo.

Chiến dịch quyên góp này, với sự ủng hộ của tổng thống mãn nhiệm, đã thu được số tiền nhiều hơn cả khoản đóng góp mà chính phủ Iceland đã loan báo. Chiến dịch này được tổ chức phối hợp với sáng kiến của CH Séc mang tên gọi "Quà tặng cho Putin". Một trong số các đợt quyên góp trước đây từng thu về vài trăm ngàn euro để mua xe rà phá bom mìn cho Ukraine".

Thùy Dương

*******************************

CIA : Ukraine có thể "thua" Nga trong năm 2024, nếu không được Mỹ hỗ trợ quân sự

Trọng Thành, RFI, 19/04/2024

Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, Bill Burns, cảnh báo về nguy cơ Ukraine "thua" Nga, nếu không được Mỹ hỗ trợ thêm về quân sự. Tuyên bố được đưa ra hôm 18/04/2024, hai ngày trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ Viện Mỹ, về khoản viện trợ quân sự hơn 60 tỉ đô la cho Ukraine, vốn bị trì hoãn từ cuối năm 2023.

uk3

Lửa bốc lên sau một vụ tấn công bằng tên lửa của Nga làm sáng cả một góc thành phố Kiev, Ukraine, ngày 21/03/2024. Reuters - Gleb Garanich

Theo AFP, phát biểu tại George W. Bush Center, ở Texas, Hoa Kỳ, giám đốc CIA dự báo, nếu "không có thêm hỗ trợ bổ sung, nguy cơ rất lớn là Ukraine sẽ thất bại trên chiến trường từ nay đến cuối năm 2024, hoặc ít nhất (tổng thống Nga) Putin sẽ có cơ hội ở thế thượng phong để áp đặt một giải pháp chính trị". Lãnh đạo CIA không cho biết cụ thể đối với Ukraine, "thua" Nga có nghĩa cụ thể là thế nào. 

Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, Bill Burns, cũng nhấn mạnh, nếu được hỗ trợ bổ sung, người Ukraine sẽ đứng vững, "phá vỡ quan điểm kiêu ngạo của Putin là thời gian đang đứng về phía ông ta." 

Phát biểu của lãnh đạo CIA được đưa ra vào lúc chủ tịch Hạ Viện đảng Cộng hòa, ông Mike Johnson, đang chịu nhiều áp lực trong nội bộ, để không thông qua dự luật hỗ trợ Ukraine. Tối hôm qua, theo AP, Ủy ban Thẩm tra các Dự luật đã bỏ phiếu thông qua thủ tục đưa dự luật viện trợ quân sự cho Ukraine, cùng một số dự luật khác hỗ trợ Israel và Đài Loan, ra bỏ phiếu tại Hạ Viện. Ba dân biểu thuộc phái cánh cực hữu trong đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống. 

Về phía Nga, khả năng kháng cự gia tăng của Ukraine có thể buộc Moskva phải tính đến việc ra lệnh động viên quân một lần nữa.

Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết cụ thể : 

Từ mùa thu năm ngoái, điện Kremlin đã thể hiện thái độ tự tin, đắc thắng, và tỏ ra khinh thường mọi trợ giúp của phương Tây cho Ukraine, kể cả khoản viện trợ của Mỹ bị trì hoãn lâu nay, nhưng đang chuẩn bị được đưa ra bỏ phiếu. Trưa hôm qua, phát ngôn viên điện Kremlin phát biểu : "Vì các tranh chấp chính trị nội bộ, Washington đang tìm kiếm các ý tưởng mới để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia hoặc những người gần như là chuyên gia giờ đây đều hiểu rõ thực trạng chiến trường, và họ thấy rõ là những việc này không hề có lợi gì cho Ukraine, sẽ không mang lại thay đổi gì." 

Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng theo dõi sát các tình hình quân sự, và rõ ràng là họ nỗ lực để tránh phải tiến hành một cuộc động viên mới lần thứ hai, bởi nhà cầm quyền hiểu rằng, nếu xảy ra, việc này sẽ rất gây mất lòng dân.

Hôm qua, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg khẳng định NATO đang chuẩn bị để chuyển thêm các hệ thống phòng không mới cho Ukraine. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, hy vọng là các quốc gia NATO có thể sẽ sớm viện trợ cho Ukraine 6 hệ thống phòng không Patriot.

Trọng Thành

****************************

Chiến tranh Ukraine : Oanh tạc cơ chiến lược đầu tiên của Nga bị rớt trên đường về căn cứ

Trọng Thành, RFI, 19/04/2024

Một oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-22M3 của Nga bị rớt tại miền nam nước Nga khi trên đường trở về căn cứ. Tình báo Ukraine hôm nay, 19/04/2024, cho biết oanh tạc cơ nói trên đã bị lực lượng phòng không nước này bắn hạ. Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định đây dường như là một tai nạn do trục trặc kỹ thuật.

banha0

Không quân Ukraine xác nhận đã bắn hạ Chiến đấu cơ chiến lược Tupolev Tu-22M3 trong nội địa Nga. Ảnh minh họa - Russian Defence Ministry/AFP/File

Reuters dẫn lời cơ quan tình báo quân sự Ukraine, theo đó "lần đầu tiên các đơn vị thuộc lực lượng phòng không của binh chủng Không quân, phối hợp với ngành tình báo quốc phòng Ukraine, đã phá hủy một oanh tạc cơ tầm xa, mang tên lửa hành trình Kh-22, mà những kẻ khủng bố Nga sử dụng để tấn công nhiều thành phố Ukraine vô tội" . Theo tình báo Ukraine, oanh tạc cơ bị bắn hạ sau khi tiến hành một cuộc tấn công nhắm vào Ukraine.

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M3 bị rớt tại vùng Stavropol, miền nam nước Nga, phía bắc vùng Kavkaz, cách Ukraine khoảng vài trăm cây số.

Theo báo chí Pháp, oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M3, lần đầu tiên cất cánh năm 1976, hiện vẫn là một vũ khí chủ lực của không quân Nga. Phi cơ có tốc độ hơn 2.300 km/giờ, bay ở độ cao 13.000 km, rất khó bị bắn hạ. Tupolev Tu-22M3, có tầm hoạt động khoảng 7.000 km, cũng được coi "sát thủ tàu sân bay". Năm 2023, một oanh tạc cơ loại này ở căn cứ không quân Nga Solsy, miền tây bắc Nga, bị drone phá hủy.

Sân bay Nga ở Crimea bị oanh kích : Nhiều dàn phóng tên lửa S-400 bị phá hủy

Ngoài oanh tạc cơ nói trên, hôm qua, tình báo quân sự Ukraine cũng thông báo oanh kích thành công sân bay quân sự Nga ở Djankoi, bán đảo Crimea, phá hủy nhiều dàn phóng tên lửa S-400, nhiều trạm radar, và một trung tâm kiểm soát phòng không. Trên mạng Telegarm, một tài khoản gần gũi với quân đội Nga cho biết, Ukraine có thể đã sử dụng 12 tên lửa chiến thuật ATACMS, do Mỹ cung cấp, để tấn công căn cứ không quân này.

Theo chính quyền tỉnh miền trung đông Ukraine Dnipropetrovsk, hôm qua, Nga đã oanh kích nhiều cơ sở hạ tầng và nhà dân tại thủ phủ Dnipro, khiến 8 người chết và 25 người bị thương.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Anh Vũ, Thùy Dương, Trọng Thành
Read 207 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)