Viện trợ Mỹ không giúp Ukraine lật ngược thế cờ trên chiến trường với Nga
Thu Hằng, RFI, 26/04/2024
Ukraine thở phào khi Quốc hội Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỉ đô la. Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù được coi là "chiếc phao cứu sinh" nhưng khoản hỗ trợ đó không phải là "cây đũa thần" để Kiev giải quyết được mọi khó khăn trên chiến trường và sớm tiến hành chiến dịch phản công.
Quân nhân Hoa Kỳ kiểm tra các kiện hàng đạn 155 ly gửi sang Ukraine từ căn cứ Không quân Dover, Delaware (Hoa Kỳ) ngày 29/04/2022. AP - Alex Brandon
Bất đồng kéo dài tại Hạ Viện Hoa Kỳ đã khiến Ukraine phải trả giá đắt. Sáu tháng chờ đợi là khoảng thời gian Ukraine bị mất đất, mất quân trên chiến trường. Binh lính Ukraine phải "dè xẻn" từng viên đạn, chống chọi các đợt tấn công của Nga. Trong khi đó, Nga không ngừng oanh kích cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine, đặc biệt là ở thành phố Kharkiv sát biên giới và chiếm ưu thế tại một số địa phương ở miền đông. Ukraine phải lùi về thế thủ, xây dựng nhiều lớp hào để ngăn đà tiến.
Ukraine bị trả giá vì 6 tháng chờ đợi Quốc hội Mỹ
Chính cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan thừa nhận rằng dù có "khoản hỗ trợ lớn", Ukraine "cần thời gian để thoát khỏi hố sâu vì 6 tháng chờ đợi" và "có thể Nga tiến thêm trong những tuần tới". Chiến sự được cho là khắc nghiệt cho quân Ukraine từ nay đến giữa tháng 5 vào lúc Nga dường như đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới, trên quy mô lớn.
Dù tổng thống Joe Biden khẳng định lấy vũ khí trong kho giao ngay cho Kiev, nhưng cần phải có thời gian để đưa được vũ khí ra chiến trường. Thậm chí, trước khi Quốc hội thông qua gọi viện trợ, chính phủ Mỹ đã bí mật giao cho Ukraine tên lửa ATACMS, có tầm bắn tới 300 km, giúp Ukraine tấn công nhiều công trình của Nga trên bán đảo Crimea bị Moskva sáp nhập năm 2014. Một trong những điều kiện của Washington là Kiev không được dùng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga.
Theo nhà nghiên cứu Garret Martin tại Đại học Washington, được AFP trích dẫn, gói viện trợ của Mỹ có thể khích lệ phần nào tinh thần của những người lính Ukraine trên mặt trận nhưng "cái giá chờ đợi là quá đắt". Viện nghiên cứu Đức Kiel Institute cũng có chung đánh giá khi cho rằng "khoản viện trợ rất lớn", gồm 27 tỉ đô la mua vũ khí, 10 tỉ viện trợ phi quân sự và 23 tỉ đô la còn lại để dành bổ sung số vũ khí được Mỹ trích trực tiếp từ kho. Tuy nhiên, số tiền này "không làm thay đổi sâu sắc cục diện chiến trường" bởi vì từ 6 tháng qua, Ukraine chỉ biết cầm cự.
Có viện trợ nhưng Ukraine thiếu lính
Thêm vào đó, "có một điều mà khoản viện trợ này không thể làm được đó là tình trạng thiếu binh sĩ", theo nhận định của ông Garret Martin. Hai năm chiến tranh đã khiến ít nhất vài chục nghìn người thiệt mạng, dù Ukraine không công bố số liệu chính xác. Tổng thống Zelensky đã phải sử dụng đến biện pháp ít được lòng dân là hạ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, gần như ép buộc thanh niên Ukraine sống ở nước ngoài về nước chiến đấu và ngừng cấp hộ chiếu cho nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 60.
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan tỏ ra tin tưởng rằng "Ukraine có thể và sẽ giành chiến thắng" dù "con đường trước mặt không dễ dàng gì". Thực vậy, từ giờ đến cuối năm 2024, những khoản viện trợ quân sự cho Ukraine mới chỉ đưa trở lại mức tương đương nửa đầu năm 2023, theo thẩm định được Viện Kiel công bố ngày 25/04. Liên Hiệp Châu Âu hứa hỗ trợ cho Kiev 50 tỉ euro nhưng trải dài thành nhiều giai đoạn trong vòng 4 năm.
Christoph Trebesh, điều hành nhóm nghiên cứu của Viện Kiel theo dõi hỗ trợ cho Kiev, cho rằng nếu Mỹ không thông qua những kế hoạch hỗ trợ mới vào cuối năm 2024 hoặc năm 2025, Ukraine có thể lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hỗ trợ vào năm 2025, đặc biệt trong viễn cảnh ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng nếu thắng cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Thu Hằng
****************************
Mỹ và đồng minh chủ trương giúp Ukraine tăng cường phòng thủ sau khi viện trợ gián đoạn
Reuters, VOA, 26/04/2024
Hoa Kỳ hy vọng việc chuyển giao vũ khí mới sẽ giúp Ukraine xây dựng lại hệ thống phòng thủ và tái trang bị cho lực lượng của họ khi nước này phục hồi sau giai đoạn bị gián đoạn về sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng Washington không kỳ vọng Kyiv sẽ tiến hành các hoạt động tấn công quy mô lớn vào lực lượng Nga trong thời gian tới, Reuters dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hôm 25/4.
Một binh sĩ Ukraine ở vùng Mykolaiv.
Vào ngày 26/4, Hoa Kỳ sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các bên cấp viện trợ quốc tế cho Ukraine, vài ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhanh chóng tuyên bố số pháo binh, phòng không và các khí tài khác trị giá 1 tỷ USD sẽ sớm được chuyển đến tiền tuyến Ukraine.
Một quan chức Mỹ hôm 25/4 cho hay Mỹ có thể công bố sớm nhất vào ngày 26/4 về việc mua vũ khí mới trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine.
Các vũ khí này có thể bao gồm radar chống pháo, xe chiến thuật, tên lửa đánh chặn Patriot, máy bay không người lái, pháo binh, đạn chính xác và hệ thống chống máy bay không người lái, quan chức không nêu tên nói trên cho biết, vẫn theo Reuters.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng đợt chuyển giao vũ khí mới này có thể cải thiện cơ hội của Kyiv trong việc ngăn chặn một bước đột phá lớn của Nga ở miền đông, ở thời điểm mới được hơn hai năm kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Moscow.
Quan chức quốc phòng Mỹ không nêu tên nói rằng mục tiêu là giúp Ukraine có thể "lấy lại thế chủ động".
"Tôi sẽ không dự báo sẽ có bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn nào trong thời gian tới", quan chức này nói, đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng Kyiv sẽ có thể bắt đầu áp dụng "áp lực lớn hơn đáng kể" đối với các lực lượng của Nga, kể cả ở Crimea do Nga chiếm đóng.
Moscow đã có lợi thế trên chiến trường kể từ khi chiếm được thị trấn đã có giao tranh kéo dài là Avdiivka ở khu vực Donbas thuộc miền đông vào tháng 2, và lực lượng của nước này đang tiến quân dần dần bằng cách sử dụng số lượng quân và đạn pháo lớn hơn.
Hiện Nga đang tấn công thị trấn Chasiv Yar, nằm trên vùng đất cao mà nếu chiếm được sẽ đưa Moscow đến gần hơn tới Kostiantynivka, Kramatorsk và Sloviansk, là các thành phố còn lại do Kyiv nắm giữ ở vùng Donbas.
Các quan chức Mỹ trong nhiều tháng qua nói rằng viện trợ mới của Mỹ là rất quan trọng, ngay cả khi Ukraine có thể mất thời gian để lấy lại động lực.
Nguồn : VOA, 26/04/2024
***********************
Drone Nga đe dọa chiến xa Abrams mà Mỹ cung cấp cho Ukraine
Thanh Hà, RFI, 26/04/2024
Theo nhiều nguồn tin quân sự Mỹ được hãng tin AP ngày 26/04/2024 trích dẫn, Ukraine tạm ngừng huy động loại xe tăng "đắt tiền" Abrams M1A1 ra mặt trận, đề phòng trước các đợt Nga dồn dập tấn công bằng drone.
Một chiếc xe tăng M1A2 Abrams của quân đội Hoa Kỳ được chụp tại cảng Baltic Container Terminal ở Gdynia, Ba Lan, ngày 03/12/2022. © Mateusz Slodkowski / AFP via Getty Images
Hãng tin Mỹ nhắc lại từ tháng 1/2023 Hoa Kỳ đã đồng ý gửi 31 chiến xa Abrams cho UK, trị giá mỗi chiếc khoảng 10 triệu đô la. Loại chiến xa đời mới này của Mỹ được cho là có khả năng chọc thủng các chiến tuyến của quân Nga. Nhưng theo các giới chức quân sự, bối cảnh chiến tranh từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi. Chủ yếu là do Nga huy động drone quan sát phát hiện xe tăng của Mỹ. Nga cũng sử dụng nhiều hơn các loại drone tự sát để nhắm trúng mục tiêu. Phía Ukraine khó để bảo đảm an toàn cho các loại chiến xa đắt tiền của Mỹ. Theo thống kê của AP đến nay 5 trong số 31 chiếc Abrams quân đội Ukraine sử dụng đã bị hư hại sau nhiều đợt tấn công của Nga.
Nhiều nguồn tin quân sự của Hoa Kỳ đã cho biết những thông tin nói trên trong khuôn khổ một trao đổi với các đối tác Ukraine trước thềm cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine dự trù diễn ra vào ngày hôm nay 26/04/2024 tại Berlin. Phó chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, đô đôc Christopher Grady xác nhận, chiến xa của Mỹ tạm thời được rút ra khỏi các chiến tuyến, và công nhận drone là một mối đe dọa đối với loại chiến xa này.
Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine quy tụ khoảng 50 quốc gia, hoạt động từ 2 năm nay và hàng tháng vẫn họp lại để thẩm định về tình hình trên trận địa, về nhu cầu của Ukraine về đạn dược, trang thiết bị quân sự … trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trước các lực lượng quân sự Nga.
Sau quyết định cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn 300 km cho Kiev chính quyền Biden kỳ vọng Đức sẽ không còn do dự để cung cấp cho Ukraine tên lửa Taurus. Anh và Pháp đã trang bị tên lửa Storm Shadow và Scalp với tầm bắn 250 km cho quân đội Ukraine. Riêng Berlin thận trọng. Cho đến tận ngày 25/04/2024 chính phủ Đức vẫn muốn tránh để "chiến tranh leo thang" với loại vũ khí có tầm bắn đến 500 km.
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Jens Stoltenberg trên đường đến dự cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine lên án Trung Quốc yểm trợ Nga về công nghệ chế tạo vũ khí, đồng thời ông cho rằng nếu phương Tây giữ lời hứa cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, "vẫn chưa quá trễ để Kiev giành được chiến thắng" trong cuộc đối đầu với nước Nga.
Thanh Hà