Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/08/2024

Thế Vận Hội Paris 2024 thành công : cả nước Pháp vui mừng

RFI tổng hợp

Chiến lược "bất kể giá nào" của tổng thống Macron mang lại thành tích cao cho Pháp

Minh Anh, RFI, 12/8/2024

Chủ Nhật 11/08/2024, Paris đã khép lại mùa Thế Vận Hội 2024, phái đoàn Pháp "bội thu" huy chương. Thành tích này là kết quả của một chiến lược tài chính đặc thù do điện Elysée vạch ra để hỗ trợ cho các vận động viên tham gia tranh tài.

olympic1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trên bên trái) và chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach, tại lễ bế mạc Thế Vận Hội Paris 2024, Stade de France, Saint Denis, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 11/08/2024. Reuters - Gonzalo Fuentes

"Nếu nước Pháp tỏa sáng ở bên ngoài nhờ vào các nhà tư tưởng, các nhà bác học, hay giới nghệ sĩ, thì đất nước cũng phải tỏa ánh hào quang qua các vận động viên của mình". Câu nói nổi tiếng này đã được tướng De Gaulle đưa ra sau thất bại tại Olympic Roma 1960. Nước Pháp ra về với chỉ 5 tấm huy chương mà không có vàng, xếp hạng thứ 25 trên bảng tổng kết.

Mùa Olympic Tokyo 2020, Pháp đã có những bước tiến vượt bậc, khi đoạt 33 huy chương trong đó có 10 vàng và đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng. Olympic Paris 2024, Pháp giành được tổng cộng 64 huy chương, trong đó có 16 vàng và lọt vào tốp 5, theo đúng như mục tiêu tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt ra.

Theo báo Pháp Le Figaro, để có được thành tích hôm nay, Paris đã có những chiến lược đầu tư dài hạn từ sau mùa Olympic Roma 1960 : Xây dựng 4000 phòng tập thể dục, 1500 bể bơi và 8000 sân chơi thể thao dù rằng đất nước lúc đó trong giai đoạn tái thiết thời hậu chiến.

Hơn nửa thế kỷ sau, chiến lược này vẫn được tiếp nối. Tổng thống Pháp Macron tin rằng "Nhà nước đóng vai trò hàng đầu trong chính sách hỗ trợ các môn thể thao" thành tích cao, và do vậy, ông cam kết "Nhà nước sẽ luôn sát cánh" cùng với các vận động viên thể thao nhân dịp tiếp đãi những người tham gia Thế vận hội Tokyo tại điện Elysée hồi tháng 9/2021.

Lời nói đi đôi với việc làm. Năm 2019, Paris đặc biệt cho ra đời một định chế thể thao mới – Cơ quan Thể thao Quốc gia (ANS) – nhằm tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị. Định chế này tập hợp các cơ sở nhà nước, các liên đoàn thể thao, và chính quyền địa phương thành một cơ sở công duy nhất, với một mục tiêu kép : Kết hợp cả hoạt động thể thao của người dân Pháp và hỗ trợ "các môn thể thao thành tích cao".

Một mô hình "pha lẫn giữa hành chính, công ty khởi nghiệp và một liên đoàn thể thao", theo như ghi nhận của tổng giám đốc Frédéric Sanaur, cựu tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Pháp. Việc huy động được những nguồn tài chính dồi dào từ các nhà đầu tư và từ ngân sách Nhà nước, đã giúp cho Pháp có thể xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng chỉ dành riêng cho Thế Vận Hội.

Về phía các vận động viên, ANS vạch hẳn một chiến lược nhằm "xác định một tiêu chí về khả năng có huy chương", và cung cấp các điều kiện tài chính cần thiết cho tất cả các vận động viên được tuyển chọn tham gia Thế Vận Hội.

Đây là cách tiếp cận mới tại Pháp. Năm 2020, qua quan sát, Paris ghi nhận hơn một nửa số vận động viên tham gia Olympic Tokyo sống dưới ngưỡng nghèo. Để sửa chữa sai lầm này, chính phủ tổng thống Macron bảo đảm rằng không có thành viên nào của phái đoàn Pháp, trong suốt thời gian chuẩn bị, có mức thu nhập hàng năm dưới 40 ngàn euro.

Dường như kinh nghiệm này đã được nguyên thủ Pháp học hỏi từ thủ tướng Anh Tony Blair sau thất bại ê chề của đoàn vận động viên Anh tại Olympic Atlanta 1996 ở Mỹ. Nước Anh ra về với vị trí thứ 36 trong bảng xếp hạng.

Tháng 9/2021, tổng thống Macron từng tuyên bố, "để có thành tích cao, chúng ta phải chấp nhận tập trung các phương tiện vào những lĩnh vực nào chúng ta có nhiều khả năng tiềm tàng cũng như ở những môn chúng ta muốn đạt được kết quả".

Chủ trương "bất kể giá nào" của ông Macron được sử dụng để chống Covid-19, đã cho thấy hiệu quả trong bảng thành tích thể thao của đội tuyển Pháp.

Có tiền mà không có chiến lược đầu tư thì cũng "xôi hỏng bỏng không" !

Minh Anh

**************************

Đêm bế mạc đầy màu sắc, tôn vinh thể thao và tình đoàn kết

Minh Phương, RFI, 12/08/2024

Hôm 11/08/2024, Olympic Paris 2024 đã chính thức khép lại tại sân vận động Stade de France, thành phố Saint-Denis, Pháp. So với lễ khai mạc hoành tráng và độc đáo trên sông Seine, lễ bế mạc đêm qua được đánh giá là truyền thống và tập trung nhiều hơn vào các vận động viên, tôn vinh tinh thần thể thao và tình đoàn kết.

olympic2

Lễ bế mạc Thế Vận Hội Paris tại sân vận động Stade de France, tỉnh Saint-Denis, ngày 11/08/2024. Reuters - Sarah Meyssonnier

Lễ bế mạc diễn ra tại sân vận động Stade de France với sự theo dõi của hơn 71.000 khán giả trực tiếp và 17,1 triệu khán giả xem truyền hình. Hàng nghìn vận động viên Olympic cùng diễu hành vào sân vận động, trong khi đám đông trên khán đài hò reo cổ vũ vì những cố gắng của họ trong suốt 15 ngày thi đấu.

Sau lễ diễu hành của các đoàn là những tiết mục nghệ thuật đầy màu sắc, pha trộn giữa opera, múa nghệ thuật và "bữa tiệc ánh sáng". Buổi lễ có sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng như ban nhạc Pháp Phoenix, ca sĩ người Bỉ Angèle, ca sĩ nhạc R&B người Mỹ, H.E.R.… Màn xuất hiện của nam diễn viên Hollywood, Tom Cruise, cũng được nhiều người hâm mộ đón đợi. Diễn viên hành động 62 tuổi đã nhảy xuống từ mái của sân vận động và sau đó lái moto ra sân bay, mang lá cờ Thế Vận Hội đến thành phố Los Angeles, biểu tượng cho sự chuyển giao cho thành phố chủ nhà Olympic 2028. Tại đây, các ca sĩ nổi tiếng như Billie Eilish, ban nhạc Red Hot Chili Peppers và các rapper Dr Dre và Snoop Dogg biểu diễn trên bãi biển.

Ban tổ chức cũng dành thời gian để tri ân các vận động viên và đặc biệt là tôn vinh 45.000 tình nguyện viên, những người đóng vai trò quan trọng vào thành công của Thế Vận Hội. Buổi lễ kết thúc với màn bắn pháo hoa rực rỡ trên sân.  

Dù không hoành tráng như lễ khai mạc, nhưng sự kiện này vẫn là một ngày hội để các vận động viên, tình nguyện viên và tất cả các cổ động viên từ khắp các nước cùng tận hưởng "niềm vui được sống hạnh phúc bên nhau" như những gì Thomas Jolly, giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc và bế mạc Olympic Paris, khẳng định.

Về bảng tổng kết huy chương chung cuộc Olympic 2024, đoàn Mỹ đã bảo vệ thành công vị trí nhất bảng với 40 huy chương vàng trên tổng số 126 huy chương. Dù có cùng số huy chương vàng nhưng đoàn Trung Quốc đành xếp vị trí thứ hai với tổng số 91 huy chương. Nước chủ nhà Pháp hoàn thành mục tiêu đề ra, đứng trong nhóm 5 nước dẫn đầu với 16 huy chương vàng, 26 huy chương bạc và 22 huy chương đồng. Đoàn thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào, đánh dấu lần thứ 2 liên tiếp ra về tay trắng trong giải đấu lớn nhất hành tinh này.

Minh Phương

******************************

"Cuộc đua marathon cho tất cả" : Điều bất ngờ kỳ diệu của Thế Vận Hội Paris 2024

Trọng Thành, RFI, 11/08/2024

Đêm hôm 10 rạng sáng 11/08/2024, trước ngày bế mạc của Thế Vận Hội Paris, đã diễn ra một sự kiện đặc biệt : Cuộc chạy "Marathon pour tous" (Đua marathon cho tất cả), mở rộng cho các vận động viên nghiệp dư. Đây là lần đầu tiên sự kiện thể thao quần chúng này được tổ chức trong khuôn khổ Thế Vận Hội. Với rất nhiều người có mặt tại chỗ, sự kiện "Marathon pour tous" là điều bất ngờ kỳ diệu của Thế Vận Hội Paris.

olympic3

"Cuộc đua marathon cho tất cả" chạy từ Tòa đô chính Paris dọc theo Rue de Rivoli với trên cao là chiếc vạc lửa Olympic, bay lên từ vườn Tuileries, Paris, 10/08/2024. © Reuters/Kevin Coombs

Kể từ 9 giờ tối hôm qua, hơn 20.000 vận động viên lần lượt nối nhau tham gia cuộc đua 42 cây số 195 mét, cũng theo chính cung đường của các vận động viên đỉnh cao, xuyên qua những địa điểm lịch sử nổi tiếng của nước Pháp, của vùng Ile-de France, của Paris. Người về đích cuối cùng là vào khoảng 4 giờ rưỡi sáng.

Không khí ấm lòng ngày hội

Tham gia cuộc đua có vận động viên nam nữ từ 150 quốc gia với đủ mọi lứa tuổi. Cao tuổi nhất là cụ bà Barbara Humbert, 85 tuổi, đến từ tỉnh Val d’Oise. Trái ngược với không khí cạnh tranh căng thẳng trong nhiều môn thể thao song đấu, cuộc thi "Marathon pour tous"  tràn đầy không khí hòa đồng, vui nhộn. Laurent, một trong số 17.428 vận động viên marathon về đích, chia sẻ : "Chúng tôi đã kết thúc cuộc chạy marathon này, tất cả cùng nhau. Cảm ơn Ban tổ chức Thế Vận Hội đã tổ chức sự kiện. Một không khí thật tuyệt vời, làm ấm lòng người". Laurent kiệt sức, lạnh cứng người sau cuộc chạy. Gia đình đón anh với một chiếc áo cách nhiệt, chuyên dùng để cứu hộ cho người leo núi.

Trong đoàn chạy đua có cả nhiều người tàn tật ngồi trên xe, tự điều khiển xe, hoặc với sự hỗ trợ của người thân. Bé Tiziana 13 tuổi, sống ở tỉnh Loiret, bị liệt do một căn bệnh di truyền hiếm có, nằm trên xe, được 6 vận động viên thay nhau đẩy, tất cả đều chưa từng tham gia một cuộc marathon nào.

Cơ hội "vượt lên chính mình"

Marathon là một dịp để mỗi người vượt lên những giới hạn của chính mình như tâm sự của Cyrille, lần đầu tham dự marathon : "Mục tiêu của tôi khi tham gia là để được chạy trên cùng một tuyến đường với các nhà thể thao lớn, và cũng là để vượt lên chính mình, những giới hạn về thể chất và tinh thần".

Tham gia cuộc chạy này còn có hơn 20.000 vận động viên chạy cự ly 10 km, cũng về đích trên cùng một cung đường. Roméo, sau khi hoàn thành cuộc chạy, đã lưu lại đây để cổ vũ những người về đích sau : "Đây không phải là một cuộc chạy marathon, với thời lượng 2 tiếng rưỡi như của giới tinh hoa ở Paris, mà cho những người nghiệp dư, mà phần đông chạy hết khoảng 4 giờ, thậm chí hơn. Thực sự là một cuộc chạy marathon mà tất cả cùng chạy với nhau, hỗ trợ, động viên nhau. Thực sự là một trải nghiệm độc nhất vô nhị".

Những bước chạy khó nhọc cuối cùng và tiếng gọi tên

Không chỉ các vận động viên hỗ trợ, động viên nhau, mà các khán giả cũng là một nguồn động viên lớn. Charly, có mặt bên đường cùng một vài người bạn, đã ở đây từ nhiều giờ, anh không ngừng hô vang tên mỗi người chạy qua để khích lệ từng cá nhân, hô đến lạc giọng. Charly giải thích : "Chúng tôi ở đây cho đến người về đích cuối cùng. Tiếp theo chúng tôi sẽ trở lại để cổ vũ cuộc thi marathon nữ (cùng ngày 11/08, ít giờ sau đó). Chúng tôi cố gắng động viên họ hết sức, để họ có thể nhanh chóng về đích nhất. Cuộc thi này tạo nên tình cảm đoàn kết thống nhất tất cả mọi người, tất cả các nước. Đây thực sự là điều kỳ diệu của môn chạy này. Tất cả cùng nhau. Đi qua những công trình đẹp nhất của đất nước, từ cung điện Versailles đến Paris, những địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử. Thật không thể tin nổi !".

Về lý do cung đường Paris – lâu đài Versailles – Paris được lựa chọn cho cuộc marathon này, có một chi tiết có lẽ không nhiều người để ý. Đằng sau vẻ đẹp của những công trình kiến trúc và những kỳ quan của nước Pháp, ban tổ chức muốn vinh danh "Cuộc tuần hành của phụ nữ" năm 1789 (Marche des femmes), "một biến cố đặc biệt trong lịch sử nước Pháp, lịch sử đại cách mạng Pháp, mà hiện còn rất ít được biết đến".

Đua marathon nhớ về cuộc tuần hành thời Cách mạng

Chính trên tuyến đường này vào ngày 05/10/1789, hàng nghìn phụ nữ Pháp đã bộ hành đến cung điện vốn được coi là bất khả xâm phạm của vua Louis XVI, để đòi nhà vua ban hành biện pháp chống nạn đói. Kết quả là ngày hôm sau, dưới áp lực của giới phụ nữ, hoàng đế Pháp đã buộc phải chuyển nơi ở về Paris và chấp nhận phê chuẩn Tuyên ngôn Nhân quyền. Theo sử gia Jules Michelet, đàn ông Pháp đã phá ngục Bastille, còn phụ nữ Pháp giành chính quyền.

"Đua marathon cho tất cả" thể hiện rõ tinh thần của Thế Vận Hội Paris với khẩu hiệu "Ouvrons Grand les Jeux’’ (tạm dịch là : Cùng mở rộng vòng tay Thế Vận Hội). Thế Vận Hội không chỉ là dịp đua tài của giới chuyên nghiệp đỉnh cao, mà còn là "những ước mơ được chia sẻ", để nhu cầu rèn luyện sức khỏe, nhu cầu thể thao gắn bó khăng khít hơn với "đời sống hàng ngày" của mỗi người, với cộng đồng.

Huyền thoại bi tráng thời cổ đại và khát vọng tương lai

Thế Vận Hội là cơ hội để những con tim đập cùng một nhịp, là nơi "thể nghiệm", "sáng tạo nên những giải pháp hữu ích" cho tương lai, như nhận định của chủ tịch ban tổ chức Thế Vận Tony Estanguet. Khác hẳn với các môn chạy với các cự ly tròn số, cự ly 42,195 km của môn Marathon mang chứa một truyền thuyết bi tráng thời Hy Lạp cổ đại về một người đưa tin chạy liên tục không ngừng nghỉ từ Marathon đến thành đô Athens để mang đến một thông điệp quan trọng, bất chấp nguy hiểm với tính mạng mình. "Đua marathon cho tất cả" không phải là một cuộc đua thông thường. Vượt lên chính mình, siết chặt tinh thần đồng đội, giúp nhau thêm sức, trở về nguồn cội để được tiếp nguồn cảm hứng hướng đến tương lai... Marathon là cuộc chạy mang đầy ý nghĩa, điều bất ngờ kỳ diệu của Thế Vận Hội Paris.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Minh Phương, Trọng Thành
Read 206 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)