Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thế vận hội Paris và Ukraine, nạn nhân của việc giải tán Quốc Hội Pháp

Les Echos ngày 27/06/2024 lo rằng sự hỗn loạn chính trị sẽ làm hỏng ngày hội lớn khi chỉ còn đúng một tháng nữa sẽ khai mạc Thế Vận Hội Paris, trong khi mọi người đều nhận thấy Pháp đã chuẩn bị rất tốt.

paris1

Khách tham quan thích thú khi các vòng tròn Olympic hiện lên trên tháp Eiffel, vào lúc sắp diễn ra Thế vận hội Paris 2024. Ảnh chụp ngày 22/06/2024. Reuters - Dylan Martinez

Chỉ còn hai ngày nữa đến kỳ bầu cử Quốc hội, tít trang nhất và bài vở trên báo chí Pháp đều tập trung cho tình hình chính trị. Le Figaro nhận định "Phe Macron chia rẽ về chiến lược cho vòng hai". Le Monde chạy tít "Bên cánh hữu, cử tri phân tán và bị cực hữu lôi kéo", Libération trấn an "Cánh tả chống lại cực hữu : Hãy tin tưởng !". Nhật báo kinh tế Les Echos dự báo về "Những ngày sau bầu cử trên thị trường tài chánh", La Croix nhận xét "Nước Pháp khiến Châu Âu lo ngại".

Cực hữu lúng túng trước vấn đề song tịch, ngoại giao, quốc phòng

Le Figaro nhận xét "Song tịch : Cuộc tranh cãi mà Jordan Bardella không hình dung ra trước". Chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) muốn ngăn cản những công dân Pháp có hai quốc tịch làm "những công việc cực kỳ nhạy cảm", nhưng không thuyết phục nổi khi tranh luận. Ông Jordan Bardella, đang hy vọng trở thành thủ tướng nếu cực hữu giành được đa số, khẳng định với báo chí rằng muốn dành các vị trí trong an ninh và quốc phòng cho người Pháp gốc, bằng luật và nghị định.

Đỉnh điểm là tối thứ Ba khi tranh luận trên đài TF1 giữa các thủ lãnh của ba khối. Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal chất vấn, như vậy phải chăng người mang hai quốc tịch "chỉ là người Pháp có phân nửa", "không đáng tin tưởng để giữ các chức vụ". Bà Marine Le Pen hôm sau nói rằng người song tịch có thể làm mọi việc, nhưng nhìn chung, các nhân vật cực hữu đang trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Trên trang Ý kiến của Le Monde, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp cho biết sẵn sàng từ nhiệm trước quan điểm phân biệt đối xử của RN.

Về chính sách ngoại giao và quốc phòng, Les Echos nhận thấy RN cũng tiền hậu bất nhất. Cương lĩnh của bà Marine Le Pen trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2022 đã bị rút khỏi trang web của đảng cực hữu cách đây vài ngày, trái ngược hẳn với những tuyên bố của chủ tịch đảng hiện nay. Jordan Bardella không phản đối kinh tế chiến tranh, chương trình hợp tác vũ khí với Đức. Về Ukraine, tuy không đặt lại vấn đề về những cam kết đã có, nhưng chống lại việc gởi quân và những vũ khí có thể tấn công sang đất Nga - có nghĩa là kết thúc việc chi viện hỏa tiễn Scalp và gởi cố vấn. Nếu trước đây Le Pen muốn ra khỏi NATO, Bardella nói rằng NATO là cần thiết, tuy vậy vẫn luôn phản đối Ukraine gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (và Liên Hiệp Châu Âu).

Thế Vận Hội trở thành thứ yếu

Les Echos lo rằng sự hỗn loạn chính trị sẽ làm hỏng ngày hội lớn khi chỉ còn đúng một tháng nữa sẽ khai mạc Thế Vận Hội Paris ; công việc chuẩn bị cho Olympic đã lần lượt vượt qua được tất cả trở ngại. Bức ảnh lẽ ra rất tuyệt vời. Ngày 26/07, mọi người đều đoàn kết xung quanh tổng thống Emmanuel Macron, những đại diện đủ mọi khuynh hướng và các nhà tổ chức. Nhưng những nụ cười có thể trở thành gượng gạo, và sự đồng tâm chỉ là bề ngoài vì bất ổn chính trị. Sau vòng bầu cử thứ hai, ba tuần trước khi Thế vận hội khai diễn, giả thiết một chính phủ - đặc biệt nếu là cực hữu - sẽ làm đảo lộn tất cả.

Tất nhiên guồng máy vẫn đều đặn quay. Nhưng hai khuôn mặt chủ chốt trong ngày hội toàn cầu này, là bộ trưởng thể thao Amélie Oudéa-Castéra và bộ trưởng nội vụ Gérald Darmanin có thể phải ra đi. Hơn nữa, Thế Vận Hội bị rơi xuống thành vấn đề hạng hai, tuy sau một thế kỷ chờ đợi và thất bại của lần ứng cử trước, Thế Vận Hội Paris 2024 lẽ ra phải là dấu ấn mạnh mẽ trong nhiệm kỳ của ông Emmanuel Macron.

Ngọn lửa Olympic đang tiến về gần thủ đô, lịch trình truyền thông vẫn theo đúng nhưng sự hồ hởi của người dân giảm xuống, những ánh mắt xa dần các địa điểm thi đấu và các vận động viên đang chuẩn bị, tập trung vào những rối ren chính trường. Một người thạo tin nói rằng Ban tổ chức rất không vui vì "họ bán một sản phẩm tuyệt vời nhưng rốt cuộc lại có vướng mắc".

Nguy cơ hình ảnh nước Pháp bị phai mờ

Trong khi đối với tất cả mọi người, Paris đã chuẩn bị rất tốt, sau bảy năm miệt mài. Ngân sách không bị vượt quá như những kỳ thế vận trước, cơ sở hạ tầng hoàn thành đúng hạn nhất là tuyến métro tự động số 14, các doanh nghiệp chung tay, đình công không diễn ra - ngay cả các nghiệp đoàn từng đe dọa cũng đã dịu giọng.

Dấu hỏi sau vòng bỏ phiếu thứ hai còn là vấn đề an ninh, vốn đã tăng lên với nguy cơ khủng bố và căng thẳng địa chính trị. Khoảng 12.000 đến 45.000 cảnh sát và hiến binh được huy động tùy theo ngày, đỉnh cao là lễ khai mạc, một con số kỷ lục. Nhưng nhiều người lo ngại việc chuyển sang cục diện chính trị mới, chỉ vài ngày trước khi Thế Vận Hội khai diễn, sẽ dẫn đến các cuộc biểu tình trên đường phố, dưới sự quan sát của toàn thế giới, và sự hiện diện của 200 nguyên thủ, chính khách cao cấp.

Hình ảnh nước Pháp và vị thế của tổng thống Pháp sẽ bị ảnh hưởng trên trường quốc tế, vào lúc Thế Vận Hội phải là "tủ kính" cho sự thành công của Pháp. Nạn nhân liên đới sắp tới có thể là Thế vận hội mùa đông 2030 mà Pháp là ứng cử viên duy nhất sắp được trao quyền, nay có nguy cơ bị lung lay. Ngay sau hôm giải tán Quốc hội, Ủy ban Olympic cảnh báo đang chờ sự bảo đảm tài chánh của chính phủ sắp tới ngày 24/07, thời hạn cuối bỏ phiếu. Với những rối loạn hiện nay và nhiệt tình giảm sút, vùng núi Alpes có thể mất đi cơ hội.

Ukraine : Từ chạy tốc độ đến marathon

Nạn nhân của những thay đổi chính trị ở Pháp còn là Kiev, khi tổng thống Emmanuel Macron đang xông xáo trên tuyến đầu ủng hộ Ukraine, đã mất đi ít nhiều vị thế trên trường quốc tế. Le Monde nhận định "Tại Ukraine, cuộc chiến sẽ còn kéo dài". Tờ báo miêu tả, thêm vào những hồi còi báo động phòng không tại Kiev, nay còn có thêm tiếng rì rầm của những chiếc máy phát điện. Bởi vì Nga không chỉ nhắm vào những người lính trên chiến hào hay các khu dân cư trong đô thị, mà còn cố tình phá hủy một cách có hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây cúp điện thường xuyên, làm người dân mệt mỏi.

Hành động này theo luật pháp quốc tế bị coi là tội ác chiến tranh, đã gây thiệt hại 50% năng lực ngành điện Ukraine và đánh vào các nơi dự trữ. Mục đích là làm cho cư dân không thể sống được. Làm thế nào sống sót trong mùa đông mà không có hệ thống sưởi ? Kharkiv, thành phố lớn thứ nhì của đất nước thường xuyên bị oanh kích, được cho là để người dân không chịu được phải ra đi.

Cuộc chiến của Vladimir Putin tiến hành đã gần hai năm rưỡi, những chiếc máy phát điện, những người lính chiến trong quân phục đi bên cạnh quan tài của đồng đội đến nhà thờ đã trở thành những hình ảnh quen thuộc đến bi thảm tại Kiev. Chiến tranh tiêu hao, chiến tranh thường trực, cuộc chiến còn kéo dài vì đối mặt là Nga với nền kinh tế, quân đội và xã hội đã được tổ chức lại để phục vụ cho cuộc xâm lược. Trong cuộc kháng chiến vệ quốc, người Ukraine đã đạt đến giai đoạn mới : kiệt sức trong cuộc chạy đua tốc độ, người ta hiểu rằng trên thực tế cần phải chạy marathon đường dài trên mọi lãnh vực, mà nhạy cảm nhất là động viên thêm quân.

Vùng cấm bay ở miền tây ?

Viện Quan hệ Quốc tế và New Europe Center tổ chức tham khảo các viên chức dân sự và quân sự Ukraine, đa số ẩn danh, đều cho biết ý tưởng các hướng dẫn viên nước ngoài đến huấn luyện tân binh sẽ nâng cao tinh thần người dân đồng thời là cảnh báo cho Nga. Trong chính quyền, cả Quốc hội lẫn tổng thống Volodymyr Zelensky đều đã vượt quá nhiệm kỳ 5 năm, và trong thời chiến không cách nào tổ chức bầu cử. Nhưng Ukraine không phải là Nga : ý thức dân chủ đã bắt rễ và đòi hỏi minh bạch không biến mất trong thời chiến.

Riêng những người Ukraine có nhiệm vụ sáng tạo trong việc sản xuất drone và vũ khí thì vô cùng năng động, họ hoan nghênh việc hợp tác với kỹ nghệ quốc phòng Châu Âu - một dấu hiệu khác của cuộc chiến lâu dài. Nhưng kỹ nghệ cũng là mục tiêu phải bảo vệ, Kiev đang mơ đến "no-fly zone", vùng cấm bay ở miền tây đất nước, nhằm giữ an toàn cho các các nhà máy quan trọng, kho dự trữ năng lượng và cho dân di tản, tránh một đợt người tị nạn mới sang Liên Hiệp Châu Âu.

Đây là thế lưỡng nan muôn thuở cho các đồng minh. Một mặt, thương lượng gia nhập EU đã được mở ra từ thứ Ba 25/06, các thỏa thuận an ninh đã được ký, thượng đỉnh NATO vào tháng 7 sẽ là một bước tiến dù nhỏ bé. Mặt khác, lo ngại phản ứng của Nga, Washington vẫn từ chối trao cho Ukraine phương tiện quân sự để chiến thắng và tránh kịch bản xung đột đóng băng có lợi cho Moskva. "Hãy tháo những sợi dây đang trói tay chúng tôi !", dân biểu đối lập Oleksiy Goncharenko đòi hỏi. Nhưng khả năng này khó thể xảy ra với các cuộc bầu cử tại Pháp và Hoa Kỳ. Một viên chức cao cấp ở Kiev cho rằng "thời điểm Churchill" chỉ đến khi Nga tấn công một nước thành viên NATO, và điều này theo ông là chắc chắn.

Joe Biden và Donald Trump chuẩn bị so găng

Nhìn sang nước Mỹ, tất cả các báo đều chú ý đến sự kiện hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump vào tối nay lần đầu tiên trực tiếp tranh luận kể từ năm 2020. Libération coi đây là một cuộc tranh luận "đầy cạm bẫy, với tầm vóc lớn", và dẫn lời một nhà quan sát nhận định "quan trọng nhất kể từ cuộc so tài giữa Kennedy và Nixon, năm 1960".

Le Figaro cho biết những ngày gần đây ông Joe Biden đã rời Washington đến Trại David ở bang Maryland, có một phòng thu dựng lại y như của CNN, nơi mà ông sẽ tranh luận với đối thủ ở Atlanta hôm nay, vào khoảng 3 giờ sáng Paris. Một ê-kíp 16 cố vấn và chuyên gia được huy động, luật sư riêng của Biden là Bob Bauer đóng vai Donald Trump. Ông Bauer từng nhập vai rất đạt năm 2020, kể cả việc sỉ nhục Biden như Trump. Phía đảng Cộng Hòa cũng hàm ý là Donald Trump đang chuẩn bị. Nhưng Trump tin tưởng vào khả năng trời phú của mình, và chế giễu Biden, nói rằng đối thủ sẽ dùng "doping". "Trước khi tranh luận, người ta sẽ chích vào mông ông ta".

Cuộc đối mặt một tiếng rưỡi đồng hồ giống như một cuộc song đấu giữa hai kẻ thù hơn là hai đối thủ chính trị. Cả hai chấp nhận không ghi chép, không công chúng, không trao đổi với các cố vấn trong thời gian giải lao, và hai nhà báo dẫn chương trình có thể cúp micro nếu quá hạn định cho phép. Bất kỳ sai lầm nào cũng vô cùng tai hại cho mỗi bên, bởi vì số cử tri độc lập có thể nhảy sang phía đối thủ. Đây là khởi đầu chính thức cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, đã trở thành sự kiện khiến toàn cầu theo dõi, có thể xảy ra những bất ngờ.

Thụy My

Published in Quốc tế

Thế Vận Hội Paris 2024 : Niềm tự hào quốc gia

Các bước chuẩn bị cho Thế Vận Hội Olympic Paris 2024, tình hình Trung Đông, lạm dụng tình dục trong ngành điện ảnh Pháp nằm trong số những chủ đề được các tờ báo Paris quan tâm nhất hôm nay 10/05/2024.

olympic1

Vận động viên bơi lội Florent Manaudou cầm ngọn đuốc Olympic trên thuyền "Belem", cảng Marseille, Pháp, ngày 08/05/2024. Reuters - Denis Balibouse

Nhật báo Le Monde dành trang nhất và bài xã luận nói về niềm tự hào của nước Pháp khi chuẩn bị tổ chức Thế Vận Hội 2024. 78 ngày trước khi diễn ra lễ khai mạc, tờ báo phân tích về sự kiện mà Pháp đã không tổ chức trong một thế kỷ. Nhưng kể từ khi Paris chính thức giành quyền đăng cai Olympic 2024, những tranh cãi và lo ngại xung quanh sự kiện đã lấn át cả niềm tự hào của việc tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Ngọn đuốc Olympic đã tới Marseille ngày 08/05. Le Monde nhấn mạnh đây là khởi đầu của một hành trình trước những con mắt trên toàn thế giới hướng về nước Pháp. Lòng nhiệt thành của quần chúng đối với quá trình rước đuốc đi kèm với những lễ hội được tổ chức tại Marseille là một tín hiệu đáng khích lệ cho những sự kiện được tổ chức sau đó. Điều này cho thấy những gì Olympic và Paralympic có thể mang lại : Cơ hội để cùng nhau tham gia một sự kiện với không khí lễ hội mà Pháp đang cần hơn bao giờ hết.

Ngọn lửa thế vận giờ sẽ được truyền tay trên khắp nước Pháp với 10.000 người rước đuốc, từ những nhân vật nổi tiếng cho đến những người vô danh, từ những vận động viên giàu thành tích cho đến gia đình những nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố. Họ đều đại diện cho một nước Pháp hết lòng vì sự kiện lớn của đất nước, sự kiện mà ai cũng có thể đóng góp theo cách của mình.

Tờ báo nhận định những khoảnh khắc mà đất nước có thể đoàn kết thực sự quá hiếm hoi để bỏ qua. Ở một nước Pháp ngày càng bị chia rẽ và thường xuyên bị bôi nhọ trong mắt thế giới, Thế Vận Hội sẽ là sự kiện quý giá mà mọi người đều có thể tận hưởng.

Những tranh cãi về tính hữu ích của việc tổ chức một sự kiện như vậy vào thời điểm thế giới bước vào giai đoạn chuyển đổi sinh thái là điều đã được lường trước. Thế giới đã có nhiều thay đổi từ thời điểm Paris nộp đơn ứng cử cho đến lúc chính thức giành quyền đăng cai Thế Vận Hội. Nhưng Paris đã bỏ ra rất nhiều công sức cho sự kiện này. Le Monde cho rằng Olympic 2024 có thể sẽ là cầu nối giữa những gì đã được thực hiện trong quá khứ với những điều mà Thế Vận Hội sẽ hướng tới trong tương lai.

Ngoài giá vé đắt đỏ, hầu hết các trở ngại đều đã được khắc phục. Khâu chuẩn bị không chậm tiến độ hay không có sự chênh lệch lớn nào về tài chính được ghi nhận. Mặc dù không phải tất cả cơ sở hạ tầng đã được khánh thành, hầu hết đều được hoàn thành đúng thời hạn. Cuối cùng, thách thức chính của Olympic sẽ là tìm cách bảo đảm cho sự kiện này không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề về an ninh, trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định.

Le Monde kết luận Pháp sẽ không được lợi gì nếu thất bại trong việc tổ chức Thế Vận Hội. Các chính trị gia dường như cũng đã thức tỉnh về vấn đề này. Sau những bất đồng trong những tháng đầu tiên, cuối cùng mọi người cũng đều hướng về cùng một mục tiêu. Trong vòng chưa đầy ba tháng nữa, Paris nói riêng và Pháp nói chung sẽ phải cho thế giới thấy một hình ảnh tích cực về đất nước và tự nhủ rằng người Pháp có đủ mọi khả năng biến kỳ Thế Vận Hội này thành niềm hạnh phúc, niềm tự hào tập thể và dân tộc.

Israel phải từ bỏ chiến dịch tấn công vào Rafah

Nhìn sang Trung Đông, xã luận của tờ La Croix quan tâm đến những hành động tiếp theo của quân đội Israel ở dải Gaza. Có nên phá hủy Rafah hay không ? Chính quyền Israel đang lưỡng lự ? Giả thuyết này bị các đồng minh của Nhà nước Do Thái cực lực phản đối. Từ góc độ quân sự, việc nghiền nát thành phố 1,4 triệu dân này được coi là biện pháp duy nhất để tiêu diệt tận gốc những lực lượng còn sót lại của Hamas, tổ chức Palestine đứng sau vụ tấn công khủng bố ngày 07/10/2023. Tuy nhiên, đây là điều không thể chấp nhận về mặt ngoại giao, và cũng là minh chứng của thái độ "đi đến cùng" của Israel, không quan tâm đến nỗi khổ đau và mạng sống của dân thường. Về mặt nhân đạo, Tel-Aviv đã có những hành động bị thế giới lên án sau sáu tháng liên tục tấn công dải Gaza. Một cuộc tấn công tàn khốc mới nhắm vào Rafah sẽ khiến Israel thực sự bị cô lập.

Đồng minh quan trọng nhất của Nhà nước Do Thái là Hoa Kỳ đã gia tăng áp lực với Israel trong những ngày gần đây. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 08/05 đã thừa nhận việc bom "sản xuất tại Mỹ" giết chết dân thường ở dải Gaza là hành động "sai trái". Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024 đang bước vào giai đoạn quan trọng và chủ nhân Nhà Trắng rõ ràng đang muốn lấy lòng những cử tri trẻ tuổi ủng hộ Palestine. Nhưng điều này có nghĩa là đã đến lúc Israel phải thừa nhận chiến thắng của họ chưa trọn vẹn và sự trả thù của họ đã đi đến giới hạn.

Nhật báo công giáo kết luận an ninh của đất nước không chỉ phụ thuộc vào kết quả trên chiến trường, và về lâu dài, Israel sẽ phải đạt được một thỏa thuận chính trị với Palestine. Nhà nước Do Thái không được phép phá hủy Rafah, và phải dừng cuộc chiến của họ.

Lạm dụng tình dục : "Chủ đề cấm kỵ" trong ngành điện ảnh Pháp

Tại Pháp, trang nhất và bài xã luận của tờ Libération chú ý đến nạn lạm dụng tình dục trong ngành điện ảnh. Vài ngày trước khi Liên hoan phim Cannes 2024 khai mạc, việc chủ tịch Trung tâm Điện ảnh và Hoạt hình Quốc gia (CNC) Dominique Boutonnat vẫn tại chức khiến giới trong nghề cảm thấy bất bình và hoang mang, khi ông sẽ bị xét xử vào tháng 6 tới vì tội lạm dụng tình dục người con đỡ đầu.

Giới điện ảnh Pháp đang trong tình trạng nín thở. Tố cáo hành vi xâm phạm tình dục có phải là điều ai cũng muốn làm, nhưng không ai dám làm ? Liệu liên hoan Cannes năm nay có trở thành một cuộc "thanh lọc" trong hậu trường của điện ảnh Pháp hay không ? Cuộc điều tra mà nhật báo thiên tả công bố về lãnh đạo CNC khiến mọi người bàng hoàng. Sẽ bị xét xử ngày 14/06 vì tội "lạm dụng tình dục" con đỡ đầu, Dominique Boutonnat vẫn phủ nhận mọi cáo buộc và tiếp tục hành xử như không hề có chuyện gì xảy ra.

Ông Boutonnat vẫn luôn nhận được sự hậu thuẫn từ các bộ trưởng Văn Hóa, nhưng một bộ phận lớn những người trong ngành điện ảnh Pháp đang kêu gọi ông từ chức. Libération nhắc lại những lời lẽ gay gắt của diễn viên Judith Godrèche tại Thượng Viện vào giữa tháng 3 : "Điều quan trọng là CNC phải có một lãnh đạo hoàn toàn trong sạch trong khi ngành điện ảnh đang ngày càng bị vẩn đục".

Xuất hiện tại Mỹ vào năm 2017 với vụ bê bối Harvey Weinstein, phong trào #MeToo đã phải mất 7 năm để vượt Đại Tây Dương, khi một số nữ diễn viên tìm cách phá vỡ sự im lặng, như Adèle Haenel đã gây tiếng vang lớn khi rời khỏi buổi lễ trao giải César năm 2020 sau khi Roman Polanski nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất. Sau các vụ án Depardieu, Jacquot hay Doillon, liệu liên hoan phim năm này có chứng kiến những cuộc "thanh lọc" trong ngành hay không ? Nhiều người đang mơ về điều đó, và một số khác thì đang run sợ.

Pháp : Bạo lực giao thông gia tăng

Vẫn tại Pháp, nhật báo thiên hữu Le Figaro dành trang nhất nói về bạo lực giao thông. Ngày càng có nhiều người thừa nhận đã từng chửi bới trong lúc lái xe, xuống xe để gây lộn với những người lái xe khác… Đối với nhiều hiệp hội, thói quen lái xe của người Pháp cho thấy một xã hội ngày càng hung hãn.

Pierre Lagache, phó chủ tịch liên đoàn chống bạo lực giao thông, không ngạc nhiên khi ghi nhận những căng thẳng ngày càng gay gắt giữa những người lái xe ô tô. Quan sát này hiện đã được chia sẻ rộng rãi. Các hiệp hội quan tâm đến việc "sống chung hòa bình" trên mạng lưới gần 21.000 km tuyến giao thông trên toàn nước Pháp, ghi nhận sự suy đồi trong cách ứng xử của những người lái xe. Một sự suy thoái trở thành tiền đề cho bạo lực hàng ngày, khiến mọi người phải chịu rất nhiều áp lực, với những vòng quay tàn bạo của bánh xe, những cú nhấn ga dữ dội đi kèm và những lời lăng mạ được tuôn ra.

Trong một nghiên cứu được công bố vào đầu tuần, Vinci Autoroute Foundation, cơ quan chuyên thăm dò về thái độ khi lái xe, đã báo cáo về sự suy đồi đáng lo ngại nói trên. Vô lăng trở thành dụng cụ để trút giận. 67% người được hỏi thừa nhận đã lăng mạ những người lái xe khác, 32% cho biết cố tình "đâm" vào đuôi xe khác và 55% bấm còi khi gặp những tài xế khiến họ khó chịu. Tệ hơn nữa, 18% thừa nhận đã xuống xe để đánh nhau. Cũng từ nghiên cứu này, nếu thống kê ở riêng châu Âu, dường như người Pháp là quán quân về thói lái xe hung hãn.

Pháp tìm biện pháp chống chọi nắng nóng

Về vấn đề khí hậu, nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất nói về việc các thành phố ở Pháp đang tìm những biện pháp chống chọi với nắng nóng. Mùa hè sắp đến, nhiều người lo lắng về những đợt nắng nóng tới đây, đặc biệt tại các thành phố lớn. Báo cáo thứ 6 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) dự đoán, từ giờ đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trên hành tinh của chúng ta sẽ tăng thêm từ 2°C đến 5°C. Cục khí tượng Météo France ước tính nước Pháp từ giờ đến năm 2050 sẽ hứng chịu nhiều đợt nắng nóng hơn, đồng thời nắng nóng sẽ dữ dội hơn và kéo dài hơn. Còn theo Cục Quản lý Môi trường và Năng lượng (Ademe), hiện tại có sự chênh lệch từ 2°C đến 3°C giữa thành phố và nông thôn, và mức chênh lệch lên tới 10°C trong các đợt nắng nóng. Mặc dù nhiệt độ không lên đến 62,3°C như ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 17/03, các thành phố của Pháp đang tìm các biện pháp chống chọi với hiện tượng Trái đất nóng lên.

Sophie Blanc, thuộc công ty Tribu, một công ty ở Paris chuyên hỗ trợ các thành phố như Villeurbanne, Chambéry hoặc Vitry-sur-Seine trong chiến lược thích ứng với nắng nóng, nhấn mạnh : "Hiện tượng này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các thành phố lớn mà cả các thành phố mọi quy mô". Yann Daoulas, giám đốc tiếp thị tại Kermap, một công ty khởi nghiệp phát triển chuyên môn về hình ảnh trên không và vệ tinh để phân tích độ che phủ của cây, khẳng định : "Ban đầu chỉ có thành phố lớn tiếp cận chúng tôi, nhưng giờ đây chúng tôi cũng được cả các thị trấn nhỏ mời gọi".

Nhiều biện pháp chống nắng nóng đã được Ademe thống kê, từ những biện pháp xanh lá cây (sử dụng thực vật) cho đến màu xanh lam (liên quan đến nước, chẳng hạn như phun sương)…

Phan Minh

Published in Quốc tế

Thế Vận Hội Paris 2024 : Paris muốn "thanh lọc xã hội", "che giấu những khốn khổ"

Những vấn đề xoay quanh kỳ Thế Vận Hội 2024, do Pháp đăng cai, diễn ra vào mùa hè này được nhiều báo Pháp số ra hôm 22/03/2024 quan tâm, từ những cuộc đấu khẩu giữa Nga và Ủy ban Olympic Quốc tế, cho đến cách mà Paris "dọn sạch" thành phố để đón khách, bị lên án là "thanh lọc xã hôi".

thevanhoi1

Những người vô gia cư dựng lều cạnh Quảng trường Trocadero ở Paris. AFP/Joel Saget

Le Monde chạy tựa "Chiến tranh lạnh giữa Moskva và Ủy ban Olympic Quốc tế - CIO". Trong tuần vừa qua, 19/03, CIO đã thông báo không cho phép các vận động viên Nga và Belarus có mặt trong buổi diễu hành khai mạc sự kiện. 

Nếu CIO coi sự tham gia của các vận động viên Nga là "tuyên truyền chính trị", "phá hủy hình tượng của Olympic", thì Nga, ngay lập tức đã đáp trả, coi quyết định của CIO này là "chính trị hóa thể thao", "phân biệt đối xử", "chuyển từ phân biệt chủng tộc sang chủ nghĩa tân phát xít". Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, mà hai bên đã có nhiều màn đấu khẩu gay gắt từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra.

Le Figaro cho biết vào kỳ Thế Vận Hội Paris 2024, cho đến nay chỉ có 12 vận động viên Nga và 7 vận động viên Belarus đủ điều kiện tham gia thi đấu, trong số gần 6000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, họ không được phép mang cờ Nga hay Belarus, và phải thông qua một bài kiểm tra lập trường, liệu phản đối hay ủng hộ Nga xâm lược Ukraine. Nhật báo cánh hữu cũng cho biết, để theo đuổi sự nghiệp thể thao, nhiều vận động viên Nga hay Belarus đã lựa chọn lưu vong, hoặc đổi quốc tịch sang nước khác như Pháp, Tây Ban Nha, hay Serbia để được tham gia vào các sàn đấu quốc tế.

Cuộc thanh lọc xã hội

Libération thì dành hồ sơ lớn nói về Thế Vận Hội Paris 2024, nhưng quan tâm đến cách mà Paris "che giấu những sự khốn khổ" của thành phố để tiếp đón hàng triệu du khách nhân dịp này. Từ năm ngoái, Paris đã thực hiện nhiều cuộc di dời những người vô gia cư, không giấy tờ, hoặc các nơi lưu trú của những di dân, các ổ mại dâm, hay những người sống ngoài lề xã hội, ra xa khỏi thủ đô. Nhiều người bị đưa đến các nơi cư trú tạm thời cách xa Paris, nhưng không rõ sau đó sẽ ra sao. Các tổ chức phi chính phủ lên án hành động này chẳng khác nào cuộc "dọn dẹp xã hội", để thành phố có vẻ "tiệt trùng" trước Thế Vận Hội.

Xã luận nhật báo cánh tả cho rằng đây chính là những mặt tối của những tấm huy chương lấp lánh. Các thành phố đồng tổ chức sự kiện đều có xu hướng xây dựng các tòa nhà mới, phủ xanh, làm sạch các khu phố đường xá… và xua đuổi, xóa bỏ những hình ảnh bẩn thỉu, che giấu sự khổ đau, để không làm hỏng bữa tiệc thể thao. Thế nhưng, theo cây bút xã luận, nghịch lý là Paris đã đưa ra lời hứa về một Thế Vận Hội mở cửa cho tất cả mọi người nhưng lại đóng cửa với một số thành phần không may mắn.

Các giải pháp di dời những người tị nạn, kém may mắn đó chỉ là tạm thời đến mức mà các hiệp hội phi chính phủ không ngần ngại lên án một cuộc "thanh lọc xã hội", coi đó như là một vết nhơ của Thế Vận Hội, vốn là sự kiện thể thao muốn thể hiện những giá trị đạo đức, sự tôn trọng và tình hữu nghị, và những giới hạn bị phá bỏ.

Nga : Putin thắng nhờ gian lận bầu cử

Về thời sự nước Nga, cuộc bầu cử tổng thống Nga kết thúc vào cuối tuần vừa qua, với chiến thắng không có gì bất ngờ thuộc về Vladimir Putin. Báo Le Monde số ra hôm nay có tựa "Tại Nga : Hé lộ quy mô gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống". Các báo độc lập của Nga ước tính "khoảng 22 đến 36 triệu lá phiếu đã bị đánh cắp, trong tổng số 76 triệu cử tri". Tại những phòng bỏ phiếu có các giám sát viên độc lập, tỷ lệ bầu cho Putin rơi vào khoảng 60%, nhưng vắng bóng họ, tỷ lệ này là 99, 100%. Có những khu vực như Saratov, Kemerovo, Tatarstan, Mordovia… được coi là những kho phiếu của điện Kremlin vì có thể dễ dàng gian lận mà không hề hấn gì.

Thông tín viên của Le Monde nêu ra những chiêu trò gian lận trong cuộc bầu cử này, chẳng hạn như sửa tên ứng viên được bầu : lấy 100 lá phiếu bầu cho Vladislav Davankov, tính thành lá phiếu cho Putin ; hoặc nếu không bầu cho Putin thì lá phiếu đó có thể không hợp lệ… Tại một phòng bỏ phiếu ở Moskva tỷ lệ phiếu bầu cho Putin là khoảng 57% lúc mở phiếu nhưng đã lên đến 87% lúc công bố kết quả. Ngay cả tỷ lệ tham gia bầu cử cũng có thể bị khai man. Chưa kể đến các lá phiếu gửi bằng đường bưu điện hoặc trực tuyến, mà nội dung bầu cho ai "là một ẩn số". Mục đích cuối cùng của những hành vi gian lận này là làm sao để các lá phiếu bầu cho Putin hoàn toàn áp đảo các ứng viên khác. Tại Nijni Taguil, một ngày sau cuộc bỏ phiếu, thị trưởng của thành phố 350 000 ngàn dân, đã công khai bày tỏ ý định sa thải tất cả các nhân viên đã không đi bỏ phiếu nhưng không nêu rõ làm sao xác định được những người này.

Theo Le Monde, để ngăn chặn, hoặc giảm thiểu các hành vi gian lận thì cần phải có nhiều giám sát viên, vốn làm tình nguyện, đủ can đảm để cầm điện thoại ghi hình tại gian lận, dù luật Nga cho phép. Từ sau cuộc bầu cử hôm Chủ nhật 17/03, nhiều chuyên gia muốn ước tích mức độ gian lậu, qua việc sử dụng phương pháp "Chpilkine", tức là xác định các phòng bỏ phiếu có kết quả bất thường, không giải thích được, và hầu hết các lá phiếu đều bầu cho Putin.

Mỹ quay lưng với Israel về vấn đề ở Gaza ?

Về chiến sự ở Gaza, La Croix Le Figaro đều quan tâm đến lập trường của Hoa Kỳ trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas từ ngày 07/10 năm ngoái. Hôm 20/03, Hoa Kỳ đã đệ trình một dự thảo về nghị quyết ngừng bắn "ngay lập tức và lâu dài" ở Gaza, "quay lưng lại với đồng minh Israel", như nhận định của La Croix. Trong khi trước đó, chính Hoa Kỳ đã 3 lần phủ quyết các nghị quyết tương tự ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

Nhật báo công giáo La Croix chỉ ra rằng Washington đã không che giấu những bất bình với Nhà nước Do Thái sau các vụ "tắm máu" trong các buổi phân phát thực phẩm cứu trợ, về nạn đói đang hoành hành tại dải đất này cũng như các cáo buộc từ các tổ chức phi chính phủ lên án chính quyền Biden tạo "vỏ bọc ngoại giao cho những hành động tàn bạo đang diễn ra ở Gaza". Không chỉ riêng Hoa Kỳ gây sức ép mà Pháp cũng đang xem xét các dự thảo nghị quyết ngừng bắn tại Gaza. Canada cũng thông báo ngừng gửi vũ khí cho Israel. Phiên họp của Hội đồng Châu Âu tại Bruxelles vào ngày 21-22/03 cũng thảo luận về một văn bản kêu gọi lệnh ngừng bắn lâu dài.

Theo Libération, Hoa Kỳ có thể đề xuất bỏ phiếu cho nghị quyết vào cuối tuần này. Về mặt lý thuyết, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an mang tính chất bắt buộc, áp dụng đối với tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc, nhưng nhật báo cánh tả cho rằng không ai ở New York, Tel Aviv hay Gaza quá trông mong vào những nghị quyết này, liệu có thể tạo ra tác động nhanh chóng trên chiến trường hay không. Libération nhận định rằng chỉ có thể hy vọng vào các cuộc đàm phán ngoại giao được thực hiện tại khu vực trong nhiều tuần qua để có được lệnh ngừng bắn ở Gaza, trao trả các con tin hay việc vận chuyển hàng viện trợ cứu giúp những người dân Gaza cận kề nạn đói.

Pháp giảm phát thải carbon nhờ điện hạt nhân

Về thời sự nước Pháp, trang nhất Le Figaro chạy tựa lớn "Phát thải khí CO2 : Pháp đạt chỉ số xanh nhờ năng lượng hạt nhân". Một báo cáo được công bố trong tuần vừa qua chỉ ra rằng vào năm 2023, lượng khí thải CO2 của Pháp giảm 4,8%, tương đương với 19 tấn CO2, so với năm 2022.Theo nhật báo cánh hữu, Pháp có thể đạt được điều này là nhờ vào việc sử dụng lại nguồn điện ít phát thải carbon, do nhiều nhà máy hạt nhân đã hoạt động trở lại. Không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, mà lượng carbon thải ra môi trường cũng đã giảm thiểu trong một số hoạt động công nghiệp, giao thông…

Xã luận Le Figaro coi đây là một lý do để lạc quan. Kết quả này có thể đạt được không phải chỉ vì các hoạt động kinh tế bị chậm lại, mà còn là nhờ vào các cải cách có lợi cho môi trường từ nhiều năm qua. Không chỉ riêng Pháp mà các nước Châu Âu như Đức và Anh cũng đã ghi nhận giảm phát thải carbon. Tờ báo kết luận : "điều này chỉ ra rằng hoàn toàn có thể kết hợp giữa phát triển kinh tế và chống lại biến đổi khí hậu. Hy vọng rằng đây sẽ là một tấm gương mà Trung Quốc, nhà phát khải khí CO2 lớn nhất thế giới, có thể noi theo". 

Thắt chặt kiểm soát Hồng Kông, chiến thắng của Tập Cận Bình 

Nhìn sang Châu Á, xã luận Le Monde đề cập đến tình hình ở Hồng Kông, với luật an ninh quốc gia mới vừa được thông qua hôm 19/03 vừa qua. Tờ báo cho rằng đây là một "chiến thắng" của Tập Cận Bình khi đã thành công kiểm soát hòn đảo từng là thuộc địa của Anh. Bộ luật mới này bổ sung cho luật an ninh được đưa ra vào năm 2020 với những quy định về hình sự nặng nhất kể từ năm 1997. Cụ thể, án chung thân được đưa ra đối với các tội như phản quốc, nổi loạn, hành động phá hoại gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, ăn cắp bí mật quốc gia, gián điệp, can thiệp từ nước ngoài. 

Theo Le Monde, hiện Hồng Kông có cả một kho vũ khí đầy ắp những cách thức đàn áp, tương tự như ở Trung Quốc. Các nhà đối lập không có nhiều lựa chọn, một là lưu vong, hai là bị bỏ tù. Văn bản được thông qua một cách nhanh chóng cho thấy mức độ ưu tiên của chính quyền Bắc Kinh. Giờ đây, Hồng Kông đúng là đã trở thành "một thành phố của Trung Quốc" và điều này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với các quyền tự do và nhân quyền. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải dè chừng và phải có những chính sách đề phòng rủi ro, như là đã áp dụng với Trung Quốc.

Vẫn về Châu Á, về phần mình, Les Echos quan tâm đến một báo cáo của World Inequality Lab, chỉ ra rằng tại Ấn Độ 1% những người giàu nhất nắm giữ 40% tài sản của đất nước. Đây là một tỷ lệ kỷ lục, cao nhất từ năm 1964. Một nhà phân tích so sánh các chính sách điều hành nền kinh tế của Ấn Độ với "chủ nghĩa tư bản thân hữu". Trong hai nhiệm kỳ của thủ tướng Narendra Modi, nhiều tập đoàn lớn đã nhanh chóng phát triển. Các tập đoàn này đã kinh doanh độc quyền trong nhiều lĩnh vực, bằng cách tận dụng những ưu đãi của chính phủ. Chẳng hạn như trường hợp của tập đoàn Gautam Adani, do tỷ phú Mukesh Ambani là chủ sở hữu, ông cũng được coi là người giàu nhất Châu Á.

Chi Phương

Published in Quốc tế