Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/08/2024

Điểm báo Pháp - Kursk : Dân Nga nếm mùi loạn lạc

RFI tiếng Việt

Tấn công vào Kursk : Dân Nga nếm mùi loạn lạc, người Ukraine lên tinh thần

Các bài phóng sự của đặc phái viên Le Monde và Le Figaro tại tỉnh Kursk của Nga và thành phố biên giới Sumy của Ukraine hôm nay 14/08/2024 cho biết, chiến dịch tiến công thần tốc của Kiev tạo cú sốc lớn cho người Nga, còn quân dân Ukraine phấn chấn hẳn.

loanlac1

Các quân nhân Ukraine sau khi làm nhiệm vụ tại tỉnh Kursk (Nga) trở về thành phố Sumy (Ukraine) gần biên giới ngày 14/08/2024. AP – Yevgeny Maloletka

Trở về với thực tại chính trị của nước Pháp sau một Thế vận hội Paris 2024 thành công rực rỡ. Cuộc tiến công sang đất Nga của quân đội Ukraine kéo dài đã hơn một tuần là thách thức lớn cho Vladimir Putin. Đó là hai chủ đề chính trên báo chí Pháp hôm nay, bên cạnh cuộc đối thoại gây tranh cãi giữa ông Donald Trump và tỉ phú Elon Musk và tình hình vẫn còn bất ổn ở Bangladesh.

Táo bạo đánh sang Nga để phá thế bế tắc

Trong bài xã luận "Sự đặt cược táo bạo với cuộc tấn công của Ukraine vào Nga", Le Monde nhận định sau hơn hai năm chiến đấu kiên cường để bảo vệ đất nước, Kiev quyết định đưa chiến tranh sang bên kia biên giới. Từ ngày 06/08, lực lượng Ukraine đã chiếm được cả ngàn cây số vuông đất ở tỉnh Kursk.

Cũng như thất bại ban đầu của cuộc xâm lăng năm 2022, Moskva đã bộc lộ những nhược điểm : thiếu tin tình báo, phân tích tình hình sai lạc và thiếu chuẩn bị. Chiến dịch bất ngờ này là cú đòn nặng nề cho Vladimir Putin. Ông ta tố cáo Ukraine "oanh kích bừa bãi vào mục tiêu dân sự", một sự vô liêm sỉ khi quân Nga lâu nay tha hồ oanh tạc vào các thành phố Ukraine để khủng bố dân thường và phá hủy tối đa các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Tuy hàm chứa rất nhiều rủi ro cho bộ tham mưu Ukraine, nhưng trước mắt chiến dịch đã mang lại ưu thế. Các đồng minh của Kiev không chỉ trích cuộc tiến công. Ngay cả Đức vốn rất dè dặt cũng nói rằng để tự vệ, một nước có quyền mở rộng chiến dịch sang phần đất của kẻ xâm lăng mình. Trong nhiều tháng qua, phương Tây không cho phép dùng vũ khí viện trợ nhắm vào Nga, làm tăng sự bất bình đẳng trong cuộc chiến phi đối xứng và dẫn đến ngõ cụt.

Song song với việc đánh sang Nga, tổng thống Volodymyr Zelensky vốn cứng rắn đã để ngỏ cho thương lượng. Giờ đây Nga không còn có thể ung dung bắn phá Ukraine mà không sợ bị trả đũa. Buộc Moskva phải trả giá đắt cho chiến tranh, kể cả với những hành động chỉ mang tính biểu tượng, là chọn lựa duy nhất để ngưng cuộc chiến, nếu không phải là đạt đến hòa bình.

Hơn 200.000 dân Nga ở Kursk hoảng loạn chạy trốn

Le Figaro ghi nhận, lần đầu tiên từ sau Đệ nhị Thế chiến mới có một quân đội nước ngoài tấn công vào đất Nga, khiến 200.000 người Nga vội vã di tản trong hoảng loạn. Theo Tass, khoảng 400 trại tạm cư đã sẵn sàng đón tiếp 30.000 người tị nạn từ nhiều vùng. Những người sơ tán đầu tiên đã đến Moskva vào đầu tuần bằng các chuyến tàu đặc biệt. Việc đối thủ dễ dàng tấn công làm dấy lên một làn sóng chỉ trích về sự chủ quan của các lực lượng ở biên giới và sự "dối trá" của các cấp chỉ huy. Tờ Kholod viết, đã là năm thứ ba chiến tranh, tại sao các đơn vị biên phòng lại không thể chống đỡ được.

Đặc phái viên Le Figaro tại Kursk nói về sự hoang mang và tình tương trợ trước cuộc đột phá của Ukraine. Hàng ngàn người tị nạn tràn ngập thủ phủ khu vực. Phóng viên tả lại, một hồi còi báo động vang lên nhưng đám đông mấy trăm người xếp hàng chờ nhận đồ cứu trợ chỉ xôn xao một chút, không ai muốn mất chỗ, có người đã chờ bốn, năm tiếng đồng hồ. Khoảng vài chục tình nguyện viên phân phát hàng từ Voronej gần đó và từ Saint Petersburg hay Moskva. Người tị nạn nhận được những túi xách lớn quần áo và hàng thiết yếu, và thường có cả nệm. Câu nói nghe nhiều nhất là "Chúng tôi đã mất tất cả".

Matvei, 29 tuổi, vẫn mặc quần short, mang dép, chỉ kịp chụp lấy passport và cùng vợ con chạy khỏi nhà khi quân Ukraine xuất hiện trong thành phố, phải bỏ lại con mèo của gia đình. Một người tình nguyện vui mừng cho biết sau khi kêu gọi đã được nhiều người nhanh chóng chuyển tiền giúp dân tản cư. Maria, một người tị nạn, nói cảm thấy ấm lòng, nhưng tiếc là chính quyền trợ giúp 10.000 rúp (110 euro) chỉ một lần, trong khi họ mất nhà, mất việc, không còn kế sinh nhai.

Chủ tịch thành phố bỏ chạy trước tiên

Bên cạnh đó, chính quyền không có thông tin và không cảnh báo khi Ukraine xâm nhập, không tổ chức sơ tán trong những ngày đầu, và điều này đã để lại ấn tượng tiêu cực. Trên mạng xã hội, những lời kêu gọi giúp đỡ di tản nở rộ. Nhiều người bị kẹt ở Sudzha đang phải trốn trong hầm trong khi chờ đợi tiếp cứu, không điện nước, không mạng điện thoại. Lyubov ở Kursk đi khắp thành phố dán những tấm giấy ghi "Tôi tìm cha mẹ" và vẫn đang tìm kiếm ở các trung tâm cứu trợ.

Phải hai ngày sau khi lực lượng Ukraine tấn công mới thấy xuất hiện những chiếc xe buýt sơ tán ở cách trung tâm Sudzha nhiều cây số. Lera, một nữ sinh viên ở Korenevo, thành phố nhỏ đã trở thành điểm nóng, tố cáo "Chính chủ tịch thành phố là người chạy trốn đầu tiên, bỏ lại mọi người phía sau". Vẫn còn nhiều người già kẹt lại, cú sốc của chiến dịch tiến công thấy rõ nơi người dân.

Matvei tức giận vì "cả chính quyền địa phương lẫn quân đội đều không sẵn sàng đối phó", "chẳng ai bảo vệ biên giới ngoài một ít lính quân dịch và lính Chechnya chỉ giỏi khoác lác trên TikTok". Khu học xá đại học Kursk trở thành một trong những trại tạm cư, với 500 người tị nạn. Một người về hưu than thở : "Làm việc cả đời, nhận lương hưu rồi bây giờ lại trắng tay". Tại khu phố gần nhà ga Kursk, đám đông hiếu kỳ quan sát một tòa nhà bị hư hại vì mảnh vỡ hỏa tiễn Ukraine bị phòng không bắn trúng. Chiến tranh bỗng đến quá gần.

Tinh thần quân và dân Ukraine lên cao

Về phía những người lính Ukraine sang đất Nga chiến đấu, đặc phái viên Le Monde ở vùng biên giới Sumy nhận thấy tinh thần họ được nâng cao. Những người trở về giữ trong điện thoại rất nhiều hình ảnh tù binh Nga. Viên chỉ huy có bí danh "Gerar" đưa cho xem hình những người lính Ukraine tươi cười trước chiếc thiết giáp, bên chân họ là một tù binh Nga.

Khi đến Sumy, nơi xuất phát để tiến qua đất Nga, những chiến binh của lữ đoàn tấn công 225 phải ký giấy cam kết không đưa bất cứ tin gì lên mạng xã hội. Một người lính gốc Belarus cho biết ở bên kia biên giới Nga đang "rất hỗn loạn". Sau những ngỡ ngàng ban đầu, đòn lăng nhục cho Kremlin tiếp tục gây phấn khởi trong dân chúng Ukraine. Đến lượt tỉnh Belgorod ở gần Kursk cũng đã phải đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Một làn gió tự hào thổi lên khắp cả đất nước đã mệt mỏi sau hơn hai năm chiến đấu chống xâm lược. Ở Sumy, những chiếc xe mang dấu hiệu tam giác màu trắng của cuộc tiến công không ngớt qua lại, cho thấy quy mô của chiến dịch. Tại một trạm xăng, bốn người lính từ đất Nga quay về kể lại "người Nga hoàn toàn bị sốc", quân Nga gồm lính trẻ và biên phòng nhanh chóng bỏ chạy khỏi vị trí trong những ngày đầu.

Tiến nhanh nhưng cảnh giác trên đất Nga

Nhiều lính Nga cởi bỏ quân phục, mặc đồ dân sự, số khác bị bắt làm tù binh. Chiến sĩ mang bí danh "Kep" cho xem một video với mấy chục lính Nga bị bịt mắt và trói tay, trong một hành lang tối mờ. "Yaropolk" giải thích mục đích là tiến thật nhanh và càng xa càng tốt, không có thời gian dừng lại. Họ ít gặp thường dân trong những ngôi làng đi qua, một số đã bỏ chạy, số khác lánh mặt. "Kep" kể : "Tất nhiên họ không đón chúng tôi với những cành hoa, nhưng họ nói không ưa Putin. Tôi thì chẳng tin".

Các quân nhân Ukraine đều thận trọng trên đất Nga, "Kep" nêu ra nguy cơ gặp lính Nga mặc thường phục. Họ có thể sống trong hầm nhà nhiều tháng, nên phải kiểm soát. "Sanders" nói thêm : "Hơn nữa, cũng có thể gặp phải một ông già lẩm cẩm chĩa súng ra vì tưởng Đức quốc xã quay lại". Không ai biết chiến dịch sẽ kéo dài bao lâu, nhưng họ khẳng định mục đích là làm giảm áp lực ở miền đông Ukraine, và giành càng nhiều đất càng tốt để sau này trao đổi lấy những vùng đất đã bị Nga chiếm.

Iran : Phe cực đoan chiếm ưu thế sau khi thủ lãnh Hamas bị trừ khử

Tại vùng đất nóng bỏng khác là Trung Đông, Libération cho biết phe cứng rắn đang thắng thế ở Iran, sau khi thủ lãnh chính trị Haniyeh của Hamas bị tiêu diệt. Chưa đầy hai tuần sau khi được tổng thống cải cách Masoud Pezeshkian bổ nhiệm làm phó tổng thống phụ trách các vấn đề chiến lược, nhà ngoại giao Mohammad Javad Zarif đã từ chức.

Tuy có ý định lập một nội các ôn hòa để tái lập đối thoại với phương Tây, với hy vọng được dỡ bỏ cấm vận, ông Pezeshkian hôm Chủ nhật đành trao cho Quốc hội danh sách các thành viên chính phủ gồm nhiều nhân vật bảo thủ và chỉ có một phụ nữ duy nhất. Ông Zarif chịu nhiều sức ép vì các con ông mang quốc tịch Mỹ. Sự từ chức của ông Zarif cho thấy sự chia rẽ trong chế độ Iran về việc trả đũa Israel : một mình hay phối hợp với các lực lượng tay sai Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, nhóm vũ trang Shia ở Iraq.

Tổng thống Masoud Pezeshkian muốn đáp trả chừng mực, trong khi Vệ binh Cách mạng muốn ám sát cả các nhân vật Israel. Thương lượng đang diễn ra với phương Tây thông qua trung gian của quốc vương Oman để làm dịu bớt tình hình. Tuyên bố tối thứ Hai của Nhà Trắng dự kiến "một loạt tấn công chưa từng thấy ngay từ tuần này" cho thấy đàm phán có vẻ không đạt kết quả.

Trung Quốc phá một mạng lưới buôn bán xác chết quy mô

Tại Châu Á, có một vụ kinh dị nhưng không liên quan đến chiến tranh : Trung Quốc vừa phá vỡ một mạng lưới buôn bán xác chết. Ít nhất 75 nghi phạm bị bắt vì liên quan đến việc thu thập 4.000 xác từ các lò thiêu rồi bán cho những công ty chuyên ghép xương, cần thiết cho thẩm mỹ tái tạo, nhất là về răng.

Theo Le Monde, băng nhóm này gồm có các nhân viên, các lò hỏa táng đồng lõa và bác sĩ. Công an tịch thu ít nhất 18 tấn xương người và 34.000 mảnh xương dùng để ghép đã hoặc đang hoàn tất. Công ty Aorui Bio-Materials vốn là quốc doanh đã được tư nhân hóa, đạt doanh số 380 triệu nhân dân tệ (48,5 triệu euro) trong thời gian từ 2015 đến 2023. Các cơ sở hỏa táng ở Vân Nam, Trùng Khánh, Quý Châu, Tứ Xuyên chặt các thi thể một cách thô bạo để dễ vận chuyển đến Sơn Tây, nơi xử lý "nguyên liệu". Một bệnh viện của trường đại học Thanh Đảo, thủ phủ Sơn Đông cũng có thể liên quan.

Thông tin được luật sư nổi tiếng Yi Shenghua tiết lộ ngày 08/08 đã bị kiểm duyệt, nhưng nhiều bình luận vẫn còn trên Vi Bác (Weibo). Một người cảm thán : "Khi còn sống chúng ta là nô lệ, và khi chết thì thành vật liệu y tế". Người khác nêu ra trường hợp một cơ sở hỏa táng ở Cororado, Hoa Kỳ, bị tòa án phạt 950 triệu đô la vì để cho các thi thể bị hủy hoại. Ông Yi cho biết rất bị sốc vì vụ án rùng rợn này, nhất là theo luật Trung Quốc thì những tội phạm chỉ lãnh tối đa 3 năm tù.

Nạn đào trộm mộ vẫn tồn tại ở Trung Quốc, nhưng những năm gần đây những vụ lớn nhất liên quan đến buôn bán những bộ phận cơ thể người, đặc biệt là tử tù. Dù bị cấm từ 2015 nhưng tệ nạn này khó ngăn nổi. Hiện nay số vụ ghép nội tạng cao hơn nhiều so với số người hiến nội tạng, gây nghi ngờ. Quy định bắt buộc hỏa táng ở nhiều nơi khiến có những gia đình nông thôn tìm mua xác thay thế để tránh thiêu xác người thân, với giá cả ngàn euro. Các băng nhóm trộm xác ở nghĩa địa để bán và thậm chí có khi còn giết luôn người sống – theo nhiều vụ đã được tòa xử.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 122 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)