Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/08/2024

Điểm báo Pháp - Chiến binh Ukraine tại Kursk

RFI tiếng Việt

Dân Nga thờ ơ, chiến binh Ukraine tại Kursk vẫn cảnh giác

Sau khi Kiev làm cả thế giới kinh ngạc và " sương mù chiến tranh " lúc ban đầu, nay phóng viên Pháp đã có thể theo chân các chiến binh Ukraine vượt qua biên giới sang vùng đất Kursk của Nga. La Croix ngày 20/08/2024 nhấn mạnh, chiến dịch táo bạo khởi đầu từ ngày 06/08 đã giúp Ukraine kiểm soát được 82 khu định cư ở Nga và 1.150 kilomet vuông lãnh thổ.

kursk1

Một quân nhân Ukraine tuần tra tại thành phố Sudzha vừa chiếm được thuộc tỉnh Kursk của Nga, ngày 16/08/2024. AP

Dân làng ở Kursk : "Họ đã bỏ rơi chúng tôi !"

Vedmid (tức Gấu theo tiếng Ukraine), người chỉ huy đơn vị nói đùa "Chúng ta đang ở nước Cộng hòa Nhân dân Kursk". Những hào chống tăng do phía Ukraine đào trước đây đã được lấp, con đường được gỡ mìn. Sáng thứ Hai 19/08, ngôi làng Darino gồm vài chục căn nhà bao quanh một trục đường nhựa, chỉ có một đàn ngỗng qua lại. Nhà cửa không mang dấu vết nào của một trận đánh, trừ cửa kiếng của một tiệm buôn. Trường làng được sơn ba màu xanh trắng đỏ của cờ Liên bang Nga và tòa nhà hành chánh đối diện bị hư hại, mà theo Vedmid là do bom lượn của Nga. Có vẻ là đúng như vậy, xét về kích thước hố bom và sự tàn phá xung quanh.

Làng Obukhovka cách đó 5 kilomet về phía tây bắc thì sống động hơn. Aleksei, người đàn ông 64 tuổi đặt lên xe đẩy hai bình nước nặng nề lấy từ giếng làng, tỏ ra bình thản dù gần đó là các quân nhân Ukraine vũ trang. Ông ta tức giận về chính quyền của mình : "Chúng tôi không có nước, không điện, không có khí đốt, họ làm cuộc sống thành khốn khổ ! Sống sao bây giờ ? Tôi bị ung thư... Họ để người già ở lại, chạy đi hết rồi. Họ bỏ rơi chúng tôi". 

Kẹt lại trong vùng đất hẻo lánh này, người nông dân chỉ lo làm sao sống sót. "Tôi chẳng quan tâm việc người Ukraine kiểm soát. Tôi sinh ở Moldova, học ở Odessa và sống ở đây từ 27 năm. Ai làm chủ đất này cũng vậy, dân đều phải đóng thuế cả !". Aleksei cho biết phải sống dưới hầm nhà phân nửa thời gian trong ngày vì đạn pháo.

Binh sĩ Ukraine : "Chẳng thấy dân Nga ra đường biểu tình"

Cũng như ở Darino, tại làng Obukhovka không có công trình nào treo cờ Nga lẫn Ukraine. Sự hiện diện quân sự của Kiev chỉ tối thiểu, không có chính quyền nào quản lý. Dân số 270 người nay còn 50. Bà Tatiana, 73 tuổi cho biết "không sợ binh sĩ Ukraine". "Họ cho đàn gà của chúng tôi ăn, chẳng làm gì hại cả". Xưa kia bà vẫn sang Sumy của Ukraine mua sắm. "Người Ukraine bảo vệ lãnh thổ của họ", và nói thêm "Đây là đất Nga".

Những người lính Ukraine hoàn toàn ý thức điều này, họ luôn cảnh giác. Hãy còn vài lính Nga mặc xi-vin quanh quẩn đâu đây. Các quân nhân Ukraine không tự coi mình là người chiếm đóng vì chỉ chuyển cuộc chiến sang đất kẻ xâm lăng, không cướp bóc, hãm hiếp như quân Nga trên đất Ukraine. Hiện thời lực lượng Ukraine không gặp bất kỳ sự kháng cự nào từ dân Nga, dù là vũ trang hay ôn hòa. Người dân hoàn toàn thờ ơ, "Không ai ra đường biểu tình hay chận chúng tôi lại".

Mỗi khi chiếm được một ngôi làng, binh sĩ Ukraine kiểm tra từng nhà một, sợ rằng lính Nga còn ẩn núp, và hỏi han người dân về nhu cầu của họ cũng như thu thập thông tin. Nhờ lực lượng chính quy hỗ trợ, đơn vị của Vedmid dễ dàng chiếm được một vị trí địch, quần áo vẫn còn phơi đầy cho thấy lính Nga vội vã bỏ chạy. Ở ba điểm gần đó, một lính Nga tử thương, 18 bị bắt và 9 bơi qua sông trốn thoát. Chiến tranh đã trải rộng sang bên kia biên giới.

Phấn khích khi tiến sang phần đất kẻ xâm lược

Phóng sự của Le Figaro tại Sumy, vùng biên giới của Ukraine nằm sát Kursk, nhận xét "Đối với các chiến binh Ukraine, cuộc tiến công sang Nga là "một kiểu trả thù". Trên con đường từ Sumy đến Sudzha, thành phố vừa chinh phục được, cứ vài phút lại thấy chạy qua những chiếc xe tăng phủ lưới ngụy trang, thiết giáp của Mỹ, và nhiều xe vận tải mang dấu hiệu hình tam giác trắng, biểu tượng của chiến dịch. Thỉnh thoảng có những chiếc xe từ phía Nga chạy về, tam giác trắng thay cho "Z" chứng tỏ đây là chiến lợi phẩm.

Một người lính tên Petro tươi cười cho biết được điều đi một cách bất ngờ, anh "cảm thấy vui sướng, đó là một kiểu trả đũa thậm chí trả thù". Và là một sự sỉ nhục cho Nga : Cách đây 81 năm, cũng tại nơi này trận đánh Kursk là một bước ngoặt cho Châu Âu, Liên Xô đẩy lùi được phe quốc xã. Tất cả các quân nhân mà phóng viên Pháp gặp được ở biên giới Nga đều nói rằng chiến dịch "được chuẩn bị rất tốt", giữ bí mật đến phút cuối cùng. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 18/08 tuyên bố : "Nhiệm vụ chính là phá hủy càng nhiều càng tốt tiềm năng chiến tranh của Nga, phản công tối đa kể cả tạo ra một vùng đệm". 

Kiev đã chiếm được một phần đường xe lửa quan trọng cho hậu cần Nga và điểm trung chuyển khí đốt, thậm chí lập chính quyền quân quản ở thành phố Sudzha để lo cho một ít dân Nga còn ở lại, đa số đã di tản. Điều mỉa mai là bộ Tái hòa nhập các vùng đất bị chiếm đóng của Ukraine nay phụ trách các vùng đang chiếm của Nga, loan báo sẽ lập hành lang nhân đạo theo đúng luật quốc tế. Các chiến binh rất quyết tâm, cho biết Nga cố gắng đẩy lùi họ nhưng không thành công. Từ xa, những quả bom lượn vẫn đe dọa và drone Nga vẫn rình rập.

Người Nga sợ bị động viên tiếp

Từ Moskva, thông tín viên Le Monde cho biết "Sau khi chiến tranh bất ngờ lan sang Nga, người dân lo sợ một đợt động viên mới". Nằm cách mặt trận mới mở ra 500 kilomet, nhưng dân thủ đô Nga người thì dửng dưng, người lại lo sợ theo dõi "cuộc chiến tranh không nói ra ở Kursk".

Một làn sóng những áp-phích hai màu xanh lơ và xanh lá cây được dán ở lối vào các cửa hàng và các tòa nhà, nhắc nhở những công dân nam ở tuổi đi chiến đấu là Tòa đô chánh Moskva và Bộ Quốc phòng thưởng 5,2 triệu rúp (trên 50.000 euro) cho tất cả những người tình nguyện ra mặt trận. Một người dân tên Piotr nói : "Họ không ngừng tăng tiền thưởng, nhưng sắp tới khó tìm được người chịu ký hợp đồng và tất nhiên chính quyền sẽ phải ra thêm lệnh động viên. Mặt trận Kursk chứng tỏ cuộc chiến có thể mở rộng. Biên giới không được bảo vệ vì thiếu người và phương tiện, quân đội ngày càng cần thêm quân...".

Phe dân tộc chủ nghĩa đòi phải tổng động viên, tố cáo bộ tham mưu che giấu tình trạng nghiêm trọng ở Kursk. Nhưng Kremlin và bộ máy truyền thông muốn trấn an, gọi việc phản công ở Kursk đơn giản là "chiến dịch chống khủng bố", đã bắt đầu đẩy lùi "khủng bố xâm nhập". Các kênh truyền hình và mạng xã hội phục vụ chính quyền đưa hình ảnh những chiến binh Ukraine bị bắt, xe tăng bị phá hủy. Mỗi ngày lại tung ra những con số thiệt hại của "kẻ thù" và video tiêm kích Nga tấn công các mục tiêu, nhưng vô hình trung đã xác nhận bước tiến của Ukraine. Hôm thứ Bảy 17/08, Kremlin tố cáo Kiev dùng vũ khí phương Tây, có thể là Himars để phá một cây cầu.

Những trang tin độc lập như Agentstvo bắt đầu tiết lộ tầm cỡ của việc đưa lính quân dịch từ nhiều vùng đến hỗ trợ quân Nga ở Kursk. Nhưng trước máy truyền hình, công chúng Nga vẫn mơ hồ. Một nguồn tin thân cận Kremlin nói rằng những hình ảnh tô vẽ trên ti vi che giấu được sự thực với 90% dân Nga, Putin vẫn được tín nhiệm. Tổng thống Nga không đến vùng chiến sự, thỉnh thoảng thấy họp với các quan chức nhưng không hề có những bài diễn văn ái quốc hùng hồn. Các kênh thân chế độ tuyên truyền rằng quốc xã lại tấn công vào lãnh thổ nhưng Nga sẽ thắng, rằng Ukraine chỉ là nô lệ của NATO. Không ít người tin rằng lính Ukraine có sự hỗ trợ của "lính đánh thuê" phương Tây.

Kamala Harris : Tầm nhìn nào cho Mỹ quốc ?

Về bầu cử tổng thống Mỹ, Le Figaro chạy tựa trang nhất "Kamala Harris, thách thức của đảng Dân Chủ để chiến thắng Donald Trump". Trong bài xã luận "Kamala Harris, tầm nhìn nào cho nước Mỹ ?", tờ báo nhận xét tình hình đang thay đổi, bà phó tổng thống đang đuổi theo sát nút Donald Trump kể cả tại những bang then chốt. Harris chừng như huy động được giới trẻ và phụ nữ, hai thành phần quan trọng để chiến thắng. Bà đề nghị một loạt biện pháp kinh tế mang tính dân túy để làm tăng mức sống giới trung lưu.

Nhưng phe Dân Chủ vẫn chưa thấy mang lại một tầm nhìn về tương lai. Dù thích hay ghét Donald Trump, vẫn thấy rõ đường hướng của đất nước nếu ông quay lại Nhà Trắng. Còn Harris lại thường xuyên thay đổi ý kiến, tạo ấn tượng là người cơ hội - mà những người ủng hộ gọi là thực dụng. Bà mang nặng khuyết điểm là một người Dân Chủ ở California, vốn là bang có vô số điều quá đáng của xu hướng "woke" ; trong khi trận chiến quyết định là nơi vài bang người Mỹ trung lưu. Kamala Harris cần thuyết phục được cử tri bà là người cấp tiến về quyền cá nhân, ôn hòa trong các chọn lựa kinh tế.

Dân đói kém, Kim Jong-un hô hào "cách mạng vĩ đại"

Tại Châu Á, Bắc Triều Tiên đang có nguy cơ thiếu đói.  Le Monde nhận xét tuy Hàn Quốc vừa kỷ niệm 79 năm kết thúc chế độ quân phiệt Nhật, nhưng mối quan tâm chủ yếu lại hướng sang Bình Nhưỡng. Ảnh hưởng của trận lụt ở biên giới với Trung Quốc cùng với thời tiết xấu có thể làm sản lượng nông sản thu hoạch giảm hẳn, trong khi dân Bắc Triều Tiên tiếp tục bị suy dinh dưỡng.

Chương trình thúc đẩy sản xuất được Kim Jong-un đưa ra năm 2013 không đạt kết quả mong muốn. Bằng chứng là 72% người Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc từ 2016 đến 2020 cho biết tiêu chuẩn lương thực hàng ngày do chính quyền phân phối chỉ còn 400 gram một người, thay vì 600 gram như khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc.

Năm nay tình hình sẽ còn tệ hại hơn, dù Moskva đã cung cấp 1.270 tấn bột mì và 1.000 tấn bắp trong sáu tháng đầu năm. Sau đợt băng giá vào mùa xuân, cuối tháng 7 Bắc Triều Tiên bị mưa lũ tại các tỉnh Bắc Pyongan, du Chagang và Ryanggang làm 1.000 người thiệt mạng, 3.000 hecta đất nông nghiệp bị ngập lụt. Kim Jong-un đích thân đến vùng thiên tai và huy động đông đảo nhân lực, nói về "công trình tái thiết vĩ đại của cách mạng". Tuy nhiên Bình Nhưỡng từ chối viện trợ từ bên ngoài, nhất là đề nghị giúp đỡ của Hồng thập tự Hàn Quốc.

Địa ốc Trung Quốc khủng hoảng, kinh tế Úc bị vạ lây

Tác động domino từ kinh tế Trung Quốc tiếp tục diễn ra, và lần này thì Úc, nước xuất khẩu quặng sắt nhiều nhất thế giới phải rung chuông báo động. Bộ trưởng Tài chánh Jim Chalmers hôm qua cho biết ngân sách quốc gia có thể thiệt hại nhiều tỉ đô la. Những khó khăn của lãnh vực bất động sản Trung Quốc, đặc biệt là sự sụp đổ của tập đoàn Evergrande (Hằng Đại) dẫn đến việc xây dựng nhà ở giảm xuống, kéo theo nhu cầu vật liệu giảm. Hậu quả là giá quặng sắt sụt mất 38% kể từ đầu năm. Hồi tháng 5/2021 một tấn quặng sắt giá 230 đô la, đến ngày 15/08/2024 chỉ còn 100 đô la !

Trong khi kỹ nghệ này là then chốt cho kinh tế Úc ; năm 2023 Úc xuất khẩu 935 triệu tấn quặng sắt, chiếm 40% nhu cầu thế giới, và chỉ riêng Trung Quốc đã tiêu thụ 70% sản lượng. Cổ phiếu của Rio Tinto và BHP, hai nhà sản xuất lớn nhất của Úc sụt mất 20% kể từ đầu năm. Tập đoàn thép số một thế giới Bảo Vũ (Baowu) cảnh báo vấn đề sẽ còn kéo dài và trầm trọng hơn dự kiến. Trước tình hình u ám, Canberra sẽ phải xét lại chiến lược kinh tế, đa dạng hóa các đối tác thương mại và giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 94 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)