Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/08/2024

Điểm báo Pháp - Ukraine cần được phương Tây tiếp sức

RFI tiếng Việt

Sau cú đánh bậc thầy vào Kursk, Ukraine cần được phương Tây tiếp sức

Về việc quân đội Ukraine bất ngờ tấn công vào tỉnh Kursk của Nga, L'Express nhận định đó là "Ván bài tẩy của Kiev". Nhờ chiến dịch táo bạo này, Ukraine đã nắm lại thế chủ động trước Nga, nhưng hệ quả vẫn còn bất định. Le Point đánh giá là "cú đánh bậc thầy" của Ukraine, nhưng phương Tây cần giúp đỡ để Kiev không phải rút về trong những tuần tới.

kursk1

Các nữ chiến binh tình nguyện Ukraine thuộc một đơn vị cơ động chuyên bắn hạ drone Nga tập huấn tại Bucha, gần Kiev, ngày 03/08/2024. AP - Efrem Lukatsky

Thành phố biên giới Sumy nhộn nhịp, Ukraine cứu trợ dân Nga ở Kursk

Tại Sumy, thành phố 260.000 dân từng bị quân Nga bao vây hồi mùa xuân 2022, những hình tam giác trắng, tượng trưng cho chiến dịch Kursk xuất hiện khắp nơi. Đầy những xe tăng Ukraine trùm lưới ngụy trang, thiết giáp của Mỹ và xe tăng tịch thu được của Nga : kể cả ở Donbass, hiếm khi thấy số xe quân sự đông đảo như vậy. Các quân nhân mà đặc phái viên tuần báo Pháp tiếp xúc đều nói rằng một ngày trước cuộc tiến công, chỉ huy mới cho biết sẽ đánh sang Nga, và họ rất hài lòng vì có đủ đạn pháo cùng với các loại vũ khí chất lượng cao.

Hầu hết cư dân Sumy đều ủng hộ chiến dịch, vì họ ít bị Nga câu moọc-chê qua do tiền tuyến đã lùi sang phía đất Nga. Tuy nhiên nay quân Nga dùng nhiều bom lượn hơn. Nhiều người Ukraine hy vọng số đất giành được sẽ giúp trao đổi với những vùng đất đã bị quân Nga chiếm. Nhưng nhà phân tích Vitaliy Portnikov cho rằng việc từ bỏ Donbass hay Crimea rất nhạy cảm chính trị, thậm chí bất khả đối với Vladimir Putin. Tuy vậy sáng kiến táo bạo này tạo thế mạnh cho Kiev trong những cuộc đàm phán tương lai.

Hiện diện trên đất địch, quân đội Ukraine còn phải lo quản lý số thường dân Nga có thể là thù nghịch. Theo Moskva, khoảng 19.300 người Nga vẫn đang ở Kursk. Chính quyền quân quản Ukraine bắt đầu kiểm tra dân số và thống kê nhu cầu. Còn tại Sudzha, các quân nhân bắt đầu phân phát nước uống, thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng vệ sinh cho dân Nga. Kiev cho biết sẵn sàng mở hành lang nhân đạo, nhưng Moskva lẽ ra phải lo an nguy cho công dân mình, không hề đòi hỏi.

Nguồn lợi Nga không vô tận để kéo dài chiến tranh

L’Express thuật lại trường hợp bà Galina ở Kursk, hồi mới 6 tuổi từng thấy lính Đức tiến vào tận nhà, và tám thập niên sau lại là các chiến binh Ukraine. Các viên chức chính quyền bỏ chạy trước tiên cùng với gia đình họ, những người dân không có xe đành trốn trong hầm nhà. Oleg, con trai bà là doanh nhân đang đi công việc ở Moskva, lái xe về tìm mẹ, bị thương vì một drone nhưng rốt cuộc hai mẹ con được lính Ukraine giúp di tản sang Sumy. Họ là những người may mắn, vì bộ trưởng bộ Tái hội nhập các lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine cảnh báo sẽ không nhận tiếp những người Nga từ Kursk.

Diễn biến cuộc chiến sắp tới sẽ ra sao ? Không ai có thể đoán được. Theo New Stateman được Courrier International dịch lại, Nga được sự ủng hộ của Trung Quốc, Ấn Độ, và được Iran, Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí. Tuy nhiên nguồn lợi của Nga không phải vô tận. Hiện thời nhờ kinh tế chiến tranh và sản xuất gia tăng nhờ nhu cầu quân sự, kinh tế vẫn vững nhưng không kéo dài mãi. Nếu không có tiến triển đáng kể từ nay đến sang năm, tiếp tục chiến tranh không có lợi gì cho Vladimir Putin và cả Ukraine.

Đối với Volodymyr Zelensky, chỉ có một lối thoát duy nhất là quân Nga phải rút toàn bộ, còn Kremlin đòi được sở hữu bốn tỉnh đã tự ý sáp nhập là Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporijjia. Luật pháp quốc tế đứng về phía Ukraine, nhưng cuộc chiến không được giải quyết trước tòa án. Tờ báo cho rằng Kiev và Moskva rốt cuộc sẽ phải tìm ra một thỏa thuận, có thể vào năm tới. Không bên nào được đáp ứng hoàn toàn yêu sách của mình, nhưng đều tuyên bố chiến thắng, và thế giới đứng trước việc đã rồi.

Ukraine đang thắng thế ở Kursk, nhưng chỉ còn Anh và Ba Lan chung thủy

Le Point phân tích "Vì sao phải ủng hộ nỗ lực chiến đấu của Ukraine". Kẻ xâm lược nay bị xâm lăng ! Việc chiếm được một phần tỉnh Kursk của Nga là cú ra đòn bậc thầy của quân đội Ukraine. Để cú đột phá chiến thuật này trở thành chiến thắng về chiến lược và buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán, điều chính yếu là làm thế nào để Ukraine không phải rút về trong những tuần lễ tới. Muốn vậy, cần có sự ủng hộ quân sự liên tục, trước một kẻ địch mạnh hơn nhiều về vũ khí và quân số, áp lực ở Donbass vẫn không dịu bớt. Thế nhưng Châu Âu đang làm gì ?

Vào lúc sự táo bạo của Ukraine mang lại kết quả, thì Đức, quốc gia Châu Âu viện trợ quân sự nhiều nhất cho Kiev, lại quyết định giảm phân nửa số quân viện trong năm tới. Ukraine không còn là ưu tiên chính trị của Đức trong lúc các đảng cực hữu và cực tả thân Nga, theo các thăm dò, sắp sửa giành thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử tháng 9 ở các bang Saxe, Thuringe, Brandebourg.

Bức tranh cũng không mấy sáng sủa ở phần còn lại của Châu Âu. Tại Paris, "kinh tế chiến tranh" mà Emmanuel Macron hứa hẹn vẫn chưa thấy cụ thể hóa, khủng hoảng chính trị khiến chiến tranh Ukraine trở thành thứ yếu. Ở Ý, thủ tướng Giorgia Meloni không muốn lên tuyến đầu để chỉnh đốn đối tác thân Nga trong liên minh là Lega. Trong số các nước lớn Châu Âu, chỉ còn Ba Lan và Anh quốc là trung thành với Kiev.

Putin chỉ lùi trước sức mạnh, sao phương Tây thụ động lúc này ?

Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, Bỉ, Áo, Hungary vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của Ukraine. Vladimir Putin đang chống lại Châu Âu, chống lại quyền tự quyết của các dân tộc, chống tự do chính trị, chống lại tất cả những gì đe dọa quyền lực độc tài của ông ta. Nếu Ukraine bại trận hoặc bị chế độ chuyên chế Kremlin nuốt chửng vì phương Tây hèn nhát bỏ rơi, hậu quả về an ninh và ổn định sẽ rất trầm trọng cho châu lục. Các nạn nhân sắp tới sẽ là Moldova, Armenia, Georgia, các quốc gia vùng Baltic…

Khó thể trông cậy vào Hoa Kỳ. Dù Kamala Harris đã cam kết bảo vệ, nhưng Donald Trump vẫn chưa nói gì về chủ đề này, và người đứng chung liên danh là J. D. Vance đòi ngưng viện trợ cho Ukraine. Nhìn rộng hơn, người Mỹ có lý khi tự hỏi tại sao phải tiếp tục giúp đỡ Kiev nếu Châu Âu vốn bị ảnh hưởng trực tiếp lại từ chối.

Cuộc tiến công vào Kursk là một nỗ lực tuyệt vọng của Ukraine để vận động trở lại phương Tây, bằng cách chứng tỏ có thể cải thiện tình thế. Kiev hy vọng những tiến bộ trên chiến trường và khó khăn của quân Nga trong việc trả đũa, sẽ giúp phương Tây bớt e ngại leo thang. Kremlin phản ứng yếu ớt trước cuộc đột phá này, một lần nữa chứng tỏ Putin "mềm nắn rắn buông". Trong những điều kiện đó, sự thụ động ngày càng tăng của phương Tây vừa không thể hiểu nổi, vừa rất đáng lo.

Dân chủ là tôn trọng tự do ngôn luận lẫn nhân quyền

Libération cuối tuần dành hồ sơ cho "Pavel Durov, người che giấu quá nhiều". Việc bắt giữ tổng giám đốc Telegram gây sốc trên toàn thế giới và khiến tổng thống Pháp phải hai lần khẳng định không mang tính chính trị. Thậm chí hôm Chủ nhật, theo Libération, còn có trao đổi về vụ bắt giữ này giữa ông Emmanuel Macron và tổng thống Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Mohammed ben Zayed al Nahyane.

Durov, người Nga được nhập tịch Pháp qua thủ tục đặc biệt, còn mang cả quốc tịch của quốc gia Ả rập này và đảo quốc Saint-Kitts-et-Nevis, được Silicon Valley coi là người hùng của tự do ngôn luận. Tư pháp Pháp thì cho rằng Durov là người che chở cho những kẻ ấu dâm, buôn lậu vũ khí, tội phạm đủ loại. Telegram từ chối hợp tác với chính quyền trong hàng ngàn trường hợp.

Liệu có nên bảo vệ những người đối lập với các chính quyền độc tài nếu họ cũng bảo vệ những kẻ ấu dâm tồi tệ nhất ? Việc bị khởi tố gây khó cho ý định niêm yết Telegram trên thị trường chứng khoán, được ước tính 30 tỉ đô la. Dù sao đi nữa, theo Financial Times, mỗi năm Telegram vẫn bị lỗ 170 triệu đô la, tiền lời nhiều tỉ đô la chủ yếu kiếm được qua các giao dịch tiền ảo do Durov trực tiếp thực hiện.

Với bối cảnh đó, bảo vệ Durov để bảo vệ tính nặc danh của người sử dụng không có ý nghĩa gì : dân chủ không thể tự giới hạn nơi tự do ngôn luận trên các ứng dụng tin nhắn, mà còn phải tôn trọng những luật lệ bảo đảm quyền con người, kể cả quyền của trẻ em. Như vậy hệ thống tư pháp Pháp có trách nhiệm xác định xem Durov có vi phạm những quyền này hay không.

Buôn lậu ma túy, vũ khí… vẫn nở rộ trên Telegram

Trong khi đó, theo L’Express, các hoạt động bất hợp pháp tiếp tục nở rộ trên Telegram, việc buôn bán ma túy và lừa đảo vẫn tiếp diễn. Tuần báo đã thâm nhập nhiều kênh Telegram có hàng mấy chục ngàn thành viên, từ buôn lậu, hoạt động khiêu dâm cho đến bóp méo thông tin.

Trong một nhóm trên 1.500 thành viên, người bán khoe "những tờ bạc giả giống thật nhất" : 5.000 euro tiền giả bằng những tờ 20 và 50 euro được cho giá chỉ 250 euro. Trong một nhóm khác, súng bán tự động Arsenal Firearms Strike One Mark 2 giá 850 euro, súng săn 200 euro một khẩu. Còn ma túy, khác với tiền giả và súng được bán trong những nhóm kín, việc buôn bán cocain, cần sa, heroin diễn ra công khai, kể cả GHB được mệnh danh là "ma túy cho những người hiếp dâm". Chẳng cần phải tìm kiếm trên "dark net" vì phải có người giới thiệu, thật dễ dàng trên Telegram.

Nhân vật bí ẩn Pavel Durov che giấu những gì ?

Về vụ bắt giữ, bài điều tra của Libération cho biết thêm một số chi tiết. Hôm thứ Bảy 24/08, Pavel Durov tỏ ra rất bình tĩnh trước cảnh sát biên phòng khi vừa ra khỏi phi cơ riêng ở phi trường Bourget. Ông chủ Telegram 39 tuổi thản nhiên chờ đợi ở phòng VIP với cận vệ và cô bạn gái mới Yulia Vavilova, nhỏ hơn 15 tuổi, mang túi xách Dior. Theo Le Point, cô Yulia là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội về tiền ảo, nói được tiếng Nga, Tây Ban Nha, Anh, Ả Rập. Durov dọa cảnh sát rằng tổng thống đang chờ ông - và thực ra ông chủ Telegram cũng từng nhiều lần đến điện Elysée. Durov liên lạc với những người có ảnh hưởng, ê-kíp trung thành ở Dubai tiếp xúc với các luật sư nổi tiếng dù đang mùa nghỉ hè, và tỏ ra hợp tác : giao điện thoại di động và cả mật mã.

Le Point đặt vấn đề "Nhân vật bí ẩn Pavel Durov che giấu những gì ?". Việc bắt ông chủ Telegram cứ như trong bộ phim "Arrête-moi si tu peux" (Catch me if you can) dựa theo câu chuyện có thật của siêu lừa Frank Abagnale, được đạo diễn Steven Spielberg đưa lên màn bạc. Durov không bao giờ ở lâu một chỗ, mà di chuyển liên tục từ Luân Đôn tới Dubai, Phần Lan, Ý, Hoa Kỳ…

Ông chủ Telegram Durov từng có những hành động lập dị, như hôm 26/12/2012 đã tung 60.000 rúp qua cửa sổ ở Saint Peterburg để người đi đường lượm, những tờ giấy bạc này được xếp thành hình máy bay - logo của Telegram. Lần này Pavel Durov được cho là đến Azerbaijan để tìm cách gặp Vladimir Putin nhưng bị từ chối. Phải chăng Durov bị Pháp bắt để được bảo vệ, nhờ mang quốc tịch Pháp nên khỏi bị dẫn độ ? Dù kết cuộc của hồ sơ này như thế nào đi nữa, Pavel Durov vừa được ngưỡng mộ lại vừa tạo ra rất nhiều câu hỏi cho đến nay chưa có lời giải.

Lào còn ngập trong nợ nần với Trung Quốc suốt 20 năm nữa

L’Express tuần này nói về "Ngân sách : Nước Pháp không thể quản trị", Le Point ví von "Nước Pháp trên ngọn núi lửa", Le Nouvel Obs điều tra về một nhà tâm lý học gây tranh cãi. Hồ sơ của Courrier International bàn về việc làm thế nào sống tốt hơn tại các thành phố : tạo khu phố sinh thái, trồng cây trên nóc nhà, tiết kiệm nước… những biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Liên quan đến Châu Á, Courrier International trích dịch bài viết của The Diplomat, nhận định về "Lào, đất nước đang rệu rã" trước món nợ khổng lồ với Trung Quốc và cuộc khủng hoảng tài chánh từ hai năm qua. Nhà nước Lào đành phải giảm hẳn số công chức, khiến dịch vụ công vốn đã yếu kém nay chỉ hoạt động cầm chừng.

Trong thập niên 1980 và cuối những năm 2010, Lào không cần những người có chuyên môn. Đánh thuế ít và chỉ cung cấp một ít dịch vụ, vai trò của Nhà nước chỉ là ký hợp đồng đầu tư với các công ty Trung Quốc (chủ yếu về thủy điện và hầm mỏ), thông qua các dự án cải cách mà các tập đoàn đa quốc gia soạn giúp, và phân phối đủ tiền bạc cho các gia đình quý tộc đỏ cầm quyền, để đảng cộng sản khỏi chia rẽ.

Nhưng tất cả phải thay đổi từ những năm 2010, khi nền kinh tế đã lên đến 15 tỉ đô la thay vì 2,3 tỉ đô so với 20 năm trước ; dân số tăng thêm 3 triệu, đô thị hóa làm giảm đi sự tương trợ, người dân lệ thuộc hơn vào trợ giúp của xã hội. Nợ công vượt quá 125% GDP, chi cho giáo dục và y tế giảm hẳn, Ngân hàng Thế giới dự báo "một thập niên mất mát" cho trẻ em. Tội phạm tăng cao vì cảnh sát và tư pháp tham nhũng hoặc bất tài, nạn buôn người hiện diện khắp nơi. Ngày nay mạng lưới điện hoàn toàn do các công ty quốc doanh Trung Quốc nắm giữ, công ty điện quốc gia Lào đã bị thanh lý năm 2020. Liệu có thể cải thiện được hay không ? Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nợ công của Lào sẽ vẫn rất cao trong 20 năm tới.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 10 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)