Khó thể ngăn được chiến dịch của Israel, quốc tế lo sợ Lebanon rơi vào hỗn loạn
Ngoại giao bất lực ở Cận Đông : chính quyền Biden không gây được sức ép đáng kể lên thủ tướng Benjamin Netanyahou, các nước Ả Rập chia rẽ, Châu Âu ít có ảnh hưởng khiến cuộc chiến giữa Israel và Hamas trong ngõ cụt và mở rộng sang Lebanon.
Một tòa nhà bị hư hai sau trận không kích của Israel vào Hezbollah ở thành phố Wardaniyeh, Lebanon ngày 09/10/2024. Reuters - Stringer
Gaza sau một năm trở nên hoang tàn, cư dân sống trong cảnh hỗn loạn còn tại Lebanon, 1/5 dân số đã phải chạy trốn những trận oanh kích. Chính phủ Pháp muốn xem xét lại trợ cấp y tế cho người nhập cư bất hợp pháp, đã lên đến 1,2 tỉ euro một năm ; bên cạnh đó là tăng thuế lên đến 25 tỉ euro. Trên đây là những vấn đề được đưa lên trang nhất các báo hôm nay 09/10/2024.
Israel hy vọng đẩy Hezbollah khỏi Nam Lebanon vào cuối tháng
Les Echos cho biết Israel hy vọng trục xuất được phe Hezbollah khỏi Nam Lebanon trong vòng ba tuần tới, và một phần trong số 60.000 ngàn người dân sống gần biên giới lâu nay phải sơ tán, có thể quay về nhà vào cuối tháng 10. Quân đội Israel đang chạy đua với thời gian. Theo báo chí, có hơn 10.000 quân nhân Israel đang tảo thanh các làng mạc ở miền nam Lebanon, các trận đụng độ xảy ra hàng ngày. Một phát ngôn viên quân sự cho biết mấy trăm quân Hezbollah đã bị tiêu diệt, đã có 13 binh sĩ Israel hy sinh.
Không quân tiếp tục oanh tạc dữ dội các mục tiêu liên quan đến Hezbollah, để buộc phe dân quân Shia được Iran vũ trang phải rút lui về phía bắc, tránh xa khu vực biên giới. Ngay từ đầu chiến dịch, những nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Israel khẳng định cuộc tiến quân "giới hạn" về quy mô và thời gian, hàm ý chỉ vài tuần, cho đến khi Hezbollah không còn có thể bắn sang lãnh thổ Do Thái. Những người dân phải di tản từ gần một năm qua để tránh trận mưa rốc-kết và hỏa tiễn của phe Hồi giáo cũng như các thị trưởng miền bắc Israel hoan nghênh chiến dịch trên bộ.
Gabi Naaman, thị trưởng thành phố Shlomi có 7.500 dân, cho rằng đang tiến gần một bước ngoặt và bắt đầu chuẩn bị quay về trong một tháng tới. Nhưng Avishai Stern, thị trưởng Kiryat Shmona, thành phố bị rốc-kết Hezbollah bắn sang nhiều nhất, tỏ ra thận trọng hơn, nhấn mạnh cần phải hạ gục phe dân quân Shia mới thuyết phục được dân trở về. Trên mặt trận ngoại giao, hiện chưa thấy tia hy vọng nào mặc cho nỗ lực vận động ngưng bắn của Hoa Kỳ và Pháp.
Phương Tây và các nước Ả rập tỏ ra bất lực. Le Monde dẫn lời chuyên gia địa chính trị Nicole Gnesotto, phó giám đốc Viện Jacques-Delors : "Kể từ ngày 7 tháng Mười, phương Tây đối mặt với bốn nhiệm vụ có vẻ nghịch lý : ủng hộ quyền hiện hữu của Israel, quyền tự vệ của Nhà nước Do Thái, kêu gọi tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và tìm kiếm một giải pháp chính trị tiến đến một Nhà nước Palestine". Một nhà ngoại giao ở khu vực nhận xét, sau vụ thảm sát của Hamas, "khó thể khuyên can gì được với một đất nước bị chấn thương sâu sắc đến thế".
Trường học bị chiếm cứ, Lebanon lo ngại hỗn loạn
La Croix tố cáo "Các trường học ở Lebanon trong tay dân quân Shia". Nhiều trường mở cửa đón người di tản, nhưng dân quân Hồi giáo Hezbollah và Amal tự ý chiếm hữu luôn một số cơ sở. Nhân viên một trường tư cho biết quân Hezbollah phá cửa, chiếm tất cả các phòng học, phòng thí nghiệm, đe dọa những ai dám phản đối. Nhà trường không thể tiếp tục dạy học nên không thu học phí và không trả lương được cho cả trăm thầy cô giáo và phí sinh hoạt, học sinh bị thất học. Những trường công giáo, các tu viện bị cưỡng bức phải cho phe dân quân vào trú ẩn, lo ngại nếu có những nhân vật nguy hiểm trà trộn sẽ bị vạ lây vì Israel oanh tạc.
Trong khi quân đội Israel mở rộng cuộc tiến công trên bộ, chiến tranh đã làm trên 1,2 triệu người phải di tản ở Lebanon. Kể từ ngày 08/10/2023, khi Hezbollah khiêu chiến bằng những đợt rốc-kết đầu tiên vào Israel cho tới nay, đã có trên 2.000 người thiệt mạng ở Lebanon, trong đó đến 1.110 người chết kể từ ngày 23/09. Frédéric Cussigh, trưởng văn phòng ở Beirut của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (HCR) lo ngại : "Lebanon không ở cùng tình trạng như hồi chiến tranh năm 2006. Khả năng hành động bị hạn chế rất nhiều sau đại dịch Covid, khủng hoảng kinh tế và chính trị, vụ nổ cảng Beirut năm 2020".
Từ 2019, Lebanon đối mặt với khủng hoảng trong nhiều lãnh vực. Đồng tiền quốc gia bị mất giá đến 95%, nhiều vị trí trong chính phủ bị bỏ trống. Nhà nghiên cứu Vincent Gelot đánh giá : "Lebanon đã ở trong ngõ cụt, toàn dân bị nghèo đi, dịch vụ công sụp đổ, giới trẻ và y tế di cư ra nước ngoài". Le Figaro nhận xét "Cái chết của Hassan Nasrallah làm rung chuyển chính trường Lebanon". Hezbollah, đảng đang thống trị từ nhiều năm qua đã trở thành rắn mất đầu, các đối thủ chính trị hy vọng giành được lợi thế về phía mình.
Đánh thuế xe điện Trung Quốc : Châu Âu ra tay trả đũa
Ở Châu Âu trên lãnh vực kinh tế Le Monde đặt vấn đề "Đánh thuế xe điện Trung Quốc, rồi sau đó thì sao ?". Liên Hiệp Châu Âu (EU) vừa bước vào một kỷ nguyên mới trong quan hệ với các đối tác thương mại.
Hôm 04/10, khối 27 nước bắt đầu áp thuế lên xe hơi điện nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi điều tra cho thấy Bắc Kinh trợ giá ồ ạt cho các nhà sản xuất trong nước để không nước nào có thể cạnh tranh nổi. Thuế hải quan có thể lên đến 35,3% giá xe, cộng thêm 10% thuế đã có, nhằm đối phó với cạnh tranh bất chính vì nhà nước Trung Quốc trợ giá cho toàn bộ quy trình sản xuất, từ khai thác mỏ cho đến việc xây dựng nhà máy lắp ráp, phát triển phần mềm.
Bị chỉ trích là thơ ngây về tự do thương mại, rốt cuộc EU đã phải có biện pháp bảo vệ kỹ nghệ của mình. Sự thay đổi chủ trương này cũng đã gây lục đục trong nội bộ : đa số tán thành, nhưng Đức, Hungary, Malta, Slovenia, Slovakia phản đối.
Về chính trị, quyết định này là dấu hiệu quan trọng gởi đến Trung Quốc, vì thiết lập một tương quan lực lượng mới với "đối thủ mang tính hệ thống". Như thường lệ, Bắc Kinh cố gây chia rẽ Châu Âu với việc đe dọa trả đũa một số mặt hàng xuất khẩu sang Hoa lục. Không lùi bước, EU cho thấy lợi ích chung đã vượt lên trên lợi ích của quốc gia thành viên.
Chiến tranh thương mại EU-Trung Quốc đã được tuyên bố
Tuy nhiên về kinh tế, không nên chờ đợi phép lạ từ biện pháp bảo hộ. Các hãng xe Trung Quốc có thể tìm được cách tránh né để xâm nhập thị trường Châu Âu.Trước hết, sự khác biệt về giá cả cao đến nỗi dù đã áp thuế, giá một số kiểu xe Trung Quốc vẫn có thể chấp nhận được. Ngoài ra, nhiều dự án xây nhà máy của Trung Quốc tại Châu Âu đang được cụ thể hóa, các đầu tư này giúp tránh được trừng phạt. Như vậy đánh thuế không phải là giải pháp lâu dài. Dù tạm thời các hãng xe Châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm, nhưng không giúp vượt qua sự chậm trễ về công nghệ và sự lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Trên thực tế, Châu Âu đang trong tình trạng trái ngược với Trung Quốc cách đây 20 năm, khi động cơ nhiệt đang thống trị. Bắc Kinh thu hút đầu tư ngoại quốc, liên kết đối tác, áp đặt chuyển giao công nghệ, đồng thời lập ra một loạt quy định. EU nay có thể dùng cách thức tương tự. Chẳng hạn đòi hỏi một lượng lớn phụ tùng trong các xe do Trung Quốc sản xuất trên đất Châu Âu phải có xuất xứ Châu Âu, buộc sử dụng bình điện EU, và các nhà máy này không đơn giản là cơ sở lắp ráp mà phải có giá trị tăng thêm đáng kể.
Trong bài "Giữa Trung Quốc và Châu Âu, chiến tranh thương mại đã được tuyên bố", Les Echos cho biết ban lãnh đạo EU nói rằng vẫn hy vọng một giải pháp hữu nghị, nhưng xem chừng khả năng này ngày càng lùi xa. Tại Nghị Viện Châu Âu, các dân biểu hôm qua tranh luận về kỹ nghệ xe hơi châu lục, nhưng tờ báo tỏ ra bi quan : Liệu có thể làm gì hơn để đối phó với một nước tài trợ vô tội vạ cho các doanh nghiệp của họ ?
Kinh tế xuống dốc, dân Hoa lục chọn du lịch "low cost"
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos nhận xét trước tình hình kinh tế suy sụp, người dân Hoa lục chọn cách du lịch giá rẻ trong "Tuần lễ Vàng" tức "Golden Week". Kỳ nghỉ kéo dài một tuần nhân quốc khánh Trung Quốc 01/10 là dịp hiếm hoi để du ngoạn, vì kỳ nghỉ Tết âm lịch theo truyền thống luôn được dành cho gia đình. Tuy trùng hợp với kỷ niệm 75 năm thành lập Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng khủng hoảng đã khiến đa số người dân chọn đi du lịch nội địa, hoặc ra nước ngoài thì chủ yếu là Châu Á. Chỉ những người thuộc tầng lớp thu nhập cao mới chọn Tây Âu như Thụy Sĩ, Áo… Có đến 7/10 quốc gia được du khách Trung Quốc đến thăm trong kỳ nghỉ vừa qua nằm ở Châu Á.
Người gốc Ấn trở thành lực lượng chính trị tại Mỹ
Nhìn sang Hoa Kỳ, theo Le Monde, cộng đồng Ấn kiều nay có ảnh hưởng chính trị cao hơn cả trọng lượng dân số của quốc gia Châu Á này. Nếu Kamala Harris đắc cử, bà không chỉ là nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ mà còn là tổng thống gốc Ấn Độ đầu tiên. Còn nếu bà thất cử, người Mỹ sẽ có "Đệ nhị phu nhân" đầu tiên gốc Ấn. Usha Vance, vợ của J. D. Vance, người đứng chung liên danh với ông Donald Trump công khai cho biết theo Ấn giáo và ăn chay.
New York Times nhận xét "Người Mỹ gốc Ấn đã trở thành một lực lượng chính trị". Hiện có 5 thượng nghị sĩ, 40 đại diện lập pháp ở các bang là người gốc Ấn Độ. Thống kê mới nhất cho biết có 4,4 triệu người Ấn Độ tại Hoa Kỳ, đông đảo hơn cả cộng đồng người Hoa, và không chỉ ảnh hưởng trên chính trường. Trong số 500 công ty Mỹ lớn nhất, có 25 đang do người Ấn lãnh đạo trong đó có Microsoft, YouTube, Google, Adobe, con số này cách đây một thập niên là 11.
Sự gia tăng ảnh hưởng trùng hợp với việc các kỹ sư Ấn Độ đến Silicon Valley kể từ những năm 2000. Tại Hoa Kỳ, người Ấn Độ là di dân có lương và bằng cấp cao nhất. Báo chí Mỹ nêu ra lý do thành công là giỏi tiếng Anh - tiếng mẹ đẻ của giới tinh hoa Ấn, quen thuộc với hệ thống bầu cử tương đối dân chủ, trình độ giảng dạy trong các trường đại học về công nghệ. Tuy nhiên vấn đề đẳng cấp không được nói đến, có lẽ vì những người đẳng cấp cao muốn đặt trọng tâm vào tài năng hơn là nguồn gốc, nhưng đó là lý do khiến họ thành công.
Phân biệt đẳng cấp : Mặt tối của cộng đồng Ấn Độ
Shyamala Gopalan, mẹ của Kamala Harris, đến Mỹ năm 1958 ; Satya Nadella, tổng giám đốc Microsoft ; Sundar Pichai, tổng giám đốc Google hay Indra Nooyi, cựu tổng giám đốc Pepsico, tất cả đều là những người Tamil Brahmin tức Bà La Môn Tamil, thường được gọi là "tambram".
Cộng đồng nhỏ bé ở miền nam Ấn Độ chỉ chiếm 2 triệu người trong cả nước và 50.000 ở Hoa Kỳ, hiện diện đông đảo trong giới tinh hoa Mỹ. Đó là đẳng cấp cao nhất của người Ấn Độ, gồm giới tăng lữ và quý tộc. Đối với họ, toán học là một thứ tôn giáo và giáo dục là trên hết, họ yêu thích âm nhạc và múa cổ điển. Trong thời Anh đô hộ, đẳng cấp này chiếm các vị trí cao cấp trong bộ máy hành chánh. Khi Ấn Độ độc lập, quota được đặt ra để đẳng cấp thấp được tham gia, họ quay sang tin học và tạo lập những công ty tầm vóc quốc tế, hoặc ra nước ngoài.
Điều đáng chú ý là bà mẹ của Kamala Harris chọn đứng về phía đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Màu da khiến các "tambram" là thiểu số ở Mỹ và đôi khi bị kỳ thị, trong khi họ thuộc giai cấp được ưu đãi ở Ấn Độ. Đó là một trong những lý do khiến họ có mặt ở cả hai phía Cộng Hòa và Dân Chủ. Tại Hoa Kỳ, những người thuộc đẳng cấp tiện dân phàn nàn bị phân biệt đối xử ở các đại công ty, đây là mặt tối của cộng đồng người Ấn. Seattle là thành phố Mỹ đầu tiên chính thức cấm "kỳ thị liên quan đến đẳng cấp" vào tháng 2/2023. Cộng đồng Ấn Độ "nhập khẩu" đẳng cấp vào Hoa Kỳ, làm phức tạp thêm chính trường Mỹ.
Thụy My