Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/11/2024

Cuộc chiến tại Ukraine bước vào giai đoạn chiến tranh toàn diện

RFI tổng hợp

Tổng thống Ukraine không chấp nhận "ngừng bắn" hoặc "nhân nhượng" Nga

Thu Hằng, RFI, 08/11/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là khách mời tại cuộc họp thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu ở Budapest, Hungary. Trong ngày họp đầu tiên 07/11/2024, ông đã bác bỏ gợi ý thảo luận về ngừng bắn với Nga và nhân nhượng điện Kremlin, dù là nhỏ nhất, sau khi Moskva đòi phương Tây đàm phán để tránh gây chết chóc cho người dân Ukraine.

cocchien01

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo bên lề thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu, Budapest, Hungary, ngày 07/11/2024. AP - Denes Erdos

Trong cuộc họp báo bên lề thượng đỉnh, tổng thống Ukraine khẳng định "hiện giờ không thể nói đến ngừng bắn" vì như vậy "là vô trách nhiệm", nhưng ông không loại trừ khả năng "sẽ xem xét sau này". Trước đó, ông Zelensky cũng tuyên bố "nhân nhượng Putin" là "chuyện không chấp nhận được đối với Ukraine và là đòn tự sát cho toàn Châu Âu".

Tổng thống Ukraine cho biết đã gặp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và thảo luận về vấn đề hỗ trợ quân sự cho Kiev cũng như huấn luyện quân nhân Ukraine tại Pháp. Tổng thống Macron tái khẳng định "Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ và lâu dài chừng nào Ukraine còn cần" để "đạt được hòa bình công bằng và bền vững".

Tuy nhiên, theo AFP, ngày càng có nhiều lời kêu gọi đàm phán giữa Nga và Ukraine, trong đó thủ tướng Hungary. Ngày 07/11, ông Viktor Orban lại đề nghị ngừng bắn để "hai bên tham chiến có thời gian và không gian cần thiết để trao đổi và bắt đầu đàm phán hòa bình". Ông cũng cho rằng Châu Âu không thể một mình viện trợ cho Ukraine nếu không có đồng minh Mỹ, nhất là tổng thống tân cử Donald Trump đã hứa sẽ giải quyết chiến tranh Ukraine "trong vòng 24 giờ" với kế hoạch được cho là buộc Ukraine nhượng 20% lãnh thổ hiện do Nga chiếm đóng.

Nga dồn dập oanh kích hàng ngày

Về tình hình chiến sự, để khủng bố tinh thần người dân Ukraine, quân Nga dồn dập oanh kích trong những ngày gần đây. Ngày 07/11, Nga phóng drone tấn công thủ đô Kiev suốt 8 tiếng. Còn tại vùng Donetsk, miền đông, có 2 người thiệt mạng và 5 người bị thương trong một vụ oanh kích ở làng Mykolaivka. Nhưng thành phố Zaporijia, miền nam, bị thiệt hại nhiều hơn cả, với 4 người chết và hơn 40 người bị thương.

Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev cho biết thêm thông tin :

"Nga dùng tên lửa và bom bay tấn công trung tâm thành phố Zaporijia đến 5 lần trong ngày thứ Năm (07/11). Trong số những người bị thương, có rất nhiều trẻ em và một bé mới 1 tuổi. Một quả bom đã đánh trúng trung tâm điều trị ung thư, khoảng 10 tòa nhà và 40 ngôi nhà bị phá hủy. Ủy viên đặc trách nhân quyền Dmytro Libinets đã lên án những vụ tấn công này và đề nghị thế giới phản ứng.

Song song với những vụ tấn công bằng tên lửa và bom bay, các vụ tấn công bằng drone tự sát tầm xa do Iran sản xuất cũng xảy ra liên tục trong những tháng gần đây. Kể từ tháng 9, không một ngày nào mà không có hàng loạt drone tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.

Ở Kherson, miền nam Ukraine, nhiều drone tầm ngắn gắn thuốc nổ được quân Nga sử dụng để tấn công người dân đang đi bộ hoặc đi ô tô, cũng như các nhà hoạt động nhân đạo. Những vụ như vậy đã được ghi hình lại và đăng tải trên các mạng xã hội Nga. Ngoài những vụ tấn công nhắm vào người dân, còn phải kể đến cuộc tấn công mà Nga gia tăng cường độ ở miền đông Ukraine".

Thu Hằng

**************************

Hàn Quốc không loại trừ khả năng trực tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine

Thùy Dương, RFI, 07/11/2024

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 07/11/2024 tuyên bố Seoul không loại trừ khả năng điều chỉnh chính sách để có thể trực tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng điều động quân hỗ trợ Nga trong chiến tranh Ukraine.

cuocchien1

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong cuộc họp báo ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 07/11/2024. AP – Kim Hong-ji

AFP nhắc lại từ trước tới nay, Seoul vẫn phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine do chính sách của Hàn Quốc không cho phép họ cung cấp vũ khí cho các quốc gia đang có xung đột.

Trong cuộc họp báo vào hôm nay 07/11, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết : "Tùy theo mức độ can dự của Bắc Triều Tiên (vào chiến tranh Ukraine), chúng tôi sẽ điều chỉnh dần dần chiến lược hỗ trợ theo nhiều giai đoạn". Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc lưu ý là nếu cung cấp vũ khí cho Kiev, Seoul sẽ "ưu tiên cung cấp vũ khí phòng thủ".

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, ngay hôm nay, ông Park Chan-dae, người đứng đầu nhóm dân biểu đối lập tại Quốc Hội, đã kêu gọi chính phủ ngừng kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine, bởi Seoul không có lý do gì để phải vội vàng làm như vậy.

Theo tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, 11.000 binh sĩ Bắc Triều Tiên đã được triển khai tại vùng biên giới Nga Kursk, để hỗ trợ lực lượng của điện Kremlin đẩy lui lực lượng Ukraine đang chiếm đóng khu vực này.

Thùy Dương

***************************

Nga khẳng định không tìm kiếm đối đầu nhưng lên án phương Tây ủng hộ Ukraine

Thu Hằng, RFI, 06/11/2024

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga không tìm kiếm xung đột mà luôn gắn bó với nguyên tắc hợp tác đôi bên cùng có lợi. Ngày 05/11/2024, khi tiếp 28 tân đại sứ tại điện Kremlin, nguyên thủ Nga cũng lên án sự hỗ trợ của các nước phương Tây cho Kiev. Để tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine, ngày 06/11, Thượng Viện Nga phê chuẩn hiệp ước quốc phòng với Bắc Triều Tiên.

cuocchien2

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong lễ tiếp 28 tân đại sứ tại điện Kremlin, Moskva, ngày 05/11/2024. AP - Yury Kochetkov

Theo tổng thống Nga, chính sách thù nghịch của một số nước phương Tây nhằm "làm trầm trọng và kéo dài thêm" cuộc xung đột ở Ukraine là "hết sức sai lầm". Ông Putin cũng lưu ý mối quan hệ song phương giữa Nga và nhiều nước đã bị giảm tối đa, trong đó có Ý, Canada và Nhật Bản. Đài NHK của Nhật Bản cho biết chính quyền Tokyo duy trì lập trường cơ bản về những vấn đề liên quan đến Ukraine, sẽ được tân đại sứ chuyển đến Moskva, nhưng tiếp tục cam kết về mối quan hệ với Nga.

Để đối phó với liên minh hỗ trợ Ukraine, chính quyền Nga tăng cường hợp tác với Bắc Triều Tiên. Hiệp ước "Đối tác chiến lược toàn diện" được Thượng Viện Nga thông qua ngày 06/11, trong đó có quy định "hỗ trợ quân sự ngay lập tức" cho nhau trong trường hợp một bên bị tấn công. Hiệp ước được Hạ Viện thông qua ngày 24/10 và chỉ còn chờ tổng thống Putin ký phê chuẩn để chính thức có hiệu lực. Trong khuôn khổ hiệp ước này, Bắc Triều Tiên cử khoảng 12.000 lính sang hỗ trợ Nga chống Ukraine, trong đó có khoảng 11.000 người đang hoạt động ở vùng Kursk của Nga, giáp biên giới với Ukraine, theo khẳng định của tổng thống Zelensky.

Tối 05/11, trong buổi điểm tin hàng ngày, ông Zelensky khẳng định quân đội Ukraine đã giao tranh với lính Bắc Triều Tiên và "trận đấu đầu tiên này đã mở ra một trang mới cho tình hình bất ổn trên thế giới". Trước đó, trả lời đài truyền hình Hàn Quốc KBS, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraine Roustem Oumierov xác nhận có giao tranh và "ở quy mô nhỏ".

Ukraine bị Nga gia tăng oanh kích trong tháng 10, trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrsky, nhận định, đó là "một trong những đợt tấn công mạnh nhất của Nga kể từ đầu cuộc xâm lược".

Thu Hằng

********************

G7 và đồng minh quan ngại về việc Bắc Triều Tiên đưa quân sang Nga tham chiến chống Ukraine

Phan Minh, RFI, 06/11/2024

Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ý, Anh Quốc, Đức, Pháp và Canada), Hàn Quốc, Úc và New Zealand, hôm qua 05/11/2024, đã bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Bắc Triều Tiên điều binh lính sang Nga để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống Ukraine.

cuocchien3

Lính Bắc Triều Tiên nhận đồng phục tại một trại huấn luyện ở vùng Viễn Đông của Nga.

Tuyên bố chung của G7 và ba nước nêu trên, được AFP trích dẫn, nhấn mạnh "sự hỗ trợ trực tiếp của Bắc Triều Tiên trong cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, cho thấy sự tuyệt vọng của Moskva trong việc bù đắp những tổn thất, đồng thời đánh dấu sự lan rộng nguy hiểm của cuộc xung đột".

Các ngoại trưởng lên án sự hợp tác giữa Moskvavà Bình Nhưỡng "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất", cáo buộc Kremlin "mua trái phép" tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Đồng thời, G7 và đồng minh cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về rủi ro Nga chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Bắc Triều Tiên và khẳng định sẽ tìm những đối sách chống lại mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Moskvavà Bình Nhưỡng.

Vẫn về chiến tranh Ukraine, chính quyền Kiev, hôm qua, thông báo đang điều tra vụ sáu binh sĩ của họ bị hành quyết sau khi bị quân đội Nga bắt giữ ở mặt trận miền Đông. Theo Văn phòng Công tố Ukraine, ba trong số họ đã bị hành quyết hôm 23/10 sau khi bị bắt làm tù binh "trong một cuộc tấn công ở thị trấn Selydové". Ba người còn lại bị xử tử hôm 01/11 tại khu vực Pokrovsk.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Thùy Dương, Phan Minh
Read 88 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)